26 tháng 5, 2017

Ông Lê Thanh Vân: Cán bộ ngồi chơi đông quá, không thể có chính sách tốt

Tác giả: Hoàng Thùy
KD: Đọc bài này, mình chỉ mong đây là lần họp bàn cuối cùng chủ đề này. Chứ kỳ họp QH nào cũng nói đi nói lại vấn đề cán bộ, như quan họ” Đến hẹn lại lên”, chả giải quyết được dứt diểm. Nói thật, XH nản lắm rồi, chán quá rồi
———————
Dẫn ý kiến bầu Đệ ở Thanh Hoá nói “50% cán bộ, công chức chỉ ngồi bói chữ”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ ý kiến cá nhân: Tôi cho số này còn đông hơn!
Bầu Đệ: ‘50% cán bộ, công chức chỉ ngồi bói chữ’
Chiều 25/5, thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế – xã hội, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, nhiều năm qua, Chính phủ tiến hành cải cách hành chính nhưng kết quả chưa khả quan. Bộ máy quá cồng kềnh dẫn đến chi thường xuyên quá lớn, trong khi đó chất lượng cán bộ lại khó đo đếm.
“Trong cuộc gặp của Thủ tướng với các doanh nghiệp mới đây, bầu Đệ ở Thanh Hoá nói rằng 50% cán bộ, công chức hiện chỉ ngồi chơi xơi nước. Trước đó cũng có một vị lãnh đạo dẫn ý kiến chuyên gia, cho là 30% người trong bộ máy hành chính sáng cắp ô đi chiều cắp ô về. Cá nhân tôi thấy tỷ lệ đó còn cao hơn. Với đội ngũ như vậy thì ban hành chính sách làm sao tốt được”, ông Vân thẳng thắn nói.
Theo ông, chính vì bộ máy thì cồng kềnh nên “cứ bóp trên thì phình dưới”, nghĩa là giảm đầu mối cơ quan ở trên lại phình chân rết ở dưới, giảm được người ở cơ quan này thì tăng ở đơn vị khác, chưa phải tinh giản thật sự.
Đại biểu Lê Thanh Vân
Muốn đất nước phát triển, ông Vân nói khâu quan trọng là trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, công tác cán bộ đang có vấn đề báo động. “Đó là hiện tượng cả họ làm quan, bổ nhiệm thân hữu. Gần đây tôi nghe câu nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ, như vậy không còn chỗ cho trí tuệ. Đầu tiên là con cháu họ hàng, sau có tiền, sau nữa là alo gửi gắm, trao đổi, thì làm gì có chỗ cho nhân tài”, đại biểu Vân nhấn mạnh và dẫn chứng “thậm chí mới đây có trường hợp giám đốc bệnh viện ở Đồng Tháp bổ nhiệm con trai bị động kinh làm phó khoa”.
Theo ông, hiện nhiều vị được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, đứng phát biểu thao thao bất tuyệt nhưng nói không ai hiểu gì, rời tờ giấy ra là trí tuệ không thể hiện được. “Năng lực như vậy mà điều hành thì chỉ có rối loạn”, ông nói.
“Tôi rất tiếc trong việc sửa đổi Bộ luật hình sự lần này thiếu chế tài trong công tác cán bộ, từ việc giới thiệu, đề cử, tiến cử đến thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm. Trong lĩnh vực quan trọng này, nếu cá nhân nào sai phạm, làm trái thì phải trừng trị bằng luật hình, để họ thấy chỉ giới đỏ mà sợ không dám làm liều”, ông Vân đề xuất.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu tình trạng nhức nhối về một số sai phạm trong công tác cán bộ gần đây, nhất là các vụ bổ nhiệm “thần tốc”.
“Sự việc liên quan đến nữ trưởng phòng ở Sở Xây dựng Thanh Hoá lùm xùm như vậy, nhưng bây giờ nghe đâu cô ấy đã đi nước ngoài. Đây là điều mà dư luận rất bức xúc. Tôi đã nói nhiều lần, khi cán bộ có vấn đề chưa được làm rõ thì phải hạn chế xuất cảnh, nhưng cuối cùng vẫn để họ rời đi như là một cách trốn chạy trách nhiệm và không để liên quan người khác”, ông Nhưỡng nói.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Trao đổi với đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng bộ máy cồng kềnh, trì trệ kéo dài thời gian qua là do việc phân cấp, phân quyền còn quá nhiều vấn đề. Ví dụ trong ngành nội vụ, để tuyển dụng không qua thi tuyển một công chức cấp phòng ở huyện phải báo cáo lên Bộ trưởng Nội vụ; trong khi chủ tịch UBND tỉnh được giao bổ nhiệm đến giám đốc sở, không qua Bộ.
Về tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ cho biết cứ 6 tháng địa phương tổng hợp báo cáo lên trung ương, Bộ thẩm tra và ngành tài chính thẩm định, rồi căn cứ vào đó cấp kinh phí. “Nhiều lần tôi nói là giao cho địa phương làm luôn, Bộ chỉ làm hậu kiểm, nhưng thực tế có quá nhiều cấp thẩm tra, thẩm định khiến kéo dài thời gian”, ông Tân nói và cho biết hiện chưa có chế tài trong lĩnh vực tinh giản biên chế nên “ai không làm cũng không sao”.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ nêu đề xuất: “Đã đến lúc phải có điều khoản quy định chế tài xử lý những người không thực hiện việc tinh giản biên chế”.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, giữa quy định về số lượng cấp phó của luật Tổ chức chính quyền địa phương và nghị quyết của Quốc hội xếp loại đơn vị hành chính có liên quan mật thiết nhau; xếp loại đơn vị hành chính cao hơn thì số lượng cấp phó nhiều hơn.
“Tôi thấy bây giờ nhiều việc của các sở đều đẩy lên chủ tịch, phó chủ tịch. Nếu không cơ cấu lại tổ chức và đội ngũ cán bộ công chức thì không tinh giản được”, ông Tân nói.
“Trong quá trình làm việc với các địa phương có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa số là giảm biên chế đâu giảm, đừng giảm chỗ tôi”, Bộ trưởng kể.

Không có nhận xét nào:

Trang