8 tháng 9, 2019

Vụ MobiFone-AVG: Ăn cắp của công song hành với tàn phá đạo đức xã hội

Lê Học Lãnh Vân

Hai cựu bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son (trái), Trương Minh Tuấn, hai con sâu bự tham nhũng - Ảnh: Internet
Kẻ phạm tội đứng trên bục cao, giảng về đạo đức. Lại in sách dạy về đạo đức nữa! Và không chỉ có một hai trường hợp như vậy.
Hai vị cựu bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (TT-TT) đã “ăn” bao nhiêu tiền trong phi vụ AVG - MobiFone? Nhiều người không tin các ông chỉ ăn ở mức vài tỉ hay vài chục tỉ đồng vì con số đó quá nhỏ! Điều chắc chắn là các ông đã nhận hối lộ, đã tham nhũng. Và ăn khủng!
Việc “ăn” này là ăn hối lộ hay tham nhũng? Nhìn từ góc độ đút lót bên ngoài thì là ăn hối lộ. Nhưng tiền lại từ công quỹ, và các ông có quyền gật hay không gật đầu thông qua thương vụ, cho nên nền tảng của sự việc là tham nhũng. Các bài viết trên mạng xã hội nói việc bị lôi ra thật là đẹp mặt cho các ông, các ông còn mặt mũi nhìn ai! Tôi không nghĩ vậy, còn mấy ai không biết các ông có ăn, và ăn dày nữa kia, từ khi sự việc chưa bị khui ra? Hơn nữa, biết bao kẻ “cùng một giuộc” với các ông chắc cũng nhồm nhoàm ăn bẩn như thế! Trong môi trường đó, liệu còn mấy người biết xấu hổ? Tôi đồ rằng cũng có thể các ông bị “quê” một chút, quê vì mình vụng, dở, để bị lộ, chứ chẳng phải quê vì sự “suy thoái đạo đức”.
Tôi chẳng hề hể hả khi thấy các ông bị “đưa vào lò”. Dù ở một quốc gia khác, số tiền các ông ăn là rất “khủng”, nhưng ở Việt Nam tôi nghĩ còn những người hơn các ông trong việc “ăn chẳng từ thứ gì”. Vả lại, chưa chắc việc xử phạt các ông được tiến hành nghiêm minh, cho dù nhiều vị lãnh đạo cấp cao luôn khẳng định "không có vùng cấm", các quan xử án luôn miệng nói xử "đúng người đúng tội”. Nói thiệt, đôi khi tôi cũng thấy tội nghiệp cho dù tội các ông rất lớn. Tội nghiệp vì các ông làm việc trong cái hệ thống mà nếu không gọi là “khuyến khích” tham nhũng, ăn hối lộ, thì cũng là “nhắm mắt” hay có rất nhiều lỗ hổng cho thành viên của bộ máy làm điều đó. Dân chúng biết hết, chỉ nhìn quan nhỏ cấp xã, huyện mà đã có biệt phủ dọc ngang trong khi lương bổng hằng năm thực sự của mỗi người chưa đủ xây cái cổng. Ở xứ văn minh và thượng tôn pháp luật, vẫn có kẻ tham nhũng, nhưng cách tổ chức xã hội và bộ máy của họ khiến kẻ tham cũng phải trở thành người tuân thủ luật pháp, có ích, thay vì tàn phá xã hội.
Hể hả làm gì khi chỉ một vài trường hợp như các ông bị lôi ra “cho vào lò”. Người dân cho rằng con số trường hợp như các ông lớn lắm, rất nhiều! Tôi không hể hả gì hết, chỉ mong cái môi trường làm việc đẻ ra tham nhũng, ăn hối lộ đó bị “triệt sản”, để số người tham nhũng ít đi, để dân tộc này được vui vầy, hợp sức, chịu thương chịu khó cùng nhau lo việc chung là phát triển và bảo vệ Tổ quốc… Được vậy thì, với riêng tôi, từ góc độ cá nhân, tôi chẳng cần các ông bị xử tử hay bị bỏ tù. Miễn là các ông còn lương tâm và thực lòng nhả ra số tiền đã "ăn" để xây dựng lại đất nước!
Công cụ rất hiệu quả góp phần làm triệt tiêu bộ máy sinh sản tham nhũng là tai mắt dân chúng. Công cụ đó bị khóa thì biểu sao bộ phận sinh sản không đẻ ra hàng loạt đám con rành nghề tham nhũng, ăn hối lộ. Phải chăng vì biết điều đó nên hai ông bộ trưởng TT-TT (nay là cựu) mới rất tích cực và triệt để núp sau những tấm khiên lòe loẹt cấm đoán quyền ngôn luận và biểu thị ý kiến của dân chúng. Thực chất là để khóa cái công cụ chống tham nhũng rất hiệu quả, khiến dân chúng có mắt như mù, có tai như điếc, để các ông yên thân mà tham nhũng. Không có công cụ tai mắt dân chúng, tốc độ đút tham nhũng vô lò chỉ là phần nhỏ so với tốc độ sản sinh tham nhũng.
Lại còn công cụ quan trọng nữa là hoạt động điều tra và xét xử độc lập. Độ độc lập của các hoạt động đó tỷ lệ nghịch với mức độ tham nhũng trong hệ thống công quyền. Việc đó ai chẳng biết, cả về lý luận lẫn thực tiễn rành rành. Xã hội thiếu vắng công cụ đó, biểu sao tham nhũng chẳng hoành hành, xác suất để kẻ có quyền là tham nhũng chẳng rất cao.
Tham nhũng, bản thân sự việc đã là một tội ác, một trọng tội ăn cắp, song hành với trọng tội tàn phá đạo đức quốc gia!
Kẻ phạm tội đứng trên bục cao, giảng về đạo đức. Lại in sách dạy về đạo đức nữa! Và không chỉ có một hai trường hợp như vậy. Hãy về địa phương mà xem các vị chức sắc của tỉnh, của huyện trong tay sở hữu đất vàng, và miệng luôn giảng cho dân lương thiện nghe về cần kiệm liêm chính. Vậy ai còn tin ai? Dân chúng còn tin vào kẻ quyền cao chức trọng không? Giới tinh hoa thật sự của Tổ quốc đâu rồi? Tính liêm chính còn không? Tính trung thực còn không?... Các giá trị cao quý nhất của xã hội đã bị tàn phá, đâu là sợi dây liên kết các thành phần trong xã hội, trong quốc gia? Sợi dây liên kết bị đứt thì trăm triệu dân cũng chỉ là tổ hợp trăm triệu cá nhân đơn lẻ, mạnh ai nấy sống, chen lấn, giành giật, cướp đoạt, triệt hạ nhau bất chấp đạo lý xã hội! Entropy (năng lượng tự do) của xã hội cực lớn, và do đó cộng lực của xã hội cực nhỏ! Còn đâu là mục tiêu chung cho xã hội, cho quốc gia? Sợi dây liên kết bị đứt, trách sao người dân không đua nhau tìm cách định cư nước ngoài, đem tiền của và tri thức bỏ Tổ quốc ra nước ngoài sinh sống.
Quốc gia nghèo kiệt vì tham nhũng. Quốc gia yếu ớt vì tham nhũng. Và có chăng có mối liên hệ giữa “bộ máy sinh sản” ra tham nhũng với hoàn cảnh đất nước bị suy yếu, lãnh thổ bị xâm phạm?
Lúc này, còn quyền lợi nào cao hơn quyền lợi dân tộc? Còn vận mệnh nào cao hơn vận mệnh Tổ quốc? Lo cho quyền lợi dân tộc, lo cho vận mệnh đất nước, phải huy động tài sức toàn dân, phải thực sự xem dân là chủ đất nước. Không còn cách nào khác. Nghĩa là, cùng với đấu tranh chống tham nhũng, phải thực lòng xây nền dân chủ bền vững.

VN: ‘Tham nhũng cấp cao gây khủng hoảng niềm tin’

Tác giả: BBC Tiếng Việt
KD: Ls Trần Quốc Thuận, một cựu quan chức Quốc hội đã phải thú nhận thực trạng đó. Thực ra sự khủng hoảng niềm tin có từ lâu không phải bi giờ. Tham nhũng cấp cao đã nhạo báng cả nền pháp luật XH, làm tổn thương sâu sắc thêm niềm tin vốn quá mong manh. Đó là tội lỗi “kép”
—————— 
Luật sư Trần Quốc Thuận bình luận các vụ án AVG, Vũ Nhôm và công cuộc ‘đốt lò’ ở Việt Nam
Tham nhũng, phạm pháp nghiêm trọng đã lên tới hàng ngũ cao cấp ở Việt Nam và đây là một mức độ chưa từng thấy đáng báo động, một cựu lãnh đạo Văn phòng Quốc hội (VPQH) nói với BBC News Tiếng Việt.
Dấu hiệu tham nhũng cấp cao và hiện tượng nói một đằng làm một nẻo trong quan chức cấp cao của đảng và chính quyền gây ra một sự “khủng hoảng niềm tin” rất lớn không chỉ trong đảng mà còn trong toàn dân, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH nói với BBC hôm 05/9/2019.
Nó cũng là biểu hiện của một số ông nào lớn mà nói một đằng, làm một nẻo… dấu hiệu đó tạo nên một sự phải nói là khủng hoảng niềm tin rất lớn không chỉ trong đảng mà còn trong toàn dânLuật sư Trần Quốc Thuận
“Những vụ án gần đây đặc biệt nổi lên vụ án Mobiphone mua AVG, đây đúng là một vụ đại án lớn nhất, từ trước đến giờ chưa có xảy ra như vậy.
“Nếu trước đây vụ Vinashin, Vinalines, vụ dầu khí, vụ Đinh La Thăng, [những người phạm tội] tuy chức vụ thì to, nhưng khi phạm tội ở cương vị nhỏ cỡ cấp vụ.
“Còn đây là người trực tiếp là bộ trưởng ở trung ương phạm tội, thì có lẽ là lần đầu tiên. Điều này cho thấy dấu hiệu suy thoái lên ở tầm cao, là một dấu hiệu báo động rất lớn, và người ta đang nghĩ tới cần những biện pháp gì mạnh mẽ hơn nữa, kiểm soát hơn nữa.
“Trong khi đang học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, rồi làm gương, thì hóa ra là những ông đứng ra làm gương thì những ông đó lại phạm trọng tội. Và đặc biệt đối với những ông như ông Trương Minh Tuấn, là ông đã viết ra một tác phẩm chống suy thoái, chống diễn biến, thì chính ông là người suy thoái, diễn biến lớn nhất.
“Điều này cũng cho thấy nó cũng là biểu hiện của một số ông lớn mà nói một đằng, làm một nẻo. Dấu hiệu đó tạo nên sự khủng hoảng niềm tin rất lớn, không chỉ trong đảng mà còn trong toàn dân.”
Công luận đặt câu hỏi gì?Bản quyền hình ảnhBỘ CÔNG AN VNImage captionHai cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông, các ông Nguyễn Bắc Son (trái) và Trương Minh Tuấn (phải) nhận hơn 3 triệu đô từ ông Phạm Nhật Vũ, theo truyền thông Việt Nam
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, vụ án này đã được biết đến từ lâu trong nội bộ Việt Nam, nhưng tốc độ xử lý và cùng một số vấn đề khác trong quá trình điều tra, xử lý, trong đó có chính sách với các đối tượng điều tra, đã và đang được công luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Ông nói:
“Vụ án này tôi biết là trong nội bộ loan truyền với nhau từ rất lâu rồi. Nhưng theo quy định của luật tổ chức thanh tra, (trước đây thanh tra gọi là Thanh tra Nhà nước, nhưng từ năm 2005 thì gọi là Thanh tra Chính phủ. như vậy vai trò của thanh tra coi như cũng chỉ là một đơn vị cấp Bộ ở trong Chính phủ,) nhất nhất mọi hoạt động của Tổng thanh tra Chính phủ phải nghe lệnh của ông thủ tướng cầm đầu thì mới có thể làm được. Cho nên việc đó bị ảnh hưởng và kéo dài…
Lúc đầu người ta hăm, người ta bảo là nếu nhà nước không mua AVG, thì AVG sẽ bán cho Trung Quốc, mà bán cho Trung Quốc thì vấn đề an ninh, quốc phòng, ngoại giao phức tạp, cho nên ‘giá nào’ cũng mua, hay đó là tin giả?Luật sư Trần Quốc Thuận
“Việc thay Tổng Thanh tra Chính phủ là ông Phan Văn Sáu bằng anh Lê Minh Khái là một Tổng thanh tra trẻ, thì từ khi anh Lê Minh Khái lên, vụ án này mới vỡ ra.
“Và cơ quan này chuyển hồ sơ sang cho các cơ quan điều tra thì mới làm vụ án thành một vụ án được điều tra mà chúng ta biết kết quả rồi và dẫn đến là bắt cả những người là đương là Bộ trưởng, đó là một chuyện chưa từng có. Ông Trương Minh Tuấn khi về làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo thì hàm chức đó cũng là Bộ trưởng.
“Trong quá trình điều tra, người ta thấy có nhiều vấn đề.
“Có những dấu hiệu như tại sao vụ Mobiphone mua AVG lại là “đóng dấu mật”, rồi lại có nguồn tin hình như trên mạng công khai “người ta hạn chế nói”, hay là không biết có lệnh cấm gì không?
“Lúc đầu người ta hăm, người ta bảo là nếu nhà nước không mua AVG, thì AVG sẽ bán cho Trung Quốc, mà bán cho Trung Quốc thì vấn đề an ninh, quốc phòng, ngoại giao phức tạp, cho nên ‘giá nào’ cũng mua, hay đó là tin giả? Rồi tin giả lại ‘ẩn’ dưới tài liệu gọi là ‘mật’, nhưng bây giờ người ta ‘khui ra’ thì đâu phải ‘mật’?
“Bởi vì chúng ta biết rằng vấn đề mật hay không mật có quy định rất chặt chẽ về pháp luật về danh mục nào mật, danh mục nào không mật. Mà danh mục nào mật phải có trong Nghị định của Chính phủ, tùy từng bộ có danh mục, mà nếu vào danh mục đó thì mới gọi là ‘mật’, ‘tối mật’, hay ‘tuyệt mật’, chứ không phải là muốn ‘mật’ thì đóng dấu ‘mật’. Cho nên riêng tài liệu mà Mobiphone mua AVG mà đóng dấu ‘mật’ cũng là một dấu hiệu khác không bình thường.”
“Hư hỏng cán bộ chứng tỏ điều gì?”Bản quyền hình ảnhBỘ CÔNG AN VNImage captionBị cáo buộc đưa hối lộ quan chức 6,2 triệu đôla nhưng ông Phạm Nhật Vũ (em trai của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng) đang được cơ quan điều tra đề nghị “tình tiết giảm nhẹ” như một chính sách hình sự mới mang tính ‘biệt lệ’
Theo cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, điều không bình thường mà công luận đặt dấu hỏi còn nằm ở mức giá cả giao dịch mua bán giữa các bên trong vụ án.
Ông nói:
“Cái mà người ta nói là không bình thường lớn nhất là người ta phóng cái giá lớn lên như thế. Phóng giá lên một số tiền là 6.600 tỷ VNĐ mà tiền lại quả, hối lộ chỉ là 140 tỷ VNĐ, thì số tiền hối lộ đó rất nhỏ.
“Cho nên người ta yêu cầu phải điều tra tới nơi về việc số tiền nói vống lên, khoảng 2.000 tỷ VNĐ, đẩy giá lên đến gần 9.000 tỷ VNĐ, số tiền chênh lệch đó được chia cho ai, vào tay ai? Người ta vẫn cảm giác rằng vụ án này chưa làm tới nơi, tới chốn.”
Tàn dư gì bây giờ là gần 45 năm rồi? Những người này là do chế độ này đào tạo, mà bây giờ hư cỡ đó thì điều đó chứng tỏ là có vấn đề.Luật sư Trần Quốc Thuận
Một vụ án nữa, cũng trong số nhiều vụ đại án đang được công luận Việt Nam quan tâm, đó là vụ án doanh nhân Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm).
Theo dõi vụ việc này đến nay, Luật sư Trần Quốc Thuận nhận xét:
“Vụ đó cũng cho thấy rằng phẩm chất của những người lãnh đạo trong bộ máy nhà nước là có vấn đề, có những lỗ hổng nghiêm trọng, suy thoái nghiêm trọng, liên quan đến tướng lãnh, liên quan đến lãnh đạo, hàm thứ trưởng, bộ trưởng…
“Điều đó cho thấy rằng một lớp người đáng kể là hư hỏng. Người ta bảo trước kia sau năm 1975, thường người ta nói là những người mà hư hỏng thì đây là tàn dư của chế độ cũ, nhưng mà tàn dư gì bây giờ là gần 45 năm rồi? Những người này là do chế độ này đào tạo, mà bây giờ hư cỡ đó thì điều đó chứng tỏ là có vấn đề.
“Cho nên vấn đề là cần chọn lựa, đào tạo, xây dựng một đội ngũ cán bộ như thế nào, phải có một sự cạnh tranh như thế nào, có một cơ chế, thể chế như thế nào, để loại bỏ những thành phần như thế không ngoi lên những vị trí cấp cao lãnh đạo của đảng và nhà nước của chúng ta (Việt Nam) hiện nay.”
Mời quý vị bấm vào đường link sau đây để theo dõi Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt, trong đó có đăng trích đoạn ý kiến của Luật sư Trần Quốc Thuận tại Hội luận về các đại án và chống tham nhũng ở Việt Nam được phát trực tuyến trên FB của chúng tôi hôm 05/9/2019.

Trang