26 tháng 5, 2017

Người giàu có sang không?


Tác giả: Xuân Ba (Tiền Phong)
KD: Giàu để nói về đời sống vật chất. Sang để nói về nền tảng đời sống tinh thần, phông văn hóa, đặc biệt là nhân cách sống. Chưa kể cái sự giàu không dựa trên tài năng kinh doanh đích thực có tầm nhìn xa, chỉ là “tầm nhìn xa” trong sự chụp giật, câu kết kiểu mafia, là ăn cắp, tham nhũng mà có
Với những tiêu chí đó, ở VN phần lớn chỉ có giới… giàu sổi, trọc phú, hãnh tiến, lấy đâu kẻ giàu sang
—————–
Sau 42 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 30 năm Đổi Mới, việc phát lộ 2 nhân vật lần đầu góp mặt trong đội hình tỷ phú thế giới đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của công luận. Rằng đây là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ xã hội và nền kinh tế Việt Nam ngày càng đi lên theo chiều hướng tốt. Là biểu hiện sinh động của việc rút bớt khoảng cách giàu nghèo, nâng cao giá trị bền vững của nền kinh tế vv…
Để thêm rộng đường dư luận, xin mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt và nhà báo Xuân Ba về vài góc độ của vấn đề này.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Xuân Ba.
Chữ của người giàu
Xuân Ba: Hôm nay tôi muốn trao đổi với anh về hiện tượng mà xã hội đang quan tâm là sự xuất hiện của các tỉ phú. Nhưng điều đầu tiên gây cho tôi ấn tượng hôm nay là quanh chỗ làm việc của anh cơ man nào là sách. Tỷ phú sách Nguyễn Trần Bạt làm thế nào và thời gian đâu để đọc? Bí quyết gì để tiêu hóa khối lượng tri thức mà anh nạp vào thông qua kênh đọc như thế?
Nguyễn Trần Bạt: Bí quyết của tôi là tôi đọc sách từ tấm bé, do số phận đưa đẩy. Tôi đọc đến mức thuộc nhiều tác phẩm văn học Pháp mà giới trí thức đưa vào Việt Nam từ năm 1936-1939. Ví dụ tác phẩm của Chateaubriand một tác giả theo trường phái tự nhiên chủ nghĩa rất nổi tiếng, hay tác phẩm của André Gide một người mà Nguyễn Tuân rất thích. Tôi đọc những quyển sách ấy từ năm lên tám, thông qua bố tôi. May mắn là tôi có một ông bố rất quan tâm đến việc đọc sách. Tiếng Pháp đối với bố tôi giống như quốc ngữ. Trong nhà tôi, đến mẹ tôi là bà nội trợ mà cũng võ vẽ tiếng Pháp. Năm tôi khoảng sáu tuổi, bố tôi thuê một cô giáo đã tốt nghiệp tú tài bán phần làm gia sư cho chúng tôi. Ở trong nhà, cô ấy là người quan trọng hàng thứ ba sau bố mẹ tôi, có quyền trừng mắt với chúng tôi. Sau này tôi cũng cho những đứa con của mình học tiếng Anh và chơi piano từ năm sáu tuổi.
Tôi quan niệm con người là một thực thể thông tin. Kiến thức và thông tin mà không trở thành một bộ phận ở trong mình thì mọi sự đọc là vô ích. Tôi biết nhiều người muốn tìm cách nào đó để biến một số kiến thức chung chung thành thứ có thể trôi ra, trôi vào một cách quen biết trong đầu mình, nhưng không làm được. Người tinh nhìn là biết ngay. Con người có thể có những đặc điểm nhận dạng văn hóa khác nhau, có người trông quê quê, có người trông có vẻ đô thị, có người mang phong cách kiểu Tây, có người mang phong cách truyền thống. Nếu thích thì người ta có thể tạo cho mình những dáng vẻ như vậy, nhưng cái duyên dáng của một người đọc thật thì không ai bịa ra được.
Đêm qua tôi xem một bộ phim, người dẫn phim là một nhà bác học nữ. Bà ấy nói về Einstein như thế này: Khi đã thành đạt Eistein cảm thấy cô đơn, buồn chán, tinh thần không sảng khoái. Có lần đi nói chuyện ở đâu đó, người ta hưởng ứng và vỗ tay rất nhiều. Ông ấy phát hiện ra rằng người ta chưa kịp hiểu giá trị khoa học của những điều ông ấy làm thì đã yêu mến ông ấy rồi. Ông ấy rất sung sướng về điều đó. Nhà bác học nữ ấy kết luận rằng: đôi khi sự nịnh bợ của người đời cũng làm giảm nhẹ gánh nặng của một nhà bác học. Rất nhiều người tôi biết cũng muốn có điều ấy, họ muốn chữ nghĩa như con ong đã tỏ đường đi lối về trong mình, nhưng ít người làm được điều đó. Có nhiều người hỏi tôi giống anh, kể cả các chuyên gia trong lĩnh vực này, tôi bảo không có cách gì khác là phải đọc sách, đọc thật sự. Ngay cả cách đọc hiện đại trong không gian mạng hiện nay cũng không thay thế được việc đọc sách truyền thống. Có những bạn trẻ khoe họ đọc đủ thứ, không thiếu gì, nhưng đọc qua mạng. Họ có rất nhiều dự định, tham vọng, mơ về những điều lớn lao, nhưng họ cũng chỉ đi đến được một đoạn nào đó, không xa hơn được. Thứ không thể trở thành mầm tinh thần hay mầm trí tuệ của mình thì chẳng góp được gì cho sự phát triển cá nhân.
Ông Nguyễn Trần Bạt.
Tôi có hai hệ thống tín hiệu để suy nghĩ tạo cảm hứng. Một là luận lý (giống như ta đang nói chuyện với nhau), hai là logic toán. Khi đi theo khía cạnh logic toán, tôi có thể tưởng tượng ra các kết quả nghiên cứu của những nhà toán học hay nhà vật lý ứng vào các hiện tượng xã hội. Đấy là động lực sáng tạo ngôn ngữ. Chữ nghĩa cũng có bầy của nó. Ví dụ ngôn ngữ của anh là ngôn ngữ của ông thầy đồ, ngôn ngữ ấy có bầy của nó. Khi gặp người Việt không sống ở Việt Nam anh nghe ngôn ngữ của họ sẽ thấy khá lõng bõng Đấy là hiện tượng của những người trưởng thành trong một môi trường văn hóa không phải của mình. Tuy nhiên cũng vẫn có những trường hợp như Giáo sư Lê Xuân Khoa. Khi về nước anh ấy có đến chơi với tôi. Chế Lan Viên có câu “xa nước 30 năm một câu Kiều người vẫn nhớ”, tôi không có tài thơ để làm câu thơ tương tự, nhưng tôi nói với anh ấy rằng xa nước 50 năm mà anh vẫn giữ được giọng Hà Nội không sai một chút nào thì đối với tôi, anh là một giá trị. Hình như đã lâu, người Việt không còn biết quý trọng sự chính xác của văn hóa, của phong cách, của ngôn ngữ?
Bảy tuổi, tôi theo gia đình ra Hà Nội. Lớn lên chút, tôi thấy mình là một thằng con trai Nghệ An thô lỗ khi đứng trước sự quý phái của Hà Nội. Một lần, chuyện với bác Chu Mạnh, nguyên Chủ tịch Nghệ An, tôi có nói cái ý người Nghệ cần cải cách văn hóa. Bác ấy nổi cáu bảo Nghệ An làm sao mà phải cải cách văn hóa? Tôi trả lời rằng đàn bà thô lỗ thì không lấy được chồng sang, mà đàn bà không lấy được chồng sang thì quê hương không cách gì khá giả được. Bây giờ thì Hà Nội đang hụt vẻ thanh lịch thanh lịch xưa, chúng ta phải làm thế nào đó để khôi phục. Trong một cuốn sách đã xuất bản, tôi có phân tích về sự hình thành trong im lặng của văn hóa. Tôi nói về hiện tượng có những người đàn bà hàng ngày cũng đanh đá, chanh chua, cãi vã, thô lỗ cho hợp với thời buổi thị trường, nhưng phần còn lại của cuối ngày vẫn chu đáo chuyện nhà cửa, cơm nước theo nề nếp mà người Hà Nội gốc vẫn làm. Người Hà Nội phải giữ gìn giá trị văn hóa của mình trong im lặng. Tôi xem văn hóa Hà Nội là một văn hóa tiêu chuẩn. Tôi thấy ngày xưa các cụ sống rất cặn kẽ và có lẽ cặn kẽ như vậy mới giữ được cái chất của người Việt, còn bây giờ chúng ta sống nhanh quá, quên cả lẽ phải, quên cả sự hợp lý.
Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2017. Theo đó, Việt Nam lần đầu có 2 tỷ phú góp mặt. Đó là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn VinGroup. Ông Vượng xếp thứ 867 với tổng tài sản 2,4 tỷ USD. Thứ hai là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet Air( sở hữu khối tài sản trị giá 1,2 tỷ USD, xếp thứ 1.678 trên thế giới) Bà Thảo từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank).
Người giàu có sang không?
Xuân Ba: Vâng, anh đang đề cập đến khía cạnh, góc độ sang trọng. Theo anh, người Việt mình có sang không, những người giàu ở nước mình có sang không?
Nguyễn Trần Bạt: Nói sang hay không là phải trên cơ sở hệ tiêu chuẩn nào đó. Nếu theo tiêu chuẩn của cái văn hóa rộng hơn văn hóa Việt Nam thì còn là phải bàn. Ví dụ, nói đến khía cạnh lịch sự thì chúng ta chưa bằng người phương Tây. Người phương Tây rất tôn trọng phụ nữ, còn chúng ta thì mới diễn thôi chứ chưa kính trọng phụ nữ thật. Chúng ta không sang thật theo kiểu Tây mà cũng chẳng gia trưởng thật theo kiểu Tàu, bởi chúng ta không có văn hóa gia trưởng thật sự.
Việt Nam cho đến thời điểm này chưa có những đô thị ổn định. Ở châu Âu có những đô thị mà 20 năm sau tôi đến thăm lại vẫn thấy những hàng rào của họ vẫn thế, không thay đổi, bởi ở đấy người ta có những qui định về tiêu chuẩn hàng rào rất rõ ràng và những người sống ở đó tuân thủ rất nghiêm túc. Chính vì thế mà người ta dễ nhận ra người quen, vật quen. Ở chúng ta không có những cái đó. Người Việt lúc nào cũng hối hả phát triển một cách không điều độ, trong quá trình ấy chúng ta không đủ yên tĩnh để giữ lại cái gì cho mình. Nhiều khi chúng ta buôn các di sản, buôn sự giả sang trọng của người khác, không kịp hình thành cái gì có chất lượng di sản thật sự. Di sản không phải là tiêu chuẩn của chúng ta, chúng ta chỉ cãi nhau với Tây để duy trì ý thích của mình. Cho nên người Việt không sang, chỉ có một vài bộ phận xã hội duy trì được một cách hẹp.
Xuân Ba: Những bộ phận hẹp ấy tạo ra những ốc đảo?
Nguyễn Trần Bạt: Không đến mức ấy. Chúng ta thỉnh thoảng cũng khoe cái áo xẻ tà thấp thoáng. Nói chung người Việt muốn khoe cả vẻ sexy lẫn sự chính chuyên của mình, mỗi thứ một chút. Cái gì chúng ta cũng có một chút, nhưng không có những cái lâu dài và bền vững.
Xuân Ba: Xin đọc tặng anh mấy câu của Chế Lan Viên, như phảng phất thứ triết luận về sự sang trọng, băn khoăn và buồn vì sự sang trọng của người Việt:
Có làm vua cũng là vua xứ quèn
Mũ triều thần lẫn cùng rổ rá
Áo long bào lắm khi phải vá
Suốt đới lo miếng ăn cho dân tộc không xong !
Không phải thứ vua trong lục viện, tam cung
Có sẵn ba nghìn con em vườn lê múa hát
Cho nên ở nước mình có chửi vua thì cũng chửi cho có chừng có mực
Đến vua mà cũng không sang được thì thật đau khổ. Người Việt mình khó trở nên sang trọng đến thế sao?
Nguyễn Trần Bạt: Xét về mặt văn hóa thì rất khó trở nên sang trọng, bởi vì chúng ta tiến lên nhanh quá. Tôi lấy ví dụ về Nguyễn Tuân, chữ nghĩa của ông không sâu sắc lắm nhưng mà độc đáo. Cái độc đáo thay cho cái sâu sắc, gọi là một nhà văn thì cũng không có nhiều văn lắm để đánh giá. Còn là một nhà ngôn ngữ thì không có tính hệ thống để nói về ngôn ngữ. Nhưng vì mỗi thứ độc đáo một tí cho nên bỗng nhiên trở thành cái lạ, cái hấp dẫn và duyên dáng, có thể trong một phút giây nào đó làm cho người ta mê mình. Nhưng khi ăn cái món ấy rồi thì người ta cũng không dễ trả lời đấy là món gì.
Xuân Ba: Liệu có những người Việt có tố chất, có thứ bột gì đấy để gột để nên một đội hình ưu tú, sang trọng?
Nguyễn Trần Bạt: Tôi đến một hòn đảo tên là Guernsey ở giữa Đại Tây Dương, hòn đảo không phải là một phần của Vương quốc Anh mà là một sở hữu riêng của Hoàng gia Anh. Ở đó người dân có hộ chiếu riêng. Khi đến đấy, tôi tình cờ ghé một quán ăn châu Á và cũng không hy vọng gặp người Việt Nam. Thế mà trong lúc ăn, bỗng nhiên tôi nghe thấy một giọng trọ trẹ, nhìn lại hóa ra là người Việt thật. Tôi nghe thấy bà ấy nói năng kiêu ngạo kinh khủng, bà ấy đang nhiệt thành phê người Châu Âu là ngốc! Tôi nói chị thông minh thế thì chị sang đây làm gì? Người Việt chúng ta có lẽ khó khá được bởi không chịu học ai. Thỉnh thoảng có chăng là ông Giời hào phóng cho chúng ta một vài người thông minh. Ngô Bảo Châu có đến chơi với tôi một vài lần, tôi nói với cậu ấy rằng “Thỉnh thoảng Chúa mới cho người Việt một người như em. Em cố gắng giữ mình để lỡ đất nước có làm sao thì người ta sẽ nhờ em cầm hộ một lúc. Giới trí thức chúng ta hình như chỉ đủ năng lực để mà cầm hộ?
Một góc Hà Nội thanh bình. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tỷ phú Việt, anh là ai?
Xuân Ba: Rất muốn qua mũi khoan văn hóa sắc lẻm, lạnh lùng Nguyễn Trần Bạt để phát lộ những tầng vỉa của tỉ phú Việt?
Nguyễn Trần Bạt: Hiện nay người Việt chưa đủ kinh nghiệm để phản ứng với hiện tượng mà anh đặt ra cho tôi là hiện tượng tỉ phú Việt Nam. Nếu xét về mặt phát triển thì đây là một dấu hiệu mới để nghiên cứu với những mục tiêu rất khác nhau. Chúng ta chỉ có thể phân tích dưới góc độ văn hóa để chuẩn bị cho xã hội một kiến thức tối thiểu để ứng xử với hiện tượng tỷ phú.
Tỉ phú đương nhiên là không nhiều và không phải là đối tượng để khâm phục đối với đại bộ phận dân chúng. Họ thường là đối tượng của sự dè bỉu và hiềm khích. Đối với người thiếu hiểu biết thì chắc chắn là gợi ý tò mò. Đối với người hám lợi thì thì khơi dậy ý đồ vụ lợi. Người Việt là một dân tộc có năng lực biện chứng khá tốt. Họ để ý đến tất cả các khía cạnh để có thể khai thác các đối tượng một cách vụ lợi. Tôi nghĩ có lẽ nghiên cứu hiện tượng này là giúp người Việt có một số kiến thức căn bản để có thể sống với hiện tượng tỉ phú. Nhiều cụ lão thành hiện nay khó sống được với hiện tượng này, họ trở nên ngờ vực tất cả những ai có tiền. Họ đặt câu hỏi tại sao cả cuộc đời ta đi theo cách mạng chân thật như thế, anh hùng như thế mà ta cũng chỉ có mấy chục nghìn trong túi, mua suất thuốc đầu tháng là hết lương hưu, vậy mà làm thế nào họ lại giàu có đến thế? Ngay cả những người tạo ra tỉ phú cũng không hiểu. Số phận và công việc đẩy người ta đến những bất ngờ như vậy.
Tôi tin không ai trong những tỉ phú ngay từ đầu nghĩ mình sẽ trở thành tỉ phú, nhưng vì các cơ hội đến dễ quá. Ví dụ, thay đổi mục đích sử dụng của đất đai là ngay lập tức một mét vuông đất từ vài trăm ngàn lên tới cả chục triệu. Ai dành được quyền ấy? Những người nắm giữ những thương quyền như vậy chọn ai để bán? Tỉ phú là những người lọt vào tầm mắt của những người có quyền bán thương quyền. 99% sự giàu có của đất nước này bắt đầu từ thương quyền, trong có 90% là thương quyền đất đai. Cần phải hiểu cấu trúc ấy để hiểu cấu trúc của tham nhũng và thấy được nên ứng xử với hiện tượng tham nhũng như thế nào.
Anh đặt cho tôi những câu hỏi hơi lịch sự về hiện tượng tỷ phú. Trên thế giới ở đâu cũng thế, các dòng thông tin về những người là tỷ phú thường không phải là những dòng yêu mến mà là cảnh báo về tọa độ của một kẻ giàu có. Hệ thống thông tin trên toàn cầu đang theo dõi những con khủng long lớn lên bằng cặn bã công nghiệp. Các tỷ phú có nguồn gốc ở những nước phát triển thì họ đã ổn định về mặt văn hóa, nhưng tỷ phú ở các nước đang phát triển lại là một khái niệm không mấy dễ chịu đối với những người sống xung quanh. Ví dụ, khi chúng ta hiểu tỷ phú ở Trung Quốc là những con khủng long, con quái vật đối với những người sống xung quanh họ thì mới thấy được Đảng Cộng sản Trung Quốc dũng cảm đến mức nào khi dám tuyển mộ một lúc mấy trăm tỷ phú vào Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Nói như thế thì người ta có thể nghĩ là tôi ghét các tỷ phú? Không. Quan điểm của tôi là nếu tránh được thì nên tránh trở thành tỷ phú hay một cách khái quát hơn là tránh trở thành đại gia. Cách đây bốn năm, tôi được mời đến Petrovietnam nói chuyện với những người lãnh đạo của các Công ty, Tổng công ty trong Tập đoàn. Khi kết thúc buổi nói chuyện, anh em hỏi tôi thành tựu lớn nhất của anh là gì. Tôi trả lời thành tựu lớn nhất của tôi là tránh làm đại gia. Cách đây 28 năm, tôi có 30% cổ phần ở Habubank, nếu giữ nó thì một thời gian ngắn sau đó tôi chắc chắn đã trở thành một đại gia. Nhưng khi nhìn vào sâu bên trong bếp núc của hoạt động ngân hàng, tôi nghĩ đấy là con đường không có lối thoát cho một cá nhân.
Tý phú Việt Nam có phải là một hiện tượng tất yếu của sự phát triển kinh tế Việt Nam không? Phải nói thật với anh là không. Nếu tìm mối liên hệ giữa các tỷ phú Việt Nam với sự phát triển kinh tế Việt Nam thì chúng ta sẽ rất khó thấy. Sự hình thành một vài tỷ phú không có mấy liên hệ với sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Ví dụ, hàng trăm, hàng nghìn người làm bất động sản mà chỉ có một hai người sống được và thành tỷ phú, còn những người khác chết như ngả rạ thì có gì liên quan đến sự phát triển của kinh tế bất động sản? Con đường biến một người bình thường, bằng các công nghệ kinh doanh bình thường trở thành tỷ phú là ít nhất nó phải tạo ra một cộng đồng những triệu phú con con. Có một bầy triệu phú mới nâng đỡ được một tỷ phú.
Xuân Ba: Thương trường là chiến trường, cứ tưởng trong làm ăn kinh doanh người ta phải triệt tiêu nhau, anh lại nói cần phải tạo ra bầy là thế nào?
Nguyễn Trần Bạt: “Buôn có bạn, bán có phường”, trên thế giới này nếu không có một bầy cùng phát triển thì không có sự trao đổi kinh nghiệm, không có sự phát triển tầng lớp của nó. Anh không tạo ra bầy của mình mà tạo ra một hoang mạc bất động sản, trong đó chỉ có một mình anh ta là tỷ phú, vậy thì rõ ràng sự phát triển của anh không có quan hệ gì với sự phát triển của kinh tế bất động sản. Việt Nam và Trung Quốc khá giống nhau ở tình trạng này. Vậy họ buôn bán cái gì? Không phải là bất động sản mà là thương quyền thông qua quyền lực chính trị. Cho nên không thể nghiên cứu nó để phát triển kinh tế và có lẽ chúng ta cũng nên ngừng bàn, thôi viết về hiện tượng tỷ phú, bởi vì nó không phải là một hiện tượng kinh tế hay văn hóa gì ghê gớm. Anh có thể tranh thủ kinh doanh dựa trên ưu thế nào đó so với các doanh nghiệp khác, nhưng chỉ cần một sự thay đổi chính sách nào đó tước đi quyền kinh doanh những thứ ấy là anh thất bại ngay. Cách đây gần 20 năm có vị Bộ trưởng lớn tuổi chơi với tôi khá thân, một lần có nói với tôi rằng nếu người ta muốn ép khách sạn Metropole phải bán rẻ đi thì dễ lắm, chỉ cần hô biến đường Ngô Quyền bên hông khách sạn thành đường một chiều là xong!
Xuân Ba: Lúc nãy anh nói cần phải hiểu cấu trúc ấy để hiểu cấu trúc của tham nhũng và thấy được nên ứng xử với hiện tượng tham nhũng như thế nào. Anh có thể giải thích rõ hơn?
Nguyễn Trần Bạt: Bây giờ có nhiều cụ sôi sùng sục từng tìm gặp tôi bảo phải chống bằng được tham nhũng, phải xử lý người nọ, người kia. Tôi cười và khuyên các cụ hạ hỏa đi, chống tham nhũng không phải là một trận đánh một mất, một còn, khi nào còn quan niệm như thế thì không chống được. Chống tham nhũng là mặt trận làm cho người ta thức tỉnh rằng tham nhũng lắm thế cũng không để làm gì, thậm chí nó trở nên nguy hiểm cho thân phận của mình. Cách tốt nhất để chống tham nhũng là làm cho cả hai bên thấy mình còn hoàn lương được, người chống tham nhũng không còn tâm lý muốn trả đũa cho những trận thua trước đây của mình, còn lực lượng tham nhũng nhận ra rằng, lúc mải lấy thì quên mất mọi cái lấy được đều là bằng chứng của sự ăn cắp. Cái bất tiện lớn nhất của những kẻ tham nhũng là chính tài sản của nó chứ không phải cái gì khác. Khi nào cả hai bên nhận ra được những điều ấy thì lúc bấy giờ chống tham nhũng thành công.
Xuân Ba: Theo những phân tích của anh cũng như của đa số các ý kiến thì ở Việt Nam trở thành tỷ phú thường nhờ bất động sản. Tôi thấy như tỷ phú Carlos Slim, người từng nhiều thời điểm vượt mặt Bill Gates về tổng tài sản theo thống kê của Fobes ở Mexico có liên quan mấy đến bất động sản đâu…
Nguyễn Trần Bạt: Anh tưởng rằng để kinh doanh được như tỷ phú Carlos Slim dễ ư? Hồi nãy anh có hỏi những yếu tố tỷ phú ở ta có phải là động lực cho kinh tế không, có phải là biểu hiện sinh động của việc rút bớt khoảng cách giàu nghèo, nâng cao giá trị bền vững của nền kinh tế không. Tôi e là không. Tôi có một người bạn rất thân đã giúp tôi kiếm những món tiền đầu tiên trong sự nghiệp làm ăn, đấy là David Paker, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế của bang Tây Úc, vợ ông ấy là luật sư làm cho một hãng luật Mỹ, hai vợ chồng sống ở Hồng Kông. Ông ấy nói với tôi rằng phát triển bất động sản là con đường dễ nhất, ngắn nhất để dẫn đến nghèo đói, bởi vì không có bất động sản nào ăn được.
Xuân Ba: Anh đặt vấn đề là phải biết sống với tỉ phú như thế nào. Đây không phải là một cái phao hay biểu hiện của việc kinh tế đang phát triển mà theo anh là một thứ cơ may?
Nguyễn Trần Bạt: Tôi lưu ý anh là đối với một xã hội, đối với một nền kinh tế, các tỉ phú là những tấm gương. Tấm gương nào cũng có năng lực định hướng, cho nên Chính phủ chúng ta phải làm thế nào để quản lý chặt những yếu tố có thể tạo điều kiện hình thành các tỉ phú, để người Việt có một vài ví dụ tỷ phú mà họ có thể tự hào. Khi người Việt có điều kiện để tự hào về một vài ví dụ thì họ bắt đầu biết kinh tế là gì. Còn nếu chúng ta vẫn dễ dãi để có được một vài tỉ phú thì chúng ta sẽ không có các ví dụ tốt. Không có ví dụ tốt thì các ví dụ xấu sẽ trở thành chủ đạo và nó sẽ hướng dẫn cộng đồng kinh doanh Việt Nam trở thành những kẻ xấu nho nhỏ hơn. Tôi hiểu xã hội cần gì khi bàn về chuyện này, nhưng đôi khi sự thận trọng của trí thức không thể làm vừa lòng đời sống độc giả. Đấy cũng có thể là chỗ kém của trí thức, nhưng trí thức đôi khi phải giấu bớt sự khôn ngoan để giữ mình. Cho nên Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn mới phải trốn vào Lam Sơn để theo Lê Lợi.
Xuân Ba: Vâng chính Nguyễn Trãi có câu “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn”, kẻ biết chữ hay gánh những cái khốn nạn nhất của cuộc đời. Này, anh không những biết mà có nhiều, rất nhiều chữ. Có cảm giác anh cứ nhẹ thênh chả phải gánh cái lo cái khốn nào lớn thậm chí lại giàu có, thành đạt. Nguyễn Trần Bạt có cách nói, kiểu sống dung dị nhưng không giống cái bình thường của người đời?
Nguyễn Trần Bạt: Nhiều anh em nói với tôi là họ đọc nhiều về Marx nhưng cũng không hiểu lắm, đến khi đọc những phân tích của tôi về Marx họ hiểu ra ngay. Tôi lao động chân thật, Chúa biết đến đâu thì cho đến đấy.
Xuân Ba: Xin lỗi, anh có làm thơ không? Và nghĩ về thơ như thế nào?
Nguyễn Trần Bạt: Tôi không đi theo trường phái thơ, nghề của tôi gắn với logic.
Xuân Ba: Nhưng không riêng tôi mà nhiều người đọc anh thấy thấp thoáng chất thơ giữa các hàng con chữ… Bạn tôi có câu này, có một hồn thơ trong xác chữ Nguyễn Trần Bạt…
Nguyễn Trần Bạt: Tôi có học ngữ văn một cách rất hệ thống, trình độ tương đương với cử nhân văn chương. Xét về mặt nhịp điệu, tôi chịu ảnh hưởng của Chế Lan Viên. Lúc còn trẻ tôi thích ông ấy, thích những câu thơ như “Nhà dân chật dân lên đây phơi thóc/ Thóc của dân che kín mộ anh hùng”. Chế Lan Viên có sai lầm không ấy ư? Nếu có thì là ông ấy thông minh nhưng lại nhầm lẫn giữa thông minh với khôn ngoan.
Xuân Ba: Chắc anh nhớ Xuân Sách đã dùng câu “Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa” để phác họa chân dung của Chế?
Nguyễn Trần Bạt: Bắt đầu là thông minh, sau đó là khôn quá. Khôn quá thì người đời ghét.
Xuân Ba: Xin anh nghĩ lại chút đi, một thời đại không còn huyền thoại và thậm chí cũng đang bặt vắng các anh hùng thì hơi bị kinh khủng anh Bạt ạ?
Nguyễn Trần Bạt: Anh đặt ra vấn đề rất hay, đó là con người sống trong môi trường nào? Đấy chính là cơ sở của lý thuyết của tôi về các điều kiện văn hóa. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến các bộ phận hay các khía cạnh khác nhau của con người thì chưa phải là đi tìm con người. Cho nên tôi đã viết quyển “Văn hóa và con người”. Văn hóa là một lăng thể nhiều mặt và nó hoàn chỉnh, không thể nói gì về con người mà không đả động đến văn hóa. Hôm qua, trên ti vi chiếu một bộ phim khoa học kể về việc người ta phát hiện ra một cậu bé bị bố mẹ bỏ mặc, nhốt chung với gà ở dưới gầm sàn nhà. Lớn lên nó hành động như một con gà, có phản ứng tâm lý như một con gà. Lúc người ta tìm lại được nó thì nó đã 45 tuổi, một vài hành vi của nó vẫn còn dấu vết của gà. Điều đó nói rằng nếu không được nhúng trong một môi trường văn hóa thì con người có thể bị uốn nắn thành một thứ gì đó không người.
Người Việt bây giờ là không xây dựng nổi văn hóa, có xin UNESCO phong tặng đủ thứ thì chúng ta vẫn không sắp đặt lại để thành Việt Nam được, vì không có tình yêu. Anh phải có tình yêu đối với Việt Nam, có tình yêu đối với một địa phương cụ thể hay một con phố cụ thể thì anh mới sắp đặt được các điều kiện sống phù hợp cho những yếu tố tồn tại trong không gian đó. Ở Hà Nội có một vài góc đẹp, trong đó trước đây có góc phố Hồ Xuân Hương của báo Tiền Phong, tờ báo của anh đấy…. Tiếc là bây giờ đã không còn nữa. Khi đi từ Nghệ An ra Hà Nội tôi đi bằng ô tô, nơi đầu tiên tôi đến là bến xe Kim Liên, một trong những khu xấu nhất của Hà Nội, vậy mà tôi vẫn thấy đẹp. Có người bạn bảo tôi Hà Nội đẹp thật, người ta phá đến thế mà nó vẫn đẹp. Bây giờ tôi thừa tiền để sống ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này, nhưng không bao giờ tôi rời Hà Nội. Tôi không hiểu lý do tại sao, nhưng tôi thấy Nguyễn Trãi cũng phải đến sống ở Hà Nội, cả Nguyễn Du cũng thế.
Xuân Ba. Xin cảm ơn chuyên gia Nguyễn Trần Bạt về thời lượng cũng như nội dung cuộc trao đổi. Hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục đề tài tỷ phú vào một dịp thích hợp.

Ông Lê Thanh Vân: Cán bộ ngồi chơi đông quá, không thể có chính sách tốt

Tác giả: Hoàng Thùy
KD: Đọc bài này, mình chỉ mong đây là lần họp bàn cuối cùng chủ đề này. Chứ kỳ họp QH nào cũng nói đi nói lại vấn đề cán bộ, như quan họ” Đến hẹn lại lên”, chả giải quyết được dứt diểm. Nói thật, XH nản lắm rồi, chán quá rồi
———————
Dẫn ý kiến bầu Đệ ở Thanh Hoá nói “50% cán bộ, công chức chỉ ngồi bói chữ”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ ý kiến cá nhân: Tôi cho số này còn đông hơn!
Bầu Đệ: ‘50% cán bộ, công chức chỉ ngồi bói chữ’
Chiều 25/5, thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế – xã hội, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, nhiều năm qua, Chính phủ tiến hành cải cách hành chính nhưng kết quả chưa khả quan. Bộ máy quá cồng kềnh dẫn đến chi thường xuyên quá lớn, trong khi đó chất lượng cán bộ lại khó đo đếm.
“Trong cuộc gặp của Thủ tướng với các doanh nghiệp mới đây, bầu Đệ ở Thanh Hoá nói rằng 50% cán bộ, công chức hiện chỉ ngồi chơi xơi nước. Trước đó cũng có một vị lãnh đạo dẫn ý kiến chuyên gia, cho là 30% người trong bộ máy hành chính sáng cắp ô đi chiều cắp ô về. Cá nhân tôi thấy tỷ lệ đó còn cao hơn. Với đội ngũ như vậy thì ban hành chính sách làm sao tốt được”, ông Vân thẳng thắn nói.
Theo ông, chính vì bộ máy thì cồng kềnh nên “cứ bóp trên thì phình dưới”, nghĩa là giảm đầu mối cơ quan ở trên lại phình chân rết ở dưới, giảm được người ở cơ quan này thì tăng ở đơn vị khác, chưa phải tinh giản thật sự.
Đại biểu Lê Thanh Vân
Muốn đất nước phát triển, ông Vân nói khâu quan trọng là trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, công tác cán bộ đang có vấn đề báo động. “Đó là hiện tượng cả họ làm quan, bổ nhiệm thân hữu. Gần đây tôi nghe câu nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ, như vậy không còn chỗ cho trí tuệ. Đầu tiên là con cháu họ hàng, sau có tiền, sau nữa là alo gửi gắm, trao đổi, thì làm gì có chỗ cho nhân tài”, đại biểu Vân nhấn mạnh và dẫn chứng “thậm chí mới đây có trường hợp giám đốc bệnh viện ở Đồng Tháp bổ nhiệm con trai bị động kinh làm phó khoa”.
Theo ông, hiện nhiều vị được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, đứng phát biểu thao thao bất tuyệt nhưng nói không ai hiểu gì, rời tờ giấy ra là trí tuệ không thể hiện được. “Năng lực như vậy mà điều hành thì chỉ có rối loạn”, ông nói.
“Tôi rất tiếc trong việc sửa đổi Bộ luật hình sự lần này thiếu chế tài trong công tác cán bộ, từ việc giới thiệu, đề cử, tiến cử đến thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm. Trong lĩnh vực quan trọng này, nếu cá nhân nào sai phạm, làm trái thì phải trừng trị bằng luật hình, để họ thấy chỉ giới đỏ mà sợ không dám làm liều”, ông Vân đề xuất.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu tình trạng nhức nhối về một số sai phạm trong công tác cán bộ gần đây, nhất là các vụ bổ nhiệm “thần tốc”.
“Sự việc liên quan đến nữ trưởng phòng ở Sở Xây dựng Thanh Hoá lùm xùm như vậy, nhưng bây giờ nghe đâu cô ấy đã đi nước ngoài. Đây là điều mà dư luận rất bức xúc. Tôi đã nói nhiều lần, khi cán bộ có vấn đề chưa được làm rõ thì phải hạn chế xuất cảnh, nhưng cuối cùng vẫn để họ rời đi như là một cách trốn chạy trách nhiệm và không để liên quan người khác”, ông Nhưỡng nói.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Trao đổi với đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng bộ máy cồng kềnh, trì trệ kéo dài thời gian qua là do việc phân cấp, phân quyền còn quá nhiều vấn đề. Ví dụ trong ngành nội vụ, để tuyển dụng không qua thi tuyển một công chức cấp phòng ở huyện phải báo cáo lên Bộ trưởng Nội vụ; trong khi chủ tịch UBND tỉnh được giao bổ nhiệm đến giám đốc sở, không qua Bộ.
Về tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ cho biết cứ 6 tháng địa phương tổng hợp báo cáo lên trung ương, Bộ thẩm tra và ngành tài chính thẩm định, rồi căn cứ vào đó cấp kinh phí. “Nhiều lần tôi nói là giao cho địa phương làm luôn, Bộ chỉ làm hậu kiểm, nhưng thực tế có quá nhiều cấp thẩm tra, thẩm định khiến kéo dài thời gian”, ông Tân nói và cho biết hiện chưa có chế tài trong lĩnh vực tinh giản biên chế nên “ai không làm cũng không sao”.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ nêu đề xuất: “Đã đến lúc phải có điều khoản quy định chế tài xử lý những người không thực hiện việc tinh giản biên chế”.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, giữa quy định về số lượng cấp phó của luật Tổ chức chính quyền địa phương và nghị quyết của Quốc hội xếp loại đơn vị hành chính có liên quan mật thiết nhau; xếp loại đơn vị hành chính cao hơn thì số lượng cấp phó nhiều hơn.
“Tôi thấy bây giờ nhiều việc của các sở đều đẩy lên chủ tịch, phó chủ tịch. Nếu không cơ cấu lại tổ chức và đội ngũ cán bộ công chức thì không tinh giản được”, ông Tân nói.
“Trong quá trình làm việc với các địa phương có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa số là giảm biên chế đâu giảm, đừng giảm chỗ tôi”, Bộ trưởng kể.

“Lót tay dưới gầm bàn” và sự hưng thịnh của quốc gia…

Tác giả: Kỳ Duyên
Sau chỉ thị cụ thể và nghiêm cẩn này của TTCP, “các kiểu hành là chính” có đứng… nghiêm tại chỗ hay không? Câu trả lời ở thực tế. Xin hãy chờ!
—————
Có một sự kiện lớn nổi bật trong tuần, như một cột mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt của sự phát triển theo tinh thần một Chính phủ “kiến tạo, hành động” thu hút sự quan tâm của cả xã hội, nhất là giới doanh nghiệp (DN). Đó là Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 vừa diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Cuộc đối thoại với người đứng đầu CP, thu hút khoảng 2.000 đại biểu, đông gấp 04 lần hội nghị đối thoại đầu tiên được tổ chức tại t/p Hồ Chí Minh. Trong đó khối DN dân doanh tới 1.500 người, bên cạnh 200 đại biểu khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 100 đại biểu DN Nhà nước và DN đã cổ phần hóa.
Phi thương bất phú, nhưng…
Ở một quốc gia, lâu nay tư duy và nhận thức phát triển vẫn theo tinh thần DN Nhà nước là chủ đạo, thì hội nghị với lượng DN dân doanh lớn tại cuộc đối thoại của CP mang chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, là phản chiếu sự đổi mới tư duy và nhận thức, phản chiếu sự nắm bắt quy luật vận động kinh tế thị trường trong thế giới hội nhập hiện đại. Điều này được ghi nhận trong phát biểu khai mạc của TT Nguyễn Xuân Phúc khi ông dẫn lời của chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”…
Thủ tướng công bố Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra DN 1 năm quá 1 lần. Ảnh: VGP (VietNamNet)
Ông cha ta từ xa xưa đã tổng kết: Phi thương bất phú. Nhưng phải “Thương” thế nào mới có thể “Phú”? Đó là câu trả lời không dễ. Nhất là trong hiện tại các “Thương” dân doanh còn cô đơn cùng với tôi về (ca khúc Một mình của nhạc sĩ- doanh nhân Thanh Tùng). Rút cục “Phú” cứ lúng túng không có đường về, và “Phú” của người dân không thoát ra khỏi “bẫy” thu nhập trung bình? Thậm chí, nợ công, nợ xấu vẫn tăng cao.
Chính vì thế, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, trong trả lời phỏng vấn của VnExpress ngày 16/5 mới đây đánh giá: Phát triển kinh tế tư nhân là cuộc cải cách khổng lồ, nó xác lập địa vị hoạt động kinh tế cho mỗi người dân và đổi mới cách nhìn nhận giá trị của các khu vực kinh tế khác nhau. Rằng, khôi phục và xây dựng các điều kiện để cho môi trường kinh doanh phát triển lành mạnh, là một trong những biểu hiện cơ bản nhất trong hoạt động kiến tạo của nhà nước.
Nhưng muốn vậy, cũng theo ông Nguyễn Trần Bạt, nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn của thể chế kinh tế để lôi cuốn con người vào thực tế kinh doanh. Nghĩa là DN phải được đảm bảo các điều kiện và khẳng định về mặt chính trị. Mỗi lần đổi mới là thêm khó khăn cho các nhà quản lý, vì họ phải đối mặt với một xã hội khó quản lý hơn, đòi hỏi nhiều hơn về quyền. Chúng ta không có con đường nào khác.
Mặc dù một năm qua, nếu so với Hội nghị đối thoại với Thủ tướng năm 2016, báo cáo của CP nhận định, CP và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. Cho thấy sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh là rất đáng ghi nhận ở 05 điểm: Về cải thiện điều kiện kinh doanh, hợp tác quốc tế xúc tiến đầu tư, về thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp…. đều là những nội dung căn cốt của một CP và của một nền kinh tế đang kiến tạo, đổi mới.
Đó là, 4.500 thủ tục đã xử lý và bãi bỏ. Trong 1.100 kiến nghị của DN, đã xử lý được 850 (77,5%). Năm 2016, đã thành lập trên 110.000 DN; 4 tháng năm 2017, đã thành lập trên 40.000 DN. Theo JETRO (Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản), 66% số DN Nhật Bản có xu hướng mở rộng, 36% DN Mỹ dự định mở rộng kinh doanh, cao hơn ở Thái Lan (21%), Malaysia (19%). 75% các DN được khảo sát nói rằng kết quả cải cách đã tích cực, 25% nói chưa đạt yêu cầu. WB và Moody đều đánh giá Việt Nam tăng nhiều bậc về môi trường kinh doanh (VieNamNet, ngày 17/5).
Môi trường kinh doanh có bình đẳng, lành mạnh, chữ “Phú” mới song hành cùng chữ “Thương”, như cặp đôi hoàn hảo.
“Khổ thì chịu, ai dám than”?
Nhưng vẫn xin được mượn cái title bài của báo Đất Việt, ngày 17/5 như một lời than thân trách phận của các DN, trót duyên nợ với nghiệp kinh doanh, đã cực về mặt tính toán đầu tư, lỗ lãi, nhu cầu thị trường bấp bênh, cực hơn là sự hỏi thăm… không chính đáng của “các kiểu hành là chính”. Hệt thân phận người đàn bà nông dân vất vả tứ bề: Đang khi lửa tắt cơm sôi/ Lợn kêu con khóc chồng đòi… tòm tem
Cái sự đòi “tòm tem” ở đây, thì chỉ thấy… khổ. Nhưng có lỗi cả hai phía.
Doanh nghiệp ở điểm cầu TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước lắng nghe Thủ tướng phát biểu. Ảnh: Văn Bình (VietNamNet)
Phía “các kiểu hành là chính”: Không phải vô lý khi ông Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân đề nghị CP ra tay cùng cộng đồng DN trị nạn lót tay, bôi trơn, nếu không căn bệnh này sẽ làm hủy hoại đạo đức phát triển DN, ảnh hưởng tăng trưởng của nền kinh tế (VietNamNet, ngày 17/5). Theo ông, đó là vấn đề chi phí của DN, trong đó có cả chi phí chính thức và không chính thức.
Cái mà ông Thân nhắc “chi phí không chính thức”, lâu nay báo chí gọi thẳng tên- “lót tay dưới gầm bàn”. “Lót tay dưới gầm bàn” là hiện tượng ăn không đàng hoàng mà các DN lớn bé đều phải chịu chấp nhận với các các cơ quan chức năng. Khổ mà không dám than, ngậm bồ hòn làm ngọt là vậy. Từ khâu hồ sơ, muốn nhanh hay chậm, là tùy ở sự biết điều hay không, đến cái sự “thanh cha (tra), thanh mẹ, thanh kiu”. Điều đáng nói, chính những kiểu “lót tay dưới gầm bàn” như vậy, rút cục đổ hết lên đầu chất lượng sản phẩm và khách hàng- người tiêu dùng. Doanh nghiệp sẽ phải bằng mọi cách để chi phí đầu tư (nguyên liệu, công nghệ sản xuất) rẻ hơn, nhưng đẩy giá thành cao hơn. Và khách hàng phải mua với giá thì cao nhưng chất lượng mặt hàng thì thấp.
Trong hàng loạt những chi phí dưới gầm bàn đó, các DN sợ nhất là chuyện “thanh cha (tra), thanh mẹ, thanh kiu”.
Cũng theo Đất Việt, ngày 17/5, mặc dù, CP đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN, một trong những nội dung đáng chú ý là quy định cơ quan quản lý nhà nước chỉ được phép thanh tra, kiểm tra DN không quá 01 lần/năm, nếu quá thì DN có quyền không tiếp. Nhưng trong thực tế, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VCCI, DN vẫn bị thanh tra, kiểm tra khá nhiều, có DN bị tới 6,7 lần/ năm, thậm chí còn nhiều hơn. Trong số các DN bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần, có một nửa nói rằng việc thanh tra, kiểm tra là chồng chéo.
Thử hỏi, thực tế, có DN nào dám từ chối không tiếp “các kiểu hành là chính” không, nếu muốn tồn tại, yên ổn làm ăn?
Phía các DN cũng phải nói thẳng, không hề vô can. Trong thực tế, không loại trừ có không ít những DN rất rành tâm lý “các kiểu hành là chính”, sản xuất, kinh doanh non kém nhưng muốn lọt qua cửa vũ môn từ hồ sơ, đến các sản phẩm, không gì tốt bằng chủ động “chìa tay… dưới gầm bàn”
Cũng chính vì thế, tại cuộc đối thoại với các DN mới đây, TTCP đã có một thông báo quan trọng, thực chất là cụ thể hóa Nghị quyết 35: “Bây giờ là 1 giờ 19 phút chiều, tôi muốn nói tới tinh thần chuyển lời nói thành hành động. Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra quá 01 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây” (VietNamNet, ngày 17/5).
Đáng chú ý, tại cuộc họp báo sau cuộc đối thoại, Bộ trưởng VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, nếu “thanh tra chồng chéo, chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm”
Liệu sau chỉ thị cụ thể và nghiêm cẩn này của TTCP, “các kiểu hành là chính” có đứng… nghiêm tại chỗ hay không? Câu trả lời ở thực tế. Xin hãy chờ!
Cũng phải nói rằng, sự chuyển động tích cực đòi hỏi không chỉ có phía Nhà nước. Bản thân các DN cũng phải tự vượt lên chính mình rất nhiều.
Trong sự phát đạt của các DN lâu nay, có không ít DN giàu nhanh, phát nhanh từ lĩnh vực buôn bán bất động sản, liên quan chuyện đất đai? Không phải vô lý mà có nhiều ý kiến nhìn nhận cho rằng, đó là cách làm giàu theo kiểu đầu cơ, chụp giật, là những quan hệ “thân hữu” mờ ám- những thứ “tài năng” mang tính hai mặt.
Thế cho nên… “Cửa đã mở”- như tên một tập thơ của nhà thơ Việt Phương- nhưng cũng đòi hỏi những DN kinh doanh có tấm lòng với cộng đồng, với quốc gia, có bản lĩnh và biết tôn trọng pháp luật, như những doanh nhân lớn của đất nước trước đây, làm nên tên tuổi lừng lẫy và được nể trọng bởi tư cách và mục tiêu, biết gắn nghiệp kinh doanh làm giàu của mình với lợi ích dân tộc. Con hơn cha nhà có phúc. Liệu chữ phúc đó có không?
Sự hưng vong của quốc gia, của dân tộc ở góc độ kinh tế, hiện tại và tương lai, nằm ở trong tay những doanh nhân có tâm, có tầm.
Liệu quốc gia, dân tộc có thể kỳ vọng ở họ?

Quan chức trúng thầu biệt thự Lào Cai: Tiền đâu mua?

Tác giả: An An
Theo giới bất động sản, để sở hữu một lô đất có diện tích tương đương như vậy người mua sẽ phải bỏ ra khoảng 40-60 tỷ.
Ngày 25/5, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Duy Hòa – Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai cho rằng, việc các lãnh đạo địa phương sở hữu 6 lô đất nằm ở vị trí đắc địa hoàn toàn đúng quy định.
Ông Hòa còn khẳng định, cả 6 lãnh đạo trên đều sở hữu những lô biệt thự trên theo quy trình đấu thầu, bỏ giá công khai, minh bạch. Ai bỏ giá cao, người đó trúng thầu.
Khu biệt thự của giới “siêu giàu” Lào Cai
Giá trúng thầu theo vị Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai, thời điểm đấu giá, đất biệt thự năm 2011 ở đây được bán với giá 10,5 triệu/m2. Giá đất nhà liền kề có giá cao hơn:11-12 triệu đồng/ m2.
Tính ra mỗi căn biệt thự từ 400- 600m2, sẽ có giá khoảng 6-7 tỷ đồng/căn.
Tuy nhiên, theo giới buôn bán bất động sản địa phương cho biết, đây được gọi là khu “đất kim cương”, phải người siêu giàu mới đủ tiền để mua.
Nếu tính theo giá thị trường, khu đất này hiện đang có giá từ 80-100 triệu/m2. Tính vào thời điểm 2011, giá có thấp hơn chút nhưng không thể là 10-12 triệu/m2.
Như vậy, để sở hữu một lô đất có diện tích tương đương như vậy người mua sẽ phải bỏ ra khoảng 40-60 tỷ vào thời điểm bây giờ.
Một điểm đáng lưu ý, khi trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Khoa – Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai xác nhận 6 căn biệt thự trên có tổng diện tích 17.000m2. Dự án được tách ra hai phần, trong đó tổng mức đầu tư xây thô nhà là 207 tỷ đồng, tổng giá trị tiền đất được xác định vào năm 2011 là 92 tỷ đồng cho toàn bộ dự án.
Không cần làm phép tính cũng sẽ thấy con số chênh lệch quá lớn. Chỉ với một dự án số tiền thu về cũng đã vài chục tỷ đồng, trong khi đó cả 6 dự án mà tổng tiền đất thu được cũng chỉ có 92 tỷ đồng.
Đặt vấn đề này trước Quốc hội, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho rằng, lãnh đạo tỉnh Lào Cai nên có giải thích rõ ràng.
“Trước hết nên có một đồng chí nào đó ở tỉnh Lào Cai đứng ra giải thích rõ việc này. Sau này nếu có vấn đề gì nữa thì sẽ xử lý sau. Còn nếu không có vấn đề gì cả thì cũng phải nói rõ. Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ nguồn gốc tài sản khi mua mảnh đất đó”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu.
Vị đại biểu nhấn mạnh: “Mình không vi phạm thì ngại cái gì. Cần giải thích rất rõ để công luận biết là chuyện này nằm trong quy định nào?”, ông Nhưỡng cho hay.
Quan chức trúng biệt thự đắc địa Lào Cai: Trả giá cao
Quy hoạch công viên lại bán biệt thự?
Trong một diễn biến có liên quan, ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai còn cho biết, khu biệt thự mà một số quan chức tỉnh Lào Cai đang sở hữu từng được quy hoạch làm công viên. Tuy nhiên, sau đó, tỉnh đã điều chỉnh lại thành đất biệt thự, chia lô.
Ông Hoàng Văn Khoa – Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai xác nhận, khu đất này từng được quy hoạch làm công viên. Tuy nhiên, khi Quỹ đầu tư phát triển tỉnh tiếp nhận để làm dự án từ Sở Xây dựng thì quy hoạch tổng mặt bằng của khu đất đã là chia lô, phân nền rồi.
Mặc dù, ông Nguyễn Duy Hòa – Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai cho rằng, quy hoạch được xây dựng và có thể điều chỉnh tùy thuộc từng giai đoạn, nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi, có hay không có sự bất bình thường trong chuyện chuyển đổi quy hoạch này?

Kinh tế Việt Nam vẫn trong đường hầm, chưa thấy ánh sáng

Khai thác dầu ở thềm lục địa Việt Nam.
Năm nay, Việt Nam dự trù hút thêm một triệu tấn dầu thô. (VnExpress)
Tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Tuy tăng trưởng của quý một năm nay được ước tính là tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn là mức thấp nhất trong nhiều năm vừa qua.
Đó là nhận định mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam nêu trong Báo cáo Thẩm tra “Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017” của chính phủ Việt Nam.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam về ngày họp đầu tiên của kỳ họp thứ ba, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, nhận định, với bối cảnh như hiện nay, mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm nay rất khó có thể đạt chỉ tiêu mà Quốc hội Việt Nam đã đề ra (GDP tăng 6,7%).
Tuy nhiên ông Thanh khuyến cáo, chính phủ Việt Nam không nên chuyên chú vào mức độ tăng trưởng. Điều cần phải chú ý là chất lượng tăng trưởng và phải bảo đảm yếu tố phát triển bền vững.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam lao đao vì phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động khai khoáng, đến nay vẫn chưa tìm được động lực thay thế công nghiệp khai khoáng. Tài nguyên (gỗ, cát,…) vẫn bị khai thác theo kiểu mà ông Thanh ví von là “tận khai, tận diệt” gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cả cho sinh hoạt lẫn sinh kế của dân chúng, làm rối loạn an ninh trật tự và suy giảm khả năng phòng, chống thiên tai. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam đó là hệ quả của việc “buông lỏng quản lý” để cho các nhóm lợi ích chi phối khiến chính sách không còn hiệu lực.
Tuy vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp ngoại quốc (FDI) vẫn là một nguồn lực quan trọng đối với kinh tế Việt Nam nhưng theo ông Thanh, hệ thống công quyền Việt Nam mới chỉ dành cho các doanh nghiệp FDI vô số ưu đãi chứ chưa khai thác được các yếu tố tích cực khác từ các doanh nghiệp FDI để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là về công nghệ.
Trong khi đó, qui mô của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục teo tóp, hệ thống doanh nghiệp Việt Nam thiếu trụ cột, thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết và khả năng sáng tạo thấp.
Một yếu tố khác cũng được ông Thanh nêu ra là sự bất cập của chính sách đất đai hiện hành, sự bất cấp này khiến ngân sách thiệt hại nặng nề vì không thu được chênh lệch địa tô, mặt khác khiến việc thu hồi, đền bù trở thành thiếu minh bạch, thiếu hợp lý, tạo thành xung đột lợi ích kéo dài, gây mất ổn định xã hội.
Năm ngoái, mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam không đạt chỉ tiêu. Hồi tháng 4 vừa qua, khi họp với đại diện các hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty nhà nước để “tìm giải pháp ép nền kinh tế đạt chỉ tiêu tăng trưởng”, chính phủ Việt Nam đã tính đến chuyện “ép” để đạt cho bằng được mức độ tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội Việt Nam đề ra. Cuối cùng giải pháp duy nhất được nhiều cá nhân tán thành là khai thác thêm dầu thô.
Bộ Công Thương Việt Nam ước tính, nếu khai thác thêm một triệu tấn dầu thô (hiện là 12,28 triệu tấn) và giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức 55 Mỹ kim/thùng thì tổng doanh thu cả năm sẽ khoảng 450.000 tỉ đồng, tăng thêm so với dự tính khoảng 12.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên chẳng ai dám đoan chắc giá dầu thô trên thị trường thế giới sẽ ổn định ở mức mà chính phủ Việt Nam mong muốn. Vài năm gần đây, một trong những lý do khiến Việt Nam không cân đối được ngân sách, bội chi, phải vay mượn để chi tiêu là vì giá dầu thô trên thế giới liên tục sụt giảm.
Mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Việt Nam, chính thức khuyến cáo, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc chọn tăng sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng như một giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng vì lợi bất cập hại.

(Người Việt)

Thưa Tổng Bí thư, tham nhũng là đây chứ đâu?!

Báo điện tử Tầm nhìn số ra ngày 21/5/2017 đưa tin “Tiết lộ chủ nhân khu biệt thự trên đất “kim cương” ở Lào Cai” của tác giả Hoàng Sang, trước những thông tin bài báo đưa, hẳn không ít người đọc sẽ bị sốc, bàng hoàng dù biết đó chẳng phải là chuyện lại lẫm gì ở xứ này - chuyện thường phố huyện.
Trước hết, xin nhấn mạnh là nếu không có bài báo trên, tôi tin rằng người dân cả nước sẽ chẳng bao giờ biết được một số lãnh đạo tỉnh Lào Cai lại có những tài sản lớn đến vậy (trước đó mấy ngày thông tin trên đã được báo Lao động đăng, nhưng đã gỡ ngay sau đó). Trong khi Lào Cai thuộc nhóm 6 tỉnh nghèo nhất nước với 65% dân số là người dân tộc thiểu số, 18.925 hộ nghèo (12,11%), 13.983 hộ cận nghèo (8,95%).
Bài báo nêu rất rõ thông tin về chủ nhân của những căn biệt thự, cụ thể:
Nhà số 246, rộng 402 m2, chủ nhân của ngôi nhà là ông Nguyễn Trọng Quang. ông Quang là con trai ông Nguyễn Trọng Hài (nguyên Giám đốc Sở GTVT, hiện đang làm Bí thư huyện ủy Sa Pa, tỉnh Lào Cai).
Căn biệt thự rộng 411,8 m2 là của ông Nguyễn Trường Thanh (cán bộ thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai).
Biệt thự có diện tích 409m2 đứng tên bà Trần Thị Tịnh. Bà Tịnh là vợ ông Đinh Tiến Quân - Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai.
Dinh thự số 240 với diện tích lên đến 626,9m2, đứng tên ông Nguyễn Quang Bình, công tác tại Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Lào Cai. Ông Bình là con trai Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai - Nguyễn Văn Vịnh.
Biệt thự của bà Trần Thị Diên An với diện tích 418,6 m2. Hiện gia đình Giám đốc Sở Tài chính Lào Cai - ông Ngô Đức Ảnh đang sinh sống.
Căn biệt thự cuối cùng rộng 420,8m2, đứng tên bà Nguyễn Thị Hồng Loan, vợ ông Dương Hùng Yên – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai.
Đó cũng mới chỉ là thông tin tài sản của 6 lãnh đạo cấp tỉnh, liệu còn bao nhiêu vị lãnh đạo cấp tỉnh khác chức vụ tương đương hoặc thấp hơn có tài sản khủng như thế mà chưa bị lộ?
Xin hỏi, với lương giám đốc sở, giám đốc công an, bồ độ biên phòng, bí thư tỉnh chỉ khoảng từ 10 đến 15 triệu/tháng, họ lấy tiền đâu để mua những miếng đất có giá giao động từ 100-200 triệu đồng/m2? tiền đâu để xây những căn biệt thự nguy nga tráng lệ như thế?
Những tài sản mà các quan chức kể trên đang sở hữu có phải mua bằng những đồng tiền tích góp từ thời trẻ chạy xe ôm hay lao động thối cả móng tay?
Hay tham nhũng mà có?
Nhưng đó chưa phải là tất cả, những căn biệt thự kia chỉ là tài sản nổi nhìn thấy bằng mắt thường, còn những tài sản chìm khác như: đô la, bất động sản, tiền gửi ngân hàng, vàng bạc… thì không thể biết được là có bao nhiêu.
Điều tệ hại hơn nữa là, để thông tin được minh bạch phóng viên hẹn làm việc với Sở TN-MT tỉnh Lào Cai, thì họ lại dùng công an để nói chuyện. Làm việc với ông công an, thì được ông Nguyễn Văn Thịnh – Trưởng Công an TP Lào Cai cho biết: “Đây là vấn đề đặc biệt liên quan đến các lãnh đạo. Việc các anh (phóng viên báo chí - PV) lên, lãnh đạo tỉnh giao cho Công an Thành phố nắm bắt thực tế là những “đối tượng” nào lên, làm như thế nào. Như hôm nay các anh đến Sở TN-MT, Sở TN-MT có cái gì mà cung cấp; Sở TN-MT không có chức năng gì đối với vụ việc này.Tôi nói với anh Sinh (Nguyễn Thành Sinh, Giám đốc Sở TN-MT Lào Cai – PV) nếu các nhà báo lên làm việc các vấn đề nhạy cảm thì phải thông tin cho chúng tôi. Đây là vấn đề nhạy cảm. Trong đó có cả lãnh đạo, giám đốc tôi ở đấy. Chúng tôi phải nắm”.
Thông tin về tài sản của cán bộ là vấn đề nhạy cảm, báo chí muốn tìm hiểu phải làm việc với công an. Luật nào quy định như vậy? Nếu những tài sản trên có nguồn gốc chính đáng thì sợ gì thông tin minh bạch cho báo chí để người dân biết mà cứ phải dấu diếm, che đậy.
Lẽ ra, khi tài sản của lãnh đạo tỉnh bị báo chí phản ánh, nhiệm vụ của công an phải điều tra xem thực hư thế nào đằng này lại bao che, ngăn cản báo chí tìm hiểu. Như vậy thì chống tham nhũng kiểu gì đây?
Có lẽ không đâu như thời nay, quan chức lại giàu có đến thế. Họ cứ nhân danh đầy tớ, công bộc của dân để mặc sức vơ vét tài sản, không chỉ cho bản thân mà tích góp cho đời sau. Trong khi người dân khốn khổ vô cùng. Một điều tôi thấy rất lạ là càng tỉnh nghèo, quan chức lại càng giàu.
Thưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
Chống tham nhũng đâu xa, tìm đâu cho mệt mỏi, mất thời gian, nó chình ình ra trước mắt đó thôi. Chỉ là có làm quyết liệt, đến nơi đến chốn không hay thôi. Chắc những thông tin báo phản ánh trên ông cũng đã nắm được, mong rằng với một người chống tham nhũng tích cực như ông, không làm người dân Lào Cai và cả nước thất vọng.
Hi vọng sắp tới những thông tin trên sẽ được làm rỏ khi đoàn đoàn kiểm tra, giám sát tham nhũng của Trung ương về làm việc ở Lào Cai. Còn nếu vụ việc trên bị “ém lẹm” như vụ cô Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa thì mọi hô hào chống tham nhũng chỉ mãi là trò hề mà thôi.

Định An

18 tháng 5, 2017

ĐỂ HÀ NỘI ĐẸP NHƯ PARIS

Huỳnh Ngọc Chênh
Để Hà Nội đẹp như Paris thì trước hết phải có người Hà Nội đẹp.
Để có người Hà Nội đẹp thì phải có người Việt Nam đẹp.
Để có người Việt Nam đẹp thì phải có chính quyền đẹp
Để có chính quyền đẹp thì phải có thể chế đẹp
Chính quyền xấu là chính quyền độc tài chỉ lo tìm mọi biện pháp kể cả biện pháp xấu đối phó với dân để củng cố và duy trì quyền lực cho bè đảng của mình.
Chính quyền xấu thì dân không thể tốt vì dân đã gian rồi nên càng phải gian hơn để đối phó lại chính quyền xấu. Ví dụ nhỏ: khi có "trật tự" đến dẹp vỉa hè thì dân mang đồ đi giấu, khi hết "trật tự" thì dân lại tràn ra lề đường buôn bán như cũ. Không có người dân đẹp thì làm sao có vỉa hè đẹp, không có vỉa hè đẹp thì làm sao có thành phố đẹp.
Ngoài vấn đề vỉa hè ra, để có một Hà Nội đẹp còn phải vượt qua bao nhiêu vấn nạn khác như xe gắn máy, ùn tắc giao thông, giao thông công cộng, quy hoạch kiến trúc, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường...
Vấn nạn của Hà Nội cũng là vấn nạn của cả nước.
Chính quyền xấu nên đẻ ra doanh nghiệp xấu. Doanh nghiệp xấu thường trốn thuế, gian lận thương mại, bóc lột lao động, phá hoại môi trường, hối lộ quan chức...
Ngoài formosa ra, bác Nguyễn Xuân Phúc có khi nào kiểm tra xem trên toàn quốc có được bao nhiêu khu công nghiệp, bao nhiêu nhà máy chịu tốn kém để xử lý nước thải? Cá chết khắp mọi nơi chứ không riêng chi Bắc Trung bộ. Phần lớn các doanh nghiệp đang kiếm lãi bằng cách gian lận hoặc ăn vào môi trường đấy bác Phúc.
Các hệ lụy xấu phát sinh ra từ chính quyền xấu kể ra đây không thể nào hết.
Để có một chính quyền đẹp phải có một thể chế đẹp.
Thể chế đẹp nhất hiện nay của nhân loại là thể chế dân chủ đa nguyên.
Biết bác Phúc cũng chẳng có quyền chi thay đổi thể chế nên chỉ ngồi đó mơ mộng viễn vông, hết Sài Gòn chiếu sáng Viễn Đông đến Hà Nội đẹp như Paris. Người không làm được việc nên hay mơ mộng đấy thôi..
Bác cả Trọng thực tế hơn. Bác biết cứ tiếp tục định hướng xã hội chủ nghĩa, cả trăm năm nữa cũng đi chưa đến đích. Bác biết thế nhưng vẫn kiên trì chăn dắt đất nước đi như thế. Bác là người xấu. Vì thế dân tộc nầy đang xấu theo.
Dân tộc xấu nên không thể có người Hà Nội đẹp.
Không có người Hà Nội đẹp nên không có Hà Nội đẹp.
Đẹp một chút chưa có, mơ chi đến Ba Lê xa hoa

Nhóm lợi ích khuyết điểm

Công là công, tội là tội, chẳng có lý gì công thì nhận huân chương mà tội thì lại lấp liếm.
Xuân Dương: "những người bị xác định là có tội, bị xử lý hình thức “tù” (kể cả cho hưởng án treo) thì trong thời gian bản án có hiệu lực, đương nhiên bị tước một phần hoặc toàn bộ quyền công dân và cũng không thể vẫn còn là đảng viên của Đảng.
Có thể thấy từ trước đến nay, số cán bộ cao cấp mắc khuyết điểm đa phần đều chỉ xử lý kỷ luật Đảng, nghĩa là chỉ xem đó là “khuyết điểm” chứ chưa phải là “tội”."
Hiếm khi dân chúng thấy cả hệ thống chính trị, nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng lên tiếng về cùng một vụ việc liên quan đến một doanh ngiệp thuộc hàng “quả đấm thép” làTập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVC).
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh, nói tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 12/5/2017 ở Trà Vinh:
“Sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, những lãnh đạo trong thời kỳ để xảy ra sai phạm đã bị xử lý trách nhiệm về mặt Đảng, trách nhiệm tài chính sẽ xem xét tiếp”. [1]
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời cử tri hai quận Ba Đình và Tây Hồ khi cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, sáng 13/5/2017 như sau:
“Nhiều đồng chí nói bây giờ chúng ta đụng đến một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lớn như thế… Đây là xử lý về trách nhiệm.
Các bác nhớ đây mới là xử lý về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng. Còn hình sự người ta đang làm.
Các vụ khác cũng đang làm. Bộ Nội vụ, Bộ Công thương... một loạt nhân vật cũng đang làm tiếp theo kỷ luật về Đảng”. [2]
Có thể thấy quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm “không có vùng cấm” đã được thể hiện bằng việc xử lý kỷ luật Đảng một số cán bộ cấp cao và rất cao như các ông Vũ Huy Hoàng, Võ Kim Cự, Đinh La Thăng,… Ông Võ Kim Cự giờ đã không còn tư cách đại biểu quốc hội nữa.
Ông Võ Kim Cự không còn là Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: tuoitre.vn).
Tuy nhiên, ý kiến tập hợp trong các buổi tiếp xúc cho thấy đánh giá chung của cử tri là hình thức kỷ luật cán bộ cấp cao có khuyết điểm còn nhẹ, chưa có sự công bằng giữa lãnh đạo và người dân.
Bộ Luật Hình sự Việt Nam phân chia tội phạm dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.
Theo đó tội phạm được chia thành bốn loại: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Tội ít nghiêm trọng được hiểu là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là ba năm tù.
Tội nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là bảy năm tù.
TỘI RẤT NGHIÊM TRỌNG LÀ TỘI PHẠM GÂY NGUY HẠI RẤT LỚN CHO XÃ HỘI, MỨC HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI TỘI NÀY CÓ THỂ LÊN ĐẾN MƯỜI LĂM NĂM TÙ.
Vấn đề là những “khuyết điểm” của cán bộ, đảng viên mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định đã đến mức cấu thành “tội phạm” chưa?
Nếu không phải là “tội” thì đương nhiên không thể xử theo pháp luật mà chỉ là “kỷ luật” trong nội bộ Đảng.
Trường hợp “khuyết điểm” có đủ chứng cứ cấu thành “tội” thì các mức độ “khuyết điểm” mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định có tương đương với “tội” quy định trong Bộ Luật hình sự?
Chẳng hạn khi khuyết điểm là “nghiêm trọng” hoặc “rất nghiêm trọng” có tương đương với “tội nghiêm trọng” hoặc “tội rất nghiêm trọng” không?
Nếu giả sử “khuyết điểm” thấp hơn “tội” một bậc thì “khuyết điểm rất nghiêm trọng” sẽ tương đương với “tội nghiêm trọng” tức là hình phạt có thể lên đến bảy năm tù.
Còn nếu thấp hơn hai bậc thì “khuyết điểm rất nghiêm trọng” sẽ tương đương với “tội ít nghiêm trọng”, trường hợp này hình phạt cao nhất có thể lên đến ba năm tù.
Cũng cần nói thêm, những người bị xác định là có tội, bị xử lý hình thức “tù” (kể cả cho hưởng án treo) thì trong thời gian bản án có hiệu lực, đương nhiên bị tước một phần hoặc toàn bộ quyền công dân và cũng không thể vẫn còn là đảng viên của Đảng.
Có thể thấy từ trước đến nay, số cán bộ cao cấp mắc khuyết điểm đa phần đều chỉ xử lý kỷ luật Đảng, nghĩa là chỉ xem đó là “khuyết điểm” chứ chưa phải là “tội”.
Năm 2012, phiên họp thứ 10 Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 11 kết luận ông Lữ Ngọc Cư - Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lăk như sau:
“Những khuyết điểm, vi phạm của ông Lữ Ngọc Cư là nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và uy tín của cá nhân đồng chí. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật ông Lữ Ngọc Cư bằng hình thức cảnh cáo”. [3]
Ông Lữ Ngọc Cư sau đó được chuyển sang Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Cùng trong năm, phiên họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định khuyết điểm của ông Trương Tấn Thiệu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước như sau:
“NHIỀU LẦN VI PHẠM NGUYÊN TẮC TẬP TRUNG DÂN CHỦ, VI PHẠM QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA TỈNH ỦY, BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, QUY CHẾ BAN CỦA CÁN SỰ ĐẢNG VÀ QUY ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH; THIẾU TRÁCH NHIỆM KIỂM TRA, GIÁM SÁT TRONG QUÁ TRÌNH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ; KÝ MỘT SỐ QUYẾT ĐỊNH CÓ NỘI DUNG TRÁI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT, TRONG ĐÓ CÓ MỘT SỐ VỤ VIỆC LÀM THẤT THU NGÂN SÁCH, GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG”. [4]
Ông Trương Tấn Thiệu bị kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước.
Như vậy khi khuyết điểm được bên Đảng đánh giá là “nghiêm trọng” thì hình thức kỷ luật Đảng là “cảnh cáo”.
Cả hai ông Lữ Ngọc Cư và Trương Tấn Thiệu đều chưa bị xử lý hình sự, nghĩa là chưa phạm tội?
Tuy nhiên, ngay cả khi cơ quan điều tra xác định là “có dấu hiệu tội phạm” (hiểu chính xác là có tội) thì đương sự cũng có thể không (hoặc chưa) bị xử lý hình sự.
Báo Thanhtra.com.vn ngày 22/7/2016 viết: “Cơ quan điều tra xác định, việc làm của các thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra những người này khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu.
Việc ra các quyết định trái quy định là muốn công trình nhanh, giá thành rẻ; không xác định được động cơ vụ lợi.
Người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Văn Tuân mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu nên liên ngành Tư pháp Trung ương thấy rằng không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các thành viên Hội đồng quản trị Vinaconex”. [5]
Trường hợp ông Đinh La Thăng, có thể thấy hai tiêu chí “có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành” đều thỏa mãn, còn ông có “vi phạm lần đầu” hay không thì phải chờ các cơ quan chức năng kết luận thời kỳ rời khỏi PVC sang lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải ông có “mắc” gì hay không.
Ông Thăng bị kỷ luật Đảng hình thức cảnh cáo giống như hai ông Lữ Ngọc Cư, Trương Tấn Thiệu.
Ông Thăng đã bị “chuyển công tác” như ông Cư, thôi chức vụ như ông Thiệu. Cứ như “cái lý” của mấy vụ đã nêu, mọi việc có thể coi là đã “hòm hòm”, đã có thể kết thúc?
Thế nhưng ông Thăng khác mấy ông kia bởi một chữ “rất”.
THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ KỲ HỌP THỨ 14 ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG VIẾT: “NHỮNG VI PHẠM, KHUYẾT ĐIỂM CỦA BAN THƯỜNG VỤ ĐẢNG UỶ PVN VÀ CÁC CÁ NHÂN NÊU TRÊN (TRONG ĐÓ CÓ ÔNG ĐINH LA THĂNG) LÀ RẤT NGHIÊM TRỌNG, ẢNH HƯỞNG XẤU ĐẾN UY TÍN CỦA TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ CÁC CÁ NHÂN LIÊN QUAN”.
Theo “định luật giảm cấp” được áp dụng cho các vụ việc trình bày ở trên, khi vi phạm, khuyết điểm được đánh giá là “nghiêm trọng” thì được xem là không có tội, không bị xử lý hình sự, nghĩa là bên dân sự sẽ xếp dưới mức thấp nhất: “tội ít nghiêm trọng”.
Trường hợp vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên bị tổ chức Đảng đánh giá là “rất nghiêm trọng” nếu “giảm cấp” thì giảm xuống mức nào?
Giảm xuống dưới mức “tội ít nghiêm trọng” hay tương đương với “tội ít nghiêm trọng”?
Đặt ra câu hỏi thì dễ nhưng trả lời câu hỏi thì chắc là không dễ bởi người dân đã từng biết chuyện cơ quan chức năng bên dân sự quyết định khởi tố vụ án liên quan đến “chuồng gà” ở Cao Bằng, “lều vịt” ở quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng miễn truy cứu ông Phí Thái Bình, cựu Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên một khi Tổng Bí thư đã khẳng định: “còn hình sự người ta đang làm” thì cử tri có thể bình tĩnh chờ đợi bởi thời gian qua, những vụ việc đưa ra xử lý cho thấy phát biểu của Tổng Bí thư luôn được bảo đảm bằng những việc làm cụ thể.
Vấn đề làm thế nào để câu chuyện “Liên ngành Tư pháp Trung ương nhận thấy…” không tiếp tục xảy ra? Có lẽ câu trả lời là cần xóa bỏ cơ cấu “Liên ngành này”.
Trong dân chúng có câu: “trông người mà nghĩ đến ta”, câu này bao hàm cả ý nghĩa tích cực lẫn tiêu cực.
Nhìn vào người bị kỷ luật để sợ, để tự răn đe mình không được vi phạm, đó là tích cực. Nhìn người mắc khuyết điểm để tìm cách đối phó, tìm cách kết bè kéo cánh, gỡ tội cho nhau là tiêu cực.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội từng phát biểu: “tôi không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước”.
Nếu quan điểm của ông Chung được “Liên ngành” ủng hộ, được nhân rộng sang các lĩnh vực khác (Tổ chức, Kiểm tra…) thì điều gì sẽ xảy ra?
Khi đó “thế hệ trước” sẽ yên tâm dù có làm quy hoạch “băm nát” Thủ đô hay ống nước Sông Đà vỡ thêm vài chục lần nữa?
Khi đó “thế hệ trước” sẽ thoải mái du lịch hoặc “chữa bệnh” ở nước ngoài dẫu khi đương chức luôn tuân thủ nguyên tắc “tìm người nhà, không tìm người tài”?
Khi đó thế hệ đương nhiệm sẽ là tấm gương cho thế hệ sau học tập.
Hình minh họa đăng trên baophapluat.vn
“Không đổ lỗi” đương nhiên là không nhận lỗi thay “người trước”, nhưng chắc chắn phải dành công sức, nhân lực để sửa lỗi hộ, như vậy có vẻ không được công bằng cho lắm.
Công là công, tội là tội, chẳng có lý gì công thì nhận huân chương mà tội thì lại lấp liếm.
Một năm qua, có thể thấy nhiều tín hiệu đáng mừng về hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về một Chính phủ liêm chính, về sự lắng nghe ý kiến nhân dân của lãnh đạo cấp cao song những chuyển động đó thực sự vẫn là chưa đủ.
Sự quyết tâm từ các vị lãnh đạo cao nhất chỉ thành công khi người dân nhiệt tình ủng hộ. Muốn dân ủng hộ thì hãy để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Sự dè dặt, đôi khi là thờ ơ của người dân, của truyền thông khi phát biểu quan điểm chính là bức tường ngăn cách sự đồng lòng.
Muốn thay đổi đất nước, phải thay đổi niềm tin đang suy giảm của nhân dân bằng những việc làm cụ thể chứ không phải khẩu hiệu.
Kỷ luật cán bộ không nên nhằm mục tiêu duy nhất là cứu cán bộ, trước hết phải là để “cứu niềm tin”.
Khi niềm tin trở lại, Đảng không chỉ có động lực làm trong sạch mình mà cũng còn là cách làm trong sạch xã hội, góp phần đẩy lùi, xóa bỏ sự vô cảm, xấu xí của một bộ phận không nhỏ người Việt bao gồm cả dân và lãnh đạo.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://plo.vn/thoi-su/tong-bi-thu-xu-ly-can-bo-sap-toi-se-con-lam-tiep-701641.html
[2] http://thanhnien.vn/thoi-su/cu-tri-rat-am-anh-chuyen-can-bo-cu-bi-ky-luat-lai-duoc-dieu-chuyen-834924.html
[3] http://www.vietnamplus.vn/ky-luat-thu-truong-y-te-va-chu-tich-ubnd-dak-lak/133727.vnp
[4]http://xaydungdang.org.vn/Home/Can-bo/2012/5752/Ky-hop-thu-16-cua-Uy-ban-Kiem-tra-Trung-uong.aspx
[5] http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/mien-xu-hinh-su-quan-vinaconex-lien-nganh-tu-phap-quyet-dinh-la-khong-dung-thu-tuc_t114c67n106520
Xuân Dương

Trang