26 tháng 11, 2019

BÓP CHẾT ƯỚC MƠ


Pham Doan Trang

Tôi học cấp III ở Trường PTTH Hà Nội-Amsterdam và tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Ngoại thương. Thế hệ của tôi là thế hệ chứng kiến Việt Nam mở cửa; HIV/AIDS tràn vào (1989); tiếng Anh lên ngôi, tiếng Nga thoái trào (đầu những năm 90); Internet vào Việt Nam (1997); báo điện tử xuất hiện (VnExpress 2001); mạng xã hội bùng nổ (Yahoo!360, giữa năm 2005)…
Hơn ai hết, tôi thấy thế hệ của tôi, những bạn bè sống quanh tôi luôn dằn vặt với hai câu hỏi lớn: Đi (du học) hay ở lại Việt Nam? Học xong trở về Việt Nam hay kiếm đường ở lại nước ngoài?
Rất nhiều người đã từng hỏi tôi hai câu ấy. Trong số đó có T. T. Hồng – nếu bạn nào tình cờ xem một kênh truyền hình có tên VietNamNet TV vào những năm 2005-2006 thì có thể còn nhớ cô gái dẫn chương trình có phong cách rất Tây này. Hồng là một biên tập viên truyền hình, một nhà báo có tài, và Hồng từng dằn vặt dữ dội với câu hỏi lớn “Đi hay ở”, “Về hay ở lại”. Khoảng cuối 2006, Hồng nhận được học bổng đi Anh học thạc sĩ, và từ đó cô không trở về Việt Nam nữa; nói đúng hơn, trong mắt tôi, cô chỉ về như một khách trọ, mỗi lần về vài tuần rồi lại bay đi ngay.
Trước khi quyết định tìm đường du học, Hồng từng hỏi tôi hai câu hỏi ấy, và tôi trả lời: “Gì cũng được, nhưng không kỳ vọng, không thất vọng, không nản”.
Tôi nói thế, bởi tôi biết Việt Nam dưới chế độ cộng sản là xứ sở vô địch về bỏ lỡ cơ hội, về vùi dập nhân tài và bóp chết ước mơ của người trẻ.
Tôi biết đã có bao nhiêu thanh niên Việt Nam du học, mê say với những kiến thức mình thu nhận được ở trời Tây, rồi ôm cả một bầu trời mơ ước, hy vọng về Việt Nam, những mong có thể “áp dụng kiến thức mình học được”, “xây dựng lại ngành của mình”, “thay đổi đất nước”…
Tôi biết họ đã vỡ mộng nhanh như thế nào, chỉ sau vài tháng.
Trước Hồng, anh trai tôi, một bác sĩ nhi khoa, trước khi từ châu Âu trở về Việt Nam còn đi mua ít đồ chơi để “về tặng bệnh viện”, vì anh thấy bên đó, các bệnh viện nhi đẹp quá, nhiều đồ chơi cho bệnh nhân quá, như vườn trẻ (điều đó giúp các bé giảm rất nhiều nỗi đau, nỗi sợ). Anh mua cả thùng sách chuyên môn, hàng trăm cuốn, trị giá vài ngàn euro, về nước. Anh ôm một trời khao khát, hy vọng, đam mê nghề…
Tiếc rằng, thực tế Việt Nam không có gì đáp lại tấm lòng của những bác sĩ yêu nghề, yêu con người, như anh. Cũng may, cả anh và T. T. Hồng bạn tôi đều không ai cảm thấy sốc hay đau khổ khi trở về nước, đối diện với thực tế phũ phàng và đáng ngán ngẩm.
Cho nên tôi luôn thấy quan niệm của mình – “gì cũng được, nhưng không kỳ vọng, không thất vọng, không nản” – là một quan niệm đúng, thậm chí còn là một cách để mình tự vệ trong hoàn cảnh Việt Nam.
* * *
Câu chuyện của T. T. Hồng, của anh trai tôi, là vào thập niên 2000. Bây giờ đã là cuối thập niên 2010, và dường như xung quanh tôi, chẳng còn nhiều người dằn vặt vì hai câu hỏi kia nữa. Câu trả lời đã quá rõ ràng, với số đông: Có cơ hội là đi khỏi Việt Nam, và tìm đường ở lại nước ngoài. Đừng về. Về làm gì?
Nhưng so với thập niên trước, thập niên này lại có thêm sự xuất hiện của một “cộng đồng” nho nhỏ, là những nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền. Họ ra nước ngoài chủ yếu theo các học bổng ngắn hạn do các tổ chức quốc tế cung cấp, học về xã hội dân sự. Họ không hẳn là du học sinh, theo nghĩa họ không tham gia vào thế giới học thuật, hàn lâm của các trí thức; họ là nhà hoạt động.
Và tôi không biết họ có đối diện với hai câu hỏi lớn kia, như thế hệ của tôi từng dằn vặt không.
Có một điều tôi biết chắc chắn: Việt Nam vẫn không hề thay đổi, Việt Nam vẫn nằm dưới chế độ cộng sản, và vẫn là xứ sở vô địch về bỏ lỡ cơ hội, về vùi dập nhân tài và bóp chết ước mơ của người trẻ.
Đối với những du học sinh tràn đầy tâm huyết trở về năm xưa, thể chế ở Việt Nam dội nước lạnh vào họ, gò nặn cho họ vào guồng, gọt họ tròn như bi, đặt họ đối diện với bao nhiêu thứ tồi tệ và đáng chán nản. Không biết nịnh sếp thì về Việt Nam sẽ biết nịnh. Không biết đấu đá, tranh giành thì về Việt Nam sẽ biết đấu đá, tranh giành. Muốn phục vụ, cống hiến thì về Việt Nam sẽ hết muốn, hết ước mơ luôn.
Đối với những nhà hoạt động trẻ thời nay, tình hình còn thảm hơn. Việt Nam đón nhận họ với hàng chục nhân viên an ninh tại sân bay, câu lưu, thẩm vấn, đe nẹt và không quên dạy đời họ. (Thật khủng khiếp, khi những con ếch ngồi đáy giếng, nhìn thế giới bằng cặp mắt hằn học và “cảnh giác với thế lực thù địch”, lại có thể lải nhải răn dạy những thanh niên yêu nước, đầy nhiệt huyết đổi thay và hội nhập). Và cuộc sống của họ sau đó sẽ là những ngày tháng đối diện với việc bị truy đuổi, mất nhà cửa, thất nghiệp, bị theo dõi, canh giữ, nặng hơn thì bị đánh đập, bắt bớ, tù đày…
Đó là những gì đang và sẽ xảy đến với Đinh Phương Thảo (Thảo Gạo) kể từ hôm nay, 15/11/2019, khi cô trở về nước sau gần bốn năm ở nước ngoài, tham gia vận động nhân quyền cho Việt Nam.
Tôi nhìn thấy tất cả những điều ấy, và bình thản. Nhưng không thể không có chút buồn.
Yêu nước, khao khát thay đổi, dấn thân, cống hiến… để bị chế độ công an trị đối xử như vậy sao?
                                    Đinh Phương Thảo

Một phụ nữ Mỹ gốc Việt được tạp chí TIME vinh danh.



Cô Amanda Nguyễn điều trần tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ ngày 27-2-2018 trước khi đạo luật do cô thúc đẩy có hiệu lực. Ảnh của Ủy ban Tư pháp Hạ viện.
Đó là cô Amanda Nguyễn, được TIME vinh danh trong chương trình 100 Người Kế Tục, số ra trung tuần tháng 11-2019.
Cô Amanda cũng từng được đề nghị nhận giải Nobel hòa bình năm 2018.
Cô Amanda Nguyễn sinh ra ở California, năm nay 28 tuổi, tốt nghiệp Đại học Harvard năm 2013 ngành khoa học vật lý, và được huấn luyện tại cơ quan không gian NASA để trở thành phi hành gia.
Cũng năm 2013 cô bị hiếp tại trường đại học.
Sau đó cô phát hiện rằng các bằng chứng pháp y sẽ bị hủy đi sau một thời gian nếu nạn nhân không tố cáo.
Để tố cáo những kẻ hiếp dâm ra tòa không phải lúc nào cũng dễ dàng, rất tốn công sức và tiền bạc.
Cô Amanda Nguyễn đã lập ra tổ chức Rise nhằm vận động Quốc hội Mỹ và các tiểu bang ra luật bảo vệ những nạn nhân hiếp dâm, cũng như các chứng cứ pháp y.
Cô đã thành công khi vào cuối năm 2016, Tổng thống Obama với sự ủng hộ gần như 100% của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã ký thông qua đạo luật có tên Quyền của nạn nhân hiếp dâm (Survivors Bill of Rights Act) có hiệu lực từ tháng 2-2018.
Cô Amanda từng là nhân viên liên lạc giữa Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Obama. Khi dự luật được thông qua, cô đã dành toàn thời gian làm giám đốc tổ chức Rise, tiếp tục giúp đỡ những nạn nhân của những vụ bạo hành tìm công lý.
Chương trình 100 Người Kế Tục của TIME, bắt đầu từ năm nay, vinh danh những người trẻ tuổi đang lên và sẽ có ảnh hưởng trong xã hội, là sự mở rộng của chương trình 100 Nhân vật Ảnh hưởng có từ 15 năm trước.

Xây đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng: 'Tại sao lại có thể tham lam như vậy?'

Trần Lưu - Diễn đàn VNF
(VNF) - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng vừa lãng phí, vừa vô lý, vừa không phù hợp với lợi ích tổng thể của đất nước. 
"Việc tốn kém chi phí của người dân như thế nhưng hưởng lợi sẽ là ai?", bà Lan đồng thời bày tỏ nghi ngờ rằng kết nối tuyến đường sắt này có vẻ đang theo ý tưởng từ Trung Quốc để tạo nên tuyến kết nối từ phía Vân Nam, Trung Quốc sang cảng Hải Phòng.
Rõ ràng việc hưởng lợi từ dự án này thì Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
"Vậy, Việt Nam có cần bỏ tiền ra để đầu tư cho Trung Quốc hưởng lợi theo kiểu này không?", bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Như VietnamFinance đã thông tin, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây đã có buổi làm việc với UBND TP. Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương về phương án quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn có tổng chiều dài 392km, diện tích đất sử dụng trên 1.650 ha, vốn đầu tư là 100 nghìn tỷ đồng. 
Tuyến đường sẽ đi qua 8 tỉnh, thành phố là: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Trên tuyến có 73 cầu lớn, với tổng chiều dài hơn 130km, trong đó phải xây mới 96 cầu; 25 hầm dài 25km; 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga.
Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Tốc độ thiết kế tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là 160 km/h, mang nhiều ưu điểm vượt trội, thời gian từ Lào Cai đi Hà Nội mất 3 giờ, Lào Cai đi Hải Phòng mất 4 giờ.
Trao đổi với VietnamFinance về dự án này, bà Phạm Chi Lan khẳng định: "Dù trước hay sau, tôi đều không tán thành kế hoạch xây dựng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng".
Theo bà Lan, thứ nhất, dự án này tốn quá nhiều tiền của bởi 100.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư này dù có huy động ở đâu thì rốt cục dân cũng là người trả, những người nộp thuế là người phải trả.
"Thứ hai là việc tốn kém chi phí của người dân như thế nhưng hưởng lợi sẽ là ai?", bà Lan đặt câu hỏi, đồng thời bày tỏ nghi ngờ rằng kết nối tuyến đường sắt này có vẻ đang theo ý tưởng từ phía Trung Quốc đề xuất để tạo nên tuyến kết nối từ phía Vân Nam, Trung Quốc sang cảng Hải Phòng.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, trên thực tế, giao lưu về vận tải hàng hoá giữa bản thân tỉnh Lào Cai và các tỉnh xuyên suốt trên tuyến đường sắt này cũng không có nhiều đến mức phải cần một tuyến đường sắt tốn kém như vậy. Chưa nói về chi phí, rõ ràng việc hưởng lợi từ dự án này thì Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
"Vậy, Việt Nam có cần bỏ tiền ra để đầu tư cho Trung Quốc hưởng lợi theo kiểu này không?", bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.
Điều thứ ba theo bà Lan, nếu tính về góc độ kinh tế, sử dụng 100.000 tỷ đồng này đầu tư vào việc gì sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế Việt Nam? Nếu về giao thông, tại sao không đầu tư về giao thông cho miền Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giữa TP. HCM với đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Lan nhận định, mạng lưới giao thông khu vực phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang bị thiếu hụt hết sức nặng nề và nó làm cản trở sự phát triển của toàn TP. HCM khi phát huy vai trò như đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam.
"Với những đóng góp lớn về mặt kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long mà lại không đầu tư hạ tầng chính đáng cho khu vực này so với các khu vực khác thì không công bằng", bà Lan nói.
Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng việc đầu tư hạ tầng kéo lên phía Bắc hiện nay là quá đủ rồi bởi trên thực tế giữa Lào Cai qua các tỉnh về Hà Nội và ra Hải Phòng đã có các tuyến đường có sẵn, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc.
Vị nữ chuyên gia này cũng cho rằng đối với việc phát triển hệ thống đường sắt, hiện Bộ GTVT đã có đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 58 tỷ USD.
"Tại sao lại có thể tham lam như vậy, vừa muốn 58 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam, lại vừa muốn 100.000 tỷ làm đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Tôi cho rằng dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng vừa lãng phí vừa vô lý vừa không phù hợp với lợi ích tổng thể của đất nước", bà Phạm Chi Lan nhận định.
Bà Lan cho rằng đối với việc đề xuất về các dự án giao thông, Bộ GTVT nên “mở mắt” ra để nhìn rộng ra cả nước chứ đừng cắt riêng cho từng đoạn. Hiện, số tiền đổ vào lĩnh vực giao thông đã quá nhiều so với chi tiêu của ngân sách, gánh nặng người dân phải chi trả là rất lớn, trong khi giao thông lại có rất nhiều dự án chưa hiệu quả.
"Bộ GTVT nên tập trung cải thiện hiệu quả các dự án để phục vụ cho phát triển kinh tế hơn là việc đề xuất thêm dự án này hay dự án khác. Việc 'đẻ' thêm các dự án chỉ làm tăng thêm mối nghi ngờ về các nhóm lợi ích muốn đạt được qua đầu tư", bà Phạm Chi Lan nói.

BỐN "SIÊU NHÂN" QUẢNG BÌNH ĐÃ VỀ CÕI

Trần Nhương.net

1. Cụ Ngô Đình Diệm theo thuyết cộng hoà tư sản, đi trước – năm 1963;
2. Cụ Linh mục / sử gia Nguyễn Phương đi thứ hai – 1993;
3. Cụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thứ ba – 2013;
4. Cụ Phạm Quang / Hoà thượng Thích Trí Quang đi sau cùng – 2019.
Trong 4 Cụ (để kính trọng, xin viết hoa chữ Cụ), Cụ Ngô Đình Diệm sinh năm 1901, lớn tuổi nhất nhưng đoản mệnh, thọ có 62 tuổi, Cụ Võ Đại tướng sinh năm 1911, lớn thứ hai, mất 2013, đại thọ 103 tuổi; Hai Cụ theo nghiệp mệnh tâm linh thì cụ linh mục Nguyễn Phương lớn hơn, sinh năm 1921 nhưng mất năm 1993, trước Cụ Phạm Quang, thọ 72 tuổi. Cụ Phạm Quang / Hòa thượng Thích Trí Quang sinh năm 1923, vừa viên tịch hôm qua, thọ 96 tuổi.
Vậy là trong 4 cụ mà danh tiếng nổi đình, nổi đám thời kỳ lịch sử hiện đại thì cụ Võ Nguyên Giáp đại đại thọ, đến cụ Phạm Quang đại thọ, rồi mới tới cụ Nguyễn Phương thượng thọ và chỉ tròn chữ “thọ” không thôi là Cụ Ngô Đình Diệm, vẻn vẹn có 62 tuổi
Sinh thời,
– Cụ Ngô Đình Diệm quê ở Đại Phong, Lệ Thủy. Cụ từng là Thượng thư Bộ Lễ dưới triều Bảo Đại, có tư tưởng chống Pháp. Sau năm 1945 Cụ từng bị Việt Minh bắt nhưng lại được Cụ Hồ mời cộng tác với Chính phủ VNDCCH nhưng Cụ từ chối khi nói với Cụ Hồ rằng “Nếu Cụ coi tôi cũng là người yêu nước thì xin Cụ hãy cho tôi yêu nước theo cách của tôi”, Cụ Hồ tức khắc thả tự do cho Cụ Diệm và còn cẩn thận ra lệnh cấp “giấy thông hành” của CQ CM để khỏi bị bắt lại. Cụ là Thủ tướng kế nhiệm Trần Văn Hữu trong chính phủ “Quốc gia Việt Nam (État du Vietnam). Năm 1955 cụ chấp chính chức Tổng thống VNCH. Cụ chống Cộng nhưng cũng chẳng yêu Mỹ nên bị Mỹ bật đèn xanh cho các tướng lĩnh đối lập lật đổ, trong đó có vai trò chủ công của 2 người Quảng Bình là Đại tác Cục An ninh Đỗ Mậu và Hòa thượng Thích Trí Quang.
– Cụ Võ Nguyên Giáp quê ở Lộc Thủy Lệ Thủy, theo cộng sản, làm đến chức Đại tướng. Hết thời Cụ Hồ thì Cụ đứng hình, không lên nổi bậc nào trên hoạn lộ. Nhưng Cụ có cái chức mà giới chức cộng sản Việt Nam không ai có là Tổng tư lệnh quân đội (chức này trong lịch sử thì có ông Lý Thường Kiệt và Trần Quốc Tuấn). Cụ theo cộng sản nên cụ chống lại 3 Cụ đồng hương kia.
– Cụ Thích Trí Quang quê ở Đức Ninh (Đồng Hới) là hòa thượng danh tiếng, nhưng danh tiếng hơn là chính Cụ đứng đầu phong trào Phật giáo chống Cụ Ngô Đình Diệm và cũng chống luôn cả tư tưởng và giáo phái của người đồng hương Linh mục Nguyễn Phương. Người ta nói rằng Cụ cũng chống Cộng, đồng nghĩa với chống người đồng hương Võ Nguyên Giáp ở phía Bắc vĩ tuyến 17, nhưng cho tới giờ tư tưởng chính trị của Cụ vẫn đang bị che phủ bởi những tồn nghi không thể lý giải. Có điều duy nhất khẳng định là tuy Cụ xuất gia nhưng Cụ hoạt động chính trị quyết liệt và thâm trầm hơn cả chính khách lão luyện.
– Cụ Nguyễn Phương quê ở Hòa Ninh, huyện Quảng Trạch là linh mục danh tiếng nhưng Cụ còn nổi tiếng hơn ở lĩnh vực sử học. Cụ là GS sử học ở Đại học Huế, người được coi là đặt nền móng và có những nổ lực trong khai phá những khoảng trống trong sử học nước nhà. Về tâm linh, Cụ đối nghịch với Cụ Thích Trí Quang. Về chính trị, Cụ không ủng hộ Cụ Ngô Đình Diệm và Cụ Võ Nguyên Giáp. Về sử học, quan điểm của Cụ không đồng thuận với sử gia Võ Nguyên Giáp.
Sinh thời, Cụ Đỗ Mậu, cựu chuẩn tướng VNCH trong hồi ký “Việt Nam quê hương máu lửa”, tại chương mở đầu mang tiêu đề “Quảng Bình – quê hương định mệnh” có viết, đại ý là: Quảng Bình có 3 nhân vật kiệt xuất khuấy đáo chính trường Việt Nam hiện đại là Ngô Đình Diệm, Thích Trí Quang, Võ Nguyên Giáp”.
Riêng tôi, tôi thêm Cụ Linh mục / sử gia Nguyễn Phương thành “Tứ hùng Quảng Bình”. Cả 4 Cụ đều xứng đáng là những nhân vật kiệt xuất khuynh đảo lịch sử Việt Nam hiện đại, cho tới đương đại.
Nếu rộng hơn chút nữa, có thể thêm tướng Đỗ Mậu thành “Ngũ hổ Quảng Bình”. Và nếu thêm cả cựu cố vấn Ngô Đình Nhu nữa là “Lục đại quái kiệt”.
Ê, chớ có coi thường cái dải đất nắng gió này nghe quý vị, anh hùng hào kiệt thời nào cũng đầy ra đấy. Chỉ có điều này quý vị có thể chê: Đó là cùng là dân Quảng Bình cả nhưng chống nhau rất khốc liệt.
Xin một nhén tâm nhang dâng lên người hùng Thích Trí Quang. An lạc Cụ nhé!
Nguồn : Theo TranNhuong.Net

Trang