29 tháng 2, 2016

Xây resort không phép giữa vườn quốc gia: Đấy có phải là đại tham nhũng không?

Tác giả: Xuân Hải- Trần Vương 
Việc xây dựng resort trên vườn quốc gia Ba Vì, các cơ quan chức năng phải trả lời cho dân biết, trước tiên UBND TP.Hà Nội phải lên tiếng, vì UBND TP. Hà Nội là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, sau đó đến Bộ Xây dựng, Nông nghiệp, Tài nguyên, Quốc phòng phải trả lời. “Nếu công trình này thực sự xây dựng không phép thì là đại quan liêu, vì sao lại có quan liêu như thế, có phải đấy là đại tham nhũng hay không?” – ông Vũ Quốc Hùng
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã nói như vậy với Báo Lao Động trưa 29.2, liên quan đến việc Cty TNHH phát triển công nghệ (CFTD) xây dựng công trình Le Mont Resort & Spa chưa được phê duyệt dự án, không phép, trong vị trí quốc phòng đặc biệt quan trọng giữa vườn quốc gia Ba Vì, TP Hà Nội vừa được Lao Động công bố.
Ông Vũ Quốc Hùng cho biết: Tôi có thể nói, sự kiện mà Báo Lao Động đã nêu rất đáng hoan nghênh. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng phải trả lời rõ về việc Báo nêu, cụ thể những cơ quan liên quan phải trả lời như Hà Nội, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên & môi trường và thứ nữa là Bộ Quốc phòng. Để thấy rằng, đấy là khu đất có chủ, ngoài ra còn thể hiện vai trò lãnh đạo, quản lý của nhà nước. Một việc rất cụ thể ở đây phải xem ai là người quản lý khu vực này.
Tôi cho rằng các cơ quan chức năng nêu trên phải trả lời, công khai cho nhân dân biết để thấy rằng việc lãnh đạo, quản lý một khu đất, một chủ trương nếu sai thì ai là người chịu trách nhiệm. Và đó là tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tức là Nói đi đôi với Làm, tất cả phải xuất phát từ lợi ích nhân dân, vì lợi ích Tổ quốc, mọi việc cần làm rõ trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch.
Ông Hùng cho rằng: Việc này không phải mới mẻ gì, có điều là phải làm rõ đúng, sai như thế nào. Nếu sai thì sửa sai, cũng phải công khai cho người dân biết. Trước đây, vụ Thủy cung Thăng Long cũng đã được Bộ Chính trị, Chính phủ xem xét và xử lý trách nhiệm của các cơ quan liên đới có liên quan. Và mới đây là vụ vi phạm trong xây dựng ở tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) và đã được xử lý cương quyết.
Ông Hùng cho biết, việc xây dựng công trình trái phép trên núi Hải Vân ở Đà Nẵng cũng đã được xử lý rất cương quyết bằng biện pháp tháo dỡ công trình sai phép, xử lý như vậy là rất đúng.
“Mỗi một sự việc đều phải xử lý đúng sai rõ ràng. Sai đâu sửa đó. Tinh thần có sai phải sửa, có sửa sai thì nhân dân mới đồng tình. Cách sửa thì các cơ quan chức năng phải bàn” – ông Hùng nói.
Ông Hùng nhấn mạnh: Một lần nữa tôi nhắc lại, việc xây dựng resort trên vườn quốc gia Ba Vì, các cơ quan chức năng phải trả lời cho dân biết, trước tiên UBND TP.Hà Nội phải lên tiếng, vì UBND TP. Hà Nội là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, sau đó đến Bộ Xây dựng, Nông nghiệp, Tài nguyên, Quốc phòng phải trả lời. 
“Nếu công trình này thực sự xây dựng không phép thì là đại quan liêu, vì sao lại có quan liêu như thế, có phải đấy là đại tham nhũng hay không?” – ông Hùng nhấn mạnh.

Tai họa từ lòng ghen tỵ

Tác giả: Nguyễn Văn Trọng
Trong cộng đồng săn tìm địa vị, lý tưởng này rất khó thực hiện vì cái đích của mỗi cá nhân là săn tìm địa vị cao để có quyền lực khống chế người khác chứ không phải mong muốn được làm công việc hợp với khả năng của mình. Người ta xem việc tạo điều kiện cho người có tài phát triển khả năng là không công bằng 
—————— 
Tính ghen tỵ đã được biết đến từ lâu như một thói xấu mang tính phổ quát của con người. Văn chương của nhân loại đưa ra biết bao điển hình sinh động của thói xấu ấy dẫn đến những tội ác làm kinh động lòng người. J.S. Mill nhận xét rằng tính ghen tỵ ở phương Đông là ghê gớm nhất, một người có đứa con kháu khỉnh dễ thương cũng có thể là lí do để thành đối tượng bị hàng xóm ghen ghét. 
Tính ghen tỵ tuy có thể có xuất xứ từ bản năng con người, nhưng biểu hiện xã hội của nó có mức độ khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm văn hóa của cộng đồng. Một cộng đồng có nhiều người có tâm thế tích cực với khát vọng được làm những cái mới mẻ vì lợi ích của bản thân hay của người khác thì cơ may xuất hiện người tài trong cộng đồng ấy là rất cao, tính ghen tỵ trong cộng đồng ấy cũng rất thấp. 
Ngược lại, một cộng đồng mà đam mê cai trị người khác mạnh hơn nhiều so với ham muốn có độc lập cá nhân để làm những công việc sáng tạo, thì đó chính là một cộng đồng săn tìm địa vị theo cách gọi của J.S. Mill. Một cá nhân trung bình trong cộng đồng này sẽ ưu tiên lựa chọn cơ hội, dù có xa vời và khó xảy ra đến đâu đi nữa, được chia phần đôi chút về quyền lực để áp đặt lên đồng bào của mình, hơn là lựa chọn sự tự do để được làm công việc mình yêu thích. Ở một cộng đồng như thế chỉ có sự bình đẳng là được quan tâm chứ không phải sự tự do. Trong cộng đồng săn tìm địa vị, tính ghen tỵ thường thể hiện ra ở mức độ cao. 
Trong tiến trình lịch sử của mọi dân tộc đều diễn ra sự phân tầng xã hội và kẻ giàu và người nghèo, kẻ nắm quyền uy và người bị cai trị. Xung đột xã hội luôn luôn xảy ra. Các bậc hiền triết của nhân loại thuộc mọi thời đại đều bận tâm tìm kiếm một hình thức chính thể tối ưu để giảm thiểu thấp nhất các xung đột xã hội mà vẫn tạo cơ hội cho người tài xuất hiện đặng thúc đẩy xã hội phát triển. Nhiều học thuyết khác nhau xuất hiện với các biện giải vô cùng phức tạp. Học thuyết nào càng gây chú ý nhiều thì càng có nhiều cách biện giải khác nhau được đưa ra. Rất khó để nắm bắt được thực chất của các cách biện giải khác nhau ấy và chẳng có mấy người dám nói là nắm được vấn đề này. 
Khi các nhà cách mạng muốn dựa vào học thuyết nào đó để đập tan cấu trúc xã hội cũ nhằm xây dựng một cấu trúc mới, họ buộc phải quy giản học thuyết thành những khẩu hiệu chính trị để hướng dẫn quần chúng hành động. Trong những thời buổi như vậy luôn xuất hiện một đám người cơ hội không có khả năng trí tuệ cao để lĩnh hội một học thuyết phức tạp, nhưng đủ khả năng để diễn đạt lưu loát các khẩu hiệu một cách hời hợt. Họ khá đông đúc để hợp thành một lớp trí thức nửa mùa tạo ra nhiều thành kiến xã hội. Đối với những người này, công bằng xã hội có nghĩa là cào bằng mức sống của mọi người, cướp của người giàu chia cho người nghèo là chính nghĩa. 
Trong các cao trào cách mạng đã xuất hiện những đòi hỏi “công bằng” khá lý thú. Sau khi Cách mạng Pháp (1789) xảy ra, một cô hầu đã nói với bà chủ của mình rằng nay thì cô ấy sẽ ngồi trên xe, còn bà chủ sẽ đánh xe cho cô ta. Trong một tiểu thuyết đương đại Trung Quốc có tình tiết một cố nông “tố khổ” con trai địa chủ có ba vợ, trong khi anh ta không có vợ nào. Những đòi hỏi ấy đều có nguồn gốc từ lòng ghen tỵ với câu hỏi: “Tại sao lại là những người ấy chứ không phải là tôi?”. 
“Những tình cảm cơ bản xấu hổ, thương mến và tôn kính bao quát toàn bộ lĩnh vực những quan hệ đạo đức có thể có của con người với cái thấp hơn nó, cái ngang bằng nó và cái cao hơn nó”.
V.Soloviev, Siêu lý tình yêu, Phạm Vĩnh Cư dịch, NXB Văn hóa Thông tin, 2005 
Một xã hội văn minh đòi hỏi tinh thần hợp tác trong các hoạt động chuyên biệt khác nhau nhằm mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Mỗi hoạt động chuyên biệt đòi hỏi khả năng đặc thù ở những người thực hành. Ai cũng biết rằng mỗi con người là một thế giới không ai giống ai, mỗi người có một khả năng riêng và xã hội văn minh hướng tới việc tạo điều kiện cho mỗi cá nhân thể hiện hết khả năng của mình trong những hoạt động hữu ích cho xã hội. 
Trong cộng đồng săn tìm địa vị, lý tưởng này rất khó thực hiện vì cái đích của mỗi cá nhân là săn tìm địa vị cao để có quyền lực khống chế người khác chứ không phải mong muốn được làm công việc hợp với khả năng của mình. Người ta xem việc tạo điều kiện cho người có tài phát triển khả năng là không công bằng. Ở nước ta thời kỳ trước năm 1986, việc du học nước ngoài hoàn toàn do Nhà nước cấp học bổng theo thỏa thuận với nước bạn, người đi học được coi như người nhận nhiệm vụ công tác. Thế nhưng trên thực tế, việc đi học nước ngoài lại được ngầm hiểu như một phúc lợi cần phải phân chia “công bằng”. Đã có quy định gia đình nào có một con đi du học rồi thì người con thứ hai sẽ không được du học. 
Thời đó có hai cán bộ nghiên cứu trẻ, tốt nghiệp đại học nước ngoài từ hai nước khác nhau theo hai chuyên môn khác nhau, cùng về công tác tại một viện nghiên cứu. Họ kết hôn với nhau được ít lâu thì cả hai đều có cơ hội đi tu nghiệp sau đại học tại nước họ đã tốt nghiệp trước đây. Thủ trưởng cơ quan trả lời họ rằng vì họ là vợ chồng nên không thể cùng lúc cho cả hai đi tu nghiệp được, bởi quần chúng trong cơ quan sẽ dị nghị là “không công bằng”. Hai người này đã hỏi lại rằng nếu ngay bây giờ họ li dị nhau thì có thể cùng được đi học hay không? Tưởng rằng đó là chuyện của thời bao cấp đã qua, vì bây giờ đã có nhiều loại hình du học, trong đó có du học tự túc. Vậy mà mới đây (tháng 12-2009) lại thấy có dự thảo quy chế quản lý du học sinh quy định: sau khi tốt nghiệp, du học sinh chỉ được ở lại làm việc tại nước sở tại ba năm mà thôi. 
Nền giáo dục của xã hội văn minh vốn nhằm hướng dẫn thanh thiếu niên để họ nhận thức được những trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, khơi gợi những khả năng riêng biệt của từng người để họ tự khám phá bản ngã của mình trong cuộc sống thiên lương. Trong cộng đồng săn tìm địa vị, nền giáo dục bị biến dạng đi, trở thành công cụ cho việc săn tìm địa vị. Tính công bằng được diễn giải theo nghĩa cào bằng dẫn đến việc phá hủy mọi chuẩn mực bằng cấp để cho mọi người đều có thể hưởng danh hiệu tiến sĩ, ai ai cũng có cơ hội trở thành giáo sư. 
Mặc dù ai cũng hiểu danh hiệu giáo sư, tiến sĩ là dành cho một số ít tài năng, nhưng lòng ghen tỵ khiến người ta không cam tâm thấy con cái mình không ở trong số ít ấy. Tỷ lệ đỗ gần trăm phần trăm phổ biến khắp nơi không phải do “bệnh thành tích”, mà chỉ là việc làm để thỏa mãn lòng ghen tỵ của đám đông. Mấy chục năm trước đây khi học đại học ở Liên Xô, tôi vẫn còn được dạy câu thơ sau của nhà thơ Majakovski: “Kẻ nào không cùng chúng ta ca hát, kẻ đó chống lại chúng ta”. Câu thơ liên quan đến sự kiện danh ca Nga Shaljapin bỏ ra nước ngoài định cư sau Cách mạng tháng Mười năm 1917. Không khí bất khoan dung với người có ý kiến khác đưa tạo điều kiện cho những kẻ ghen tỵ có nhiều cơ hội thanh trừng các đối tượng của mình, bao gồm những tài năng văn hóa đáng trân trọng. 
Ngày nay người ta hay nhắc đến câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nhưng đã có thời chẳng có ai muốn nhớ đến câu này vì hình như nó có mùi vị đề cao vai trò cá nhân. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, gần như tất cả các tiểu thuyết viết về giới trí thức và khoa học (số lượng tiểu thuyết này cũng ít thôi) đều có kịch bản đại khái như sau: trong viện nghiên cứu có nhân vật A có bằng cấp cao, giỏi lý thuyết mà ít kinh nghiệm thực tế. 
Nhân vật A này tự cao tự đại, nhưng đi vào thực tế thì vô tích sự. Sau đó xuất hiện nhân vật B không được đào tạo bài bản về chuyên môn, nhưng có đạo đức cách mạng cao và nhiều kinh nghiệm thực tế. Nhân vật B dám nghĩ dám làm và sau nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn do nhân vật A gây ra thì nhân vật B đã thành công rực rỡ. Tất nhiên cũng có vài ba mối tình tay ba tay tư gì đó làm gia vị. Điều đáng nói là kịch bản như thế chẳng có nguyên mẫu nào trong đời thực (vì lúc đó chúng ta còn chưa có viện nghiên cứu thực sự nào) mà chỉ thể hiện một thái độ không thiện cảm đối với người có bằng cấp cao. Suy xét thì thấy nó cũng có gốc gác từ lòng ghen tỵ. 
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc đã chỉ ra sự yếu kém về lý thuyết ở các danh nhân văn hóa Việt Nam. Thế nhưng thật lạ lùng là tâm thế của xã hội lại thích miệt thị lý thuyết như một thứ hoàn toàn vô dụng. Phải chăng đó là tâm thế thực dụng kiểu “thằng Bờm”? 
Lòng ghen tỵ là một trong nhiều bẩm tính thấp hèn của con người. Nguyên khởi đối lập với nó là cảm xúc xấu hổ của con người trước những cái thấp hèn mà anh ta phát hiện thấy trong bản thân. Từ cái cơ sở nguyên khởi ấy, con người mài dũa tâm hồn mình tinh tế hơn để hình thành lương tâm. Đó là một phần của học thuyết về đạo đức do triết gia Nga V.Soloviev (1853-1900) xây dựng. 
Theo ông, cái năng lực phản ứng ấy biến con người thành sinh linh có đạo đức nhưng nếu năng lực ấy không được xác định trong sức mạnh và quy mô hiện thực của nó thì tự nó không thể xác lập cơ sở đạo đức cho xã hội. Ông nói rằng: “Những tình cảm cơ bản xẩu hổ, thương mến và tôn kính bao quát toàn bộ lĩnh vực những quan hệ đạo đức có thể có của con người và cái thấp hơn nó, cái ngang bằng nó và cái cao hơn nó”. 
Như vậy, hiện tượng lòng ghen tỵ hiện diện phổ biến trong xã hội là chỉ dấu cho thấy đạo đức xã hội đang thiếu lành mạnh. Nhiều người cho rằng hội chứng “đứt dây thần kinh xấu hổ” đang khá phổ biến, chính là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức xã hội. Chúng ta có thể làm gì? Phải chăng cần xử lý tính ghen tỵ thật nghiêm khắc với mức phạt hành chính đủ để răn đe? Phải chăng cần đưa việc chống ghen tỵ vào nội dung của tiết học về đạo đức trong nhà trường và tăng thời lượng của môn học đạo đức lên? Tôi đang phát biểu những điều vô nghĩa, nhưng nghe lại rất quen tai. Chẳng phải mỗi khi có hiện tượng xã hội nào đó không lành mạnh là ta lại được nghe những kiến nghị tương tự như thế hay sao? 
Đọc đến đây chắc nhiều người sẽ phản ứng lại rằng: “Thế thì tác giả có đề nghị gì hay hơn chăng, xin hãy cho chúng tôi biết”. Tôi xin nói ngay rằng tôi cũng không có lời giải đáp nào, tôi chỉ tin rằng vấn đề không thể giải quyết bằng sự cưỡng chế theo kiểu cách như vậy. 
Nhìn vào kinh nghiệm lịch sử của các nền văn minh, ta thấy đạo đức xã hội luôn dựa trên nền tảng một tôn giáo (như Kitô giáo trong văn minh phương Tây) hay một học thuyết (như Khổng giáo trong văn minh Trung Hoa) và trông cậy vào một tầng lớp xã hội đặc biệt chuyên tâm phục vụ cho tôn giáo (Giáo hội Kitô của phương Tây trong quá khứ) hay học thuyết (các nho sĩ Trung Hoa trước đây). 
Những tôn giáo hay học thuyết ấy là nguồn gốc của tập quán đạo đức, các giáo sĩ phương Tây hay nho sĩ Trung Hoa đã truyền cảm hứng để mọi người làm theo tập quán đạo đức. Thời hiện đại bây giờ các hình thức ấy đã không còn nguyên vẹn nữa, nơi thì chúng bị xói mòn quyền lực tinh thần, nơi thì chỉ còn lại một đống hoang tàn. Có những nguyên nhân lịch sử cho kết cục như thế và kết cục ấy cũng không phải là không hợp lý. Nhưng chúng ta phải dựa vào nền tảng nào và kỳ vọng vào tầng lớp nào để xây dựng được một tập quán đạo đức xã hội mới cho tương lai? Câu hỏi “làm gì?” không thể tách rời với câu hỏi “ai làm?”.

Tinh thần can đảm của những người tự ứng cử và cơ hội vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Đình Ấm 
Mặc dù hiến pháp quy định công dân với những điều kiện bình thường mà phần lớn đều có, có thể tự do đề cử, ứng cử nhưng mấy chục năm qua hầu như không có mấy ai tự mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), hội đồng nhân nhân. 
Phải chăng, dân ta bàng quan với chính trị, với đất nước? Hoàn toàn không phải như vậy. Sở dĩ không mấy ai tự ra ứng cử vì qua kinh nghiệm họ biết chắc không thể nào trúng cử và hiểm họa thì khôn lường. 
Để lọt vào danh sách để cử tri bầu, người ứng cử phải trải qua nhiều công đoạn như lấy tín nhiệm ở tổ dân phố, xóm thôn, phường xã, hiệp thương ở nhiều cấp Mặt trận Tổ quốc… do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu những người do Đảng cử ra thì các bước nói trên được sắp xếp để diễn ra thuận lợi, người ứng cử dễ dàng vượt qua. Nếu có trắc trở gì thì tổ chức của Đảng sẽ dùng mọi biện pháp “hiệp thương” để vượt qua. 
Riêng với những người tự ứng cử nếu không có “tiền sự” gì làm trái ý Đảng Cộng sản, được Đảng sắp xếp vào “cơ cấu” thì có thể cũng dễ vượt qua các công đoạn nói trên nhưng khi lập danh sách bầu, sắp xếp nơi ứng cử sẽ để ở vị trí không thuận lợi kiểu “lót đường” cho các nhân vật Đảng Cộng sản muốn họ thắng cử. Hoặc do người “lót đường” kia quá nổi tiếng dân tín nhiệm cao vẫn bầu cho người “lót đường” dẫn đến làm thất bại những ứng viên Đảng cần phải giữ “uy tín” thì cũng vẫn bị gạt ở khâu cuối cùng. Đây là trường hợp của nhà báo Võ Đắc Danh ở Cà Mau. Theo tường thuật của nhà báo thì lúc đầu do bạn bè, đồng nghiệp… động viên nhà báo này ứng cử ĐBQH. Khi đó do chưa nhận thức ngay được “vấn đề” nên lãnh đạo địa phương cũng ủng hộ và nhà báo Võ Đắc Danh vượt qua các bước thủ tục dễ dàng. Đến khi dân bầu, do nhà báo nổi danh chống tiêu cực, tham nhũng, có đức, có tài nên số phiếu cao hơn đại biểu Nguyễn Đức Triều, ủy viên Trung ương Đảng từ Hà Nội “bắn” vào và ứng viên Bùi Công Bửu, Phó Bí thư tỉnh ủy Cà Mau. Không thể để những VIP này “kém thường dân”, bị trượt nên ứng viên Võ Đắc Danh bị đánh trượt do có chỉ thị mật: “Tổ bầu cử nào để Võ Đắc Danh trúng cử thì bí thư chi bộ đó phải chịu trách nhiệm”. Luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên, Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội (1991) cũng bị “gạt” trong những trường hợp tương tự. 
Tuy nhiên, đó vẫn là những người tự ứng cử đã cực kỳ may mắn. Một số trường hợp tự ứng cử đến nay còn mang nỗi kinh hoàng. 
Thấy luật nói người dân tự do ứng cử và cơ quan khuyến khích, ông Nguyễn Phúc Giác Hải sinh năm 1934 ở phường Chương Dương (Hà Nội) công tác ở Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người làm đơn ra ứng cử ĐBQH khóa 2011. Cũng như các ứng cử viên khác, ông được đưa ra cơ sở để lấy ý kiến cử tri. Mặc dù ông được cư dân sở tại, cơ quan rất kính trọng, tín nhiệm nhưng trong buổi họp hôm ấy ông thấy toàn những người lạ hoắc, dáng vẻ ngổ ngáo như những anh nghiện ngập, giang hồ…đến họp. Thế là ông trở thành bị cáo trong cuộc đấu tố. Theo những người có mặt hôm ấy thì có lẽ cả đời người trí thức 77 tuổi này bị một cuộc xúc phạm đến như thế. Những người tuổi đời chỉ đáng cháu ra sức xỉa xói, mạt sát ông với những lời tục tĩu “không thể viết ra”. Có người chỉ vào ngực hỏi, ông biết tôi là ai không?Ông ứng viên nói không biết liền bị ăn một câu tục… “Ông không biết thì “đại diện thế đ. nào được cho tôi”… Có người lục vấn tuổi rồi,ông nói 77 tuổi thì bị khuyên “Đồ già rồi còn tham quyền cố vị làm gì…”. Thế là, cả buồi “lấy ý kiến cử tri” trở thành một buổi đấu tố, miệt thị. 
Tất nhiên thư ký ghi vào biên bản những điều cần ghi để báo cáo cơ quan tổ chức bầu cử địa phương là ông không nhận được tím nhiệm của “nhân dân” và bị loại ở giai đoạn “gửi xe”. 
Đây cũng là trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân và một số người tự ứng cử khác. Riêng luật sư Lê Quốc Quân còn bị lũ người lạ đón đường hành hung dã man như thể để cảnh cáo… Vừa qua các ông Nguyễn Tường Thụy, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Thành… mới chỉ tuyên bố ra ứng cử nhưng trên mạng xã hội đã tung ra cơ man những lời vu khống trắng trợn, hèn hạ như ông Thụy ăn cắp tiền, ngoại tình gái gú, sống lang chạ bừa bãi, bà Hạnh, ông Thành thế nọ, thế kia… trong khi chúng tôi biết rõ phẩm giá, tài, đức của những người này. 
Lần này trong số người tôi biết có khoảng hơn chục trường hợp tự ra ứng cử ĐBQH khóa 14 (2016). Họ biết rõ hơn ai hết đầy rẫy nguy hiểm trước mắt nhưng vẫn dấn thân. Bởi vì, họ không muốn cứ bỏ mặc Đảng Cộng sản làm gì thì làm trước vận mệnh nguy nan của đất nước và “trắc nghiệm” luôn lời tuyên bố của ông trưởng Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng “sẽ gần dân, tôn trọng dân … và “dân chủ đến thế là cùng” xem sao. 
Họ là những người vô cùng can đảm. 
Riêng tôi nghĩ, đây là cơ hội vàng để Đảng Cộng sản Việt Nam “lặng lẽ” chuyển sang thể chế dân chủ, là chiến lược duy nhất để xây dựng đất nước hùng cường, có cơ may đoạt lại những phần giang sơn bị ngoại bang cướp đoạt và Đảng Cộng sản chuộc lại phần nào cái tội làm mất nước, hại dân trong cả gần thế kỷ. Họ nên biết chế độ nào cũng không thể tồn tại “muôn năm” trong khi chế độ cộng sản là chế độ độc tài lạc hậu hầu hết các quốc gia khác đã ném vào sọt rác. Các nước cộng sản đang khủng hoảng toàn diện. 
Chúng ta hãy chờ xem, Đảng Cộng sản Việt Nam chọn cách ứng xử nào qua cuộc bầu cử này.

Lãnh đạo có nghĩa là gì?

* GIÁP VĂN DƯƠNG 
Chọn ra dàn lãnh đạo. Việc này tưởng chừng quá đơn giản, ai chẳng biết vì báo chí truyền thông cập nhật mỗi giờ, cho đến khi có một câu hỏi... cắc cớ xuất hiện: Lãnh đạo có nghĩa là gì? 
Rõ ràng là nếu không hiểu được lãnh đạo có nghĩa là gì, thì làm sao có thể chọn ra nhà lãnh đạo đúng?
Lưu ý rằng, câu hỏi ở đây là “Lãnh đạo có nghĩa là gì?”, chứ không phải “Lãnh đạo là gì?”. Nếu hỏi “Lãnh đạo là gì?”, chúng ta sẽ đi vào bế tắc, vì sẽ sa vào định nghĩa, mà định nghĩa thì thường trừu tượng và phiến diện. 
Chính việc sa vào câu hỏi “Lãnh đạo là gì?” một cách phổ biến đã đẩy phần lớn chúng ta đi đến một quan niệm cũng phổ biến không kém: Lãnh đạo là một vị trí có quyền lực. Vị trí và quyền lực thường gắn liền với nhà lãnh đạo, nhưng về bản chất nó không đồng nhất với sự lãnh đạo. 
Vậy nên, thay vì hỏi “Lãnh đạo là gì?”, ở đây sẽ chọn một cách khác hữu dụng hơn: Lãnh đạo có nghĩa là gì? Cách đặt câu hỏi này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi cái bẫy định nghĩa trừu tượng và phiến diện, để đi thẳng vào những nội dung thực chất và cụ thể của sự lãnh đạo, và những việc mà nhà lãnh đạo phải làm. 
Vậy lãnh đạo có nghĩa là gì? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần trả lời một câu hỏi trước đó: Một người đến vị trí lãnh đạo bằng cách nào?, và một câu hỏi sau đó: Người đó, sau khi đã đạt vị trí lãnh đạo, sẽ làm gì với tư cách nhà lãnh đạo? 
Trong câu hỏi thứ nhất, nhìn qua lịch sử ta sẽ thấy một người có thể đến vị trí lãnh đạo bằng rất nhiều cách khác nhau, nhưng tựu chung có thể chia thành hai cách phổ biến sau: Đến được vị trí lãnh đạo theo kiểu cha truyền con nối hoặc thông qua sắp xếp hay chiếm đoạt; hoặc được bầu chọn làm lãnh đạo thông qua bầu cử dân chủ và minh bạch. 
Sự khác biệt giữa hai cách này là ở cách thức mà quyền lực, và do đó cả sự lãnh đạo nói chung, đến với người đó. Nếu ở cách thứ nhất, quyền lực và sự lãnh đạo đến với một người thông qua sự kế truyền, sắp xếp hay chiếm đoạt thì trong cách thứ hai, quyền lực và do đó cả sự lãnh đạo, đến với người đó thông qua sự ban trao từ phía người dân. Trong trường hợp thứ nhất, danh xưng thích hợp cho người đó sẽ là nhà cầm quyền, còn trong trường hợp thứ hai, danh xưng đúng đắn sẽ là nhà lãnh đạo. Đó là điều khác biệt cơ bản giữa nhà lãnh đạo thực sự và nhà cầm quyền mang danh lãnh đạo. 
Vậy nên, với một nhà lãnh đạo thì quyền lực và bản thân sự lãnh đạo bao giờ cũng là một sự ban trao. Người dân ban trao cho người đó sự lãnh đạo, và do đó cả quyền lực đi kèm, thông qua bầu cử dân chủ và minh bạch. Và vì ban trao nên bao giờ cũng có thời hạn, và khi nào nhận ra người đó không còn xứng đáng, hoặc nhận ra sự nhầm lẫn của mình, người dân sẽ lấy lại sự ban trao đó. Cơ chế kiểm soát quyền lực và văn hóa từ chức xuất hiện chính từ lý do này. 
Giờ sang câu hỏi thứ hai: Một người sau khi được ban trao sự lãnh đạo thì anh ta sẽ làm gì? 
Thông thường, ta sẽ hình dung rằng anh ta sẽ quản lý và vận hành tổ chức, hoặc đất nước của mình với tư cách nhà lãnh đạo. Nhưng nếu chỉ như vậy thì một nhà quản lý sẽ phù hợp hơn, cần gì đến một nhà lãnh đạo? 
Một nhà lãnh đạo phải được sinh ra sẽ để làm những điều khác nhà quản lý. Chỉ khi làm được những việc khác hơn việc quản lý và vận hành hàng ngày, anh ta mới xứng đáng là nhà lãnh đạo. 
Nếu nhà quản lý sẽ chủ yếu sống ở hiện tại để kiểm soát và vận hành các chương trình, kế hoạch, nhà lãnh đạo sẽ chủ yếu sống ở tương lai, để thiết kế ra những chương trình và kế hoạch đó như là một phần của một tương lai chung, một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người. Nhà lãnh đạo cũng phải thuyết phục mọi người tin vào tương lai chung đó, để cùng nhau tham gia hiện thực hóa nó. Nhà lãnh đạo vì thế sẽ là hiện thân của tương lai của tổ chức hay đất nước mà anh ta lãnh đạo. 
Chính vì lẽ đó, nhà lãnh đạo sẽ đòi hỏi phải có những phẩm chất khác thường so với nhà quản lý, lại càng khác so với phẩm chất của nhà cầm quyền. Trước hết, nhà lãnh đạo đòi hỏi phải có tầm nhìn xa và rộng để thấy được tương lai, từ đó thiết kế ra một tương lai mới tốt hơn cho tất cả mọi người. Sau đó, nhà lãnh đạo phải thuyết phục mọi người tin vào tương lai chung đó và cùng nhau góp sức hiện thực hóa tương lai đó. Mà để làm được điều đó, nhà lãnh đạo phải có được sự tin tưởng của những người được anh ta lãnh đạo. Sự tin tưởng đó sẽ căn cứ không chỉ trên viễn cảnh mà nhà lãnh đạo vẽ ra, mà còn được tích tụ từ vô số các tương tác trong quá khứ, mà ở đó đạo đức và sự khả tín của nhà lãnh đạo đóng vai trò quyết định. Vì thế, tính cách và đạo đức của nhà lãnh đạo chứ không phải kiến thức chuyên môn thường đóng vai trò quyết định trong việc có được sự tin tưởng này. 
Để hiện thực hóa được tương lai mà nhà lãnh đạo thiết kế ra, nhà lãnh đạo phải huy động nguồn lực và sự hợp tác của tất cả người dân trong một thời gian dài. Để làm được điều này, nhà lãnh đạo bị đòi hỏi phải có thêm ít nhất là ba phẩm chất tối quan trọng: chính trực vẹn toàn trong lời nói và việc làm của mình để duy trì sự tin tưởng, giúp cho công việc lãnh đạo không bị đổ vỡ; bao dung hội hợp để có thể chứa chấp tất cả các cách nghĩ, cách nhìn và cách đóng góp khác nhau từ mọi phía mọi người; và một sứ mệnh lớn hơn mối quan tâm của bản thân, gia đình hay hội nhóm của mình. Nếu không có chúng thì sự lãnh đạo sẽ không bao giờ có thể thành công. 
Trở lại câu hỏi đầu tiên, lãnh đạo có nghĩa là gì? Câu trả lời giờ đã rõ ràng hơn, rằng: Lãnh đạo và kèm theo nó là vị trí và quyền lực, là sự ban trao của người dân đối với người mà mình tin tưởng thông qua bầu cử dân chủ và minh bạch. Lãnh đạo là một sự ban trao chứ không phải một sự sắp xếp. Công việc chính của nhà lãnh đạo là thiết kế ra một tương lai chung tốt hơn cho tất cả mọi người, thuyết phục mọi người tin tưởng và cùng nhau hiện thực hóa tương lai chung đó. 
Nếu nhà lãnh đạo không làm được như vậy thì người dân đã ban trao nhầm người. Trong trường hợp này, tốt nhất là người dân có quyền và có cơ chế để rút lại sự ban trao này để tìm người xứng đáng. Nếu không, họ sẽ chỉ có một nhà cầm quyền thay vì một nhà lãnh đạo. 

Giàu, nghèo và an toàn trong xã hội Việt Nam hôm nay

* ĐỖ MINH TUẤN 
Câu nói: “Thà là sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn” của Bí thư TU Hoàng Trung Hải đang bị một số người phản đối và giễu cợt, thậm chí bị cắt gọt thành "Nghèo bình yên hơn giàu không an toàn" để phê phán.
Nếu đặt trong xã hội văn minh, giàu có, luật pháp nghiêm minh như như Mỹ và phương Tây thì giàu có đồng nghĩa với an toàn vì có tiền là có thể thuê thám tử, thuê vệ sỹ, mua nhà kiên cố, mua vũ khí phòng thân, thậm chí không giàu nhưng có cảnh sát bảo vệ tận tình khi có nguy cơ lâm nạn. Nhưng nếu nhìn từ góc độ văn hóa và đặt trong bối cảnh làm giàu bằng mọi giá, bất chấp luật pháp và đạo lý trong xã hội Việt nam hôm nay thì tôi thấy câu nói này của ông Hải là đúng, một cảnh báo cần thiết và đúng lúc về văn hóa. 
Có thể hiểu là ông Hải phê phán thực trạng chạy theo tiền, làm giàu kiểu chộp giật, vô trách nhiệm và bất chấp các quy định thành văn và bất thành văn của một cộng đồng, dẫn đến rước thực phẩm tẩm chất độc, thực phẩm ôi thiu độc hại (như thịt để trong nhà lạnh 40 năm, sữa trộn bột đỉa sấy khô…) từ Trung Quốc về tràn ngập Việt Nam, hay kinh doanh tràn lan văn hóa phẩm độc hại đầu độc thể chất cả giống nói. Hay thoải mái nhập phim, chiếu phim kinh dị, tình dục và bạo lực, kinh doanh trò chơi điện tử bạo lực với quy mô lớn không thể kiểm soát, dẫn đến dẫn đến xã hội mất nhân tính, tội phạm xã hội tăng cao chưa từng thấy, chém giết tràn lan, vợ đốt chồng, cha mẹ giết con, kẻ cướp giết người hang loạt. Giàu mà mất nhân tính, mà bị đầu độc cả thể chất và tinh thần thì giàu làm gì? Cho nên khẩu hiệu hô hào làm giàu bằng mọi giá cũng méo mó và phản văn hóa. Nhìn sự giàu có của xã hội hôm nay từ góc nhìn văn hóa, với chuẩn mực an toàn là cách nhìn trung thực, không ca tụng sự phát triển để kể công Đảng và nhà nước, mà nhìn thẳng vào thực trạng mất an toàn của xã hội gắn với thủ phạm là đồng tiền bẩn. 
Khi ta chuyển đổi từ văn minh tinh thần sang văn minh vật chất phương Tây ta bị xóa ổ cứng di sản, mất đi cảm quan hạnh phúc của cha ông nói riêng và nhân loại nói chung. Các học giả phương Tây đã nhận xét thế giới thứ Ba từng vui như hội trong nghèo khổ, những lễ hội trong nắng cháy hạn hán vẫn làm người dân Châu Phi hạnh phúc như chưa bao giờ hạnh phúc vậy, không thua về cường độ hạnh phúc của các tỷ phú, triệu phú Mỹ mà dân Việt đang hóng hớt, ước mơ. Khi những người dân của thế giới thứ Ba chuyển sang kinh tế thị trường họ ngơ ngác buồn chán khi phải bán đi con gà, con bò mà họ coi như bè bạn. Họ thà nghèo để giữ lại bè bạn chứ không bán đi lấy tiền. Đó chính là nhân tính, vật bảo đảm cho an toàn xã hội. Khác với xã hội tham tiền theo chuẩn hạnh phúc của văn minh vật chất, xem chỉ số hạnh phúc là tiền, dẫn đến giết gia súc, buôn người, giết bè bạn, giết người thân, giết người hàng loạt… để có tiền mà hạnh phúc. Thế thì GIÀU mà không AN TOÀN không bằng NGHÈO mà BÌNH YÊN là đúng, chứ sao lại nhất nhất cứ giàu là hạnh phúc? 
Có tiền mà con cái nghiệm ma túy, con cái hỗn láo trấn lột bố để hút sách, để cờ bạc như đang diễn ra trên dải đất Việt nam, thì có hạnh phúc không?Có tiền mua siêu xe, uống rượu xịn mà thiếu văn hóa cộng đồng phóng như điên rồi bị tai nạn có an toàn không? Đất nước được coi là phát triển như vẫn rêu rao trong các chỉ số JDP nọ kia, nhưng không có luật pháp nghiêm minh, luật giang hồ phổ biến ngay cả trong giới cầm quyền, người dân sẵn sang bị côn đồ hành hung khi phản đối các dự án xâm phạm đất đai của tổ tiên để lại cho mình, người yêu nước có thể bị bắt nếu biểu tình phản đối giặc xâm lược Trung Quốc…thì cái gọi là Việt Nam phát triển và giàu có không hề đồng nghĩa với an toàn. Xã hội Việt Nam nghèo đói trước đây không ai muốn trở lại, nhưng không thể không thừa nhận rằng đó là một xã hội an toàn tử tế hơn xã hội hôm nay gấp ngàn lần, an toàn và tử tế ngay cả khi hàng vạn tấn bom rơi trên đầu những người dân nghèo khổ. 
Văn minh lượng hóa, văn minh vật chất lên ngôi hống hách tưởng mình là chuẩn mực hạnh phúc. Nhưng tiền bạc của cải chỉ là một phương tiện của hạnh phúc. Nó không an tòan trong một xã hội mất nhân tính và luật pháp chưa nghiêm minh như xã hội Việt Nam, một xã hội mà lãnh đạo bị bắt cóc giam trong giá trị đồng tiền, nhân dân bị cướp hết tiền, con người mất hết tình nghĩa và đạo lý sẵn sàng chà đạp lên các giá trị nhân văn để làm giàu. Nên xã hội ấy không hề an toàn. Một xã hội an toàn phải là một xã hội được bảo hiểm về văn hóa, về nhân tính, bảo hiểm từ bên trong mỗi con người. Do đó, điều ông Hải nói là rất đúng với thực trạng con người Việt nam và xã hội Việt nam hôm nay. Một xã hội thờ phụng đồng tiền và lăm le coi đồng tiền là tất cả sức mạnh, là một xã hội có nhiều nguy cơ nhất, số phận con người bị nhiều đe dọa nhất. 

BÓC TRẦN VIỆC MƯỢN CỔ VẬT "ẤN ĐỜI TRẦN" ĐỂ LỪA DỐI

* TRẦN NGỌC ĐÔNG 
Nhân chuyện Hoàng Thành Thăng Long phát lộ ra hai miếng gỗ mỏng, ghép vào nhau ra được 4 chữ Hán khắc theo lỗi chữ Triện là “Sắc Mệnh Chi Bảo” rồi từ đó là tiền đề cho cuộc phát ấn thử nghiệm tại Hoàng Thành. Sau đó có những tiếng nói phản biện từ phía các nhà biên khảo, Hán Nôm để rồi phải có cuộc tọa đàm vào chiều ngày 26/2 mà vẫn chưa ngã ngũ thật giả trắng đen. Tôi chỉ là một thủ kho của công ty điện thoại, không liên quan gì đến khảo cổ và Hán Nôm. Song chẳng vì thế không dám nói ý kiến của mình hoặc e dè vì người ta nói chỉ là bác sỹ, kỹ sư. Chỉ là mắt thấy tai nghe mà có một số ý kiến như sau.
1. XÁC ĐỊNH NIÊN ĐẠI HIỆN VẬT 
1.1 Việc kết luận mảnh gỗ đời Trần chỉ dựa vào hiện vật nằm ở lớp đất văn hóa đời Trần là chưa đủ thuyết phục .Hãy cho thêm bằng chứng khoa học lịch sử dựa vào kết quả phân tích khách quan và công khai kết quả phân tích niên đại. 
1.2 Việc đoán định hiện vật là đời Trần dựa vào trong Đại Việt Sử Ký 
Xin chép lại nguyên văn để mọi người tiện thao khảo: 
“時 帝 親 率 六 . 師 禦 冦 掌 印 官 倉 卒 藏 宝 玺 於 大 明 殿 梁 上但 帶 内 密 印 隨 行途 中 印 又 亡 軍 中 文 書 無 印 帝 命 工 刻 木 為 之 
“Thời, Đế thân suất lục sư ngự khấu. Chưởng ấn quan thương tốt tàng bảo tỉ ư Đại Minh điện lương thượng, đản đái nội mật ấn tuỳ hành Quân trung văn thư vô ấn, Đế mệnh công khắc mộc vi chi.” 
Đoạn văn kể không nói khắc ở đâu, bao nhiêu ngày và ấn được gì chữ gì. Tôi tin là nếu Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không viết đoạn vào chỗ Trần Thái Tông đánh giặc giấu ấn rồi lại rơi ấn mang theo phải khắc ấn bằng gỗ hoặc giả nói Lý Thái Tổ khắc ấn bằng gỗ. Giới khảo cổ cũng sẽ án định nó là đời Lý như đinh đóng cột vì …. nằm ở lớp khai quật đời Lý. 
Nói rộng hơn,phần sách Đại Việt Sử Ký Toàn thư các triều trước Lê Sơ thì các nhà biên khảo không đánh giá cao vì tập hợp chủ quan của các sử gia đời Lê. Sách đời Trần thì đã bị giặc Minh mang về Tàu và đốt bỏ cho nên chỉ có thể chép lại qua loa đại khái. Vì thế ĐVSKTT không được tin tưởng bằng An Nam Chí Lược của Lê Tắc hay An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng. (Các tác giả sống ở bên Tàu). 
1.3 Xác định niên đại bằng bộ Phẫu (GS Hoàng Văn Khoán gọi là bộ Phễu) là hoàn toàn không hiểu biết gì về chữ Hán. 
Chữ Hán có Ngũ Thể: Triện- Lệ- Khải - Hành- Thảo. Chữ trên hiện vật là Chữ triện. 
Chữ Hán Viết theo lối triện. Hai bộ Vương và Phẫu sẽ gần giống nhau (xem hình) . Khi người thợ đúc, thợ khắc chữ triệncho vào khuôn hình Tiền, Ấn thường sẽ để giống nhau. 
Còn sở dĩ GS nhìn thấy hai bộ Vương và Phẫu rời nhau đó là chữ viết Chân Phương (Khải) viết trên tiền đời Lê, Nguyễn. Có thể GS Khoán chưa thấy tiền chữ Triện đời Lê Nguyễn nên kết luận như vậy. 
Mặt khác nói cho cùng khi chữ Bảo có “HAI CHỮ VƯƠNG 王 王 ” hay “MỘT VƯƠNG, MỘT PHẪU VƯƠNG 王缶 ”thì cũng chỉ là hai tự dạng của chữ Hán mà thôi, cái này đôi khi vẫn có thể dùng song song. Không thể kết luận là đó là phong cách hay một triều đại đặc trưng nào cả. Bản thân tay GS khoán Viết ra đó không phải là bộ Phẫu mà chữ Nhĩ (尔) cũng dùng song song với hai cách nói trên. 
Nguồn tham khảo các tự dạng khác nhau của chữ "Bảo" :http://dict.variants.moe.edu.tw/yitia/fra/fra01056.htm
P/S: Quê tôi hay giải phóng ruộng làm khu công nghiệp. Nhiều mộ tổ của một số dòng họ không cải táng cũng phải chuyển đi nơi khác. Tôi tôi thường hỏi thăm kết quả khai quật. Tất cả nói: chả còn tý ván nào ngoài lớp đất đen và mấy cái bát. 
2. VIỆC PHÁT ẤN ĐỜI NAY Ở HOÀNG THÀNH. 
Việc mượn danh của hiện vật cổ kia để lập lờ ẤN ĐỜI TRẦN là hình thức thu hút đám đông dư luận đến với hội phát ấn mà thôi. Bản thân tôi khi đọc các bài báo đầu tiên cũng nghĩ họ dùng hiện vật gốc để đóng dấu. Sau này mới biết là không phải. Theo VNE: "Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho biết, chiếc ấn dùng hôm nay được làm từ lụa (?) đỏ, mô phỏng ấn thời Trần tìm thấy trong một đợt khảo cổ” 
Hiện nay Ấn Đền Trần hay Ấn Đời Trần đang là thượng phương bảo kiếm cực hót cho mọi sở cầu như ý của nhân dân ta. Nói dễ hiểu là đã có thương hiệu trên thị trường. Nếu có thông tin ấn gốc tại Hoàng Thành cộng với sự hiểu biết lịch sử là có hạn và lòng tham danh lợi là vô hạn thì người người sẽ đổ xô về nhận ấn “đời Trần phiên bản gốc” tại Hà Nội. 
(Giả thử như đoàn khảo cổ đào bằng chiếc ấn thật đời Lê rồi công bố ban phát ấn đời Lê, chắc chắn sẽ chẳng mấy ai ghé qua nhận ấn đâu). 
Tôi tin rằng việc phát ấn đại trà Hoàng Thành sẽ thành công tốt đẹp vì sẽ chẳng có ai trong số mua ấn phàn nàn về chuyện chất lượng ấn ra sao hay giá cả như thế nào đặc biệt rất có tính cạnh tranh với đền Trần Nam Định do thuận tiện giao thông. 
Tôi càng tin việc phát ấn tại Hoàng Thành sẽ ngày càng phát triển vì chằng có ai phản biện được theo đám đông cuồng tín. Cứ xem cái hội đền Trần ở Nam Định hoàn toàn không có trong lịch sử, các nhà nghiên cứu văn hóa ra sức phản bác nhưng kệ thôi! Hội vẫn diễn ra càng ngày càng to, mặc kệ các ông phản đối 
Qua vụ “ấn đời Trần” chúng tôi thất vọng về năng lực của sử học và khảo cổ nước nhà. Toàn những giáo sư hàng đầu trong giới sử còn có những đánh giá chủ quan không trích dẫn tư liệu cụ thể thì trách gì lớp trẻ chẳng quan tâm. Sử Việt đang lúc lâm nguy là do chính lỗi lầm của các vị. 
Còn giới khảo cổ, nếu đào lên mà chẳng có kết luận gì, hoặc phải buộc suy diễn theo chỉ đạo, xin các vị đừng đào thêm hoặc lấp xuống đợi thế hệ sau kết luận. Đừng vì chỉ tiêu bắt buộc phải có kết quả sau những lần khảo sát mà nhọc công suy diễn. Đừng bắt buộc thời đại Hùng Vương là có thực và hạt lúa thành Dền nảy mầm sau 3000 năm chôn vùi dưới đất lại là lúa Khang Dân tôi vẫn chén hàng ngày. 
------------ 
1. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Trích Bản kỷ toàn thư- Thánh Tông Văn Hoàng Đế)
2. Sắc Mệnh Chi Bảo, font vi tính. Tôi có font vi tính chữ Triện. Ai cần có thể gửi cho để làm Triện riêng cho mình. 
3. Ấn đóng thử nghiệm tại Hoàng Thành 2016 
4. Các dị thể của chữ Bảo theo trang web của Bộ Giáo Dục Đài Loan. ________________ 
Lời bình của Thạc sĩ Hán Nôm Nguyễn Đức Toàn: 
Nguyen Duc Toan Thang : 1- Bác Trần Ngọc Đông tuy dân xài điện thoại mà cái đầu còn hơn mấy vị chuyên gia. Người thạo cổ vật nhất là người biết giả cổ nhất. Mấy vị khảo cổ học định đem đạo đức nghề nghiệp ra để bảo đảm mảnh ván ấy là Trần. Lại được sự hậu thuẫn của mấy thánh sử học định lộng giả thành chân. Hỏi rất đúng, sao không thấy mảnh gỗ thời Lê-Nguyễn gần hơn Trần rất nhiều? Sao không thấy mảnh thời Lý sẽ thiêng hơn cổ hơn ấn Trần Nam Định? Vì các bố đã thuổng được từ liệu nhà Trần làm ấn gỗ. Chả biết khắc gì nhưng cứ chơi SMCB mà rẻ (gỗ mà). Nhưng dân Hán Nôm chả ai tin đâu. Vì không chuyên nên chả ai thèm đả động. Quả này mà thành thì dấu dỏm linh thiệt đó. Phát ấn đây! Mại dzo !mại dzo! Các đám đệ bưng tráp cho Thầy Tống, thầy Phan làm dư luận viên trên Facebook là ứng kỳ hội thí. Nhưng không ngờ con rối Lê Văn Lan diễn còn tệ hơn "đường lên đỉnh Olimpia". Cái ván ấy Trần thật thì chẳng cần đạo đức nghề nghiệp. Còn nếu nó là giả thì dù có đạo đức nghề nghiệp nó vẫn là giả. Chưa kể cuối thời Nguyễn, để làm bản sao cho sắc phong thần, nhiều nơi đã tự đục SMCB gỗ để sao lại các sắc cũ (ý này của riêng tôi à nha. Chưa thèm công bố nguồn nghiên cứu nhá). Chờ xem nhà hát kịch đưa ông tướng nào lên diễn tiếp. 
2- Nghe ổng nói bộ này 尔 là Phễu 缶 tửơng ổng đọc theo tiếng địa phương. Đến khi đọc thủ bút ghi bộ Ngọc玉 là Vương 王thì quá "rõ ràng" xin cung cấp thêm lý lịch cụ Hoàng cụ Tống để xem nguyên quán 2 cụ ở đâu mà "phương ngữ" đậm đà đến vậy. Các Thánh Kch chỉ cần khẳng định địa tầng đời Trần ko bị xáo trộn dựa trên bằng Ts do Viện KHXH cấp và niềm tin sự tôn trọng đạo đức nghề nghiệp của đồng nghiệp (kiêm Thầy cũ-lãnh đạo cũ) ... đã đc chứng minh trên facebook. Ok toàn dân có face sẽ ủng hộ các bạn phát động lễ khai ấn trên face hàng năm dc tổ chức quy mô, an ninh, văn minh, trật tự. Ưu tiên cán bộ Kch đc phát sớm khong phai đặt gạch xếp hàng (vì co công hộ giá quả ván gỗ). Còn cạch mặt bọn Hán Nôm_thư pháo (vì bọn này biết chữ - lắm chuyện dám nghi ngờ ván gỗ của "tân triều") .

Lật lại vụ ăn chênh tiền tỷ của TGĐ sàn UDIC

Câu chuyện liên quan đến việc ăn vênh tiền tỷ tại sàn giao dịch BĐS UDIC đã làm “nóng” thị trường BĐS những năm 2011, việc khách hàng phải trả một khoản tiền chênh không nhỏ, giao dịch ngầm, thỏa thuận miệng đã biến BĐS thành nơi trục lợi. 
Vụ ăn vênh tiền tỷ cực lớn này liên quan đến dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC. Vào thời điểm tháng 6 năm 2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm giữ 4 đối tượng về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. 
Các đối tượng bị bắt gồm: Trương Chiến Bình - TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư & quản lý BĐS UDIC; Nguyễn Trần Linh, Phó TGĐ kiêm Giám đốc kinh doanh; Đặng Quang Huy, Nguyễn Nhật Thành, nhân viên sàn giao dịch BĐS UDIC. 
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Tp.Hà Nội bắt quả tang Nguyễn Trần Linh và Đặng Quang Huy đang nhận số tiền 4.391.100.000 đồng là tiền chênh của khách hàng phải đưa cho các đối tượng khi mua căn nhà K26 thuộc dự án khu nhà ở thấp tầng liền kề nhóm K khu nhà Yên Hòa - Cầu Giấy do UDIC là chủ đầu tư tại chính sàn giao dịch Công ty Cổ phần đầu tư & quản lý BĐS UDIC. 
Người bị hại gửi đơn tố cáo là anh Nguyễn Văn Lốc, ở Phủ Lý, Hà Nam, thông qua “cò” giới thiệu anh này đã đến sàn giao dịch Công ty Cổ phần Đầu tư & quản lý BĐS UDIC tìm hiểu mua căn nhà K26 có diện tích 86,1m2 và được nhân viên sàn giao dịch đưa đi xem căn nhà kết cấu 3 tầng 1 tum, đã xây xong phần thô. Thế nhưng ngôi nhà mà anh Lốc mua lại không được niêm yết giá cả công khai. 
Theo giải thích của Nguyễn Trần Linh và Đặng Quang Huy, ngôi nhà mà anh Lốc mua có giá trên hợp đồng là 135 triệu đồng/m2, nhưng giá thực tế anh Lốc phải trả là 186 triệu đồng/m2 vì thế nếu đồng ý mua anh Lốc sẽ phải trả số tiền chênh là 51 triệu đồng/m2, đồng thời anh Lốc phải trả tiền trước mới được ký hợp đồng mua bán với UDIC. 
Trước thông tin “cò” mô giới chèo kéo khách hàng mua nhà tại dự án UDIC Riverside 1
làm loạn thị trường với tiền chênh lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, 
TGĐ UDIC Nguyễn Minh Quang khẳng định “Người nào thu chênh sẽ bỏ tù ngay, báo cơ quan cảnh sát điều tra vào làm việc..." 
Theo cơ quan điều tra giá nhà nhóm K của Tổng Công ty UDIC có giá đưa ra từ 110 triệu đồng đến 135 triệu đồng/m2, nhưng các đối tượng tại sàn giao dịch BĐS UDIC đã bán với giá từ 185 triệu đồng đến 190 triệu đồng/m2 để ăn chia tiền chênh của khách hàng. 
Khai nhận của nhân viên BĐS Nguyễn Nhật Thành cho biết, Thành được giao nhiệm vụ hỗ trợ sàn bán căn nhà K23 diện tích 61,2m2. Theo hợp đồng căn nhà có giá 110 triệu đồng/m2 nhưng đã bị đẩy giá lên 185 triệu đồng/m2. Trong đó sàn UDIC cắt cho “cò” 5 triệu đồng/m2, còn lại ăn chênh của khách hàng 70 triệu đồng/m2. 
Không dừng lại ở đó, khi mở rộng điều tra với 7 căn nhà đã giao dịch thành công, cơ quan điều tra phát hiện các đối tượng đã chiếm đoạt khoảnh 30 tỷ đồng tiền chênh. Các đối tượng khai nhận số tiền chênh được chia nhau và chuyển cho Trương Chiến Bình TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư & Quản lý BĐS UDIC, khi tiến hành khám xét tại phòng làm việc của Trương Chiến Binh cơ quan điều tra đã tìm thấy một số tài liệu liên quan đến vụ án. 
Đây được đánh giá là vụ án tham nhũng trong kinh doanh BĐS đầu tiên với số tiền tham nhũng cực lớn, nghiêm trọng hơn là sự việc này lại diễn tra tại một doanh nghiệp có góp vốn nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh BĐS. 
Việc ăn chênh đã trở thành điều “cấm kỵ” đối với UDIC, bởi thời gian gần đây có thông tin “cò” mô giới chèo kéo khách hàng mua nhà tại dự án UDIC Riverside 1 làm loạn thị trường với tiền chênh lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. 
Trước thông tin này, Tổng giám đốc UDIC Nguyễn Minh Quang khẳng định “Người nào thu chênh sẽ bỏ tù ngay, báo cơ quan cảnh sát điều tra vào làm việc. Đó là điều cấm kỵ riêng với UDIC” khi vị này trao đổi trên báo chí. 
Được biết, Dự án Udic Riverside 1 (122 Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng và Đô thị UDIC làm chủ đầu tư nằm ngay chân cầu Vĩnh Tuy, cửa ngõ phía Đông Nam của Thủ đô, sát với đường vành đai 2 thuận tiện giao thông. Udic Riverside 1 được xây dựng trên diện tích hơn 5.000 m2 với tổng mức đầu tư 703 tỷ đồng, gồm 22 tầng nổi và 2 tầng hầm với 324 căn hộ, 4 tầng trung tâm thương mại. Các căn hộ có diện tích từ 62m2 đến 134m2 (02 và 03 phòng ngủ). Giá bán từ 22-27 triệu đồng/m2 đã bao gồm VAT và kinh phí bảo trì phần sở hữu chung. 
Sở dĩ, Dự án Udic Riverside 1 đang được nhiều khách hàng quan tâm, tìm mua bởi số lượng tầng và mật độ căn hộ trên một sàn không quá cao, gần Times City và Hòa Bình Green City nhưng giá rẻ hơn rất nhiều, chỉ khoảng trên dưới 2 tỷ là khách hàng có thể sở hữu được một căn hộ ở đây. 
TD/ANTT

28 tháng 2, 2016

Có ba thứ trong đời không bao giờ nên tiếc nuối

Tác giả: (Sưu tầm)
KD: Bạn bè iu quí gửi cho mình những triết lý này. Hay hay. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ và liên hệ bản thân :D 
———— 
Nguồn: Trên mạng 
– Cái gì đã cũ là cũ, Có cố đánh bóng cũng không thể mới.
– Cái gì đã qua là qua. Có quay trở lại cũng chẳng như xưa.
– Cái gì đã vỡ là vỡ. Có hàn gắn lại cũng còn vết rạn nứt.
– Cái gì đã đứt là đứt. Có ráng nối lại cũng chẳng tồn tại dài lâu.
– Cái gì đã đi là đi. Có níu kéo nó về cũng chẳng còn là của mình nữa.
– Cái gì phải quên là quên. Có nhớ nhung mãi cũng chỉ là hoài niệm.
– Sự tin tưởng giống như một tờ giấy, một lần bị vò nát nó sẽ không thể toàn hảo như xưa.
– Khi ai đó rời bỏ ta, hãy để họ ra đi . Số phận của ta không bao giờ kết chặt với những ai quyết tâm rời bỏ ta. Họ không phải là người xấu, họ chỉ là nhân vật kết thúc vai trò trong câu chuyện của cuộc đời ta mà thôi. 
– Có ba thứ trong đời không bao giờ nên tiếc nuối Đó là:
* Tình yêu đã ra đi.
* Người bạn không xứng đáng.
* Ngày hôm qua. 
Bởi vì đó là những điều đã không còn có thực, không còn có ý nghĩa và không còn tồn tại trong ngày hôm nay và ngày mai của ta. Vì thế, là những điều không nên làm vướng bận lòng ta, không nên làm u sầu trái tim ta và làm rơi nước mắt ta thêm nữa. 
Một sớm mai kia thức dậy, bạn có thể sẽ thấy người bạn yêu không còn là người đàn ông/đàn bà bạn đã yêu nữa. Bạn sẽ buồn vì họ? Sẽ đau vì không thể yêu người đó nữa? Sẽ tiếc nuối tình yêu đã có? Nhưng, hãy nghĩ: Khi bạn yêu họ, họ là người bạn yêu, với những gì bạn yêu. Khi họ không còn như thế nữa, hoặc khi bạn nhận ra họ chưa bao giờ như bạn nghĩ, cũng đừng cảm thấy đau buồn hay nuối tiếc. Bởi vì tình yêu đó, trước giây phút đổi thay đó đã là một tình yêu trọn vẹn, người yêu đó trước giây phút nhận ra đó đã là một người yêu trọn vẹn. Chỉ có điều, đó là một tình yêu đã qua, một người yêu đã ra đi. Và nên để gió cuốn bay đi… 
Một người bạn không xứng đáng với những gì ta dành cho họ càng không bao giờ nên hối tiếc, cho dù có thể là một nỗi buồn trong thoáng chốc. Buồn không phải vì ta đã dành cho họ nhiều yêu thương mà họ không xứng đáng được nhận, cho đi là không bao giờ nên hối tiếc. Mà buồn vì cuộc sống không nên như thế, con người không nên như thế, vậy thôi. Dù sao, cũng nên sống hết mình, yêu thương hết mình. Đâu đó trong cuộc đời vẫn là những vòng tay rộng mở, còn những cái quay mặt đã ở sau lưng… 
Và ngày hôm qua. Ngày hôm qua luôn là một cái bóng rất lớn, đôi khi là quá lớn lên hiện tại. Cho dù là cái bóng của hạnh phúc hay bất hạnh. Có những người không bao giờ thoát nổi ra khỏi cái bóng đó để bước đi về phía ngày mai. Nhưng bạn biết không, chỉ những người không nhìn thấy bóng mình vì bận rộn ngẩng cao đầu bước mới không luẩn quẩn ở cái bóng của mình mãi. Ngày hôm qua chỉ là một cái bóng. Mà chúng ta thì cần điều gì đó rõ rệt, mang dáng dấp, hơi thở, sự sống. Đừng đuổi theo cái bóng đó, bạn nhé. Nó cũng giống như ngồi thở than vọng tưởng những cánh bướm mùa trăng tròn thuở xưa. Hãy cứ thương nhớ nhưng đừng bao giờ tiếc ngày hôm qua. Ngày hôm qua đã qua rồi… 
Đôi khi, đúng hơn là rất nhiều khi tôi cũng thấy buồn. Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ cho phép mình nuối tiếc. Tôi tin, rất tin cuộc sống cần dựa trên những nỗ lực không mệt mỏi để vươn lên, để cho đi và để biết trân trọng hiện tại, hướng tới ngày mai. Những gì đã cho đi là những điều quý giá. Những hạnh phúc đã mang đến cho người là những món quà tự tặng mình. Những yêu thương đã trao là những yêu thương được nhận. Ngay cả những nỗi buồn cũng là một trải nghiệm ý nghĩa. Những cho nhận ấy ngày hôm nay và ngày mai nhìn lại ta mới có thể thấy hết giá trị của đời mình. 
Những người luôn bận lòng với những đố kị, day dứt với những đau khổ, trẫm mình trong nước mắt, giam mình trong những ám ảnh về quá khứ và dằn vặt mình với những đòi hỏi yêu thương là những người không bao giờ có thể hạnh phúc, không bao giờ biết giá trị đích thực của cuộc sống. 
Một sớm mai kia khi tất cả sẽ thành hư vô trong đời, tôi mong bạn sẽ mỉm cười. Vì mình đã sống những ngày trọn vẹn

Cần những kháng sinh cho những căn bệnh tâm lý

Tác giả: Vương Trí Nhàn 
Giá có nói dân mình bây giờ chẳng khác dân Nga thế kỷ XIX cũng không phải quá. Cả hai, do khổ quá lâu, đều thiếu ý thức đầy đủ về cuộc sống hiện đại nói chung. Và cụ thể hơn, thiếu ý thức pháp luật. Tức là cái ý thức rằng mình buộc phải tuân theo những quy định nào đó mà xã hội đã đề ra, bất chấp cái đó có lợi cho mình hay không. 
————— 
Khi nghe chuyện cáp quang trên biển bị lấy trộm nhiều người thường than thở. – Thật không sao hiểu nổi tại sao dân mình lại có việc làm kỳ cục đến vậy.
Có người bổ sung: 
– Mà việc làm đó được chính quyền địa phương cho phép cơ chứ! 
Tự lý giải để hiểu tại sao lại xảy ra những trường hợp như thế này không quá khó. 
Với con người hiện đại, việc gì cũng có thể. Trong khao khát kiếm sống mà lại không được chuẩn bị, sự liều lĩnh của mỗi cá nhân ngày một được đẩy xa mãi so với giới hạn cho phép. Chỉ cần nhìn nhiều ngã tư Hà Nội như ngã tư Bà Triệu – Nguyễn Du thì biết. Người ta bán hoa quả ngay trên lòng đường nhựa bất chấp xe pháo xếp hàng chờ đèn hiệu và sự ùn tắc có thể gây ra tai nạn bất cứ lúc nào. Trước khi có vụ PMU 18 tôi cũng không thể tin là có những người có trách nhiệm trong ngành giao thông lại dám thay lõi sắt bằng lõi tre trong những cọc tiêu chắn bên các đường quốc lộ. Có việc gì dân mình ngán đâu? 
Mấy ông chính quyền đó không tự trên trời rơi xuống. Họ cũng từ dân mà ra. Bao nhiêu năm nay đã vậy! Còn nhớ là khoảng mấy năm sau 1975, có những tỉnh cho dân phá rừng để trồng sắn. Nay thiếu gì người cùng làng cùng xóm hoặc anh em họ hàng họ là ngư dân, đang không biết làm ăn trên biển ra sao, những người này hàng ngày thúc bách các ông ấy cho phép làm mọi việc miễn sao có tiền. Biết đâu trong số đứng ra lo cái giấy phép này chẳng có người mấy năm trước cũng là ngư dân và đã từng đi cắt cáp quang mang bán? 
Để hiểu và đỡ bất ngờ về những chuyện còn xảy ra nữa, hãy thử xem lại quan niệm về những người dân thường. 
Trong số các truyện ngắn của nhà văn Nga Anton Tchekhov (1860-1904), tôi nhớ có một truyện (hình như tên là Cái đinh đóng móng ngựa). Truyện viết về một nông dân Nga (mà người ta hay gọi là một mugich) ra tháo một bù loong trên đường sắt để về làm đinh đóng móng ngựa. Đến khi đưa ra tòa anh ta còn cãi. Lý sự của người mugich đó khá đơn giản. Thiếu một cái bù loong, xe lửa vẫn chạy. Còn thiếu đinh đóng móng ngựa, tôi biết làm sao cày ruộng lấy lúa mì nuôi vợ con tôi. 
Tôi đã một đôi lần nhắc tới thiên truyện này, nhưng vẫn cứ thích trở về với nó, bởi thấy nó gần với xã hội mình, con người mình hôm nay quá. Gần tới mức giá có nói dân mình bây giờ chẳng khác dân Nga thế kỷ XIX cũng không phải quá. Cả hai, do khổ quá lâu, đều thiếu ý thức đầy đủ về cuộc sống hiện đại nói chung. Và cụ thể hơn, thiếu ý thức pháp luật. Tức là cái ý thức rằng mình buộc phải tuân theo những quy định nào đó mà xã hội đã đề ra, bất chấp cái đó có lợi cho mình hay không. 
Có một triết lý lờ mờ nằm sau việc làm của họ. Triết lý đó là “Chỉ có những việc không làm được, chứ không có việc gì không được làm”. Buộc họ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả xảy ra ư, vô ích. Họ không thể nghĩ quá sâu xa như vậy. 
Do chỗ lâu nay, những việc như thế này kéo dài mà không hề bị lên án – hoặc nói như nghề y, để bệnh thành ra mãn tính – nên vào những ngày này, tình hình đã có những diễn biến mới. 
Hãy nhớ lại chuyện ở nhiều vùng đánh cá, dân vay tiền về không lo đóng thuyền mua lưới làm ăn, mà trước tiên ăn uống lu bù, rồi sắm sanh quần áo xe cộ, rồi đổ đi xây nhà, sau ngân hàng có đến kiểm tra thì cười trừ. Chỉ cần nghe nói vùng đất mình ở sắp vào quy hoạch là người ta bôi ra đủ thứ diện tích xây dựng nham nhở để: bắt nhà nước đền bù – chuyện ấy xảy ra ở đủ các nơi, từ vùng xa vùng sâu, tới ngay đất thánh Hà Nội. 
Sau cái thời “đói ăn vụng túng làm càn”, nay đã sang cái thời “không đói cũng ăn vụng, không túng cũng làm càn, khiến cho cái câu “bạc như dân bất nhân như lính” của người xưa cứ len trở lại trong đầu mà không sao tìm ra cách gạt hẳn nó đi được. 
Nhưng sự hư hỏng của một bộ phận nhân dân là cái có thực làm sao chối cãi được nữa? Là một căn bệnh, với nhiều người nó đã vào sâu lục phủ ngũ tạng. 
Nhận thức có liên quan đến cách giải quyết. 
Sau sự kiện này ai cũng bảo phải xem xét về ý thức. Phải chăm lo giáo dục. Và giáo dục đại khái là tập hợp lại lên lớp người ta, buộc người ta phải hứa nay mai không tiếp tục. Dù có đưa ra các hình phạt ra răn đe nhưng chỗ trong nhà với nhau, ai cũng hiểu là giơ cao đánh khẽ, rồi hòa cả làng. 
Còn một cám làm nữa là tìm hiểu tâm lý người ta, trình độ hiểu biết của người ta để chữa chạy bằng những biện pháp cần thiết, kể cả các loại thuốc đắng. 
Chỉ bước sang thời hiện đại nhân loại mới tìm ra kháng sinh. Kháng sinh là thuốc hủy diệt mầm bệnh. Kháng sinh dùng quá liều thì nguy hiểm. Nhưng để chữa chạy các bệnh mà người xưa bó tay/ nó là đặc trị. 
Cần những liều kháng sinh như thế trên phương diện chính sách xã hội.

Ngân hàng thế giới không cho Việt Nam vay tiếp?

Kết quả đáng thất vọng dành cho giới lãnh đạo Việt Nam vừa hiển lộ. Ngày 23/2/2016, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim công du Việt Nam và đã được đến 3/4 trong “tứ trụ” tiếp đón trọng thể, từ Tổng bí thư Trọng, Chủ tịch nước Sang, và Thủ tướng Dũng. Tuy nhiên khác với những lần làm việc với Ngân nhàng thế giới trước đây thường gắn liền với một khoản cho vay tức thời hoặc cam kết cho vay, đã không hiện ra bất cứ một khoản cho vay mới nào từ phía Ngân hàng thế giới vào lần này. 
Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Jim Young Kim. Hình Internet 
Mặc dù một số tờ báo nhà nước vẫn tuyên giáo về “Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ, ưu đãi lãi suất cho Việt Nam”, thậm chí còn giật tít “Ngân hàng thế giới cam kết cho Việt Nam vay tiền”, nhưng nếu để ý sẽ nhận ra “Chủ tịch Jim Yong Kim nhấn mạnh, để góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công những mục tiêu phát triển tiếp theo, WB cam kết sẽ tìm những nguồn lực khác mang tính ưu đãi để Việt Nam giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế-xã hội” (bài “Công bố Báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ: Phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong 20 năm tới”, báo Quân Đội Nhân Dân; chữ đậm để nhấn mạnh). 
Câu hỏi đặt ra là tại sao vào lần này, Ngân hàng thế giới lại tỏ ra “keo” đến thế? 
Cần trở lại vài ẩn ý trong thời gian gần đây. 
Ngày 5/12/2015, tại Diễn Đàn Đối Tác Phát Triển tổ chức ở Hà Nội về “kế hoạch 5 năm tới của Chính Phủ Việt Nam.”, bà Victoria Kwa Kwa – Giám đốc quốc gia ngân hàng thế giới tại Việt Nam – đã nêu ra một câu hỏi rất hóc búa dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới?”. 
Và chính Ngân hàng thế giới, vào tháng 12/2015, đã đưa ra một trong những thuyết minh giá trị nhất đối với kế hoạch “tăng trưởng kinh tế cao hơn” của phía chính phủ: Dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam. 
Quyết định đột ngột trên của ngân hàng thế giới xuất hiện hầu như cùng thời điểm với Diễn Đàn Đối Tác Phát Triển. 
Lý do được Ngân hàng thế giới đưa ra: Giai đoạn 2011-2015 là thời kỳ Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình, vì vậy chính sách của Ngân hàng thế giới cũng như nhiều nhà tài trợ khác đối với Việt Nam có sự thay đổi. Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh tốc độ trả nợ đối với hơn 90% các khoản vay hiện hành (tương đương 9.5 tỷ USD) và các khoản vay mới thuộc IDA 17. 
Ngân hàng thế giới là một trong những chủ nợ lớn nhất của chính phủ Việt Nam: Chiếm gần 30% nợ vay song phương. 
Nhưng vẫn chưa hết. 
Tháng 12/2015, Ngân hàng thế giới đã làm nên một hành động chưa từng có: Yêu cầu chính phủ Việt Nam sớm ban hành Luật Lập Hội. 
Yêu cầu trên lại xếp hàng đầu trong bản khuyến nghị 7 điểm của Ngân hàng thế giới đối với chính phủ Việt Nam. 
“Cần thiết phải soạn thảo và thực hiện một bộ luật có hiệu lực mạnh về hội và hiệp hội. Chính điều đó sẽ giúp thực hiện chương trình nghị sự của chính phủ” – bà Kwa Kwa “gợi ý.” 
Quá khó để có những khoản vay mới, trong khi ngay trước mắt của Nhà nước Việt Nam chỉ là trả nợ, trả nợ và trả nợ! 
Nếu đến cuối năm 2016 mà không thể bán được trái phiếu, cũng như chưa bán được một đồng nợ xấu nào cho các đối tác nước ngoài, nhiều khả năng ngân sách Việt Nam sẽ chính thức vỡ nợ. 
Không còn cách nào khác, giới lãnh đạo Việt Nam hậu đại hội 12 phải cải cách thể chế, kể cả cải cách chính trị. 
Lê Dung / SBTN

Điều quan trọng khiến Nhật Bản trở thành cường quốc thế giới

Osaka Nhật Bản. (Ảnh: http://bitcommunity.fieramilano.it/)
Nhật Bản là một đất nước luôn theo đuổi những điều tốt đẹp, điều hoàn mỹ ở mức độ cao nhất. Điều này thể hiện ở chất lượng sản phẩm, chất lượng cuộc sống, chất lượng không khí, điều kiện vệ sinh môi trường, và coi trọng thành tín đến mức cực điểm.
Ngày Chủ nhật, nếu bạn đến công viên nước bình thường chơi thì vé vào cửa là 800 yên (khoảng 150.000vnđ). Trong công viên cũng có một số lối ra vào đặc biệt giành cho người tàn tật. Ở đó người ta chỉ chăng dây xích cao chưa đến đầu gối chân và nói rằng: “Lối giành cho người tàn tật, người bình thường không được vào”. Công viên cũng không cho rằng cần phải cử người trông coi ở những lối này, mà người dân cũng không cho rằng mình có thể đi bằng lối này để giảm được tiền vé vào cổng!
Nhật Bản là quốc gia truy cầu sự hoàn mỹ cực điểm về “chất lượng sản phẩm”.
Người Nhật Bản không cho rằng họ sẽ ăn phải đồ ăn không sạch sẽ tại các quán ăn nhà hàng. Trước đây có một nhà hàng thịt nướng ở thành phố Osaka đã khiến cho 4 khách hàng của họ bị tiêu chảy. Sau đó, nhà hàng này đã phải đóng cửa. Ông chủ của nhà hàng này đã bị cấm, cả đời không được phép kinh doanh đồ ăn uống.
Thậm chí, việc xử lý vấn đề hộ khẩu ở tòa thị chính của thành phố là một việc đơn giản đến khó tin. Khi bạn đến đó, nhân viên công tác sẽ xuất ra một bản đồ được phóng to rõ đến từng nhà, rồi yêu cầu bạn chỉ nơi mà mình đang ở và coi như việc xác nhận đã được hoàn tất. Trước đây đã từng có một người rất kinh ngạc và hỏi nhân viên công tác rằng: “Nếu như có người nói dối thì sao?” Nhân viên công tác đã dùng ánh mắt khó tin và nói với anh ta rằng: “Tại sao lại nói dối? Nếu mà nói dối thì khi chúng tôi gửi trả giấy chứng nhận bảo hiểm y tế và các tài liệu khác, chẳng phải họ sẽ không nhận được sao?”
Sự chung sống giữa người với người là đơn giản như vậy đấy! Cho nên người hải ngoại nếu sống lâu ở đây sẽ trở thành “ngốc nghếch”: Tuân thủ quy tắc xã hội, khi qua đường phải nhìn đèn tín hiệu, có xếp hàng thì cố gắng xếp hàng, khi ăn cơm đặt ví tiền trên bàn mà đi vệ sinh…
Tố chất người Nhật Bản đạt đến mức cực điểm
Vì sao người Nhật Bản lại không làm hàng giả? Để có sự trung thực như vậy, tất nhiên có tồn tại một loại hiện tượng. Chính là, một khi đã làm giả thì hậu quả nhận được sẽ vô cùng nghiêm trọng. Trong kinh doanh ở Nhật Bản cũng ngẫu nhiên có hiện tượng làm hàng giả. Ví dụ như đem sản phẩm của nước ngoài giả mạo là sản phẩm của Nhật Bản.
Năm trước có xuất hiện sự kiện, một ông chủ dùng lươn của Trung Quốc giả mạo là lươn của Nhật Bản. Kết quả là: Thứ nhất là ông chủ phải công khai xin lỗi mọi người, thứ hai là ngân hàng ngừng việc cho vay, thứ ba là các đối tác ngừng quan hệ, cuối cùng xí nghiệp đành phải đóng cửa. Đối với những ông chủ lớn tuổi thì sẽ không còn cơ hội để kinh doanh nữa và thậm chí phải tự sát.
Ở Nhật Bản có khế ước xã hội bất thành văn là người làm hàng giả không nên thực hiện bất kỳ lời bào chữa nào mà nên thành khẩn nhận lỗi. Sau khi nhận lỗi rồi người ta sẽ không đào sâu vào chi tiết nữa. Nhưng người làm hàng giả sau này cơ bản sẽ không còn có khả năng tham gia vào ngành sản xuất đó nữa. Cho nên, tại Nhật Bản, làm hàng giả là một việc còn nghiêm trọng hơn việc ngồi tù. Người làm hàng giả một khi bị phát hiện thì cũng đồng nghĩa là “ngừng phát triển của cá nhân ở đây”!
Thậm chí những người chủ xí nghiệp tự sát khi công ty bị phát hiện làm hàng giả còn không nhận được sự thông cảm của mọi người. Người ta chỉ cho rằng, dùng cách tự sát chỉ là để rửa sạch lỗi lầm của mình mà thôi. Trái lại, người chịu hình phạt ngồi tù xong lại là người bình thường, người khác không được kỳ thị. Tại Nhật Bản, hai chữ “thành tín” là vô cùng quan trọng.
Ở Nhật Bản có khế ước xã hội bất thành văn là người làm hàng giả không nên thực hiện bất kỳ lời bào chữa nào mà nên thành khẩn nhận lỗi.
Tại Nhật Bản, trong siêu thị hay máy bán hàng tự động đều chưa bao giờ trang bị máy soi tiền giả, bởi vì không có người sử dụng tiền giả.
Tố chất của người Nhật Bản có thể nói là đạt đến cực độ. Sự thành thật của một người Nhật Bản đạt đến mức nhiều người không thể tưởng tượng nổi. Ví dụ như, gần một bến xe nhỏ ở trong thôn gần thành phố Osaka, người ta có đặt từng túi từng túi một rau quả tươi, bên cạnh có đặt một tấm ván gỗ ghi rõ 100 yên/1 túi và không có ai trông coi. Vậy mà, tất cả những người mua hàng đều tự giác thả tiền vào trong chiếc hộp đựng tiền ở bên cạnh.
Ở Nhật Bản còn có rất nhiều trạm xăng tự phục vụ, khách hàng tự bơm xăng theo nhu cầu rồi tự trả tiền và chưa từng có ai không trả tiền.
Tại các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại hay ở các máy bán hàng tự động đều chưa bao giờ có trang bị máy phân biệt tiền giả tiền thật, bởi vì không có ai sử dụng tiền giả.
Ở Nhật Bản, nếu như bị thất lạc đồ vật gì cũng không cần phải lo lắng bởi vì người nhặt được đều sẽ mang đến giao lại cho phòng cảnh sát gần nhất. Ví dụ như, trước đây đã từng có một doanh nhân đến Nhật Bản công tác. Lúc đi tàu điện ngầm anh ta để quên chiếc áo khoác ở ghế. Anh nghĩ rằng đây là một phiền toái lớn, bởi vì bên trong túi áo có tiền và hộ chiếu. Đang lúc vô cùng lo lắng thì có người nói với anh ta: “Đồ vật thất lạc trên tàu điện ngầm thông thường sẽ có người giao cho nhà ga.” Anh liền đi đến nhà ga, vô cùng mừng rỡ và cảm động vì đã nhìn thấy chiếc áo khoác của mình. Không những thế mà còn được người ta là phẳng và gấp lại ngay ngắn và cho vào trong một túi nhựa.
Nhật Bản không chỉ là một quốc gia giàu mạnh, mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người!
Nhật Bản là một dân tộc vô cùng nghiêm khắc và cẩn thận. Có thể nói, Người Nhật Bản có một đức tính, một nét văn hóa trời sinh đó là “đã tốt lại muốn tốt hơn”. Đây được xem là nguyên nhân quan trọng nhất khiến Nhật Bản trở thành một cường quốc của thế giới.

“Ba cái đặc biệt” có giảm ùn tắc?

Cùng các ban bệ của Bộ GTVT và Sở GTVT rà soát một loạt dự án trọng điểm "dính" giữa T.Ư và TP.HCM, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh thông điệp phải đạt 1 trong 7 đột phá. Đó là phải giảm ùn tắc, không gây bức xúc mệt mỏi cho dân.
Trong cả vai trò chưa miễn nhiệm là Bộ trưởng GTVT, ông Đinh La Thăng chủ trì hội nghị phối hợp công tác giữa TP.HCM và Bộ GTVT chiều nay. 
Ông rà lại tất cả dự án hạ tầng giao thông xương sống, đặc biệt những dự án tháo nút thực trạng ùn tắc căn cơ như tuyến metro, hay điểm nghẽn lớn sân bay Tân Sơn Nhất. 
Khi Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường báo cáo vướng mắc về điều chỉnh lại mức vốn đầu tư một tuyến dự án metro do phần vốn tăng trội, vượt mức 10.000 tỷ đồng phải báo cáo ra QH, ảnh hưởng tổ chức mời thầu, giải phóng mặt bằng (GPMB), có thể kéo dài 1-2 năm thì ông Thăng tỏ ra sốt ruột. 
Liên tục hỏi về tổng mức tiền tăng phải chốt, ông Thăng lo ngại sẽ không thể đẩy nhanh được tiến độ dự án, kể cả vướng mắc pháp lý. 
Điểm danh khu vực điểm nóng về ùn tắc khác là sân bay Tân Sơn Nhất, ông Thăng muốn biết những việc cụ thể triển khai ngay từ nay đến lúc dự án sân bay Long Thành khởi công chính thức. 
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật báo cáo kết quả làm việc với Bộ Quốc phòng trước mắt nhường lại 30ha cho sân bay Tân Sơn Nhất để tăng bãi đậu, đường lăn đi lại. Còn bên ngoài sân bay đã họp cùng Sở GTVT khảo sát để có chiến lược mở các đường bên ngoài. Nếu không làm, kể cả cầu vượt thì sẽ còn khó khăn về điểm nóng tắc nghẽn này. 
Khi Bí thư muốn tiên lượng hiệu quả giải pháp này sẽ giúp Tân Sân Nhất giải quyết được bao nhiêu lượng khách, ông Nhật cho biết có thể đạt 30 triệu hành khách/năm. Nghe vậy, ông Thăng sốt ruột chỉ ra năm nay con số đó có thể đạt được rồi. Ông cho rằng, phải tính giải pháp đồng bộ, trong đó tính tới việc nhanh chóng chuyển căn cứ của các hàng không về Cam Ranh - Nha Trang, còn nếu tất cả các hãng chuyến đều xuất phát về Tân Sơn Nhất thì thực trạng ùn tắc còn kéo dài... 
"Đầu tàu" phải có cơ chế đặc biệt 
Sau 4 giờ đồng hồ lắng nghe các vướng mắc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăngnhấn mạnh, TP.HCM là đầu mối giao thông của cả nước, khu vực, do đó các dự án của TP cũng là dự án của cả nước. 1 trong 7 điểm đột phá lớn theo nghị quyết đại hội đảng bộ TP là giảm ùn tắc giao thông, đột phá về hạ tầng. 
Ông đề nghị UBND TP sớm có chương trình kế hoạch hành động triển khai điểm đột phá này. Gợi ý cho ngành giao thông TP, Bí thư Thăng lưu ý nhiều tồn tại mà như trong cuộc giao lưu với thiếu nhi TP sáng nay, ông thấy các vấn đề phản ánh toàn việc "trong tầm tay" của chính quyền. 
"Ngay như hệ thống biển báo, đèn tốc độ... xác định luôn bao nhiêu biển báo không phù hợp, trước hết nhổ bớt đi, rồi khắc phục phục hồi sau, đừng gây bức xúc, người tham gia giao thông quá mệt mỏi rồi. Rồi thủ tục đầu tư, tôi làm ở ngoài kia tôi nói các anh TP, cái gì thuộc quyền Bộ trưởng, TP đề nghị ủy quyền, Bộ ủy quyền tất. TP ra xin mất thời gian, tốn kém...", ông nói. 
Bí thư Thành ủy tin tưởng nguồn lực tại chỗ của TP sẽ quản lý tốt hơn, vấn đề là các bộ ngành TƯ giúp TP xây dựng cơ chế đột phá, TP là đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế trọng điểm mà áp dụng cơ chế bình thường thì đầu tàu không đủ sức kéo. 
"Muốn đầu tàu khỏe thì phải có cơ chế cho đầu tàu kéo, phải chủ động, cái gì thuộc thẩm quyền phải chủ động...", ông nói 
Trong kết luận, Bí thư Thành ủy TP gợi ý các nhóm giải pháp, trước mắt cập nhật lại các quy hoạch GTVT trên địa bàn, phù hợp chiến lược giao thông miền Nam, phù hợp chiến lược phát triển TP, vùng trọng điểm kinh tế, giao thông phải đi trước, những quy hoạch phải mang tính dài hạn, trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, sắt, thủy, nội địa.... 
Thứ hai, hoàn thiện thể chế chính sách về GTVT, xác định TP là vùng kinh tế năng động, mọi cơ chế chính sách phát huy được ở TP này có thể giúp xây dựng hình thành chính sách áp dụng cho cả nước. 
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy hoạch, tiêu chuẩn về các công trình giao thông , nhất thiết phải phù hợp đặc thù miền Nam, nếu không không thì cực kỳ lãng phí, tốn tiền. 
"Như tính toán tần suất lũ không nên tính xa đến 1.000 năm, không nhất thiết đầu tư quá tốn tiền như vậy, rồi cuối cùng dân khổ, dân không thể theo được, hai bên đường dân vẫn phải chịu ngập lụt hết", ông nhấn mạnh. 
Thứ tư, ông đề nghị xây dựng cơ chế đột phá về quản lý nhà nước, phải kiên trì làm việc với TƯ để xây dựng cơ chế cho đô thị đặc biệt. "Quyết tâm đặc biệt, giải pháp đặc biệt, cơ chế đặc biệt, nếu đô thị đặc biệt mà chỉ có cơ chế bình thường thì không thể hiệu quả". 
Thứ năm, ông đề nghị Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở ban ngành đốc thúc dự án đường sắt đô thị triển khai khẩn trương, sớm có phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. 
Thứ sáu, khẩn trương xây dựng cầu vượt để giải quyết ùn tắc, chỉ đạo xử lý xe dù, báo cáo việc cho thuê lòng đường vỉa hè ở quận huyện để trả lại lòng lề đường cho người tham gia giao thông. 
"Cho thuê lề đường, đương nhiên người dân đi bộ xuống lòng đường, dùng lòng đường buôn bán rồi sao dân đi? Đồng chí Chủ tịch chỉ đạo sớm việc này", ông nói. 
Xuân Linh - Đinh Tuấn/VnN

27 tháng 2, 2016

TẾT- HỠI CÔ MẶC CÁI YẾM XANH

Vũ Bằng
Tại sao Tết lại đặt vào ngày cuối và đầu năm âm lịch, mà không đặt vào ngày nào ấm áp như Đoan Ngọ hay Thất Tịch? Ấy là vì tổ tiên ta lúc chọn ngày để đặt Tết Nguyên Đán đã có một ý định là đem lại cho Tết Nguyên Đán một sự phù hợp với tính chất sinh hoạt dân tộc: các cụ chọn một ngày rảnh nhất, một ngày có ý nghĩa nhất trong một năm để tưởng nhớ đến ông bà, rước xách thờ cúng và nghỉ ngơi cho khỏe...
Đặt vào ngày cuối Đông đầu Xuân, ngày Tết Nguyên Đán còn có một thâm ý sâu xa hơn nữa; theo Từ Nguyên, xuân có nghĩa là “trai gái vừa lòng nhau”, xuân là cựa động, băng giá tan hết, muôn vật đến mùa xuân đều cựa động mà sống lại. Từ quan niệm ấy, người mình tiến đến tín ngưỡng thờ Thần Đất. Họ tin rằng trong không, thời gian mà Thần Đất vắng mặt trên trần thì không ai được động chạm đến đất như cày bừa cuốc xới lên hay giã gạo làm cho vang động đất. Ngày Tết, do đó, có ý nghĩa là đón đợi sự trở về của Thần Đất: người ta chờ lúc cây cối đâm lộc nảy mầm, muôn vật trở lại cuộc sống bình thường, chỉ sợ vì một cớ gì bí mật, không phồn thịnh và sản xuất như xưa nữa. Họ tin rằng nếu không kiêng kị thì Thần Đất không phù hộ loài người và sẽ làm cho cây cối, con người, súc vật, của cải không thể nào phát triển (…)
Có ai ở tỉnh thành ăn Tết ngày mồng một rồi đến mồng hai, mồng ba đi về những vùng đất thơm ngát hoa đồng cỏ nội mới thật thấy cái tết của ta đẹp biết ngần nào, êm ái biết ngần nào. Người nông dân vất vả quanh năm, được mấy ngày ấy nhất định nghỉ không ra đồng. Chè chén đã đành rồi, nhưng tội gì mà chẳng vui chơi để giải quyết sự thèm khát giải trí mà vua quan ngày trước không hề nghĩ tổ chức bao giờ. Vì thế, nghe thấy đầu xuân có hát tuồng cổ “Quan Vân Trường quá ngũ quan trảm lục tướng” hay “Dự Nhượng tam đả long bào”, ở cách xa nơi họ ở dăm mười cây số, họ cũng cố đi xem cho kì được (…). Tại vài làng mát mặt ở Bắc Việt, các đàn anh vào dịp tết vẫn rủ nhau rước ảo đào, tuồng cổ, phường chèo về diễn (…).
Ngày Tết, bước ra khỏi Hà Nội một hai cây số ta có thể thấy ở bất cứ làng nào cũng có trồng một vài cây đu để cho trai gái trong làng hay những vùng quanh đấy đến dún dẩy với nhau (…). Cây đu làm bằng tám cọc tre, trồng rất chắc dưới đất vì trồng càng chắc thì dún càng khỏe. Cái ngáng đu vận bằng rơm, giữ hai hàng cột gioãng ra hai bên (…). Đu càng cao, các cô, các cậu càng đưa mạnh. Các cậu cố dún. Các cô ưỡn thêm lên (…). Đu lên bổng, chiếc áo nâu non của cô gái dan díu với chiếc áo the thâm của chàng trai, đôi giải yếm lụa quấn quýt lấy chiếc quần hồ trắng bốp… hai lá cờ đuôi nheo cũng phải rung lên một cách đa tình (…)
Ai đã ở Bắc vui mấy ngày xuân, thế nào mà chẳng có lúc đã nghe thấy người ta hát:
Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy,
Vui thì vui vậy chẳng tày Giã La…
Tục truyền rằng ở làng La (Hà Đông), vào ngày rã đám, dân làng tổ chức một ngày rước rất long trọng rồi đến một giờ nhất định tắt đèn đi để cho ông già, bà cả và thanh niên, thiếu nữ thả cửa sờ soạng nhau. Hồi gần đây, những làng như Khúc Lạc (Phú Thọ) và Di Hậu (Hưng Hóa) giữ tục “rước cái nõn nưỡng” trong những ngày Tết cũng là nằm ở trong tinh thần khuyến khích đoàn kết, cầu nguyện cho sinh sản gia tăng, phồn thịnh (…). Nõn là bộ phận sinh dục của đàn ông, nường là bộ phận sinh dục của đàn bà. Trong cuộc lễ, dân làng để nõn và nường làm bằng gỗ lên kiệu rước, có nam đồng quan và nữ đồng quan đi giật lùi trước kiệu vừa đi vừa hát “ba mươi sáu cái nõn nưỡng: Cái để đầu giường, cái để đầu tay”. Cuối cùng, các vị chủ tế tung nõn nường lên trên trời, trai gái đổ xô ra cướp, gái mà được cái nõn, trai mà được cái nường thì may mắn vô cùng (…).
Ngày Tết ở Bắc, rỗi rãi mà đi xem hết hội này đến lễ kia như thế, phải nói thật quả là mình sung sướng như tiên. Tết đi thăm nhau, chúc mừng nhau, uống rượu ăn mứt, ăn kẹo với nhau, đánh cờ đánh kiệu với nhau, vui quá thể, ai mà lại còn không biết; nhưng vui thấm thía, vui ý nghĩa, vui sâu xa thì phải nói thực, đó là nhờ những đám rước, những tục cổ, những trò chơi như thế.
Xin Trời Phật phù hộ cho không bao giờ có những ngày xuân, ngày tết không có hoa và bướm, không bao giờ có những người không được thương yêu; không bao giờ có những cây không nảy lộc, những cặp mắt không sáng ngời và cũng không bao giờ lại có những con người xảo trá, tham tàn, độc ác…
Thí sinh tài năng và sắc đẹp Thu Thảo viết thư pháp trong cuộc thi Miss Te

Lý sự về Quốc hội

Thiện Tùng
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhứt nước, là “sân chơi” công cộng, nơi duy nhứt để người dân thưc hiện quyền của mình. Người dân phải bám Quốc hội như ngư dân đeo bám ngư trường. Dân không làm chủ Quốc hội, ngư dân không làm chủ ngư trường coi như rời bỏ cơ sở sinh sống. 
Theo lẽ công bằng, Đảng CSVN với 4,5 triệu đảng viên, là một bộ phận của dân tộc Việt Nam, họ có quyền tham gia “sân chơi” Quốc hội, nhưng tuyệt nhiên không được quyền độc chiếm Quốc hội như họ đã từng làm.
Khi chấp nhận vào quỷ đạo “Cộng hòa” có nghĩa là Việt Nam chấp nhận bình đẳng trong cộng đồng, tổ chức quản lý xã hội theo hệ thống Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Cử tri cả nước cử và bầu ra cơ quan Lập pháp (Quốc hội), đại diện cho toàn dân, có quyền hành nhứt nước. 
Vì vậy, để áp đặt thể chế chính trị Độc tài Đảng trị, Đảng CSVN chỉ cần độc chiếm Quốc hội là đủ để cho mình thống trị xã hội. Khi chiếm được thế thượng phong, Đảng CSVN áp dụng ngay thể thức “Đảng cử, Dân bầu”, cử đảng viên của mình vào nhuộm đỏ Quốc hội – bao giờ cũng có hơn 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Quốc hội đỏ thì những đứa con do nó sinh ra như Chủ tịch nước, Hiến pháp, Hành pháp, Lập pháp cũng đỏ - đỏ từ trên xuống, từ trong ra ngoài. Thế là tất cả “dài tóc” hay “trọc đầu” đều là màu đỏ, là cánh tay nối dài của đảng cầm quyền, hình thành một cách hoàn hảo bộ máy cầm quyền “Độc tài Chuyên chế”.
Khi nắm được bộ máy cầm quyền, Đảng CSVN nghĩ ngay đến luật lệ để buộc người dân phải “sống và hành động theo Pháp Luật”. Hiến pháp là luật cơ bản (luật mẹ), đảng cầm quyền đặc biệt quan tâm về nó. Cái khó là, thời đại ngày nay, hơn nữa với danh xưng “Cộng hòa”, Hiến pháp chỉ một màu đỏ không thể “trình làng” (quốc dân và quốc tế), đành phải pha màu cho đỡ chướng mắt. Hiến pháp trước đây hay Hiến pháp hiện hành (2013), pha ở đâu thì pha, Đảng CSVN chỉ cần nhuộn đỏ chói mắt điều 4. Điều 4 như “túi càng khôn” với cụm từ:“Đảng lãnh đạo Nhà nước và Xã hôi trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối”. Để cho công chúng yên lòng, Đảng CSVN duyệt và cho ghi trong Hiến pháp hiện hành, tại điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình – Việc thực hiện các quyền nầy do luật định”. Và tại điều 27:“Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân” – Việc thực hiện các quyền nầy do luật định”.
Có lẽ, sợ công dân áp dụng điều 25 và 27 của Hiến pháp vào cuộc sống, làm phương hại đến việc áp đặt thể chế chính trị Độc tài, Đảng CSVN không quên chỉ đạo cho ghi sau 2 điều 25 và 27 câu thòng: “việc thực hiện các quyền nầy do luật định”. Thế rồi, hết năm nầy qua năm khác, Đảng CSVN hiệu cho Quốc hội làm động tác giả: cứ “rặn” mãi nhưng phải hạn chế đến mức thấp nhứt lọt ra Luật. Để thủ lợi cho mình, Luật nào lỡ/phải lọt ra đừng ngại cho nó vi Hiến. Những văn bản sau Luật thì tha hồ vi Luật – người ta gọi “luật rừng” là căn cứ vào sự rối tung trong luật lệ. Khi chưa có luật thì người dân không được tùy tiện áp dụng điều 25 và 27 của Hiến pháp vào cuộc sống. Nếu ai cả gan sẽ có công an, Dư luận viên, côn đồ... đến “làm việc”. 
Chưa hết, cũng để cho dân chúng yên lòng, Đảng CSVN đưa ra cơ chế phân định vai vế cũng khá rạch ròi: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ”.
Với nhận thức của mình, người viết xin mạn phép giải mã cơ chế chính trị nầy: Đạo có nghĩa là đường, Đảng lãnh đạo là Đảng có trách nhiệm vạch ra đường hướng (như người thiết kế bản vẽ) đệ trình lên cơ quan quyền lực cao nhứt nước là Quốc hội để thông qua. Nhà nước quản lý có nghĩa là bộ máy Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện (thi công bản vẽ) do Đảng đệ trình được Quốc hội xét duyệt. Dân làm chủ, ngoài làm chủ bản thân, công dân từ 18 tuổi trở lên có trách hiệm tham gia chọn người có tài đức cử vào cơ quan quyền lực cấp TW và địa phương, đó là Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp; đồng thời tham gia kiến tạo Pháp Luật (Hiến pháp và những luật cơ bản).
Nói vậy chớ không/chưa làm như vậy, khi đã nhuộm đỏ hệ thống chính trị, Đảng CSVN chiếm dụng cả hệ thống truyền thông đại chúng để tô son trét phấn cho cả hệ thống chính trị của mình. Khi có hệ thống tổ chức đỏ và hệ thống truyền thông đại chúng đỏ, Đảng CSVN không cần che giấu sự độc tài của mình: Họp Quốc hội mà đại biểu xưng hô với nhau là “đồng chí”; Chủ tịch Quốc nội vung tay chém gió trước nghị trường Quốc hội: “Bộ Chính trị đã quyết không thể không làm”; Bộ trưởng, thậm chí Thủ tướng Chính phủ sai phạm không chịu từ chức còn nói trước Quốc hội: “Tôi được Đảng phân công, khi nào Đảng bảo từ chức tôi mới từ chức”. Tòa án Nhân dân mà treo bảng to tướng với câu “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh”; Công an Nhân dân mà treo bảng trước trụ sở: “Công an chỉ biết còn Đảng còn mình; Họp Đảng mà buộc dân treo cờ Tổ quốc; Tại những hội trường công cộng mà, ngoài những “ông râu”, còn treo cả 2 cờ Tổ quốc và cờ Đảng..v.v... – phải chăng muốn nói Đảng là ta, Tổ quốc cũng là ta?.Hơn nửa thế kỷ qua, Đảng CSVN chiếm dụng trái phép Quốc hội Việt Nam, biến nó thành của riêng mình, sử dụng nó như một công cụ phục vụ cho lợi ích cục bộ.
Phải nhận diện thảm họa của nạn độc tài: Quan trí ngày một thấp: Vì cố áp đặt thể chế chính trị Độc tài, Đảng CSVN không chọn hiền tài trong hơn 90 triệu dân mà, như gà con vướn tóc, cứ lẻo đẻo chọn trong phạm vi 4,5 triệu đảng viên của mình cử vào bộ máy cầm quyền, từ đó dẫn đến quan trí thấp (so với mặt bẳng Dân trí). Quan trí thấp lại mắc thêm bịnh độc tài, bảo thủ, chủ quan, gây hậu quả nghiêm trọng từ khâu chỉ đạo đến khâu tổ chức thực hiện: Lãnh đạo mà “không biết làm gì”, thường sai phạm trong khâu vạch đường hướng như: đeo bám chủ thuyết hoang tưởng; để chính trị, kinh tế lệ thuộc Trung Quốc; cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây nguyên, ngoài luôn thua lỗ còn ảnh hưởng Quốc phòng, An ninh; Cho người Trung Quốc vào sinh sống, chiếm cứ khắp cùng đất nước, nhất là ở khúc ruột Miền Trung .v.v....Quản lý mà “không biết làm thế nào”, làm đâu thua/hư đó, tham nhũng lan tràn, nợ nần chồng chất; xã hội rối ren, xã hội đen xuất hiện ngày càng nhiều, đến mức một số nơi Công an cũng phải nễ/chạy mặt chúng, và ..v.v.... 
Đã từ lâu, có lẽ quen kiếp đời nô lệ, luôn phải phủ phục trước cường quyền, người dân Việt Nam chưa nhận ra mình đang sống trên đất nước được mệnh danh là “Cộng hòa”, chưa nhận ra Quốc hội là nơi duy nhứt để người dân thực hiện quyền của mình. Cả thời gian dài hoặc vì quá tin/sợ nên để cho đảng cầm quyền độc chiếm Quốc hội – sân công cộng trung tâm quyền lực. Mang danh là chủ mà để mất sân chơi, mất nơi thực thi quyền hành, trở thành bầy đàn đày tớ không hơn không kém. 
Đảng CSVN đã và đang chiếm dụng trái phép Quốc hội Việt Nam, chẳng khác mấy việc Trung quốc đã và đang lấn chiếm biên giới, biển, đảo của Việt Nam. Nếu độc tài bắt nguồn từ Quốc hội thì Dân chủ cũng bắt nguồn từ Quốc hội. Nếu Dân chủ là khắc tinh của Độc tài thì, theo hiến pháp hiện hành, điều 25 và 27 là khắc tinh điều 4. Khi màu xanh Dân chủ pha trộn với màu đỏ Độc tài, nhiều hay ít tùy thuộc vào số lượng được pha trộn, sẽ làm màu đỏ không còn giữ được trinh nguyên.
Gần đây, có lẽ những người cao kiến, thức thời đã nhận ra những mâu thuẫn ấy, họ dựa vào điều 25 và 27 của Hiến pháp hiện hành làm cơ sở pháp lý, đăng ký thi đấu “ai thắng ai” giữa Độc tài và Dân chủ tại sân chung (Quốc hội), do cử tri làm trọng tài. 
Có người cho rằng tự ứng cử vào Quốc hội đỏ là thỏa hiệp, hữu khuynh,... nên tẩy chay nó. Những người tự ứng cử và một số khác lại cho rằng đấu tranh bất bạo động phải “liệu cơm gấp mắm”, phải dựa vào điều 27 Hiến pháp làm cơ sở pháp lý. Việc tẩy chay phải bằng phong trào quần chúng mới thành công và an toàn, lẻ tẻ không làm được và nguy hiểm - điều kiện hiện nay chưa cho phép, phải đấu tranh từng bước giành thắng lợi từng phần. Biết rằng “đội hình” của đảng đương quyền đang chiếm thế thượng phong, nhưng phải“vạn sự khởi đầu nan”, “Có hơn không, có chồng hơn ở góa”. Trước tương quan bất lợi như thế, không còn cách nào khác, cần có những người hùng dám xông vào phá thế độc chiếm trái phép Quốc hội của đảng cầm quyền. Sự thách thức của số tự ứng cử nầy, khiến cho đảng cầm quyền phải giở đủ trò ma mị để cho Quốc hội giữ được màu đỏ trinh nguyên – không bị pha màu. Đảng cầm quyền càng phản ứng càng lộ rõ bộ mặt thật của chế độ trước công chúng. Khi đông đảo dân chúng đã thức tĩnh, nếu Đảng cầm quyền không chịu xuống thang, quyết độc chiếm Quốc hội thì, đây là cơ hội, áp dụng hình thức tẩy chay Quốc hội bằng áp lực quần chúng. 
Trừ những người có thiện chí góp ý về đấu pháp ở cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, người viết củng khuyên những ai đó, chớ “tả khuynh”, nếu không đủ dũng khí ra tranh cử thì “Đi chỗ khác chơi” (lời của cố nhà văn Trang Thế Hy), đừng “nhàn cư di bất thiện”, chuyên nghề thọt gậy vào bánh xe cản trở bước tiến của lịch sử.
Phải chăng: Muốn chuyển đổi thể chế Độc tài sang Dân chủ bằng hình thức bất bạo động, điểm xuất phát từ sân chung (Quốc hội), đấu tranh từng bước, giành thắng lợi từng phần, nhầm chuyển đổi “Đảng hội” thành Quốc hội đúng nghĩa.

Trang