27 tháng 2, 2017

Quanh chuyện 700 tỷ bà Thoa

Trương Duy Nhất
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Tôi không nói việc truy tra nguồn gốc số tài sản 700 tỷ của bà Thoa (Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương) là sai. Nhưng nó thiếu công bằng, và nặng mùi đấu tố.
Báo chí, bắt đầu lôi cả hình ảnh con gái bà Thoa ra bêu.
Công khai tài sản quan chức là đúng. Nhưng quan hàng Thứ trưởng hoặc cao hơn, xuất thân từ các “đại doanh” nhà nước, đâu một Hồ Thị Kim Thoa? Không quen bà Thoa, nhưng tôi quen biết nhiều "quan đại gia" mà số tài sản 700 tỷ chỉ là muỗi.
Điều này, tôi tin nhiều người thấy.
Trong số ấy, có kẻ bất tài dốt nát lót tiền mua chức. Nhưng cũng không phải là không có những người giỏi thật sự. Họ là những doanh gia giỏi, thành danh và giàu có trước khi vào chốn Ba Đình. Sự giàu có của họ, đáng phải được tôn vinh.
Nghi ngờ, truy tra nguồn gốc tài sản của những doanh gia như thế. Trong khi lại không đặt dấu hỏi nào về tài sản của những quan chức vốn chỉ xuất thân từ một "thằng gánh củi", "gã hoạn lợn", hay một ... thằng y tá, hoặc loại quan từ đôi dép lết ngoắt cái nhà dát vàng nạm ngọc.
Quan loại đó đâu phải ít? Thậm chí nhiều người vẫn đương quyền, lại còn trong diện "quy hoạch".
Ngay cả trường hợp cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gia đình. Tại sao không bị truy tra như bà Thoa? Nguồn gốc từ đâu, với khối tài sản, đất đai được cho là khủng khiếp của con cháu, anh em trong gia đình ông Dũng?
Tôi không bênh bà Thoa. Nhưng quan chức hàng bà, 700 tỷ là muỗi. Thiên hạ từng đồn đoán tài sản của gia đình, con cháu, dòng tộc "đồng chí X" nọ còn lớn hơn ngân khố quốc gia.
Nếu truy bà Thoa, thì nhân chuyện bà Thoa, làm tới đi. Đừng chừa một ai, đừng tha thằng X nào!
Đừng để người dân nhìn vào bảo: Mấy ông giành miếng với nhau. Chúng nó đánh trừ nhau, chứ vì dân vì nước chi!

CỐ LÊN, ĐỪNG DỪNG LẠI ANH ĐOÀN NGỌC HẢI


Huỳnh Ngọc Chênh
Đúng cách Nam Bộ, sẵn sàng lột áo ra chơi. Đó là Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch Quận 1 Sài Gòn. 
Anh tuyên bố không dẹp sạch vỉa hè để trả lại cho người đi bộ anh từ chức, và anh đang ra tay làm quyết liệt, không vị nể bất kỳ ai. Từ xe biển số xanh 80 của ông lớn, đến xe chủ tịch quận bạn, đến trụ sở khu phố... anh đều có mặt trực tiếp, chỉ huy dẹp sạch.


Anh có thể không cần làm gì, cứ ngoan ngoãn nương theo tập thể mà lên chức như bao nhiêu quan chức cộng sản bất tài vô dụng khác. Nhưng anh vẫn làm, vẫn xông ra lề đường dẹp bỏ lấn chiếm để phục hồi bộ mặt của thành phố, để trả lại vỉa hè cho người đi bộ, có thể nhờ thế mà đường xá thông thoáng giảm bớt ùn tắc giao thông. Chuyện như thế không có gì lớn, nhưng mấy chục năm nay không ai dám đứng ra làm. Hà Nội thì xem như hoàn toàn bất lực.
Anh làm như vậy, chắc chắn sẽ gây ra nhiều thù oán, bọn cơ hội đồng chí của anh đang ngồi rình rập hoặc đang phá bỉnh để anh không làm được hoặc chờ anh sơ sẩy là nhảy vào đạp đổ anh xuống để giành ghế cho chính chúng nó hay cho con cháu, em út chúng nó.
Cái thế của anh là phải làm tới nơi. Nếu có bị gì phải mất chức thì anh vẫn để lại tiếng thơm. Như vậy anh hơn hẳn bao nhiêu thằng quan chức khác dù có làm lên thủ tướng, chủ tịch nước, tổng bí thư...nhưng chỉ để tiếng xấu lại cho đời vì chẳng làm được gì mà còn hại thêm đất nước.
Trước đây tôi có viết bài hoan hô việc anh làm, nhưng cũng chỉ trích việc anh mang đồng hồ xịn. Chuyện đó cũng chỉ là chuyện nhỏ nếu anh làm được việc. Anh dẹp được lấn chiếm vỉa hè, lấy lại sự thông thoáng cho người đi bộ một cách bền vững thì anh đeo bao nhiêu chiếc đồng hồ xịn, tôi tin rằng mọi người vẫn ủng hộ anh, Người dân không hề keo kiệt với quan chức làm được cho dân. Họ chỉ mắng nhiếc khinh bỉ những thứ quan chức không làm được chi hết mà ăn hối lộ để xài sang hoặc chỉ biết chém gió bậy bạ mà không làm việc chi ra trò.


Ví như ông nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hô bầy sâu nầy, bầy sâu khác cần diệt nhưng cả một nhiệm kỳ chủ tịch nước chưa diệt được con sâu nào.
Rồi ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lúc nào cũng luôn mồm chống tham nhũng, nhưng qua gần 1 nhiệm kỳ rưỡi rồi cũng chỉ loay hoay với vài con ruồi nhép. Tham nhũng gộc ở khắp mọi nơi, ông chẳng dám đụng đến 1 ai. Formosa do đút lót mà được vào nhanh chóng và ngang nhiên gây ra thảm họa tày đình nhưng đến nay ông chỉ mới khiển trách được 1 vài quan về hưu... Dưới thời ông, bây giờ lại phát triển lên tham nhũng tập thể, cả thành ủy, tỉnh ủy công khai nhận qùa biếu đắt tiền cứ xem như chuyện bình thường. Rồi cán bộ tỉnh cấp cao do ăn chia mâu thuẫn bắn giết nhau không thua gì xã hội đen...
Ba voi của các ông vua không bằng một bát nước xáo nho nhỏ của anh Đoàn Ngọc Hải. Cố lên anh. Đừng bỏ cuộc nửa chừng, nếu vậy anh cũng thành như mấy lão đó.

DẸP VỈA HÈ VÀ CHỐNG THAM NHŨNG

Huỳnh Ngọc Chênh

Tôi sống với Sài Gòn từ những năm đầu quay lại với cơ chế thị trường nên đã sống chung với nạn lấn chiếm vỉa hè cũng như với các chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường qua mấy chục năm.
Ban đầu vỉa hè chỉ là nơi kiếm sống tạm bợ của người dân nghèo không nghề nghiệp và không vốn liếng, nhưng dần về sau là chỗ làm giàu béo bở của các băng nhóm du đảng bảo kê và quan trọng là các băng nhóm ‘lợi ích nhỏ’ cấp phường, cấp quận, cấp thành, lên đến cấp trung ương ăn bẩn. Hồi nổ ra vụ án 5 Cam chẳng đã lộ ra chuyện nhà thầu bãi giữ xe các nhà hàng của 5 Cam ở quận một là người nhà của ông tướng thứ trưởng bộ công an đấy sao.
Băng nhóm lợi ích lớn thì nhắm vào các dự án ngàn tỷ, còn các băng nhóm lợi ích nhỏ thì nhắm vào lấn chiếm và khai thác vỉa hè. Vì thế, có một cán bộ đảng cấp cao đã buộc miệng thốt ra “chúng ăn không chừa một thứ gì” là vậy.
Qua quan sát và theo dõi để viết báo bao nhiêu chiến dịch ra quân chống lấn chiếm vỉa hè ở TP HCM, tôi thấy toàn là bắt cóc bỏ đĩa, toàn là làm màu, toàn là nhắm vào những thúng gánh của người nghèo một cách tàn nhẫn, toàn là báo trước để tạm dẹp khi đoàn trật tự liên ngành đi qua, rồi sau đó phục hồi lại hiện trường cũ, toàn là phạt để tồn tại...vì các ông thừa hành đi dẹp vỉa hè phần lớn đều dính vào các băng nhóm lợi ích nhỏ thì làm sao tự mình chặt được tay mình.
Do vậy mà qua mấy chục năm, sự nghiệp nhỏ dẹp vỉa hè của các cấp đảng nhỏ hoàn toàn thất bại vì càng ngày tệ nạn lấn chiếm vỉa hè càng trầm trọng hơn lên.
Nay quận 1 HCM chủ trương tổng dọn dẹp vỉa hè, cử đích thân ông phó chủ tịch chỉ huy chiến dịch xuống tận hiện trường, xăn tay áo chỉ đạo xử lý từng trường hợp cụ thể như câu xe ông lớn, đập tường văn phòng bộ, phá dỡ trụ sở khu phố, bốt dân phòng, dẹp bãi giữ xe...là rất đáng ghi nhận về phương pháp và sự quyết tâm. Chứ chỉ ngồi bàn giấy chỉ đạo xuống cấp thừa hành (mà phần lớn đều có dính líu đến các nhóm lợi ích nhỏ) triển khai thì mọi việc vẫn là bắt cóc bỏ đĩa như trước đây.
Dĩ nhiên khi hăng hái như vậy dễ rơi vào quá tả, dễ mắc sai sót về pháp lý... tuy nhiên nếu nhanh chóng rút kinh nghiệm qua từng vụ việc để điều chỉnh kịp thời thì sẽ không sao. Đó là nói trên cơ sở tiền đề ủy ban quận 1 và ông phó chủ tịch làm với động cơ trong sáng vì lợi ích chung. Còn không phải vậy thì miễn bàn.
Sau khi làm thành công dứt điểm trên toàn địa bàn quận 1 rồi đúc kết thực tiễn triển khai làm tiếp sang các quận khác là hướng đi đúng đắn rất đáng hoan nghênh. Hy vọng đó là chủ trương và kế hoạch có từ ban đầu của lãnh đạo TP HCM.
Bây giờ nói đến công cuộc lâu dài và vĩ đại của đảng cộng sản kể từ khi mới cướp chính quyền cho đến ngày nay được đẩy lên thành cao trào dưới thời TBT Nguyễn Phú Trọng: Chống Tham nhũng.
Nhìn nhận một cách nghiêm túc, thấy rằng công cuộc chống tham nhũng của đảng CS từ mấy chục năm nay chẳng khác chi công cuộc chống lấn chiếm vỉa hè của Sài Gòn. Cũng làm màu, cũng bắt cóc bỏ đĩa, cũng phát động lên thành phong trào để tuyên truyền lừa mị, cũng triển khai các chiến dịch để lợi dụng đấu đá nội bộ giành giật lợi ích nhóm, cũng nhắm vào những tép riu nhỏ lẻ, cũng thu gom xe gánh hàng rong quá lộ...
Nếu vỉa hè được chia chác khai thác bởi những băng nhóm lợi ích nhỏ, thì cả đất nước nầy được chia chác bởi những tập đoàn lợi ích khổng lồ mà sau lưng nó luôn có bóng dáng của ông kẹ bự nào đó. Nhà đất, ruộng đồng, rừng núi, mỏ khoáng, mặt nước, đáy biển, kênh truyền hình, sóng di động...đều được phân chia cho các tập đoàn lợi ích như là bọn bảo kê phân chia từng mét vuông vỉa hè.
Mấy chục năm nay việc chống tham nhũng luôn là trò lừa mị và thường được sử dụng làm chiêu bài để đấu đá. Đến hiện nay, dưới thời ông Trọng, việc ấy vừa được đẩy lên đỉnh cao vừa biến thành một trò hề vui vẻ qua những phát ngôn giả ngây giả dại của ông ta. Chống tham nhũng là gãi ghẻ, là đánh răng rửa mặt, đập chuột đừng bể bình, chống tham nhũng là ta chống ta, xử lý vài người cứu muôn người, chống tham nhũng phải nhân bản nhân tình, phật ở tây thiên cũng ăn hối lộ...Kẻ phạm pháp phải bị pháp luât xử lý nghiêm minh và bình đẳng chứ sao lại ta đánh ta? sao lại xử lý vài người cứu muôn người? sao lại phải nhân tình nhân ngãi?
Về cái gọi công cuộc chống tham nhũng hiện nay của ông Trọng, luật sư Lê Công Định đã đặt ra câu hỏi khá thú vị: "Quan chức cộng sản ai chẳng tham nhũng, sao báo chí không vạch trần hết lai lịch tài sản của tất cả họ, mà chỉ lâu lâu đánh một vài người thôi?"
Ai cũng thấy, lâu lâu báo chí được bật đèn xanh tung hê lên một vài quan chức gạo cội có tài sản lớn, có người bị chỉ đạo xử lý đến nơi, có người thì sau đó cho qua. Trong khi đó người dân nhìn vào nhà quan chức nào cũng nhà cao, xe xịn, con du học... Những động thái đó không thể không làm người dân suy diễn rằng đánh tham nhũng chỉ là chiêu bài đấu đá, ai thuộc phe cánh khác mà cứng đầu thì bị trừng trị, ai biết ngoan ngoãn thỏa hiệp thì cho qua.
Tại sao không đưa ra một nguyên tắc chung rồi đồng loạt kiểm tra tài sản của các quan chức từ cấp cao xuống theo kiểu cuốn chiếu, làm xong cấp nầy, xuống cấp khác, xong khu vực nầy, qua khu vực khác. Ai có tài sản lớn không rõ nguồn gốc phải đưa ngay vào diện điều tra.
Tóm lại nếu thực tâm chống tham nhũng thì ít ra phải như quận 1 chống lấn chiếm vỉa hè.
Tuy nhiên, tôi chợt nhớ đến biểu ngữ của ai đó chụp lại đưa lên facebook, góp ý cách chống ùn tắc giao thông qua ba bước, trong đó bước thứ nhất là: giải tán đảng cộng sản.
Chống tham nhũng hay chống lấn chiếm vỉa hè có lẽ cũng nên bắt đầu như vậy chăng? Liệu còn cách nào khác?

Những nghi vấn chính trị trong dự án Formosa Hà Tĩnh



Ông Hoàng Trung Hải tại hiện trường vụ sập giàn giáo ở Formosa
Như chúng ta đã phân tích, có thể thấy vai trò nút mở của dự án Formosa Hà Tĩnh (FHS) là ông Võ Kim Cự và tỉnh ủy, ủy ban Hà Tĩnh ở cấp địa phương, còn ở trung ương thì nút thắt để mở ra là ở ông Hoàng Trung Hải.
Có nhiều bạn đọc vào comment ở FB mình và ở nhiều FB khác là phải truy tới những cấp cao hơn ông Hoàng Trung Hải bằng những cái tên A, B nào đó được nói ra.
Chúng ta có quyền nghi vấn, nhưng trong đấu tranh chính trị, muốn có hiệu quả và sống lâu thêm chút, thì nói phải có logic, dẫn chứng, lập luận cụ thể..không thì rất dễ bị tự mắc mưu hay bị gán ghép là âm mưu phe phái trong triều đình.
Thời kỳ ông Hoàng Trung Hải ký nhiều ưu đãi và chủ động "trợ giúp" cho dự án này, ông là phó thủ tướng phụ trách công nghiệp, ủy viên BCHTW nên hoàn toàn có thẩm quyền chính thức để đại diện cho nhà nước cấp phép cho 1 dự án kinh tế, nên muốn quy vào vấn đề chính trị thì phải coi bản thân dự án FHS có mang tính chính trị hay không.
Nếu nó có tính chính trị thì chúng ta mới có quyền suy luận, đánh giá tiếp coi phía sau ông Hoàng Trung Hải còn có các thế lực khác hay không.
Động cơ gì để đầu tư cho FHS ?
Nếu nói FHS đến VN để đầu tư nhằm đôi bên cùng có lợi, FHS có lợi ích kinh tế qua bán sắt thép và nhà nước VN thu được ngân sách, thuế má (bên cạnh giải quyết lao động-việc làm) thì e rằng còn thiếu.
a) Từ năm 2000-2004, thị trường thép thế giới nói chung là bội thu, đỉnh điểm là năm 2004 thì có nhiều tập đoàn thắng lớn về lợi nhuận. Điều này e rằng chính là động cơ ra đời của nhà máy thép Vân Lâm do Formosa đầu tư ở Đài Loan, cũng với quy mô dự án là 10 tỷ USD (tương đương FHS).
Nhưng đến đầu năm 2008 thì tình hình thay đổi, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ kỹ thuật của nhà máy thép (tổng thầu EPC của Formosa Vân Lâm cũng là tổng thầu EPC của FHS, tập đoàn luyện kim MCC của Trung Quốc); nắm tình hình gây ô nhiễm môi trường của Formosa ở các nước như Capuchia và ở Mỹ, các thành viên đảng Dân tiến (trong đó có bà Thái Anh Văn) ủng hộ nhân dân Vân Lâm biểu tình phản đối quyết liệt việc xây dựng nhà máy thép của Formosa. Nhà máy thép khổng lồ này bị đóng băng và Formosa Đài Loan có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.
b) Từ năm 2005 trở đi thì ngành thép thế giới khủng hoảng thừa và dĩ nhiên FormosaĐài Loan phải biết. Thế nên nếu nói rằng ngay khi đó mà họ chuẩn bị cho quyết định đầu tư vào VN bằng dự án FHS thì e rằng không thể.
Từ a) và b) chúng ta có thể thấy rằng dự án FHS ở Hà Tĩnh thực chất là để gỡ thế bí cho Formosa Đài Loan, bằng cách "di chuyển" dự án nhà máy thép Vân Lâm ở Đài Loan sang thực hiện ở Hà Tĩnh.
Thế nên mới có chuyện một dự án khổng lồ 10 tỷ USD mà hồ sơ dự án chỉ mất có 6 tháng từ báo cáo tiền khả thi cho đến được cấp giấy chứng nhận đầu tư, vì chỉ cần bê nguyên xi hồ sơ dự án Vân Lâm độn vào hồ sơ FHS là xong.
c) Về pháp nhân, FHS lại là 1 dự án con của 1 công ty là công ty Formosa Cayman, có trụ sở ở..xứ Cayman, là thiên đường cho các hoạt động tài chính mờ ám như chuyển giá, trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố..vì sao Formosa Đài Loan thiếp lập Formosa Cayman và đặt FHS trực thuộc cái công ty ảo này ?
Như vậy có thể thấy rõ qua phân tích này, chúng ta thấy ra 4 việc
1/ Formosa Đài Loan vì muốn xử lý khủng hoảng do dự án Vân Lâm bị đóng băng nên chạy sang VN để giải tỏa bế tắc chứ không phải vì có thiện chí với VN từ đầu.
2/ Yếu tố vốn Trung Quốc đã có từ trước khi dự án FHS thai nghén, tổng thầu EPC của nó là tập đoàn MCC đã có thỏa thuận với Formosa Đài Loan từ trước khi trình dự án cho chính phủ VN. Thế nên khi có tin tức rò rĩ ra là MCC "giúp vốn" cho FHS, lãnh đạo FHS và nhiều quan chức VN lên báo gạt phăng đi.
3/ Khủng hoảng thép thế giới có từ năm 2005, Formosa Đài Loan và MCC phải biết là với giá thành thép có đủ yếu tố xử lý bảo vệ môi trường thì lỗ chắc, nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi dự án, thế là chỉ có khả năng hoặc là bỏ hẳn vấn đề bảo vệ môi trường, hai là có động cơ chính trị. Khả năng nào thì Việt Nam cũng ăn quả đắng, và đã bị.
4/ FHS có ý định gian dối tài chính ngay từ đầu với pháp nhân mẹ của nó nằm ở xứ Cayman.
Như vậy cho thấy vấn đề Formosa là có dấu hiệu ban đầu của yếu tố chính trị, mà đã có yếu tố chính trị thì e rằng ngay như ông Hoàng Trung Hải khi đó cũng chỉ mới là phó thủ tướng, cũng chưa phải là nhân vật chính.
 Nguyễn An Dân

21 tháng 2, 2017

Khi cả xã hội đồng lòng dối trá

Tác giả: Thymianka Thảo Nguyên (Berlin)- theo FB Cuong Pham 
KD: Khi dối trá thành tế bào của xã hội, thì những câu chuyện buồn có thật của một cô bé người Đức gốc Việt chẳng đủ làm XH bớt…. dối trá đi. XH những ngày này đang chứng kiến sự dối trá của một bà hiệu trưởng một trường tiểu học khi quyết giành phần thắng về mình với một em bé học sinh tiểu học là học trò trường bà ta. 
Thói dối trá đã ăn sâu thâm căn cố đế trong lối sống người Việt rồi. Vì sao nhỉ? 
——————– 
“Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật là sự dối trá” 
Đến nay thì cô bé ấy đã là một sĩ quan cảnh sát của CHLB Đức, được đào tạo chính quy tại chính mảnh đất này, nơi em đã sinh ra và lớn lên. 
Mình không bao giờ quên những ngày này cách đây hơn chục năm, khi N. được mẹ cho quay trở về Hà Nội, bắt đầu đi học từ năm lớp năm để chuẩn bị cho công cuộc hồi hương. 
Phải kể sơ qua về hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt của N. mới hiểu tại sao, mặc dù được sinh ra ở Đức, có quốc tịch Đức, em lại về Việt Nam. 
Mẹ em sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân đã gia nhập đoàn quân 40 ngàn người sang xuất khẩu lao động tại CHDC Đức thời thập niên 80, rồi trong một lần về phép, chị cưới người yêu cũ, một sĩ quan an ninh. Cuộc tình của họ sẽ không có gì đáng nói nếu không có vụ Bức Tường Sụp Đổ. 
Một đằng là tư bản vốn đang giãy chết trói quá chặt, một đằng là ngành an ninh không cho phép nhân viên của mình xuất cảnh, dù chỉ là du hí đôi ngày, đôi Ngưu Lang Chức Nữ thời @ cứ sống cảnh chồng Đông vợ Tây như thế suốt ba thập kỷ. Ba đứa con lần lượt ra đời sau những lần về phép. N. cũng như các em đều đi học trường Đức. Học lịch sử German, văn hóa Goethe, xài luật Deutschland. Nhưng rồi cũng đến lúc cha mẹ các em tính đến chuyện phải quay trở về, vì bố mẹ không thể xa nhau suốt cả đời. 
Rất nhiều thống kê cho thấy, trẻ em Việt Nam học tại quê nhà có điểm số vượt trội hơn hẳn trẻ em sống ở nước ngoài. Điều đó tất nhiên chúng ta có quyền tự hào, theo một khía cạnh nào đó. Nhưng sự rắc rối nhất không nằm ở đây. N. là một cô bé rất thông minh. Em nói và viết tiếng Việt như người Việt vì từ lúc sinh ra hè nào mấy mẹ con cũng về Việt Nam với bố. Vấn đề rắc rối nằm ở chỗ, em luôn nói những gì mình nghĩ, phản ứng tất cả những gì trái với chính kiến của em. 
Giáo dục Đức hoàn toàn khác với giáo dục Việt Nam. Ở Đức, trẻ em có quyền nói tất cả những gì mà chúng nghĩ và không ai quy tội như thế là “vô lễ”, “mất dạy”. Chúng chỉ được dạy dỗ để làm một người lịch sự, có giáo dục, nhưng không ai bắt chúng phải lễ độ theo kiểu nói những gì thầy cô muốn được nghe. Con bé xinh xắn, rạng rỡ, hiếu động và tự tin bao nhiêu thì ở môi trường Việt Nam, lại càng là cái gai trong mắt giáo viên bấy nhiêu. Mẹ N. tâm sự, vấn đề lớn nhất không phải là con bé không hòa hợp được, mà là, con của chị… không biết nói dối như các bạn. 
Không đi học thêm, N. bị cô giáo cố tình chấm điểm sai, em lên gặp Ban Giám hiệu, bị “đì” là hớt lẻo. Bạn cóp bài, em phản đối, bị tố là phản bội. Em phản ứng và thắc mắc những gì trái với những điều em được học ở Đức một cách rất hồn nhiên ngây thơ, cô giáo cho em là “mất dạy”, vì trò không được phép hỏi vặn cô như thế. Em bị cô lập ở chính nơi người ta dạy dỗ em bằng tiếng mẹ đẻ. Cứ thế, sau hai tháng, N. bỏ học, tuyệt thực và bố mẹ phải cho em quay trở lại Đức. 
Mình nhớ hồi học lớp hai, một lần “cấp trên” xuống cơ sở kiểm tra, thế là cả trường nhốn nháo tổng vệ sinh rất rôm rả. Chúng mình tham gia tích cực lắm. Đang hoan hỉ sung sướng thì cô giáo dặn: “Không em nào được nói hớ một câu gì nhé. Chỉ cần lỡ mồm “trường mình hôm nay sạch thế” là chết rồi! Nếu có ai hỏi, các em phải nói là trường mình ngày nào cũng quét dọn y như hôm nay!”. 
Hồi đó, mình may mắn được học một thế hệ các thày cô rất ôn hòa, mực thước, tuy đời sống hết sức đạm bạc nhưng đều cố gắng tôn trọng, giữ gìn phẩm cách của nhà giáo. Suốt cả quãng thời gian cắp sách, trong mình chỉ là những hồi ức êm đềm, tràn ngập lòng biết ơn kính trọng đối với các thầy cô. Nhưng “bài học nói dối tập thể đầu tiên” ấy, mình vẫn nghi nhớ đến tận bây giờ. Nó là vết gạch đầu tiên lên tờ giấy trắng ngây thơ của tâm hồn con trẻ. Tuy không có gì to tát nhưng cũng là một hạt sương buồn giữa vùng trời ấm áp mang tên nghề giáo. 
Bài học nói dối ấy chỉ là một hạt cát trên sa mạc nếu đem so với vụ nói dối tập thể của giáo viên và học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên. Khoan nói đến động cơ bị thúc ép, bị vận động, sợ bị đuổi học, bị nghỉ dạy… v.v, nói dối là nói dối. Chỉ từ chiếc taxi đâm gẫy chân em học sinh lớp hai tại sân trường, đến những tờ khảo sát trơ trẽn và láo xược, diễn biến vụ việc cho chúng ta thấy, Ban Giám hiệu trường Nam Trung Yên đang thách thức pháp luật, thách thức lương tâm của không chỉ gia đình nạn nhân, mà còn của toàn thể học sinh và phụ huynh trường Nam Trung Yên cũng như tất cả chúng ta. 
Sự phẫn nộ của công luận và tiếng nói của lương tâm, dù là yếu ớt, đã khiến nhiều cô giáo bắt đầu rời khỏi trò chơi “nói dối tập thể” mà họ đã hoặc đang tham dự. Lương tâm, cần bắt đầu bằng sự chiến thắng nỗi sợ hãi. 
Đến đây thì hồi kết chắc không có gì bất ngờ nữa. Trừ khi có cái ô thật to, phong bì thật dầy, vụ việc mới có thể chìm xuống như bảy năm trước, cô “hiệu trưởng ăn cắp Tạ Thị Bích Ngọc” vẫn ung dung tại vị và chỉ sau khi bị cáo buộc có bằng chứng tái phạm mới được nhẹ nhàng thuyên chuyển đi nơi khác, tiếp tục rao giảng và phát tán môn đạo đức giả cho cả một thế hệ. 
Thầy cô dối trá và ăn cắp, sẽ sản sinh ra những lớp học trò như thế nào? Điều đó hẳn ai cũng biết. Nhưng tại sao họ vẫn được hành nghề được, tiếp tục dạy dỗ con em chúng ta? Phải chăng, chính là vì sự im lặng và thỏa hiệp trong đó có phần đóng góp không nhỏ của từng phụ huynh. 
Được đào tạo chính quy tại Đức, N. sẽ trở thành một sĩ quan cảnh sát, một nghề được tuyển chọn cực kỳ khắt khe chỉ dành cho những thanh niên ưu tú về phẩm cách, khỏe mạnh về thể chất và vượt qua được những cuộc trắc nghiệm tâm lý cũng như kiến thức. Nhưng, một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của ngành cảnh sát Đức đó là lý lịch phải tuyệt đối trong sạch: không trộm cắp và không dối trá! 
Nếu hồi đó, cô bé xinh đẹp này hội nhập được vào môi trường của xã hội Việt, tức là biết im lặng để yên thân, biết chấp nhận nói dối tập thể để khỏi bị cô lập, thì nước Đức đã không có một gương mặt nữ cảnh sát hiếm hoi gốc Việt. 
Nói dối chưa bao giờ dễ đến như thế ở Việt Nam. Vì người ta đồng lòng nói dối, rủ nhau nói dối. Một cá nhân nói dối thì lương tâm còn nhúc nhích nhưng cả tập thể nói dối thì lại là sự đoàn kết nhất trí cao. Mọi giá trị bị đảo lộn, mọi khái niệm đều bị đánh tráo. Chúng ta không còn niềm tin vào bất cứ điều gì, bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình. Trong một xã hội dối trá, người nói thật sẽ bị coi là kẻ phản bội. 
Trẻ em Việt Nam cần được quyền nói lên điều mà chúng nghĩ. Các em có quyền làm văn hồn nhiên coi mèo là bạn mà không sợ bị cô giáo cho điểm kém. Chúng cần được dạy dỗ cách miêu tả sự việc mắt thấy tai nghe từ chính những nhà giáo biết nhận biết và đánh vần hai chữ “sự thật”, thay vì bắt buộc phải uốn lưỡi bịt mắt vờ không nhìn thấy chiếc xe taxi to hơn con trâu cán gãy xương bạn ngay trên sân trường như thế nào. 
Nếu hôm nay đi học, chúng mới chỉ bị dụ dỗ điểm chỉ vào tờ khai dạy nói dối tập thể thì lớn lên, chúng tất sẽ sáng chế ra những siêu phẩm mang tên dối trá. Không chỉ nói dối để yên thân, bao che cho lợi ích nhóm, chúng còn nói dối để ru ngủ cả một đám đông giống như những con đà điểu ngờ nghệch tự rúc đầu vào cát để lừa dối chính mình và bầy đàn. 
Con cháu chúng ta còn phải nghe những phiên bản dối trá cũ mèm như biển bị đầu độc sau mấy tháng tự làm sạch, không có cái gọi là đàn áp nhân quyền và đất nước ta nhìn chung, đã bao giờ được như thế này chưa, điều đó hoàn toàn phụ thuộc ở thái độ của chính chúng ta, hôm nay. 
Nói thật rất dễ vì bạn không bao giờ lo sợ bị phát giác.

Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai

Tác giả: Ts Lê Kiên Thành 
KD: Đây là một bài viết, tất cả những quan niệm đưa ra của TS Lê Kiên Thành không mới, về DNNN, về CHTB thân hữu, về lợi ích nhóm…. Nhưng có điều nó được chân thành và thẳng thắn nói ra bởi một người là con một quan chức lãnh đạo cấp cao. 
Điều đáng nói, LKT đã chỉ ra “lợi ích nhóm”- vật cản của sự phát triển: 
Trong cuộc đổi mới năm 1986, người khởi xướng chính là những người lãnh đạo. Họ kêu gọi đổi mới vì sự bức thiết của xã hội và vì sự trong sáng, không mưu cầu lợi ích cá nhân của bản thân họ. 
Nhưng đến hôm nay, chính một bộ phận trong lực lượng này có lẽ sẽ không sẵn sàng cho đổi mới nữa, vì với những cơ chế đang tồn tại này, nhờ sự bất cập của họ mà họ đã có trong tay rất nhiều lợi ích. Và tôi e rằng họ chính là những người sẽ ngăn cản đổi mới, vì đổi mới sẽ khiến cho nhóm lợi ích của họ bị thiệt thòi. Đổi mới sẽ khiến những lợi ích mà họ có được nhờ những kẽ hở của xã hội sẽ vì thế mà mất đi. 
.Xin đăng bài viết hay này để bạn đọc chia sẻ 
—————— 
1-3-1987 có lẽ là ngày không thể quên được trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam thế hệ chúng tôi, đó là ngày mà chính phủ chính thức tiến hành giải thể các trạm kiểm soát hàng hoá trên các tuyến đường nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hoá. 
Noi gương đồng chí Nguyễn Văn Linh, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới (*) 
Thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra và trưởng thành trong thời bao cấp lần đầu tiên có khái niệm về thị trường, về một nền kinh tế hàng hoá thực sự. 
Dù mệnh lệnh Đổi mới đã được Đảng và Chính phủ phát đi năm 1986, thì ngày mà mệnh lệnh đó chính thức trở thành thực tiễn cuộc sống với tôi vẫn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. 30 năm sau sự kiện đổi mới đó, tôi mơ ước rằng, tôi sẽ được chứng kiến cuộc đổi mới lần thứ hai của đất nước trước khi quá muộn, với cả cá nhân tôi và với cả dân tộc này. 
Có rất nhiều các học giả, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế đã đặt vấn đề về cuộc đổi mới lần 2 trong năm qua dưới góc nhìn khoa học, tôi chỉ xin phép được nói, với tiếng nói của một Đảng viên tha thiết với Đảng và tha thiết với dân tộc này. 
Năm 1986, sau nhiều năm trời sống trong thời kỳ bao cấp, đứng trước sự sụp đổ hàng loạt của hệ thống XHCN trên thế giới, người Việt Nam chúng ta từ trên xuống dưới hiểu rằng, đổi mới là mệnh lệnh, là điều không thể tránh. 
Nói về cuộc đổi mới năm 1986, tôi cho rằng, nếu cắt nghĩa một cách đầy đủ, một cách sâu xa, thì thực ra những việc chúng ta làm không phải là đổi mới; Chúng không sáng tạo ra một cái mới và nhờ cái mới đó mà thay đổi vận mệnh của mỗi chúng ta nói riêng và của dân tộc nói chung. 
Cái chúng ta làm 30 năm trước là tự cho phép mình làm những điều mà vì lý do gì đó mình đã không dám làm, vì lý do gì đó, mình đã tự cấm đoán mình. 
Ví dụ khi đổi mới, chúng ta trao lại ruộng đất cho nông dân tự canh tác: việc đó không phải là mới, đó chỉ là việc chúng ta không làm trong thời gian dài và giờ quay lại làm nó. 
Khi đổi mới, chúng ta cho phép tự do giao thương: việc đó cũng là việc vốn đã tồn tại trên đất nước này cả nghìn đời. 
Dù ai cũng hiểu là không thể khác, nhưng đó là quyết định vô cùng can đảm của những người lãnh đạo. 
Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, nhưng có tới 70% người Việt là nông dân và đang nghèo. 
Năm đó, khi thực hiện những cải cách về kinh tế, chúng ta đã tạo ra nền kinh tế thị trường, xu hướng tất yếu của một xã hội vận động. Nhưng vấn đề là kinh tế thị trường ấy động chạm đến những lý thuyết cốt lõi mà chúng ta đã lựa chọn cho con đường đi của đất nước. 
Lúc nền kinh tế thị trường ra đời, có những người băn khoăn về chuyện đổi mới đã nhắc lại câu nói của Mac: “Chủ nghĩa tư hữu hàng ngày hàng giờ đẻ ra CNTB”. Hiểu theo cách đó, thì thừa nhận kinh tế thị trường và cho phép nó tồn tại cũng có nghĩa là chúng ta cho phép sự tư hữu, nghĩa là cho phép CNTB hàng ngày hàng giờ nảy sinh trong lòng đất nước XHCN này. 
Vượt qua những nghi ngại, việc đất nước thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ đã chứng tỏ rằng cuộc đổi mới 30 năm trước là đúng đắn. 
Rất nhanh sau đó, chúng ta thoát khỏi nạn đói và trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Nền kinh tế khởi sắc, tăng trưởng vượt bậc. Và chúng ta đã thoát khỏi nguy cơ hiển hiện của sự sụp đổ sau những bài học từ Liên Xô và Đông Âu. 
30 năm sau đổi mới, không thể không thừa nhận những gì mà chúng ta đã cùng nhau đạt được, nhưng cũng không thể không thẳng thắn và sòng phẳng nói rằng, đây là thời điểm mà chúng ta phải nghiêm túc nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ 2 – và cuộc đổi mới này – giống như 30 năm trước cũng sẽ phải là mệnh lệnh! 
Cái được mà kinh tế thị trường (KTTT) mang lại đã rõ, nhưng mặt trái của nó cũng khốc liệt không kém. 
Khi đổi mới, Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu về một nền KTTT định hướng XHCN. Với định hướng đó, chúng ta tìm cách phát triển các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và định hướng nó trở thành mục tiêu chủ đạo của nền kinh tế. 
Nhưng qua năm tháng, thay vì biến thành trụ cột, thì chính những DNNN này lại đã và đang trở thành khối ung nhọt đáng sợ nhất cuả nền kinh tế, nơi mà thất thoát, lãng phí, sự tha hóa và tham ô đều là lớn nhất. 
Thay vì trở thành trụ cột, DNNN lại là gánh nặng khủng khiếp của nền kinh tế và làm nền KTTT của chúng ta bị méo mó, biến dạng vì tư duy kinh tế độc quyền, không lành mạnh. 
Ngoài sự méo mó đó, chúng ta cũng đối mặt với sự bất công, bất bình đẳng, sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, mà đó vốn là những điều thuộc về lý tưởng của chúng ta, là lời hứa của Đảng và Nhà nước với nhân dân. 
Giờ nước ta đang là nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, nhưng người nông dân lại là những người khổ nhất trong xã hội này, đó là điều không công bằng. Việc 70% người Việt Nam là nông dân và đang nghèo hơn phần còn lại là không công bằng; việc con em của 70% này không được tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất, không được hưởng thụ sự chăm sóc y tế đầy đủ nhất, chính là không công bằng. 
Thế hệ chúng tôi ngày xưa, dù học ở nông thôn hay ở thành thị, thì sự chênh lệch cũng không đáng kể. Nhưng giờ cứ nhìn cách mà những đứa trẻ thành phố được thừa hưởng nền giáo dục, tôi hiểu rằng có ít vô cùng những cơ hội để những đứa trẻ nông thôn có thể cạnh tranh được với những đứa trẻ thành phố khi chúng trưởng thành. Đó là điều vô cùng không công bằng. 
Chúng ta cũng phải đối mặt với sự không dân chủ thể hiện trong rất nhiều vấn đề: Như việc những cán bộ phường, xã không do người dân trực tiếp bầu ra, trực tiếp lựa chọn, mà những cán bộ đó là những người ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của họ; ở nhiều nơi trên đất nước này, công lý đang không thuộc về những người có lẽ phải, mà thuộc về những người có tiền, có quyền. 
Cho đến giờ chúng ta mới đang xem xét dự án Luật Biểu tình. Luật Biểu tình đã bị lỗi hẹn tại các kỳ họp Quốc hội từ lần này sang lần khác. 
Sẽ là không quá nếu chúng ta nói rằng, dù đã có những thay đổi về kinh tế, nhưng chúng ta đang tồn tại nhiều vấn đề về công bằng, dân chủ, văn minh. 
Như tôi đã nói ở trên, cuộc đổi mới năm 1986 về bản chất là vượt qua nỗi sợ hãi của chính chúng ta, để chúng ta dám làm những điều mà chúng ta vì sợ hãi mà đã ngăn cấm. Ví dụ năm 1986, nếu trong 10 điều chúng ta sợ hãi, có lẽ chúng ta đã bỏ được 4 điều. Chỉ bỏ được 4 điều đó thôi, thì nó đã tạo ra sự thay đổi đáng kinh ngạc trong những năm tiếp theo. 
Nhưng có một vấn đề nảy sinh là sau 30 năm, chúng ta bỏ được 4 điều, nhưng xã hội chúng ta lại nảy sinh ra 10 điều mới khác cộng với 6 điều của cái cũ mà lẽ ra chúng ta nên làm nhưng chưa dám làm, nó khiến cho vấn đề của chúng ta hôm nay không kém trầm trọng, không kém thách thức hơn 30 năm trước. Thậm chí, có những vấn đề còn phức tạp hơn 30 năm trước. 
Vì sao thách thức hơn? 
Vì năm đó khi chúng ta đổi mới, đó là lúc Đảng, Chính phủ và nhân dân cùng đồng lòng. Khi đó xuất phát điểm của chúng ta thấp hơn bây giờ rất nhiều, nhưng chúng ta trong sáng hơn bây giờ rất nhiều. 
Ngày xưa xã hội chúng ta không nhiều tật xấu như bây giờ, không nhiều tệ nạn như bây giờ. Ngày xưa, chúng ta đổi mới vì hiểu rằng đói nữa thì đổ. Giờ thì nếu những người có chức có quyền giàu lên nữa thì đất nước này sẽ đổ. Đó là những nghịch lý mà chúng ta đang phải đối mặt bây giờ. 
Năm xưa, chúng ta e ngại KTTT vì lo sợ KTTT sẽ kéo theo đó những mặt xấu nhất của CNTB vào đất nước của chúng ta. Nhưng đáng buồn là, trong khi nhiều nước CNTB đang tự hoàn thiện mình và thay đổi được những gì vốn thuộc về bản chất xấu xí nhất của họ, thì đất nước chúng ta giờ lại đang giữ trong lòng mình những gì xấu xí nhất của CNTB trước đây, cộng hưởng với những tiêu cực do định hướng XHCN chưa rõ ràng đưa lại. 
Đó vừa là lý do chúng ta phải đổi mới, nhưng cũng đồng thời là những thứ sẽ thách thức chúng ta nếu muốn đổi mới lần 2. 
Khi tôi hình dung về cuộc đổi mới lần 2, tôi vẫn luôn tự hỏi một điều: ai sẽ là người khởi xướng và lãnh trách nhiệm lãnh đạo cuộc đổi mới lần 2, nếu cuộc đổi mới này diễn ra trong thời gian tới? 
Trong cuộc đổi mới năm 1986, người khởi xướng chính là những người lãnh đạo. Họ kêu gọi đổi mới vì sự bức thiết của xã hội và vì sự trong sáng, không mưu cầu lợi ích cá nhân của bản thân họ. 
Nhưng đến hôm nay, chính một bộ phận trong lực lượng này có lẽ sẽ không sẵn sàng cho đổi mới nữa, vì với những cơ chế đang tồn tại này, nhờ sự bất cập của họ mà họ đã có trong tay rất nhiều lợi ích. Và tôi e rằng họ chính là những người sẽ ngăn cản đổi mới, vì đổi mới sẽ khiến cho nhóm lợi ích của họ bị thiệt thòi. Đổi mới sẽ khiến những lợi ích mà họ có được nhờ những kẽ hở của xã hội sẽ vì thế mà mất đi. 
Đổi mới lần này, chúng ta sẽ phải đứng về một phía chống lại 1/3 chúng ta, mà 1/3 này là những người vừa có tiền vừa có quyền, những người đang được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện giờ. Vì lẽ đó, lực lượng hưởng ứng tích cực cuộc đổi mới lần 2, tôi tin là sẽ ít hơn 30 năm trước, sẽ khó khăn hơn 30 năm trước, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ sẽ được ủng hộ. 
Cuộc đổi mới lần 2 tuy cực kỳ khó khăn, phức tạp, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng, chúng ta sẽ thực hiện được cuộc đổi mới ấy, như nguyện vọng của tất cả những người yêu nước và tha thiết mong đất nước này lớn mạnh. Và nếu có cơ hội, một Đảng viên như tôi, cũng mong được góp hết sức mình vào cuộc đổi mới ấy, với bất kể thách thức nào!

Lý do gây vệt nước đỏ Vũng Áng là gì và sự thật clip ống xả?

Tác giả: BBC (theo TTXVH) và FB Hoàng Dũng
Trả lời BBC Tiếng Việt, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá từ Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cho biết ô nhiễm hữu cơ “không bao giờ là màu đỏ” mà thường có màu đen hay màu xanh đen. “Màu đỏ là màu của oxit sắt 3 
——————–
Ngay sau khi đưa bài viết này lên FB, bạn đọc gửi cho mình FB Hoàng Dũng, nói cụ thể hơn về hình ảnh cống xả (trong bài). Để rộng đường dư luận, xin đưa bài viết này như một sự phản biện: 
ẢNH 2012 WEIBO LÀ GIẢ MẠO! 
Mời xem hình và link: http://m.weibo.cn/u/1280463227
Hãy kéo xuống ngày 2-19 hồi 18:11 và so sánh nội dung chữ tiếng Trung và nội dung chữ tiếng Trung trong ảnh bên phải được cho là đăng ngày 5/11/2012. Giống hệt nhau mọi thứ, trừ bức ảnh :v 
Làm sao chèn được bức ảnh vào và sửa từ 2-19 (2017) thành 5/11/2012 thì quá dễ rồi ha! 
Kết luận: Cụ nào lỡ xin lỗi sớm thì rút xin lỗi lại đã :v Chưa khẳng định được video đó của Formosa xả thải nhưng khẳng định hình weibo là fake lởm :v 
Bổ sung, xem hình trong còm: 
Phân tích tiếp các điểm sơ hở trong hình weibo 2012 giả mạo nè: 
1. Phần 05/11/2012 là sai định dạng và thiếu giờ: phút và thừa chữ “from”
Nó nếu đúng phải là: 2012/11/05 xx:xx 来自 微博 weibo. 
2. Vòng tròn nhỏ bên trái chỉ cái hình và cái sọc thẳng mờ. Sọc thẳng mờ phải đúng vào viền của hình chứ không phải hình lòi ra ngoài khuôn sọc thẳng mờ. Ở hình weibo 2012 đã làm cho hình ghép lòi ra ngoài khuôn. 
3. Vòng tròn lớn bên phải: Tác giả làm giả mạo hình ảnh này đã chụp hình video từ facebook smartphone, làm cho lộ ra 3 cột âm thanh. Ở weibo nếu là hình ảnh thì sẽ không có 3 cột âm thanh như đăng video trên fb. Còn nếu là video thì sẽ có vòng tròn và hình mũi tên ở giữa video. 
Bạn nào làm hình fake ráng đọc và lần sau cần cố gắng hơn. 
————– 
Dải nước đỏ lạ xuất hiện ở vùng biển Vũng Áng. Ảnh: VNN 
Việc nói dải nước màu đỏ xuất hiện tại vùng biển Vũng Áng “là do ô nhiễm hữu cơ, do con người sinh hoạt xả thải”, như giải thích của UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là “không thuyết phục”, một chuyên gia độc học môi trường Việt Nam bình luận với BBC. 
Trả lời BBC Tiếng Việt, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá từ Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cho biết ô nhiễm hữu cơ “không bao giờ là màu đỏ” mà thường có màu đen hay màu xanh đen. “Màu đỏ là màu của oxit sắt 3”. 
Hai hiện tượng dải nước đỏ 
Một vệt nước đỏ dài khoảng 100 m đã xuất hiện tại bờ kè chắn sóng cảng Vũng Áng vào 19/1, truyền thông trong nước đưa tin. 
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao về hiện tượng một dải nước màu đỏ đục xuất hiện vào sáng 18/2 tại khu vực cảng Sơn Dương thuộc công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Sau đó, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh đã đến kiểm tra và lấy mẫu nước đi phân tích. 
Đồng thời, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip quay dòng nước màu đỏ chảy ra từ một miệng cống xuống biển. 
Phó Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh được trang tin VietnamNet dẫn lời, nói hôm 19/2 về kết quả phân tích nước biển có váng đỏ xảy ra hồi tháng Một ở Vũng Áng: “Theo kết quả phân tích, dải nước màu đỏ ở biển là do ô nhiễm hữu cơ, co con người sinh hoạt, xả thải.” Đây cũng là kết quả được Viện Công nghệ và Môi trường gửi cho Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Tĩnh. 
Một lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nói “hiện tượng vệt nước đỏ xuất hiện ngày 17.2 tại cảng Sơn Dương và Vũng Áng không có gì nguy hiểm”, và “hải sản tại khu vực đó vẫn phát triển bình thường”, báo Lao động đưa tin. 
Hôm 20/2, BBC đã liên hệ qua điện thoại với ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Tĩnh đồng thời là Trưởng ban Khu kinh tế Hà Tĩnh, nhưng ông từ chối bình luận. 
Dòng nước màu đỏ đổ ra từ miệng cống xả trong video clip được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: YouTube. 
Nguyên nhân hiện tượng dải nước đỏ 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước biển đỏ, Giáo sư Lê Huy Bá nói với BBC. 
Chẳng hạn như hiện tượng này có thể xảy ra khi “đất nhiệt đới có mầu đỏ vì chứa nhiều chất sắt, sau khi mưa nước chảy ra biển mang màu đỏ”, và trường hợp này, theo ông Bá, là “không đáng ngại”. 
Một hiện tượng tự nhiên khác có thể khiến nước biển chuyển màu đó là hiện tượng thủy triều đỏ (tảo biển nở hoa). Tuy nhiên, giáo sư Bá khẳng định hiện tượng này thường chỉ xảy ra vào tháng 8, tháng 9 chứ “không vào thời kỳ này”. 
Một nguyên nhân khác có thể có, là do sản phẩm của chất xả thải công nghiệp, nhưng muốn khẳng định được nguyên nhân của hiện tượng này, các nhà khoa học phải được “tận mắt tận tay quan sát”, Giáo sư Bá nói. 
Ông Lê Xuân Thế, một ngư dân sống cách vùng biển Vũng Áng 3km, nói với BBC ông đi biển tới nay đã hơn 50 năm nhưng “chưa bao giờ thấy hiện tượng dải nước đỏ trên biển”. 
Chi tiết kết quả xét nghiệm nước biển mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh nói đến dường như không được công bố một cách chính thức và rộng rãi. 
“Bản thân chúng tôi [các nhà khoa học] rất được muốn biết để hiểu được thực chất của vấn đề một cách khách quan nhưng có được xem đâu,” Giáo sư Lê Huy Bá nói, và cho biết mình cũng chỉ biết theo dõi tin trên báo chí. 
Tuy nhiên, Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, bộ phận trắc quan của Bộ Tài Nguyên Môi trường và đại diện của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa đã kiểm tra các cống xả thải của Formosa và kết luận doanh nghiệp này “không có đường ống xả thải nào như clip phát tán trên mạng xã hội”, trang tin Zing tường thuật. 
Giới chức tới giờ chưa có bình luận nào về địa điểm có thể của cống xả thải quay trong video clip nói trên.

Hai thái cực nhận thức sai lầm về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Tác giả: Ts Trần Công Trục 
Mọi nỗ lực để chứng minh các nhận định một chiều về vai trò của cố Tổng bí thư Lê Duẩn với các vấn đề nêu trên có thể dẫn đến những nhận thức sai lầm (Trần Công Trục) 
KD: Bạn bè gửi cho bài viết này, xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ. 
—————— 
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết tiếp theo của ông, phân tích một số vấn đề về phương pháp tiếp cận với “những khúc quanh lịch sử” trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, ngõ hầu rút ra bài học cho tương lai. 
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này. Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. 
Báo Vietnamnet ngày 17/2 vừa qua đăng bài viết: “Ông Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979” thu hút sự quan tâm khá lớn từ dư luận. 
Bởi lẽ đây là một trong số những bài phỏng vấn con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn về vai trò của cha mình trong cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, cũng như tư duy, tác động ảnh hưởng của ông đến quan hệ Việt Nam -Trung Quốc sau này. [1] 
Cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Ảnh: Tạp chí Tuyên Giáo (tuyengiao.vn). 
Nhiều ý kiến bình luận khác nhau về bài phỏng vấn ông Lê Kiên Thành của báo Vietnamnet được bạn đọc quan tâm chia sẻ trên các trang mạng xã hội, nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít quan điểm phản đối các nhận định, lập luận ông nêu ra. 
Lẽ thường chín người thì mười ý, cho nên những đề tài được xem là nhạy cảm như vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn trong chính sách đối nội, đối ngoại kể từ năm 1975 thống nhất đất nước, đến khi ông qua đời, đặc biệt là quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và cuộc chiến chống xâm lược Biên giới phía Bắc 1979-1989 được dư luận quan tâm đặc biệt, nhiều ý kiến khác nhau cũng không có gì lạ. 
Chúng tôi nhận thấy rằng, trước sự quan tâm và nhiều thắc mắc từ dư luận, việc Tiến sĩ Lê Kiên Thành hay Thiếu tướng Lê Kiên Trung thẳng thắn lên tiếng về những thắc mắc âm ỷ trong xã hội là một điều đáng quý. 
Không né tránh những khúc quanh của lịch sử
Đặc biệt, hai ông không né tránh những câu hỏi thuộc diện “nhạy cảm”, như nhà báo Lan Hương báo Công an Nhân Dân từng hỏi ông Lê Kiên Thành trong bài phỏng vấn đăng trên chuyên mục An ninh Thế giới cuối và giữa tháng Online ngày 3/5/2015: 
“Nếu giờ tôi hỏi ông, cố TBT Lê Duẩn có phải là một nhà lãnh đạo độc tài, ông sẽ nói…” hoặc câu hỏi: 
“Đến giờ vẫn không ít người cho rằng, cha ông, cố TBT Lê Duẩn là người phải có trách nhiệm với cuộc chiến tranh biên giới, cũng như những khó khăn, sai lầm mà ta mắc phải trước đổi mới. 
Và có người nói đại ý, nếu ông Lê Duẩn chỉ dừng lại ở thời điểm năm 1975, thì ông đã mãi mãi là anh hùng. Ông nghĩ gì về ý kiến ấy?” [2] 
Trong một bài phỏng vấn Thiếu tướng Lê Kiên Trung đăng ngày 27/7/2016, nhà báo Tô Lan Hương báo Công an Nhân Dân hỏi: 
“Anh nói, TBT Lê Duẩn đi làm cách mạng từ tình thương, nhưng trong một giai đoạn lịch sử dài sau này, khi nhắc về TBT Lê Duẩn, người ta vẫn cho rằng ông rất độc đoán trên cương vị của mình khi ông còn nắm quyền?”, và: 
“Hầu hết những nhà nghiên cứu lịch sử đều nhận định, TBT Lê Duẩn là nhà lãnh đạo Việt Nam có đường lối cứng rắn nhất với phương Bắc. 
Anh có đồng ý với ý kiến của nhiều người, khi họ cho rằng sự cứng rắn của ông Lê Duẩn là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới phía bắc?” [3] 
Chưa bàn chuyện đúng sai, nhưng thái độ không né tránh các sự kiện lịch sử hệ trọng của dân tộc, có ảnh hưởng đến tương lai vận mệnh đất nước như quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979-1989 là điều hết sức đáng quý. 
Nó cho thấy nhu cầu tìm hiểu thông tin về các sự kiện, vấn đề trọng đại với quốc gia, dân tộc từ xã hội, từ người dân và có lẽ cho đến nay, hai người con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn đang đi tiên phong đáp ứng nhu cầu chính đáng này của dư luận. 
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin nối tiếp mạch tư duy của bài viết trước đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 17/2: “Gác lại quá khứ chứ không phải khép lại quá khứ”! để có đôi lời bàn về cách tiếp cận vấn đề mà ông Lê Kiên Thành, ông Lê Kiên Trung đã đặt ra. 
Khi đặt lợi ích chính đáng, hợp pháp của quốc gia, dân tộc lên trên hết, dùng ánh sáng công pháp quốc tế cũng như những bài học vô giá của cha ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước để soi rọi các quan hệ bang giao và những sự kiện lịch sử cận hiện đại, đặc biệt là quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, tôi tin rằng những quan điểm khác nhau trong chúng ta rồi cuối cùng cũng tìm về một điểm. 
Dân tộc Việt Nam anh hùng bất khuất trong chiến đấu chống ngoại xâm, nhưng hòa hiếu, khiêm nhường trong ứng xử 
Cha ông chúng ta có rất nhiều tấm gương anh hùng, kiên trung bất khuất giữ trọn quốc thể bằng khí tiết cao vời và tài năng xuất chúng, khiến cường địch cũng phải kính nể. 
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. 
Có thể nhắc lại đây câu nói nổi tiếng của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng khi bị giặc Nguyên bắt. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép:  “Khi bị bắt, Vương không chịu ăn, giặc hỏi việc nước, Vương không trả lời, giặc hỏi Vương: “Có muốn làm vương đất Bắc không?”. Vương thét to:”Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất bắc”, rồi bị giết”. [4] 
Hay tài ứng đối của sứ thần Đại Việt trước tướng Nguyên Ô Mã Nhi đã làm tướng giặc tâm phục. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: 
“Ngày 12, giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được quân của ta, thấy người nào cũng thích hai chữ “Sát Thát” bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Rồi chúng đến Đông Bộ Đầu, dựng một lá cờ lớn. 
Vua muốn sai người dò xét tình hình giặc mà chưa tìm được ai. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng: “Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi”. 
Vua mừng, nói rằng: “Ngờ đâu trong đám ngựa xe kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế!” 
Rồi sai đem thư xin giảng hoà. Ô Mã Nhi hỏi [Chung]: “Quốc Vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ “Sát Thát”, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”. 
Khắc Chung đáp: “Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc Vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?”. 
Nói rồi giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi nói: “Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?”. 
Khắc Chung nói: “Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người”. 
Ô Mã Nhi nói: “Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc Vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát”. 
Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng: 
“Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xướng là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói “Chó nhà cắn người”; giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được”. [4] 
Nếu như người anh hùng như Trần Bình Trọng lúc sa vào tay giặc dùng khí phách để giữ quốc thể thì nhà ngoại giao Đỗ Khắc Chung dùng bản lĩnh và biện tài để ứng phó với tướng giặc ngay giữa hang hùm, miệng rắn, khiến Ô Mã Nhi cũng phải cảm phục mà không dám coi thường Đại Việt ta. 
Không ai trong số các bậc tiền nhân khả kính của dân tộc chúng ta thể hiện một sự chủ quan, khinh địch hay hiếu chiến, đặc biệt là những người đứng đầu đất nước trong thời khắc đối mặt với họa ngoại xâm, điển hình như Đức vua Trần Nhân Tông. 
Bài nghiên cứu “Phật hoàng Trần Nhân Tông và bài học lợi ích dân tộc” của Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Quang Trung Tiến, Đại học Khoa học Huế viết trên Tuần Việt Nam và được báo Giác Ngộ đăng lại cho biết: 
Vua Nguyên Hốt Tất Liệt từng nhiều lần “xuống chiếu” đòi ngài sang “chầu”, nhưng Đức vua Trần Nhân Tông đều khéo léo, cương quyết tìm cách từ chối và cử sứ thần sang thay. [5] 
Tượng Đức vua Trần Nhân Tông lúc đã xuất gia và trở thành Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ảnh: Báo Công an Nhân Dân. 
Thậm chí sự mềm dẻo, linh hoạt của Đức vua Trần Nhân Tông trong ứng xử với nhà Nguyên còn được sử gia Ngô Sỹ Liên ghi lại trong “Đại Việt sử ký toàn thư”: 
Từ tháng 4 đến tháng 11 năm 1288, Đức vua Trần Nhân Tông đã ba lần cử sứ giả sang Nguyên để triều cống và “tạ tội”. Đồng thời, triều đình Trần cũng gửi vua Nguyên một bức thư biện hộ cho hai cuộc kháng chiến năm 1285 và 1287-1288. [6] 
Nhắc lại chuyện xưa để thấy rõ ông cha chúng ta đã ứng xử như thế nào với nước láng giềng phương Bắc vì sự tồn vong và phát triển của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước. 
Đó là khí phách anh hùng, lòng quả cảm, tài trí thông minh, sự linh hoạt mềm dẻo, tính khí khiêm nhường…. Bài học lịch sử nào cần được nhấn mạnh trong quan hệ quốc tế, trong chúng ta hiện đang có những đánh giá khác nhau về cách ứng xử với các siêu cường, đặc biệt là với Trung Quốc. 
Theo chúng tôi, phải chăng đó là sách lược “trong xưng đế ngoài xưng vương” mà ông cha chúng ta đã từng ứng xử đối với các triều đại phong kiến Trung Hoa sau mỗi lần đánh bại các đội quân quân xâm lược của chúng để giữ vững độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ trong bang giao với nước láng giềng phương Bắc đầy tham vọng bành trướng, bá quyền? 
Đó là sách lược thể hiện sự khôn khéo, khiêm nhường trong đối nhân xử thế, biết mình biết ta, thắng không kiêu bại không nản, không bao giờ chủ quan, khinh địch; luôn luôn đề cao cảnh giác, tự lực tự cường. 
Đó là bài học sống còn từ ngàn năm dựng nước, giữ nước được thấm vào trong tư duy, suy nghĩ và hành động, chứ không cần, không phải, không nên thể hiện bằng lời nói, nhận định mang nặng cảm xúc, chủ quan khinh địch, nhất là từ những người giữ trọng trách trước quốc gia, dân tộc. 
Ngày nay, chúng ta sống trong thời đại văn minh và loài người ngày càng hướng đến một xã hội thượng tôn pháp luật. Quan hệ bang giao giữa các nước cũng nhờ đó trở nên bình đẳng, hợp tác cùng có lợi trong khuôn khổ mái nhà chung Liên Hợp Quốc. 
Dù tranh chấp, dù bất đồng vẫn luôn luôn tồn tại, nhưng vị thế đất nước ngày nay đã khác xưa. Câu chuyện “triều cống” hay “trong xưng đế, ngoài xưng vương” để giữ hòa hiếu đã không còn tái diễn. 
Nhưng tinh thần khiêm nhường, yêu chuộng hòa bình song hành cùng đề cao cảnh giác, tự lực tự cường để bảo vệ Tổ quốc là không thay đổi. 
Những bất lợi khi cố chứng minh các nhận định một chiều về vai trò của cố Tổng bí thư Lê Duẩn trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 
Những quan điểm khác nhau về cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại trong thời gian ông tại vị, đã được thể hiện qua những câu hỏi thẳng thắn dành cho hai người con trai của ông mà chúng tôi trích dẫn một số ở phần đầu của bài viết này. 
Chúng tôi cho rằng, cách tiếp cận chứng minh các nhận định một chiều về vai trò của cố Tổng bí thư Lê Duẩn trong đối nội, đối ngoại hay với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc như những gì phản ánh trong một số bài báo trên là điều không nên, bất lợi cả về đối nội lẫn đối ngoại. 
Bởi lẽ, anh Ba Duẩn đích thực là một chiến sĩ cách mạng kiên trung và yêu nước. Ông có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 
Vì vậy, sự nghiệp của “anh Ba” đã được lịch sử ghi nhận đúng mức và tên của Anh đã được đặt cho một đường phố lớn tại Thủ đô Hà Nội… 
Tuy nhiên, trước thời kỳ mới, sự phát triển của đất nước sau chiến tranh diễn ra theo những quy luật hoàn toàn mới, đòi hỏi kiến thức, hiểu biết và vận dụng sáng tạo quy luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị cho đến ngoại giao. 
Mà nhận thức là một quá trình, trong quá trình ấy những vấp váp, sai lầm là điều không thể tránh khỏi. 
Đánh giá những thành tựu và sai lầm để rút ra bài học, chỉ rõ những sai lầm ấy do đâu mà có chính là quy luật sống còn của một đảng cách mạng, một đảng chân chính, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. 
Vì vậy, cách tiếp cận một chiều, phủ nhận sạch trơn hay tô hồng tất cả đều sẽ dẫn đất nước này, dân tộc này đến những sai lầm, mà cái giá phải trả có thể rất đắt. 
Trước những thăng trầm của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thời kỳ xung đột 1979 – 1989 và bối cảnh địa chính trị khu vực, thế giới thời kỳ này, cần một cái nhìn thực sự bình tĩnh, khách quan, khoa học và cầu thị. 
Chỉ có như thế, chúng ta mới rút ra được bài học cho tương lai, để dân tộc này, đất nước này không phải đối mặt với hiểm họa của chiến tranh, thực sự tạo dựng được lòng tin làm nền tảng cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bất đồng do lịch sử để lại trên cơ sở luật pháp quốc tế. 
Trong bối cảnh ấy, việc hai người con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn lên tiếng về vai trò của ông đối với đất nước, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hay xung đột biên giới 1979 – 1989, thiết nghĩ là cơ hội quý. 
Đấy là lúc để chúng ta bình tĩnh lại, cùng nhau nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính khoa học, ngõ hầu củng cố hòa bình đồng thời với việc gìn giữ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. 
Vì thế, mọi nỗ lực để chứng minh các nhận định một chiều về vai trò của cố Tổng bí thư Lê Duẩn với các vấn đề nêu trên có thể dẫn đến những nhận thức sai lầm về chính vai trò của ông, hơn thế nữa còn tác động không nhỏ đến tương lai, vận mệnh dân tộc. 
Về đối nội, nó gây ra những quan điểm hoài nghi và chia rẽ trong nội bộ xã hội chúng ta, qua những bài phỏng vấn và trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Lê Kiên Thành và Thiếu tướng Lê Kiên Trung, có thể nhận thấy rất rõ đã hình thành 2 luồng quan điểm: 
Một là đánh đồng việc đề cao cảnh giác bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ với xu hướng, tâm lý “chống Trung Quốc”, hai là xem chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, giải quyết tranh chấp bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ hòa bình, ổn định là “sợ Trung Quốc”. 
Cả hai xu hướng này đều dẫn tới chỗ cực đoan. 
Chỉ có hiểu Trung Quốc để thích nghi và chung sống hòa bình, ứng xử như cha ông chúng ta đã từng ứng xử mới giúp đất nước này, dân tộc này trường tồn, phát triển kể cả khi nằm giữa những cạnh tranh gay gắt từ các siêu cường đương đại. 
Với các nước lớn, cha ông ta luôn ứng xử hết sức mềm dẻo và linh hoạt trong khi giữ vững nguyên tắc. Điều này có thể tổng kết qua hai câu “nói phải, củ cải cũng nghe”, và khi “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”! 
Về đối ngoại, những nỗ lực chứng minh các luận điểm một chiều này chỉ tạo cớ cho một bộ phận chính khách, chiến lược gia Trung Quốc củng cố lập luận của họ về cách ứng xử “tiền hậu bất nhất” của Việt Nam trong quan hệ song phương. 
Vì vậy, đối diện với những vấn đề nhạy cảm, “gai góc” trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc không chỉ đòi hỏi phải có một dũng khí và bản lĩnh, mà quan trọng hơn là trí tuệ và đầu óc tỉnh táo, sáng suốt để có cái nhìn toàn cảnh và đưa ra những giải pháp tổng thể một cách khả thi, hiệu quả. 
Trong quá trình đó, người viết tin rằng, chỉ cần chúng ta luôn đặt lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc, tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế trong các hoạt động bang giao, đối ngoại lên trên hết, đặt các sự kiện cụ thể vào bối cảnh lịch sử – kinh tế – xã hội khu vực, quốc tế cụ thể, chúng ta sẽ có cái nhìn sát thực hơn. 
Chỉ có như vậy, thì mọi quan điểm khác nhau xuất phát từ lòng yêu nước và trách nhiệm trước vận mệnh của quốc gia dân tộc mới tìm thấy điểm chung. Nếu không, xã hội Việt Nam sẽ trở nên chia rẽ, không cần kẻ thù nào đánh phá, chúng ta cũng tự tan. 
Cũng chỉ có tiếp cận các vấn đề trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thời cận hiện đại một cách thẳng thắn, bằng thái độ khách quan, cầu thị, khiêm tốn, biết mình, biết ta, thượng tôn pháp luật thì mới tìm được tiếng nói chung cùng nhân dân Trung Quốc xây dựng nền hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi trong quan hệ giữa hai nước.

Thiếu tướng Lê Kiên Trung: “Tôi không bao giờ né tránh khi nói về cha mình”

Tác giả: Tô Lan Hương (thực hiện) 
KD: Nhân việc Blog KD/KD đăng hai bài: Một bài của Ts Lê Kiên Thành trả lời phỏng vấn về cha của mình, cố TBT Lê Duẩn và ngày 17/2, một bài Ts Trần Công Trục viết trên báo GDVN, như một sự phản biện hai bài viết của hai người con của ông Lê Duẩn, Lê Kiên Thành và Lê Kiên Trung, bạn bè tìm gửi lại cho mình bài viết này (từng đăng trên Blog nhưng không tìm ra) , để mình đăng lên cho đầy đủ. Mời bạn đọc chia sẻ và tham khảo 
Việc trao đỏi lại những cách nhìn, cách tiếp cận vấn đề, là cách giúp cho bạn đọc hiểu sâu sắc thêm, và có nghĩa là bạn đọc được hưởng lợi. Điều đó chỉ thêm bổ ích 
————— 
Là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, nên khi nhận lời trò chuyện với Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng – Cuối tháng về Tổng Bí thư Lê Duẩn nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông, tôi đã nghĩ Tướng Lê Kiên Trung khó mà thẳng thắn, sòng phẳng với những câu hỏi mà tôi sẽ hỏi anh. Nhưng sau buổi trò chuyện 2 tiếng đồng hồ, tôi biết mình đã vội vàng khi dự đoán thế! 
Cha tôi không bao giờ biết vì sao mình được chọn 
Cha tôi quyết đoán, nhưng không bất chấp
– Nhà báo Tô Lan Hương: Thưa Thiếu tướng Lê Kiên Trung, khác với nhiều người thân trong gia đình mình, anh hầu như chưa từng xuất hiện trên báo chí và chia sẻ những câu chuyện về Tổng bí thư (TBT) Lê Duẩn? 
– Thiếu tướng Lê Kiên Trung: Thực ra tôi đã từng viết một bài trên Báo An ninh thế giới nhiều năm trước với những câu chuyện của tôi về cha. Nhưng đặc thù công việc khiến tôi không phải lúc nào cũng thấy mình nên xuất hiện trên mặt báo để chia sẻ những suy nghĩ trong lòng. 
– Thế thì, khi nhận lời trò chuyện với Chuyên đề ANTG Giữa tháng – Cuối tháng chúng tôi, với cương vị mà anh đang nắm giữ, anh có ngại ngần nếu tôi hỏi anh những câu hỏi mà bao năm qua, nhiều người vẫn cho là nhạy cảm, về TBT Lê Duẩn? 
– Bạn hãy cho tôi một lý do để một người con phải ngại ngần, né tránh khi nói về cha mình?! Đặc biệt, một con người của dân tộc, của nhân dân, hết đời cống hiến hy sinh vì sự nghiệp của đất nước. 
– Vậy thì, tôi muốn bắt đầu với một điều giản dị. Có phải khi còn bé, anh là người con được gần gũi với TBT Lê Duẩn và được ông thương yêu, cưng chiều nhiều nhất? Ký ức của anh về người cha chính khách có gì khác với ký ức của những đứa con bình thường? 
– Ký ức bao trùm trong tôi về ba có lẽ là ký ức về tình thương. Nói là ba thương tôi hơn những anh chị em khác cũng không hẳn là đúng. Tôi không dám nói ba tôi dành cho tôi nhiều tình thương nhất, nhưng tôi may mắn là đứa con được gần ba nhiều nhất so với các anh chị trong nhà. 
Thật ra ba tôi đi hoạt động cách mạng từ sớm, thời gian ông gần gũi gia đình, con cái gần như không có. Các anh chị tôi, từ lúc đẻ ra cho đến khi trưởng thành, hầu hết đều chỉ được gặp ba khi ông ghé thăm nhà. Tôi may mắn sinh ra khi ba tôi đã ra Hà Nội, trong bối cảnh miền Bắc đã được hưởng hoà bình. 
Mẹ tôi khi đó đang học ở Trung Quốc, tôi lại là con út trong nhà, nên ba tôi, với tâm trạng của một người cha “gà trống nuôi con”, thương tôi phải xa mẹ, đã luôn dành cho tôi tình yêu thương đặc biệt. 
Dù là TBT và phải đảm đương trách nhiệm lớn lao với việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng ông đã luôn để tôi là “cái đuôi” của ông trong suốt nhiều năm trời. Tôi ăn cùng ba, quanh quẩn bên ông khi ông làm việc và tôi ngủ cùng giường với ông cho đến tận khi học lớp 7, lớp 8. 
– Điều đặc biệt nhất mà anh cảm nhận ở ba mình? 
– Cũng là tình thương! Nhiều người nghĩ với vị trí người lãnh đạo đất nước, ba tôi là người lạnh lùng, cứng rắn, nhưng thực ra, ông vô cùng tình cảm với người xung quanh. 
Không chỉ là tình cảm của người cha dành cho con, tình cảm của người chồng dành cho vợ, mà còn là tình cảm giữa người với người. Ba tôi coi những người giúp việc cho ông như người thân trong nhà. Ông cũng là người mà nếu đi ra đường, gặp một người nghèo, sẽ dễ dàng rơi nước mắt. Nhiều người đi làm cách mạng bắt đầu từ lý tưởng, từ lý trí, nhưng ba tôi đi làm cách mạng bắt đầu từ tình thương. 
Khi còn nhỏ, có lần bà nội tôi nói với ba tôi: “Đến bao giờ nhà mình mới có một nồi khoai như nồi khoai nhà bên cạnh?”. 
Ông kể ông đã khóc khi nghe câu nói ấy, dù khi đó ông chỉ là một đứa trẻ nhỏ đang ngồi trong lòng mẹ. Ông thương xót cái ao ước nhỏ bé đến tội nghiệp của bà nội tôi bao nhiêu thì ông thấy căm giận chế độ đã tạo ra cả một dân tộc nghèo khổ, với một lớp người mà ước mơ của họ chỉ là một nồi khoai để ăn bấy nhiêu. Và vì muốn thay đổi điều đó, ông đã đi làm cách mạng. 
– Anh nói, TBT Lê Duẩn đi làm cách mạng từ tình thương, nhưng trong một giai đoạn lịch sử dài sau này, khi nhắc về TBT Lê Duẩn, người ta vẫn cho rằng ông rất độc đoán trên cương vị của mình khi ông còn nắm quyền? 
– Tôi vẫn luôn biết có những người nhìn ba tôi theo cách đó. Nhưng, như những gì tôi đã được chứng kiến về cha mình, thì cảm nhận của tôi hoàn toàn khác. Năm 1954, sau Hiệp định Geneve, ba tôi đưa mẹ tôi lên tàu ra miền Bắc, còn ông thì bí mật ở lại miền Nam. 
Trước lúc chia tay, ông nói với bà: “Anh thương vợ con anh như thế nào, thì anh cũng thương đồng bào, đồng chí của mình như thế, cho nên anh phải ở lại, cùng với đồng bào đồng chí miền Nam chiến đấu để giành độc lập thực sự”. 
Và nếu không phải vì Bác Hồ đã kiên quyết yêu cầu ba tôi ra miền Bắc năm 1957 để nhận nhiệm vụ mới, có lẽ ba tôi sẽ vẫn ở lại miền Nam, dù có lẽ ông hiểu, khi Trung ương gọi ông ra miền Bắc, có nghĩa là ông sẽ được tin cậy giao những vai trò quan trọng hơn trong bộ máy lãnh đạo đất nước. Một con người độc đoán, sẽ khó có tình cảm như thế với đồng bào, đồng chí. 
Một điều nữa, trong cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 20 năm mà mỗi gia đình ở cả phía bên này và phía bên kia đều phải gánh chịu nỗi đau mất mát, cộng thêm với sự khác biệt về ý thức hệ, thì sự thù hận là khó tránh khỏi. 
Trong nhiều cuộc chiến tranh, phe thắng cuộc đã có sự trả thù với những kẻ thất bại. Nhưng sau khi giải phóng xong, Đảng ta mà người đứng đầu là ba tôi đã đưa ra mệnh lệnh: Bằng bất cứ giá nào cũng không được động chạm đến những người thuộc chính quyền cũ. Và, thay vì một cuộc tắm máu như báo chí nước ngoài đã dự đoán trước giải phóng, những người thuộc chính quyền cũ chỉ bị đưa đi cải tạo, giáo dục… 
Tôi nghĩ ba tôi là người quyết đoán. Nhưng sự quyết đoán của ông nằm trong chừng mực của một người làm chính trị có cân nhắc trước sau, chứ không phải bất chấp. 
Ông vẫn nói, làm chính trị là phải biết chờ đợi. Vì có những việc dù mình nghĩ đúng, nhưng mình vẫn phải chờ đợi sự đồng lòng từ những người xung quanh. Chính từ những việc đó, mà sau này, đã có những người hiểu không đúng hoặc đánh giá không chính xác về phương pháp và cách làm của ông. 
Nhiều người phê phán cha tôi vì việc duy trì nền kinh tế bao cấp quá lâu. Nhưng ngay sau khi giải phóng xong, khi mà nhiều người trong chúng ta vẫn còn coi Mỹ là kẻ thù, ba tôi đã giao cho Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là ông Nguyễn Cơ Thạch sang thăm Mỹ, bằng mọi giá thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. 
Ba tôi đã muốn giữ nguyên nền kinh tế thị trường ở miền Nam, song song với nền kinh tế bao cấp ở miền Bắc, vì chính ông cũng muốn so sánh ưu điểm và nhược điểm của hai nền kinh tế đó. Vì ba tôi và các đồng chí của mình khi đó đều được giáo dục và trưởng thành trong hệ thống lý luận về XHCN theo mô hình Xôviết của Stalin. 
Nhưng ông cảm nhận được, nền kinh tế thị trường có những ưu điểm của nó, và ông muốn có cơ hội để so sánh giữa hai mô hình đó, để tìm được con đường tốt nhất cho đất nước. 
Dù chuyện này chưa bao giờ được ông công khai trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, nhưng trong chỉ đạo của ba tôi và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng với ông Nguyễn Cơ Thạch trước chuyến thăm Mỹ sau giải phóng, tôi biết rằng đã có nội dung đó. Tiếc là cuộc đàm phán đó đã không thành công. Vì khi đó, nhiều người bên phía chúng ta vẫn còn coi Mỹ là kẻ thù, và bản thân người Mỹ cũng có suy nghĩ ngược lại. 
Với họ, việc một nước lớn như Mỹ thất bại trong cuộc chiến với một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam đã làm tổn thương nặng nề lòng tự tôn của họ. Không thể dễ dàng để hai nước có thể ngay lập tức nối lại quan hệ ngoại giao, bình thường hoá quan hệ. Thậm chí, sau đó Mỹ còn cấm vận Việt Nam nhiều năm liền. Nên cuối cùng, chuyến đi của ông Nguyễn Cơ Thạch đã thất bại. 
– Cứ cho là chuyến đi đó thất bại, thì tôi nghĩ, vẫn có nhiều cách để duy trì và phát triển mô hình kinh tế thị trường ở miền Nam song song với mô hình bao cấp ở miền Bắc, nhưng như chúng ta đã biết, ngày đó, nền kinh tế bao cấp đã được nhân rộng ở cả hai miền. Tại sao ba ông không làm điều đó? 
– Bối cảnh lịch sử lúc đó có lẽ đã khiến ba tôi không dễ thực hiện khát vọng và mục đích của mình. Khi mà Mỹ từ chối quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và bản thân những nhà lãnh đạo trong nước thời đó đều tin theo hệ thống xã hội chủ nghĩa mô hình Xôviết của Stalin, thì việc đưa ra một ý tưởng như thế là trái với lý tưởng của nhiều người. 
Tôi vẫn nhớ hồi đó, khi Nam Tư đưa ra khái niệm kinh tế thị trường, họ đã bị khai trừ ra khỏi hệ thống các nước XHCN và bị xem như một nước xét lại. Cho nên, không thể dễ dàng bày tỏ quan điểm của mình và thuyết phục những người khác cùng đồng lòng với quan điểm đó, nhất là trong một giai đoạn nhạy cảm như đất nước ta khi đó. 
Mà anh chỉ có thể thực hiện nó âm thầm ở chỗ này, chỗ kia, cho đến lúc lý thuyết của anh chứng minh được là nó có sức sống, là nó thuyết phục, là thành công, thì đến lúc đó, anh mới có thể quay lại thuyết phục những người khác. Vì ba tôi hiểu nếu ngay lập tức thay đổi có thể sẽ khiến sự chia rẽ trong Đảng. Và hơn lúc nào hết, trong điều kiện đất nước lúc đó Đảng ta càng cần phải coi trọng sự đồng lòng, thống nhất. 
– Bây giờ là thời điểm TBT Lê Duẩn đã mất được 30 năm. Vài ngày trước, trong ngày giỗ lần thứ 30 của TBT, tôi có đến gia đình ông và nhìn thấy có những lẵng hoa gửi đến từ các Ủy viên Bộ Chính trị và một số đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước đã đến dâng hương tại số 6 Hoàng Diệu, ngôi nhà TBT Lê Duẩn sống lúc sinh thời. Vài năm trở lại đây, báo chí đã nhắc lại về vai trò của ông Lê Duẩn trong giai đoạn ông làm lãnh đạo. Nhưng có một thời kỳ dài, người ta ít nhắc đến TBT Lê Duẩn. Anh có biết tại sao? 
– Bạn hỏi không đúng chỗ rồi. Và cũng không hẳn như vậy! Nhưng tôi nghĩ thế này, chúng ta không thể không thừa nhận, trong Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn tồn tại những sự khác biệt về tư tưởng. Ví dụ như quan điểm cải cách ruộng đất, quan điểm về chiến tranh cách mạng miền Nam, quan điểm về thống nhất đất nước, quan điểm về việc áp dụng mô hình kinh tế bao cấp hay thị trường, quan điểm về đường lối ngoại giao… 
Cho nên việc có người này hay người khác ủng hộ hay không ủng hộ, đồng tình hay không đồng tình với đường lối của cha tôi khi ông còn nắm quyền có lẽ cũng là chuyện bình thường. 
Ba tôi kể, ngay thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam, có những người trong chúng ta sợ Mỹ, có những người thân với Liên Xô, có những người thân với Trung Quốc. Thế nên có nhiều chuyện, Bộ Chính trị vừa họp xong, nước này nước kia đã tìm cách can thiệp. Nhiều người không muốn chúng ta giải phóng miền Nam đâu. Nhưng Đảng ta và ba tôi quyết tâm làm việc đó đến cùng. 
Một trong những điều buồn nhất của ba tôi trong cuộc đời làm cách mạng của ông chính là Hiệp định Geneve. Ông từng kể ông đã khóc rất nhiều khi đồng bào miền Nam đổ ra đường, chia tay con em mình ra miền Bắc, họ giơ hai ngón tay, hẹn hai năm sau Tổng tuyển cử, hẹn hai năm sau gặp lại. 
Nhưng ba tôi hiểu, sẽ không bao giờ là hai năm, sẽ không bao giờ có Tổng Tuyển cử… Và việc rút toàn bộ lực lượng vũ trang ra miền Bắc sẽ tạo điều kiện cho chính quyền Ngô Đình Diệm củng cố sức mạnh ở miền Nam, điều đó đồng nghĩa với việc rồi đây miền Nam sẽ còn đổ máu. Mà điều ba tôi đau xót chính là, chúng ta có khả năng giải phóng miền Nam, nhưng đã phải chấp nhận ký vào Hiệp định Geneve một cách đầy thiệt thòi vì sự tính toán của các nước lớn. 
Cho nên khi cử ông Lê Đức Thọ đi đàm phán ở Paris, Bộ Chính trị và ba tôi giao cho ông Lê Đức Thọ toàn quyền quyết định, nhưng với điều kiện: “Anh đàm phán cái gì thì đàm phán, nhưng có hai vấn đề không bao giờ phải bàn: quân đội miền Bắc ở lại miền Nam và Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam”. Nghĩa là ba tôi và Đảng ta cho ông Lê Đức Thọ được quyền chủ động trên bàn đàm phán, nhưng có những điều ông không bao giờ nhân nhượng. 
Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc 
– Tôi từng nghe kể TBT Lê Duẩn đã báo cáo với Bác Hồ: “Chúng ta muốn thắng Mỹ thì nhất định không được sợ Mỹ, nhất định không sợ Trung Quốc, nhất định không được sợ Liên Xô…”? Anh có nghĩ ba mình là người cứng rắn, khi ông không bao giờ sợ các nước lớn? 
– Ba tôi không sợ Mỹ, vì ông hiểu Việt Nam có thể thắng Mỹ. Còn chuyện không sợ Trung Quốc là một câu chuyện dài. 
Ba tôi là người yêu thích lịch sử. Ông đọc đi đọc lại những câu chuyện về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Và vì thế, ông biết, trong những cuộc chiến tranh kéo dài suốt mấy nghìn năm đất nước tồn tại, ngoài hai lần chống Pháp và Mỹ, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là lịch sử chống quân xâm lược từ phương Bắc kéo xuống. 
Và dù trong thời gian ngắn hay dài, thì cuối cùng, chúng ta cũng đều đánh đuổi được giặc ngoại xâm phương Bắc. Dân tộc này trong lịch sử chưa từng sợ phương Bắc, và tôi nghĩ ba tôi thấm nhuần truyền thống ấy. 
Từ khi còn rất sớm, ba tôi đã nhận ra, dù họ viện trợ cho chúng ta rất nhiều, dù tiếng là hai nước Cộng sản anh em, thì họ vẫn mang những ý đồ không khác gì những triều đại trước đây. 
Ngay cả trong các cuộc gặp với ba tôi, một lãnh đạo của bạn đã nói: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Các đồng chí không cần làm cách mạng, tôi là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á”. 
Khi nghe câu nói đó ba tôi đã cảm nhận ra ngay ý đồ của họ và dặn lòng mình luôn phải cảnh giác với dã tâm ấy. Ba tôi từng viết về một cuộc đối thoại giữa ông và một lãnh đạo của họ (xin phép không nói rõ tên của nhà lãnh đạo đó – xin đổi là ông ta – PV) như thế này: 
“Ông ta hỏi tôi: Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất? 
Tôi (Lê Duẩn) trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông. 
Ông ta hỏi: Dân số của họ bao nhiêu? 
Tôi trả lời: Khoảng 3 triệu! 
Ông ta nói: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà! 
Ông ta hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan? 
Tôi trả lời: Khoảng 500.000 cây số vuông. 
Ông ta hỏi: Có bao nhiêu người? 
Tôi trả lời: Khoảng 40 triệu! 
Ông ta nói: Một tỉnh của nước tôi có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan! 
Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta nói với tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?”. Tôi nói: “Đúng”. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?”. Tôi nói: “Đúng”. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?”. Tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Nếu các ông tìm cách xâm lược đất nước tôi. Các ông có biết điều đó không?…”. 
Vì nhận thức được ý đồ của họ, cũng như các tiền nhân, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng ta và ba tôi cũng giữ tinh thần cảnh giác, ngay cả khi họ là nước viện trợ rất lớn cho chúng ta trong kháng chiến chống Mỹ. 
Có lần, họ đề nghị viện trợ cho chúng ta 500 xe tải chi viện cho tuyến đường Trường Sơn, với điều kiện họ sẽ cử lái xe đi kèm. 500 xe hồi đó là vô cùng quý giá với Việt Nam. Nhưng chúng ta đã kiên quyết từ chối. 
Khi đó có đồng chí lãnh đạo đề nghị ba tôi “nhận vài chiếc cho người ta vui”, nhưng ba tôi và lãnh đạo không đồng ý. Ba tôi cũng báo cáo với Bác Hồ: “Chúng ta muốn thắng Mỹ, thì không được sợ Mỹ, nhưng nhất định cũng không được sợ Trung Quốc”. Câu nói ấy của ông hẳn đã đến tai người Trung Quốc… 
Ảnh trong bài: Alannguyen Đức. 
– Hầu hết những nhà nghiên cứu lịch sử đều nhận định, TBT Lê Duẩn là nhà lãnh đạo Việt Nam có đường lối cứng rắn nhất với phương Bắc. Anh có đồng ý với ý kiến của nhiều người, khi họ cho rằng sự cứng rắn của ông Lê Duẩn là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới phía bắc? 
– Ba tôi cứng rắn với họ thì đúng. Nhưng những người nói ông là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 có lẽ là không hiểu lịch sử. Suốt thời phong kiến của chúng ta, họ đã vì ghét ông vua nào mà đem quân xâm lược mảnh đất này? Không vì cha tôi, họ vẫn tìm cách chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, rồi bây giờ là âm mưu chiếm toàn bộ biển Đông. Họ chẳng ghét ai cả. 
Chỉ có một lý do duy nhất, ý đồ xâm lược của họ là không bao giờ thay đổi. Ba tôi, mang trong mình bản năng của người Việt suốt chiều dài lịch sử: không cần biết họ mạnh thế nào, nhưng anh cứ xâm phạm biên giới chúng tôi là chúng tôi đánh. 
Còn nói về sự cứng rắn với họ, ba tôi có lẽ không thể so với cụ Lý Thường Kiệt. Bậc tiền nhân ấy đã chủ động đánh phương Bắc ngay khi họ lộ ý đồ sang xâm chiếm nước Việt. Trừ những kẻ bán nước, còn thì, đã là người Việt Nam, nếu thực sự yêu dân tộc này, nếu thực sự yêu đất nước này, sẽ đều hành động như thế, bất kể kẻ thù có mạnh và dã tâm đến đâu. 
Ba tôi, như bao người Việt yêu nước bằng cả trái tim mình, đã luôn hiểu rằng, họ là mối đe dọa truyền kiếp, là dân tộc mà trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, bất cứ triều đại nào, chế độ nào, cũng không từ bỏ ý đồ xâm chiếm Việt Nam. Lịch sử xâm lược của họ là lịch sử mở rộng lãnh thổ về phương Nam. 
Và, cho đến tận ngày hôm nay, với những yêu sách về chủ quyền ở biển Đông, về đường lưỡi bò, vẫn có thể chứng minh một điều, những nhận định của chúng ta về dã tâm của họ chưa bao giờ sai lầm. Khi còn nắm quyền, ba tôi vẫn cố gắng giữ một mối quan hệ ngoại giao mềm mỏng với họ. 
Năm 1961, khi Bác Hồ cử ba tôi đi dự Hội nghị Quốc tế Cộng sản vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô đang căng thẳng. Khi đó, Trung Quốc rất đơn độc, vì các nước khác đều ủng hộ Liên Xô. Chỉ có duy nhất đoàn Việt Nam do ba tôi dẫn đầu là có ý kiến ủng hộ Trung Quốc. Nhưng Đảng ta do ông đứng đầu không bao giờ cho phép ai có hành động xâm phạm chủ quyền đất nước này. 
– Đến nay đã 30 năm rồi sau ngày mất của TBT Lê Duẩn, anh có nghĩ, sự cứng rắn của cha anh là một trong những lý do mà sau này ông ít được nhắc đến? 
– Tôi nghĩ ba tôi là nhà lãnh đạo đất nước trong một giai đoạn lịch sử phức tạp và cam go của đất nước. Với nhiều ý kiến xung đột lẫn nhau. Thế nên, như tôi đã nói ban đầu, việc chấp nhận ông hay một bộ phận không chấp nhận quan điểm của ông, ủng hộ ông hay không ủng hộ ông cũng là điều tất yếu. Ba tôi không chịu nói, chịu kể về mình giống như một số người khác. 
Có những người có cả chục cuốn hồi ký, nhưng ông thì khác, ông không hề viết một cuốn sách nào kể về mình. Ông không bao giờ chịu giải thích để người ta hiểu hơn về những việc ông làm. Vì thế đến giờ, nhiều người chưa thực sự hiểu ba tôi như ông vốn có. 
Nhưng tôi tin, cuối cùng thì những sự thật lịch sử sẽ được sáng tỏ đến tận cùng, và người ta sẽ hiểu hơn về ông và những việc ông làm. Tôi vẫn nghĩ ba tôi là người thiệt thòi. Tất nhiên làm cách mạng thì phải chịu thiệt thòi. 
Chúng ta ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ, của các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hi sinh hạnh phúc riêng của mình vì đất nước. Nhưng ba tôi, người lãnh đạo có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của cuộc chiến ấy, đã ít được nhắc đến suốt một thời gian. Đó là điều mà lịch sử đã không công bằng với ông. Song tôi tin điều đó đang và sẽ được nhìn nhận công bằng hơn. 
– Và cảm giác của anh – một người con, như thế nào trong suốt giai đoạn ấy, giai đoạn mà tên tuổi ông ít được nhắc đến như thế? 
– Dĩ nhiên là tôi buồn. Không chỉ buồn cho cá nhân tôi, gia đình tôi. Vì tôi cho rằng đã có những việc, câu chuyện của ba tôi đã không được đề cập chính xác, đầy đủ, khoa học. Tôi cũng rất buồn và mãi trăn trở một điều, tại sao có những sự thật mà sau bao nhiêu năm chúng ta vẫn nhất định phải giấu kín? Và tôi cho rằng, đó không phải là cách hành xử khách quan, minh bạch và khoa học. 
– Nói thế thì hẳn là anh khao khát đến một ngày, tất cả tư liệu về cuộc đời của TBT Lê Duẩn, về những quan điểm cũng như quyết định của ông trong những thời điểm lịch sử và cả những đánh giá về vai trò của ông trong giai đoạn ông nắm quyền sẽ được công bố? 
– Đó chính xác là mong ước lớn nhất của tôi và những người thân trong gia đình suốt nhiều năm qua. Cha tôi và nhiều nhà lãnh đạo đất nước thời kỳ đó đã mất mấy chục năm trời. Và tôi không hiểu lý do vì sao, có những điều đến giờ này chúng ta vẫn cần giữ bí mật. 
Nhưng tôi nghĩ, những người làm công tác nghiên cứu, những người làm báo như chị, phải được tiếp xúc với những sự thật đó, để có cái nhìn chính xác và đầy đủ nhất về lịch sử. Và nhân dân cũng có quyền được biết, những nhà lãnh đạo của họ đã làm gì, đã ứng xử thế nào, trong những thời khắc lịch sử của đất nước. 
– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Trang