29 tháng 9, 2014

“Thoát y” khiêu vũ cùng... pháp luật

Kỳ Duyên


Lòng tham sẽ khiến cho người Việt, từ quan chức đến dân thường, sẵnsàng “thoát y” để khiêu vũ, không chỉ với đồng tiền nữa, mà với chính… pháp luật. Chữ quyền + tiền đang trở thành cặp bài trùng ma quỷ.
I-Có một thực tế phũ phàng, con người vốn được coi là chúa tể muôn loài. Vì sức mạnh trí tuệ và sáng tạo vô song, có thể biến những câu chuyện cổ tích thành hiện thực. Ở những xã hội văn minh, có nền tài chính minh bạch, con người còn biết sai khiến đồng tiền, chế ngự tính xấu của nó bằng thiết chế quản lý và những chính sách, luật pháp phù hợp quy luật thực tiễn, xây dựng xã hội kỷ cương lành mạnh.
Nhưng trên con đường phát triển, không phải xã hội nào cũng đạt tới sức mạnh làm chủ hoàn toàn cái đồng tiền bất kham này. Và với thiết chế quản lý còn nhiều lỗ hổng, đồng tiền còn có thể trở thành một loại “giặc nội xâm”- tham nhũng. Mà nước Việt đang vất vả phòng chống là thế.
Chả thế người ta thường gọi chua xót- thời đại kim tiền. Chả thế, đồng tiền đã từng được nâng lên như một … “học thuyết” của giới giang hồ: Tiền có thể không mua được. Nhưng rất nhiềutiền vẫn có thể mua được. Mà những vụ án tham nhũng khủng, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng là những ví dụ điển hình.
Câu chuyện ở ngay trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) mới đây là một vụ việc khá điển hình, cho dù số tiền vỏn vẹn “có 30 triệu vụ này mới xong”- chỉ là một số tiền bé mọn. Nhưng những vấn đề bị lộ ra lại rất nghiêm trọng. Nó cho thấy khi phải khiêu vũ với đồng tiền, thì con người có lúc gần như … “thoát y” đến méo mó cả lương tâm, nghiệp vụ, chức trách.
Câu chuyện tóm gọn: Ông Lê Bá Quý - nguyên Chủ tịch UBND xã Tiến Nông (Triệu Sơn) bị cơ quan chức năng kết luận phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Ông này nhờ bà Nguyễn Thị Niên - Kiểm sát viên Viện KSND huyện Triệu Sơn, là người họ hàng - giúp đỡ để chạy án. Và việc chạy án đã diễn ra đúng như một bộ phim hình sự, với những đối thoại rất đời. Các “diễn viên” chính gồm: Lê Ngọc Hiệp - Thẩm phán trung cấp, Chánh án; Lê Sỹ Thuần - Thư ký tòa và bà Lê Thị Thu - Thẩm phán, đều thuộc TAND huyện Triệu Sơn.
Bộ phim bị lộ giữa thanh thiên bạch nhật bởi ông Lê Bá Quý, cũng chính là người bí mật ghi âm các lời thoại mặc cả, ngã giá của các … “diễn viên”. Ông này vốn tự cho là mình bị bẫy, bị kết tội oan, rút cục đưa cả chánh án, thư ký tòa, thẩm phán nay mai ra trước vành móng ngựa. Rõ là kẻ cắp bà già gặp nhau. Họ oan ra sao, chỉ là “tai nạn nghề nghiệp” thế nào- như lời ông Lê Ngọc Hiệp thanh minh thanh nga, thì để nay mai họ có nhiệm vụ trả lời trước pháp luật.
Một hiện tượng đáng chú ý, cán bộ ngành tư pháp các cấp “khiêu vũ” với đồng tiền khá nhiều, không còn là của hiếm.
Đó là Phan Văn Quang, nguyên Chánh án TAND huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã bị tuyên phạt 06 năm tù vị tội nhận hối lộ, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Võ Tá Trường, nguyên Thẩm phán tòa, 02 năm tù về tội nhận hối lộ, tháng 08/2014.
Đó là Nguyễn Duy Hiệp, nguyên quyền Chánh án TAND huyện Thanh Liêm (Hà Nam), nhận hối lộ 235 triệu đồng của đương sự. Chỉ một ngày trước khi chính thức trở thành chánh án, ông quyền này bị bắt giam, tháng 07/2014.
Đó là Nguyễn Thái Quốc Cường, Thư ký TAND Q. 12 (t/p HCM) bị cơ quan chức năng bắt quả tang nhận 170 triệu đồng của đương sự trong một vụ án hình sự để chạy án, tháng 04/2014.
Trước đó, tháng 01/2014, Phan Mạnh Hùng, nguyên Thẩm phán TAND Q. 12 bị tuyên án 07 năm tù về tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng của một người nhờ tư vấn.
Hết chánh án, quyền chánh án, thư ký tòa án, đến cả cán bộ sở tư pháp cũng “thoát y” khiêu vũ với đồng tiền. Đó là ông Nguyễn Ngọc Lan, chỉ là cán bộ Sở TP Nghệ An, nhưng lại mạo danh là Phó Giám đốc sở, lừa lấy 100 triệu đồng của người nhà một bị can với lời hứa “chạy án”, và đã bị bắt, tháng 05/2014, v.v… và v. v…
Hiện tượng này cho thấy hoạt động tư pháp là một trong những mảnh đất mà tham nhũng luôn dòm ngó. Bởi một điều đơn giản, xã hội đang trong giai đoạn phát triển, thiết chế quản lý lỏng lẻo, luôn có nhiều bất ổn, thì ở một góc độ nào đó, văn hóa- đạo lý xã hội lệch lạc, tội lỗi, thậm chí tội ác cũng nảy nở tỷ lệ thuận theo.
Chữ quyền+ tiền đang trở thành cặp bài trùng ma quỷ.
Vụ việc chạy án ngay giữa trụ sở TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) mới đây, phản chiếu rất sinh động và cụ thể cái tư duy lẫn “định hướng” phạm tội của các quan tòa ở huyện này sau hậu trường sàn diễn. “Lỗi hệ thống” ở đây không thuần túy là chuyện ăn hối lộ theo dây, mà cả cung cách giẫm đạp lên pháp luật cũng… “theo dây”. Tính chất nguy hiểm của vụ việc này tinh vi còn là ở chỗ đó.
Đó là khi cả Tòa án, Viện Kiểm sát “hợp tác” với bị can để chạy án như thế nào? (GDVN, ngày 19/9). Theo báo này, khởi đầu tại trụ sở Viện KSND huyện Triệu Sơn, ông Nguyễn Đình Hà, Phó Viện trưởng, người được ông Nguyễn Bá Quý nhờ vẽ đường cho hươu chạy. Và các thao tác “chạy” rất bài bản.
Thao tác đầu tiên là gì? Băng ghi âm của ông Quý cho thấy, ông Phó Viện trưởng Viện KS huyện Nguyễn Đình Hà đe doạ và yêu cầu ông này phải làm đơn, xin rút luật sư bào chữa:Nếuanh không rút luật sư thì chúng tôi không thể chiếu cố cho anh được! Cái yêu cầu rút luật sư bào chữa này, một lần nữa, cũng lại được ông Lê Ngọc Hiệp, nguyên Chánh án TAND đưa ra, trước khi mặc cả giá tiền. Một yêu cầu thực chất vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự và những quy định của ngành.
Thao tác thứ hai, xuống tỉnh: Cái này còn phải xuống tỉnh để xin, may ra mới có được án treochứ xử ở đây thế, (xử án treo - PV), xuống dưới kia lỡ may bị bắt giam thì chả giải quyết vấn đề gì.
Thao tác thứ ba: Bây giờ sang tòa án xem hết bao nhiêu?
Chính ở cái công đoạn- thao tác thứ ba này, mới thấy hết sự “thoát y” về nhân cách, lương tâm nghề nghiệp của họ ra sao, với những phát ngôn thật ấn tượng. Hãy thử nghe:
Ông Lê Ngọc Hiệp, Chánh án: Đây được mấy tiền? Khi biết chỉ có 10 triệu, ông Hiệp: Một nấy chưa đủ đi tỉnh.
Ông Lê Sỹ Thuần - Thư ký tòa: Anh vứt xuống tỉnh 20 cái (tiền - PV), lo đây10 cái, tổng 30 cái, được lòng trước khỏi mất lòng sau, chính xác 100%. Còn nếu anh không tin tôi thì anh cứ đi hỏi nơi khác, nhưng khi anh quay lại phải nâng lên một ít nữa, tính tôi rất thật. Rồi “Tội cưỡng đoạt khoản 2 đ. ai cứu”.
Công nhận là ông này rất thật, khi nói đến tiền. Nhưng đã rất thật với tiền, thì sẽ rất gian khi xử án.
Một câu hỏi cần đặt ra, nơi khác là nơi nào, và tỉnh ở đây, là đâu nhỉ? Như vậy, cái giá tiền cũng mang tính rất… phổ biến? Mà ông Lê Sỹ Thuần đã “định giá” rõ là vứt xuống tỉnh 20 cái, đây (huyện) 10 cái!
Vậy mà khi được hỏi, ông Lê Ngọc Hiệp… phiên dịch thế này, chắc sợ báo chí không hiểu tiếng Việt trong đối thoại của ông ta: Ý em là từ trên huyện xuống tỉnh cũng phải thuê xe cộ, lo chỗ ăn, chỗ nghỉ. Ý em thế thôi.
Liệu có tin được ông Hiệp thương ông Quý đến độ lo cho cả chuyện tàu xe, đi đường ko? Có lẽ cái băng ghi âm của ông Quý nghe đến đây cũng phải… đỏ mặt rần rần!
Và nhất là bà Lê Thị Thu, Thẩm phán: Vì anh là người nhà của cô Niên (bà Niên cán bộ ViệnKSND huyện, có họ hàng với bị can Quý), nên bọn em mới giúp, còn là dân thì... bọn em sẽ làm theo quy định của pháp luật! Nghiêm phết!
Mà thực ra, đó chỉ là sự ngụy biện để che dấu cái việc ăn tiền trắng trợn. Nó cũng cho thấy pháp luật chả có ý nghĩa bình đẳng, công bằng gì hết trong chính bàn tay … đếm tiền của các vị!
Thử tưởng tượng, vụ chạy án này trót lọt, thì cho dù có xử giữa công đường, giữa thanh thiên bạch nhật, kết quả vụ án cũng chỉ là một “trò đùa” đốn mạt với công luận, với dư luận xã hội.
Cải cách tư pháp là một sự hối thúc của xã hội, của đạo lý nước Việt đang xuống cấp nghiêm trọng, rất cần chấn hưng. Nhưng cải cách thế nào đây, nếu như cán bộ tư pháp say mê “thoát y” để khiêu vũ với đồng tiền đến chóng mặt như thế này?
Phép thần nào đủ mạnh để cải cách tư pháp nước Việt nhỉ? Nếu như pháp luật không thượng tôn. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó mới chính là con đường sáng duy nhất, để nước Việt có kỷ cương, môi trường xã hội lành mạnh và niềm tin của người dân không bị mất mát.
*****************************
II- Không chỉ có các quan chức cấp thấp, mà có cả một cựu quan chức cấp cao trong tuần qua, ông Hồ Nghĩa Dũng, cựu Bộ trưởng GTVT, cũng trở thành đề tài gây xôn xao dư luận. Bởi vị này không phải khiêu vũ với đồng tiền, mà khiêu vũ với… Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Điều mà dư luận xôn xao trên báo chí là ở chỗ, trước đó, khi còn đương chức ông là người ký quyết định đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả này. Cũng chính ông chỉ định nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đèo Cả. Rồi ở thời điểm vốn vay khó khăn, cũng chính ông nhiệt tình giúp đỡ doanh nghiệp này tiếp xúc với các tổ chức tín dụng trong nước, ngoài nước.
Và chỉ 08 tháng sau, khi đã giã từ chiếc ghế quyền lực, ông chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Quản trị công ty. Nói như dân gian chẳng ngoa chút nào, thì cái công ty này như là “sân sau” để ông chuẩn bị hạ cánh cho an toàn.
Cũng phải hơn 02 năm sau, từ tháng 04/2012 đến năm nay, câu chuyện mới “bị lộ”, gây ồn ào, đàm tiếu. Bị lộ bởi trang website của công ty, chẳng biết có phải vì quá tự hào có được một cựu Bộ trưởng ngành mình về làm ủy viên HĐQT không, mà đưa lên công khai, khiến bung bét hết cả chuyện. Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau.
Có điều dở, khi bước chân vào làm thành viên của HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, là ông đã ngang nhiên giẫm lên những quy định của pháp luật. Cụ thể ở đây là một loạt những quy định của Chính Phủ, mà ông từng là một thành viên. Đó là Nghị định 102/2007/ NĐ- CP, Điều 04, Chương II, quy định thời hạn không được kinh doanh ở các lĩnh vực; Điều 05 quy định thời hạn không được kinh doanh với những đối tượng cán bộ, công chức như ông (phải từ 12-18 tháng).
Từng là một Bộ trưởng, một quan chức cao cấp, quản lý ngành GTVT, một ngành huyết mạch, và cực kỳ phức tạp vì đầu tư cực lớn, không thể nói là ông không nắm được luật. Cách đây một vài năm, dư luận đã xôn xao trước một vị cựu Bộ trưởng KH và ĐT, vì “lách luật” mà phải hầu tòa.
Nếu cứ hành xử như các cựu Bộ trưởng nói trên thì con đường thực thi pháp luật cũng sẽ có nguy cơ bị… tắc nghẽn bởi những hành vi phạm pháp. Vừa thiếu nghĩa, và cũng không dũng lắm! Điều đó sẽ rất khó thuyết phục người dân Sống và làm việc theo Hiến pháp, và pháp luật.
Có điều, dù các quy định pháp luật của Nhà nước có vẻ chặt chẽ “đầu vào”, nhưng lại rất lỏng lẻo… “ đầu ra”. Nghĩa là cấm thì cấm, nhưng không hề có chế tài xử lý, nếu như các đối tượng thuộc diện phải thi hành vi phạm. Trả lời phỏng vấn nhà báo, ông Nguyễn Sỹ Cương, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, Ủy viên Thường trực UB Pháp luật của QH công nhận, nếu không quy định cụ thể điều này thì sẽ rất dở. Mà đầu ra lỏng lẻo- chế tài xử phạt không có, sẽ… huề cả làng? Thì khẩu hiệu Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật vĩnh viễn chỉ là khẩu hiệu.
Được biết, trang website của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả thấy “động”, lập tức gỡ ngay thông tin. Xong om! Theo ngôn từ của một nhà thơ nổi tiếng.
Nhưng hãy còn đây tai tiếng xung quanh vụ việc này. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng, đây là một bài học về quy định pháp luật phải như thế nào để tránh việc các quan chức, khi còn đương chức thì đưa ra những quyết định để chuẩn bị khi về hưu, có thể được lợi từ các quyết định đó.
Còn đời sống nước Việt trong thế giới phẳng giờ đây, trước quốc nạn tham nhũng, trước tâm lý sống vụ lợi, trước những hiện tượng rối loạn các giá trị lại chỉ dễ dàng tin những quan hệ hợp tác kiểu đó như là một sự “trả nợ miệng”. Mà không hề tin ở những lời thanh minh thanh nga của ông Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, cũng như của ông cựu Bộ trưởng. Cho dù đến thời điểm này, được biết, ông Hồ Nghĩa Dũng đã rút khỏi vị trí ủy viên HĐQT.
Với cá nhân một cựu quan chức, đó cũng là một mất mát không nhỏ về thanh danh.
Rồi đây, các cá nhân vẽ đường chạy án của TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) sẽ phải trả lời trước pháp luật. Đến lúc nào đó, sự ồn ào về cái cách hạ cánh … chòng chành của cựu Bộ trưởng GTVT cũng sẽ lắng xuống. Nhưng sự nhức nhối của một nền tư pháp không được thượng tôn, với những lỗ hổng pháp luật to tướng vẫn đặt ra cho hành trình hội nhập còn khập khiễng, chậm chạp của nước Việt, những vấn đề quyết liệt của cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách thiết chế quản lý, ở tầm vĩ mô.
Nếu không, lòng tham sẽ khiến cho người ta, từ quan chức đến dân thường, sẵn sàng “thoát y” để khiêu vũ, không chỉ với đồng tiền nữa, mà với chính… pháp luật!
Đó là điều đau khổ và đáng hổ thẹn nhất cho một quốc gia hướng tới văn minh, văn hóa!

Bài học gì từ cựu Bộ trưởng Giao thông?

Hà Mi

ĐỔI MỚI - Hay LÀM TIỀN !?

Đổi mới Chương trình, sách giáo khoa:Từ 34 ngàn tỉ xuống 800 tỷ, Chủ tịch Quốc hội cũng sợ!
“Nếu làm dưới con số đề ra thì tốt, nhưng vượt quá thì sao? Từ 34 nghìn tỷ xuống còn có mấy trăm tỷ tôi nghe tôi cũng sợ quá”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thốt lên như vậy khi thảo luận về Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Chính phủ trong việc nỗ lực để trình ra được một bản đề án mới, đồng thời đặt ra câu hỏi bày tỏ sự lo lắng: “Tôi chưa hiểu nói thế này rồi nhưng mà làm thế nào?”.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tạo được sự đồng bộ trong hệ thống, phải tính toán toàn diện mối liên hệ giữa nhà trường và thầy cô giáo, giữa thầy cô giáo với học trò và với xã hội.
“Các cụ nói là đa thư loạn mục, lắm thầy rầy ma. Tôi đồng ý là phải sáng tạo, đổi mới, nhưng mà phải nghiên cứu viết vào nghị quyết thế nào cho đúng. Nghị quyết viết là “đổi mới căn bản toàn diện” thì ở đây các đồng chí lại viết là “chuyển biến căn bản mạnh mẽ”. Tôi lo ở chỗ trình độ thầy khác nhau, học trò khác nhau, vậy bây giờ thống nhất chương trình kiểu gì đây? Chương trình là do Bộ Giáo dục, nhưng bây giờ tổ chức soạn sách giáo khoa thì thế nào, có đảm bảo dân chủ không? 
Trách nhiệm của Bộ Giáo dục là làm chương trình, nhưng Bộ ban hành chương trình thế nào không thấy nói? Bộ làm thế nào thì không thấy nói? Tổ chức làm chương trình thế nào, hay là mấy vụ thiết kế ra rồi các đồng chí ký, gọi là chương trình?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chương trình với sách giáo khoa phải đảm bảo rất chặt chẽ sự gắn kết để đảm bảo chất lượng giáo dục: “Các đồng chí viết là phân hóa bằng tự chọn môn học và chuyên đề học tập. Thế thì tích hợp bằng gì? Viết rất khó hiểu, ý này tối lắm. Nghị quyết này các đồng chí viết như là lời bình thôi thì đơn giản quá, không cẩn thận là thành ra cái sản phẩm giáo dục tự do. Phải làm rõ sách được thẩm định như thế nào? Như thế mới là Nghị quyết, để sau này thực hiện được”.
Cho ý kiến về kinh phí thực hiện đề án, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải có sự tính toán hợp lý và hàng năm Chính phủ trình ra Quốc hội phê chuẩn.
“Nếu làm dưới con số đề ra thì tốt, nhưng vượt quá thì sao? Từ 34 nghìn tỷ xuống còn có mấy trăm tỷ tôi nghe tôi cũng sợ quá”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trong khi đó ông KSor Phước - Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc thì bộc bạch: "Những người không chuyên sâu về giáo dục như tôi thì yêu cầu rõ về thực tiễn, chứ viết thế này thì Nghị quyết rất chung chung, đọc thì không thấy gì sai cả, nhưng chung chung. Ra Quốc hội nói thế này thì quá đơn giản, cho nên theo tôi là phải nói cụ thể".
Ông KSor Phước nêu hai thí dụ buồn từ trong đời sống và cho rằng đó là sản phẩm của nền giáo dục, cho nên cần phải xem lại: "Chuyện thứ nhất tôi nhớ trước đây, học sinh cấp hai là khoanh tay chào người lớn, nhưng bây giờ thì chỉ có cấp một chào thôi, chứ cấp hai không chào. Vậy là càng học cao thì càng không tôn trọng người lớn, văn hóa như vậy là rất tệ. Chuyện thứ hai là vào những năm 80 văn hóa giao thông ở phía Nam rất tốt, còn ở phía Bắc thì rất tệ, càng ngày càng kém. Nhưng bây giờ văn hóa giao thông ở phía Nam cũng bắt đầu kém".
Vị Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc đồng thời nhấn mạnh, nguy hiểm của giáo dục hiện nay là không chú trọng truyền thống của dân tộc: “Rất nhiều con cháu của cán bộ ta đi du học rồi không về nước nữa, đó mới chỉ là con cháu của cán bộ đấy chứ chưa kể tới nhân dân. Vì vậy, tôi đề nghị vấn đề giáo dục văn hóa, giáo dục lịch sử phải đặc biệt chú ý”.
Dự kiến chi 778,8 tỷ đồng mới triển khai được sách giáo khoa mới
Trình bày về "Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông" tại Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, xây dựng chương trình, ngoài biên soạn một bộ sách giáo khoa và thẩm định chương trình, sách giáo khoa hết 462 tỷ đồng thì việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới còn dự kiến phải chi thêm 316,8 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: 
Biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương (14,9 tỷ đồng); Cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên (169,5 tỷ đồng); Ghi hình bài tập huấn và bài giảng theo chương trình mới (121,3 tỷ đồng); Ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh hoạ để tổ chức tập huấn qua Internet (30% tổng số giờ theo chương trình mới) 36,4 tỷ đồng; 
Ghi hình bài giảng trên Internet để giáo viên, học sinh tham khảo (70% tổng số giờ theo chương trình mới) 84,9 tỷ đồng; Cung cấp đĩa ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh hoạ cho giáo viên vùng khó khăn (khoảng 30% tổng số giáo viên toàn quốc) 5,1 tỷ đồng; Tổ chức, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc tập huấn giáo viên 6 tỷ đồng.
Theo đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kinh phí ngân sách Trung ương là 504,4 tỷ đồng và kinh phí ngân sách địa phương 274,4 tỷ đồng.
Cũng cần phải nói rõ rằng, nguồn kinh phí 778,8 tỷ đồng dự kiến trên chưa bao gồm nguồn tài chính từ các cá nhân và tổ chức khác để thực hiện các nội dung: Biên soạn các sách giáo khoa khác (ngoài bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn); Bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cơ sở giáo dục phổ thông về sách giáo khoa do cá nhân, tổ chức biên soạn và được phát hành.
(Nguồn GDVN)

Giáo sư Hồ Ngọc Đại"Việt Nam tụt hậu 1-2 thế kỷ"

Trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết, đó là sư phạm.
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - người đã từng từ chối làm Thứ trưởng để dạy tiểu học đã bình luận như vậy khi nói về vai trò của người thầy - yếu tố thiên cốt tạo nên sức sống của nền giáo dục.
"Ai cũng dạy được, thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được"
GS Hồ Ngọc Đại nhận định: "Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi chúng ta bắt đầu chuẩn bị cuộc cải cách giáo dục với nhiều ảo tưởng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi về tôi cuộc cải cách giáo dục như thế nào? Tôi trả lời ngay: "Sẽ thất bại, vì chiến lược về nền giáo dục hiện đại dông dài, ly kỳ, khó hiểu. Cho đến bây giờ, Việt Nam chúng ta nếu nhìn về mặt triết học thì ngang bằng lịch sử, nhưng thực chất là đang tụt lùi 1-2 thế kỷ”.
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại: Trong thế kỷ 21 ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết (kể cả nguyên tắc lý thuyết) đó là sư phạm. Ảnh: Ngọc Quang.
Nếu đặt ra câu hỏi: Trước quá nhiều chuyện xấu xí của nền giáo dục, chúng ta phải chọn vấn đề gì cần phải làm trước để mở đường cho một cuộc cải cách? Hẳn bất cứ ai có hiểu biết về giáo dục đề sẽ trả lời: Cái lõi của sự đổi mới, không gì hơn được, đó chính là người thầy. Nếu người thầy năng lực không tốt, không mẫn cán mà nói vui là không chịu được áp lực "lái tàu cao tốc" thì hệ lụy là sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học sinh. Nhưng dường như ngành giáo dục chưa có một kế hoạch đủ mạnh để thay đổi vai trò của người thầy. Do đó, GS Hồ Ngọc Đại đánh giá rằng, trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết (kể cả nguyên tắc lý thuyết) đó là sư phạm.
“Đi đến đâu tôi cũng kể lại câu chuyện ông bố Kennedy mở lớp dạy cho trẻ con và nói rằng, dòng họ Kennedy sẽ làm tổng thống nước Mỹ. Nếu không làm Tổng thống nước Mỹ mà làm bất cứ nghề gì, kể cả đó là nghề móc cống thì cũng là người móc cống giỏi nhất nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là xã hội đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa, nhưng chúng ta hiện nay không có tính chuyên nghiệp gì cả.
Khi nghiên cứu về tâm lý học, tôi thấy rất tự ái về nghề, vì rằng ai cũng làm giáo viên được cả, kể cả thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được. Do đó, tôi muốn biến cái nghiệp vụ sư phạm thành công việc chỉ có thầy giáo mới làm được, ngoài ra không ai làm được”, GS Đại chia sẻ.
Đào tạo giáo viên dư thừa quá lớn
Song song với yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống cho người thầy thì công tác tuyển sinh ngành sư phạm cũng phải siết thật chặt, không nên để điểm đầu vào quá thấp như mấy năm qua. Nói cách khác, những ai không xứng đáng thì cũng đừng đứng vào hàng ngũ người thầy.
PGS.TS Nguyễn Thám – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế cho hay: “Tôi thống kê hiện nay có 43 trường sư phạm, hoặc các trường không sư phạm nhưng lại có khoa sư phạm đào tạo giáo viên, thậm chí có những trường không có khoa sư phạm cũng đào tạo giáo viên. Năm trước, chỉ tiêu đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục là 16 nghìn có ngân sách nhưng các trường ở địa phương thì tăng lên 25.500 chỉ tiêu. Dù chủ trương của Bộ Giáo dục là giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên, nhưng năm nay vẫn có tới 25.250 chỉ tiêu đào tạo ở tất cả các trường trên cả nước. Như vậy là quá dư thừa".
PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế đề nghị ngăn chặn sự phát triển ồ ạt đào tạo giáo viên. Ảnh: Ngọc Quang.
Trước thực trạng trên, PGS Nguyễn Thám đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục cần phải ngăn chặn được sự phát triển ồ ạt vượt quá hệ thống các trường đào tạo giáo viên.
"Nếu không kiên quyết điều chỉnh lại hệ thống các trường đào tạo giáo viên, không kiên quyết giảm chỉ tiêu của các trường đào tạo giáo viên thì đừng nói đến chuyện. Tôi biết rằng chuyện này khó, nhưng phải kiên quyết làm cho được, đây là câu chuyện mang tầm quốc gia và nếu chỉ có riêng Bộ Giáo dục thì không thể làm được", PGS Thám nói.
Chia sẻ về những lo lắng này với PV Báo Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định rằng "đào tạo vẫn rất nhiều và tuyển dễ dãi dẫn tới vàng thau lẫn lộn".
GS Thuyết đánh giá, chương trình - SGK hay trang thiết bị dạy học rất quan trọng, nhưng vai trò của nhà giáo luôn luôn là số một. Chính vì vậy, trong lần đổi mới này, chúng ta cần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nếu không đổi mới được trước thì ít nhất cũng phải song song với đổi mới chương trình - SGK.
"Trước hết, cần đổi mới ở khâu tuyển sinh. Lâu nay, biện pháp miễn học phí cho sinh viên, học viên sư phạm đã tỏ ra hết hiệu lực, không hấp dẫn được học sinh giỏi như trước nữa; bởi vì được miễn vài triệu đồng học phí, lúc ra trường phải chạy hàng trăm triệu đồng mới có một chỗ dạy học thì thầy cô lương ba cọc ba đồng lấy tiền đâu để bù vào khoản “tiêu cực phí” ấy? Chi bằng họ chọn nghề khác, tuy lúc ra trường vẫn phải “chạy việc” nhưng khả năng kiếm thêm, bù lại vẫn nhiều hơn. Để hấp dẫn người giỏi vào ngành sư phạm, theo tôi, Nhà nước cần xác định được tương đối chính xác nhu cầu giáo viên để không đào tạo tràn lan và đảm bảo công ăn việc làm cho giáo sinh lúc ra trường. Xác định điều này hoàn toàn không khó khi đã có số liệu về trường, lớp, môn học, số trẻ sinh ra mỗi năm…
Sau khâu tuyển sinh là phương thức đào tạo. Công tác đào tạo ở các trường sư phạm phải gắn với đơn vị sử dụng lao động. Giáo sinh chỉ nên dành tối đa 60% thời gian học ở trường sư phạm, còn 40% thời gian học ở trường phổ thông. Có như vậy thì đào tạo mới gắn liền với thực tế, giáo viên mới giỏi được", GS Thuyết chia sẻ.
Ngọc Quang

26 tháng 9, 2014

… để có một nền dân chủ toàn diện

Thông điệp của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhân ngày quốc tế về dân chủ
15 tháng 9 năm 2014 - Khi gần đến lễ kỷ niệm ngày Quốc tế về Dân chủ năm nay, chúng ta có thể thấy rằng thế giới có vẻ hỗn loạn hơn bao giờ hết.Tại nhiều khu vực và bằng nhiều cách khác nhau, các giá trị của Liên Hợp Quốc - trong đó bao gồm một số quyền cơ bản nhất và các quyền tự do được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc - đang bị thách thức nghiêm trọng.
Những vụ bùng phát bạo lực gần đây đã củng cố một sự thật mà chúng ta đã chứng kiến nhiều lần qua thời gian và một lần nữa lại được chứng minh: Ở những nơi mà một mô hình xã hội văn minh chưa được coi trọng, và ở những nơi mà các Chính phủ không đáp ứng nhu cầu của người dân và có trách nhiệm, hòa bình, bình đẳng và thịnh vượng chung sẽ không thể đạt được. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để trao quyền cho các cá nhân, tập trung giúp đỡ hàng tỷ người đang trong hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi, thất nghiệp, vô vọng và thất vọng cùng cực. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe và họ có thể tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tương lai của chính mình.
Đó là lý do tại sao thông điệp ngày hôm nay của tôi hướng tới những người sẽ ở vị trí đi đầu của thế giới sau năm 2015, và những người tự bản thân họ đang đứng trước một bước ngoặt lớn trong cuộc sống của mình: những bạn thanh niên. Cứ một trong số năm người trên thế giới hiện nay đang trong độ tuổi từ 15 và 24. Trong lịch sử, chưa bao giờ sự chuyển đổi từ thanh thiếu niên đến tuổi trưởng thành phải đối mặt với những thách thức to lớn như vậy. Tuy nhiên các bạn cũng gặp rất nhiều may mắn được tạo ra bởi các cơ hội. Các bạn có quyền để kết nối mà điều này không thể tưởng tượng được khi Liên Hợp Quốc được thành lập gần 70 năm trước đây. Các bạn được kết nối với những vấn đề quan trọng. Bất công. Phân biệt đối xử. Vi phạm quyền con người. Các bài giảng về sự thù ghét. Sự cần thiết phải đoàn kết nhân loại.
Tôi kêu gọi các thành viên của thế hệ thanh niên đông đảo nhất trong lịch sử hãy đối đầu với những thách thức và xem xét đến những gì các bạn có thể làm được để giải quyết chúng. Hãy quyết định số phận của các bạn và biến những giấc mơ của các bạn trở thành một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người. Hãy góp phần xây dựng những xã hội dân chủ mạnh mẽ và tốt hơn. Hãy đoàn kết làm việc cùng nhau, hãy sử dụng tư duy sáng tạo của các bạn, hãy trở thành những nhà kiến trúc sư cho một tương lai mà không ai bị tụt lại phía sau. Hãy giúp thiết lập thế giới của chúng ta vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Nhân ngày Quốc tế về Dân chủ năm nay, tôi kêu gọi các bạn thanh niên ở khắp mọi nơi trên thế giới hãy dẫn dắt cho một sự thúc đẩy lớn lao để có được một nền dân chủ toàn diện trên toàn thế giới.
Ban Ki-moon

Học quyền con người từ Cải cách Ruộng Đất

* NGUYỄN VĂN THẠNH
Tuần qua, cộng đồng mạng nóng ran với chủ đề cải cách ruộng đất. Một sự kiện kinh hoàng xảy ra cách đây hơn 60 năm tưởng chừng như dần quên lãng trong ký ức dân tộc.Câu chuyện bắt đầu lăng tăng gợn sóng trong cuốn sách nóng mới xuất bản: Đèn Cù, chi tiết đắt giá xuất hiện trong cuốn sách là cảnh đấu tố, bắn chết và nhất cảnh du kích phải nhảy lên dẫm đạp đến xương gãy răng rắc mới cho thi thể bà điền chủ Nguyễn Thị Năm vào trong ván hòm loại rẻ tiền nhất. 
Cần nói thêm: bà điền chủ Nguyễn Thị Năm là người có công lớn đối với chính quyền cách mạng: ngoài trực tiếp nuôi dấu hàng loạt lãnh đạo bà còn hiến cho chính quyền cách mạng non trẻ 1.000 lạng vàng cũng như nhiều tài sản giá trị khác.Sự kiện trở nên nóng sốt hơn khi nhà cầm quyền tổ chức cuộc triển lãm cải cách ruộng đất với mục đích như có vẻ là để biện minh cho sự kiện hơn là cho công chúng biết về sự thực của sự kiện. 
Như một vết thương chưa lành, cuộc triển lãm đã gợn lại nỗi đau của hàng trăm ngàn người có người thân là nạn nhân. Hàng trăm câu chuyện được viết ra để chia sẻ lên cho cộng đồng biết về một thời kinh hoàng mà dân tộc đã trải qua. 
Câu chuyện ngày càng nóng với nhiều số phận oan ức, dù đã 60 năm trôi qua nhưng nhiều câu chuyện làm nhiều đọc giả nghẹn ngào, căm giận cho những kẻ gây ra tội ác dù vô tình hay cố ý. 
Bên cạnh dòng thác hồi tưởng đau buồn, lác đác tiếng nói kêu gọi lịch sử không phải để hận thù. Tôi nghĩ nhiều người đồng ý với quan điểm này. Người khôn ngoan học thất bại của mình để trưởng thành hơn, dân tộc khôn ngoan cũng vậy. Hàng trăm ngàn nạn nhân dù chết trong tức tưởi, oan ức chắc cũng không mong muốn con cháu lại chìm đắm trong hận thù. Hận thù chẳng có lợi ích gì cho việc kiến tạo một tương lai tươi sáng. 
Tất nhiên lịch sử không phải để hận thù nhưng cũng không phải để tô hồng để phục vụ cho một ý đồ đen tối là củng cố nền quyền lực độc tài chuyên chế. Ứng xử tốt nhất của lịch sử là phải học được bài học từ nó để giúp dân tộc tránh sai trong hành trình đến tương lai của mình.
Bài học nào được rút ra từ sự kiện long trời, lở đất trên? 
Tôi xin trình bày một bài học có thể rút ra: bài học về quyền con người. 
Chúng ta biết rằng, dân chủ là dân làm chủ quyền lực nhà nước hay quyền lực nhà nước thuộc về dân. Người dân thể hiện quyền lực thông qua lá phiếu để bầu đại diện cho mình. Các đại diện sẽ lo việc nước bằng cách bỏ phiếu, thiểu số sẽ phục tùng đa số.
Câu hỏi đặt ra là, sẽ như thế nào nếu 55% người bỏ phiếu để biểu quyết việc giết 45% số người còn lại? Về mặt thủ tục dân chủ thì có vẻ ổn nhưng chúng ta sẽ thấy sự vô lý ngay của quyền lực dân chủ trong trường hợp này. 
Như vậy dân chủ không phải là trò chơi của phiếu bầu và quy tắc đa số muốn làm gì thì làm còn thiểu số phải phục tùng đa số. Dân chủ phải đi đôi với quyền con người (nhân quyền). Chúng ta có thể suy rộng ra, quyền lực sinh ra là để bảo vệ quyền con người chứ không có mục đích nào khác. Nếu quyền lực chính trị mà không vì mục đích bảo vệ quyền con người thì hoặc là nó phục vụ cho một mục đích không có ý nghĩa cho cuộc sống con người hoặc nó sẽ chà đạp quyền con người 
Dân chủ mà không đi đôi với quyền con người thì sẽ dẫn đến nhiều sai lầm kinh khủng. Cải cách ruộng đất ở nước ta là một sai lầm như thế: khi mà đám đông quyết định tiêu diệt 5% số người trong xã hội để cướp đoạt và chia chát tài sản (ruộng đất) của họ. 
Thật là đáng tiếc, ngay từ câu đầu tiên trong bản tuyên ngôn độc lập đọc tại quảng trường Ba Đình sáng 2.9.1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dõng dạc tuyên bố trước quốc dân đồng bào “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"; nhưng chính quyền của ông đã không làm đúng như vậy. 
Bi kịch của CCRĐ bắt nguồn từ việc không tôn trọng quyền con người. Ở đó người ta đã dễ dàng dùng quyền lực của đám đông để tước quyền sở hữu, quyền bào chữa-xét xử công bằng và quyền sống của một nhóm nhỏ trong xã hội. 
Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà đất nước đang đi vào chu kỳ thối nát. Hơn lúc nào hết người Việt Nam phải tìm hiểu và học về quyền con người để có thể thay đổi đất nước mà không xảy ra những điều đau buồn như câu chuyện cải cách ruộng đất năm xưa. 
Chúng ta không thể xây dựng được nền dân chủ nếu không hiểu biết thấu đáo về quyền con người. 
Người cầm quyền cũng nên ủng hộ người dân tìm hiểu về quyền con người, vì đây là cách tốt nhất để bảo vệ họtrong trường hợp đất nước có chính biến. 
N.V.T/Chính luận

Người Việt hải ngoại nghĩ gì khi Mỹ bỏ cấm vận vũ khí VN?


* THANH TRÚC
Theo nguồn tin mói nhất của Washington, Hoa Kỳ có thể tiến hành nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam cuối năm nay, cũng có nghĩa Hà Nội sẽ mua được những loại khí giới cần thiết cho quốc phòng do Mỹ sản xuất mà không còn bị trở ngại.
Theo sự am hiểu của những người Việt ở ngoài, hằng quan tâm đến tình hình Việt Nam và biển Đông, nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ đối với Việt Nam là vấn đề được vận động từ lâu, đặc biệt trong vài tháng trở lại đây.Nhà văn Trần Trung Đạo, thường sinh hoạt với giới trẻ Việt ở hải ngoại, cho rằng việc nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đến từ phản ứng của thế giới và đặc biệt là Mỹ trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc trên biển Đông thời gian qua:
- Giải tỏa lệnh cấm vận vũ khí đả thương là dấu hiệu cho Trung Quốc thấy sự quan tâm của Mỹ vẫn còn ở Việt Nam, họ có thể làm những gì cần thiết phải làm để giữ thăng bằng hải lực giữa các cường quốc nói riêng và đặc biệt là Việt Nam cũng như các quốc gia nhỏ quanh vùng Đông Nam Á nói chung. Đó là một biểu hiện tích cực nhưng tôi nghĩ cái bước kế tới mới là quan trọng. Chúng ta phải chờ đợi phản ứng của Trung Quốc thế nào đối với việc làm của Mỹ, cũng như phản ứng của Việt Nam trước dấu hiệu của Mỹ cho thấy rằng họ có thể bước thêm một bước trong quan hệ không những về ngoại giao mà cả về quân sự đối với Việt Nam. Tôi nghĩ trong thời gian sắp tới sẽ có vài biến chuyển đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam và thái độ của chính phủ Việt Nam cũng như người Việt trong nước và hải ngoại là điều hết sức quan trọng.
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, tù nhân lương tâm đang được tạm hoãn thi hành án ba năm rưỡi và hiện đang làm công việc nghiên cứu trong National Endowment For Democracy Viện Dân Chủ Quốc Gia của Hoa Kỳ ở Washington từ tháng Tư 2014, nói rằng trước giờ ông luôn ủng hộ việc Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới bán vũ khí cho Việt Nam với điều kiện những vũ khí này là để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam chứ không phải để Việt Nam dùng đàn áp người dân và những nhà đấu tranh đòi tự do dân chủ trong nước:
- Vấn đề phải thấy rõ chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ lợi dụng việc Mỹ bán vũ khí, là những phương tiện phòng thủ quốc gia như máy bay trinh sát hay kể cả tàu chiến nếu Mỹ có thể bán được. Tất nhiên chuyện đó góp phần phòng thủ Việt Nam ở mức độ nào đó. Nhưng đó cũng là ý đồ chính trị của chính quyền Việt Nam, là để cho thế giới mà trước hết là Trung Quốc, thấy rằng Việt Nam bắt đầu liên kết, bắt đầu quan hệ quân sự với Mỹ để Trung Quốc cũng phải tính toán chuyện không thể lúc nào cũng hung hăng dùng vũ lực đe dọa và xâm chiếm Việt Nam. Chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay cần những dấu hiệu mang tính tượng trưng để cho người dân Việt Nam thấy là chính quyền có quan tâm đến chuyện bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ. Việt Nam đặt vấn đề mua vũ khí của Mỹ, dù ở mức độ tượng trưng, là cũng hòng đánh lừa những người đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam là Mỹ ủng hộ chính quyền cộng sản Việt Nam, một cách làm cho người dân Việt Nam rơi vào cái sự lừa bịp như đã liên tục tuyên truyền từ khi chế độ cộng sản thiết lập tại Việt Nam. Cuối cùng tôi tin rằng việc phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trước hành vi xâm lược của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng và điều này phải đi song song với một chế độ dân chủ, đa đảng để có thể bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam một cách đầy đủ nhất.
Mua được vũ khí của Mỹ thì cũng đừng tưởng rằng vũ khí đó sẽ giúp ta bảo vệ được tổ quốc, là quan điểm của nhà báo tự do Nguyễn Minh Cần, từ miền Bắc đi tị nạn chính trị qua Nga hồi 1964 đến nay:
- Nếu đường lối hiện nay của nhà cầm quyền Việt Nam không thay đổi mà cứ thuần phục Trung Quốc như hiện nay thì vũ khí đó cũng không phải để bảo vệ Việt Nam. Cho nên tất cả mọi vấn đề là tùy thuộc ở đường lối chính trị của những người cầm quyền ViệtNam hiện nay. Việc mua vũ khí cũng có thể là để cho người dân hiểu rằng các ông đang chuẩn bị để bảo vệ tổ quốc, nhưng mà với đường lối vẫn như hiện nay, cái đường lối thuần phúc ấy, thì vũ khí cũng không có tác dụng gì mấy đâu.
Trong khi đó, từ Ba Lan, cây viết Mạc Việt Hồng của tờ Đàn Chim Việt, đồng ý rằng lệnh nới lỏng cấm vận vũ khí mà hành pháp và lập pháp Mỹ đang tính tới sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng quốc phòng của mình:
- Nhất là trong khi tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc rất là lớn và ngày càng lớn mạnh hơn, đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của Việt Nam ở trên biển và cả trên đất liền nữa, cho nên về mặt nào đó thì việc đó có lợi chung cho đất nước.
Thế nhưng mặt khác thì nhiều người cũng nhìn vào cái thành tích nhân quyền của ViệtNam và cho rằng nên trì hoãn việc này. Nhưng theo tôi nghĩ nếu mà trì hoãn thì chưa chắc là đã giúp ích gì được nhiều cho nhân quyền của Việt Nam đâu. Cá nhân tôi cho rằng chuyện vũ khí này có mặt tốt và có mặt không được. Người ta lo ngại chính quyền ViệtNam thay vì sử dụng những vũ khí đó cho việc bảo vệ giang sơn bảo vệ đất nước thì người ta có thể quay ra đàn áp những người dân chủ hoặc nhân dân ví dụ như tấm gương Thiên An Môn thì đấy là mặt rất là dở. Thế nên ý kiến về mặt nguy hiểm thì nó cần thiết cũng phải có.
Đó là quan điểm của người Việt ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới trước vụ việc Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Xin được thưa là những ý kiến nêu trong bài này không nhất thiết phản ảnh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.

Mỹ giúp Việt Nam khả năng truy diệt tàu ngầm "lạ"?

* VIỆT LONG
Tin của hãng thông tấn Reuters cho biết Hoa Kỳ có thể nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, và đến cuối năm nay, nếu những cuộc thương lượng thành công, Việt Nam sẽ được mua phi cơ thám sát hải dương P-3 Orion của Mỹ.
Máy bay P-3 Orion được dùng để thám sát biển, cả trên lẫn dưới mặt nước, có khả năng phát hiện vị trí các tàu ngầm. Phi cơ này cũng có sẵn thiết bị để mang và phóng bom, hỏa tiễn, ngư lôi.Sau khi Việt Nam bị bất ngờ vào giây phút giàn khoan biển khơi 1 tỷ đô la HD-981 lù lù xuất hiện ngay trong hải phận đặc quyền kinh tế của mình, liệu việc Mỹ bán phi cơ thám sát cho Việt Nam có bắt đầu vào cuối năm nay hay đầu năm tới không?
Việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thì đã được Việt Namyêu cầu từ lâu, và hai bên cũng đã thương lượng nhiều lần. Đặc biệt trong năm nay nhiều giới chức hàng đầu của giới hành pháp, lập pháp và quân đội Mỹ đã tấp nập đến Việt Nam. Sau cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Evan Medeiros và các Thượng nghị sĩ John McCain, Sheldon Whitehouse, thì đến lựợt Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đến Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1971 một vị đại tướng Tổng tham mưu trưởng của Hoa Kỳ đặt chân đến Việt Nam. Đó là điều rất có ý nghĩa về một cuộc hợp tác quân sự, sau khi nguyên Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta đến Cam Ranh cách đây hai năm. Nghị sĩ John McCain và tướng Martin Dempsey đều nói Washington sẵn sàng nới lỏng lệnh cấm chuyển giao vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi được quốc hội ban hành luật chính thức, đó vẫn là những đề nghị do Washington đưa ra, không quên kèm theo những điều kiện khác, để kiến tạo một công cuộc hợp tác quân sự. Và cần nói ngay đó sẽ không phải là một mối hợp tác chiến lược, hay liên minh quân sự, vì còn nhiều yếu tố khác gây ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt-Mỹ.
Như vậy việc Mỹ bán phi cơ tuần thám P-3 cho Việt Nam chưa qua khỏi những vòng thương lượng. Nay đã gần cuối năm, mà Việt Nam chưa có vẻ gì đáp ứng những điều kiện do Mỹ nêu ra.
Một trong những đề tài thương lượng khác là Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, nghe nói sẽ không kịp thành toàn trong năm nay, vì Hà Nội không thỏa mãn những điều kiện về nhân quyền do Washington nêu ra từ bấy lâu.
Vấn đề vũ khí sát thương cũng đi kèm những điều kiện như vậy, nên nếu dựa vào tình trạng quan hệ Việt Mỹ cho đến hôm nay, không chắc tất cả mọi việc sẽ suôn sẻ trước cuối năm nay.
Bên cạnh phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh lên tiếng hoan nghênh việc Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Ông nói hai nước đã bình thường hóa quan hệ trên 20 năm, đã lập đối tác toàn diện hồi năm ngoái; mối quan hệ là bình thường, lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam mới là điều không bình thường. Ông Minh còn nói Bắc Kinh không có lý do để nổi giận khi Việt Nam mua vũ khí Mỹ, vì Việt Nam không mua của nước này thì cũng phải mua vũ khí của nước khác mà thôi. Ngoại trưởng Việt Nam dường như ngụ ý nhắn nhủ với Trung Quốc quyết tâm củng cố lực lượng quân sự của Việt Nam.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh được giới nghiên cứu về Việt Nam coi là nhân vật chủ chốt của chính sách thắt chặt quan hệ Việt Mỹ. Ngoại trưởng John Kerry từng mời ông sang thăm Hoa Kỳ, nhưng chuyến đi bị hoãn lại vào hồi tháng 7. Thay vào đó Ủy viên Bộ chính trị Phạm Quang Nghị đi Washington hôm 21 tháng 7 để gặp thượng nghị sĩ McCain và một số nhà lập pháp khác, rồi Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Công An Lê Hồng Anh đi Bắc Kinh vào giữa tháng 8, gần trùng với dịp đại tướng Dempsey đến Hà Nội.
Như vậy kế sách của Hà Nội về vấn đề quan hệ với Mỹ và Trung Quốc ra sao? Liệu Hà Nội và Washington có đi đến kết luận vấn đề vũ khí sát thương cũng như hiệp định TPP vào dịp Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đi Hoa Kỳ không? 
Giữa ngã ba đường
Mối quan hệ tay ba Việt-Mỹ-Trung vốn là câu hỏi nhức đầu cho giới quan sát, giới chính trị, ngoại giao cũng như truyền thông ở khắp nơi, cả Việt Nam, Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc và châu Á.
Với những diễn tiến ngoại giao tích cực như trên, Hoa Kỳ vẫn chưa thể lạc quan về một sự chuyển hướng ngoại giao nhanh chóng của Hà Nội sang phía Washington, ít nhất cũng trong một vài năm nữa.
Việt Nam vẫn tiếp tục có nhu cầu củng cố quốc phòng để đứng ở vị trí mà Trung Quốc không thể coi thường, bắt nạt, chiếm biển chiếm đất của mình, nhưng đồng thời vẫn phải chiều lụy Bắc Kinh về ngoại giao, chính trị, để tránh những hành động phá hoại kinh tế và một chiến cấp bách. Thêm vào đó, cũng vì phải dựa vào Trung Quốc về chính trị, Việt Nam cũng không thể thỏa mãn những điều kiện về nhân quyền và chính trị do Hoa Kỳ đặt ra để có thể chuyển giao vũ khí sát thương và ký hiệp ước TPP. 
Tuy nhiên, cũng sau những diễn tiến ngoại giao tích cực ấy, người ta không thể biết chắc Hoa Kỳ có nhất quán trong lập trường đòi hỏi nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam hay không, và mặt khác Việt Nam có thể nhượng bộ tới đâu để hoàn thành hai mục đích quan trọng đó.
Lý do về tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc thường được Việt Nam đem ra biện hộ cho chính sách ngoại giao thân Trung, tránh Mỹ của mình.
Biết rõ điều đó, người Mỹ mới đem hiệp định TPP làm chiếc phao cứu cấp cho ViệtNam trong tình huống thân Mỹ lánh Trung. Có trong tay hiệp định này Việt Nam sẽ thoát được mối lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Hai khuynh hướng
Chiếc phao cứu cấp đã được quảng cáo với Việt Nam từ lâu, trong khi Việt Nam bị lấn át đủ điều, và trước cả lúc xảy ra vụ giàn khoan HD-981 vào hồi tháng 5. Sau đó mới đến các "sứ giả chiến lược" của Mỹ đi đến Việt Nam như con thoi, như để giúp Việt Nam giải quyết hai vấn đề vũ khí sát thương và hiệp định TPP, chính là hai trục xoay chiến lược của Việt Nam. Bộ chính trị ở Hà Nội sẽ quyết định ra sao?
Khó đưa ra một câu trả lời xác quyết, bởi vì từ lâu nay đầu não lãnh đạo của Việt Namlà bộ chính trị vốn luôn bị giằng co giữa hai khuynh hướng. Không muốn nói đó là sự chia rẽ giữa phe thân Tàu với phe thân Mỹ, nhưng ai cũng thấy quả có những quan điểm khác biệt giữa cánh muốn chiều theo Trung Quốc vì không tin Mỹ bằng tin Trung Quốc, và cánh có quan điểm tin cậy Hoa Kỳ hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ.
Tuy nhiên, sau chuyến đi của Phó Thủ tướng - Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh người ta có thể thấy được rõ ràng hơn ý hướng của hai phía.
Lá bài nhân quyền
Việt Nam sẽ có một ít nhượng bộ về nhân quyền, vì thực ra chẳng phải một sự nhượng bộ nào hết. Lúc nào Hà Nội cũng có sẵn những lá bài nhân quyền trong túi để ra tay trong canh bạc nhân quyền với Mỹ. Đó là những người bất đồng chính kiến đang bị giam nhốt như những con tin, để Việt Nam đem neo giá và Mỹ phải kèo nài. Trước nay khi Hà Nội cần đòi hỏi Washington một việc nào đó, và đối lại Washington đòi Hà Nội phải "tôn trọng nhân quyền", thì một vài "con tin" này lại được thả nhỏ giọt. Rồi một số khác lại bị bắt để đem vào "kho dự trữ".
Từ phía Washington, một số nhà sản xuất vũ khí của Mỹ ngỏ ý hy vọng bán được phi cơ P-3 Orion không võ trang vào cuối năm nay hay đầu năm tới. Không rõ những phi cơ tuần thám không võ trang có đứng ngoài danh sách "vũ khí sát thương" hay không.
Việt Nam giúp Mỹ?
Chuyện này còn nhắc người ta nhớ lại, mới hôm 19 tháng 8 năm nay một chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc bay cắt mũi một chiếc P-8 Poseidon của Mỹ, cách không tới 10 mét, lúc phi cơ Mỹ đang làm nhiệm vụ do thám thường ngày, cách Hải Nam 200 km.
Trước đó hơn 3 năm, tháng 8 năm 2011, một phản lục cơ F-8 của Trung Quốc cũng bay cảnh cáo 3 lần với một phi cơ thám sát EP-3E của Mỹ do thám cách bờ biển Hải Nam 110 km. Bay pass thứ ba, chạm phải thiết bị radom (trái cầu radar) của phi cơ Mỹ, chiếc F-8 đứt làm đôi, rơi xuống biển, phi công tử nạn.Thiết bị radom của chiếc EP-3E văng mất khỏi phi cơ, máy bay mất cao độ, suýt rơi, phải đáp khẩn cấp xuống Hải Nam. Phi hành đoàn 24 người bị giam giữ 10 ngày tại Hải Khẩu trước khi được trao trả.
Hạm đội 7 có một phi đoàn thám sát, nhiệm vụ thường xuyên là thu thập dữ liệu tình báo về hải quân Trung Quốc, đặc biệt là căn cứ tàu ngầm Hải Nam và hành trình, tọa độ của những chiếc tàu ngầm chiến lược của nó.
Nếu Hoa Kỳ muốn được Việt Nam giúp theo dõi các tàu ngầm của Trung Quốc ở biển Đông, nên cuối năm nay Việt Nam mang nhiều triển vọng sẽ có máy bay P-3.
Riêng hiệp ước TPP còn gắn liền với điều kiện Việt Nam phải có công đoàn tự do, độc lập, nên ít hy vọng sẽ được ký kết trong năm nay.

Sự tồi tệ của tâm lý bầy đàn

Nguyễn Trần Sâm/ Blog Lề trái
Tôi chưa được thấy ở đâu một định nghĩa chính xác về tâm lý bầy đàn. Nhưng tôi đoán, cụm từ này có thể được hiểu theo hai cách. Thứ nhất là giống như “tâm lý đám đông”, tức là tâm lý chung của một đám người, với những “hiệu ứng” của nó, nhưng nghiêng về kiểu không có suy nghĩ, gần với bầy đàn động vật.
Thứ hai là tâm lý của những cá thể, luôn muốn sống giữa đám đông, sợ những khoảng thời gian đơn độc, và làm gì cũng đều nhìn đám đông mà làm theo, gần như không suy nghĩ, không có quan điểm và sở thích riêng.
Trong bài này, chúng tôi nói về tâm lý bầy đàn theo cách hiểu thứ hai.
Mỗi một con người đều cần đến những người chung quanh: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đoàn thể,… Cần vì nhiều lý do. Thứ nhất là vì có những nhu cầu trong cuộc sống mà có sự phối hợp tập thể thì việc đáp ứng sẽ dễ dàng hơn. Thứ hai, quan trọng hơn, là nhu cầu tình cảm: người thân là chỗ dựa tinh thần cho chúng ta. Và thứ ba là nhu cầu nhận thức: việc trao đổi, bàn bạc, học và dạy lẫn nhau là vô cùng quan trọng đối với việc thu nhận và sàng lọc kiến thức, chắt lọc lấy chân lý.
Tuy nhiên, nhận thức và thế giới nội tâm của một con người chỉ có thể hoàn thiện (theo nghĩa tương đối) nếu người đó có khả năng ở một mình trong những khoảng thời gian khá dài (có thể là nhiều ngày). Việc đó vừa thể hiện năng lực tự giải quyết những vấn đề riêng tư, vừa thực sự cần thiết cho việc suy tư, nghiền ngẫm để đạt tới tri kiến sâu sắc, thứ mà người ta khó có thể nhận được khi ở trong đám đông ồn ào, dù là đám đông tụ tập để thảo luận những vấn đề nhận thức, như hội thảo khoa học chẳng hạn. Nhà khoa học không thể lúc nào cũng ở trong hội thảo; người đó cần có những lúc ngồi một mình để ý nghĩ và trí tưởng tượng phát huy hết tác dụng. Nhà văn khi viết cũng cần ngồi một mình. Đối với một vài tôn giáo, việc “luyện hồn” càng cần đến sự đơn độc, thậm chí là sự cô độc. Có thể nói, nhu cầu và khả năng sống đơn độc là thước đo sự trưởng thành của con người.

Ngược với nhu cầu và khả năng sống đơn độc, khả năng suy ngẫm để chắt lọc chân lý, là tâm lý bầy đàn. Đó là hiện tượng tồi tệ, với nhiều hệ lụy. Ở đây chỉ xin nêu hai hệ lụy của tâm lý bầy đàn, một liên quan đến đời sống xã hội, và một liên quan đến đời sống cá nhân.
Khi trong xã hội có quá ít người không thoát khỏi tâm lý bầy đàn thì xã hội đó sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề nhức nhối. Trong xã hội đó, chân lý không tìm được chỗ đứng. Mỗi thành viên trong xã hội đều sẽ trông chờ có người đem “chân lý” đến cho họ. Khi đó, dù là cái gọi là “chân lý” thực ra là “giả lý”, họ cũng sẽ tiếp nhận một cách hào hứng, và tôn sùng cái nhân vật đem “giả lý” đến cho họ như một vĩ nhân, một vị cứu tinh. Rồi một nhóm người ham quyền lực sẽ quàng cái thòng lọng vào cổ họ, kéo họ đi bất cứ đâu mà nhóm người này muốn. Để giữ an toàn, nhóm người này tiếp tục gieo rắc và khuyến khích tâm lý bầy đàn, không cho mọi người tiếp cận chân lý thực sự.
Trong một xã hội như vậy, luân lý, đạo đức sẽ suy đồi. Đạo đức chân chính sẽ bị thế chỗ bởi sự trung thành với những kẻ cầm thòng lọng. Ai dám hé răng nói lên sự thật chẳng những sẽ bị những kẻ cầm thòng lọng thít cổ cho đến chết, mà còn bị đồng loại ghét bỏ. Con người sẽ trở nên dối trá, và coi dối trá là lẽ sống.
Trong cuộc sống cá nhân (và gia đình), tâm lý bầy đàn làm người ta không thể phấn đấu vì những gì thực sự có ích lợi cho bản thân. Những kẻ không giàu, thậm chí rất nghèo, cũng thi nhau vung tiền, kể cả tiền vay mượn, vào những việc lễ lạt, thủ tục vô bổ, để rồi sau đó sống trong nghèo túng và cắn xé lẫn nhau. “Con gà tức nhau tiếng gáy” chính là một biểu hiện của tâm lý bầy đàn. Một biểu hiện khác là “miếng giữa làng bằng sàng xó bếp” – xô xát, tranh cướp nhau chỉ để được một “miếng” không đáng gì, để sau đó sống trong thù hằn, mệt mỏi.
Có những kẻ thấy người khác ở trong tổ chức này nọ có vẻ oai và có “màu”, cũng cố “phấn đấu” để lọt được vào cùng “đội ngũ” với những ông bà oai oách đó, cuối cùng chỉ làm rào chắn để các ông bà đó yên tâm mà “ăn” của thiên hạ. Có kẻ thấy người ta có chức tước, được trọng vọng, cũng cố chạy chọt chỉ để cũng có được tí chức sắc, dù hữu danh vô thực. Có kẻ thấy người ta là giáo sư, tiến sỹ, được xưng tụng rổn rảng tại chốn đông người, cũng cố bỏ tiền để kiếm lấy cái chữ “tiến” hay “thạc” chi đó cho đỡ kém cạnh, mà không biết trước được rằng cái giá phải trả lớn hơn nhiều so với cái thu được, trong khi nhận thức thuần túy cũng chẳng tăng thêm được tí nào.
Về lâu dài, muốn tiến tới một xã hội lành mạnh, còn trước mắt là tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn cho chính mình, con người ta buộc phải thoát khỏi tâm lý bầy đàn. Đã có cái đầu riêng của mình, hãy dùng nó để suy nghĩ!
(Tất nhiên, tôi biết có hàng ngàn người nghĩ giỏi hơn tôi, và vì vậy những lời tôi nói đây là lời tâm sự với những người không ở trong hàng ngàn người đó.)

Binh pháp quan trường - kế thứ chín: “Lót ổ sân sau”

Xuân Dương/ GDVN
Đừng vội kết luận điều gì về các bậc “trưởng thượng”, khi chưa bị lộ ai cũng là những tấm gương sáng mà quần chúng phải noi theo. 
Lời xin phép
Trong ba mươi sáu kế của Tôn Tử, có kế “Tẩu vi thượng sách”, nói theo kiểu dân dã “chuồn là tốt nhất”. Với “Binh pháp quan trường”kế cuối cùng lúc đầu được gọi là “hạ cánh an toàn” nhưng diễn biến của thời cuộc cho thấy “hạ cánh an toàn”chưa phải là diệu kế nên người viết đành phải chọn kế “Lót ổ sân sau”. Mặc dù là kế cuối cùng nhưng xin phép giới thiệu trước, nếu lãnh đạo Báo Giáo dục Việt Nam cho phép và nhất là có sự cổ vũ của bạn đọc, người viết sẽ giới thiệu các kế từ một đến tám.
***
Người ta hẳn còn nhớ một quyết định động… sân của Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng khi ông ra lệnh cấm “các lãnh đạo thuộc diện Bộ quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên không chơi golf, không tổ chức hoặc tham gia các giải golf”.
Sau khi lệnh cấm này được công bố, nhiều người phân vân tự hỏi, có phải golf là môn thể thao ưa thích của không ít quan chức đương nhiệm và của một số người sau khi đã rũ sạch bụi “quan trường”? Liên quan đến golf có khá nhiều chuyện nhưng có hai chuyện buồn vui nổi bật.
Chuyện buồn là ông Nguyễn Đức Sơn, tổng giám đốc một công ty nhà nước thuộc sự quản lý, giám sát và theo dõi của UBND TP Hà Nội dùng gậy chơi golf đánh vào đầu nhân viên phục vụ ở sân golf Tam Đảo năm 2013. Còn chuyện vui là ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế giành hạng nhì giải đấu golf Laguna Park Lăng Cô Classic 18 lỗ. 
Mặc dù là giải đấu nghiệp dư, nhưng múa gậy ở sân 18 lỗ đoạt giải nhì thì không phải ai cũng làm được. Giới thông tấn vỉa hè kháo nhau, rằng chơi ở sân 9 lỗ, 18 lỗ hay 24 lỗ chỉ mới chỉ là “đại gia tập sự”, phải chơi ở những sân golf ít lỗ, thậm chí sở hữu vài sân golf thật nhỏ, phân bố ở những khu chung cư cao cấp mới là đại gia “thứ thiệt”. Người ngoại đạo chẳng thể nào hiểu được cách nói phương phưởng của dân vỉa hè, chắc chỉ có người trong nghề golf mới hiểu.
Không biết có phải nhờ cấm chơi golf mà ngành Giao thông gần đây có nhiều chuyển biến, được dư luận khen ngợi. Nếu quả thật là như vậy thì có nên nhân rộng ra các bộ, tỉnh thành toàn quốc? Sợ rằng lệnh cấm dù chỉ mới là dự thảo, chưa ban hành thì người có ý tưởng đã bị các đại gia, cả “tập sự” lẫn “thứ thiệt’ cho nốc ao tại chỗ.
Trong khi golf là sân chơi không dành cho phó thường dân, chỉ dành cho những ông chủ hoặc là đầy tớ “xịn” thì “sân sau” không phải là chỗ cho các ông chủ, dẫu có là đại gia vạn tỷ. 
Ngày xưa, kể từ sau khi cải cách ruộng đất , mỗi hộ nông dân được dành cho mảnh đất nhỏ gọi là đất 5%. Nhờ có mảnh đất này mà bà con có chỗ trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn. Sân trước là hợp tác xã, mảnh đất 5% có thể ví như sân sau của người nông dân giữa thời bom rơi, đạn lửa.
Sân sau ngày nay đã khác xưa một trời một vực, nó không còn dành cho nông dân, nó chỉ dành cho những người là “đầy tớ” của nông dân mà thôi.
Điểm danh các quan chức cỡ thứ trưởng trở lên, sau khi cống hiến hết mình cho sự nghiệp, đến lúc nghỉ ngơi vẫn còn nhiệt huyết, vẫn muốn đóng góp cho xã hội thì nhiều lắm. Chẳng hạn nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ chọn sân sau (từ chức) là ban phòng chống lụt bão TƯ, ông không còn là Bộ trưởng nhưng vẫn là ông già mũ cối, quần móng lợn đội mưa, lội nước lăn lộn cùng với đồng bào vùng bão lũ.
Khác với ông Ngọ, một Bộ trưởng khác là ông Trần Xuân Giá chọn sân sau là ngành Ngân hàng, ông cũng đầu trần tóc bạc đối phó với bão lũ, chỉ có điều không phải bão do trời gây ra mà bão dư luận, bão pháp luật khiến ông ốm lên ốm xuống, cầu trời cho ông mau khỏi!
Mấy hôm nay, tuy chưa thành bão nhưng cơn “áp thấp dư luận” thì đang lớn dần xung quanh câu chuyện một ông Bộ khác là nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng. Ông Dũng tâm sự với báo giới rằng: “Thời điểm nhận lời Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả làm cố vấn dự án hầm Đèo Cả và Ủy viên Hội đồng quản trị, thực sự tôi không lường trước được mọi chuyện lại như thế này”. [1]
Không biết có phải ý của nguyên Bộ trưởng Dũng là ông không ngờ giới báo chí lại “tọc mạch” vào chuyên riêng của ông, lẽ ra theo thông lệ, sau khi hạ cánh an toàn rồi thì mọi chuyện coi như xong, không ai được phép đả động đến nữa. Hay ý ông Dũng là ông không biết có cái Nghị định 102/2007/NĐ-CP, nếu thế thì tình người quả là đen bạc, ông vừa nghỉ một cái là đám “quân sư” vội quay mặt đi, không “đứa nào” cố vấn để ông chờ thêm bốn tháng hãy nhận chức ông Hội (đồng quản trị).
Tại sao lại nói chờ bốn tháng, vì Nghị định 102/2007/NĐCP quy định cho ngành Giao thông là phải sau 12 đến 18 tháng các vị mới được đến “sân sau”, thời gian 12 tháng chỉ trong chớp mắt mà ông không chờ được, thật đáng tiếc.
Theo ông Dũng, dự án Đèo Cả chỉ là “sân trái” còn “sân phải” của ông là ở Hiệp hội thép Việt Nam, ông nói vậy thì biết vậy chứ tài thánh mà biết hết chuyện thâm cung bí sử trên đời.
Dẫu sao thì ông cũng đã công nhận ông làm trái với Nghị định 102/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng vì ông “không lường trước được mọi chuyện” nên đó có thể là tình tiết giảm nhẹ. Tóm lại chỉ nên phê bình nhắc nhở, xử lý nội bộ chứ đừng vội chụp mũ, bảo ông vi phạm pháp luật, ông chỉ vi phạm quy định của Chính phủ nên không thể đối xử với ông như đối với ông Trần Xuân Giá. 
Chuyện cái hầm Đèo Cả của nguyên Bộ trưởng Dũng là chuyện của Tổ chức, của ngành Nội vụ, không nên nói đến nữa. Còn chuyện trước đó, trong suốt 05 năm 36 ngày ông làm Bộ trưởng thì sao? Rất nhiều con đường làm xong chỉ vài tháng là hỏng, cán bộ dưới quyền tha hồ chơi golf, tha hồ thu mua đồng nát từ nước ngoài, góp phần to lớn cùng các ngành khác đưa Việt Nam trở thành đỉnh cao “bãi rác” của thế giới thì sao?
Chuyện chơi golf thì Bộ trưởng Đinh La Thăng cấm rồi, bây giờ còn ụ nổi, còn những con tàu viễn dương phơi nắng, phơi mưa ở vịnh Hạ Long chưa thanh lý được. Chuyện này có người mách nước cứ nhờ ông Hồ Nghĩa Dũng là xong vì bây giờ ông làm ở Hiệp hội thép, đem mấy cái tàu đó xẻ ra cho vào lò nấu là có thép mới, tha hồ đóng tàu vỏ thép cho ngư dân bám biển, chỉ tại cái “cơ chế” nên ông không giúp được, thật đáng tiếc!
Giá trị những con tàu của Vinashinlines giảm rất nhanh theo thời gian, ảnh trên báo Giao thông vận tải ngày 21/5/2014
Nhân nói đến chuyện “sân sau” không thể không liên tưởng đến chuyện “lót ổ”. Các quan tham bên Trung Quốc thì lót ổ tận bên Mỹ, bên Canada… trong túi đã dự trữ sẵn hộ chiếu, hễ “động” là “bùng”, dù không mất tăm thì cũng đã là công dân nước ngoài, còn lâu mới dẫn độ về được Trung Hoa đại lục. 
Ở nước ta, chẳng ai lạ gì chuyện “lót ổ”, chỉ có điều với truyền thống “lá rách đùm lá lành” người ta ngại nói mà thôi.
“Lót ổ” cho bản thân nghĩa là dọn “sân sau” khi còn đương chức, nghỉ chế độ vài tháng, cầm quyết định hưu trí là hạ cánh vào ổ, thật ngon lành, thật êm ái, nhưng đó chỉ là hạ sách. 
Trung sách là dọn ổ cho con, cho cháu ở một cơ quan, đơn vị nào đó, kiếm sẵn mấy cái bằng khi cần thì công chứng giơ ra, dẫu không thành đại gia thì cũng mát mày mát mặt cả nhà. 
Thượng sách là cho con du học, kiếm cái bằng đại học bên tây, nếu sau đó định cư ở ngước ngoài thì càng tốt, rủi không ở được phải về thì cái bằng tây cộng với chút ngoại ngữ cũng là tiêu chuẩn ưu tiên, có khi chẳng phải thi tuyển công chức, cùng lắm thì lại về “ổ nhà” tiếp nối truyền thống gia đình, chờ đợi thời cơ, “rừng xanh còn đó, lo gì không có củi đốt”!
Có một kiểu “lót ổ” thoạt nghe thì thấy hơi kỳ quặc, ấy là “lót ổ” kiểu “ba không”: không nhà, không tiền, không vợ con. Ngẫm nghĩ thật kỹ mới thấy quả là chí lý.
Không nhà nên phải ở nhà công vụ, không nhà thì làm gì có tài sản mà kê biên, người nghèo lại dễ được động lòng thương hại. 
Không tiền vì đã “sang tên đổi chủ” hết cho vợ con, muốn chứng minh tham nhũng có mà tìm mỏi mắt. 
Không vợ con vì đã cho sơ tán “tránh bão” từ lâu, thỉnh thoảng làm chuyến “Việt kiều yêu nước” về thăm quê hương, còn ở nhà lại có điều kiện tự do chơi golf ở mấy khu chung cư cao cấp.
Vụ của ông Hồ Nghĩa Dũng, cánh báo chí học mấy anh giao thông, sử dụng chiến thuật “anh hùng núp” để bắn thời gian ông Dũng, ông bị “bắn” có 4 tháng thì nhằm nhè gì, vả lại cứ cho là ông có chút vi phạm phải xử theo luật thì biết dùng luật nào? Đây không phải tội hình sự, ông đã nghỉ hưu nên không thể dùng Luật Công chức, tóm lại chỉ còn mỗi cách là chờ, chờ lâu thì sừng trâu cũng hóa bùn chứ đừng nói đến… 
Còn nếu có anh phó nháy nào không “chơi” kiểu “anh hùng núp” cứ đường đường chính chính chụp ảnh vườn cao su, tường bao dinh thự của ai đó thì cũng nên chuẩn bị việc “lót ổ’ cho mình là vừa vì nghe đâu Tổ chức địa phương đã chứng minh người ta hoàn toàn trong sạch. 
Tóm lại, đừng vội kết luận điều gì về các bậc “trưởng thượng”, khi chưa bị lộ ai cũng là những tấm gương sáng mà quần chúng phải noi theo. Khi các bác ấy diễn thuyết phải tận lực vỗ tay bồm bộp, nếu không biết vỗ tay thì phải hò reo inh ỏi chứ không được huýt sáo, huýt sáo là hỗn.
[1] http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/su-kien-hang-ngay/nguyen-bo-truong-ho-nghia-dung-noi-gi-ve-viec-tham-gia-dn-deo-ca-a51806.html

25 tháng 9, 2014

Không có gì tử tế trên nền văn hóa kém

Nguyễn Trần Bạt
Nguyễn Trần Bạt:Không có gì tử tế trên nền văn hóa kém
Chúng ta chỉ xấu hổ vì nghèo đi mà chúng ta quên mất xấu hổ vì sự xấu đi về mặt đạo đức!?
Chúng ta rất đau khổ vì nền kinh tế của chúng ta những năm trước tăng trưởng 7-8% mà năm nay có khi chỉ tăng được 5% thôi, nhưng chúng ta không hề xấu hổ, không đau khổ trước việc chúng ta chế biến thịt súc vật chết để bán cho mọi người. Chúng ta chỉ xấu hổ vì nghèo đi mà chúng ta quên mất xấu hổ vì sự xấu đi về mặt đạo đức. Chuyện đó là chuyện quan trọng hơn tất cả những gì chúng ta bàn ở trên – ông Nguyễn Trần Bạt
Chúng ta chưa có kinh nghiệm mô tả sự thật
PV: – Tuần vừa rồi, bài phát biểu ngắn kết thúc năm học của một giáo viên Trường trung học Wellesley, bang Massachusetts, Mỹ đã được dư luận Mỹ tiếp nhận như một lời nói thật, một cảnh báo giáo dục: “Các em chẳng có gì đặc biệt cả”. Xin ông hãy lý giải, tại sao một đất nước tôn trọng tư duy độc lập cá nhân như Mỹ, lời nhận xét trên đáng lẽ là bình thường nhưng lại được tiếp nhận một cách cầu thị nồng nhiệt đến vậy?
Ông Nguyễn Trần Bạt: – Điều đó thể hiện người Mỹ đã thức tỉnh. Từ xưa tới nay, họ luôn luôn coi mình là tiêu chuẩn, nước Mỹ luôn là “miền đất hứa”.
khá lâu trong sự thành đạt nhưng khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay đã khiến họ bỗng nhận ra tính bình thường của xã hội mình.Biết đón chào một ý kiến như vậy.Với thói quen vốn có của người Mỹ.Báo chí các bạn giúp cho những ông bố và bà mẹ Việt Nam nên có thái độ này, những cô giáo thầy giáo Việt Nam nên có thái độ này và các nhà lãnh đạo Việt Nam nên có thái độ này.
Đây là một ví dụ tốt, là một ví dụ mà tôi rất thích, một ví dụ rất đẹp về giáo dục.
- Người Việt mình có câu “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, theo ông, trên thực tế chúng ta có thói quen nói thật và nghe được lời nói thật hay không? Tại sao những lời nói thật hay những phản biện lại khó lọt tai đến thế, trong khi ai cũng tưởng rằng mình cởi mở, sẵn lòng nghe góp ý dù có… trái với mình đến đâu đi nữa?
 

Nếu lời nói thật được mô tả một cách hấp dẫn, có văn hóa thì khả năng được tiếp nhận của nó sẽ cao hơn. Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng, người phải nghe sự thật có văn hóa thấp mà lại là người mạnh. Chúng ta không bao giờ nên đối thoại với những người như thế.”
Nguyễn Trần Bạt








Sự trung thực nhưng chưa biết cách mô tả sự thật một cách hấp dẫn để con người biết yêu mến sự thật.
Có hai anh em nhà nghèo bữa ăn chỉ có cơm không, không có thức ăn gì. Hai anh em bảo nhau, bây giờ em ăn trước, nhưng để em ăn cho ngon thì anh mô tả sự ngon ngọt của thức ăn để em có cảm giác ăn ngon.
Người em ăn no rồi cho nên chỉ nói một câu đơn giản: ước gì có một con bò để làm thịt cho anh ăn.
Đấy là hai cách tiếp cận khác nhau đối với một sự thật là người ta cần phải được hỗ trợ kỹ thuật để ăn cho ngon một bữa cơm nghèo. Một ví dụ khác: Một vị nhà giàu đi tuyển người thuyết phục người làm như sau: “Bác ở với người ta, sáng ăn rồi mãi đến chiều mới được ăn. Chứ bác đến ở với nhà em là cứ sáng ăn – chiều ăn, sáng ăn – chiều ăn”. Sáng ăn và chiều ăn là một sự thật nhưng ở hai cách mô tả này hoàn toàn khác nhau.
Sự thật không phải là một khái niệm đơn giản, sự thật là một khái niệm phức tạp, có nội hàm phong phú và nó là một trong ba khía cạnh của cái đẹp,chỉ có điều chúng ta không được rèn luyện, không đủ bản lĩnh, không đủ kinh nghiệm để mô tả sự thật.
Chúng ta vẫn thường bảo là “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Sự thật mà biến nó, sắp xếp nó, cân đong đo đếm nó tương đương với thuốc đắng thì chúng ta là kẻ ngốc nghếch không biết giá trị của sự thật và không biết cách thể hiện sự thật. Chúng ta phải rèn luyện khả năng biết mô tả sự thật để làm cho người ta “xơi” nó mà không cảm thấy vị đắng của thuốc.
Thật không dễ nghe khi sự thật được nói ra xâm phạm tới lợi ích của người đối thoại. Trong trường hợp này, phải làm rõ, lợi ích của người đó có chính đáng hay không, nếu có, thì người nói ra sự thật đó có lỗi.
Nếu lợi ích ấy không chính đáng, việc người đó có nghe hay không là phụ thuộc vào nghệ thuật mô tả của người nói. Nếu lời nói thật được mô tả một cách hấp dẫn, có văn hóa thì khả năng được tiếp nhận của nó sẽ cao hơn.
Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng, người phải nghe sự thật có văn hóa thấp mà lại là người mạnh. Chúng ta không bao giờ nên đối thoại với những người như thế, phải dùng một cách khác, không phải là tiếp cận văn hóa mà là tiếp cận sức mạnh, sức mạnh của số đông chính nghĩa.
Nam tự “đánh lừa” mình?
Liệu nó có ảnh hưởng gì đến chuyện trẻ con không có tư duy độc lập, mà thường bị hòa vào đám đông?
vì vẻ đẹp riêng của chính nó và vì những giá trị mà nó nghĩ rằng nó có. Nhưng nó tồn tại được, thoát chết được bằng sự kín đáo của nó.
đi, bò, trườn dưới tên bay đạn lạc.
thì người ta sẽ không có kinh nghiệm.
Và nếu phải phê phán, hãy phê phán môi trường vĩ mô khiến trẻ con không biết nói tiếng nói độc lập của mình, chứ không thể dồn sai lầm đó vào khuyết tật có tính nhân chủng học của người Việt Nam hành xử theo cách như vậy?
- Việc quảng bá quá nhiều về tài năng, luôn luôn “nhắc nhở” các bậc phụ huynh rằng hiền tài là nguyên khí quốc gia, đã làm hỏng người Việt. Coi nhân tài là “nguyên khí” dẫn đến việc phụ huynh sẽ cố gắng để trong nhà mình có chút “nguyên khí”.
Và họ đành tự đánh lừa mình để yên tâm mà sống. Chúng ta nói quá nhiều chuyện hiền tài là nguyên khí quốc gia, trong khi quên mất rằng con người mới là nguyên khí của đời sống.
“’… Chúng ta đang biến vô đạo đức trở thành sản phẩm giáo dục”?
PV: – Dư luận đã lên tiếng khá nhiều về sự vô cảm thậm chí nhẫn tâm với đồng loại như nạn thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan ngày càng nhiều và không có dấu hiệu suy giảm. Cái quả đắng này phải chăng nảy sinh từ những vấn đề cơ bản trong giáo dục thế hệ tương lai hiện nay: nạn chạy trường, chạy điểm, không chú ý giáo dục nhân cách sống…?
 Chúng ta đang chểnh mảng trong việc giáo dục đạo đức cho nên các hiện tượng vô đạo đức đã lẻn vào đời sống của nhà trường và đời sống của xã hội”.
Nguyễn Trần Bạt







Luôn luôn là sản phẩm tốt. Đó là điều khiến người Mỹ thức tỉnh và hoan nghênh phát biểu: “Các em chẳng có gì đặc biệt cả”. 
Nói như vậy để thấy, những hiện tượng bạn nói ở trên không phải là hệ quả trực tiếp của giáo dục. Chúng là hệ quả của một thứ quan trọng hơn giáo dục, là cha đẻ của giáo dục: VĂN HÓA.
thịt lợn chết làm mắm tép chưng thịt là một biểu hiện “rực rỡ” về sự thoái hóa đạo đức, thoái hóa văn hóa của con người.
của tính hoang dã, trạng thái phát triển ổn định và bền vững của trạng thái phi đạo đức của con người.
Con người đang chế tạo ra những sản phẩm phi đạo đức một cách rất có trình độ. Những người không học tốt về hóa rất khó để có thể cho melamine vào sữa.
Chúng ta đang chểnh mảng trong việc giáo dục đạo đức cho nên các hiện tượng vô đạo đức đã lẻn vào đời sống của nhà trường và đời sống của xã hội.
Chúng ta rất đau khổ vì nền kinh tế của chúng ta những năm trước tăng trưởng 7-8% mà năm nay có khi chỉ tăng được 5% thôi, nhưng chúng ta không hề xấu hổ, không đau khổ trước việc chúng ta chế biến thịt súc vật chết để bán cho mọi người. Chúng ta chỉ xấu hổ vì nghèo đi mà chúng ta quên mất xấu hổ vì sự xấu đi về mặt đạo đức. Chuyện đó là chuyện quan trọng hơn tất cả những gì chúng ta bàn ở trên.
Vậy mà cho đến thời điểm này, chưa có một tiếng kêu cứu có chất lượng nhà nước nào, tổ chức nào, đặc biệt là tổ chức giáo dục. Tôi mong các vị lãnh đạo ở các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… hãy nghe tiếng kêu cứu này.
– Trong một bài phỏng vấn mới đây, GS Hoàng Tụy cho rằng: “Không thể nào có một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh dựa trên một nền văn hóa suy đồi. Người ta lý giải chuyện đó là sự lệch pha giữa văn hóa và kinh tế”. Ý kiến của một chuyên gia kinh tế như ông như thế nào?
- Tôi thích câu nói ấy của bác Hoàng Tụy. Tôi khái quát vấn đề của bác Hoàng Tụy lên là: Không thể xây dựng được bất kỳ cái gì tử tế trên cái nền đồi bại của văn hóa.
- Theo cá nhân ông, làm thế nào để khắc phục được vấn đề trên?
-Câu hỏi đó phải đi thường xuyên với con người, với tư cách là một nỗi niềm của mỗi một con người. Rằng chúng ta đang làm đồi bại một nền văn hóa hay chúng ta là thành viên của một nền văn hóa đồi bại.
trong từng bữa cơm, giấc ngủ, từng nụ hôn của con người.
Tôi không khái quát hóa việc ra khỏi sự đồi bại về văn hoá như thế nào? Vì mỗi người góp phần vào sự đồi bại hóa của nền văn hóa một cách khác nhau, với những “công nghệ” khác nhau. Chúng ta chỉ cần thức tỉnh, rút các yếu tố làm đồi bại nền văn hóa của mình ra khỏi xã hội, tự nhiên xã hội sẽ sạch sẽ.

Trang