28 tháng 12, 2013

Hỏa Lò: Từ “địa ngục trần gian” đến “địa chỉ đỏ”

Nhà tù Hoả Lò (Maison Central) được thực dân Pháp xây dựng năm 1896 để giam giữ hàng ngàn chiến sỹ yêu nước và cách mạng Việt Nam. Ngày nay, nơi đây chỉ còn một phần diện tích để du khách đến thăm Thủ đô có thể tìm về nơi đã từng ghi những dấu ấn lịch sử.
Một phần bức tường trong khu tưởng niệm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh Huy Anh
Nhà tù lớn nhất Đông Dương
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp cho xây dựng một hệ thống pháp chế liên hoàn để phục vụ đắc lực cho bộ máy cầm quyền của thực dân Pháp đàn áp các phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, gồm Sở mật thám, Toà án và Nhà tù Hoả Lò tại trung tâm Hà Nội.
Để có đất xây dựng Nhà tù Hỏa Lò, thực dân Pháp đã di chuyển toàn bộ 48 hộ dân của làng Phụ Khánh tới khu vực phố Thể Giao ngày nay và cho tháo dỡ, di chuyển đình làng Phụ Khánh, chùa Lưu Ly, chùa Bích Thư, chùa Bích Hoạ, chùa Chân Tiên (chùa Chân Tiên hiện được toạ lạc tại số 151 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng). 
Bà Nguyễn Thị Hiên, Trưởng Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò nhấn mạnh, đây là một trong những nhà tù lớn, kiên cố bậc nhất ở Đông Dương lúc bấy giờ. Theo thiết kế được duyệt năm 1896, tổng diện tích Nhà tù Hoả Lò và những đường lân cận dẫn đến nhà tù là 12.908m2. 

Du khách bên những hình ảnh của các nữ cựu tù từng bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh Huy Anh
Thực dân Pháp đặc biệt chú trọng trong việc xây dựng và lựa chọn nguyên vật liệu xây dựng Nhà tù. Những thiết bị phụ kiện bằng kim loại phải được nhập từ nước Pháp, được kiểm duyệt nghiêm ngặt trước khi thi công. Kính tấm phải rất rõ và không có bọt, gạch dùng để xây dựng phải đ¬ược thấm nước thật kỹ trước khi xây. Những chỗ xây nối không dày quá từ 0,007m đến 0,008m... 
Các phòng giam tại Nhà tù có diện tích khác nhau, song được xây dựng theo cùng một kiểu thiết kế, nhà 4 mái, lợp ngói, tường xây gạch kiên cố, quét vôi màu xám, chỉ có một vài ô cửa nhỏ được trổ sát mái, khiến các phòng giam tối tăm, ngột ngạt.
Từ những quy định nghiêm ngặt như vậy, thực dân Pháp yên tâm và tự đắc cho rằng Nhà tù Hoả Lò “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, “con kiến cũng chẳng lọt qua được”…
“Địa ngục trần gian”
Hoả Lò được người biệt danh là “địa ngục trần gian” giữa lòng Hà Nội với tù nhân, từ những cú tát nảy lửa lúc vừa bước chân qua cánh cổng bằng gỗ lim nặng chịch (1,6 tấn), rồi bị gông cùm, đánh đập dã man trong các phòng biệt giam hay xà lim án chém.

Tù nhân bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh tư liệu
Những thế hệ tù đầu tiên ở Nhà tù Hỏa Lò là những người thuộc phong trào Cần Vương như khởi nghĩa Yên Thế. Kế tiếp là các vị Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc của phong trào Đông Kinh nghĩa thục, Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu của Việt Nam Quốc dân Đảng.
Nếu tính 2 người/1m2 giường nằm thì Nhà tù Hỏa Lò chỉ có thể chứa được 500 tù nhân, nhưng năm 1917 số lượng tù nhân thường xuyên lên tới 800 người, như vậy ngót một nửa số tù nhân phải nằm dưới mặt đất.
Trong Nhà tù Hoả Lò có khu giam đặc biệt, khu Cachot (ngục tối) để giam giữ, trừng phạt những người tù bị thực dân Pháp quy tội vi phạm nội quy, quy chế của nhà tù hoặc có hành vi chống đối (tổ chức đấu tranh, tổ chức vượt ngục, tuyên truyền cách mạng...). Phòng giam cachot rất tối tăm, chật hẹp, ngột ngạt, thiếu dưỡng khí. 
Tại Hỏa Lò, thực dân Pháp dùng nhiều hình thức, thủ đoạn đàn áp đối với các chiến sỹ yêu nước và cách mạng Việt Nam. Từ những thủ đoạn tra tấn, đánh đập dã man, bắt tù nhân khoanh tay, cúi đầu, cởi quần áo khi bị khám soát, phạt cùm chân sau đó mặc sức dùng dùi cui, gậy gộc đánh túi bụi vào khắp đầu, mình, tay, chân của tù nhân, nhốt vào cachot, phạt ăn cơm nhạt, bắt lao động nặng nhọc: sửa chữa nhà cửa, giã gạo, đi lao công tại các khu nhà ở của các giám ngục, đi lao dịch tại các chiến trường của thực dân Pháp... 
Đây cũng là nơi chứng kiến các cuộc đấu tranh chống lại chế độ giam cầm hà khắc bằng nhiều hình thức, từ hò la đến tuyệt thực; nhiều cuộc vượt ngục cũng đã diễn ra... Chi bộ đầu tiên của Nhà tù Hỏa Lò được thành lập do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Bí thư với mục tiêu “Biến nhà tù đế quốc thành trường học Cách mạng”...
“Hòa Lò” ngày nay
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô, năm 1993, một phần của Nhà tù Hoả Lò được sử dụng để xây dựng “Tháp trung tâm Hà Nội” (HaNoi Tower). Diện tích còn lại là 2.434m2 được quy hoạch bảo tồn thành khu di tích. 

Du khách đang thăm quan cửa cống, nơi đêm 24/12/1951, 16 tù chính trị Hỏa Lò chui theo cống ngầm sân trại tử hình thoát ra ngoài, 5 người trong số đó về được vùng căn cứ kháng chiến, tiếp tục tham gia chiến đấu. Ảnh Huy Anh
Theo bà Nguyễn Thị Hiên, tại di tích lịch sử Nhà tự Hoả Lò hiện trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật quý như: Máy chém, xà lim tử tù, cửa cống ngầm, sưu tập hiện vật về phi công Mỹ... 
Tại khuôn viên Đài Tưởng niệm của di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện nay thường xuyên diễn ra các chương trình hoạt động Dâng hương tri ân, báo công, giao lưu, thi tìm hiểu lịch sử Nhà tù Hoả Lò, nơi tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên, Đoàn viên cho nhiều cơ quan, trường học trên địa bàn TP Hà Nội. Nhà tù đã thành "địa chỉ đỏ" trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. 
Bà Nguyễn Thị Hiên cho biết, trung bình mỗi ngày, di tích Nhà tù Hỏa Lò đón khoảng 400 - 500 khách tới tham quan, trong đó 70% khách tham quan là người nước ngoài. Các cựu tù từng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò vẫn thường xuyên tề tựu để đến thắp nhang cho các đồng đội đã từng bị giam cầm tại đây.
Hiện tại, Ban quản lý di tích Nhà tù đang dự kiến xây dựng phần mềm tra cứu tiểu sử của những cựu tù binh Nhà tù Hỏa Lò, đây sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho các thế hệ mai sau.
                                                                                                                                    Huy Anh


Không có nhận xét nào:

Trang