27 tháng 2, 2015

Khi quan không phải ‘phụ mẫu’ mà là ‘công bộc’

Có thể nói, tư duy “công bộc” chính là nền tảng cho nhà nước pháp quyền và nền tảng cho một nền hành chính hiện đại. 
Bài phỏng vấn đầu năm Ất Mùi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trên báo điện tử Vietnamnet có đề cập: “không đổi mới được cán bộ thì không đổi mới được nền kinh tế” và “cải cách thể chế bắt đầu từ con người”. 
Thực tế trong nhiều năm qua, các giải pháp, chính sách mang tính kỹ thuật liên quan đến công chức, như vấn đề lương bổng, mô tả và phân loại vị trí công việc, tăng cường trách nhiệm giải trình của cá nhân... đã được đưa ra xem xét và thảo luận rất nhiều. Bài viết này xin đề cập đến một khía cạnh khác, liên quan đến hai chữ “công bộc”. 
Nguồn gốc của tư duy “công bộc” 
Không phải vô tình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ “công bộc” khi nói về thái độ và trách nhiệm của cán bộ công chức đối với người dân. Thuật ngữ này trong tiếng Anh là “public servant” hoặc “public employee”. Nó nhấn mạnh đến việc phục tùng lợi ích công cộng và đáp ứng nhu cầu của người dân, những người thực chất là chủ của bất kỳ chính quyền nào. 
Hiện nay, tư duy “công bộc” ở các nước phương Tây là phổ quát và được khởi xướng bởi những nhà tư tưởng lớn từ vài thế kỷ trước, mà tiêu biểu là John Locke và Jean-Jacques Rousseau với những tư tưởng nền tảng về “Nhà nước đại diện – Representative Government”, “Sự đồng thuận của những người bị trị - The Consent of the Governed” hay “Khế ước xã hội – Social Contract”. 
Nội hàm của các khái niệm này tựu chung là sự công nhận quyền lực cao nhất trong xã hội thuộc về người dân, những người cùng nhau đồng thuận lập ra nhà nước để điều hành xã hội, nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình và cộng đồng. Một ví dụ minh hoạ cho tư tưởng này ở Việt Nam là quyền phúc quyết của người dân đối với hiến pháp được ghi trong bản Hiến pháp năm 1946.
Ảnh minh họa. Nguồn: Zing News
Từ những tư tưởng nền tảng này, hoạt động của chính quyền và nhiệm vụ của cán bộ công chức ở các nước tiên tiến được thể chế hoá trên tinh thần “phục vụ” và chịu trách nhiệm trước những người bầu ra mình và đóng thuế để đảm bảo sự tồn tại và hoạt động của chính quyền. 
Chức năng chính của chính quyền các cấp được tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ công cho người dân và chịu trách nhiệm về những sản phẩm mà mình làm ra, như chất lượng đường xá, dịch vụ phòng cháy chữa cháy, cung cấp nước sạch, xây dựng công viên, đảm bảo an ninh xã hội, v.v… Thay vì can thiệp vào nền kinh tế thị trường, thì chính quyền tập trung vào việc đảm bảo chất lượng các dịch vụ công. 
Chính quyền đô thị trên dựa trên nền tảng tư duy “công bộc” 
Mô hình thí điểm “Chính quyền đô thị” cho TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang được đề xuất xem xét và thông qua là một phương thức quản trị công dựa trên tư duy “phục vụ” của chính quyền. Cơ chế là chính quyền thu thuế, phí của người dân trong khu vực dân cư mình quản lý, nhưng phải chịu trách nhiệm về chất lượng và số lượng các dịch vụ công. 
Thực chất là, chính quyền được người dân uỷ thác để tổ chức cung cấp các dịch vụ công nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng này của họ. Khi đó, các công chức, viên chức trong chính quyền là những người được bầu ra và tuyển dụng để “phục tùng” những đòi hỏi chính đáng của người dân. 
Tuy nhiên, để mô hình này có hiệu quả thì phải dựa trên một cơ chế trách nhiệm giải trình dân chủ. Như mô hình của các nước tiên tiến, một hội đồng chính quyền thành phố được người dân trực tiếp bầu ra, và chịu sự giám sát của những người bầu ra mình. Hội đồng này sẽ lại giám sát các phòng ban của chính quyền trong việc cung cấp các dịch vụ công. Người dân có quyền không bầu lại những dân biểu trong khoá trước không đáp ứng được kỳ vọng của mình. Đúng như tư tưởng “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, người dân xây dựng, đóng góp lập ra chính quyền thì người dân cũng có quyền “phế truất” những cán bộ lãnh đạo không làm tròn trách nhiệm thừa hành quyền lực của dân. 
Tuy duy “công bộc” và cải cách hành chính 
Quay trở lại cơ sở cho cải cách hành chính ở nước ta, chỉ khi nào phương châm: chính quyền, cán bộ công chức là công bộc của dân; phục vụ và chịu sự giám sát của dân trở thành chủ đạo trong tư duy quản lý nhà nước thì khi đó công tác cải cách hành chính mới có thể thành công được. 
Ở Việt Nam tư duy cán bộ công chức là những người làm quan, là “phụ mẫu” của dân, là người ban phát ân huệ – một sản phẩm của những thời kỳ trước - vẫn còn đè nặng vào hệ thống quản trị công. Những biểu hiện cửa quyền, hách dịch và coi thường người dân của không ít cán bộ công chức đều bắt nguồn từ tư duy này. 
Có thể nói, tư duy “công bộc” chính là nền tảng cho nhà nước pháp quyền và nền tảng cho một nền hành chính hiện đại. Vì nhà nước pháp quyền dựa trên nguyên tắc pháp luật là tối thượng; mà pháp luật trong một xã hội dân chủ là do người dân uỷ quyền cho các cơ quan đại diện mình (quốc hội) xây dựng và thông qua. Do đó, xây dựng nhà nước pháp quyền tức là thể chế hoá việc công nhận quyền lực tối cao của người dân. Suy cho cùng, để có thể có nhà nước pháp quyền thì trước tiên phải thống nhất tư tưởng quyền lực nhân dân là tối thượng, chứ không phải là bất cứ một lực lượng chính trị xã hội nào. 
TS. Đặng Văn Huấn (Đại học Portland State, Hoa Kỳ)

Thời nào lãnh đạo trọng hiền tài, quốc gia sẽ thịnh

Là một trí thức, Nguyễn Trãi tin rằng sự thịnh suy hưng phế của các quốc gia, các triều đại xưa nay đều do con người tạo nên, không phải do mệnh trời hay do lẽ tuần hoàn của tạo hóa.
Bình Ngô Đại cáo, bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của Việt Nam, được Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi, người sáng lập triều đại Hậu Lê, công bố vào năm 1428, sau khi quét sạch giặc Minh, là một áng hùng văn kiệt tác bất hủ của Nguyễn Trãi, một nhà văn, nhà thơ, một chiến lược gia chính trị quân sự xuất chúng của mọi thời đại. Sử không cho biết chính xác năm Nguyễn Trãi gia nhập lực lượng kháng chiến do Lê Lợi lãnh đạo, nhưng nhiều tư liệu xác định ông không có mặt trong Hội thề Lũng Nhai do Lê Lợi tổ chức để khởi nghĩa (1416).
Theo Đinh tộc ngọc phả, mãi đến năm 1423, bảy năm sau ngày Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi mới đến bái yết Bình Định Vương Lê Lợi. Nhưng từ khi có ông, cục diện kháng chiến chống Minh đã thay đổi. Thực hiện những kế sách của Nguyễn Trãi, lực lượng kháng chiến đã liên tục giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nguyễn Trãi giỏi sử dụng chiến thuật dùng yếu đánh mạnh, dùng ít đánh nhiều và là một nhà tâm lý chiến đại tài. Ông là người đề xuất và thực hiện một mưu kế nổi tiếng vừa làm nản lòng quân xâm lược, vừa xây dựng niềm tin cho tướng lĩnh, binh sĩ và nhân dân ta là dùng mật ong viết lên lá rừng tám chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” cho kiến đục thành lỗ khiến quân Minh nghi là có thần giúp.
Tuy nhiên, các tướng lĩnh như Lê Sát, Phạm Vấn… (những người đã vào sinh ra tử cùng Lê Lợi trong buổi đầu kháng chiến) rất bất bình, cho là Nguyễn Trãi kiêu ngạo không coi họ ra gì. Đinh Liệt đứng ra hòa giải bằng cách yêu cầu sửa lại là “Lê Lợi vi quân, bách tính vi thần” (Lê Lợi là vua, trăm họ là bề tôi). Mối hiềm khích giữa Nguyễn Trãi, một người thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt (ông là cháu ngoại quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, thuộc tôn thất nhà Trần) và các công thần nhà Lê vốn xuất thân là những nông dân áo vải, đã nảy sinh từ lúc đó và có thể đó cũng là mầm mống di họa cho ông sau này.
Nguyễn Trãi đã dành trọn tâm huyết của cả một đời để viết Bình Ngô Đại cáo, lời bố cáo khắp thiên hạ của hoàng đế nước Nam. Văn phong của ông trác tuyệt, lời lẽ sắc bén hơn gươm đao, khí thế mạnh mẽ, hùng tráng hơn cả vạn binh, thấm đượm tình yêu nước, thể hiện ý chí độc lập tự cường, khí phách kẻ cả không hề nhún nhường kém cạnh với cường quốc phương Bắc, uy vũ hiên ngang mà vẫn giữ phong độ trang nghiêm văn hiến, càng đọc càng thấy lòng tự hào dân tộc trỗi dậy bừng bừng.
Nhưng đó không chỉ là một bản tuyên ngôn thể hiện niềm tự hào về lịch sử lẫy lừng hàng ngàn năm của Đại Việt, tán thán công lao dựng nước giữ nước của tiền nhân và của hoàng đế đương triều, tuyên dương mạnh mẽ chủ quyền độc lập thiêng liêng, chính thống và bất khả xâm phạm, sự toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc văn hóa dân tộc Đại Việt, ghi nhận chiến công oanh liệt hiển hách của các tướng sĩ trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, mà còn chất chứa cả tấm lòng của một trung thần muốn nhắc nhở những người lãnh đạo triều đại mới một điều cốt tử trong sự nghiệp bảo vệ vương triều, bảo vệ chủ quyền độc lập và xây dựng đất nước: đó là cần phải trọng dụng người hiền tài.
Ngay trong phần mở đầu của bản Tuyên ngôn nhằm khẳng định chủ quyền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và nền văn hóa phong tục khác biệt giữa Đại Việt và Trung Hoa, Nguyễn Trãi đã viết hai câu cuối có ý nghĩa rất sâu sắc: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Mới đọc qua, người đọc có thể chỉ nghĩ rằng đây là một nhận xét phù hợp với thực tế lịch sử, vì đúng là các triều đại nối tiếp nhau của hai nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng nhân tài hai nước thì thời nào cũng xuất hiện.
Tuy nhiên, phân tích kỹ ý nghĩa của phần mở đầu, mới thấy hai chữ hào kiệt dùng ở đây là chỉ hào kiệt nước Nam. Nguyễn Trãi muốn nhắn nhủ người láng giềng phương Bắc rằng dân tộc Đại Việt thời nào cũng sản sinh ra anh hùng hào kiệt đủ tài năng bảo vệ đất nước, đừng uổng công phí sức âm mưu chiếm đoạt. Hàm ý trong hai câu này tương tự nội dung bốn câu thơ trong bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất của Lý Thường Kiệt “Sông núi nước Nam, vua Nam ở, Rành rành định phận ở sách trời, Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm, Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Ngẫm đi ngẫm lại, chúng ta lại phát hiện một nghịch lý trong hai câu “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Vì sao đất nước thời nào cũng sản sinh ra anh hùng hào kiệt lại có lúc yếu lúc mạnh? Hiển nhiên là các triều đại Nam Bắc xưa nay nối tiếp nhau có lúc thịnh, lúc suy và sự thịnh suy đó không xảy ra cùng lúc, nên nhận xét của Nguyễn Trãi “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau” là hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu câu này đúng, chẳng lẽ câu “song hào kiệt đời nào cũng có” lại chỉ là một lời khoa trương? Chẳng lẽ đất nước đã có anh hùng hào kiệt mà vẫn yếu, vẫn suy hay sao? Vì sao anh hùng hào kiệt lại không thể làm đất nước cường thịnh?
Bình Ngô Đại cáo là tuyên cáo của một hoàng đế nước Nam cho khắp thiên hạ, lời của hoàng đế phải là lời chân thật, quân bất hý ngôn. Nguyễn Trãi là một học giả uyên bác, trong đoạn mở đầu ông đã viết “Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu” thì câu kết “song hào kiệt đời nào cũng có” là một hệ quả tất yếu hợp lẽ. Đại Việt có nền văn hóa lâu đời, dân trí cao, khí thiêng sông núi hùng mạnh bền vững thì đương nhiên thời nào cũng có nhân tài xuất hiện.
Truyền thuyết dân gian kể rằng khi được vua Tàu cử sang làm Thái thú Giao Châu (tên gọi của nước ta khi còn bị Bắc thuộc), Cao Biền thấy xứ này long mạch rất vượng, tất phát đế vương ngàn đời, nên có dã tâm muốn phá, thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả tảng lập đàn cúng tế để lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch, nhưng cuối cùng cũng không thành công. Tuy chỉ là truyền thuyết, nhưng một dải giang sơn Đại Việt nằm dọc bờ Biển Đông từ đó nổi tiếng là nơi địa linh nhân kiệt.
Nếu nhận xét ở cả hai câu đều đúng, chúng ta cần tìm ra ẩn số để giải mã nghịch lý này? Ẩn số đó phù hợp với mọi thời đại, mọi quốc gia, ngày trước cũng như bây giờ. Thời nào mà người lãnh đạo quốc gia biết trọng dụng hiền tài, quốc gia sẽ thịnh trị, còn thời nào hiền tài bị bỏ phế, đất nước phải suy vong.
Là một trí thức, Nguyễn Trãi tin rằng sự thịnh suy hưng phế của các quốc gia, các triều đại xưa nay đều do con người tạo nên, không phải do mệnh trời hay do lẽ tuần hoàn của tạo hóa. Ông mong muốn vị hoàng đế sáng lập triều đại Hậu Lê hiểu rằng muốn xây dựng đế nghiệp vững bền, quốc gia dân tộc cường thịnh khiến ngoại bang không dám dòm ngó thì phải thực thi chính sách chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài. Ông đã gửi gắm tâm sự của ông qua những lời lẽ thiết tha bày tỏ tấm lòng cầu hiền như khát nước của Lê Lợi trong thời kỳ kháng chiến qua những câu sau đây:
Lại ngặt vì:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Nhân tài như lá mùa thu
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc
Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả
Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi…
Trong kháng chiến, nhờ có nhân tài mới đánh đuổi được quân xâm lược thì trong hòa bình, càng cần nhân tài nhiều hơn để xây dựng và bảo vệ đất nước. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, khi lãnh đạo quốc gia biết trọng dụng nhân tài, hiền sĩ khắp nơi sẽ theo nhau mà đến. Trọng dụng nhân tài là một quốc sách lâu dài làm cho nước Nam cường thịnh, đó chính là tâm huyết của Nguyễn Trãi khi viết Bình Ngô Đại cáo cho Lê Lợi.
Nhưng Lê Lợi thiển cận, chỉ nghĩ đến việc bảo vệ vương triều mà không xem lợi ích quốc gia làm trọng. Ông nghi kỵ và bức hại công thần. Nguyễn Trãi chỉ được phong chức Nhập nội Hành khiển, không phải là chức quan đầu triều mặc dù công lao ông rất lớn, chưa kể ông còn bị nghi ngờ trong vụ án Trần Nguyên Hãn, bị cánh trọng thần như Lê Sát, Phạm Vấn… gièm pha, đả kích, bị tước bỏ quốc tính, phải từ quan. Đến đời Lê Thái Tông, ông được vời ra làm Gián nghị Đại phu nhưng vẫn không được tin dùng để thi thố tài năng nên cáo lão về quê ẩn dật. Về sau lại bị vướng vào án oan Thị Lộ, bị xử uống thuốc độc chết, cả nhà bị tru di tam tộc. Mấy mươi năm sau, khi Lê Thánh Tông lên ngôi, ông mới được giải oan, phục hồi danh dự.
Đỗ Nghị, một vị quan triều Hậu Lê, đã cảm thương cho ông: Nhà Lê sở dĩ lấy được thiên hạ đều do sức ông cả. Tiếc thay trời chưa muốn bình trị thiên hạ, cho nên cuối cùng ông vẫn chỉ làm chức Hành khiển Đông đạo, không được dùng hết hoài bão của mình; việc đó không phải là không may cho ông, mà chính là không may cho sinh dân đời Lê vậy.
Thật không có nhận xét nào đúng hơn.
Theo Huỳnh Bửu Sơn(Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)

Vì đâu nhiều thứ ở VN... đi ngược thế giới

Nhìn ra các nước láng giềng trong cộng đồng ASEAN, có thể nói là người Việt bận rộn hơn rất nhiều. Ra đường ai cũng vội vàng và hình như người nào cũng thấy là mình bận bịu và vội hơn kẻ khác.

Ai cũng thấy mình phải được ưu tiên
Người nước ngoài khi ghé thăm Việt Nam, nếu không ở lại lâu hay tìm hiểu kỹ một chút chắc sẽ nghĩ với những con người vội vã và nhiệt tình đi lại trên các con phố đông đúc kia, giấc mơ thành một con rồng châu Á của nước Việt chắc sẽ sớm thành hiện thực.
Nhìn ra các nước láng giềng trong cộng đồng ASEAN, có thể nói là người Việt bận rộn hơn rất nhiều. Ra đường ai cũng vội vàng và thấy mình bận bịu hơn kẻ khác nên ai cũng muốn chiếm thế thượng phong trong các điểm nút giao thông. Không phải thời chiến nhưng ai cũng luôn trong trạng thái xông lên phía trước. Nếu bạn chậm trễ một chút mà chưa kịp di chuyển khi đèn xanh xuất hiện thì hàng chục tiếng còi sẽ vang lên để nhắc bạn rằng thời gian quan trọng như thế nào và rằng bạn đang lãng phí "vàng bạc" của chính mình cũng như của nhiều người khác.
Nếu xét về các rủi ro có thể gặp phải so với thời gian tiết kiệm được nhờ vượt đèn đỏ thì có thể khẳng định giá trị tuyệt đối trên một đơn vị thời gian của người Việt thuộc diện cao nhất thế giới. Ảnh: VTC
Nhiều người không chỉ vội vã khi ra đường mà còn tất bật ở tất cả những nơi, những sự kiện có đông người tham gia. Vậy là chen lấn, xô đẩy, cướp giật (nhất là trong các lễ hội đầu xuân). Khi đó ai cũng thấy là mình quan trọng hơn, đáng được ưu tiên hơn do mình đang vội hơn người khác.
Ở các TP lớn, sẽ không lấy gì làm lạ khi một cô gái trẻ hay một chàng thanh niên thản nhiên cắt ngang một dòng người đang xếp hàng hay đề nghị người đứng trước cho mình làm thủ tục trước vì ”tôi đang rất vội” trong khi chẳng quan tâm người được đề nghị kia có vội như mình không!
Nơi công cộng thì ai nấy vội vã như vậy, song khi kết thúc hành trình thì mọi người có hồ hởi và khẩn trương bắt tay ngay vào công việc không?
Buổi sáng, đa phần vội vã phóng xe đến công sở để chậm rãi ăn sáng, nhâm nhi trà đá, café ngay cổng cơ quan trước khi đun nước, pha trà và tán gẫu tại nơi làm việc.
Chiều về, khi hòa vào dòng người giao thông, họ thay nhau bấm còi inh ỏi để vượt lên trước. Có rất nhiều người ăn vận lịch sự nhưng sẵn sàng vượt đèn đỏ nếu vắng bóng CSGT. Khi thấy họ tất bật trên đường hẳn nhiều người phải thốt lên rằng: “có lẽ đây là một người cha thương con, một người chồng yêu vợ và một người đàn ông có trách nhiệm đang vội vã về với gia đình!”.
Trên thực tế điểm đến của nhiều người đang vội vã phóng xe kia lại là những quán bia nơi họ có thể ngồi lỳ hàng mấy tiếng đồng hồ cùng những bầu tâm sự không bao giờ cạn(!)
Vì 'đi chậm thì mất miếng'?
Có thể ai đó thấy chuyện này là bình thường và “thường ngày ở huyện”, nhưng nếu nhìn nhận nó với một lăng kính khác – hiệu suất lao động thì đây lại là một điểm yếu chết người của chúng ta.
Tại sao? Bởi vì chúng ta đang làm ngược và đi ngược lại những gì được cho là nguyên tắc của Quản trị nhân lực. Trong giao thông cần phải từ tốn thì chúng ta lại vội vã, trong khi đó nơi công sở cần phải làm việc hăng say thì chúng ta lại cứ đủng đỉnh. Dân ta cũng dành quá nhiều thời gian cho các cuộc nhậu vốn gây lãng phí và ảnh hưởng tiêu cực cả về thể chất lẫn tinh thần!
Nguyên nhân thực sự có rất nhiều, từ vấn đề thế chế, giáo dục cho đến văn hóa, tất cả cộng hưởng để tạo nên một xã hội ồn ào, vội vã với hiệu suất lao động tương đối thấp – nếu không muốn nói là quá thấp.
Về góc độ văn hóa, nhiều ý kiến cho rằng chuyện người Việt luôn vội vã có nguồn gốc từ quá khứ nghèo khó của đa phần dân chúng. Khi đại bộ phận người dân còn sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp – vốn rất bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết và thiên nhiên, thì chuyện thiếu thốn lương thực trong giai đoạn từng được gọi là “tháng 3 ngày 8” (giáp hạt) có lẽ thường xuyên xảy ra, đặc biệt là tại các cộng đồng Miền Bắc và Miền Trung nơi thiên nhiên khắc nghiệt hơn.
Thiếu thốn lâu ngày đã tạo nên một tâm lý trong các thành viên cộng đồng, đó là luôn có cảm giác bấp bênh và lo lắng cho tương lai. Do không được dư giả lắm nên mỗi khi có các hoạt động cộng đồng, thường xảy ra hiện tượng hàng hóa không đủ chia cho tất cả. Ví dụ khi hội làng thì con lợn quá bé lại gầy; sân đình làng quá nhỏ khiến mọi người phải chen chúc.
Thiếu thốn về nhiều mặt trong đời sống xã hội đã khiến cho mọi người luôn cần phải khẩn trương nếu không muốn thiệt thòi. Muốn xem hát chèo thì phải vội vàng đi sớm kẻo sẽ hết chỗ; muốn có cân thịt ngon thì cần phải dậy từ mờ sáng.
Khi Hà Nội còn thưa dân, phương tiện giao thông ít thì hầu hết cư dân nơi đây luôn sống khoan thai, chậm rãi và không quá lo lắng. Ngày nay xe cộ đã nhiều lên bội phần nhưng đường xá vẫn chẳng mở mang là bao nên dân chúng bỗng trở nên vội vã vì nỗi sợ “thiếu thốn”.
Buổi sáng cuối tuần, ta có thể bắt gặp tại những quán café đông đúc (có vị trí thoáng, đẹp) nhiều người trong bộ dạng thư thái đang đọc báo và nhâm nhi ly café. Nhìn sự chậm rãi và đủng đỉnh của họ khi ngồi đợi những giọt café tí tách rơi, ít ai biết rằng họ vừa trải qua một hành trình vất vả, và phải phóng nhanh vượt ẩu hòng đến sớm để có được một chỗ ngồi ưa thích tại đây!
Chuyện phải vội vã di chuyển, không chịu nhường nhịn, thậm chí ganh đua của nhiều người sẽ không cần bàn nếu như họ phải làm vậy do sức ép công việc hoặc vì một mục tiêu lớn lao ích nước lợi nhà. Rất tiếc là phần lớn trong chúng ta ganh đua và không nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông chỉ vì để nhanh chóng được thưởng thức một tô phở ngon với chỗ ngồi chật chội hay một ly café ở một góc phố yên tĩnh. Như vậy chúng ta chỉ thực sự vội vã khi phải hoặc cho rằng mình đang ganh đua với ai đó và nếu mình không nhanh thì chắc sẽ bị thiệt thòi.
Tư tưởng sợ thiếu, sợ hết phần này nếu như được vận dụng vào công việc để giúp chúng ta khẩn trương hơn trong thế giới đang cạnh tranh mạnh mẽ ngày hôm nay thì quả là hay biết mấy! Nếu cái sự ganh đua này mà mang ra thi thố ở tầm quốc tế thì có lẽ vị thế của nước Việt đã khác lắm rồi.
Tiếc là đa phần người Việt chỉ thích ganh đua trong một phạm vi hẹp, cụ thể là ở cấp độ làng, xã hoặc cấp độ tương đương, nơi họ chứng tỏ được vị thế và cái tôi của mình đối với những người xung quanh – phần lớn là biết nhau, thế là đủ. Đây có thể xem là một nguyên nhân khiến cho nhiều thứ ở xứ ta luôn khác hoặc ngược với thế giới.

Biết cách ganh đua, Việt Nam đã khác lắm rồi

Có vẻ như người Việt rất thích hợp và dễ có khả năng thành công trong môi trường minh bạch có sự cạnh tranh và ganh đua cao – nơi họ nhận được đúng những gì mà công sức đã bỏ ra cùng nền tảng quản trị công bằng.
Dễ 'biến đổi' theo hoàn cảnh
Việc rất nhiều người có xu hướng chỉ quan tâm để thành công trong phạm vi một cộng đồng nhỏ nên khi đã có cái gì đó rồi thì phần đông sẽ tự hài lòng và không phấn đấu nữa. Phải chăng tâm lý này đã phần nào chi phối các chủ DN Việt khi họ quyết định bán doanh nghiệp của mình cho nước ngoài sau bao năm vất vả gây dựng tên tuổi. Với những người làm công ăn lương thì kiểu gì cuối tháng tôi cũng lĩnh lương với một số tiền đã biết và nó chắc chắn là của tôi rồi nên không việc gì phải vội, phải gấp gáp làm việc cho mệt đầu, mệt sức…
Cũng thật lạ, đó là vẫn những con người này, nhưng nếu có cơ hội ra nước ngoài là họ trở nên siêng năng, cần cù và đạt hiệu suất rất cao - có thể chứng thực bởi nhiều cộng đồng Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài với hơn 10 tỷ USD kiều hối mỗi năm qua các kênh tài chính chính thức.
Có vẻ như người Việt rất thích hợp và dễ có khả năng thành công tốt hơn trong môi trường minh bạch có sự cạnh tranh và ganh đua cao – nơi họ nhận được đúng những gì mà công sức đã bỏ ra cùng nền tảng quản trị công bằng. Câu hỏi ở đây là (i) “Cần làm gì để môi trường trong nước có thể khuyến khích hay sử dụng đúng thế mạnh của người dân”? (ii) “Làm thế nào để người Việt khoan thai hơn khi đi lại và đạt hiệu suất cao hơn trong công việc”, và (iii) “Liệu chúng ta có thể tự tin bơi ra biển lớn”?
Để giấc mơ Việt vươn được ra biển lớn, cần có những đổi mới.
Trước hết, trên khía cạnh giáo dục. Cần thừa nhận rằng tính ganh đua cao sẽ hạn chế ít nhiều khả năng làm việc nhóm. Do vậy, việc này cần được giải quyết bởi các can thiệp thông qua giáo dục ngay từ ghế nhà trường. Trên thực tế thì dường như ngược lại.
Trong mấy chục năm qua, mô hình “trường chuyên, lớp chọn” đã tạo nên rất nhiều thế hệ “gà nòi” để các huyện, các tỉnh và cả ở cấp quốc gia mang đi thi đấu với mục tiêu ganh đua thành tích. Chuyện này sẽ rất tốt nếu sau khi có thành tích những học sinh được cho là xuất sắc đó được tiếp tục bồi dưỡng để tạo nên một “đội ngũ” trí thức có trình độ cao và cùng nhau làm việc vì mục tiêu chung thay vì để cho từng cá nhân tự mò mẫm tìm lấy con đường của riêng mình ở các phương trời khác nhau và chưa bao giờ phát huy được hết tiềm năng cho đất nước.
Bệnh thành tích của nền giáo dục nước nhà còn góp phần tạo nên một môi trường giáo dục vốn chỉ cốt học được nhiều kiến thức để đi thi cho thật tốt chứ không hề chú trọng đến việc rèn luyện thể chất, kỹ năng sống cho học sinh, mặc dù chúng ta đều nhận thấy tầm quan trọng của các kỹ năng bị cho là thứ yếu này trong cuộc sống và công việc.
Sự thiếu hụt các kỹ năng “mềm” đã phần nào khiến người Việt khó hòa nhập khi đi ra bên ngoài. Nên mới có chuyện nếu làm một mình thì người Việt là những cá nhân xuất sắc, nhưng khi là một tập thể, chúng ta lại không thể tổng hợp được sức mạnh của tất cả mọi người…
Tính phản vệ cao với cái mới
Để tất cả mọi người có thể làm việc và phát huy khả năng của mình, cần nhìn thẳng vào vấn đề với tinh thần cầu thị và trách nhiệm. Tư duy nhiệm kỳ cùng căn bệnh thành tích cần được loại bỏ. Dân chúng sẽ nhớ tới và biết ơn một ai đó vì đã định hướng, nuôi dưỡng và đào tạo những đội ngũ trí thức và lực lượng lao động có kỹ năng tốt cùng môi trường thế chế tiến bộ để nâng tầm và vị thế quốc gia chứ không phải vì các chỉ tiêu mỗi năm cần bao nhiều giải quốc tế, cho ra lò bao nhiêu TS nhưng lại không biết làm thế nào để sử dụng họ hiệu quả.
Bên cạnh những hạn chế, cạnh tranh và ganh đua chính là động lực phát triển. Chúng ta đang rất cần một nền tảng thể chế minh bạch để mỗi cá nhân cạnh tranh và khẳng định mình trong tương quan với cả cộng đồng cùng vai trò điều phối hợp lý của nhà nước vì mục tiêu phát triển. Hãy tạo cơ hội cho mọi người ganh đua nhằm tìm ra chân lý chứ không phải để phủ định nhau. 
Hiệu suất lao động sẽ rất khó cải thiện chừng nào vẫn còn tình trạng việc ít, người nhiều trong các cơ quan công quyền. Khi “trách nhiệm giải trình” vẫn còn là một thuật ngữ trừu tượng với nhiều người và nhất là đội ngũ cán bộ thì mọi việc sẽ vẫn chỉ dừng lại ở mức cầm chừng.
Về mặt vĩ mô, rất cần những thay đổi về mặt chính sách để có được một môi trường xã hội nơi tạo ra các cơ hội việc làm bình đẳng và công khai cho mọi người – Nơi ai cũng có thể “ganh đua” để chứng tỏ mình, để phát huy tối đa trí tuệ và khả năng của mình (một khi được tuyển dụng) để phục vụ cho mục tiêu chung đồng thời được đãi ngộ xứng đáng trên nền tảng Nhà nước pháp quyền.
Thay đổi một đặc tính văn hóa không phải là việc dễ và có thể làm được ngay. Tính phản vệ cao với cái mới - nhất là các yếu tố ngoại lai và chậm thay đổi của văn hóa Việt về mặt nào đó đã giúp chúng ta đứng vững trước sức ép đồng hóa của những nền văn hóa được xem là mạnh hơn trong cả ngàn năm qua.
Tuy nhiên bối cảnh ngày hôm nay đã khác xa, và với dân số hơn 90 triệu, Việt Nam không thể sống một mình cũng như tự ru ngủ với một lịch sử oai hùng cùng một gia tài khiêm tốn. Dễ hài lòng với những thành công nhỏ và bó mình trong những giấc mơ con trên những chiếc giường hẹp đang cản bước tiến của chúng ta. Hãy khoan thai đi lại trên những con phố, nhưng cần phải vội hơn nhiều lần nữa để có thể lái con tàu Việt Nam hướng ra biển lớn.
Với vai trò quản trị của mình, Nhà nước cần quyết liệt và mạnh tay giải quyết những vấn đề đang được xem là “quốc nạn” như tham nhũng và chạy chức chạy quyền – nhằm lấy lại niềm tin của dân chúng, trước khi có các chính sách nhằm huy động sức mạnh tiềm ẩn của toàn dân. Hãy để cho những người nước ngoài đến Việt Nam không chỉ vì cảnh quan tươi đẹp mà còn để hiện thực hóa giấc mơ của họ.

MỘT HIỆN TƯỢNG ĐÁNG LO NGẠI

Đào Tiến Thi

Vào những dịp cuối năm và đầu năm, tôi thường có những việc phải về quê, nhân đó mà chứng kiến hoặc nghe kể biết bao cảnh “xuống” (theo cách nói của Tản Đà) của xã hội làng quê truyền thống. Ngoài những sự tranh giành, chém giết mà báo chí thường nêu, tôi thấy hiện tượng này mới thực sự đáng lo ngại: ĂN NHẬU và VUI TRÀN CUNG MÂY (tạm gọi như vậy) đến phát sợ. Có thể kể một số biểu hiện sau:
1. Đám ma, đám cưới, khao thọ, giỗ chạp mỗi ngày một to, thủ tục mỗi ngày một rườm rà và thêm những biến tướng mới. Ví dụ: đám ma kéo dài thêm thời gian quàn thi thể người chết để làm được nhiều các trò cúng tế; đám cưới thì cưới hai lần cho những người sinh vào các năm Đinh, Nhâm, Quý, để tránh phải đi “hai lần đò”[1],…
2. Ngày càng có thêm các cuộc gặp gỡ để ăn nhậu: hội đồng niên, hội đồng ngũ, hội những gia đình ba con, năm con,… Có gia đình riêng mùa cưới hỏi giỗ chạp năm nay đã phải bán đi 7 tạ thóc để chi cho việc đi ăn cỗ.
3. Lượng rượu, bia uống mỗi ngày một nhiều. Kiểu uống “nhâm nhi” của các cụ xưa gần như không còn nữa. Thay vào đó là kiểu “nốc” rượu: nốc chúc nhau tại mâm rồi lại mỗi người lần lượt cầm cái chén đi chúc các mâm, đều uống theo cách “nốc” một phát/ một chén rồi bắt tay - cái tay dính lem nhem thức ăn. Chúc một vòng, rồi lại vòng nữa, vòng nữa…
4. Số người bệnh ung thư và bệnh tâm thần mỗi ngày một nhiều. Cũng có một số người cảm thấy nguyên nhân từ rượu nhưng điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến các cuộc vui tràn cung mây.
5. Trong mâm rượu người ta gần như không nói chuyện chính trị - xã hội như ngày trước, mà chỉ nói những chuyện lên chức lên “lon”, chuyện về các “con” xe, “con” di động,... Rồi thì thơ phú tuôn ra rào rào trong các cuộc gặp gỡ này.
Những hiện tượng trên diễn ra một cách tự phát. Một số người cũng thấy “chướng” vì vừa tốn kém tiền của và thời giờ lại vừa lố bịch. Nhưng chẳng ai “dại” mà chống lại dòng nước lũ này. Có người chê trách nhà khác là xa hoa, rởm đời, nhưng đến lượt nhà mình lại làm như vậy, có khi còn hơn.
Những điều kể trên, trước mắt, nó làm người dân hoang tưởng rằng cuộc sống đang “nở hoa”, đang ngày càng thịnh vượng, từ đó quên đi các chuyện bức xúc, vô lý, khổ đau có thật. Và nhất là nó làm người ta bận rộn, đam mê việc làng đến quên đi việc nước. Dân quê vốn thiết thực. Đầu óc họ còn lúc nào mà để ý chuyện biển đảo của đất nước đang ngày càng bị đe doạ nữa. Còn về lâu dài, nó làm cho con người Việt Nam dần dần mất gốc và bại hoại cả thể xác lẫn tinh thần. Đến thời điểm nào đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh có thể thò tay mà nhúp nước Việt Nam dễ dàng.
Điều lạ là những việc như thế ngày trước (thời bao cấp, thời nguyên vẹn tính chất XHCN) chính quyền, đoàn thể can thiệp rất sát sao. Chính quyền thậm chí còn cấm ăn uống trong các đám cưới. Đám nào cố tình, có khi dân quân đến tịch thu cả rượu thịt đã bày ra mâm. Nhưng ngày nay, chính quyền, trong khi vẫn rất hà khắc trước những hành động đấu tranh của nhân dân, thì các hiện tượng xuống cấp văn hoá trên lại được buông, được làm ngơ, được coi là “bình thường”.
Quan niệm sai? Sự vô trách nhiệm? Hay còn có gì đó thuộc bề sâu của vấn đề còn ẩn khuất?
Xin kể thêm mấy câu chuyện để chúng ta cùng suy nghĩ.
Mới đây trong một cuộc liên hoan, tôi ngồi cùng một vị cựu quan chức, người ta hỏi sao ông ngoài bảy mươi mà trông lại tráng kiện hơn trước, thì ông ấy nói rằng, do ông tập pháp luân công (PLC). Khi ngà ngà say, ông ấy bảo: “Các vị biết vì sao Trung Quốc nó cấm PLC không? Là vì PLC làm cho con người khoẻ mạnh, cường tráng, tinh thần minh mẫn. Người ta sẽ rủ nhau theo hết PLC. Tập Cận Bình có lần nói rằng “PLC tranh hết quần chúng của Đảng là vì thế”.
Tôi được nghe mấy năm vừa qua, có rất nhiều phóng viên các báo đi Trường Sa. Mục đích chuyến đi tất nhiên là tìm hiểu, thăm hỏi, động viên chiến sỹ giữ gìn biển đảo. Tuy nhiên, cảm giác của nhiều phóng viên khi về lại là sự thất vọng. Thất vọng vì cảnh thiếu thốn và cả tinh thần thiếu tin tưởng của các chiến sỹ quân đội ta. Và dư âm để lại cho nhiều phóng viên sau chuyến đi là: ta không thể đấu với Trung Quốc được!
Mới đây TP. Hà Nội chủ trương cho bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân chứ không chỉ bắn vào những ngày lễ trọng đại của đất nước. Khi Dư luận phản đối thì một vị quan chức – ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội giải thích: “Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa, những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó, những cái vất vả luôn đeo bám cuộc sống của họ bấy lâu nay”.
Cả sự vui vẻ nhố nhăng lẫn sự chán nản, thất vọng đều làm tiêu mòn nguyên khí quốc gia. Những người cầm quyền ấu trĩ, dốt nát hay thờ ơ vô trách nhiệm, hay thậm chí chủ tâm cứ để mọi sự tự phát phát triển để dân chúng dần dần mất gốc và bại hoại cả thể xác lẫn tinh thần cho dễ cai quản, lèo lái? Tôi chưa kết luận là cái nào. Nhưng dù thế nào thì hậu quả của nó cũng là có hại vô cùng. Và cái nguy hại mang vẻ rất riêng của nó là: một quá trình mất nước từ từ khiến đa số không quan tâm.
Các triều đại phong kiến xưa cũng như các nước đế quốc trong thời kỳ tìm đất thực dân, nhìn chung, họ khuất phục các dân tộc khác bằng vũ lực, sau đó mới nô dịch bằng văn hoá, tinh thần; tuy nhiên lịch sử cũng cho thấy nó có thể diễn ra bằng một số con đường khác. Nhà thơ Inrasara (Việt Nam nhìn từ huyền thoại ít được biết đến, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 3 – 4/2015) cho rằng quá trình mở cõi của người Việt về phía Nam được tiến hành bằng cả hai phương thức: bằng gươm và bằng mỹ nhân. Ngoài Huyền Trân công chúa, về sau còn có các công chúa khác như Ngọc Khoa, Ngọc Vạn tiếp bước “mượn màu son phấn đền nợ Ô, Ly”, góp phần hoàn tất quá trình Nam tiến của người Việt. Nhưng rõ ràng người Việt chỉ thực hiện được điều này bởi có những ông vua Chăm ham sắc (và coi thường nhân dân) đến độ đánh đổi cả lãnh thổ quốc gia. Sự đồi bại về văn hoá và tinh thần của người Việt Nam hôm nay, thiết nghĩ là đã vô hình tạo điều kiện để nhà cầm quyền Bắc Kinh thôn tính bằng sức mạnh mềm.
Để phân tích tìm ra nguyên nhân và hậu quả các hiện tượng trên cần có sự khảo sát, nghiên cứu kĩ hơn. Tuy nhiên, một điều có quy luật là: Nước mất nhưng văn hoá, tinh thần còn thì vẫn có điều kiện để khôi phục độc lập. Nhưng mất văn hoá, mất tinh thần dân tộc là mất gốc, dù hiện tại chưa mất nước nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mất nước rất cao.
[1] Thời xưa, những người tin thuyết số mệnh cho rằng “Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài/ Gái Đinh, Nhâm, Quý phải hai lần đò”. (Hai lần đò: hai lần lấy chồng). Để hoá giải điều này, khi cưới, người ta tổ chức hai lần đưa rước dâu, trong đó một lần mang ý nghĩa tượng trưng (chắc là để đánh lừa quỷ thần). Nếu chỉ có thế thì cũng không đáng trách lắm, chỉ hơi mệt cho thủ tục đưa rước dâu. Tuy nhiên ngày nay, nhiều cặp hôn nhân làm hai,ba thậm chí bốn lần đám cưới và đưa rước dâu ở hai ,ba,bốn lần cách xa nhau, tất cả đều là thật một trăm phần trăm. Như thế sự ngu muội đã đến cực điểm.

Ba con số chấn động đầu năm

Tác giả: Hà Văn Thịnh
KD: Chắc chắn là ít có nước nào, khi đã có đến 817 nhà tạm giam, tạm giữ mà vẫn còn thiếu đến hàng vạn chỗ để giam giữ các đối tượng chưa bị xét xử(!) Và, có lẽ, cũng là một trong những nước có tình trạng buôn bán ma túy giống như bán khoai khô…(Hà Văn Thịnh).
Kinh khủng- thời của những trại giam. Khi nhìn vào những con số trại giam, trại tạm giam, số cảnh sát…, sẽ hiểu con người của XH đó bị tha hóa đến độ nào, XH đó đứng ở đâu trong môi trường chung của nhân loại.
———–
Tháng Hai, đối với người Việt là tháng của tết nhất, hội hè. Theo lẽ thường, phải đi kèm với rất nhiều niềm vui, sự thanh thản và những nụ cười… Thế nhưng, thật là đáng bàn khi ngay trong tháng Hai, 90 triệu người dân trong nước và hàng triệu đồng bào ta ở nước ngoài phải đọc, phải nghe, phải thấy không ít chuyện chẳng hề vui; trong đó ba con số dường như chẳng hề liên quan đến nhau, thật ra lại là điều đáng báo động ở cấp độ cao nhất ngay trong dịp đầu năm mới Ất Mùi…
Đầu tháng, tin cho biết cả nước đang cần đến 3.600 tỷ đồng để xây nhà tạm giam, tạm giữ vì thiếu đến 26.000 chỗ theo quy định (2m2/người, TT, 1.2.2015, 09:14 GMT+7).
Ngày 29 tết, một vụ bắt giữ ma túy lớn đến mức mọi trí tưởng tượng phải chào thua: Ngay trên đường cao tốc Thái Nguyên – Hà Nội, các cơ quan chức năng bắt giữ hai tội phạm đang vận chuyển 200 bánh heroin (khoảng 70kg, CAND, 09:22, 17.2.2015).
Mồng 3 tết, một tin chấn động mọi người Việt: Tính theo tỷ lệ, người Việt ở Anh phạm tội, bị cảnh sát Anh bắt giữ, đứng đầu thế giới với 136 người bị giam, chiếm 1,36%, có nghĩa là cứ 300 người Việt ở Anh thì có tới 4 người là tội phạm (Motthegioi, 15:07, 22.2.2015).
Đó là những con số nhức nhối, dù luận suy theo bất kỳ góc độ nào. Chắc chắn nước ta là một trong những nước có lực lượng cảnh sát đông đảo (tính theo tỷ lệ dân số). Cũng chắc chắn là ít có nước nào, khi đã có đến 817 nhà tạm giam, tạm giữ mà vẫn còn thiếu đến hàng vạn chỗ để giam giữ các đối tượng chưa bị xét xử(!) Và, có lẽ, cũng là một trong những nước có tình trạng buôn bán ma túy giống như bán khoai khô…
Theo cách loại suy thông thường, người bị tạm giam, tạm giữ vì thiếu chỗ lên đến hàng vạn thì tổng các loại tội phạm, ít nhất phải là con số hàng chục vạn(!) Nếu tính theo dân số, nước ta đứng ở vị trí thứ 14; vậy mà lại đứng đầu bảng về mức độ phạm tội ở nước ngoài (trong trường hợp này là ở Anh, một trong những nước có tỷ lệ phạm tội thấp) thì quả là xót xa.
Một điều cũng rất đáng quan tâm là theo số liệu chính thức được công bố, trong thời gian qua, “Hàng chục nghìn băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, đường dây mua bán vận chuyển ma túy đã được triệt phá, bóc gỡ (Tạp chí Cộng sản, 0:1’, 24.9.2014); thế nhưng, “Dự báo trong giai đoạn tới, tình hình tội phạm ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nghiêm trọng có xu hướng tăng” (TCCS, đã dẫn).
Báo cáo nghiên cứu trên của Viện Chiến lược và Khoa học Công an (Bộ Công an) không cho biết ‘thời gian qua’ cụ thể trong khoảng những năm nào; nhưng, nếu như sau khi hàng chục ngàn băng nhóm đã bị triệt phá và bóc gỡ mà tội phạm nghiêm trọng vẫn có xu hướng tăng thì, rõ ràng, cần phải có những giải pháp cấp bách để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm hiệu quả hơn.
Có một câu hỏi cần đặt ra: Phải chăng chúng ta đang chống lại tội ác từ ngọn mà quên mất rằng cái gốc của nó là sự xuống cấp về đạo đức, văn hóa; sự gian dối trong lối sống thực dụng “đề cao” chụp giựt, vô cảm mới là căn nguyên của vấn đề?
Đi kèm với các loại tội phạm là hình ảnh của người Việt dường như đang thực sự ít đẹp hơn trong cách nhìn của cộng đồng thế giới? 
Chuyện đáng buồn ở Anh không phải là hiện tượng đơn lẻ: Rất nhiều bảng cảnh báo về nạn ăn cắp bằng tiếng Việt treo ở Nhật, Hàn, Đài Loan… phản ánh rằng, chúng không nhắm vào người Mali hay Mông Cổ vì họ có biết tiếng Việt đâu(!)
Dù là đầu xuân, tết nhất vẫn phải nói bởi nếu cứ lảng tránh bằng cách dùng các uyển ngữ để AQ hóa vấn đề, để cứ bình chân như vại thì đúng là nguy hiểm. 
Từ xuống cấp đã được nói đi nói lại quá nhiều. Tại sao không tự hỏi cứ xuống cấp mãi thì sẽ xuống đến đâu mới dừng? Nếu không có giải pháp đúng về giáo dục, văn hóa, ngăn ngừa tội ác thì khi nào sẽ phải thay từ ‘xuống cấp’ bằng một từ “mới” một cách đớn đau?

Việt Nam nhiều tội phạm do đâu?

Tác giả: Luật sư Ngô Ngọc Trai (Gửi tới BBC từ Hà Nội)
KD: Bài viết phân tích bản chất các hiện tượng theo góc nhìn của tác giả. Tuy nhiên, xin biên tập một đoạn cho phù hợp tinh thần Blog KD/ KD
———–
Bài báo mới đây trên Vnexpress.net cho biết từ ngày 27 đến ngày mùng 4 tết có 5000 người nhập viện do đánh nhau.
Còn theo bài báo ‘Thiếu hàng chục ngàn chỗ giam giữ’ trên Tuổi trẻ thì cả nước đang cần đến 3.600 tỷ đồng để xây nhà giam giữ vì hiện còn thiếu đến 26.000 chỗ giam giữ theo quy định.
Báo cáo của Bộ công an cho biết năm 2014 cả nước đã khởi tố mới 77.913 vụ án, với 121.039 bị can. Trong đó có 25.934 vụ với 55.944 bị can liên quan đến tội phạm xâm phạm trật tự xã hội.
Và đòi hỏi ở người quyết sách phải có được năng lực tầm nhìn để thấy được những vấn đề cần ưu tiên giải quyết trước.
Đây là vấn đề cốt yếu nhất đòi hỏi ở giới lãnh đạo, bởi lẽ bây giờ người ta không ngu để đưa ra những đòi hỏi phi lý mà ngược lại ai cũng khôn ngoan đưa ra lý do bao biện cho bất kỳ một đề án nào.
Có thể khảo sát vấn đề xây dựng sân bay Long Thành làm một ví dụ.
Những người ủng hộ dự án này đã đưa ra hàng loạt lý do về sự cần thiết, nhưng khi gạt bỏ đi những lời lẽ đao to búa lớn khoa trương thì thấy rằng đây là dự án cho người giàu.
Người nghèo còn xa mới hưởng lợi từ dự án đó trong khi ngay trước mắt họ có nhiều vấn đề cấp thiết hơn.
Mặc cho số lượng người sử dụng dịch vụ hàng không tăng lên hàng năm thì xin hỏi rằng thực chất có bao nhiêu người gặp vướng mắc để thấy được nhu cầu cấp thiết phải xây thêm sân bay mới?
Số đó so với số dân chưa bao giờ đi máy bay hoặc số khách đi máy bay nhưng không thấy sự cần thiết phải xây thêm một sân bay mới, số nào lớn hơn số nào?
Và nếu vấn đề giải quyết được cân nhắc tính toán dựa trên sự đem lại lợi ích cho đa số thì khi đưa ra biểu quyết liệu dự án có được thông qua không?
Quay lại vấn đề tội phạm
Tội phạm nói chung và tội phạm xâm phạm trật tự xã hội nói riêng có thể nhận định phần lớn xuất phát từ tầng lớp dân nghèo.
Và khi thấy mình khó thoát vũng lầy tối tăm do không có ánh sáng niềm tin vào chính sách thì người ta sẽ cùng quẫy để mong thoát thân nhưng không ngờ lại chìm đắm nhanh hơn.
Sự cân bằng trong chính sách đầu tư phát triển sẽ giúp giảm thiểu những người bị bần cùng và mất niềm tin.
Cũng có nghĩa rằng từ bất công mà sinh ra tội phạm.
Rất nhiều người già ở nông thôn không còn khả năng lao động nhưng cũng không có thu nhập, vậy chính quyền có quyết sách gì chăm lo cho họ?
Người nông dân giờ bỏ ruộng rất nhiều vì thu nhập từ đồng ruộng quá ít ỏi, chính quyền có chính sách gì giải quyết vấn đề việc làm cho nông dân?
Đám thanh niên ở nông thôn chiếm số lượng rất lớn cần có việc làm và thu nhập, chính quyền có chính sách gì để xử lý thay vì để họ chìm đắm vào bia rượu và thể hiện mình bằng cách đánh nhau?

26 tháng 2, 2015

Đầu Xuân nói chuyện tử tế…

Hà Văn Thịnh 
Minh họa.
Mùa Xuân mới đã về. Trời đất đang thay đổi mỗi ngày sao con người cứ nỡ không biết, không hay? Nếu mỗi người chỉ cố gắng để tốt hơn một chút, đỡ vô cảm hơn một ít; nếu mỗi người lãnh đạo chịu lo cho dân hơn một tý, ít quan tâm đến tài sản của mình hơn một xíu – chỉ một xíu thôi, hẳn đất nước sẽ tốt đẹp hơn nhiều lắm. 
Trước tết, một người bạn đề nghị tôi viết bài bàn về sự tử tế của ngày xưa và ngày nay. Đề tài thật hay nhưng công việc bộn bề; nhưng, cái chính là thời điểm đó có quá nhiều chuyện để buồn nên không viết nổi... Bây giờ, tết Ất Mùi đã đến rồi, say thì cũng đã say, tỉnh thì mới tỉnh, có lẽ nên bàn một chút về cái màchuyện hàng ngày rất cần, đó chính là sự tử tế.
Một trong những "thành tựu” đầy tai họa của văn minh hiện đại là sự buộc phải ra đời của những cuốn sách đỏ, trong đó liệt kê về các giống loài có nguy cơ biến mất khỏi hành tinh bởi sự tàn sát không thương tiếc của loài người. Thế nhưng, ít ai để ý trong xã hội ngày nay, khi thói phô trương, trưởng giả, ích kỷ, vô cảm lên ngôi, rất đáng được đưa vào “sách đỏ” một điều tốt đẹp vô giá, có nhiều lắm thời cha ông chúng ta sống, sắp bị ‘tuyệt chủng” thời nay, đó là sự tử tế. 
Thật là buồn khi phải nói ngay rằng, thời đó, chỉ cách đây vài mươi năm, nhưng phải gọi là ngày xưa. Cái thời mênh mông tình người, chứa chan sự thanh bạch và ngay thật, luôn đầy ắp nhưng câu ca dao, mà chỉ cần đọc lên, ai cũng muốn hát ngay, sau khi con tim đã tự hát rồi. Chồng em áo vải em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người - Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn - Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng…
Thơ ca là ánh phản đủ đầy ‘tiếng hát’, lời tâm tình xao xuyến của những con tim, giống như chiếc gương văn hóa của con người, của thời đại. Những câu ca đó ‘sinh ra’ trong cái thời mà cha ông ta biết rõ ràng rằng ngủ trên chiếc giường có giá cả tỷ đồng luôn khắc khoải bởi những tính toan, chắc gì đã có giấc ngủ ngon hơn trên chiếc giường mộc mạc nhưng ngập tràn sự thanh thản, yên vui? 
Chuyện tử tế trong bi kịch trên là ở chỗ: Nó có nhiều ở khắp nơi nơi. Nếu anh không ‘vào guồng’, anh là con quạ trắng. Không ai lại muốn một đêm ngủ trên hai ba cái giường vì như thế có lẽ là khó ngủ, mất ngủ. Thế nhưng, điều giản dị đó đã và đang bị… sai? Thời bây giờ, có lẽ sẽ chẳng dễ gì tìm thấy trong một túp lều tranh nào đó, luôn có hai trái tim vàng của sự đồng cảm hiến dâng. Những câu hát sáng trong không có sự va đập lẻng xẻng của kim tiền quả là điều mà con tim bất lực trước giãi bày. 
Chuyện thời @ của ‘loài tinh tinh thứ ba’ (tác phẩm của Jared Diamond) đang sống ở Việt Nam nhiều không kể xiết cho dù ai cũng thuộc nằm lòng câu cảnh báo về cái thói trưởng giả học làm sang. Có một vị PGS.TS, nhà cách trường chỉ 200m nhưng vẫn mua một chiếc xe hơi để… cất và thi thoảng, mỗi năm về thăm quê một lần. Hỏi thì được trả lời rằng người ta có, mình phải có, nghèo thì hèn, ai chẳng nghĩ thế. Hàng chục thế hệ sinh viên đi qua cuộc đời người viết bài này, chưa khi nào tôi thấy có ai đó, trong lần gặp đầu tiên, không xét nét cái xe thầy đi, cái áo thầy mặc… Tuyệt không thấy ai quan tâm trước hết đến cái mà đầu thầy đang có, có giả như mái tóc sắp nhuộm không?
Dù có cảm thấy hơi khó nghĩ, khó nghe trong ngày đầu xuân, năm mới; chúng ta cũng phải cùng nhau chấp nhận rằng, nếu thực tế đúng như sử sách đã ghi thì trong mấy trăm năm nay, chưa có thời nào mà cái ác lộng hành ghê gớm thế, thói vô cảm đáng sợ thế, tính ích kỷ của con người lì lậm thế. 
Điển hình cho sự suy thoái văn hóa – đạo đức của xã hội là hai tầng lớp khó bị đồng tiền ‘chinh phục’ nhất, hai ‘kẻ’ bị gục ngã sau cùng nếu như đồng tiền chiến thắng đạo đức gần như tuyệt đối; và, cũng là hai ‘kẻ’ được cả xã hội tôn thờ nhất là thầy thuốc và thầy giáo. 
Vậy mà, hầu như chẳng có ngày nào thiếu vắng những chuyện tiêu cực của hai tầng lớp rất được vì nể này. Đó là minh chứng không thể bào chữa. Tất nhiên, lịch sử sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho một xã hội lầm lạc đã tạo ra những điều vô lý đắng cay... 
Nhìn rộng ra ngoài, ta không thể tự trả lời vì sao không thể nhường nhau một chút, một chút thôi của ánh mắt lỡ liếc xéo, hay lườm ngang vì nó bỗng dưng trở thành đầu mối của án mạng, thương tật. Tại sao không chịu dừng trước đèn đỏ, hay nếu có dừng thì chỉ cần bảng đèn báo còn 3 giây là cả chục con người lao vội về phía trước(!) Cách ‘chấp hành’ luật giao thông lấy lệ rồi ngay sau đó xông lên ngay để giành phần hơn (để làm gì?), chắc chắn là phản ánh cái sự tranh ăn, tranh thắng từ vô thức chứ không thể có cách giải thích nào hơn.
Câu hỏi làm thế nào để đổi thay (hay cứu vãn, ngăn chặn) chắc rằng chỉ có thể là, phảilàm lại từ đầu. Nếu như ở đâu cũng phải dối trá mới sống nổi thì làm sao có được sự chân thật, thẳng ngay? Chẳng hạn, cách đây mấy năm, người viết bài này được cấp kinh phí để thực hiện đề tài khoa học là 30 triệu đồng. Nếu thực làm, ít nhất phải có 100 triệu. Nếu chỉ làm cho có theo kiểu cắt, dán thì khoảng 3 triệu đồng. Quá hạn, bị kiểm điểm, PGS M. “dạy” tôi rằng, sao ông dốt thế, chỉ cần một tuần là xong? Phải suy nghĩ hàng tháng trời tôi mới đủ can đảm để trả lại tiền. Cả đơn vị bị mất thi đua và một rừng người trong HĐKH xúm lại lên án tôi không có khả năng nghiên cứu khoa học(?)
Chuyện tử tế trong bi kịch trên là ở chỗ: Nó có nhiều ở khắp nơi nơi. Nếu anh không ‘vào guồng’, anh là con quạ trắng. Mới đây, sau khi được phong PGS, một người bạn nói với tôi, chạy cái này vất vả lắm. Tôi hỏi, sao lại chạy. Anh ấy nhìn tôi như từ hành tinh khác đến rồi sõng sượt, "Cái gì mà chẳng phải chạy"? Rồi, anh ta giảng cho tôi nghe: Cách đây mấy năm đã phải “đầu tư” mời các GS đầu ngành vào dạy, dạy một, thanh toán gấp 3-4 lần, tiếp đón, quà cáp, bây giờ mới được đây...
Những ví dụ về cái chuyện phi tử tế của thời nay nhiều không kể xiết. Làm thế nào để đổi thay? Đây là câu hỏi khó nhất đời nhưng buộc tất cả chúng ta phải trả lời. Nếu không trả lời ngay bây giờ thì sẽ là quá muộn khi đạo đức tuột dốc như khẩu pháo ở Điện Biên năm nào: Hàng vạn Tô Vĩnh Diện cũng chẳng thể nào chèn cứu được. 
Nguy cơ còn lớn hơn nữa nếu người lớn ngày một xấu hơn, tham nhũng ngày một trầm trọng hơn thì tấm gương xám xịt đó sẽ là cái đích mịt mờ cho lũ trẻ noi theo, mà chẳng có giải pháp nào của giáo dục có thể cứu vãn nổi. Cái lo nhãn tiền thấy rõ mà xã hội vẫn cứ dùng dằng, các nhà chính trị vẫn cứ thích nói dối nhiều hơn nói thật thì quả là chí nguy. 
Rất may là vẫn còn đâu đó những gương mặt sáng trong để chúng ta thỉnh thoảng nhìn nhau mà cảm động theo cái cách muôn đời, kiểu như, bị tai nạn nhưng may mà chưa... nặng lắm! Có một người cởi áo mặc cho tên trộm trốn dưới hồ, lạnh quá nên phải chui lên; lại có một người nhặt được mấy chục triệu đồng đem trả lại; rồi lại có một người tử tế được dân thương, dân quý đã ra đi... Những điều tốt đẹp ấy là ‘những ngôi sao buổi sớm’ để cho lòng tốt mong mỏi, hy vọng.
Mùa Xuân mới đã về. Trời đất đang thay đổi mỗi ngày sao con người cứ nỡ không biết, không hay? Nếu mỗi người chỉ cố gắng để tốt hơn một chút, đỡ vô cảm hơn một ít; nếu mỗi người lãnh đạo chịu lo cho dân hơn một tý, ít quan tâm đến tài sản của mình hơn một xíu – chỉ một xíu thôi, hẳn đất nước sẽ tốt đẹp hơn nhiều lắm. 
Đầu năm, thay vì ngàn lời chúc liên quan đến tài, đến lộc; ta hãy chúc cho nhau sẽ tử tế hơn thì đẹp biết bao. Chỉ xin bạn một điều nho nhỏ: Hãy nhường cho đồng loại vài ba giây để chờ cái đèn đỏ tắt đi, rồi đèn xanh sáng lại, hãy qua đường. Phải. Đó là màu xanh đang hiện hữu khắp đất trời...

Việt Nam cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận Biển Đông

Ông Nguyễn Tấn Dũng: "Việc Trung Quốc việc cải tạo, xây dựng công trình phá vỡ nguyên trạng tại một số đảo, đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là vi phạm điều 5 của DOC mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, và trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết những vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, đã được ký nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2011).”
Trung Quốc tập trận hải quân quy mô trên Biển Đông nhiều lần hàng năm nhằm đe dọa các nước láng giềng tranh chấp biển đảo. (Hình: Internet)
HÀ NỘI (NV) .- Hà Nội cáo buộc Bắc Kinh vi phạm các nguyên tắc đã thỏa thuận với các nước ASEAN và với lãnh đạo CSVN về giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.
"Việc Trung Quốc việc cải tạo, xây dựng công trình phá vỡ nguyên trạng tại một số đảo, đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là vi phạm điều 5 của DOC mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, và trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết những vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, đã được ký nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2011).”
Trong văn bản trả lời chất vấn của một đại biểu quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, nói như vậy. Dịp này, ông cho hay Việt Nam đã trình bày lập trường nhiều dịp khác nhau những năm qua tại các cuộc họp quốc tế cũng như qua các tuyên bố của Bộ Ngoại Giao.
"Lập trường của chúng ta là kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện DOC, chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự”. Trang mạng chinhphu.vn thuật câu trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội.
Cho tới nay, Hà Nội chỉ đưa ra các lời phản đối suông nên Bắc Kinh vẫn ngang nhiên lấn tới bằng những hành động cụ thể. Tin tức trong năm qua và cả trong đầu năm nay cho thấy Bắc Kinh đã hút cá đá lòng biển nới rộng đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa và biến các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo.
Theo ghi nhận của tổ chức thông tin an ninh quốc phòng quốc tế Jane's Defense căn cứ trên các không ảnh của Airbus, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang làm ở Trường Sa có diện tích lớn gấp ba đảo Thái Bình là đảo thiên nhiên lớn nhất hiện do Đài Loan chiếm đóng.
Không những vậy, các đảo nhân tạo không những có cầu cảng cho tàu biển mà còn đủ dài đủ lớn cho cả phi trường và phi đạo.
Tuy Trung Quốc ngang nhiên vi phạm thỏa thuận nguyên tắc giải quyết tranh chấp, ngày 13/2/2015, ngoại trưởng CSVN điện đàm với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, vẫn chỉ hô hào "tăng cường các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước; kiểm soát và giữ vững ổn định trên biển, duy trì quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững".
Trước đó hai ngày, tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chúc tết sớm lẫn nhau. Báo chí CSVN thuật tin này vẫn thấy ông Trọng kêu gọi "hai bên cần tăng cường hơn nữa hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, củng cố hữu nghị; đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; duy trì hòa bình, ổn định, đàm phán, trao đổi chân thành để giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển Đông theo tinh thần các thỏa thuận đã đạt được và phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế; đưa quan hệ Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định."
Trong một cuộc phỏng vấn của báo Wall Street Journal, ông James Hardy, chủ bút tuần báo Jane's Defense khu vực Á Châu, cho rằng hành động biến các bãi đá ngầm thành các đảo nhân tạo của Trung Quốc "là một chiến dịch tính toán kỹ lưỡng và có phương pháp để tạo ra một chuỗi pháo đài có khả năng cả về không quân và hải quân nằm ngay giữa quần đảo Trường Sa".
Theo lời ông Hardy, các cơ sở trên các đảo nhân tạo đó nhiều phần sẽ là các căn cứ tiếp vận cho lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc tuần tiễu ở khu vực. Đây là các bước đi cốt lõi nếu Trung Quốc muốn thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như rất nhiều chuyên gia phân tích từng nhận định.
Họ đều cho rằng Trung Quốc cứ lấn tới, tạo ra các căn cứ lớn trên các đảo nhân tạo như các sự việc đã rồi, trước khi tiến đến những thỏa thuận về quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn rất mơ hồ về các lời tuyên bố “Đường 9 đoạn” chiếm gần hết Biển Đông. (TN)

NHỮNG NGƯỜI CẦM QUYỀN TRUNG CỘNG COI NGƯỜI VIỆT NAM RA SAO?

Khải Nguyên

Cách nay gần bốn mươi năm, Đặng Tiểu Bình đã nói công khai ở Băng Cốc, Thái Lan, rằng “Việt Nam là một lũ côn đồ” và “cần dạy cho một bài học” trước khi xua quân tràn qua toàn tuyến biên giới xâm lăng nước ta. (Vậy mà vừa “lập lại quan hệ bình thường Việt Trung” năm 1990, trên giá các hiệu sách ở ta đã có ngay cuốn sách dịch “Đặng Tiểu Bình cha tôi” và trên các phương tiện thông tin đại chúng không hiếm các lời lẽ tôn ông ta!).
Tưởng lối coi khinh nước “đàn em cùng ý thức hệ” chỉ phọt ra công khai những lúc quá say máu đại bá thôi, còn thì khôn ngoan ém nhẹm dưới cái vỏ bọc “16 chữ” và “4 tốt”, vân vân chứ! Nhưng không! Xin mời đọc những dòng dưới đây củaAlan Phan, một Việt kiều Mĩ vẫn quan tâm đến “nước cũ”, chắc là không thuộc loại “thế lực thù địch” hay “chống cộng cực đoan”.
"Rơi Lệ Ngày Quốc Khánh"
Alan Phan
“Không ai có thể chạy trốn khỏi những hệ quả từ lựa chọn của mình – Nobody ever did, or ever will, escape the consequences of his choices – Alfred Montapert”
Tôi quay về lại Saigon vào ngày đại lễ 2/9 của Việt Nam. / … / Một người bạn gởi 1 bài viết của tác giả Nguyễn Hoa Lư về “ngậm ngùi rơi lệ” đăng trên báo Tuổi Trẻ (tiếc là đã bị rút xuống). Tôi gần làm rớt chiếc IPad khi đọc đến đoạn này:
“Một quan chức cao cấp của Ban Tuyên giáo T.Ư, ông Vũ Ngọc Hoàng, đã có một phát biểu gây ấn tượng mạnh: “Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng”.
“Đây là lần đầu tiên tôi nghe một quan chức Việt không nổ về những thành tựu vĩ đại qua những con số vĩ đại thực hiện bởi những con người vĩ đại…nói nôm na là tại sao mỗi ngày chúng ta phải tự hào …vì cả nhân loại đều phải công nhận là người Việt hạnh phúc nhất thế giới. Ngay cả trong chiến tranh, cái loa tuyên giáo đã rỉ rả cả chục năm về hiện tượng một ông Mỹ nào đó (tượng trưng cho đa số người Mỹ) vừa ngủ dậy là …mơ ước được làm người Việt Nam.
“Đây là lần đầu tiên một quan chức Việt…rơi lệ. Sau 1 chục năm lui tới nơi đây thường xuyên, sau gần 40 năm “chờ sáng”, sau khi đọc về lịch sử Việt cận đại qua 70 năm … tôi cũng rơi lệ theo ông.
“Thực ra, chuyện làm ô sin của người Việt không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc. Nếu ông quan chức tính sổ toàn diện con số người Việt đang được xuất khẩu lao động (kể cả tại nhiều nước nghèo tệ hại ở châu Phi) hay số người bán thân làm vợ cho các ông nông dân Đài Loan, Trung Quốc … hay số người Việt vượt biên trái phép qua các tổ chức xã hội đen tại Nga, Đông Âu … cái “xót lòng” của ông chắc còn lớn lao hơn nhiều. /…/
“Tôi còn nhớ vào khoảng 1997, tôi đại diện cho một tập đoàn đa quốc thực hiện một phi vụ khá lớn với cơ quan truyền thông trung ương của Trung Quốc. Tất cả các sếp lớn nhỏ của Bộ đều đồng thuận và chỉ chờ chữ ký của ông Trưởng Cơ Quan. Ông này viện dẫn đủ lý do để hoãn binh; nhưng rồi cũng ký sau khi cho tôi chờ hơn 9 tháng.
“Vài tháng sau, khi đã làm việc và quen nhau hơn, tôi tò mò hỏi ông về lý do chần chừ? Ông nói, “Trong tất cà các dân tộc trên thế giới, tôi ghét nhất là người Việt Nam. Khi họ báo cáo về gốc Việt Nam của anh, tôi đã cố gắng giết dự án bằng đủ cách”. “Nhưng ông đổi ý?” “ Gặp anh nhiều lần sau đó, tôi thấy anh là một thằng Mỹ con toàn diện, nên tôi OK”. Tôi biện bạch, “Luôn luôn có người Mỹ tốt và xấu, người Trung tốt và xấu, người Việt tốt và xấu chứ?”
“Các dân tộc khác thì đúng vậy. Nhưng người Việt là một bầy chuột. Một con chuột tốt là một con chuột chết.” Tôi im lặng chuyển đề tài. Và suy nghĩ về những lần qua Việt Nam chơi trước đó. Phần lớn các quan chức, đại gia, COCC (Con Ông Cháu Cha, -KN chú)…đang nhìn Trung Quốc với cặp mắt khâm phục, ngưỡng mộ và thèm thuồng. Mao Chủ Tịch là một thánh nhân Trời cho xuống để ban phước lộc cho nhân loại và Đặng Tiểu Bình là thần tượng của 99% người Việt. Cho đến ngày hôm nay, tôi nghĩ rằng 95% đảng viên vẫn thề trung thành với 16 cái tốt vàng gì đó về ông láng giềng.
“Albert Camus nói, “ Life is a sum of all your choices” (tạm dịch: cuộc sống là gộp các lựa chọn của anh, -HB) Có lẽ vì chúng ta luôn luôn xứng đáng với lựa chọn của mình.
“Tôi không biết ông Vũ Ngọc Hoàng giữ chức vụ gì trong Ban Tuyên Giáo? Tôi cũng không biết các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam suy nghĩ thế nào về lời nói của ông? Tuy nhiên, nhận xét này của ông cũng cho tôi và các bạn BCA một tia hy vọng nhỏ nhoi. Rằng nếu một người biết thì mười người sẽ biết. Dần dà, cả triệu người sẽ biết. Sau một giấc ngủ dài, lúc nào cũng sảng khoái khi vừa thức giấc.
“Tuy nhiên, tôi cũng biết rõ gần như là một nguyên lý ở Việt Nam: ở đây, thất vọng nhiều gấp triệu lần hy vọng”. (những chỗ tô màu là của người viết bài này).
* Người Việt Nam làm ăn kém, nước Việt Nam tụt hậu, ngày càng tụt hậu ngay cả với những nước cách nay chưa lâu ngang mình, thậm chí kém mình, nên bị coi thường, cái đó đáng đau lòng, đáng xấu hổ đã đành, song chẳng trách ai được, bởi tự mình, do mình. Đến như bị coi là “bầy chuột” (không phải bầy chuột tham nhũng mà chủ tịch nước Trương nói tới) cả một dân tộc bởi “ông anh ý thức hệ” thì “than ôi!”. 
Có người sẽ nói: đó chỉ là một quan chức. –Nhưng quan chức ấy có quyền lực; và chẳng phải bỗng dưng, cũng chẳng tự riêng mình ông ta “nổi hứng”, nó phải là “đinh ninh” từ lâu trong giới cầm quyền Bắc kinh rồi. 
(Lại) có người sẽ nói: đó là bọn chóp bu, chưa phải là dân Tàu tất cả. Phải! Dân Tàu, cũng như các dân tộc khác, nói chung biết điều, trọng lẽ phải, lẽ đời; song le, với chính sách ngu dân, nhất là cách nhồi sọ chủ nghĩa dân tộc đại Hán, thì chẳng dễ mà nghĩ đúng, nghĩ tốt. Họ cũng chẳng dễ mà tỉnh ngộ sự thật ngoài vòng thao túng của giới cầm quyền!
Tất nhiên là cũng tại người Việt chúng ta có “sao đó”(dù chỉ do một bộ phận nào đó) họ mới dám có ý nghĩ ấy và ném ra những lời như vậy. Và cũng tất nhiên chỉ người Việt chúng ta mới “giải” được những lời độc địa như những lời nguyền này cùng những tai tiếng khác mà những người Việt đi ra nước ngoài hoặc ở nước ngoài cảm thấy thấm thía trước tiên..

Việt Nam: Văn hóa thấp ắt gây ra bạo lực

Tác giả: theo BBC Tiếng Việt
Ba nguyên nhân, bối cảnh chính gây ra tình trạng này là việc phát triển kinh tế thị trường không gắn liền với phát triển văn hóa, pháp luật chưa nghiêm minh và người dân mất lòng tin vào hệ thống pháp quyền dẫn đến việc tự giải quyết những mâu thuẫn riêng; và cách quản lý, thực thi các chính sách văn hóa thiếu hiệu quả- Gs Trần Ngọc Thêm..
Các bác sỹ cho rằng phần lớn các ca đánh nhau là do va chạm giao thông hoặc say rượu bia
Trong dịp Tết Nguyên đán, đã có hơn 6.200 người phải nhập viện do đánh nhau, và ít nhất 15 người tử vong, theo Tuổi Trẻ dẫn báo cáo của Bộ Y tế. Phóng viên ảnh Đoàn Bảo Châu gọi đây là con số “khủng khiếp và cho thấy đây là vấn đề nghiêm trọng của xã hội Việt Nam”.
“Tôi tin rằng hàng ngày trong xã hội Việt Nam chúng ta vẫn luôn có những xô xát kiểu như vậy. Có xô xát nhưng người ta không thống kê đấy thôi, và tôi nghĩ con số cũng sẽ rất lớn,” anh nói trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt hôm 25/02.
Theo phóng viên và cũng là nhà văn, nguyên nhân chính là do nền “giáo dục giáo điều” không mang được những bài học thiết thực của cuộc sống vào trong giảng dạy, không đào tạo cho học sinh các kỹ năng sống.
Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu văn hóa học từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử chỉ là cái ngọn, không phải gốc rễ của vấn đề.
Theo Giáo sư Trần Ngọc Thêm, “việc con người trở nên hung bạo hơn là tình trạng chúng ta đã chứng kiến từ nhiều năm nay rồi.”
Trong đó, ba nguyên nhân, bối cảnh chính gây ra tình trạng này là việc phát triển kinh tế thị trường không gắn liền với phát triển văn hóa, pháp luật chưa nghiêm minh và người dân mất lòng tin vào hệ thống pháp quyền dẫn đến việc tự giải quyết những mâu thuẫn riêng; và cách quản lý, thực thi các chính sách văn hóa thiếu hiệu quả.
Ông Thêm phân tích, trong bối cảnh kinh tế thị trường, chủ nghĩa duy vật chất lôi kéo con người, trong khi đó yếu tố tinh thần, yếu tố đạo đức, vai trò của tinh thần đạo đức cũng được nói đến nhiều, nhưng mới chỉ ở mức chính sách, văn kiện mà chưa có biện pháp để chấn chỉnh để đưa vào thực tế.
“Kinh tế, dù là kinh tế thị trường hay kinh tế kiểu gì đi nữa, thì kinh tế và văn hóa phải đi đôi với nhau, sự giàu có phải đi cùng với trí tuệ và bản lĩnh,” Giáo sư Thêm nói.
Tác giả tiểu thuyết Khói cũng cho rằng, văn hóa thấp là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực, do thanh niên ngày càng ít được tiếp xúc với sách vở, nghệ thuật.
Nhưng với giáo sư Thêm, người ta vẫn chưa hiểu thật đầy đủ khái niệm văn hóa. Sách vở chỉ là những biểu hiện của văn hóa, còn giá trị sâu xa hơn đằng sau đó là giá trị tinh thần, mà trên hết, là giá trị con người, giá trị đạo đức, giá trị sống.
“Giá trị con người [ở Việt Nam] đã bị xuống cấp một cách rất nghiêm trọng, cái đó thì mọi người cũng đã đều thấy và các nghị quyết của Trung ương cũng đã khẳng định, thì đấy mới là cái quan trọng, cái văn hóa mà chúng ta cần quan tâm.”
Báo cáo của Bộ Y tế do báo Tuổi Trẻ trích dẫn một trong những nguyên nhân gây xô xát trong dịp từ ngày 27 tháng Chạp tới ngày Mùng 4 Tết là rượu say, tuy nhiên, phóng viên ảnh lại coi rượu chỉ là một chất xúc tác, một kiểu ‘đồng phạm’, và chỉ có phần nào vai trò trong toàn bộ vấn đề.
‘Tự xử’
Người dân tự giải quyết mâu thuẫn vì không còn tin vào hệ thống pháp luật?
Trả lời câu hỏi của BBC hôm 25/02 về việc liệu thói quen ‘tự xử’ của người Việt có phải xuất phát từ cuộc chiến tranh nhân dân, và nay đến thời bình, người dân cũng được khuyến khích, tuyên dương bắt cướp, viện sỹ Trần Ngọc Thêm nói:
“Một trong những nguyên nhân mà sở dĩ Việt Nam thắng được là nhờ sự linh hoạt, sự tham gia của toàn dân. “Nếu như sức sáng tạo tự phát để chống giặc ngoại xâm đó lại tiếp tục duy trì trong thời bình thì rất nguy hiểm, nó sẽ dẫn đến tình trạng vô tổ chức không quản lý được.”
Thêm vào đó, “ranh giới giữa thế nào là tốt, thế nào là xấu, thế nào là được, thế nào là không được thì không có ranh giới cụ thể gì để phân biệt.
“Trên thực tế thì nhiều trường hợp trình báo không mang lại kết quả, thậm chí người trình báo còn phải chịu phiền hà thêm nên mới dẫn đến chuyện tự xử.
Rượu chỉ là đồng phạm, một loại xúc tác làm tăng cường cảm xúc của người ta, không phải nguyên nhân chính dẫn tới các vụ đánh nhau.
Đoàn Bảo Châu, phóng viên ảnh, nhà văn
“Trong vụ trộm chó chẳng hạn, nếu công an làm việc tốt để bảo vệ tài sản của người dân, trong trường hợp này là con chó, và xử lý những kẻ trộm chó một cách thỏa đáng, thì đã không có cảnh cả một làng kéo ra để đánh, để giết kẻ trộm chó dã man như vậy.”
Anh Đoàn Bảo Châu thì phân tích, việc trải qua nhiều lần chiến tranh có thể giúp người Việt Nam có ưu điểm là “trở thành những chiến binh rất tốt”, nhưng có thể đây cũng chính là điều khiến việc sử dụng bạo lực Việt Nam đã trở thành “thói quen”.
Và trong khi phóng viên ảnh cho rằng sẽ còn mất rất nhiều thời gian, công sức và cần có khối lãnh đạo dám nhìn thẳng vào sự thật thì Việt Nam mới có thể cải thiện được văn hóa, Giáo sư Thêm lại lạc quan hơn, ông tin Việt Nam sẽ cải thiện được những giá trị tinh thần trong tương lai.
Một trong những cách giải quyết là xây dựng hệ giá trị định hướng văn hóa, mà các nước Đông Nam Á đã xây dựng được từ nhiều năm nay.
“Công cuộc hội nhập hiện nay, toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhìn chung là được, hay bị chi phối bởi văn hóa phương Tây khá nhiều. Cho nên các quốc gia ở những khu vực càng có nhiều khác biệt so với văn hóa đô thị, văn hóa công nghiệp của phương Tây càng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi hệ giá trị.”
Và điều quan trọng nhất, là phải có được hệ thống pháp luật nghiêm minh, công bằng, khiến người dân tin tưởng, tôn trọng pháp luật, “không dám lờn với pháp luật nữa”. “Thực sự người Việt Nam hoàn toàn không phải đến mức không thay đổi được,” theo Giáo sư Trần Ngọc Thêm.

Tết… choảng nhau và những điều đáng suy ngẫm

Tác giả: Nhà văn Trần Nhã Thụy (Tuổi trẻ & Đời sống)
Không buồn sao được, khi chỉ trong mấy ngày Tết, số người đánh nhau đến mức phải nhập viện cấp cứu lên đến con số hàng ngàn. Cụ thể là hơn 6.200 người. Nếu làm một phép so sánh thì con số này vượt mức quân số của 2 trung đoàn (mỗi trung đoàn là 3.000 người). Và nếu làm một phép liên tưởng trong chiến tranh, chỉ mấy ngày mà có đến 2 trung đoàn thương binh thì thấy khủng khiếp như thếnào.
Tai nạn dịp tết gia tăng
Có đến hơn 6.200 người phải nhập viện do đánh nhau, trong đó có 15 người tử vong, đó là những con số theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế vừa công bố. Điều đáng lưu ý là số người nhập viện và tử vong kia chỉ diễn ra trong một tuần lễ ăn Tết cổ truyền (từ 15 đến 22 tháng 2, tức từ 27 tháng Chạp đến mồng 4 Tết)
“Có đạt lục Guinness thế giới về… Tết choảng nhau”?
Buổi sáng đầu năm mới, khi cùng các đồng nghiệp ngồi bên bàn cà phê, chúng tôi đã hỏi nhau một câu… trớ trêu như vậy.
Tất nhiên là ai cũng biết đây là câu hỏi đùa giỡn cho vui. Nhưng đằng sau câu hỏi “cho vui” này, tôi thấy thực chất là chúng tôi đang “cho buồn” lẫn nhau. Không cố ý, nhưng người đầu tiên đặt câu hỏi ấy như vừa gắp bỏ “hòn than cháy” nỗi buồn vào lòng mỗi người. Mà không buồn sao được, khi chỉ trong mấy ngày Tết, số người đánh nhau đến mức phải nhập viện cấp cứu lên đến con số hàng ngàn. Cụ thể là hơn 6.200 người. Nếu làm một phép so sánh thì con số này vượt mức quân số của 2 trung đoàn (mỗi trung đoàn là 3.000 người). Và nếu làm một phép liên tưởng trong chiến tranh, chỉ mấy ngày mà có đến 2 trung đoàn thương binh thì thấy khủng khiếp như thế nào.
Nhưng đây không phải là chiến tranh, đây là thời bình và đây là những ngày vui Tết cổ truyền dân tộc. Vậy thì hà cớ gì mà thiên hạ… choảng nhau ác liệt như vậy? Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế thì hầu hết các vụ đánh nhau đều do say rượu, va quẹt khi tham gia giao thông, cũng có khi là do thua bài bạc mà… nóng máu choảng nhau. Đặc biệt có nhiều vụ mà người nhập viện cấp cứu chính là người nhảy vào can gián những vụ đánh nhau, rồi bị vạ lây.
Tết say rượu và tai nạn giao thông là hình ảnh đau lòng trong ngày tết
Chúng ta có thể hình dung như thế này: Trong không khí vui Xuân, ăn Tết, tới nhà nào cũng ly bia chén rượu, khiến ai nấy đều… tê tê. Thông thường, khi say người ta nằm nghỉ ngơi hoặc đi ngủ, còn ngày Tết, say rồi vẫn cứ phải đi chúc Tết, chơi Tết. Thế là những gã say loạng quạng gặp nhau trên những “cung đường gió bụi”.
Những chiếc xe gắn máy lúc này như những con bò tót húc sừng vào nhau tóe lửa. Và những kỵ sĩ bắt đầu huơ chân múa tay lao vào nhau. Lúc này, như ông bà ta vẫn thường bảo là rượu nói chứ không phải người nói. Mà rượu nói thì thường rất khó lọt lỗ tai. Và thế là họ bay vào… choảng nhau. Lại nói như ông bà ta vẫn thường bảo là rượu nó đánh chứ không phải người đánh. Mà rượu đánh thì nó bốc lắm, khỏe lắm. Thế là gây tai họa.
Tôi dám cá rằng có đến 90% những vụ choảng nhau ngày Tết là do bia rượu. Còn lại là do thua bài bạc, dẫn đến mất kiểm soát, hoặc trừ khử lẫn nhau. Nhưng có một điều rất đáng suy ngẫm là: Đây đâu phải là lần đầu tiên chúng ta ăn Tết cổ truyền?
Người Việt đã ăn Tết Nguyên đán từ hàng ngàn năm nay. Người Việt từng có những cái Tết Nguyên đán tưng bừng rực rỡ. Người Việt từng có nhũng cái Tết Nguyên đán nghèo nhưng ấm áp. Người Việt cũng từng có những cái Tết xơ xác trong chiến tranh loạn lạc. Nhưng tôi chưa từng thấy sử sách nào chép lại người Việt lại có cái Tết choảng nhau với số người nhập viện kỷ lục như Tết này.
Không phải nói quá, đó là một nỗi hổ thẹn, nhục nhã, khi chúng ta ngoái nhìn ra nền văn minh thế giới. Và rồi tôi lại tự hỏi: Con số 6.200 người nhập viện và 15 người tử vong trong 7 ngày kia chỉ là con số thống kê được. Còn có bao nhiêu người choảng nhau mà không nhập viện? Bao nhiêu người đã chết trên đường du xuân mà chưa tìm được?”. Than ôi, Tết mà thảm cảnh vậy sao? Phải chăng tính bạo lực đang gia tăng ở người Việt?
Nghĩa trang tắc đường và những màn kung fu
Đánh nhau tại lễ hội Xuân 
Cũng trong bàn cà phê của buổi sáng đầu năm mới, chúng tôi được một anh bạn kể cho nghe câu chuyện Tết buồn quê anh. Theo lời anh bạn, thì Tết năm nay, làng quê anh bỗng dưng tràn ngập ô tô, là ôtô từ Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột… đổ về.
Những người con tha hương, nay làm ăn khấm khá, lái ôtô về làng. Cảnh ấy khiến trẻ con người già lạ lẫm. Theo tục làng thì sáng mồng 1 Tết, nhà nào cũng phải đi ra nghĩa trang viếng mộ. Và thế là buổi sáng mồng 1 Tết năm nay, lần đầu tiên nghĩa trang bị tắc đường.
Thật là một cảnh tượng chưa ai từng thấy. Một đoàn ôtô chen lấn xộc xệch, cố vượt lên trước để ra nghĩa trang. Và rồi có hai chiếc ôtô va quẹt vào nhau. Và rồi hai ông chủ mặc comple mở cửa xông vào nhau tung những cú đá kungfu.
Chúng ta cứ thử tưởng tượng đây là sáng mồng 1 Tết. Và như thông lệ thường niên, con đường ra nghĩa trang làng rất yên ả thanh bình, hầu hết là người đi xe đạp hoặc đi bộ. Những năm về trước nhiều cụ già còn khăn đóng áo dài tay cầm bó nhang bó hoa rảo bước trên con đường làng.
Thế nhưng năm nay, con đường này bỗng kẹt ôtô. Và khi màn kungfu của hai ông chủ trẻ diễn ra thì bất thần một chiếc ôtô chồm lên cày nát luôn cả hàng rào một vườn rau, tìm lối băng đi. Thấy có xe vượt lên thì những xe sau tiếp nối. Chủ nhà chạy ra đứng như trời trồng, miệng há hốc như cấm khẩu.
Anh bạn tôi cũng là người đi ra nghĩa trang vào buổi sáng mồng 1 ấy, nhưng may mắn là đi xe gắn máy cùng với một người cháu. Sau sự kiện mà anh gọi là “đau đớn” ấy, khuya hôm đó anh lặng lẽ đón tàu ngược Sài Gòn.
Tết quê và những nỗi buồn của tôi
Là một người yêu quê, thế nhưng, khi những ngày giáp Tết, nếu có ai đó hỏi tôi rằng Tết này có về quê không thì tôi buồn bã lắc đầu. Tại sao một người yêu quê say quê như tôi mà Tết lại không về? Câu trả lời của tôi là: Không có điều kiện để về.
Không có điều kiện tức là không có tiền. Đó xem ra là câu trả lời thỏa đáng. Thực ra là tôi đang nói dối. Tôi không nghèo tới mức không có tiền xe đò về quê. Thực tế thì càng ngày tôi càng ngán ngẩm Tết quê.
Điều ngán ngẩm đầu tiên của tôi chính là nạn nhậu nhẹt say sưa điên đảo. Là một người biết và thích rượu bia nhưng tôi không bao giờ cho rằng bia rượu là niềm vui tột cùng, là mục đích cuối cùng của đời người. Bia rượu chỉ là phương tiện, là chút “đưa cay” lâng lâng, tạo tình thân. Nhưng khi lạm dụng bia rượu, uống tới mức độ mất lý trí, uống tới độ biến người thành thú vật, thì tôi thấy thật sự kinh hoàng.
Khi về quê, tôi thích cùng những người thân đi lang thang vào thiên nhiên, ngắm cảnh đẹp, thăm viếng người già. Nhưng càng ngày tôi thấy mình không có bạn đồng hành. Rất nhiều bạn bè tôi vừa “rớt” xe đò, vừa “rớt” máy bay là độ nhậu, hết nhậu hải sản tới nhậu thịt rừng, hết thịt rừng thì nhậu gà thả vườn, hết gà vườn thì ra đồng bắt cá… Nói chung tất cả những sinh hoạt vui chơi ngày Tết đều gắn liền với sinh hoạt nhậu. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ rằng nếu về quê mà nhậu như vậy thì cũng như ở Sài Gòn chứ về quê làm gì?
Nhưng nhậu đâu chỉ là nhậu? Nhậu say rồi thì nói xấu người này người nọ. Nhậu say rồi thì gièm pha, xúc phạm lẫn nhau. Và tôi muốn trở lại câu chuyện tắc đường ra nghĩa trang ở quê anh bạn.
Ở quê tôi ôtô ngày Tết chưa đến mức tắc đường, nhưng ôtô dày đặc ở các quán nhậu. Hầu hết người lái ôtô về quê là để phục vụ việc ăn nhậu. Và tất nhiên là khoe khoang mức độ giàu có. Tôi rất ít thấy một người dùng ôtô để chở cha mẹ già đi thăm thú ngoạn cảnh. Tôi ít thấy người lái ôtô đi tặng quà cho những đứa trẻ nghèo vùng sâu. Tôi ít thấy người lái ôtô đi thăm một bạn học thuở ấu thơ giờ lận đận xó quê…
Tôi chợt thèm những hình ảnh nghèo khó nhưng đầm ấm và chứa chan sự chân thành của cái Tết ngày xưa.

Trang