31 tháng 12, 2018

Áo xưa dù nhàu

Tác giả: Vũ Thế Thành
Nếu xem bằng cấp (tính luôn bằng giả thứ thiệt và bằng thiệt học giả) là thước đo trí tuệ, thì ông Bảng có cái trí quá nhỏ. Nói theo Kant, “Bổn phận là mệnh lệnh của lý trí”, thì ông Bảng lại thực hành bổn phận theo mệnh lệnh của trái tim. Một trái tim đơn sơ, một tâm tình hiến dâng mà ông không hề biết, mà cũng chẳng cần biết mình đã dâng hiến.
Trái tim của ông là bản nhạc không cần ca từ (Vũ Thế Thành).
KD: Mệt mỏi quá vì thế sự, xin đăng bài này của bạn đọc gửi về cho mình. Một bài viết cảm nhận tản mạn về con tim. Ông Bảng, người lao động bình thường, nghèo khổ, hóa ra lại là người đàn ông rất biết Yêu!
Yêu là gì? Là biết nhìn cùng về một hướng với người mình yêu. Là biết đau cái đau của người mình yêu. Đó là định nghĩ giản đơn của một người bạn tri kỷ của mình. Và bạn í- một người biết Yêu đúng nghĩa- cũng là một người đàn ông đích thực!
—————— 
“Đời xin có nhau, dài cho mãi sau, nắng không gọi sầu. Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…”
(Ảnh minh họa)
Đầu thập niên 70, dân Sài Gòn xôn xao với bộ phim Doctor Zhivago. Tôi đã đọc truyện và xem phim. Hồi đó tôi không hiểu vì sao ông bác sĩ này lại yêu một lúc đến hai bà, mà yêu thiệt tình chứ không phải chơi. Nói theo ngôn ngữ thời đại, đó là “tình yêu chất lượng cao”. Có cao, thì có cái ít cao hơn. Ai cao, ai ít cao hơn? Hai chữ “thủy chung” coi bộ dễ hiểu mà sao rắc rối quá chừng.
Đơn sơ là điều khó nhất trên đời. Đó là giới hạn cuối cùng của sự từng trải, và là nỗ lực sau cùng của thiên tài.
George Sand
Báo Dân Việt cuối năm 2010 kể lại câu chuyện của ông Bàn Văn Bảng, ở Bản Thảo, xã Ma Le, Hà Giang. Vợ chồng ông Bảng sống với nhau 45 năm, chưa hề to tiếng dù họ không con cái. Bà mắc bệnh nan y. Những ngày cuối đời, tinh thần bấn loạn, bà nhớ đến mối tình đầu, mê sảng gọi tên người tình cũ. Ông Bảng nhắn tin trên báo đài, bắt xe về Nam Định tìm người tình cũ cho vợ. Không kết quả. Bà mất, ông ray rứt vì chưa giúp vợ toại nguyện mong ước sau cùng
.Hồi trẻ, tôi thấy tình yêu đâu có gì khó hiểu, mà sao thiên hạ cứ than thở: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?”, hay như Lý Mặc Thu trong Thần Điêu Đại Hiệp suốt ngày ngâm nga
…Hỏi người dưới thế tình là vật chi?
Hẹn nhau sinh tử cùng đi…
Tình yêu là gì? Dễ ẹc! Tình yêu là… chịu lấy nhau, mà chịu lấy nhau chưa chắc đã là tình yêu. Triết lý phết! Nhưng đó là thứ triết lý của thằng nhãi, điếc không sợ súng. Theo thời gian, mỗi giai đoạn của cuộc đời, tôi hiểu tình yêu khác đi một chút, rộng lượng hơn một chút. Bước vào tuổi “tri thiên mệnh” thì chẳng còn hiểu nổi tình yêu là cái thứ gì nữa. Thôi, để lại hai chữ đó cho thế nhân bàn luận.
Một trường hợp khác, đôi trẻ yêu nhau hồi còn trung học, tưởng như trời gầm không nhả. Vậy mà xa nhau vì chuyện hờn giận lảng nhách nào đó. Sau 75, hai đứa hai nơi, chàng ở Canada, nàng bên Úc… Mỗi khi gặp chuyện gia đình riêng tư muộn phiền, cả hai lại hồi tưởng “ngày xưa tươi đẹp” mà hối tiếc. Ba mươi bốn năm sau, họ gặp lại nhau tại Sài gòn. Thôi thì những gì ấm ức, chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện xưa chuyện mới xả ra hết… Ba mươi bốn ngày mưa ngâu, lô cốt ngập nước. Họ chia tay nhau, email, chát chít, hàng ngày, hàng ngày… rồi thưa dần. Cả hai nhận ra rằng, cái “bất hạnh” riêng tư của mỗi người, tuy cay đắng nhưng chưa đến nỗi phũ phàng. Nếu họ xáp lại, có khi lại phũ phàng, còn tệ hơn là cay đắng. Họ đã thanh toán xong cái quá khứ đầy hối tiếc.
Nói thiệt, tôi mê nhạc… sến, mà cũng chỉ mới “ngộ” ra đây thôi. Nghe nó… sến, nhưng lại thấy gần, bay xa chịu không nổi. Những dòng nhạc trữ tình với ca từ đầy tính ẩn dụ, giàu hình tượng, triết lý cao, chỉ cần một hai câu cũng tạo ra sự đồng cảm với tâm trạng “khó nói nên lời” nơi người nghe. Sướng là ở chỗ đó! Nhưng nhiều khi ca từ điệu nhạc hay quá lại đẩy người ta bay bổng vào thế giới mộng mị, và không chừng lại hoang tưởng với “chữ nghĩa” cũng nên.
Nhiều người lấy nhau do cha mẹ đặt đâu ngồi đó, do mai mối, có khi coi mắt một lần, chịu đèn là tới…luôn. Vậy mà họ đẻ con lia lịa. Có bà, áo chưa nhầu, tóc chưa bạc, chồng đã qua đời. Họ ở vậy nuôi con. Thằng con đang tuổi lớn, quậy phá. Bà vợ thắp nhang, ngồi bệt trước bàn thờ chồng than thở, trách móc, rồi lại khóc, rồi lại thấy không có chồng bên cạnh là sự mất mát hơn bao giờ hết. Đâu cần phải “gọi mùa thu tới”, hay nhờ tới “sỏi đá”, chữ nghĩa hoang tưởng tới đâu cũng thừa. Tình yêu lẩn đi chỗ nào rồi?
Tình và Nghĩa liệu có gì khác nhau? Nói theo “Ngũ Thường” (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín), Mạnh Tử cho rằng, Nhân là trái tim, Nghĩa là cách sống. Nghĩa trong Nho giáo, hiểu rộng là cách hành xử trong mối quan hệ giữa người và người, trong đó có nghĩa phu thê. Cái Nghĩa ràng buộc và thấm sâu đến độ nhiều khi người ta hờ hững với những cái gọi là lãng mạn ái tình. Mức ly dị ở Tây cao chắc một phần là do Tình nhiều Nghĩa ít, hay họ đã sống đời thực dụng một cách văn minh?
Bà Bảng đã sống hầu như trọn nghĩa với chồng. Nếu thời gian có lùi lại vài chục năm, chưa chắc bà đã dám đổi Nghĩa lấy Tình. Cái sâu thẳm của niềm tin qua trải nghiệm bền vững hơn nhiều so với khoảng khắc “đột biến”. Phải có gì ray rứt lắm bà mới đem theo một góc trái tim về bên kia thế giới. Bà mặc hai áo: một áo phẳng phiu, một áo đã nhầu. Tôi không biết bà mặc áo nào vào trong, áo nào ra ngoài, nhưng dù thế nào, tôi vẫn tôn trọng và thương cảm cho bà.
Tình yêu là cái gì có tính… sở hữu. Chắc là vậy quá! Cư xử với “đối tác” như đôi bông tai, cà rá… Anh là của tui, chỉ của riêng tui, léng phéng là tui… chơi tới cùng, và ngược lại. Tính sở hữu đã phức tạp hóa mọi vấn đề, lẽ phải thuộc về người này, lẽ trái do người kia,… Với ông Bảng, thì lẽ phải thuộc về trái tim, không có một ego nào cả. Văn hào George Sand nói: “Đơn sơ là điều khó nhất trên đời. Đó là giới hạn cuối cùng của sự từng trải, và là nỗ lực sau cùng của thiên tài”. Ông Bảng không phải là người từng trải, cũng chẳng là thiên tài, nhưng ông đạt tới sự đơn sơ một cách thoải mái, như bản chất thường thấy ở người dân tộc.
Nếu xem bằng cấp (tính luôn bằng giả thứ thiệt và bằng thiệt học giả) là thước đo trí tuệ, thì ông Bảng có cái trí quá nhỏ. Nói theo Kant, “Bổn phận là mệnh lệnh của lý trí”, thì ông Bảng lại thực hành bổn phận theo mệnh lệnh của trái tim. Một trái tim đơn sơ, một tâm tình hiến dâng mà ông không hề biết, mà cũng chẳng cần biết mình đã dâng hiến.
Trái tim của ông là bản nhạc không cần ca từ.

Những con “sâu chúa” trong bầy sâu tham nhũng Việt Nam, lỗi ở hệ thống?

Tác giả: Nguyễn Duy Vinh.
KD: Một bài viết tổng hợp công phu, hệ thống cho thấy “lỗi hệ thống” trầm trọng đã sinh nở rất mau mắn các loài Sâu. Giải pháp tác giả đưa ra- cải cách thể chế- ai cũng thấy, nhưng vấn đề là có ai thèm lắng nghe không? Thật ra ai cũng hiểu, chỉ… một số ít người cố tình không hiểu. Vì sao? Hay vì hai chữ Lợi ích to đùng???.Tuy nhiên, chủ Blog xin biên tập một vài chỗ cho phù hợp tinh thần Blog 
————–
Gần đây tôi có đọc được trên mạng một số bài báo cáo, khảo sát và bình luận khá xúc tích về vấn đề tham nhũng ở Việt Nam (VN) (xin xem danh sách tham khảo cuối bài, các bài [1],[2],[3],[4] và [5]). Trên trang mạng của vov.vn có đăng bài viết của ông Phan Đình Trạc [1], Bí Thư Trung Ương Đảng, Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương, Phó Trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương (BCĐTU) về phòng, chống tham nhũng (PCTN) của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN).
Bài viết này có những chi tiết mà ai đọc cũng phải giật mình. Giật mình vì tình trạng tham nhũng ở VN trong 5 năm cuối (2013-2018) từ khi thành lập ban chỉ đạo PCTN đã có thể gọi là ngày càng trầm trọng. Tôi xin chép lại dưới đây một đoạn ngắn của thành quả việc làm của BCĐTU trong 5 năm nhìn lại:
…“Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo đã đưa 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo với các mức án nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn (10 bị cáo với 11 án tử hình, 19 bị cáo với 20 án tù chung thân, 459 bị cáo tù có thời hạn từ 12 tháng đến 30 năm,…).
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 31%; việc kê biên, thu giữ tài sản trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đạt trên 35 ngàn tỷ đồng, điển hình như: vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín trên 10.000 tỷ đồng, vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng (giai đoạn I) trên 6.000 tỷ đồng, vụ AVG hơn 8.500 tỷ đồng, vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ trên 1.400 tỷ đồng…”
Tôi mới thử vào gú gờ (google) trên mạng Internet với những từ khóa “đại án tham nhũng” thì quả thật đó là những vụ án kinh khủng. Các độc giả có thể tìm thêm rất nhiều chi tiết về những vụ đại án tham nhũng ở Việt Nam trong 20 năm qua qua google như tôi. Tác giả bài viết chỉ ghi sơ vài dòng dưới đây để cho độc giả thấy số tiền thất thoát qua các vụ tham nhũng này lớn như thế nào, độc giả có thể tìm được chi tiết đầy đủ và chính xác hơn qua các báo trên mạng.
+ Những nơi thất thoát tiền nhiều nhất là những ngân hàng:
1- Ngân hàng nhà nước (NHNN), Viettinbank, Vietcombank: thất thoát 6,000 (sáu ngàn) tỉ đồng VN, những người bị kết án là Đặng Thanh Bình, Phạm Nhật Hồng và Nguyễn Ngọc Bích trong đó 2 người lãnh án tử hình (Phạm Nhật Hồng, Nguyễn Ngọc Bích).
2- Ngân hàng Việt Hoa: thất thoát 293 tỉ đồng VN và 84 triệu đồng US, các bị can gồm có Trương Kiệt Tường, Trần Tuấn Tài, Nguyễn Văn Minh, Phùng Ngọc Lợi, Lô Ký Ngươn và Nguyễn Hữu Thanh cùng 16 người khác, 4 người bị án chung thân.
3- Ngân hàng Viettinbank: vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, thất thoát 4,911 tỉ đồng VN, án chung thân.
4- Ngân hàng Á Châu (Asia Commercial Bank hay ACB): thất thoát 1,700 tỉ đồng VN, bị kết án gồm Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên), Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến, Lý Xuân Hải, 30 năm tù cho NĐK, 8 năm tù cho LXH, 2 tới 4 năm tù cho NTHY và TNT.
5- Ngân hàng Agribank: thất thoát 2,500 tỉ đồng, bị kết án Phan Thanh Tân (22 năm tù), Phạm Thị Bích Lương (30 năm tù).
6- Ngân hàng xây dựng (VNCB): thất thoát 18,000 (mười tám ngàn) tỉ đồng VN, các bị cáo Phạm Công Danh (30 năm tù), Phan Thành Mai (30 năm tù) và những người còn lại từ 30 tháng đến 16 năm tù: Tạ Bá Long, Hà Tuấn Phước, Phạm Thế Tuân, Ngô Văn Thanh, Lê Văn Thanh.
7- Ngân hàng Sacombank: thất thoát 1,800 tỉ đồng VN, bị cáo Trầm Bê (4 năm tù), Phan Huy Khang (3 năm tù), Phan Thành Mai (10 năm tù), Mai Hữu Khương (10 năm tù), Nguyễn Quốc Viễn (5 năm tù) cộng thêm 18 bị cáo lãnh từ 2 đến 4 năm tù và 23 người lãnh án treo.
9- Ngân hàng Oceanbank: thất thoát 1,500 tỉ đồng VN, các bị cáo Hà Văn Thắm (chung thân), Nguyễn Xuân Sơn (tử hình), Nguyễn Thị Minh Thu (22 năm tù), Hứa Thị Phấn (17 năm tù) và một số bị cáo khác (từ 36 tháng tới 8 năm tù).
10- Ngân hàng Đại Tín: thất thoát hơn 15,600 tỉ đồng VN, các bị cáo Hứa Thị Phấn (tổng cộng lên 30 năm tù), Bùi Thị Kim Loan (28 năm tù), Ngô Kim Huệ (10 năm tù), Hoàng Văn Toàn (7 năm tù), Trần Sơn Nam (6 năm tù), Lâm Kim Dũng (6 năm tù) cộng thêm 21 bị cáo khác với những án tù từ 20 tháng đến 7 năm tù).
+ Các công ty và tập đoàn các ngành xây dựng cầu đường, ngành dầu khí, ngành hàng hải và ngành giao thông:
1- Công ty Vinashin (TNHH – MTV): thất thoát 255 tỉ và 16 triệu USD, Trần Văn Liêm (tử hình), Trần Văn Khương (chung thân), Giang Kim Đạt (tử hình), Giang Văn Hiển (12 năm tù).
2- Đại án PMU-18 trong đó có dự án cầu Bãi Cháy: chiếm đoạt 3.5 tỉ đồng, các bị cáo Bùi Tiến Dũng (16 năm tù), Phạm Tiến Dũng, Đỗ Kim Quý và một số bị cáo khác (nhiều năm tù), Thứ Trưởng và Bộ Trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình bị miễn nhiệm.
3- Đại án PCI: thất thoát 4 tỉ đồng VN, Huỳnh Ngọc Sỹ (20 năm tù), liên quan đến Ngân Hàng Nhật Bản JBIC.
4- Đại án Vinashin: thất thoát 4 tỉ đô la US và 910 tỉ đồng VN, các bị cáo Phạm Thanh Bình (20 năm tù), Trần Văn Liêm (19 năm tù), Tô Nghiêm (18 năm tù), Nguyễn Văn Tuyên (16 năm tù), Trịnh Thị Hậu (14 năm tù), Hoàng Gia Hiệp (13 năm tù), Trần Quang Vũ (11 năm tù), Đỗ Đình Côn (10 năm tù), Nguyễn Tuấn Dương (3 năm tù).
5- Đại án Vinalines: thất thoát 525 tỉ đồng VN và chiếm đoạt 10 tỉ đồng VN, các bị cáo Dương Chí Dũng (tử hình), Mai Văn Phúc (tử hình), Trần Hải Sơn (22 năm tù), Trần Hữu Chiều (19 năm tù), cùng các đồng phạm Bùi Thị Bích Loan (4 năm tù), Mai Văn Khang (7 năm tù), Lê Văn Dương (7 năm tù), và 8 năm tù cho mỗi bị can Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện. Ngoài ra còn có vụ án Vinalines thứ nhì với các bị cáo khác như Bùi Quốc Anh (3 năm tù) cùng đồng phạm Ngô Văn Nhuận, Đỗ Thị Bích Thủ, Nguyễn Thị Lệ Thủy và Hồ Ngọc Tùng (từ 2 đến 4 năm tù) làm thất thoát 5 tỉ đồng VN.
6- Vụ án công ty Falcon (Vinalines): chiếm đoạt tài sản lên đến 671 triệu đồng VN, các bị cáo Đỗ Quốc Khánh, Bùi Văn Viện, Phạm Văn Đoàn, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thế Ngọc bị tòa tuyên án từ 2 đến 10 năm.
7- Vụ án Trần Bắc Hà: thất thoát đến gần 4,700 tỉ đồng VN, bị can đã từng làm chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại và đầu tư (BIDV), lớn thứ nhì sau Agribank, trong 4 năm, cùng đồng phạm Trần Lục Lang, Kiều Đình Hòa và Lê Thị Vân Anh đang đợi tòa xét xử.
8- Vụ án Đinh La Thăng và vụ án Trịnh Xuân Thanh: Đinh La Thăng, cựu chủ tịch HĐQT Dầu Khí VN (PVN) làm thất thoát 1,115 tỉ đồng lãnh 13 năm tù ở. Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 87 tỉ đồng, lãnh án chung thân.
9- Vụ án Vũ “Nhôm”: thất thoát lên đến 3,700 tỉ đồng VN và chiếm đoạt tài sản lên đến hàng chục triệu đô la US, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) (25 năm tù ở), đồng phạm Trần Phương Bình (20 năm tù), Nguyễn Thị Kim Xuyến (30 năm tù), Nguyễn Thị Ái Lan (9 năm tù), một số bị cáo còn lại từ 2 năm đến 16 năm tù.
10- “Củi” Tất Thành Cang: cũng sắp vào lò, xin độc giả theo dõi vụ án này có rất nhiều gay cấn vì có thể ảnh hưởng đến những cựu bí thư và chủ tịch cũng như những chủ tịch và bí thư đương nhiệm của UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Cộng sơ tất cả các thất thoát qua các vụ đại án lên đến con số khoảng 70,000 (bẩy chục ngàn) tỉ đồng VN, tức là khoảng xấp xỉ 3 tỉ đồng đô la USD, một số tiền khổng lồ về tham nhũng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Viết ra đầy đủ thì số tiền này là 70,000,000,000,000 đồng VN, lớn khủng khiếp.
Chưa kể đại án Vinashin, thất thoát 4 tỉ đô la Mỹ, tương đương 92,782 tỉ đồng VN và 910 tỉ. Tổng cộng số tiền thất thoát chỉ riêng trong vụ án Vinashin là 93,692 tỉ đồng VN.
BCĐTU đã làm được một thành tích đáng kể trong việc “trừ sâu”, chúng ta hãy đọc tiếp những thành quả của BCĐTU qua bài viết của ông Phan Đình Trạc: …“Trong 05 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 77.662 (bẩy mươi bẩy ngàn sáu trăm sáu mươi hai) đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4,300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái…”
Những bầy sâu tham nhũng thật nhiều và đa số là những đảng viên ĐCSVN có quyền lực. Những bị cáo chính hầu hết là các “quan lớn” tức là những cựu chủ tịch và giám đốc, những trưởng phòng, những lãnh đạo doanh nghiệp cũng như những nhân viên kế toán và hành chính đầu não của các cơ quan, ngân hàng và các tập đoàn các ngành. Họ là những nhân vật chóp bu của những cơ quan nơi việc tham nhũng xảy ra. Họ là những người được giao quyền hạn lớn trong việc quản lý những túi tiền và những ngân quỹ khổng lồ. Hành vi của họ chính là “hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”.
Đọc và nghe những án tử hình được tuyên án trong các vụ xét xử thì thấy những “quan chức” trẻ này (đa số ở tuổi trung bình khoảng 50 tuổi) thật là những người liều lĩnh, không biết sợ. Họ coi Trời bằng vung. Số người trẻ ở những chức lãnh đạo này đang làm ruỗng tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Như những đám cỏ dại lan tràn làm hỏng một sân cỏ đẹp, như những bầy sâu (nhìn đâu cũng thấy sâu, lời ông cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang) đang lốn nhốn ăn mọt những cây trong vườn cây đẹp và khỏe mạnh.
Trước khi đi sâu vào vấn đề tham nhũng, tôi chép lại dưới đây một đoạn viết khá sâu sắc tôi tìm được trên trang mạng của PCTN [5]:
…“Các nghiên cứu về tham nhũng ở các nước trên thế giới và Việt Nam cho thấy tham nhũng là hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước, quyền lực nhà nước và các quyền lực công cộng khác. Tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ với những mức độ khác nhau. Khi nhà nước và quyền lực chính trị còn tồn tại thì còn có điều kiện để xảy ra tham nhũng.Cùng với sự phát triển của các hình thái nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ chính trị – kinh tế tạo ra những tiền đề khách quan quan trọng làm cho tham nhũng phát triển. Đối với mỗi cá nhân, nhu cầu về lợi ích là yếu tố chủ quan dẫn đến tham nhũng. Khi yếu tố lợi ích kết hợp với sự lạm dụng quyền lực của những người có chức vụ, quyền hạn thì khả năng xảy ra tham nhũng là rất cao…”
Hồi đầu năm con rồng, năm 2012, lúc còn dạy học ở Phi Châu, tôi có viết một bài tản mạn về tham nhũng [6] và lúc đó tôi tìm được hai định nghĩa của hai chữ tham nhũng:
1- Hai chữ “tham nhũng” được dịch là “lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của” theo Từ Điển Tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ Học ở Hà Nội xuất bản năm 1992.
2- Theo từ điển Bách Khoa Toàn Thư của Wikipedia trên mạng thì Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (MBQT, Transparency International – TI) định nghĩa tham nhũng là “hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”
Bản khảo sát và báo cáo của PCTN xuất bản [4] dưới sự bảo trợ của Ngân Hàng Quốc Tế (World Bank) ghi lại định nghĩa tham nhũng qua 12 hành vi được tóm tắt dưới đây (theo luật Phòng Chống Tham Nhũng (PCTN) của nước CHXHCNVN ngày 29 tháng 11 năm 2005):
Tham ô tài sản
Nhận hối lộ
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
Giả mạo trong công tác vì vụ lợi
Người có chức vụ, quyền hạn đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương để vụ lợi cho bản thân hoặc cho người khác.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi.
Nhũng nhiễu vì vụ lợi
Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao vì mục đích vụ lợi
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để bao che cho đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật vì mục đích vụ lợi; làm cản trở, can thiệp một cách trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì mục đích vụ lợi.
Trong tất cả các hành vi tham nhũng (trừ 3 hành vi đầu là vụ lợi hiển nhiên), hai chữ vụ lợi được nhắc đi nhắc lại như một mẫu số chung quan trọng trong 9 hành vi còn lại. Hai chữ này cũng được định nghĩa rõ ràng trong luật PCTN như sau: “Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng”.
Lợi ích vật chất thì khá dễ hiểu, như là tiền của, tài sản, đất đai, nhà cửa, và quà cáp dưới dạng vất chất. Còn lợi ích phi vật chất thì khó hiểu hơn, ta có thể nghĩ đó là lợi ích về tinh thần hoặc gần đây nhất các báo trong nước lên tiếng về việc hối lộ tình dục là một dạng hối lộ phi vật chất.
Nói tóm tắt thì qua những vụ án tham nhũng hiện nay ở Việt Nam, chúng ta có thể tìm được hầu như đa số những lợi ích vật chất đều đưa đến một chữ tiền. Tiền là một phương tiện rất phổ thông trong hành vi tham nhũng. Trong báo cáo của PCTN [4], danh sách 8 hành vi tham nhũng phổ thông nhất ở Việt Nam hiện nay đều nói đến tiền và quà: 1. Cảnh Sát Giao Thông (CSGT) nhận tiền và không xử phạt, 2. thẩm phán nhận tiền và quà trước khi xét xử, 3 & 4 & 5. công chức các bộ ngành nhận tiền và quà của cấp dưới và của doanh nghiệp, 6. giáo viên nhận quà của sinh viên, 7. cơ quan quản lý nhận tiền, 8. những bác sĩ và y tá nhận tiền của bệnh nhân…
Tuy nhiên, số tiền liên quan đến những vụ hối lộ trong danh sách 8 hành vi phổ thông kể trên không lớn lắm, có nghĩa là không đáng kể so với những vụ đại án tham nhũng gần đây làm thất thoát hàng tỉ đồng Việt Nam như tôi đã trình bày ở đầu trang. Bản khảo sát và báo cáo của PCTN không nói đến những đại án tham nhũng ở Việt Nam. Một bản báo cáo như thế, theo tôi, không đầy đủ khi những hành vi tham nhũng gây thất thoát cả ngàn tỉ đồng Việt Nam (VND) đang được xem là quốc nạn và là một thách thức lớn đối với quá trình tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của quốc gia.
Báo cáo của PCTN (trang 65) đưa ra 16 ý kiến về nguyên nhân dẫn đến tham nhũng được liệt kê dưới đây:
Không xử lý nghiêm minh với người tham nhũng
Phẩm chất, đạo đức cán bộ suy thoái
Còn tình trạng “xin – cho”
Việc kiểm tra, giám soát người có chức quyền còn hạn chế
Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp
Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn thiếu chặt chẽ
Quy định về quản lý vốn, tài sản công còn nhiều kẽ hở
Không có hoặc có rất ít vụ tham nhũng bị phát hiện
Tính minh bạch thông tin trong từng cơ quan chưa bảo đảm
Yếu kém trong đề bạt, bố trí xắp sếp cán bộ
Cán bộ nhận tiền quà biếu liên quan đến công vụ đã trở thành thói quen
Quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ thiếu chặt chẽ
Đưa quà tiền khi cần giải quyết công việc đã trở thành thói quen của người dân
Lương thấp
Do bè cánh, những ai không muốn tham nhũng sẽ bị loại ra
Có cơ hội mà không tham nhũng là dại
16 ý kiến miêu tả được khá đầy đủ những điều kiện thuận lợi đưa đến một hành vi tham nhũng trong nước CHXHCNVN. Nhìn kỹ và suy ngẫm về những điều kiện thuận duyên này, chúng ta có thể đặt một câu hỏi: nhà nước đã quản lý như thế nào mà trong 43 năm từ ngày “giải phóng” miền Nam, tham nhũng ngày càng trở nên trầm trọng như thế ? Cách quản lý của nhà nước đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho tham nhũng hoành hành. Và chúng ta có thể đi xa hơn trong cách lý luận và kết luận như thế này được không ?: chính chế độ đã sinh ra và nuôi dưỡng tham nhũng. Chế độ bảo toàn hệ thống (tức là cơ chế), hệ thống là môi trường (sân cỏ đẹp hay rừng cây khỏe mạnh) cho tham nhũng (cỏ dại hay bầy sâu) phát sinh và tăng trưởng.
Trong quá khứ tác giả bài viết đã có những suy luận về 3 nguyên nhân khiến nhà nước không thể chống tham nhũng tại Việt Nam [7]. Ba nguyên nhân này gồm có: (i) tính độc lập của hệ thống luật pháp, (ii) sự sợ hãi của người dân và (iii) tự do báo chí. Hệ thống luật pháp vừa không độc lập vừa lỏng lẻo. Người dân vì căn bệnh sợ hãi đã ăn vào xương tủy thường im hơi lặng tiếng trước những hành vi tham nhũng. Và báo chí thì hoàn toàn bị nhà nước kiểm soát.
Gần đây, trang tài liệu của PCTN có một trang nói về nguyên nhân và điều kiện của tham nhũng khá xúc tích và đầy đủ rất đáng xem (tài liệu [5] trong danh sách tham khảo). Theo trang tài liệu này, những nguyên nhân và điều kiện cơ bản có thể được tóm tắt dưới đây:
– Hệ thống chính trị chậm được đổi mới, trình độ quản lý còn lạc hậu, mức sống thấp, tạo ra các kẽ hở cho tệ tham nhũng nảy sinh và phát triển. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, sự cạnh tranh và việc đề cao quá mức giá trị đồng tiền làm cho người sản xuất, kinh doanh có xu hướng tối đa hoá lợi nhuận bằng mọi giá, tìm cách hối lộ công chức nhà nước để tạo lợi thế trong kinh doanh.
– Cơ chế chính sách pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán,việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương, phân biệt quản lý nhà nước và quản lý sản xuất, kinh doanh có phần chưa rõ. Quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm chạp và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Cơ chế quản lý tài sản công, quản lý vốn và tài sản trong doanh nghiệp nhà nước còn lỏng lẻo.
– Một số nét văn hoá như biếu và nhận quà tặng… bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng.
– Phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên yếu kém.
– Cải cách hành chính vẫn còn chậm và lúng túng, cơ chế “xin – cho” trong hoạt động công vụ vẫn còn phổ biến; thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý.
– Sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng ở một số nơi chưa chặt chẽ, sâu sát, thường xuyên; việc xử lý tham nhũng chưa nghiêm.
– Chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng chưa rõ ràng, thậm chí chồng chéo, thiếu một cơ chế phối hợp cụ thể, hữu hiệu.
– Thiếu các công cụ phát hiện và xử lý tham nhũng hữu hiệu.
– Việc huy động lực lượng đông đảo của nhân dân cũng như sự tham gia của lực lượng báo chí vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức.
Bản tóm tắt này cho thấy rõ rệt lỗi hoàn toàn nơi hệ thống, nơi sự lãnh đạo của nhà nước, từ việc giáo dục cán bộ và cách quản lý guồng máy hành chính cho đến hệ thống pháp quyền hoàn toàn do nhà nước kiểm soát. Và chúng ta có thể kết luận thêm lần nữa: tham nhũng hiện nay ở Việt Nam là sản phẩm của chế độ
Người dân trong nước sống trong những hoàn cảnh và điều kiện sống ngày càng khó khăn. Từ chất lượng giáo dục xuống cấp, giá cả sinh hoạt ngày càng tăng, an toàn thực phẩm không bảo đảm, an ninh xã hội mỏng manh, thêm vào đó xã hội đầy dẫy những bất an gây ra từ tai nạn xe cộ và ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng, chất lượng y tế ngày càng thấp kém. Và đứng đầu trong các vấn đề xã hội nhức nhối là tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Tham nhũng đã trở thành một thách thức lớn đối với quá trình phát triển của Việt Nam.
Cách hay nhất để giải quyết nạn tham nhũng là chúng ta chuyển hướng đất nước đi về hướng dân chủ thật sự trong đó có tam quyền phân lập. Dân chủ cũng phải bắt đầu cùng một lúc với giáo dục. Giáo dục nơi học đường, giáo dục nơi gia đình, giáo dục nơi cách ứng xử của người dân với nhau, nơi sự tử tế và tôn trọng nhân quyền của nhà nước lãnh đạo cho đến mọi thành phần xã hội. Giáo dục tốt và nhân bản tạo ra con người tốt. Cơ chế tốt là mảnh đất phì nhiêu cho những con người tốt được sinh sôi lớn mạnh. Nước Việt Nam từ đó sẽ hùng mạnh và châm ngôn độc lập, tự do và hạnh phúc sẽ không còn là một bánh vẽ.
Danh sách tham khảo:
[4] “Tham nhũng từ góc nhìn của dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”, kết quả khảo sát xã hội học, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, xuất bản lần thứ hai, 2013 [5]http://thanhtra.gov.vn/ct137/Lists/LTaiLieu/View_Detail.aspx?CatID=1&ItemId=25&LVID=&CapChaId=2
Nguyễn Duy Vinh (mùa Đông Yaoundé 2018)
——
Nguồn Tiếng Dân

Nhớ Ba Sàm

Tác giả: Nguyễn Thông.
Ở khía cạnh nào đó, đây là bi kịch của thời đại, ở xứ ta. Điều mà người dân, bạn đọc mong chờ, nhẽ ra cần ở chỗ này, hướng này thì nó lại chuyển sang chỗ khác, hướng khác. Hơn 800 tờ báo và tạp chí, đài phát thanh, truyền hình chính thống, phần lớn do dân còng lưng đóng thuế nuôi dưỡng, đã không đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng cao của dân. Và cái trang tin, tự nhận là Ba sàm kia, không mất một xu ngân sách nào, lại thu hút họ mỗi ngày, thậm chí từng giờ (NT)
KD: Đây là bài viết và quan điểm riêng của nhà báo Nguyễn Thông. Nhưng cái tên Nguyễn Thông nhắc tới cùng trang web nổi tiếng một thời- Ba Sàm- khiến mình rưng rưng nhớ. Thế là Ba Sàm đã “thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao” khá nhiều năm tháng.
Mình quý trọng ý chí, bản lĩnh và tinh thần “phá vòng nô lệ” cho dân theo cái cách của BS- khai dân trí. Trong cái sự khai dân trí đó, mình tin có ko ít quan chức ngày ngày đọc BS, và cũng phải có sự thay đổi về nhận thức, dù kín đáo, lặng lẽ. Còn làng báo của mình, tuy không ai nói ra, nhưng mình biết, các bạn nhà báo ngày nào cũng truy cập 
Bởi sự thay đổi nhận thức của con người là một điều bình thường trên hành trình của kiếp nhân sinh. Và một dân tộc, hay một tổ chức chính trị cũng thế. Chỉ có Văn hóa là bất biến. Còn Chính trị “hôm qua yêu, nay đã lại chán rồi…”
Nếu không có thay đổi nhận thức, tại sao nước Việt này có Công cuộc Đổi mới cơ chế- từ bao cấp, sang kinh tế thị trường định hướng XHCN? Cho dù cái đuôi “định hướng” cái đầu- một sự buồn cười, thì quy luật thực tiễn rồi đây sẽ khiến nước Việt này, guồng máy nhà nước này, với sự nhận thức đầy đủ hơn, sẽ phải vận hành theo đường ray mà Văn minh Nhân loại đã đi, dù chậm chạp, dù còn bao vật cản bởi bọn sâu mọt, bọn đạo đức giả, bọn lợi ích nhóm cản phá ghê quá.
Một sự thay đổi tích cực nhưng ổn định cho Đất nước này- để dân đỡ khổ, để XH không còn sự phân ly, phân hóa, bởi sự tổn thương, mất mát niềm tin của lòng dân cần biết bao nhiêu. 
Và mình vẫn rất nhớ- mỗi lần có việc hỏi Ba Sàm qua điện thoại về thông tin đưa trong trang web (bởi trang Ba Sàm, giỏi nhất là tổng hợp thông tin của các báo chính thống trong ngày hôm đó về những vấn đề thời sự nổi bật. Và mình thường lựa chọn rất nhanh vấn đề để viết bài cho TVN khi đó), đã thấy Ba Sàm trêu vì mình hay cười: Lại cười rồi! Và trả lời rất tận tình. Cảm ơn Ba Sàm những ngày xưa đáng nhớ 
Và vì thế mình luôn nể trọng Ba Sàm- người cầm bút của dân, đã lựa chọn con đường khó nhọc để đi… Một năm mới sắp đến, xin chúc Ba Sàm sức khỏe, nụ cười tủm tỉm luôn nở trên môi. Vì lòng tự tin về trí tuệ, nhân cách sống làm Người
Blog chỉ xin biên tập một vài từ cho phù hợp tinh thần Blog 
————–
Ngày mai 1.1.2019, nhà cai trị chính thức áp dụng luật an ninh mạng. Rồi sẽ diễn ra những cuộc đe dọa, trấn áp, hoạnh họe, đấu tố, bắt bớ; rồi sẽ là cả một không khí ngột ngạt kiểu “cách mạng văn hóa” bên Tàu hồi những năm 1960 mà nay nhà cai trị An Nam (Trung Quốc) đang bắt chước, làm theo. Càng sát thời điểm “đấu tố” ấy, trên mạng xã hội càng thấy nhiều băn khoăn lo lắng sợ sệt, nhưng cũng có không ít thái độ bất khuất hiên ngang “bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán/Phá vòng vây bạn với kim ô”. Cuộc đời là vậy, mạng xã hội là thế.
Trước cái gọi là luật ấy, có lẽ mọi người cũng nên tìm hiểu về một con người, biết đâu để ta “học tập và làm theo tấm gương” được ít nhiều.
Người ấy là “Anh Ba Sàm”. Tôi sẽ có loạt bài về con người này, đăng nối vắt qua 2 năm, ngay cả cái thời điểm mà luật kia có hiệu lực.
Tục ngữ mới “Ba Sàm thông tin chính thống. Chính thống nói chuyện ba sàm”
Đây có thể coi là tục ngữ mới, gắn với một nhân vật, sự vật cụ thể. Nhân vật đó là anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh) và trang điểm tin điện tử Basàm nổi tiếng mà anh và các cộng sự thực hiện. Trang này ra đời cách nay chừng 12 năm nhưng mau chóng thu hút bạn đọc trong – ngoài nước, thành hiện tượng đặc biệt của làng truyền thông thời đại internet.
Tôi tra mấy cuốn từ điển tiếng Việt, trong đó có cả cuốn dày cộp, phải bưng hai tay mới nổi, do Trung tâm Từ điển học biên soạn (GS Hoàng Phê chủ biên) và cuốn do Viện Ngôn ngữ học soạn- 2003 (cũng GS Phê chủ biên) thì không có từ ba sàm. Đây là thiếu sót của các nhà ngôn ngữ bởi từ này tôi nghe người lớn nói từ hồi tôi còn bé tí, tỉ dụ ai đó bảo nhau “để ý làm gì, chúng nói chuyện ba sàm ấy mà”. Theo tôi, nghĩa của ba sàm là linh tinh, vớ vẩn, tào lao, rẻ tiền, không có ý nghĩa và giá trị gì, không có gì đáng quan tâm. Chuyện ba sàm, thông tin ba sàm tức là chuyện, là thông tin có nội dung vớ vẩn như vậy.
Chính thống là cái được nhà nước, nhà cầm quyền chấp nhận, nuôi dưỡng, thuộc hệ thống cai trị. Tất cả những gì không chính thống đều bị coi như đồ bỏ, đáng ghét, thậm chí xấu xa, phản động, cần phải loại trừ.
Trong câu tục ngữ “Ba Sàm thông tin chính thống. Chính thống nói chuyện ba sàm” ta thấy sự trái khoáy, oái oăm, thể hiện tính tương phản nhưng lại có cơ sở hiện thực xác nhận. Theo lập luận thường tình thì người ưa ba sàm tất nhiên chỉ thể thông tin ba sàm, còn chính thống phải nói chuyện chính thống. Nhưng không, đã có sự đảo ngược.
Ở khía cạnh nào đó, đây là bi kịch của thời đại, ở xứ ta. Điều mà người dân, bạn đọc mong chờ, nhẽ ra cần ở chỗ này, hướng này thì nó lại chuyển sang chỗ khác, hướng khác. Hơn 800 tờ báo và tạp chí, đài phát thanh, truyền hình chính thống, phần lớn do dân còng lưng đóng thuế nuôi dưỡng, đã không đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng cao của dân. Và cái trang tin, tự nhận là Ba sàm kia, không mất một xu ngân sách nào, lại thu hút họ mỗi ngày, thậm chí từng giờ.
Thế mới xảy ra hiện tượng không biết là đáng yêu hay đáng ghét đây: rất nhiều người đã quay lưng với báo chí chính thống, chuyển sang Ba sàm và những cái tương tự như Ba sàm. Thậm chí nhiều người bảo, việc đầu tiên mỗi sáng là mở đọc điểm tin trên Ba sàm. Một (ba sàm) thay cho tất cả, còn tất cả chỉ như đồ bỏ. Sự lựa chọn quá dễ, không cần lăn tăn.
Tại sao như vậy? Tôi nghĩ nông cạn rằng, do thời thế đã đổi thay, thời đại internet đã tác động mạnh vào nhận thức, hiểu biết của công chúng. Họ không chấp nhận thứ thông tin một chiều, gọt giũa ve vuốt tròn trặn, thiếu khách quan, thậm chí lừa dối, lừa đảo trắng trợn. Không muốn bị bịt mắt, bít tai, bị người ta cho ăn món nào biết món ấy. Dù dân chúng có thời rất yêu chính thống, nhưng chính thống không tự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp thì họ cũng đành nói nhời chia tay. Cái đã cũ, lỗi thời, dù có ráng giữ cũng chả thu hút được ai.
Và bây giờ, tới lúc này, trang Ba Sàm không còn nữa, Anh Ba Sàm đang ở trong ngục – kết quả sự đàn áp tàn bạo của nhà cầm quyền, nhưng ai cũng thấy thực tế không thể chối cãi: Sự thắng lợi, lấn lướt của mạng xã hội, và sự hấp hối của báo chí, truyền thông chính thống.
Câu tục ngữ này, tôi cũng có nghe rằng, người phát ra đầu tiên là nhà báo Huy Đức trong bài viết hồi tháng 6.2011, nhân ngày báo chí Việt Nam. Nếu vậy thì nể bác Osin thật.

GIỚI TRẺ TINH HOA VÀ NHÂN QUYỀN

Nguyễn Khắc Mai

Tôi đọc bài viết mới đây của GS Carl Thayer, nhận định về tình hình chính trị Việt nam năm 2018 và 2019, có đoạn: “Tình hình nhân quyền của Việt nam, ngày càng xấu đi, khi giới an ninh tiếp tục bắt giữ, xét xử và tống giam một loạt các nhà hoạt động chính trị và xã hội dân sự, theo các điều khoản mơ hồ của Bộ luật Hình sự”.
Tôi nghĩ rằng nên có chút phân tích và nhận xét về nhận định đó. 
Đúng, nó đã xấu đi khi nhà cầm quyền VN đã tăng cường bắt bớ giam cầm phi lý và trái đạo những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa. Họ chỉ yêu cầu mỗi một điều, là nhà cầm quyền hành xử đúng đắn và tốt hơn những gì mà Hiến pháp đã ghi và họ đã đặt tay lên đó thề thốt trung thành.
Nhưng giữa việc làm và lời nói của họ thì trái ngược lẫn nhau! Cái xấu mà GS Carl Thayer nhận định, chính là chính sách phi nhân tiêu cực, phản văn hóa, phản đạo lý của giới cầm quyền. Họ học tập cái ác trong chính sách tàn bạo của mô hình Xô Viết của Liên Xô và Diên An của Trung Hoa. Họ không hiểu được nét nhân văn, tính tiến bộ mà Hiến Pháp VN 2013 đã phải thừa nhận. Họ đổ vấy hành động phê phán những sai trái của Đảng, của chính quyền một cách ôn hòa, là tội phạm cố ý lật đổ Nhà nước, và dung túng cho cấp dưới đàn áp thô bạo phi nhân trong một hệ thống lao tù bất nhân, bất nhẫn, khắc nghiệt để nhục mạ thân thể và làm nhụt ý chí của tù nhân lương tâm.
Vì thế, tiếng kêu gọi cải thiện chế độ nhà tù không chỉ cho Tù nhân lương tâm mà cho cả mọi người tù là khẩn thiết! Những người lãnh đạo Đất Nước chẳng những không thi hành những văn kiện mà họ đã cam kết, hơn thế nũa, họ nhắm mắt, vô cảm cả với những đạo lý “thương người như thể thương thân”, hay triết lý nhân ái trong đạo trị nước của tiền nhân. (Hãy giở sử ra học lấy tư tưởng nhân ái của vua Lý Nhân Tông trong đối xử với tù nhân. Khi rét mướt, ngài đã ra lệnh cấp thêm chăn chiếu và tăng khẩu phần ăn cho tù nhân, lại còn lệnh tha hết mọi tù nhân không có án!)
Mặt trái, trong nhận định của GS Carl Thayer có ý nghĩa rất tích cực. Càng ngày ta càng thấy hành động phản đối những chính sách tiêu cực của nhà cầm quyền cộng sản càng lan rộng, vào nhiều giới trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ có học vấn. Đã có một bước phát triển mới khi ngày càng có nhiều anh chị em sinh viên, như Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc, như nhóm Nghiệp đoàn Sinh viên… ý thức được thái độ trách nhiệm cao quý “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, đã dõng dạc lên tiếng trước những việc làm sai trái, phản dân hại nước của những kẻ cầm quyền xấu xa.
Chúng ta không muốn nhiều người trẻ tinh hoa, có tình cảm cao thượng, biết nhận thức được những nỗi đau, nỗi nhục của Dân, của Nước, đã hành động theo lương tri của dân tộc và thời đại, mà bị nhà cầm quyền đày đọa như nhận định của GS Carl Thayer. Nhưng chúng ta không thể không tăng thêm niềm tin yêu khi ngày càng có nhiều giới trẻ dấn thân, theo cách này hay cách khác, để mong ước Đất Nước và người Dân “chuyển biến và chuyển hóa” vào một thời kỳ mới Phục hưng nước Việt. Theo ý nghĩa này, chúng ta thấy cuộc đấu tranh của Dân ta cho Nhân quyền và Dân quyền vẫn ngày càng tiến bước.
Chúng ta nhớ lại cách nay đã 73 năm trong Mùa Thu tháng Tám, giới trẻ Việt Nam đã say sưa hát bài “Chiến sĩ Việt Nam” với một đoạn ca từ rất hùng tráng, thiêng liêng:
“Lập Quyền Dân tiến lên Việt Nam
Đài Hạnh phúc đắp xây Tự Do
Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm!”
Bây giờ tôi chỉ xin sửa lại một chút câu hát cuối: “Việt Nam Dân Nước sáng tươi từ đây”!
Tháng trước tôi từng thưa với Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Phú Trọng rằng, từ xưa Dân ta đã có tư tưởng Dân là Quý, Dân là Mạnh (nó chở được và lật được chính quyền), Dân phải được An, Dân phải được thân yêu gần gũi… Nhưng Quyền Dân chỉ mới lập được trên giấy. Ngày nay, chưa bao giờ vấn đề Lập Quyền Dân lại trở nên thiêng liêng và cấp bách.
Cho nên việc dấn thân của giới trẻ tinh hoa để Lập Quyền Dân cho chính mình và cho đồng bào, thật đáng trân trọng, tự hào. Chỉ những ai vì miếng cơm manh áo thiển cận, chỉ những kẻ cam tâm lệ thuộc, làm tay sai cho ngoại bang để thực hiện chiến lược bành trướng Đại Hán của chúng, mới cho những người dấn thân tranh đấu cho dân quyền và nhân quyền ở Việt Nam là tự diễn biến, tự chuyển hóa, là phản động!
Ngày xưa, khi nước nhà còn tranh đấu giành độc lập, thì “suy rộng ra” nhân quyền, dân quyền trước hết là quyền Dân tộc độc lập. Sau một trăm năm, nước nhà đã độc lập thì phải thực hiện Lập quyền Dân. Quyền Dân không chỉ ban bố mà phải thực thi trong đời sống, trong chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo…
Hồ chí Minh có một câu nói để đời “Làm sao cho dân ta dùng được quyền dân chủ, hưởng được quyền dân chủ, dám nói, dám làm”. Đáng tiếc, nhiều quyền dân chủ quan trọng như trực tiếp bầu người lãnh đạo nhà nước, quyền phúc quyết, quyền trưng cầu ý dân, tự do lập hội, tự do báo chí, quyền sở hữu đất đai… đến nay vẫn nằm trên giấy. Dân ta chưa dùng được, cũng chưa hưởng được.
Đảng cầm quyền và nhà cầm quyền, nếu ý thức đúng vấn đề và có trách nhiệm với Dân, với Nước, thì sẽ phải cùng nhân dân và xã hội ủng hộ lẫn nhau, tham khảo lẫn nhau, bàn luận cho ra nhẽ để đưa một khẩu hiệu văn hóa thành khẩu hiệu chính trị: “Lập Quyền Dân Tiến Lên Việt Nam!”
Nhân mùa Giáng sinh và Năm Mới 2019, tôi gởi những tình cảm tin yêu, khâm phục và xin chúc giới trẻ tinh hoa, đặc biệt với những tù nhân lương tâm bình an, mạnh khỏe.
Xin lấy lời của vị Thánh tông đồ Al Cuin ở nước Anh TK XVIII làm lời chúc mừng Năm mới: “Sứ mệnh của trí thức là làm ngay ngắn những sai lầm, làm vững vàng những điều đúng đắn và thăng hoa những điều thánh thiện”.
Đêm Noel 2018.

LẠI ĐỔ LỖI

(FB Đỗ Ngà)

Khi còn ngồi ở ghế nhà trường, những thầy cô dốt nát hay nhồi cho học sinh bọn tôi tin rằng “tình trạng tội phạm gia tăng là do mặt trái của cơ chế thị trường”.
Thế rồi khi lớn lên qua tìm hiểu, những nước như Nhật, Úc, Canada cũng kinh tế thị trường sao ở đó thái bình, con người hiền hòa thế? Thậm chí như ở Hà Lan, người ta phải đóng cửa nhiều nhà tù vì vắng bóng tội phạm.
Câu hỏi đặt ra là, cơ chế thị trường nó là một cơ chế tự điều chỉnh giá cả theo quy luật cung cầu một cách tự nhiên, nó thuộc phạm trù kinh tế, hoàn toàn không liên quan gì đến phạm trù tội phạm. Chuyện buôn bán, thương mại một cách tự nhiên lại sinh ra tội phạm? Nghe nực cười không?
Thế mà với CS, họ vẫn vớ lấy nguyên nhân vô lí đó để đổ tội cho sự kém cỏi của họ. Tương tự vậy, họ cũng phao tin rằng “nước ta còn nghèo do hậu quả của chiến tranh”, mặc dù Việt Nam đã hết chiến tranh từ 3 đến 4 thập kỷ, trong khi Hàn Quốc chỉ cần 2 thập kỷ là cất cánh thành nước phát triển.
Vớ lấy một đối tượng không liên qua để đổ tội là bản chất của CS.
Cùng một điều kiện như nhau, anh cho ra kết quả tồi tệ hơn người ta thì chính anh là kẻ yếu kém chứ không thể đổ lỗi vì điều kiện mà anh thua thiệt. Đó là nguyên tắc cơ bản nhất để vạch mặt kẻ ngụy biện.
Ví dụ, cùng là cơ chế thị trường sao Singapore xây dựng được đất nước yên bình còn Việt Nam lại đầy rẫy tội phạm? Thậm chí, Singapore còn áp cơ chế thị trường triệt để chứ không nửa vời như Việt Nam. Như vậy, tội phạm nhiều là do cách điều hành đất nước của ĐCS. Đơn giản vậy thôi.
Giáo dục là biện pháp phòng tội phạm, luật pháp là biện pháp chống tội phạm. Nền giáo dục tốt thì sẽ cho ra đời những con người có ích cho xã hội, biết sống có trách nhiệm với cộng đồng và tránh xa tội phạm. Giáo dục tốt là cách phòng ngừa tội phạm tốt nhất. Luật pháp nghiêm minh, thì sẽ trị được những thành phần phạm tội. Phải làm tốt 2 yếu tố đó thì sẽ giảm tội phạm. Nhưng ở Việt Nam thì sao? Họ đã làm “tốt” tới mức nào?
Ở Việt Nam, cả phòng và chống tội phạm đều thất bại. Ai cũng biết, nền giáo dục XHCN quá nát, điều này quá rõ ràng không cần phải dẫn chứng nữa vì nó đã được báo chí nói quá nhiều. Còn sự nghiêm minh của pháp luật thì sao? Ở Việt Nam có tồn tại không? Không! Khẳng định là không. Lực lựợng công an thì nuôi côn đồ để phục vụ cho mình, công an phòng chống tội phạm công nghệ cao thì tổ chức đánh bạc online, công an bắt người tạm giam rồi tự ý giết người trong đồn mà không bị truy cứu vv...
Nói thẳng ra, lực lượng chấp pháp của Việt Nam là lực lượng phạm tội kinh khủng nhất. Còn ngành tòa án cũng vậy, cũng như ngành công an - cũng thối hoắc. Tòa án ở Việt Nam là nơi buôn bán công lý chứ không phải nơi thực thi công lí.
Như đã nói, CS sẽ tìm cách ngụy biện cho sự bất lực của nó bằng cách đổ lỗi cho một nguyên nhân chẳng liên quan gì. Internet là phổ biến toàn cầu, mạng xã hội cũng phổ biến trên toàn cầu chứ không chỉ ở Việt Nam mới bị “đầu độc”. Tại sao ở Úc, Canada, Thụy Sỹ vv... học sinh và giáo viên cũng tiếp cận mạng xã hội nhưng bạo lực học đường ở đó cực hiếm còn ở Việt Nam thì dày đặc? Nguyên nhân thật do đâu chắc không cần phải nói thêm nữa.

Học tập “làm trái” lời Hồ Chí Minh

Thiện Tùng
Nhân ngày thành lập Quân đội 22/12 (2018), bổn cũ soạn lại, nhiều quan chức, trong đó có trưởng Ban Tuyên Giáo Võ văn Thưởng và chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân khuyên bảo Quân đội hãy “Học tập làm theo lời dạy Hồ Chí Minh”.

An toàn khu Pắc Bó thuộc tỉnh Cao Bằng, là nơi Hồ Chí Minh từng sống, làm việc và vạch ra con đường lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Người ta thường nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Thời trai trẻ, Hồ Chí Minh từ Á sang Âu, Mỹ rồi từ Mỹ sang Âu lộn về Á. Khi về nước, Người trụ ở An toàn khu “Hang Pắc Bó” thuộc tỉnh Cao Bằng, giáp biên với Trung Quốc. Với suối biếc non xanh thơ mộng, để nói lên lập trường quan điểm của mình, Người đặt tên “Núi Các Mác” và “Suối Lenin”. Và tại An toàn khu thơ mộng nầy, Người vạch ra và truyền bá“Đường lối Cách mạng Việt Nam” theo học thuyết Mac-Lenin với tiến trình 3 bước: “Dân tộc Dân chủ / “Xã hôi Chủ nghĩa” / “Cộng sản Chủ nghĩa”. (1)
Có lẽ nhờ đi nhiều, học rộng và nhiều năm bám trụ nơi non xanh suối biếc, Hồ Chí Minh như một thánh sống được đồ đệ vinh danh “Cha già Dân tộc”. Cha thánh muốn con cũng phải siêu phàm, lúc sinh tiền, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở thuộc hạ: về yêu nước “không có gì quý hơn độc lập tự do” / về yêu thương dân “Cười sau khóc trước dân”…/ về đức độ “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.v.v…Ngoài ra, Hồ Chí Minh thường căn dặn thuộc hạ “nói cho ai nghe, viết cho ai xem”. Người lý giải: nói/viết không thích hợp với trình độ người nghe/đọc là “đàn khải tai trâu” - không phải người nghe/đọc là trâu mà người nói/viết là trâu vì không biết mình đang“nói cho ai nghe, viết cho ai xem”.
Không biết Hồ Chí Minh có thần thánh hóa cán bộ mình không, cho đến giờ nầy, chẳng mấy ai đạt chuẩn chất như người mong muốn:
“Không có gì quý hơn độc lập tự do”:
Suốt 30 năm, dân tộc VN đổ biết bao xương máu chống thực dân Phong kiến đòi “độc lập, tự do”. Rốt cuộc: “hết lệ Pháp, Mỹ đến lệ thuộc Tàu”, để rồi “chỉ thay đổi tập đoàn thống trị bóc lột nầy bắng tập đoàn thống trị bóc lột khác mà thôi”. 
“Cười sau, khóc trước dân”:
Ngoài, để ngoại xâm chiếm đất, chiếm rừng, chiếm biển, gây ô nhiễm môi trường…tạo ra bao chết chóc đau thương cho đất nước, dân tộc. Còn nạn nội xâm, quan chức “Ăn không chừa thứ gì của dân” (lời bà Doan), họ vui cười, phè phởn sống trên nhung lụa giàu sang, mặc cho dân tình khốn khổ, ứng với câu “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.
“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Cần là siêng năng; Kiệm là tiện tặn; Liêm là liêm khiết (trong sạch), Chính là thẳng ngay; Chí công vô tư là vì lợi ích chung không vì lợi ích riêng tư.
Lười biếng, phung phí tiền của của dân, tham nhũng vô độ, nói dối không chớp mắt, chí tư vô công – tất cả trở thành bản chất của đa số cán bộ nói riêng, của chế độ nói chung. Dùng quyền lực, chia nhau từng vùng, từng khu vực từ cướp đất, chặn đường làm BOT đến tăng thuế…để móc túi dân. Lớp nầy ăn no về vườn dưỡng lão, thay lớp cán bộ “chiến lược” khác lên tiếp tục ăn. Bởi vậy, từ lâu trong dân gian đã khuyến cáo: “Thà để thằng cũ nó đã no không ăn nổi nữa, cử thằng mới đang đói lên thay nó ăn cố mạng làm sao dân chịu xiết!” – gẫm cũng có lý?.
Ngay đối với bản thân, Cụ Hồ bảo khi ông chết thiêu xác thì họ ướp xác. Cụ chết ngày 02/09/1969, họ cải tử hoàn sinh cho Cụ thêm 1 ngày (3/9). v.v.. thì đừng mong gì họ học tập làm theo những lời lời dạy bảo khác của Cụ.
Những gì vừa kể trên, rõ ràng họ đã và đang học tập để “làm trái” lời Hồ Chí Minh. Nhưng họ lại quên rằng “Ai lợi dụng lời nói hay xác chết của người đã qua đời để vụ lợi là tội ác trời không dung đất không tha”.


26/12/2018

T.T 


Chú thích:

(1) Dân tộc Dân chủ= đuổi ngoại xâm ra khỏi cõi bờ, thiệt lập nền dân chủ / XHCN= làm theo sức, hưởng theo kết quả lao động / CSCN= làm tùy sức, hương theo nhu cầu.

Đại án Thủ Thiêm: NÓI THÊM VỀ ĐƠN KIẾN NGHỊ CỦA TÔI GỬI THỦ TƯỚNG!

-Nguyễn Đăng Quang- 
Nguyên Đại tá Bộ Công an
Nguyễn Đăng Quang (phải)
và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Tôi là một công dân cao tuổi, đã nghỉ hưu 15 năm nay, hiện sinh sống ở Hà Nội. Xin kể lại chuyện này: Tháng 9/2018 vừa rồi, tôi vào thăm con cháu ở Sài Gòn, mặc dù không quen biết ai ở Thủ Thiêm, nhưng tôi đã bắt taxi lần mò đến bán đảo này với mục đích tận mắt nhìn thấy quang cảnh nơi đây, và với hy vọng sẽ gặp, trò chuyện trực tiếp với những nạn nhân trong cuộc! Tôi đã chẳng thất vọng với 2 mục đích nói trên, song những gì tận mắt thấy, tận tai nghe thì tôi vô cùng đau lòng, vì nó vượt xa mọi tưởng tượng của tôi! Tôi đã thốt lên: Tội ác này trời không dung, đất không tha! Không hình dung nổi là nó lại xảy ra trong chế độ này và ở giữa thành phố lớn nhất nước và ngay trong thời cách mạng 4.0 của thế kỷ 21 này!
Hai tháng sau khi về Hà Nội, ngày 12/12/2018, tôi viết bài “Đại án Thủ Thiêm: Đề nghị Tân Chủ tịch nước vào cuộc!”. Song đã 2 tuần rồi, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn câm bặt, không thấy ông lên tiếng và cũng không hề có động thái vào cuộc giải quyết! Quá sốt ruột, cách đây 4 ngày, tôi có viết đơn kiến nghị với 6 thỉnh cầu cụ thể, lần này gửi tới Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng 3 cơ quan tố tụng ở Trung ương là Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đề nghị xem xét, áp dụng biện pháp ngăn chặn, trừng trị đích đáng những kẻ chủ mưu và thủ ác trong đại án này! Đơn kiến nghị trên đã được gửi tới địa chỉ hòm thư điện tử (Email) các nơi cần thiết ngay hôm 22/12/2018!
Nay xin có đôi lời giải thích cùng bà con Thủ Thiêm về đơn kiến nghị gửi Thủ tướng nói trên của tôi, để bà con hiểu rõ ngọn nguồn! 
1/. Tôi kiến nghị Thủ tướng ban hành quyết định của Chính phủ cho thu hồi hoặc ra lệnh cho Tp.HCM tuyên hủy QĐ số 6565/QĐ-UBND do PCT Nguyễn Văn Đua ký ban hành ngày 27/12/2005 theo chỉ thị của Chủ tịch Lê Thanh Hải. 
Đây là việc phải làm để chính quyền Tp. HCM và UBND quận 2 không còn cơ sở và căn cứ pháp lý để tiếp tục triển khai và thực hiện thêm những sai phạm Dự án Thủ Thiêm được nữa, vì QĐ 6565 được ban hành trái pháp luật và vượt thẩm quyền! Nếu không, “Chính phủ Kiến tạo” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang ra sức xây dựng, sẽ sớm rơi vào tình trạng “vô chính phủ” và “luật vua thua lệ làng”!
2/. Cho truy tìm bằng được bản đồ quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 ban hành kèm QĐ 367/TTg của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 4/6/1996, và nghiêm khắc trừng phạt, kể cả phải khởi tố những cá nhân, tổ chức liên quan! Nếu đường dây tội phạm này mà phi tang êm xuôi bản đồ quy hoạch gốc nói trên, thì chúng sẽ không ngần ngại đánh cắp, thủ tiêu các tài liệu, văn bản quan trọng và tuyệt mật khác của nhà nước để thực hiện âm mưu hoặc ý đồ đen tối, mờ ám của bọn chúng! 
3/. Văn bản 1483/TB-TTCP chỉ là thông báo “kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu ĐTM Thủ Thiêm”, đây không thể coi làkết luận thanh tra của TTCP, vì vậy nó không có cơ sở và giá trị pháp lý để buộc người dân Thủ Thiêm thực hiện, và người dân Thủ Thiêm cũng đã không chấp nhận văn bản này! Kết luận kiểm tra hoàn toàn khác với kết luận thanh tra! Cần phải rạch ròi 2 khái niệm pháp lý này để người dân khỏi lầm lẫn! 
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, tôi có đề xuất “Cho thanh tra tra lại toàn diện và triệt để toàn bộ Dự án Thủ Thiêm qua các thời kỳ” và “Kết luận của thanh tra nhất thiết phải có sự đồng thuận của người dân”! Hy vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét và chấp thuận đề xuất này để bà con Thủ Thiêm sớm được hưởng công bằng và công lý! 
Đây không chỉ là mong muốn mà còn là đòi hỏi của người dân Thủ Thiêm từ bấy lâu nay! 
Còn trong nội dung gửi thủ trưởng 3 cơ quan có thẩm quyền tố tụng ở Trung ương là Bộ Công an, Viện Kiếm sát và Tòa án Nhân dân Tối cao, tôi kiến nghị đã có đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khởi tố hình sự vụ đại án Thủ Thiêm và khởi tố bị can, bắt tạm giam (hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú), rồi đưa ra xét xử, tuyên án tù những kẻ đã và đang gây tội ác với người dân Thủ Thiêm, bất kể chúng là ai, đang tại chức hay đã nghỉ hưu, kể cả những kẻ vừa được trao tặng huy hiệu cao quý 50 năm hay 60 năm tuổi Đảng! 
Kiến nghị nói trên của tôi là rất rõ, nhưng xem ra còn khá yếu, không mạnh mẽ bằng các yêu cầu, đòi hỏi và tố cáo của người dân Thủ Thiêm! Nhiều đảng viên, CCB và cử tri Thủ Thiêm và quận 2 Tp.HCM, trong số họ có Thiếu tướng CCB, nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Đặc công Hồng Minh Hải và ông Cao Thắng Ca, một đảng viên nay trở thành dân oan Thủ Thiêm đã công khai tố cáo và đòi bắt giam, khởi tố hình sự đích danh 2 nhân vật khét tiếng là nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và đương kim Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang!
Việc khởi tố hình sự, bắt tạm giam để tiến hành điều tra xét hỏi, rồi đưa ra xét xử những tội phạm mà người dân và nạn nhân đã tố cáo đích danh là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thực hiện một khi đã thu thập đủ chứng cứ của kẻ phạm tội! Nếu không thực hiện thì các cơ quan tố tụng sẽ phạm vào “Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo quy định tại Điều 369 Bộ Luật Hình sự 2015 mà xưa nay ta vẫn quen gọi là tội “bỏ lọt tội phạm”!
Nghe nói, lâu nay các cơ quan tiến hành tố tụng phải chấp hành quy định trong Chỉ thị số 15/CT-TƯ do TBT Nông Đức Mạnh ký ngày 7/7/2007: “Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện đảng viên vi phạm pháp luật phải báo cáo bằng văn bản với cấp ủy Đảng trực tiếp quản lý đảng viên đó. Chỉ sau khi được cấp ủy Đảng đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt tạm giam... thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng”. Nếu đúng là Trung ương Đảng có chỉ thị như vậy, thì tôi chịu, không thể bình luận gì thêm! Xin nhường lại cho các luật sư, chuyên gia luật pháp và các chính trị gia mổ xẻ quy định này!
Vừa viết đến đây thì nhận được tin, BCHTƯ Đảng chiều nay đã quyết định xử lý kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách mọi chức vụ trong Đảng, như UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tp. HCM đối với ông này! 
Tin trên không nằm ngòai dự đoán của nhiều người, đặc biệt là bà con Thủ Thiêm! Nhưng liệu Đảng có chấp thuận cho khởi tố hình sự và bắt tạm giam Tất Thành Cang không? Nếu như ngay sáng mai mà Đảng chấp thuận, tôi cho là mọi việc đã quá muộn! Từ ngày 4/6/2018, khi phát hiện có dấu hiệu phạm pháp, đến hôm nay 26/12/2018 đã là hơn 7 tháng, một lượng thời gian quá đủ để Tất Thành Cang chạy tội, xóa dấu vết, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, v.v...! Không hiểu là Tất Thành Cang có đến tham dự Hội nghị Trung ương 9 này không, hay là ông ta bận nghỉ phép?
Hà Nội, ngày 26/12/2018.
(P/s: Xin mời bà con Thủ Thiêm, quý độc giả xa gần đọc nguyên văn Đơn kiến nghị của công dân về vấn đề Thủ Thiêm của tôi đính kèm dưới đây) 
THƯ KHẨN GỬI THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC và THỦ TRƯỞNG 3 CƠ
QUAN TƯ PHÁP TRUNG ƯƠNG: BỘ CÔNG AN, VIỆN KIỂM SÁT và TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc

KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG DÂN VÊ VẤN ĐỀ THỦ THIÊM

Hà Nội, ngày 22/12/2018
Kính gửi: - Ông Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc,
Số 1 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an,
Số 47 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
- Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tôi cao,
Số 48 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. 
- Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao,
Số 9 phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Kính thưa các quý vị,
Tôi là Nguyễn Đăng Quang, 77 tuổi, cán bộ hưu trí, công dân Việt Nam, hiện sinh sống tại Hà Nội, xin gửi đến quý vị những lời chúc tốt đẹp nhất nhân mùa Giáng Sinh 2018 và Năm Mới 2019: có nhiều sức khỏe và niềm vui, bình an và hạnh phúc cạnh người thân và gia đình!
Thực hiện quyền công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội được quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 28 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013, tôi viết đơn này gửi quý vị và khẩn thiết đề nghị quý vị xem xét, thực hiện các kiến nghị sau đây:
Thủ Thiêm đã trở thành đại án quốc gia, cực kỳ nghiêm trọng, nếu Trung ương không sớm vào cuộc giải quyết, tình hình sẽ vô cùng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến thể chế chính trị nhà nước ta! Tội ác mà số quan chức lãnh đạo thoái hóa, biến chất trong Đảng bộ và UBND Tp. HCM gây ra trong nhiều năm qua đối với người dân Thủ Thiêm, nhất là từ 2001 đến nay, đã phơi bày rõ ràng, không thể chối cãi! Vừa qua, trong các buổi đối thoại với chính quyền Tp.HCM, người dân Thủ Thiêm đã trút uất hận mà họ đã gánh chịu hàng chục năm qua, rất nhiều người đã công khai tố cáo, vạch mặt chỉ tên đích danh các quan chức lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, là các thủ phạm gây tội ác cướp đất, phá nhà, dồn họ vào đường cơ cực, biến họ thành những kẻ vô gia cư và dân oan giữa thành phố lớn nhất nước này!
Trước tình hình trên, tôi trân trọng đề nghị ngài Thủ tướng cho tiến hành 3 việc sau:
1/. Ban hành Quyết định thu hồi và tuyên vô hiệu văn bản Quyết định 6565/QĐ của UBND Tp. HCM mà ông Lê Thanh Hải đã chỉ đạo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đua ký ban hành ngày 27/12/2005. Thứ văn bản này nhất thiết không thể lưu hành trong một Chính phủ Kiến tạo mà ngài đang xây dựng, vì đây là loại văn bản quy phạm pháp luật ban hành ngang ngược, vượt thẩm quyền và trái pháp luật! Trong 13 năm qua, UBND Tp.HCM đã dùng văn bản này gây biết bao đau khổ và oan sai cho người dân Thủ Thiêm!
2/. Lệnh cho UBND Thành phố HCM và các ban ngành Trung ương như Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, v.v... truy tìm bằng được bản đồ quy hoạch (gốc) tỷ lệ 1/5000 khu ĐTM Thủ Thiêm được ban hành kèm theo QĐ 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Việc các cấp chính quyền Tp. HCM và Trung ương đánh mất bản đồ quy hoạch gốc này là một điều cực kỳ phi lý và mờ ám!
3/. Cho thanh tra lại triệt để và toàn diện Dự án Thủ Thiêm qua các thời kỳ, từ việc lập dự án, lập quy hoạch, xác định mốc giới (ranh) cho đến việc triển khai dự án, điều chỉnh quy hoạch, các chính sách đền bù, tái định cư, thu hồi đất của dân và việc giao đất cho các doanh nghiệp qua các thời kỳ, v.v...Quyết định thanh tra trên không chỉ giao cho Thanh tra Chính phủ thực hiện mà lần này nên có sự tham gia của Thanh tra Bộ Tài nguyên- Môi trường, Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ GT-VT, Thanh tra Bộ Tài chính, v.v... Các cuộc thanh tra trên có thể tiến hành riêng rẽ hoặc phối hợp với nhau, song kết luận của thanh tra phải có sự đồng thuận của người dân Thủ Thiêm!
Về công tác tư pháp, biện pháp xử lý và ngăn chặn tội phạm, tôi xin trân trọng đề nghị ông Bộ trưởng Bộ Công an, ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao và ông Chánh án Tòa án Tối cao cho tiến hành:
1/. KHỞI TÔ HÌNH SỰ ngay vụ Đại án Thủ Thiêm này.
2/. Đồng thời KHỞI TỐ BỊ CAN, thực hiện việc bắt tạm giam (hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú), khẩn trương tiến hành điều tra, hoàn tất cáo trạng, và đưa ra xét xử công khai những kẻ đã và đang phạm tội ác đối với người dân Thủ Thiêm, bất kể chúng là ai, quyền lực lớn đến đâu, đang tại chức hay đã nghỉ hưu, kể cả những kẻ vừa được trao tặng huy hiệu cao quý 50 hay 60 năm tuổi Đảng!
3/. Có kế hoạch đề phòng và vô hiệu hóa khả năng chạy tội, xóa dấu vết, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, trốn ra nước ngoài, v.v... của bọn tội phạm nói chung, đặc biệt là các quan chức lãnh đạo cao cấp có dấu hiệu phạm tội, nhiều khả năng bị khởi tố hình sự! Trong trường hợp cụ thể này, cần đặc biệt lưu tâm đến các quan chức trong Đảng bộ và UBND Tp.HCM đã bị người dân tố cáo, nêu đích danh nhưng họ chưa có chứng cứ cụ thể, mới chỉ là nghi ngờ!
Kính thưa quý vị,
Trên là các đề xuất và kiến nghị rất thực tâm và nghiêm túc của tôi, một công dân lớn tuổi, liên quan đến vụ Thủ Thiêm đang là điểm nóng ở Tp. HCM, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về chính trị-xã hội không chỉ đối với riêng Tp. HCM mà là cả nước! Rất mong quý vị xem xét và chấp thuận. Xin chân thành cảm ơn!
Trân trọng,
Nguyễn Đăng Quang,

Giải mã bí ẩn lịch sử

Nguyễn Đình Cống

Chủ tịch Hồ Chí Minh: bệnh lừa
Trong lịch sử cận đại VN có 1 sự kiện được nhắc đến nhiều, nhưng chứa 1 bí ẩn lớn, chưa thấy ai công bố lời giải. Sự kiện là vào năm 1945-46 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ nhưng không nhận được trả lời. Bí ẩn là lý do của sự việc không trả lời đó . 
Đây thuộc vấn đề biết kết quả, cần tìm và giải thích nguyên nhân. Đơn giàn nhất là hỏi TT Mỹ, nhưng ông ta chết mất rồi. Liệu ông có nói với ai hoặc để lại bút tích gì liên quan đến việc này hay không. Bây giờ có một cách là nhờ nhà ngoại cảm phụ hồn ông lên để cầu xin câu trả lời. Tiếc rằng hình như chúng ta chưa bao giờ đề ra và nhờ những nhân vật quan trọng của Mỹ giải đáp. Ngoài ra thì có thể suy đoán, đưa ra giả thuyết rồi chứng minh hoặc bác bỏ. 
Gần đây, đọc bài Mênh mông thế sự số 56 của GS Tương Lai, tôi thấy ông viết : “Nhưng vì sao mà những bức thư của Hồ Chí Minh không có hồi âm? Đơn giản chỉ vì, người Mỹ không tìm thấy được chút lợi ích nào trong chuyện chìa tay ra với Hồ Chí Minh của Việt Nam ở sát mép nước Biển Đông tít tắp bên kia bờ Thái Bình Dương mênh mông sóng vỗ “. Có lẽ GS Tương Lai cũng chỉ mới dự đoán thế thôi chứ chưa chứng minh để rút ra kết luận.
Tôi đưa ra giả thuyết theo hướng khác. Khi còn ở rừng núi thời kỳ 1944-45, Hồ Chí Minh đã tốn nhiều công sức để liên lạc với quân Mỹ vì biết rằng chính quyền Mỹ ủng hộ sự giải phóng thuộc địa. Và họ đã có những giúp đỡ tích cự cho Đội quân của Võ Nguyên Giáp. Nhưng cụ Hồ cũng biết Mỹ chống cộng sản. Để giải quyết mâu thuẩn, không biết ai đã nghĩ ra mẹo giải tán ĐCS Đông Dương. Nếu khôn ra thì giải tán xong ĐCS, cùng với những đảng viên ấy lập đảng mới, lấy tên là đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ chẳng hạn và tạm lờ chủ thuyết cộng sản để tập trung cho độc lập dân tộc. Đằng này không biết ai bày ra kế sách rút vào bí mật. Tưởng như thế lừa được Mỹ, nhưng không lừa được. Tôi đưa ra giả thuyết rằng chính vì việc này mà TT Mỹ không trả lời thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đoán, nếu thực sự vì độc lập dân tộc thì đảng chấp nhận giải tán và lập đảng mới, nhưng vì quá nặng ý thức hệ cộng sản, quá bị lệ thuộc vào Đệ Tam quốc tế mà rút vào bí mật. Khốn nỗi Đệ Tam quốc tế đã bị Xít ta lin giải tán từ 1941, mà là giải tán thật chứ không định lừa ai cả. Lừa thế nào được.
Việc tự tuyên bố giải tán ĐCS ĐD vào tháng 11/1945 được viết rõ ràng trong lịch sử, nhưng hình như không có văn bản nào ghi lại quá trình dẫn đến việc này, ai đề xướng đầu tiên, những ai đã tham gia thảo luận và biểu quyết, những ý kiến khác nhau nào đã được thảo luận. Đây cũng là một bí ẩn của lịch sử. Trong các văn bản, những sử gia và nhà lý luận của Đảng ra sức ca ngợi sự sáng suốt của việc trên, cho rằng đó là một nước cờ cao. Tôi nghĩ hơi khác. Để biết cao thấp đến mức nào phải xem hết những tác dụng tốt và xấu do nó mang lại. Còn bản chất sự việc là lừa dối. Rút vào bí mật mà tuyên bố giải tán là lừa dối. Lừa nhân dân VN, lừa chính phủ Mỹ, lừa toàn thế giới. Lừa xong nhưng không biết cách thông báo ngầm cho ĐCS Liên xô, đến nỗi họ tưởng thật. Thì ra định lừa Mỹ nhưng Mỹ không mắc mà Liên xô lại mắc. Nghe nói hồi năm 1950, khi Hồ Chí Minh sang Liên Xô, bị Xít hỏi, tại sao giải tán ĐCS, phải thanh minh mãi mới được. 
Việc TT Mỹ không trả lời các thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo một lý do đẹp cho hành động xấu của nhiều quan chức và tổ chức của ĐCSVN. Rất nhiều thư, kiến nghi của các cá nhân hoặc tập thể gửi đến tổ chức hoặc CB lãnh đạo của ĐCS VN không bao giờ nhận được tin phản hồi chứ đừng mong được trả lời. Khi gặp trực tiếp được ai đó để hỏi, họ trả lời như sau : Thì TT Mỹ có trả lời thư Hồ Chí Minh đâu mà bảo chúng tao trả lời cho chúng mày. Câu trả lời rất đáng được ghi vào tuyển tập các sự kiện lạ của thế giới.
Đoán rằng đã có người ngấm ngầm nghiên cứu và giải mã bí ẩn trên, nhưng chưa công bố kết quả, tôi chỉ đưa ra giả thuyết ( đoán) chứ chưa phải là kết luận nghiên cứu, chỉ là một gợi ý để nghiên cứu sinh nào về sử có thể nâng thành đề tài luận án.

Kỷ luật Tất Thành Cang và thất bại của Nguyễn Phú Trọng tại Hội Nghị TW9

Kami
Chiều 26/12/2018, sau 2 ngày làm việc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 - khoá XII đã kết thúc sớm hơn dự kiến một ngày. Theo kế hoạch, Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, từ 25 đến 27/12. Đây là một điểm đáng chú ý của một Hội nghị Trung ương bất thường, chỉ diễn ra sau Hội nghị Trung ương 8 vừa diễn ra vào tháng 10/2018.
Theo dự kiến tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành trung ương sẽ xem xét kỷ luật đối với một số đảng viên cao cấp; lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 ủy viên Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư. Bên cạnh đó, Trung ương sẽ cho ý kiến về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 ủy viên Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư tuy không được công bố chính thức, song kết quả (rò rỉ) vẫn lưu truyền trên mạng(bit.ly/2Sj892s), đáng chú ý cựu Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đứng đội sổ. Trên cơ sở danh sách gần 250 người được các đơn vị giới thiệu, Bộ Chính trị đã thống nhất giới thiệu để Trung ương cho ý kiến đối với hơn 200 cán bộ. Đồng thời Ban chấp hành Trung ương kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng; Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM vì đã vi phạm rất nghiêm trọng. Tuy nhiên lại một điều đáng chú ý nữa là, chỉ có 64% trên tổng số Ủy viên trung ương có mặt, tán thành với nghị quyết kỷ luật cách chức Ủy viên Trung ương Đảng Phó Bí thư thường trực Tất Thành Cang.
Đây là một cảnh báo, đồng thời cũng là sự thất bại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cái gọi là công cuộc đốt lò - mang danh chống tham nhũng, nhưng thực chất là tiêu diệt phe phái.
Đã có những ý kiến gay gắt của các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 9 chất vấn Tổng Bí thư, tại sao Đại án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, gây thấy thoát hơn 7.000 tỷ đồng mà các cá nhân là 2 cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT không bi xử lý bằng pháp luật ? . Hay như có ý kiến cho rằng, Phó Bí thư Thành uỷ TP HCM Tất Thành Cang chỉ đạo bán 30 ha đất Phước Kiển giá rẻ cho doanh nghiệp Quốc Cường Gia Lai, thì nhằm nhò gì so với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời còn là cựu Bí thư Thành Ủy Hà Nội, đã từng áp giá cho Công ty Ciputra của Indonexia giá thấp hơn thực tế 8 lần. Vậy liệu ai sẽ xử ông Nguyễn Phú Trọng?. V.v... và v.v...
Đây chính là lý do buộc chương trình nghị sự của Hội Nghị Trung ương 9 giảm bớt 1 ngày so với dự định ban đầu.
Trong bài viết "Tại sao Nguyễn Phú Trọng sẽ khó xử lý được Sâu Chúa Lê Thanh Hải?" (bit.ly/2rXnTfY) cũng đã chỉ rõ:
"Thật ra tội của ông Tất Thành Cang rõ ràng nhất là vụ "ăn" đất Nhà Bè. Cụ thể, Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang, phải chịu trách nhiệm việc chấp thuận chủ trương cho công ty TNHH MTV đầu tư Tân Thuận (vốn 100% thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM), chuyển nhượng, và chấp thuận chủ trương bán chỉ định cho khu đất rộng hơn 30 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè với giá 1,29 triệu đồng/m2 cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai của Cường đô la. Việc làm này của ông Tất Thành Cang đã gây thiệt hại lớn cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Khi vấn đề đất đai Thủ Thiêm nóng lên, để "rút củi đáy nồi", người ta đã tìm ra thêm tội của Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang, thời còn giữ chức Giám đốc Sở GTVT TP. HCM, là người đã ký hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) với Công ty Đại Quang Minh để xây dựng 4 tuyến đường trong Khu Đô thị mới Thủ thiêm với giá siêu cắt cổ, vào khoảng 1.000 tỷ/km. Tất nhiên, là người có hiểu biết thì ai cũng dễ dàng hiểu rằng, tại thời điểm năm 2013 Giám đốc Sở GTVT TP. HCM Tất Thành Cang có ăn gan Trời cũng không dám tự ý ký hợp đồng đó. Mà bắt buộc phải được sự thống nhất của lãnh đạo Thành ủy và Thành phố HCM, mà người đứng đầu giai đoạn đó là nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM Lê Thanh Hải. Mà sau lưng Lê Thanh Hải từ trước đến nay không ai khác là cựu Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.
Có nghĩa là, Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang sẽ và đã bị biến thành con dê tế thần, để chạy tội cho Nhóm lợi ích tại Sài Gòn mà con sâu chúa không phải là nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM Lê Thanh Hải như đồn đoán bấy lâu nay. Mà con Sâu Chúa lâu nay vẫn ẩn mình chính là ông Trương Tấn Sang."
Nghĩa là người trong cuộc ai cũng hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM Tất Thành Cang miễn cưỡng phải chịu tội thay cho các đàn anh như Lê Thanh Hải, Trương Tấn Sang... Nói đúng hơn là đã có một sự thỏa hiệp giữ người đốt lò và phe nhóm lợi ích Sài Gòn. Với tỷ lệ vỏn vẹn 64% đồng thuận biểu quyết, thì ông Tất Thành Cang sẽ có số phận khác với Đinh La Thăng và gần giống như ông Nguyễn Xuân Anh là điều rất có thể.
Quan trọng hơn, công cuộc đốt lò của Tổng Bí Chủ Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện các dấu hiệu không thuận, thậm chí là đáp trả từ Nhóm lợi ích Sài Gòn, như trường hợp phản ứng của Chủ tịch TP. HCM Nguyễn Thành Phong. Điều đó cũng cho thấy, Ban Chấp Trung ương có đến 36% đã không còn hào hứng với chiến dịch "cầm dao tự chặt chân mình" do Tổng Bí thư khởi xướng. Theo hay ủng hộ Tổng Bí Thư chống tham nhũng, thì khác nào mình tự chống mình, để rồi không phải đầu cũng phải tai.
Mối quan hệ Nguyễn Phú Trọng - VinGroup (Vượng Vin) - Vạn Thịnh Phát (Trương Mỹ Lan) - Lê Thanh Hải, trong đó mối quan hệ Vạn Thịnh Phát (Trương Mỹ Lan) - Lê Thanh Hải mang yếu tố Trung Quốc rất lớn. Nó không chỉ là chịu sự chi phối người Hoa Chợ Lớn, mà còn cả sự điều hành từ Trung Hoa lục địa chi phối. Chưa kể đến các tập đoàn kinh tế vừa kể đều sử dụng nguồn vốn của Trung Quốc. Sờ vào Nhóm lợi ích Sài Gòn là sờ vào quyền lợi của Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuổi gì mà dám động chạm vào mối quan hệ như thế?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong tại hội nghịTrung ương Đảng lần 9/khóa XII
Tấm hình mới nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội Nghị Trung ương 9 đã cho thấy, ông Trọng bắt đầu hơi tàn, lực kiệt. Biết đâu, Hội Nghị Trung ương 9 là hội nghị bản lề để chuyển từ tình trạng Cá ăn Kiến sang Kiến ăn Cá? Bắc Kinh mà thôi ủng hộ Tổng Bí thư thì rất có thể lắm.

26 tháng 12, 2018

Nếu "cụ Cả" giáo điều: trí thức sẽ im lặng hay lên tiếng?

HOA NGHI
Sức nóng của chiến dịch đốt lò, một chiến dịch chưa từng có tiền lệ trong hệ thống chính trị Việt Nam, đụng chạm trực tiếp về mặt nhân sự cấp tướng thuộc Bộ Công an, và đưa Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư thành uỷ Tp. HCM đang đương chức ra toà với án tù lên tới hơn 30 năm khiến dư luận choáng ngợp.
Nhiều danh xưng dành cho người đứng đầu chiến dịch là ông TBT Nguyễn Phú Trọng như: kẻ sĩ Bắc Hà, sĩ phu, người Cộng sản cuối cùng...
Những danh xưng hoa mỹ và có phần tôn quý này là thể hiện 1 thái độ ngưỡng vọng với người đốt lò, người bảo vệ các giá trị trong đảng và nuôi ý chí đưa ĐCSVN vực dậy.
Nhưng cuộc chiến đốt lò cũng tạo ra những mối liên kết đáng ngờ, dù có yếu tố thanh lọc được bộ máy và gạt bỏ các thành phần tham nhũng trong ĐCSVN, nhưng những chỉ dấu của các yếu tố, nhân tố liên quan đến chiến dịch đều hướng tới ông Nguyễn Tấn Dũng - cựu Thủ tướng và là người khiến ông Trọng bật khóc trong một ngày mà thế và lực của Chính phủ lấn át lãnh đạo ĐCSVN.
TBT - CTN Nguyễn Phú Trọng phát biểu hôm 24.11 khi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội.
Trong một bài viết được đăng tải trên The Diplomat nhằm chỉ ra sự khác biệt giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình, theo đó, mặc dù có hơi hướng giống nhau nhưng mục tiêu của ông Tập khác hẳn ông Trọng. Sự khác nhau đó thể hiện qua việc ông Bình tập trung phát triển quốc gia để làm gia tăng sự lãnh đạo của ĐCSTQ, trong khi ông Trọng chủ trương đi từ tập trung vun vén quyền lực trong Đảng và gia tăng sự cầm quyền của Đảng trong các vấm đề nhà nước.
Sự hợp nhất hai chức danh được coi là tạm thời, nhưng đồng thời nó cũng báo hiệu sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng trong nhà nước, như Điều 4 Hiến pháp quy định. Vấn đề là nó đi ngược với tinh thần cởi bỏ bớt bàn tay của Đảng trong các vấn đề thuộc quản trị quốc gia (đồng nghĩa gia tăng chính phủ kỹ trị). Sự gia tăng quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng được cho là làm hài lòng một số người, ít nhất là hệ quả về mặt kinh tế do ông Nguyễn Tấn Dũng để lại đã làm gia tăng số phiếu ủng hộ ông Trọng, và xuất hiện kỳ vọng ông Trọng sẽ có những bước đi tương xứng trong xác lập quyền quản trị quốc gia trên tinh thần luật lệ, cân bằng hoá giữa quyền lãnh đạo của ĐCS với sự đổi mới trong Đảng và tổng thể quốc gia để vực dậy nền kinh tế đất nước, như cách ông "quyết liệt đốt lò" trong thời gian qua. Nhiều văn sĩ kỳ vọng ông Trọng sẽ mở hướng đi quốc gia, một Gorbachev thời hiện đại. Họ gọi ông Trọng là "cụ Cả" đầy tính kính trọng, nhưng lại quên rằng, ông Trọng là một giáo sư xây dựng đảng và có thâm niên trong một tờ báo cực kỳ giáo điều mang tên Tạp chí Cộng Sản.
Khi ông Trọng tuyên bố rằng, Luật an ninh mạng ra đời nhằm bảo vệ chế độ, nhiều người từng bày tỏ niềm tin với ông bị sốc, nhưng họ vẫn bám víu vào sự thay đổi lớn nào đó khi ông Trọng nhậm chức Chủ tịch nước. Thế nhưng, trong vai trò Chủ tịch nước, một quyết định kỷ luật GS Chu Hảo ra đời, thậm chí, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam đã phê phán GS Chu Hảo (một người cổ vũ nhiệt thành cho đời sống dân quyền quốc gia) với một thái độ hết sức "nghiêm khắc".
"Về cơ bản là rất tốt rồi nhưng không phải không có những người cậy mình có chút công lao để sinh ra kiêu ngạo, muốn nói gì thì nói, phán gì thì phán, nói trái Điều lệ, nói trái Cương lĩnh."
Rõ ràng, đứng trên cương vị là Tổng Bí thư, ông Trọng đã đúng khi phê phán GS Chu Hảo là "tự diễn biến, tự chuyển hóa", và nhấn mạnh đảng viên phải tuân theo điều lệ, cương lĩnh của Đảng. Tuy nhiên, khi phê phán trên tinh thần hà khắc như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng đồng thời cũng xác nhận tình trạng giáo điều trong Đảng, tính thiếu đối diện liên quan đến sự hủ hóa và trì trệ trong đảng - tất cả khiến yếu tố hạn chế phê phán, phô bày những vấn đề trong Đảng ra ngoài (mà ông Trọng sử dụng cụm từ hết sức tiêu cực là "tuyên truyền").
Với ông Trọng, sự tuân thủ cao hơn phản biện, bởi tuân thủ với ông là làm nên tính quyền lực áp đặt của Đảng, ông không hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng, cái quan điểm áp đặt từ trên xuống là nguyên nhân đẩy các ĐCS ở Đông Âu và Liên Xô đi đến tan rã, là yếu tố làm nên sự quan liêu của chính ĐCS. Và khi mà tình trạng ngứa ghẻ trong Đảng đã đến thời kỳ lở loét, thay vì tìm cách công khai chữa trị, ông tìm cách bịt kín để vọng tưởng rằng, Đảng của ông vẫn đang khoẻ mạnh, nhưng không biết rằng, Đảng ông đang ngày càng nhiễm trùng nặng.
Nhưng tại sao ông Nguyễn Phú Trọng và những đồng chí của ông phải làm như vậy, chỉ có một câu giải thích duy nhất "e ngại bóng hình Gorbachev". Gorbachev, người đã tìm cách cải tổ kinh tế để tránh khủng hoảng thông qua nhiều biện pháp, trong đó có cả gạt bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô khỏi vai trò lãnh đạo đời sống kinh tế của đất nước.
Ông Nguyễn Phú Trọng chống lại tư duy dân chủ phương Tây trong Đảng, thậm chí bất kỳ những yếu tố cải tổ nào trong Đảng có thể làm suy giảm sự lãnh đạo của ĐCSVN đều sẽ bị ông gạt bỏ. Đó là vì sao ông tuyên bố thẳng thừng, "suy thoái mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế". Hiểu ngược, phải giữ được ổn định chính trị bất chấp suy thoái hay khủng hoảng kinh tế.
Rõ ràng, quan điểm nêu trên về "suy thoái" của ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước phản ánh một ích kỷ đối với quốc gia này. Venezuela đang hiện diện tại Việt Nam, nơi mà tiền mất giá, dân bỏ trốn khỏi quốc gia, mùa Giáng sinh có thể đối diện với giá lạnh vì nhà máy lọc dầu quốc gia Petroleos de Venezuela SA đang hoạt động cầm chừng; giấy vệ sinh đắt đỏ,... Còn Tổng thống Nicolás Maduro và đội ngũ quan chức vẫn sống xa hoa, những người cố thủ giữ ổn định chính trị bằng lực lượng vũ trang.
Trở lại với Việt Nam, các nhà trí thức sẽ phải làm gì trong bối cảnh này, im lặng hay sẽ lên tiếng về "cụ Cả"?

Tổng kiểm tra việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trên cả nước

Tác giả: Luân Dũng
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh khi báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.
KD: Mới nghe có vẻ hay ho. Nhưng sợ nhất là kết quả giống hệt nhau: “Đúng quy trình”. Cứ nghe khái niệm “đúng quy trình” là mình … nhăn mặt! Vì nó như cười giễu cái sự nghi ngờ, đầy tổn thương của người dân.
————
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái
Xác minh tài sản, phát hiện 6 trường hợp vi phạm
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện minh bạch tài sản thu nhập được thực hiện nghiêm túc. Số người đã kê khai tài sản, thu nhập hơn 1,1 triệu người, đạt tỷ lệ 99,8%. Trong đó có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái.
“Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ. Một số trường hợp được xác minh do trong quá trình công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực, hoặc do phản ánh của dư luận, của nhân dân và báo chí”, ông Khái cho hay. Qua xác minh, cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Cụ thể, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP. Hồ Chí Minh; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; và đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại TP Hà Nội.
Liên quan đến việc tặng quà và nộp lại quà tặng, Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2018, đã có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 451,5 triệu đồng. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.
“Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tăng theo từng năm đã có tác dụng răn đe, từ đó có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN tại đơn vị mình phụ trách”, ông Khái cho hay.
Việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn nằm trong “điểm ngắm” của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Anh Tuấn
Kiên quyết loại bỏ cán bộ hư hỏng, tham nhũng
Theo Chính phủ, trong năm 2018, việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra đã được quan tâm thực hiện sớm, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó có những cuộc thanh tra, kiểm tra phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Cuộc thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG); việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và một số đơn vị thành viên; việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; việc thực hiện quy hoạch, thu hồi đất khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Theo ông Khái, qua thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật và thu hồi tài sản sau thanh tra đạt tỷ lệ cao. Điển hình có vụ việc kiến nghị thu hồi được tài sản giá trị rất lớn như cuộc thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã kiến nghị thu hồi hơn 8.500 tỷ đồng.
Chính phủ dự báo năm 2019, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp sẽ tiếp tục là vấn đề phức tạp cần phải tập trung giải quyết. Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra cần được tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa, quản lý doanh nghiệp nhà nước…
Nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra trong năm tới là tập trung xử lý, ngăn chặn “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy. Đồng thời tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.
Nhiệm vụ quan trọng khác, theo Chính phủ, phải tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm những biểu hiện “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau”… Đồng thời khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. 
Chính phủ dự báo năm 2019, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp sẽ tiếp tục là vấn đề phức tạp cần phải tập trung giải quyết. Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra cần được tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa, quản lý doanh nghiệp nhà nước…
Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; có biện pháp khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; thống kê, theo dõi chặt chẽ kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.
————

Trang