2 tháng 5, 2019

Tăng giá điện: Dân phẫn nộ vì họ là nạn nhân của một trò chơi gian lận

Tác giả: FB Nguyễn Ngọc Chu 
Phải nhìn đúng bản chất, rằng không phải tiểu xảo chơi số của EVN là nguyên nhân chính làm cho người dân phẫn nộ. Mà người dân phẫn nộ và sẽ còn phẫn nộ nữa – vì họ là tù nhân của một trò chơi gian lận không biết hồi cuối. 
Tù nhân – là bởi vì người dân buộc phải mua điện của EVN mà không thể mua của bất cứ ai khác. Sự độc quyền của EVN là nhà tù điện lực của người dân. 
Mặt khác, EVN không biết và mãi sẽ vẫn không biết được chi phí sản xuất đích thực mỗi kwh điện. EVN cũng chưa bao giờ và mãi sẽ không bao giờ kiểm soát được quản lý phí từng kwh điện. Điều duy nhất mà EVN làm “tốt” – là cộng tất cả các chi phí rồi xác định giá, và áp đặt cho người tiêu dùng. Cho nên giá điện cho người tiêu dùng, từ trước đến nay, chưa bao giờ là giá đúng. 
Trong xã hội tham nhũng đến kinh hoàng này, thì giá thành sản xuất điện ngày càng gia tăng khác xa với giá thực; Giá quản lý phí cũng ngày càng gia tăng không kiểm soát. Trình độ yếu kém và tham nhũng là hai nhân tố không thể xác định. Hai nhân tố này sẽ khiến cho EVN và Chính phủ không bao giờ biết được giá đúng của 1kwh điện. 
KD: Nhà toán học Nguyễn Ngọc Chu lột trần không thương tiếc sự thật của giá điện tăng, đọc phát xấu hổ, từ tầm vĩ mô (tính độc quyền, sự tham nhũng) đến vi mô (giá thành sản xuất, giá thực, giá quản lý…). Dân căm ghét đến độ bi giờ ai bênh vực giá điện tăng đều bị khép tội Việt gian 
Vậy EVN nên gọi là gì??? Hay là EVG??? 
Kinh tế càng độc quyền, càng dễ đẩy dân vào sự khốn cùng 
———— 
Phải nhìn đúng bản chất, rằng không phải tiểu xảo chơi số của EVN là nguyên nhân chính làm cho người dân phẫn nộ. Mà người dân phẫn nộ và sẽ còn phẫn nộ nữa – vì họ là tù nhân của một trò chơi gian lận không biết hồi cuối. 
Giá mà các thành viên Chính phủ sống chỉ bằng lương. Lúc đó các bà vợ của các bộ trưởng phải trực tiếp chi tiền điện, thì EVN đã không được Chính phủ chấp nhận tăng giá điện như bây giờ. 
TĂNG GIÁ ĐIỆN: LỜI GIẢI CHO CHÍNH PHỦ 
1. Mấy ngày qua, trên mạng xã hội sục sôi về tăng giá điện. Sục sôi là điều dễ hiểu. Bởi vì trên thực tế, giá điện không tăng 8,36% như EVN tuyên bố. Vì đó là ảo thuật số. Tiểu xảo đó không lừa được tính toán của các cháu học sinh giỏi toán cấp tiểu học. Càng không thể qua mặt các bà nội trợ, tuy không giỏi toán, nhưng hàng ngày phải bóp ví chi tiền, trước một hóa đơn điện bùng nổ, sẽ tự khắc biết nguồn cơn. 
2. EVN đã không đủ dũng cảm để bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở trước khi tăng giá. Người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 kwh trở lên) phải chỉ trả đến 2927 đồng cho 1kwh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1549 đ), và tăng đến 15% so với bậc 6 (174%) trước khi chưa tăng giá – không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6. 
Đối với bậc 3 (101-200 kwh) theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2014 sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1549 đ) hơn 10% so với giá cũ 1858 đ (120%), khác với 8,4% mà EVN thông báo. Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201- 300 kwh) là 12,7% ( 163,7%-151%), và ở bậc 5 (301-400kwh) là 14.2% (183%-168,8%). 
Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%,15%, khác với 8,33 – 8,40% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt. Phần lớn người dân phải chịu mức tăng lũy tiến ở các bậc 130%, 163%, 183% và 189% so với mức cơ sở trước tăng giá. Một phép tính đơn giản. Để minh bạch cho chính EVN. Và để người dân biết sợ hãi mà kiểm soát tiêu dùng điện. Ngược lại, EVN đã chơi trò ảo thuật số trước Thủ tướng trăm công ngàn việc. Nhằm làm nhẹ đi sự tăng giá điện để cho Thủ tướng dễ chấp nhận. 
3. Nhưng thủ tướng trăm công ngàn việc đã đành, còn các thành viên khác của Chính phủ thì sao? 
Đích thân Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đã từng nói: “Bản thân tôi là bộ trưởng, lương chỉ 11,690 triệu, với mức lương này, tôi hỏi thật, chúng ta có đang sống bằng lương không?” 
Giá mà các thành viên Chính phủ sống chỉ bằng lương. Lúc đó các bà vợ của các bộ trưởng phải trực tiếp chi tiền điện, thì EVN đã không được Chính phủ chấp nhận tăng giá điện như bây giờ. 
Chỉ khi đặt mình vào hoàn cảnh của người dân thì mới thấu hiểu được sự phẫn nộ của họ. Sự phẫn nộ ngày một dâng cao do tích lũy bức xúc từ mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, chứ không chỉ riêng tăng giá điện của EVN. 
4. Phải nhìn đúng bản chất, rằng không phải tiểu xảo chơi số của EVN là nguyên nhân chính làm cho người dân phẫn nộ. Mà người dân phẫn nộ và sẽ còn phẫn nộ nữa – vì họ là tù nhân của một trò chơi gian lận không biết hồi cuối. 
Tù nhân – là bởi vì người dân buộc phải mua điện của EVN mà không thể mua của bất cứ ai khác. Sự độc quyền của EVN là nhà tù điện lực của người dân. 
Mặt khác, EVN không biết và mãi sẽ vẫn không biết được chi phí sản xuất đích thực mỗi kwh điện. EVN cũng chưa bao giờ và mãi sẽ không bao giờ kiểm soát được quản lý phí từng kwh điện. Điều duy nhất mà EVN làm “tốt” – là cộng tất cả các chi phí rồi xác định giá, và áp đặt cho người tiêu dùng. Cho nên giá điện cho người tiêu dùng, từ trước đến nay, chưa bao giờ là giá đúng. 
Trong xã hội tham nhũng đến kinh hoàng này, thì giá thành sản xuất điện ngày càng gia tăng khác xa với giá thực; Giá quản lý phí cũng ngày càng gia tăng không kiểm soát. Trình độ yếu kém và tham nhũng là hai nhân tố không thể xác định. Hai nhân tố này sẽ khiến cho EVN và Chính phủ không bao giờ biết được giá đúng của 1kwh điện. 
Như vậy, giá điện cho người tiêu dùng vì thế sẽ là một hàm số tăng không xác định. Người tù điện lực phải tham gia một trò chơi – buộc phải mua điện với giá không phải giá thực, lại bị tăng không biết điểm dừng. Đến đây thì tất cả chúng ta phải thừa nhận: chúng ta buộc phải chơi một trò chơi gian lận mỗi ngày một đắt giá. Điều đó lý giả tại sao EVN liên tục lỗ mà một bộ phận cán bộ của EVN vẫn ngày càng thêm giàu có. 
Điều mà EVN gặp khó khăn là thuyết phục Chính phủ chấp nhận giá EVN đề nghị áp đặt cho người tiêu dùng. Tiếc thay, Chính phủ cũng không thể biết được giá điện để mà phản bác EVN. Điều mà Chính phủ biết được là EVN ngày càng thua lỗ. Chính phủ sẽ còn phải tiếp tục bảo lãnh cho EVN vay tiếp nợ ( EVN còn đang nợ 9,7 tỷ USD – bằng 37% tổng nợ Chính phủ bảo lãnh). Các doanh nghiệp rên rỉ về giá thành sản xuất tăng. Người dân phẫn nộ vì lương không theo kịp giá, buộc phải mua hàng hóa Trung quốc dù trong lòng không muốn. 
5. Người dân sẽ còn phải sợ hãi với biên lai tiền điện. Không chỉ do sẽ không ngừng tăng giá, mà còn do sẽ không ngừng rơi vãi con số công tơ. Bài toán điện lực đối với chính phủ hiện chưa có lời giải. Chính phủ đang rơi vào tình trạng “con kiến mà leo cành đa” với EVN. Bản thân Chính phủ, tuy là người chơi bài, nhưng lại tự mình bị lún sâu vào ván bài lỗ và bảo lãnh vay cho EVN – cũng không có hồi kết. 
Bởi thế, mục đích bài viết này không nói về cái lỗi của EVN, không nói về cái phi lý của giá điện, mà chủ ý là đề xuất cho Chính phủ lời giải về bài toán điện lực. 
HAI GIẢI PHÁP CHO BÀI TOÁN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA 
1. PHÁ THẾ ĐỘC QUYỀN CỦA EVN 
Biết rằng, trong một nhà nước độc quyền, thì phá thế độc quyền của các tập đoàn nhà nước không bao giờ có được giải pháp triệt để. Tuy không triệt để, nhưng sự mất độc quyền của các tập đoàn nhà nước, dù ở mức độ không hoàn hảo, rồi cuối cùng cũng kéo theo sự phá vỡ độc quyền nhà nước. 
Phá vỡ độc quyền của EVN là giải pháp bắt buộc. Một thủ tướng sáng suốt không thể không thấy điều tất yếu này. 
Phá vỡ độc quyền của EVN như thế nào? 
– Tách Tổng công ty truyền tải điện ra khỏi EVN thành công ty độc lập. 
– Cho phép các nhà đầu tư xây dựng mới hệ thống truyền tải điện của riêng mình. 
– Cho phép các nhà sản xuất điện, tư nhân hay nhà nước, liên doanh hay độc lập, cùng các nhà buôn điện, hình thành những nhà cung cấp điện cho người tiêu dùng. 
Những nhà cung cấp điện này sẽ chào bán điện cho người tiêu dùng thông qua hệ thống truyền tải điện của riêng mình hay thuê các công ty truyền tải điện. Gía bán của các nhà cung cấp điện cho người tiêu dùng sẽ bao gồm cả chi phí truyền tải điện. Nhà nước giám sát và khống chế giá thành thực của các công ty truyền tải điện. Ở đây, vai trò các công ty truyển tải điện tương tự như các các nhà ga hàng không mà các hãng hàng không phải thuê lại, hay như các công ty vận tải hàng hóa. Như vậy, người dân sẽ có quyền lựa chọn nhà cung cấp điện. Và sẽ không chịu sự độc quyền buộc phải mua với bất cứ giá nào như hiện nay. 
Khi xuất hiện những nhà cung cấp điện mới, thì rõ ràng nhóm thủy điện sẽ tách ra khỏi nhóm nhiệt điện, các nhà sản xuất điện cùng mức giá thành sẽ tự liên kết thành những nhà cung ứng điện độc lập. Và như vậy, phá vỡ độc quyền của EVN kéo theo cuộc cạnh tranh giảm giá thành điện và do đó phá vỡ cơ cấu các thành phần điện lực, thay đổi tỷ phần giữa thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió và các loại năng lượng khác. 
Khi tách công ty truyền tải điện thành công ty độc lập, khi xây mới các hệ thống truyền tải, khi hình thành các nhà cung ứng điện, thì EVN sẽ tự biến mất. 
Biết rằng giải pháp nêu trên còn cần các đề xuất chi tiết, phải làm từng bước, và đòi hỏi thời gian. Đồng hành theo là các chính sách tài chính, các biện pháp tổ chức và nhân sự… Đó là một phức hợp các giải pháp. Tuy rằng rất khó nhưng không phải không làm được. Không thể ngồi kêu khó rồi không hành động. Người sẽ phản đối mạnh mẽ nhất cho giải pháp này không ai khác ngoài EVN. 
Sẽ có người phản biện, rằng làm sao mà biết được điện của nhà cung cấp nào trên cùng một hệ thống đường dây tải điện đến người tiêu dùng? Trong thời đại công nghệ hiện nay, các công ty truyền tải điện và các nhà cung cấp điện tức khắc tự có phương kế. Còn nếu quả thực người nắm quyền điện lực không biết cách làm, thì dù là ai, cũng hãy từ chức để cho người khác cầm lái. 
2. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN MẠNH NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO 
Phá thế độc quyền của EVN chưa đủ để giải bài toán điện quốc gia. Vấn đề cốt lõi là giá thành hạ, sản lượng cung cấp đáp ứng đủ nhu cầu, an toàn, và khả năng cung cấp dài lâu. 
Không ai phủ nhận lợi ích vượt trội của năng lượng tái tạo. Cũng không ai chối cãi về tai hại của nhiệt điện. Bởi thế, phải phát triển mạnh năng lượng tái tạo, trong đó hai nguồn điện vô cùng quan trọng là điện mặt trời và điện gió. 
Loài người sẽ phải dựa vào mặt trời mãn kiếp. Việt Nam lại là nước có tỷ lệ ngày nắng rất cao. Cho nên Chính phủ phải nhìn nhận điện mặt trời là nguồn năng lượng chủ chốt trong tương lai gần. Mới phát triển, giá thành còn cao, nhưng cùng với tiến bộ công nghệ và phát triển đại trà thì điện mặt trời sẽ là nguồn năng lượng không hạn chế với giá thành thấp. 
Khi Chính phủ xác định điện mặt trời là chủ chốt rồi tập trung phát triển, thì thế độc quyền của EVN bắt đầu bị phá vỡ. Lúc đó người dân vừa thoát khỏi cảnh người tù điện lực, vừa được hưởng ân huệ tự do tỏa sáng của mặt trời. 
Phá thế độc quyền của EVN và phát triển điện mặt trời là 2 bảo bối cho Chính phủ giải quyết bài toán điện quốc gia. Kế sách hay dở còn tùy người sử dụng kế sách. Không phải ai cũng biết kế sách đúng sai. Nhận biết kế sách đúng rồi, càng ít người có khả năng hiện thực hóa kế sách. 
Kế sách hay có gặp được chủ giỏi hay không còn phụ thuộc vào thời cuộc. Để giải quyết bài toán điện lực quốc gia cần một thủ tướng tài ba. Một thủ tướng như vậy chỉ có thể đi ra từ phá vỡ độc quyền nhà nước. 
———— 

Cho tui chửi, tui chửi có chứng cớ!



Đỗ Duy Ngọc
Đỗ Duy Ngọc
Đổ Mười. Ông đ… cần biết lũy tiến, lũy kế là cái con C. gì cả. Đó là chuyện của chúng bây, chúng bây ngồi vào ghế quan chức là phải có nhiệm vụ lo cho đời sống của dân bởi dân è cổ làm ra tiền để đóng thuế trả lương cho chúng bây.
Chúng bây làm sao để dân giàu nước mạnh, nếu chưa làm nổi thì cũng tìm cách cho dân bớt khổ. Đằng này chúng bây ngồi trên ghế để nghĩ chuyện bóp cổ dân, tận thu trong dân.
Ông còn nhớ hồi xưa có học câu: “Bòn khố rách sắm dù sơn kiệu” để mô tả bọn thực dân, phong kiến hút máu dân lành. Bây giờ nhân dân đã đổ bao xương máu đánh đổ thực dân phong kiến, chúng bây lại bóp hầu bóp họng dân nhiều hơn, lắm mưu nhiều kế hơn, mưu mô ác hiểm hơn.
Tháng trước nhà ông trả tiền điện hơn ba triệu, tháng này chúng bây tính con mẹ gì đấy mà tiền điện tăng gần năm triệu. Ông chỉ biết là thu nhập càng ngày kiếm ăn càng khó mà xăng tăng, điện tăng kiểu này thì ông chửi cha chúng bây, thế thôi.
Ông là dân đen, ông chỉ biết là những thứ đang tăng khiến cho đời sống của ông, của gia đình ông khó khăn thì ông chửi, thế đấy. Chúng bây có ăn học, thằng nào cũng tiến sĩ, cũng cao cấp chính trị mà chỉ nghĩ chuyện vét những đồng bạc cuối cùng trong dân thì ông nổi điên, không thể bình tĩnh được. 
Chúng bây làm ăn mà lúc nào cũng than lỗ. Làm không được thì về nhà trông con cho vợ, ngồi đấy làm gì? Chúng bây càng than lỗ thì tài sản riêng của chúng bây càng đầy, chúng bây tăng giá điện, ngân sách có thu được bao nhiêu thì ông không biết nhưng ông thấy chúng bây càng giàu. Chỉ khổ cho dân đen. 
Chúng bây độc quyền nên chúng bây muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói. Cứ để tự do kinh doanh có cạnh tranh thử xem, điều hành và làm ăn kiểu chúng bây chỉ đóng cửa dẹp tiệm sớm. Bây giờ chúng bây một mình một cõi, lại được nhà nước bảo trợ nên chúng bây tác oai tác quái làm khổ dân. Bên nước Đại Hàn, nhà nước giảm giá điện vì mùa nóng cần sử dụng nhiều điện. Còn chúng bây đưa chuyện luỹ tiến, luỹ kế gì đấy để mưu mô thu cho được nhiều tiền còn ai chết sống mặc kệ chúng mày. 
EVN trở thành bình phong để chúng bây bày trò tận thu. Ông nguyền rủa chúng bây. Chịu không nổi thì ông chửi.

Viết trong những ngày đất nước đang chuyển mình

KTS Trần Thanh Vân

KTS Trần Thanh Vân
Tôi không phải là nhà chính trị, cũng không phải là một fortune teller, nhưng với những năm tháng từng trải của mình, tôi hiểu sâu sắc rằng, đất nước VN đang ở trong những ngày biến động dữ dội, nhưng mỗi ngày một sáng sủa hơn.
Đại gia đình tôi đã trải qua 72 năm và có ít nhất 3 thế hệ sống trong nước Việt Nam Dân chủ Công hòa, thành lập ngày 2/9/1945 và đến hôm nay là những ngày cuối cùng của Cộng Hòa XHCN Việt Nam do ĐCSVN lãnh đạo. 
Nhìn vào những biến động của đại gia đình mình trong 72 năm qua, tôi “nhìn thấy” sự biến động của đất nước và tôi tin chắc rằng mọi thứ đang được phát triển theo một quy luật mà không thế lực nào cưỡng nổi. 
Thế hệ thứ nhất
Năm 1945, cha tôi là một thanh niên 30 tuổi, đầy lòng yêu nước, ngây thơ và hăm hở theo Việt Minh rồi trở thành Đội viên Đội tự vệ Hoàng Diệu từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Cha trở thành công an mật Hà Nội năm 1947, được kết nạp vào ĐCS năm 1948, rồi lên chiến khu Việt Bắc, rồi trở về Hà Nội ngày giải phóng Thủ đô năm 1954…
Khi cha tôi mất năm 2002, cụ vẫn là một cán bộ cách mạng lão thành, sống kham khổ, trong sạch và khi nhắm mắt xuôi tay, cha mãn nguyện ra đi vì đã cống hiến cả đời mình sự nghiệp giải phóng quê hương. Tôi thương cha, đến phút chót cuộc đời, cha không hiểu hết con đường cách mạng của mình đúng sai ở chỗ nào?
Cậu ruột, em trai thứ 3 của mẹ tôi thì khác hẳn. Là một thanh niên học sinh yêu nước của trường Bưởi Hà Nội, cậu tôi rủ các bạn cùng trường, đi quyên góp gạo tiền, nấu cháo phát chẩn cho bà con nghèo đói ở các làng quê, nạn nhân của nạn đói 1945… Nhưng cậu tôi không theo Việt Minh, ông và các bạn ông hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Trần Trọng Kim, khi chính phủ Trần Trọng Kim bị Việt Minh đánh đổ, cậu tôi bị Việt Minh bắt giam và bị giết chết.
Thế hệ thứ hai
Chồng tôi và tôi cùng lớn lên trong nhà trường xã hội chủ nghĩa. Khác với tôi, chồng tôi luôn tỏ ra là một người sống có kỷ luật, ngoan ngoãn và trung thành với chế độ. Chồng tôi được kết nạp vào ĐCS năm 1961, ông được tổ chức cơ quan và chính quyền nhà nước cưng chiều, được cử sang Anh tu nghiệp tiếng Anh năm 1979, sang Hà Lan, sang Nhật học tập về Quy hoạch quản lý kinh tế. 
Ông được Ủy ban Hợp tác kinh tế đối ngoại của chính phủ phân công phụ trách khối Bắc Âu, đã từng có quan hệ thân tình với Thụy Điển, là khách quý được cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme mời tới nhà riêng ăn cơm chiều…
Đã đặt chân tới hơn 40 nước phi XHCN, chồng tôi có dịp tiếp cận, kết bạn và tìm hiểu khá kỹ về “chế độ tư bản giẫy chết”, ông từng cố gắng mang những hiểu biết của mình, thuyết phục, phân tích cho các quan chức cùng thời. Có người ủng hộ và muốn làm cuộc cải cách, như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, như Thứ trưởng Trần Quang Cơ, nhưng các vị đó suy nghĩ nhiều mà chẳng làm được việc gì.
Khi cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt bị ám hại qua đời, chồng tôi hiểu rằng mọi cố gắng chưa hợp thời đều bị thất bại, ông về hưu năm 2000, bỏ ĐCS, ông ở nhà nuôi dạy thằng Út, hy vọng thằng con lớn lên sẽ không bỏ phí cuộc đời như cha nó.
Khác hẳn với chồng, tôi ngang bướng và rất “vô kỷ luật”, tốt nghiệp kiến trúc tại Thượng Hải năm 1966, theo học “The International Post-Granduate Training Course on Ecosystem Management” ở Dresden năm 1980-81. 
Trở về nước, tôi chỉ chăm lo công tác chuyên môn là nghiên cứu kiến trúc cảnh quan, bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về Phong thủy. Tôi từ chối mọi cơ hội được đề bạt thăng chức, tôi không nộp đơn xin vào ĐCS và năm 1992, tôi nằng nặc đòi nghỉ hưu khi mới 51 tuổi.
Từ ngày được sống cuộc đời tự do, tôi lập công ty tư nhân, tự đi kiếm việc làm thuê để nuôi sống bản thân và gia đình, tôi bắt đầu quan tâm đến xã hội xung quanh và vận mệnh đất nước.
Càng hiểu sâu về Phong thủy, tôi càng khao khát cơ hội được phục hồi HÀO KHÍ THĂNG LONG của các triều đại Lý, Trần, Lê, khi xưa. Tôi bắt đầu quan tâm và không ngần ngại hiểm nguy, tôi lên tiếng ngăn cản Dư án Thủy cung Thăng Long ở Bán đảo Tây Hồ năm 1998, lần đầu tiên có một quan chức cao cấp là Phó TT Ngô Xuân Lộc mất chức và có kẻ vào tù.
Thế hệ thứ ba
Chồng tôi bị trọng bệnh và qua đời cuối năm 2012. Còn lại một mình, tôi bán nhà và cho thằng Út theo học trường quốc tế tại Hà Nội rồi đi du học tại Vương quốc Anh từ năm 2017. Trong 7 năm theo học tại trường quốc tế song ngữ Hanoi Academy, con tôi được tiếp xúc với các thầy cô giáo quốc tế, với khẩu hiệu “Becoming a Global Citizen” in trên trang phục, tôi muốn đứa con nhỏ được lớn lên trong bầu không khí lành mạnh, được thoát khỏi mọi kỷ niệm đau buồn mà gia đình đã trải qua.
Thỉnh thoảng nhà trường tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, các cháu quyên góp quần áo, sách vở và dụng cụ học tập trợ giúp những học sinh kém may mắn ở vùng cao, vùng xa… nên đến khi nộp hồ sơ để đi du học, thầy giáo quốc tế hỏi cháu muốn chọn ngành gì? Cháu trả lời: Nghiên cứu Tâm lý Xã Hội. Hỏi tại sao? Cháu nói: Nhiều người cần giúp đỡ quá, phải hiểu họ thì mới giúp họ được. Thầy giáo chủ nhiệm người Mỹ nói với tôi rằng đó là câu trả lời nghiêm túc của một một đứa trẻ sống có trách nhiệm. Và tôi hoàn toàn yên tâm, tiễn con ra đi. Ở xa, vài ngày cháu lại gọi về động viên mẹ ăn ngủ điều độ và đừng làm việc quá sức.
Tôi không làm việc quá sức. Tôi biết điều tiết bản thân và giữ gìn sức khỏe. Ở nhà một mình, tôi rảnh rang theo rõi mọi biến động của xã hội. Đến nay, đã có hàng chục, hàng trăm và hàng ngàn dự án chiếm đất làm giầu của rất nhiều tập đoàn bất động sản trên khắp đất nước.Và đến nay tôi hiểu sâu sắc rằng sự suy thoái xã hội đã đến bước trầm trọng, không ai cứu vãn nổi nữa.
Mặt khác, tôi cũng nhận ra nền tảng xã hội đang chuyển mình rõ rệt và mỗi ngày một rõ rệt hơn. Các lệnh cấm đoán, bắt bớ tù đày không ngăn cản được lòng dân suy nghĩ và nói lên mọi suy nghĩ của mình.
Nếu 20 năm trước, một nhóm KTS chúng tôi có thể ngăn chặn một Dự án Thủy cung Thăng Long tội lỗi và đánh đổ ông Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc, thì hôm nay có nhiều Thủy Cung Thăng Long khác tội lỗi hơn và trong số đó có một đệ tử gần gũi của ông Ngô Xuân Lộc khi xưa, là ông Đinh La Thăng, Ủy viên BCT cùng một lũ đầu trâu mặt ngựa đã phá nát và đục khoét đất nước mà công chúng gọi là công cuộc “đốt lò vĩ đại” của ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước.
Thử hỏi, trong tất cả những kẻ đã bị ném vào lò đó, có kẻ nào bị oan uổng không? Không có kẻ nào oan uổng cả. Nhưng tôi e rằng, ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước sẽ không có đủ lò để đốt hết lũ sâu mọt chúng nó đâu, bởi vì lũ sâu mọt kia là sản phẩm của cơ chế XHCN mà ông là thủ lĩnh. Mỗi ngày lại xuất hiện thêm nhiều kẻ độc ác tham lam, khốn nạn hơn, bọn đó không chỉ đáng ném vào lò, mà cần phải bị tru di tam tộc.
Có lần tôi đã viết thư gửi cho ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước, xin ông đừng nghĩ tôi không phải đảng viên cộng sản thì tôi chống đảng. Cha tôi, chồng tôi từng là những ĐVCS ưu tú, từng sống trong sạch tận tụy vì lợi ích của đất nước… nhưng thời đó qua rồi. Còn ông, tôi khuyên ông tự giải tán đảng Cộng sản trước khi bị nhân dân lật đổ.
Năm 2018, khi bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân quăng các bản hồ sơ Đặc khu kinh tế lên bàn hội nghị Quốc hội, ép Quốc hội thông qua Luật Đặc khu với lời tuyên bố tỉnh bơ “Bộ Chính trị đã quyết”, nhưng cuối cùng Luật đặc khu đã bị ngăn lại. Công của ai, tội của ai tôi không tiện bàn, tôi chỉ khẳng định công lý đã thắng thế và trong giới chóp bu cộng sản, có người đã tỉnh ngộ.
Cũng như vấn đề Biển Đông sôi động nhiều chục năm qua, khiến cả nước căm hờn, phẫn nộ, khi người “bạn vàng”, “thân thiết như môi với răng” của VN ta xưng xưng nói rằng, Biển Đông của ta là Biển Hoa Nam của họ, nhưng xin chớ bi quan, cho đến hôm nay, quan hệ hợp tác về quốc phòng giữa VN và Hoa Kỳ đã là Hợp tác chiến lược toàn diện. 
Vào những ngày ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước lâm bệnh nặng, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương đến thăm Việt Nam, đã được VN đón tiếp nồng hậu; cũng như khi đoàn nghi sĩ thượng viện Hoa Kỳ do Thượng nghĩ sĩ Patrick Leahy dẫn đầu đến thăm VN, họ đã được VN đón tiếp thân tình, kể cả việc họ được đến thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh, vị Thiền sư nổi tiếng thế giới có lúc đã bị giới chop bu CS coi như kẻ bán nước.
Và vài tháng nữa thôi, ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước hoặc người đại diện cho ông sẽ đi thăm Hoa Kỳ. Chắc chắn sẽ có nhiều văn bản hợp tác về kinh tế và các vấn đề hệ trọng khác về hợp tác khai thác dầu khí và bảo vệ Biển Đông sẽ được ký kết.
Tóm lại, tôi không quan tâm lắm về bệnh tình của ông TBT- CTN ốm đau ra sao, ông có bị ai ám hại hay không, ở trong một chính đảng đã đến thời suy thoái, lại ở sát sườn với một thằng bạn xấu sẵn sàng ăn tươi nuốt sống mình, thì tôi hiểu rằng bị kẻ xấu rình rập ám hại và mỗi người phải trả giá cho những sai lầm của đời mình là dễ hiểu.
Có điều tôi biết chắc chắn rằng, đã đến lúc đảng Cộng sản sẽ phải tự giải tán, chế độ độc tài sẽ phải tự thủ tiêu và năm bảy năm nữa khi lứa tuổi trẻ như con tôi trở về, chúng sẽ có đủ trí tuệ, tài năng và nhiệt huyết điều hành đất nước.
Quy luật tất yếu đó sẽ không một ai, không một sức mạnh nào ngăn cản được. 

Trung Quốc - châu Âu: Con đường tơ lụa gập ghềnh Email ThisBlogThis!Share to TwitterShare to FacebookShare to Pinterest

Hàn Gia Bảo
Từ phải sang: Thủ tường Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker tại điện Elysée Palace. Paris, 26.3.2019 
Theo AFP, khi nghênh đón ông Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp đã cố gắng thuyết phục Trung Quốc chấp nhận hành xử theo các quy tắc trong quan hệ đa phương, trong bối cảnh nội bộ Liên Hiệp châu Âu đang chia rẽ trước cuộc tấn công ngoại giao - thương mại của Bắc Kinh.
Tổng thống Pháp đã chủ động mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker, đến Paris để cùng gặp Chủ tịch Trung Quốc vào hôm 26/3/2019. 
Nghênh tiếp Tập Cận Bình (hôm 25/3), Macron muốn Bắc Kinh bớt tham vọng bá quyền. Sau nghi thức đón tiếp long trọng dưới chân Khải Hoàn Môn (Paris), là cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Pháp - Trung tại điện Elysées, theo sau là một cuộc tiếp xúc với báo chí, trước buổi đại yến chính thức. Như thông lệ, chuyến công du là dịp để hai bên ký kết các hợp đồng thương mại hay thỏa thuận hợp tác, nhưng đối với giới quan sát, vế quan trọng hơn sau Cấp cao Macron - Tập chính là hội nghị thượng đỉnh 3+1 vào ngày 26/3, giữa Chủ tịch Trung Quốc một bên, và bên kia là Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Lập trường chung Pháp, Đức và EU
Cuộc họp theo sáng kiến của ông Macron phản ánh chủ trương của nước Pháp muốn thúc đẩy một lập trường chung của Liên Hiệp châu Âu nhằm thuyết phục Trung Quốc giảm bớt các tham vọng đang làm thay đổi cục diện của thế giới và ảnh hưởng đến các lợi ích của châu Âu. Một trong những mũi tiến công của Bắc Kinh vào châu Âu, qua đợt công du Ý, Monaco và Pháp của chủ tịch Tập Cận Bình (từ 21 -26/3/2019) đã khiến Paris, Berlin và Bruxelles quan ngại, đó chính là “Sáng Kiến Vành Đai Con Đường” (BRI) của chính Chủ tịch Trung Quốc. Bắc Kinh mới đây đã chiêu dụ được Ý, một cường quốc G7 từng là một trong những sáng lập viên Liên Hiệp châu Âu hưởng ứng BRI. Rôma đã đi theo Trung Quốc bất chấp thái độ bất bình của các đồng minh. Ngay sau buổi ăn tối với Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Pháp đã xác định trong một tin nhắn twitter rằng “chuyến công du này (của ông Tập Cận Bình) sẽ củng cố quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Trung Quốc và khẳng định vai trò của Pháp, châu Âu và Trung Quốc trong việc ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương”.
Chia sẻ sau hội đàm bốn bên, Thủ tướng Đức đánh giá BRI của Trung Quốc là một dự án quan trọng mà các quốc gia châu Âu có thể cùng tham gia, nhưng mọi quyết định cuối cùng sẽ tùy thuộc vào thiện chí và cách tiếp cận vấn đề của Trung Quốc."Châu Âu chúng tôi muốn đóng vai trò tích cực và điều đó phải bắt nguồn từ sự có đi có lại, nhưng chúng tôi vẫn đang có chút băn khoăn với điều đó" - bà Merkel cho biết. Trước đó, ngày 23/3/2019, Ý và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về việc Roma tham gia vào sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc. Động thái này đã ngay lập tức vướng phải sự chỉ trích của các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức.Thủ tướng Đức đã lập tức lên tiếng nhắc nhở về việc Roma đã quá vội vàng trong việc tham gia vào sáng kiến này với Trung Quốc mà quên đi “suy nghĩ của các quốc gia khác trong liên minh” và lo ngại Ý sẽ nợ chồng nợ khi tham gia các dự án với Trung Quốc.
Đồng quan điểm, Tổng thống Pháp Macron lên tiếng chỉ trích Ý đã tạo ra một tiền lệ xấu ngay trong lòng khối liên minh đoàn kết nhất thế giới. Tổng thống Macron kêu gọi Bắc Kinh có cách tiếp cận tổng thể hơn giữa chính quyền nước này và toàn bộ EU, thay vì cách làm việc theo kiểu đàm phán song phương. Ngoài ra, cả Pháp và Đức đều thúc đẩy Ủy ban châu Âu sớm áp dụng bản danh sách 10 điểu khi ứng xử với Trung Quốc. Theo đó, Pháp - Đức muốn mọi đàm phán giữa Bắc Kinh và Brussel sẽ được thực hiện trên nguyên tắc đa phương, ngoài ra, các dự án của Trung Quốc vào châu Âu từ cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật hay đầu tư tài chính đều phải thông qua một ủy ban kiểm duyệt nghiêm ngặt, thay vì tự phát đàm phán như trường hợp của Ý.
Thực tế, việc Đức đề phòng châu Âu sẽ gặp rủi ro trong các dự án hợp tác với Trung Quốc là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bản thân Berlin đã phải sửa luật đầu tư nước ngoài để hạn chế Trung Quốc tham gia thâu tóm các công ty kỹ thuật khoa học hàng đầu của mình. Ngoài ra, Vành đai Con đường vốn là một chuỗi dự án có tầm cỡ quốc tế của Trung Quốc nhưng để lại nhiều điểm xấu ở tất cả mọi nơi mà dự án này đi qua, bao gồm các bẫy nợ, thôn tính các vùng đặc khu kinh tế hay các cơ sở hạ tầng trọng điểm của một quốc gia. Bản thân nhiều chuyên gia đang hoạt động tại châu Âu cũng đã bày tỏ lo ngại về quyết định này của Ý. Matteo Salvini, người đứng đầu đảng Lega theo chủ nghĩa dân túy, đại diện cho một nửa chính phủ liên minh Ý nhấn mạnh nước Ý sẽ trở thành thuộc địa của Trung Quốc và gánh thêm những khoản nợ khổng lồ đến mức Roma không thể trả nổi.
“Họ sẽ lấy đi cái gì của chúng ta? Cảng biển ra Địa Trung Hải, hay họ sẽ sở hữu cả đấu trường La Mã? Tham gia sáng kiến này của Trung Quốc là điều tồi tệ cho nước Ý” - Ông Salvini nhấn mạnh. Trong khi đó, Steve Bannon, cựu cố vấn quốc gia Mỹ, đang hoạt động cho một tổ chức kinh tế của châu Âu bày tỏ sự băn khoăn về việc Ý sẽ đối mặt với các bẫy nợ. “Nó có lợi ích ngắn hạn, nhưng sẽ là nỗi đau dài hạn”. Những quan ngại đó của các chuyên gia là điều mà Berlin thấu hiểu. Vì thế cùng với Pháp, họ tạo ra một trục vận hành cho châu Âu, và nỗ lực bằng mọi cách để chấm dứt tiền lệ nước Ý. Berlin và Paris không hề muốn sẽ có một chính quyền nào phải đàm phán song phương với Trung Quốc để làm ảnh hưởng đến toàn bộ liên minh.
“Con đường tơ lụa” là hai chiều
Ngay từ trước lúc Chủ tịch Trung Quốc đặt chân xuống Pháp, Paris đã liên tiếp tung ra nhiều thông điệp, nêu rõ quan điểm dè dặt của Pháp đối với sáng kiến của ông Tập Cận Bình. Nhân chuyến viếng thăm Nairobi, thủ đô xứ Kenya ở châu Phi hôm 13/3/2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như đã gởi một thông điệp đến Trung Quốc, vốn hiện diện mạnh mẽ từ Châu Phi, khi nhắc đến “những con đường tơ lụa” trong lịch sử vốn không hề là những con đường một chiều.Tổng thống Pháp đã nói nguyên văn: “Các con đường tơ lụa là những con đường được Marco Polo mở ra và đã hoạt động hai chiều”. Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian thì nói thẳng hơn một chút. Trên kênh truyền hình Pháp BFMTV hôm thứ Sáu 22/3 vừa qua, ông đã xác định rằng: “Nếu cần nói về một Con Đường Tơ Lụa Mới, thì đó tất yếu phải là một con đường đi theo cả hai chiều”.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng trong các cuộc tiếp xúc với ông Tập Cận Bình nhân dịp ông thăm Pháp, Tổng thống Macron đã nhấn mạnh trên yếu tố “hỗ tương” trong vấn đề tiếp cận thị trường Trung Quốc, cho đến nay vẫn còn khép kín đối với phương Tây. Theo hãng tin Pháp AFP, một điểm khác cũng sẽ được ông Macron nêu lên là quan ngại của Pháp và châu Âu trước các đòi hỏi từ phía Bắc Kinh, buộc các công ty xí nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ thiết yếu nếu muốn đầu tư vào Trung Quốc. Con Đường Tơ Lụa vận hành với hơn 90% sản phẩm Trung Quốc. Đối với giới chuyên gia Pháp, việc Paris cũng như một số nước châu Âu dè dặt trước các dự án BRI của Trung Quốc không phải là không có cơ sở.
Trả lời RFI, chuyên gia Pháp Sophie Boisseau du Rocher thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, tác giả quyển biên khảo “Trung Quốc là thế giới - La Chine e(s)t le monde” giải thích: “Các con đường tơ lụa hoạt động với hơn 90% là sản phẩm Trung Quốc, sản phẩm tài chính, hạ tầng cơ sở v.v… Và đó hoàn toàn không phải là đề án hai bên cùng có lợi mà Trung Quốc rao bán cho chúng ta. Không thể mở ra các con đường tơ lụa đó ở châu Âu trong những điều kiện như vậy. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là phải thuyết phục ông Tập Cận Bình và ê kíp của ông ấy rằng họ cần xem xét lại “bài bản” của họ, sao cho châu Âu không bị thiệt khi thực hiện dự án các con đường tơ lụa, mà ngược lại có thể đóng góp đầy đủ vào sáng kiến đó, tức là làm sao điều chỉnh lại phần nào sự mất cân đối được nêu lên”. Yêu cầu Bắc Kinh “sửa bài”, theo nữ chuyên gia Pháp, rất cần thiết vì một trong những mục tiêu của các con đường tơ lụa mới đó là tiếp cận châu Âu để thụ hưởng công nghệ học tiên tiến của châu Âu.
Có thể xoay chuyển tình thế?
Con đường tơ lụa mới chính là dự án điạ chiến lược, mở một vành đai với ba cột trụ: phát triển hạ tầng lập con đường hàng hải nối liền châu Á, châu Âu đến châu Phi. Sau Hy Lạp, Bắc Kinh nhắm đến Ý được xem là những mục tiêu bị xem là dễ chiêu dụ nhất. Trung Quốc dùng lá bài đầu tư tài chính nhưng thật ra là để tạo ra một mạng lưới doanh nhân, cộng đồng Hoa kiều thân Bắc Kinh gây áp lực hành lang ủng hộ các dự án của Trung Quốc và nếu thấy cần hơn nữa thì sẽ xuất khẩu lao động. Cột thứ hai là xâm nhập vào guồng máy chính trị và định chế quốc gia của đối tác… thành viên NATO. Thứ ba là thiết lập một loạt căn cứ quân sự trên vành đai chiến lược: Djibouti nằm ngay yết hầu trục Ấn Độ - Thái Bình Dương dẫn đến Địa Trung Hải ngang qua kinh đào Suez là bước đầu trong kế hoạch.
Điều mà Trung Quốc quan tâm là trở thành cường quốc số một thế giới, có năng lực áp đặt công nghệ học của họ, những phát minh sáng chế của họ, các tiêu chuẩn của họ trên phần còn lại của thế giới, như Mỹ có lúc đã từng làm. Châu Âu là một địa bàn có công nghệ học và phát minh sáng chế cao cấp, cho nên Trung Quốc rất quan tâm, không chỉ để thâu tóm công nghệ học mà còn để tạo ra những loại công nghệ mà họ sẽ áp đặt cho chúng ta về sau. Đấy là nhận xét của chuyên gia Valérie Niquet, thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược FRS, trả lời RFI. Tuy nhiên, theo chuyên gia này thì châu Âu vẫn còn thời gian để xoay chuyển tình thế, với một Trung Quốc sẵn sàng thương lượng hơn trước đây. Chuyên gia này cho rằng, Trung Quốc bị tác hại từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và Donald Trump nhiều hơn là họ thừa nhận. Tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục chậm lại, cho nên họ cần đến châu Âu và Pháp. Paris đóng một vai trò đặc biệt quan trọng từ khi có Brexit, do việc Pháp đã trở thành một động lực của Liên Hiệp châu Âu.Trung Quốc hy vọng có được hậu thuẫn của Pháp, hay ít ra đảo ngược tình thế hiện nay vì ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo đã cảm nhận được là hình ảnh một Trung Quốc oai phong, có thể mang lại giải pháp cho mọi cuộc khủng hoảng kinh tế mà thế giới kinh qua, đã bị sứt mẻ nhiều, và chủ đề nóng hiện nay là yêu cầu Bắc Kinh có qua có lại, mở cửa thị trường, điều mà cho đến bây giờ Trung Quốc không muốn đáp ứng cho các tác nhân Pháp.
Tuy nhiên, cuộc đọ sức Mỹ - Trung hiện nay có thể tác động ngược lại đối với châu Âu. Chuyên gia Emmanuel Dubois de Prisque, thuộc tạp chí Monde Chinois - Nouvelle Asie phân tích: “Cách đây không lâu Trung Quốc đã thông qua một văn kiện để đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc được dễ dàng hơn, cho nên tôi nghĩ là thỏa thuận về đầu tư có cơ may tiến triển.Tuy nhiên đối với Trung Quốc, khả năng nhượng bộ, dễ dãi đối với châu Âu sẽ rất tế nhị, mặc dù họ đã sẵn sàng nhượng bộ nhiều đối với Mỹ”. Đứng về góc độ thương mại quốc tế, Trung Quốc thiên về việc nhượng bộ Mỹ, vì Donald Trump, vì sự lệ thuộc rất quan trọng của Trung Quốc vào công nghệ học Mỹ. Người ta đã thấy chuyện gì đã xẩy ra với ZTE cách đây vài tháng. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc tương đương với Hoa Vi này, chút nữa là biến mất do trừng phạt của Mỹ. Cho nên ngày nay người ta thấy rõ là Trung Quốc rất lo ngại về những gì có thể xẩy ra ở phía Mỹ hơn là từ phía châu Âu, và sẵn sàng nhượng bộ nhiều hơn đối với Mỹ hơn là với châu Âu./.

Hòa hợp dân tộc để “Quốc thái dân an”

Tác giả: Nguyễn Huy Viện 
Từ những vấn đề nêu ra trên đây, người viết bài thiết nghĩ để tạo môi trường ổn định cho sự phát triển và sự trường tồn của dân tộc, chúng ta cần làm một số việc. 
“Thứ nhất: Lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng; lấy tình cảm dân tộc, gốc rễ đồng bào làm điểm tựa để có tinh thần cởi mở, bao dung, xóa bỏ mọi mặc cảm, thiếu niềm tin lẫn nhau. 
Thứ hai: Thừa nhận sự tồn tại tư duy độc lập, quan điểm cá nhân là tất yếu khách quan, trên cơ sở đó tôn trọng những ý kiến phản biện, nhiều chiều. 
Thứ ba: Không quy chụp những người có bản lĩnh và dũng khí phản biện hoặc đưa ra ý kiến trái chiều bởi đó thường là những người có trình độ và có trách nhiệm với sự phát triển của Quốc gia, đấu tranh đến cùng bảo vệ lẽ phải. 
Thứ tư: Ngăn chặn tư tưởng “duy ngã độc tôn”, “mục hạ vô nhân”, độc quyền chân lý bởi sự đồng thuận, hòa hợp không thể nuôi dưỡng và nảy nở trên nền tảng đó. 
Thứ năm: Cải cách mạnh mẽ thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền thực chất, đúng nghĩa để vừa mở đường cho nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập phát triển vừa khắc phục tình trạng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, mất dân chủ, bất công trong xã hội, để lấy lại niềm tin của nhân dân”. 
KD: Vào đúng dịp Ngày 30/4 năm nay, bài viết của tác giả Nguyễn Huy Viện đưa ra 05 điểm thật tâm đắc (chủ Blog đã phải tô đỏ) . Theo một bạn đọc của Blog, tác giả nguyên là Đại tá, giáo viên chính trị của Học viện quân y, là một người có bản lĩnh, chính kiến và nhận thức đúng về nhiều vấn đề chính trị, xã hội. 
Về nội dung, bài viết không mới, nhưng lần đầu tiên chính thức được đưa ra trên một tờ báo chính thống- VietNamNet- đó quả là đáng mừng. 
Chứng tỏ nhận thức của những ai ai đó cũng đã le lói sự cởi mở và hiểu xu thế thời đại văn minh 
Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ 
——————— 
“Ta phải nhận ra rằng, đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc…có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang.” 
Mỗi dịp kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước 30 tháng Tư – ngày giang sơn thu về một mối – dù hân hoan khải hoàn, dù cuộc chiến đã lùi xa ngót nửa thế kỷ, trong sâu thẳm của nhiều người vẫn trăn trở, day dứt bởi cùng là con Lạc cháu Hồng, cùng nghĩa tình đồng bào trong một nước nhưng vẫn chưa xóa được mặc cảm, thậm chí vẫn còn sự phân biệt, kỳ thị người phía bên này, người phía bên kia.  
Thậm chí, trong nhiều lĩnh vực của đời sống vẫn có những quy định rất khắt khe và vẫn tồn tại đến hiện nay. 
Đơn cử tháng 11/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có dự thảo nghị định xin chủ trương thay thế Nghị định 79 về Hoạt động Nghệ thuật biểu diễn, trong đó kiến nghị bỏ các khái niệm “ca khúc trước năm 1975”, “ca sĩ hải ngoại”; bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975, hoặc ca khúc do người Việt Nam ở nước ngoài sáng tác được quy định trong Nghị định 79. [1] 
Động thái đó quả là đáng mừng vì những quy định có tính định kiến hiện hành như vậy sẽ khó mà giúp hòa hợp chứ chưa nói đến còn khoét sâu thêm khoảng cách trong một bộ phận cộng đồng người Việt cả ở trong nước và nước ngoài. 
Cho nên, đã có chủ trương là người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dù trước đây ở bên này hay bên kia chiến tuyến, thì cần cùng hướng về nhau, sống và ứng xử với nhau đúng nghĩa tình đồng bào. Có như vậy mới vượt qua những rào cản của quá khứ để lại. Đó không chỉ là mong muốn mà còn là lương tri, tình cảm; là trách nhiệm với quốc gia, với hàng triệu người con của dân tộc đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, với thế hệ hôm nay và mai sau. 
Trên chủ trương, quan điểm đó, các cộng đồng của dân tộc sẽ bỏ qua được mặc cảm, nghi kỵ dù có khác nhau về quan điểm, suy nghĩ và giá trị. 
Có như vậy, một bộ phận đồng bào của mình mới không bị đẩy thành lực lượng đối lập; đất nước mới thoát khỏi tình trạng phải thường xuyên đối phó với sự chống phá của “các thế lực thù địch”, với “âm mưu gây bạo lọan” và thoát ra khỏi sự căng thẳng không đáng có. 
Hòa hợp dân tộc để ‘quốc thái dân an’ 
Để có được sự đồng thuận của cả cộng đồng dân tộc thì tất cả mọi người mang quốc tịch Việt Nam cần vượt qua rào cản tâm lý để lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của toàn thể đồng bào mình làm tối thượng.  
Mặt khác, mỗi người, nhất là những nhà quản lý, cần có sự nhìn nhận biện chứng về tính đa dạng, sinh động của đời sống xã hội. Con người là những thực thể khác nhau, có tố chất khác nhau; có hoàn cảnh, địa vị xã hội khác nhau; có đời sống vật chất và tinh thần khác nhau …thì tất yếu sẽ có tư duy, nhận thức, sở thích, quan niệm, giá trị khác nhau, tạo nên sự đa dạng, muôn màu muôn vẻ của xã hội. 
Trong đời sống tự nhiên, muôn loài luôn tồn tại và phát triển nhờ chi phối, ràng buộc lẫn nhau để tạo nên sự đa dạng sinh học. Nếu mất cân bằng sinh thái thì sự sống của tất cả các loài đều bị đe doạ. 
Trong đời sống xã hội, cái riêng của mỗi cá thể, của mỗi cộng đồng là nền tảng cho sự tồn tại của cái chung, của cả cộng đồng, của cả dân tộc. Giữa cái chung và cái riêng luôn đảm bảo sự hài hoà, tôn trọng lẫn nhau, tạo môi trường ổn định cho phát triển. 
Lúc sinh thời, với tư duy biện chứng, Bác Hồ cho rằng những khác biệt trong xã hội là tất yếu khách quan và muốn cho quốc gia tồn tại, phát triển thì phải chấp nhận sự khác biệt để tạo được đồng thuận xã hội. Bởi vậy Người luôn đề cao tinh thần hoà hợp, đoàn kết dân tộc. 
Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc…có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang” [2]. 
Đúc kết của Bác Hồ hết sức chí lý, vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn. 
Vậy tại sao hàng chục năm qua, chúng ta phát động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhưng vẫn còn không ít người chưa thấm nhuần tư tưởng hòa hợp, đoàn kết dân tộc của Người để cùng thật sự mở lòng, hoá giải sự khác biệt, tạo nên sự hoà hợp với nhau? 
Để thực hiện hòa hợp, đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải tạo ra không gian đa dạng, khoáng đạt để mọi người cùng chung sống hòa hợp. 
Trên thế giới có nhiều quốc gia nơi người này áp đặt quan điểm của mình cho người kia, cộng động này áp đặt quan điểm cho cộng đồng khác, và kết cục là dẫn đến mâu thuẫn đối kháng, thậm chí xung đột. 
Nhiều nước Trung Đông và nhiều nước châu Phi trải qua xung đột vũ trang triền miên, kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác là do không thể hòa hợp được quan điểm, lối sống, lợi ích. Đây là bài học đắt giá, cảnh báo cho việc sự áp đặt các quan điểm không phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại, không nuôi dưỡng cho sự hòa hợp dân tộc. 
Ngược lại, sự đồng thuận giữa các tôn giáo, các sắc tộc, các đảng phái ở các nước văn minh là bài học quý giá cho xây dựng đoàn kết, hòa hợp dân tộc. 
Hoa Kỳ là một quốc gia đa chủng tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa. Ngoài một bộ phận rất nhỏ người bản địa, gần như tất cả người Hoa Kỳ hay tổ tiên của họ đều là dân di từ hàng trăm nước trên thế giới, trong đó có gần 1,5 triệu người Việt Nam, đến đây định cư trong 5 thế kỷ qua. Nhưng họ đã hòa hợp, đoàn kết với nhau và xây dựng nước Mỹ thành cường quốc hùng mạnh nhất thế gới. 
Với Việt Nam, nhờ lấy lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và tình đồng bào làm tối thượng, không phân biệt đảng phái, giai cấp nên Bác Hồ đã tập hợp được các giai tầng trong xã hội từ nhân sĩ trí thức đến quan lại dưới chế độ cũ; từ công nhân, nông dân, học sinh, thương gia, địa chủ … cùng tập hợp dưới ngọn cờ dân tộc. Đây là một trong những nhân tố quyết định cho thắng lợi của cách mạng tháng Tám, thắng lợi của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. 
Ngày nay, Việt Nam thực hiện phương châm làm bạn với tất cả các nước, mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới. Các quốc gia cựu thù cũng đều trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam, nhờ vậy nước ta càng ngày càng có tiếng nói và vị thế trên trường quốc tế. Đồng thời, chúng ta có thế và lực làm đối trọng với những thế lực có dã tâm thôn tính lãnh thổ của Việt Nam. 
Vì thế, không lẽ gì cùng là đồng bào mà chúng ta lại khó hòa hợp đồng thuận! Phải chăng trong sâu thẳm, có những ai đó chưa vượt qua được hận thù, mặc cảm; chưa vượt qua được sự đố kỵ và thiếu niềm tin với đồng bào của mình? 
Bởi vậy, để có sự hoà hợp dân tộc trước hết cần phải vượt qua những gì thuộc về quá khứ, tôn trọng và chấp nhận sự tồn tại đa dạng về tư duy và quan điểm. Mọi cá nhân cũng phải tôn trọng, hòa hợp với quan điểm chung của cộng đồng. 
Từ những vấn đề nêu ra trên đây, người viết bài thiết nghĩ để tạo môi trường ổn định cho sự phát triển và sự trường tồn của dân tộc, chúng ta cần làm một số việc. 
Thứ nhất: Lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng; lấy tình cảm dân tộc, gốc rễ đồng bào làm điểm tựa để có tinh thần cởi mở, bao dung, xóa bỏ mọi mặc cảm, thiếu niềm tin lẫn nhau. 
Thứ hai: Thừa nhận sự tồn tại tư duy độc lập, quan điểm cá nhân là tất yếu khách quan, trên cơ sở đó tôn trọng những ý kiến phản biện, nhiều chiều. 
Thứ ba: Không quy chụp những người có bản lĩnh và dũng khí phản biện hoặc đưa ra ý kiến trái chiều bởi đó thường là những người có trình độ và có trách nhiệm với sự phát triển của Quốc gia, đấu tranh đến cùng bảo vệ lẽ phải. 
Thứ tư: Ngăn chặn tư tưởng “duy ngã độc tôn”, “mục hạ vô nhân”, độc quyền chân lý bởi sự đồng thuận, hòa hợp không thể nuôi dưỡng và nảy nở trên nền tảng đó. 
Thứ năm: Cải cách mạnh mẽ thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền thực chất, đúng nghĩa để vừa mở đường cho nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập phát triển vừa khắc phục tình trạng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, mất dân chủ, bất công trong xã hội, để lấy lại niềm tin của nhân dân. 
Có như vậy thì đất nước mới thống nhất bền vững đúng nghĩa, cả về giang sơn lãnh thổ lẫn hòa hợp, đồng thuận của cả cộng đồng dân tộc, đảm bảo cho quốc thái dân an. 
[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV, tr.280-281.

Trang