31 tháng 12, 2017

NĂM MỚI, KÍNH CHÚC DÂN TA TRƯỞNG THÀNH!

Các cụ ta thường nói: “Có lớn mà không có khôn”!, “Làm bố trẻ con, vẫn chưa thành người lớn”! hay “Già còn dại”!
Nhà thơ Tản Đà thì từ năm 1927 chơi ngay một câu để đời:
“Dân hai nhăm triệu, ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”!
Nghe giật mình! Đau quá! Nhưng ngẫm thì đúng!
Cô giáo Trần Thị Lam thì than:
“Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi”!...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì bảo, thế giới chia ra: Các nước phát triển; các nước đang phát triển; các nước chậm phát triển; còn Việt Nam, người ta gọi là nước “không chịu phát triển” có nghĩa là không chịu lớn, khôn, trưởng thành!
Tố Hữu thì tổng kết: “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”!
Nếu dại đôi lần, mà dám nhìn thẳng vào cái “dại”, thừa nhận mình “dại”, tránh cái “dại” để học “khôn” thì đã trưởng thành; nhưng nếu không biết thừa nhận mình dại, lại cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, rút kinh nghiệm cái “dại” này, rồi lại đến cái “dại” nữa, “dại” mãi! Cứ cái “dại” lặp đi, lặp lại, chứ không chịu học cái “khôn”, liệu có trưởng thành được không?
Về phương diện Tâm lý, có thể chia ra các giai đoạn phát triển của con người với những đặc điểm như sau:
1. TUỔI ẤU NHI (tuổi thơ, trẻ con): Tin vào những chuyện cổ tích, thần thoại; đầu óc đầy những chuyện huyễn tưởng; người lớn nói gì cũng tin, khen gì cũng thích; chê à mếu, tức lên là la hét hay khóc lóc... Chỉ biết học thuộc và lặp lại những điều người lớn dạy, nhiều khi như "cụ non" mà chẳng hiểu gì! Chỉ biết nghĩ xuôi một chiều, chưa biết đặt câu hỏi, lật lại vấn đề... Nhiều khi bị xúi giục làm những chuyện dại dột mà không biết tác hại...
2. THIẾU NIÊN (hay vị thành niên): Dở dở ương ương, lúc thì nói và làm như người lớn, tưởng đã trưởng thành ghê gớm rồi; lúc lại như trẻ con, nói và làm những chuyện phi lý mà hung hăng; thấy hành động kết quả, dễ kiêu căng, tưởng mình là anh hùng; thấy hậu quả xấu, thì đổ tại khách quan, tại trời, tại đất hay tại “bọn nó xúi giục”... Ở thiếu niên đã hình thành thế giới nội tâm với những niềm tin, giá trị, quan niệm riêng, tạo nên sự tự ý thức... Nhưng mức độ chủ quan rất cao, tính tự ái, muốn tự khẳng định, thể hiện mình thái quá nên luôn phản ứng tức thời với bất kỳ ai, bất kể cái gì trái với thế giới chủ quan của mình, không cần suy xét; chưa biết tự đánh giá bản thân một cách khách quan, nên đua theo nhóm, ai về hùa với mình là “chiến hữu”, ai khác mình, quy kết họ là “bọn xấu”!
Sau những trải nghiệm, nếu thiếu niên biết thành tâm, tự rút ra những bài học từ những sai lầm để vượt lên chính mình thì sẽ trưởng thành; còn nếu vẫn chìm đắm trong thế giới chủ quan, ngu tín, tự mãn với nó, thì mãi cũng chưa trưởng thành...
3. NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH (người lớn). Đó là người luôn học hỏi để hiểu mình, hiểu người, hiểu thiên hạ; Đó là người ý thức rõ về hành động của mình; Khi sai thì dám chịu trách nhiệm, dám thừa nhận những sai lầm về tri thức, quan điểm, niềm tin, hành động của mình; dám nhận lỗi, xin lỗi, thành tâm chuộc lỗi... Đó là người biết lắng nghe, suy xét mọi ý kiến dù đúng, sai, ủng hộ hay phản đối mình; biết tranh luận một cách có lý lẽ, với thái độ bình tĩnh, tôn trọng nhau để tiếp cận chân lý... Đó là người biết rằng:
“Người khen ta mà khen đúng là bạn ta;
Người chê ta mà chê đúng là thầy ta”! (Khổng Tử).
Người trưởng thành, tất nhiên có nhiều mức độ:
- Có những người xuất sắc mà bản lĩnh, lời nói, việc làm của họ tiêu biểu cho sự trưởng thành của cả cộng đồng, dân tộc;
- Có những người giỏi, sự trưởng thành của họ thể hiện độc đáo, nổi trội, có vai trò nêu gương, dẫn dắt cộng đồng, xã hội;
- Có những người khá họ thể hiện nhân cách người trưởng thành một cách rõ nét, có bản lĩnh;
- Phần đông là những người trường thành bình thường. Đó là những công dân, có ý thức rõ về quyền làm người, quyền công dân, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội với Tổ quốc. Họ có quan điểm chính trị rõ ràng, biết đấu tranh cho công lý, công bằng, dân chủ, tiến bộ xã hội; biết bỏ lá phiếu cho ai thực sự có đức, có tài, vì dân, vì nước... Họ không thể chấp nhận sự cai trị độc đoán, tham nhũng, bất công, nguy hại cho dân, cho nước...
4. Còn những người nghĩ một đằng, nói một nẻo; nói một đằng, làm một nẻo để dối lừa người khác, là kiểu gian manh, thuộc phạm trù đạo đức, không bàn ở đây. Cũng có những người đã từng trưởng thành, nhưng bị thần kinh không bình thường hay mắc bệnh tâm thần thì khỏi nói.
Một đất nước có những công dân trưởng thành là đất nước phát triển, xã hội văn minh, con người hạnh phúc và sẽ đóng góp xứng đáng cho văn minh nhân loại.
Kính chúc dân ta trưởng thành!

Mạc Văn Trang

Còn những vụ "Dự án đắp chiếu" thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng?

Hình minh họa
Sau những vụ Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng, chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng đương nhiên không thể dàn trải khắp các bộ ngành và các địa phương, mà phải trọng tâm hóa vào một số vụ trọng điểm. Đó là những vụ nào?
Vào cuối năm 2016, các cơ quan chức năng đã thống kê được 12 dự đắp chiếu gây lãng phí đến nhiều chục ngàn tỷ đồng: Nhà máy Ðạm Ninh Bình (Ninh Bình), Nhà máy xơ sợi Ðình Vũ (Hải Phòng), Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), Công trình mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Thái Nguyên), Nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An), Ðạm Hà Bắc, Ðạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, Liên doanh khai thác mỏ Quý Sa, nhà máy gang thép Lào Cai.
Chỉ tính riêng 5 dự án đắp chiếu bị phát hiện trong số 22 dự án trùm mền, ước tính tổng giá trị đầu tư của những dự án này đã lên tới hơn 30.000 tỷ đồng! Con số 30.000 tỷ đồng bốc hơi lên trời ấy lại có thể xây được hàng ngàn trường trung học khang trang hoặc hàng ngàn trạm xá, cùng vô số nhà tình thương.
Hầu hết các dự án đắp chiếu đều có vay mượn tiền từ ODA. Nhiều dấu hiệu cho thấy các dự án trên đã “ăn” nguồn vốn ODA vay mượn của nước ngoài. Mà trong vực thẳm lãng phí vô cùng tận ở Việt Nam, nguồn vốn ODA “từ trên trời rơi xuống” lại là cái đáy tận cùng của mọi loại đáy. Nợ nước ngoài chiếm hơn 40% trong tổng nợ công Việt Nam, đẩy nợ công quốc gia lên đến hơn 231% GDP và rất nhiều “triển vọng” đắp bồi núi nợ lên đầu các thế hệ tương lai của đất nước.
Với con số 12 dự đắp chiếu trên, gánh nợ ODA càng nặng thêm và không biết làm sao để trả.
Phần lớn các dự án trên lại do Bộ Công Thương làm chủ đầu tư. Các dự án này đều được triển khai dưới thời Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng – một “tội đồ” của quá nhiều dấu hiệu tham nhũng và vô trách nhiệm, nhưng cho tới giờ lại có vẻ tạm thoát nạn trước chiến dịch được coi là “chống tham nhũng” của tổng bí thư Trọng.
Thời điểm kết thúc “chế độ Nguyễn Tấn Dũng” cũng đã chấm dứt vai trò bộ trưởng công thương của ông Vũ Huy Hoàng. Ông Hoàng được coi là một bộ trưởng đã tồn tại đủ lâu dưới thời một thủ tướng bị bị quá đủ chỉ trích “phá chưa từng có trong lịch sử Việt Nam”. Đa số dự án gây lãng phí tồn tại dưới thời của ông Vũ Huy Hoàng và do Bộ Công thương chịu trách nhiệm triển khai.
Vũ Huy Hoàng tưởng như đã “thoát” sau khi bị kỷ luật đảng vào giữa năm 2017 và Tổng bí thư Trọng có vẻ đắc chí “kỷ luật như thế đã đủ đau chưa!”. Sau đó, không còn nghe nhiều dư luận nhắc đến tên ông Hoàng.
Nhưng vào tháng 12/2017, ngay sau vụ cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bị khởi tố và tống giam, vụ bắt 5 cựu lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam đã cho thấy chiến dịch “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng đã bước sang một giai đoạn mới, cứng rắn hơn nhiều, không chỉ nhắm vào phe phái Nguyễn Tấn Dũng mà còn có thể mang tính thực chất phần nào khi tấn công luôn cả những nhóm lợi ích khác, nhỏ hơn và “ruồi” hơn, và đặc biệt là tạo tiền lệ “hồi tố” đối với giới quan chức đã nghỉ hưu và tưởng đã “hạ cánh an toàn” một số năm.
Tình thế xoay chuyển đột ngột trên đã khiến số phận Vũ Huy Hoàng trở nên hết sức mong manh. Bởi dù chưa tính tới trách nhiệm của ông Hoàng đối với các dự án thua lỗ và trùm mền trong ngành công thương, tên ông có thể đã móc chặt với một việc khác có quy mô và tính chất kinh khủng hơn nhiều – theo nhà phân tích chính trị Bùi Quang Vơm: vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có dấu hiệu trốn nộp ngân sách số tiền khổng lồ lên đến 36 tỷ USD từ nhiều năm khai thác dầu thô. Một cái trục đã hình thành trong thời gian ấy là Trịnh Xuân Thanh – Vũ Huy Hoàng – Đinh La Thăng. Và có thể cả Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu Vũ Huy Hoàng bị truy xét không chỉ bởi vụ 36 tỷ USD trên mà cả với các dự án thua lỗ và trùm mền, nhiều lãnh đạo của các dự án này, dù đã nghỉ hưu, cũng sẽ bị lôi ra truy tố như số phận của 5 cựu lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Theo đó, năm 2018 rất có thể là năm sẽ diễn ra nhiều vụ khởi tố, bắt bớ và xét xử chóng vánh đối với các cựu lãnh đạo của nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước, tức sẽ xảy ra nhiều đại án cỡ Vinashin và Vinalines trước đây.
Một thẩm phán của ngành tòa án than thở là chưa hết năm 2017 mà khối lượng xét xử tham ô, tham nhũng dồn quá nặng khiến thẩm phán này không còn thời gian lo cho gia đình. Thẩm phán này cũng dự đoán là khối lượng công việc xét xử trong năm 2018 có thể tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với năm 2017.
Theo đó và bất chấp kế hoạch tinh giảm công chức của đảng cầm quyền, ngành tòa án và các cơ quan điều tra của công an khó mà tinh giản được. Thậm chí còn có thể phình hơn bởi khối lượng công việc bắt bớ và điều tra sẽ nặng nề hơn nhiều so với những năm trước chỉ làm việc đủng đỉnh.
Thiền Lâm

NHỮNG BẤT THƯỜNG và KHÁC LẠ VỀ CHUYÊN ÁN “VŨ NHÔM”

* NGUYỄN ĐĂNG QUANG
Ngay sau khi ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN (đầu tháng 10/2017), người dân và công luận toàn quốc mới giật mình nhận thấy tình trạng mâu thuẫn, đấu đá nội bộ trong giới lãnh đạo chóp bu thành phố Đà Nẵng là rất nghiêm trọng và đang bước vào đỉnh điểm! Lúc này, lại phát lộ thêm thông tin: Một doanh nhân có tên Phan Văn Anh Vũ, sinh năm 1975 (biệt danh “Vũ nhôm”), chủ của nhiều Công ty BĐS và Xây dựng, là “sân sau” của Thành ủy Đà Nẵng từ một thập kỷ rưỡi qua (từ thời ông Nguyễn Bá Thanh), đã khuynh đảo không chỉ thị trường địa ốc mà còn thao túng cả hệ thống chính trị của thành phố đáng sống này!
Dư luận còn đồn thổi “Vũ nhôm” là một sỹ quan an ninh có cấp hàm Thượng tá, thậm chí có nguồn còn chỉ rõ “Vũ nhôm” chính là người của Tổng cục V (Tổng cục Tình báo – BCA) với bí số AV.75! Không rõ sự việc này hư thực ra sao, độ tin cậy ở mức độ nào, nhưng những thông tin như vậy sẽ không có lợi, làm cho người dân bán tín bán nghi vào thể chế chính trị nhà nước ta!
Sau khi ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tiết lộ một nửa sự thật về chuyện trên, công luận lại càng thêm ngỡ ngàng! Tại buổi gặp mặt các sỹ quan quân đội cấp tướng nghỉ hưu nhân 73 năm ngày thành lập QĐNDVN chiều hôm 20/12/2017, Bí thư Thành ủy Đà Năng khẳng định Bộ Công an đang vào cuộc vụ lùm xùm này và tiết lộ “Vũ nhôm” là một Thượng tá Công an! Ông Nghĩa nói, xin trích nguyên văn: “Ở Đà Nẵng có “Vũ nhôm”. Ngoài Bắc có “Út trọc”. Cũng Thượng tá cả! Với quan điểm người của ai, đơn vị đó phải làm, phải xử lý. Quân đội vừa rồi đã xử lý, bắt “Út trọc” rồi. Công an hiện nay cũng đang làm và phải trả lời câu hỏi đó”! Như vậy, ông Nghĩa vô tình hay hữu ý đã khẳng định “Út trọc” là Thượng tá Quân đội, và “Vũ nhôm” là Thượng tá Công an!
Trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc pháp lý “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, người viết bài này không khẳng định “Vũ nhôm” là ai, có phạm tội hay không, nếu có thì phạm vào tội danh gì? Đây là công việc của các cơ quan tư pháp thực thi tố tụng (Điều tra, Kiểm sát và Tòa án). Chỉ sau khi CQĐT ra bản kết luận điều tra, Viện Kiểm sát ra cáo trạng kết tội, và cuối cùng là Tòa án đưa ra xét xử và nghị án bằng một phán quyết có hiệu lực pháp lý của một phiên tòa xét xử công khai hợp pháp, lúc đó mới có thể khẳng định “Vũ nhôm” là ai, có tội hay không, nếu có thì phạm vào tội danh gì?
Vụ án “Vũ nhôm” này có vẻ là một mắt xích quan trọng trong chiến dịch “Đốt Lò” mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã phát động, nhưng việc “đánh án” của CQĐT trong chuyên án này quả là có nhiều chuyện khá bất thường và khác lạ! Thông thường, khâu kết thúc các chuyên án quan trọng, CQĐT tiến hành và thực hiện đồng bộ cùng một lúc các bước sau: Thực hiện lệnh bắt tạm giam, công bố quyết định khởi tố bị can, ngay sau đó dẫn giải bị can về nơi làm việc và nhà riêng để thực hiện lệnh khám xét, thu giữ chứng cứ và tịch thu tang vật!
Nhưng trong chuyên án “Vũ nhôm”, các bước trên có vẻ như được tiến hành theo một quy trình ngược lại! Tối 21/12/2017, Cơ quan An ninh Điều tra-BCA phối hợp với Công an Tp. Đà Nẵng tiến hành khám xét nhà riêng “Vũ nhôm” tại 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng. Cuộc khám xét này diễn ra trên 3 tiếng đồng hồ, sau đấy CQĐT không cung cấp thông tin, chỉ xác định “Vũ nhôm” không có mặt tại nơi cư trú! Sáng hôm sau, 22/12/2017, CQĐT mới công bố quyết định khởi tố bị can, đồng thời phát lệnh truy nã toàn quốc đối với “Vũ nhôm”! Như vậy bị can đã kịp thời chạy trốn! Không chỉ “Vũ nhôm” mà cả vợ con y cũng cao chạy xa bay! Được biết, trong quyết định khởi tố bị can, “Vũ nhôm” bị CQĐT khởi tố về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 263 Bộ Luật Hình sự”. Điều này không khỏi làm công luận thắc mắc, vì sao doanh nhân, một đại gia BĐS lại bị khởi tố về tội danh này? Ngay cả ông Huỳnh Đức Thơ, người không xa lạ gì với bị can, hiện vẫn đang còn là Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, cũng bức xúc và thắc mắc, ông ta cho là “Vũ nhôm” phạm nhiều tội, nhưng không hiểu sao Cơ quan An ninh Điều tra chỉ khởi tố tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”?!
Do vậy, vụ án này sẽ trở nên phức tạp, chắc chắn sẽ còn phát lộ nhiều tình tiết mới. Không một ai, kể cả CQĐT lúc này lại có thể dự đoán và khẳng định vụ án sẽ diễn tiến ra sao và sẽ có kết cục như thế nào! Có lẽ chỉ sau khi tóm được “Vũ nhôm” thì mới có thể giải đáp được bí mật nhà nước bị mua-bán, cung cấp, chiếm đoạt hay cố tình làm lộ ra sao; và từ nguồn nào mà bị can lại sở hữu được những tài liệu bí mật nhà nước? Người viết bài này cho rằng hệ lụy của vụ án này sẽ không dừng lại ở đây, sẽ còn phát lộ nhiều tình tiết mới, và nó sẽ dẫn tới vụ việc mới, và có thể cả con người mới nữa!
Nếu những ai xem hình ảnh ghi lại thời điểm khám xét nhà riêng ông Phan Văn Anh Vũ chiều tối 21/12/2017 (tất nhiên chỉ là hình ảnh bên ngoài trước cửa ngôi nhà này), đều có cảm giác cơ quan chức năng hình như cố ý để người dân biết là đang có cuộc khám xét bên trong ngôi nhà số 82 Trần Quốc Toản, vì ngay từ chiều đã có 2,3 xe biển xanh 80 đỗ chềnh ềnh ngay trước mặt tiền ngôi nhà này! Ngoài ra có khá đông các phóng viên và nhà báo hình như đã biết trước nên họ có mặt khá đông để tác nghiệp, đưa tin việc khám xét đang diễn ra bên trong ngôi nhà số 82 là tư dinh của bị can có biệt danh là “Vũ nhôm” nổi tiếng kia!
Chắc chắn vụ án “Vũ nhôm” sẽ phát sinh nhiều diễn biến và tình tiết mới, giật gân hơn. Không loại trừ vụ án này sẽ “đẻ” thêm các vụ án mới cùng các bị can mới! Đây là điều ít người mong muốn, song nhiều khả năng sẽ xảy ra! Người viết bài này vừa nhận được một tin liên quan khá giật gân, nhưng chưa kịp kiểm chứng nên không dám tiết lộ! Người viết rất hy vọng những bất thường và khác lạ trong vụ án “Vũ nhôm” như đã nói ở trên sẽ sớm được làm sáng tỏ để khép lại một năm đầy biến động trong cuộc chiến chống giặc nội xâm của nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước. Xin cầu chúc cuộc chiến này chóng thành công!

29 tháng 12, 2017

Huyện Phú Quốc giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai sai gần… 60% : Vòng dây thu hẹp quanh gia đình X !!!

Một góc biển đảo Phú Quốc.
TPO - Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Đinh Khoa Toàn mắc một số khuyết điểm, vi phạm.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, họ vừa kết luận một số nội dung liên quan đến ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.
Theo đó, ông Toàn có khuyết điểm vi phạm như: Lãnh đạo các đơn vị thuộc lĩnh vực phân công phụ trách chưa sâu sát, có lúc có nơi thiếu kiểm tra, uốn nắn để cán bộ cấp dưới và đơn vị mà ông này phụ trách còn xảy ra thiếu sót, sai phạm.
Công tác chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công phụ trách của các phó chủ tịch UBND huyện, UBND các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn chưa được thường xuyên dẫn đến công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai theo thẩm quyền đạt kết quả chưa cao (34%), đơn khiếu nại tồn đọng nhiều (41,68%); hiệu quả giải quyết đúng tạo được đồng thuận thấp (32,7%), số hồ sơ giải quyết trễ hẹn cao (65%) và giải quyết sai có tỷ lệ cao (58%).
Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng còn hạn chế, vi phạm, tình trạng xây dựng không phép, trái phép diễn ra khá phức tạp, có chiều hướng ngày càng tăng đến mức không quản lý và xử lý tháo gỡ được.
Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang, với trách nhiệm là người đứng đầu, trực tiếp phụ trách lĩnh vực xây dựng nhưng có lúc, có nơi ông Toàn thiếu lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát và xử lý kiên quyết kịp thời… dẫn đến quản lý trật tự xây dựng đô thị chưa nghiêm, ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cũng cho rằng ông Toàn không triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương và kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh; quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án gây thiệt hại và bức xúc đối với công dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cũng kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Huỳnh Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc với những hạn chế, khuyết điểm trong công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Hòa Hội
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/huyen-phu-quoc-giai-quyet-khieu-nai-tranh-chap-dat-dai-sai-gan-60-1225802.

Tổ công tác đặc biệt đã lên đường tìm Vũ "nhôm"

Ngay sau sự việc Phan Văn Anh Vũ với cấp bậc Thượng tá TC5 (Tổng cục tình báo -Bộ Công An) thoát khỏi truy bắt của cục điều tra an ninh A92 để di chuyển, ẩn náu ở một địa điểm bí mật, lãnh đạo Tổng cục phải tổ chức cuộc họp tập thể quán triệt vấn đề trên tinh thần “đóng cửa bảo nhau”.
Tuy không nói ra, nhưng nhiều lo ngại đã diễn ra trong suy nghĩ của những đồng nghiệp với Phan Văn Anh Vũ tại TC5 (Tổng cục tình báo -Bộ Công An). Kể từ lúc báo chí trong và ngoài nước đăng loạt tin về Vũ thì hầu như các phòng ban của đơn vị đều râm ran xoay quanh câu chuyện này. Từ phòng trực ban đến phòng tiếp khách và kể các các đơn vị bạn có văn phòng gần đó cũng “quan tâm” đến sự kiện được cho là chấn động ngành công an.
Nhằm hạn chế sự bàn ra, bàn vào của cán bộ chiến sĩ dẫn đến nghi ngờ trong nội bộ và giao động tư tưởng, lãnh đạo Tổng cục phải tổ chức cuộc họp tập thể để quán triệt vấn đề trên tinh thần “đóng cửa bảo nhau”. Nghiêm cấm mọi người trao đổi với nhau, cung cấp thông tin cho báo chí khi chưa được sự cho phép của cấp trên. Bộ mặt của ngành công an nói chung và ngành tình báo nói riêng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ việc này.
Đối với các cán bộ đã công tác nhiều năm trong ngành, thì hầu như ai cũng biết rõ về Vũ. Nhưng với các cán bộ trẻ mới ra trường về nhận công tác tại đơn vị này thì dường như niềm tin bị tác động một cách ghê gớm.
Nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của một tình báo viên không hề đơn giản như lý thuyết sách vở. Thành lập công ty bình phong, đem khối tiền về cho đơn vị, cho ngành nhưng không có nghĩa là bạn “hoàn thành nhiệm vụ”. Sĩ quan Vũ cùng gia đình giờ đây phải bỏ trốn và bị truy nã vì bị quy tội “tiết lộ bí mật nhà nước” mà bất cứ người cán bộ an ninh nào cũng thuộc nằm lòng đang là một bài học lớn.
“Bí mật nhà nước” bài học đầu tiên và là kim chỉ nam trong các hoạt động của ngành tình báo. Hai chữ “bí mật” luôn được rèn luyện để thử thách các tình báo viên. Họ có thể đánh đổi mạng sống để bí mật không bao giờ được bật mí. Bởi vì đó là nguyên tắc khốc liệt của cái ngành đặc biệt này. Trở lại câu chuyện Vũ “nhôm”. Câu chuyện này có thể được lặp lại với chính tình báo viên trẻ khác khi nhận nhiệm vụ tương tự, nhưng cơ hội trốn thoát như Vũ thì không phải ai cũng tận dụng được.
Cái gì cũng có giá của nó. Nếu bạn chọn công việc nguy hiểm của một tình báo viên, thì tính mạng của bạn và gia đình luôn bị đe doạ. Đổi lại bạn sẽ có cuộc sống giàu sang và hưởng thụ. Chắc chắn khi Vũ nhận “nhiệm vụ” này, Vũ đã biết quy luật của cuộc chơi. Vũ lợi dụng yếu tố chính trị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế. Kết quả Vũ trở thành đại gia được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, có lẽ Vũ đã can thiệp quá sâu vào cuộc chiến phe nhóm. Nước sông không phạm nước giếng nên Vũ bị “phản đòn” là điều hiển nhiên. Ngay chính bản thân Vũ cũng không thể ngờ các bí mật nhà nước đã được đưa ra từ nguồn nào. Vũ cũng không phải là người nông nổi đem tung các loại tài liệu đó lên mạng để được nổi tiếng.
Vũ thừa hiểu một tổ công tác đặc biệt đã lên đường tìm mình. Các đầu mối ở khu vực biên giới đều nhận được chỉ thị rà soát gắt gao. Lực lượng ngoại biên nơi hải ngoại nhiều đồng nghiệp đang muốn lập công nếu phát hiện ra nơi ở của Vũ. Cuộc sống của Vũ và gia đình bị xáo trộn.
Có thể trong lúc này, ở một nơi nào đó với cặp tài liệu “ Tuyệt mật ” mang theo, Vũ cần nhanh chóng định cho mình một lộ trình chắc chắn, an toàn dựa trên nền pháp lý quốc tế với lợi thế là những tập dữ liệu quan trọng đang nắm trong tay.
(Bài viết theo quan điểm riêng của Sĩ quan TC5, người trong nghành với Vũ ´nhôm´ gửi đến)
Trung tá Hải, Ngoại tuyến EU.V

Thời Báo/ttx.vanganh.org

Rượu của dân và rượu của Quan chức Tham nhũng!

Hình minh họa
Đảng Cộng sản không có ý muốn kiềm chế sự say mê của công dân, cũng không kiểm soát thị trường bia rượu bằng các biện pháp mạnh. Lịch sử đã dạy đảng, rằng hãy để người dân tự do uống rượu nhằm tránh tích tụ bất mãn trong dân chúng vốn đã chịu nhiều áp lực. Mục tiêu duy nhất của đảng là làm sao kiếm được nhiều tiền từ việc tiêu thụ bia rượu của dân chúng.
Một người đàn ông đứng xếp hàng trong một hàng đợi dài hàng dặm dài bên ngoài một cửa hàng ở ngoại ô Moscow chờ đợi để mua một số vodka.
"Đúng thế," anh kiên quyết nói với bạn mình, "Tôi đi Kremlin để giết Gorbachev."
Anh ta đi khỏi chỗ xếp hàng để giết lãnh tụ Xô Viết. Một giờ sau, anh ta trở lại.
"Anh đã giết ông ta chưa?" người bạn hỏi.
"Giết hắn?" Người đàn ông trả lời, "Hàng người đợi ở đó dài hơn hàng ở đây."
Giống như hầu hết các câu chuyện hài hước về đàn áp chính trị, câu chuyện trên nói về tình trạng cấm rượu và nhu cầu mua rượu uống ở Liên xô trước. "Kinh doanh ở Liên Xô là gì?" Vodka. Lại một câu nói đùa. “Cướp một xe chở vodka, bán lấy tiền để mua được nhiều vodka hơn.” Tôi đã từng nói những câu chuyện cười như thế với một số nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội, khi cùng nhau uống bia với giá nửa đô một cốc, và nhận được tiếng cười châm biếm.
Nhưng, thay vì hài hước, sự phẫn nộ là phản ứng trong tháng này đối với thói quen uống bia rượu của cựu quan chức cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam. Các blog chính trị của đất nước này nói về thị hiếu uống rượu cao cấp của Đinh La Thăng, cựu bí thư ở thành phố Hồ Chí Minh, người đã bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị vào tháng 5, và sau đó bị bắt trong tháng này vì những cáo buộc "quản lý kinh tế yếu kém" liên quan đến thời gian của ông ta làm chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam. Ông ta dường như ưa thích Macallan 30, một loại rượu whisky Scotch có giá khoảng 2.000 USD một chai.
Có một đồng chí tên là Đinh La Thăng, người ưa thích hương vị cho Macallan,
...
Các nhà độc tài có một sự say mê đặc biệt về chất cồn. Năm ngoái, tờ Thời báo Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên tuyên bố chế độ đã chế ra một loại rượu cao cấp có nguồn gốc gạo và nó gây đau đầu cho người uống, một tin gây hài hước cho hầu hết người Bắc Triều Tiên, những người đã phải từ bỏ một nền kinh tế dựa vào lúa gạo mà không để họ suy dinh dưỡng. Cuốn sách tuyệt vời của Mark Lawrence Schrad, Vodka Chính trị: Rượu, Chế độ Tự trị, và Lịch sử bí mật của Nhà nước Nga, đưa ra lập luận rằng rượu là một yếu tố quyết định cho lịch sử Nga.
Mối quan hệ của Việt Nam với rượu cũng không kém phần thú vị. Với nhiều năm trước đây, tôi đã đọc cuốn sách sáng tạo của Erica J. Peters, Sự thèm ăn và khát vọng ở Việt Nam: Thực phẩm và Đồ uống trong thế kỷ 19. Sự đổi mới, trước tiên, vì khái niệm 'thế kỷ 19 dài' của Việt Nam, là một nỗ lực (thành công trong quan điểm của tôi) để đánh giá chính sách giao thoa của triều Nguyễn với những chính sách của người Pháp thực dân.
Về rượu, tôi muốn hướng người đọc chú ý hai chương ba và bốn, để biết được các biện pháp mà người Pháp đã cố gắng (và không thành công) để vận dụng trong việc kiểm soát việc tiêu thụ rượu của người Việt Nam, trước hết bằng cách đánh thuế việc sản xuất lúa gạo và sau đó bằng cách độc quyền sản xuất, và hình sự hoá việc nấu và buôn lậu .rượu
Là một phần của sứ mệnh khai hoá, người Pháp cũng muốn hướng người Việt uống bia thay vì rượu gạo vì người Pháp tin rằng bia có phẩm chất cao và an toàn hơn, được sản xuất bằng kỹ thuật hiện đại. Bia đã trở thành một biểu tượng tiềm tàng cho nỗ lực của Pháp nhằm "hiện đại hóa" Việt Nam. Người Pháp cũng tuyên bố họ đơn thuần phá vỡ sự độc quyền của Trung Quốc đối với sản xuất lúa gạo, quy tắc cũ chia-để-trị.
Tuy nhiên, tác giả Peters lưu ý, sự độc quyền của chính quyền thực dân về rượu gạo đã gây ra sự oán giận của người Việt Nam, dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực khi các quan chức cố gắng ngăn chặn việc sản xuất rượu trong hộ gia đình (rượu quốc lủi), mà nhiều người nghĩ là tốt hơn đồ uống do Pháp sản xuất.
Peters cho biết thêm: "Ý tưởng về một loại rượu gạo truyền thống nổi lên như một dấu hiệu đánh dấu sự kháng cự của Việt Nam đối với những thay đổi không mong muốn. Thật vậy, những người đấu tranh cho tự do và chống thực dân đã sớm học cách nắm bắt sự tức giận của công chúng như là một công cụ lôi kéo người. "Mối đe doạ ngục tù liên tục đối với những người sản xuất hoặc tiêu thụ rượu quốc lủi tạo ra sự chống đối chính quyền thực dân,” Peter bổ sung.
Hồ Chí Minh đã nói “Người Pháp đầu độc dân tộc chúng ta bằng rươụ và thuốc phiện." Ông ta có thể thêm "rượu của họ" để làm rõ. Tuy nhiên, ông đã viết khi ở tù vào năm 1942: "Một người phải làm gì trong nhà tù, khi không có rượu, không có hoa?" (Nguyên bản: Trong tù không rượu cũng không hoa. Đối với cảnh đêm đẹp này biết làm thế nào. Nhật ký trong tù- người dịch)
Tôi không làm việc đánh giá cuốn sách của Peters, một cuốn mà tôi khuyên bạn nên đọc, mặc dù rất khó để tìm ra. Tuy nhiên, với lịch sử gần đây hơn, rượu không mất đi tầm quan trọng trong chính trị và xã hội ở Việt Nam, nhất là vì thị hiếu rượu đắt tiền của các tầng lớp quan chức cao cấp như Đinh La Thăng, làm tăng thêm sự oán giận do bất bình đẳng ở quốc gia cộng sản này.
Người Việt Nam được coi là một trong số những người nghiện bia rượu nặng nhất ở Đông Nam Á, không mấy ngạc nhiên khi xem xét các con số. Một nghiên cứu của WHO, vào năm 2014, cho thấy mức tiêu thụ bình quân đầu người cho người lớn tăng gần gấp đôi từ 2003-2005 đến 2008-2010. Một báo cáo khác cuả Bloomberg cho thấy nhu cầu bia đã tăng hơn 300% kể từ năm 2002. Hãng tin này cũng viết rằng Euromonitor International, một công ty nghiên cứu, cho biết mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người là 40,6 lít trong năm nay và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Công ty nghiên cứu này mô tả Việt Nam là "chiến trường chính của các nhà sản xuất bia."
Tôi ngần ngại đưa ra bình luận về "văn hoá bia rượu" của người Việt Nam, chỉ có điều nó phản ánh đúng bản năng con người nước này là nhiệt tình và hiếu khách, bia rượu là phương tiện liên kết và luôn có trong các dịp đặc biệt. Vô tửu bất thành lễ, không say không về. Bia rượu là niềm vui cuối cùng của những người buồn chán trong những giai đoạn khó khăn.
Nhiều phụ nữ Việt cũng uống rượu bia với tửu lượng cao, nếu bạn quan sát ở các nhà hàng và vũ trường vào ban đêm ở quốc gia này. Hiện tượng này ít gặp hơn ở Campuchia, một nước láng giềng của Việt Nam.
Nhưng, ngày nay, bia rượu có một tầm quan trọng rõ ràng hơn trong chính trị. Nhà sản xuất bia lớn nhất của Việt Nam, Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), từng là doanh nghiệp nhà nước trong một thời gian dài. Hai công ty này từng đưa lại doanh thu khá lớn cho Đảng Cộng sản. Thị trường bia của cả nước năm ngoái có giá trị khoảng 6,5 tỷ đô la.
Tuy nhiên, Đảng đã quyết định bán số cổ phần đáng kể thuộc sở hữu nhà nước ở hai công ty này, một phần trong kế hoạch thoái vốn toàn bộ hoặc từng phần ở 375 doanh nghiệp nhà nước cho đến năm 2020. Tháng này đã bán phần lớn sở hữu nhà nước ở Sabeco, được báo cáo là đợt IPO lớn nhất của một DNNN trong lịch sử Việt Nam. Mặc dù có sự quan tâm của một số công ty quốc tế lớn, Thai Beverage, do Charoen Sirivadhanabhakdi quản lý, là nhà đầu tư duy nhất, chiếm 54% cổ phần với mức giá 4,8 tỷ USD, hầu hết số tiền thu được sẽ được đưa vào quỹ của chính phủ. Chính phủ cũng có kế hoạch bán một lượng lớn cổ phần ở Habeco vào đầu năm tới.
Reuters tuyên bố hồi tháng trước, trước khi có tin bán. "Việc bán Sabeco có thể đưa ra một kế hoạch chi tiết cho việc tư nhân hóa khác mà Hà Nội đang xem xét như một phần của cải cách kinh tế rộng lớn hơn. Việc bán cổ phẩn đã không hoàn toàn theo kế hoạch. Có những kỳ vọng rằng các công ty lớn của Nhật Bản và Châu Âu sẽ đầu tư, nhưng họ đã bị cản trở bởi mức giá 14,09 USD/cổ phiếu của chính phủ.”
Tuy nhiên, việc bán Sabeco chỉ có thể được coi là thành công của Đảng. Ngày nay, Việt Nam có nhiều nợ và không có đủ vốn để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết để giữ cho nền kinh tế phát triển, và quan trọng hơn đối với các quan chức trong bộ máy, là duy trì tính hợp pháp cho Đảng trong con mắt của công chúng, những người đang ngày càng tò mò (và phản biện) về mục đích của đảng ngày hôm nay.
Thật vậy, không giống như các nhà cai trị trong quá khứ của Việt Nam, Đảng Cộng sản không có ý muốn kiềm chế sự say mê của công dân, cũng không kiểm soát thị trường bia rượu bằng các biện pháp mạnh. Có lẽ lịch sử đã dạy đảng, rằng hãy để người dân tự do uống rượu nhằm tránh tích tụ bất mãn trong dân chúng vốn đã chịu nhiều áp lực. Mục tiêu duy nhất của đảng là làm sao kiếm được nhiều tiền từ việc tiêu thụ bia rượu của dân chúng.
Nguồn: Drinking in Hanoi: Alcohol and Politics in Vietnam

Vũ Quốc Ngữ dịch /(VNTB)

Tổng bí thư: Loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng

Tổng bí thư dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ.
Ảnh: VGP
Kiên quyết đấu tranh loại khỏi bộ máy những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn, Tổng bí thư nói.
Mở đầu bài phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ sáng nay, Tổng bí thư kể: Tôi có nói vui với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc "Từ thuở bé đến giờ, hôm nay tôi ới được họp Chính phủ".
Nhìn lại năm 2017, Tổng bí thư nhìn nhận dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đất nước tiếp tục phát triển nhanh, hoàn thành và hoàn thành vượt 13 chỉ tiêu đề ra.
Dưới cũng bắt đầu nóng ấm lên
Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, Tổng bí thư đánh giá, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
“Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức, cán bộ nghỉ hưu”, Tổng bí thư nói.
Theo Tổng bí thư, dư luận nói “trên nóng, dưới lạnh” nhưng dưới cũng bắt đầu nóng nóng, ấm ấm lên rồi.
UB Kiểm tra TƯ đã tập trung kiểm tra, kết luận các sai phạm và quyết định xử lý kỷ luật hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét kỷ luật nghiêm đối với nhiều tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Ngành Thanh tra đã triển khai hơn 6.800 cuộc thanh tra hành chính, gần 260.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý 68 vụ, 107 đối tượng tham nhũng.
“Năm 2017 chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng mừng... Một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng trên khắp cả nước”, Tổng bí thư nói.
Cơ quan điều tra trong cả nước đã kết luận điều tra 197 vụ, 467 bị can. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 219 vụ, 481 bị can. TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội tham nhũng.
Theo Tổng bí thư, có nhiều nguyên nhân đem lại những kết quả trên, nhưng có lẽ bao trùm là nhờ chúng ta được thừa hưởng những kết quả, thành tựu của nhiều năm trước cùng sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân…
Đặc biệt là kết quả sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chínhtrị nhiệm kỳ 2016 - 2021, và chúng ta làm sớm, không như mọi khi là chờ đến tháng 7.
“Lúc đấy nhiều ý kiến băn khoăn lắm, là làm sao vội thế. Chúng ta kiện toàn sớm, càng ngày càng thấy tổ chức bộ máy có một khí thế mới như thế và TƯ, Bộ Chính trị, QH, Chính phủ đã ra nhiều nghị quyết, quyết định đúng đắn, kịp thời, phù hợp. Nhiều quyết định rất lớn, rất khó, vào thời điểm hết sức nhạy cảm, chúng ta quyết định đây là đúng. Điều này vô cùng quan trọng, tạo ra một không khí mới, khí thế mới”, Tổng bí thư nói.
Theo Tổng bí thư, không khí dân chủ trong Đảng, trong QH, HĐND đã và đang lan toả ra toàn xã hội.
Tổng bí thư ghi nhận Chính phủ, chính quyền các địa phương nhanh nhạy phát hiện, kịp thời xử lý những vấn đề mới phát sinh, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, những điểm nóng gây bức xúc xã hội trên tất cả các lĩnh vực và ở mọi vùng, miền của đất nước. Dư luận cũng rất hoan nghênh Chính phủ, Thủ tướng.
“Chúng tôi nhiệm kỳ này có cơ chế là lãnh đạo chủ chốt mỗi tháng lại gặp nhau 1 lần vào đầu tháng. Tháng vừa rồi đề ra cái gì, làm được cái gì, tháng tới tiếp tục làm gì, chỗ nào còn yếu, không còn yếu. 4 văn phòng ngồi lại với nhau tổng hợp tất cả việc gì làm được, chưa làm được, nhắc nhở các cơ quan phải làm ngay”, Tổng bí thư kể.
Không say sưa với thành tích
Tuy nhiên, Tổng bí thư lưu ý: “Chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi, bởi đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức”.
Theo ông, những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội nhưng không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục và đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, sự chỉ đạo kiên quyết, kiên trì.
Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, dự án. Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp.
Tổng bí thư đề nghị hội nghị thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về tình hình, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhất là những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để đề ra kế hoạch, các nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2018 một cách đúng đắn, chính xác.
Tổng bí thư lưu ý không vì sức ép tăng trưởng, sức ép xử lý các vấn đề cấp bách mà coi nhẹ, không quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dành nguồn lực giải quyết các vấn đề có tính nền tảng, lâu dài cho phát triển nhanh và bền vững.
“Cứ chạy theo dự án, cứ gọi nước ngoài vào thật nhiều, mai kia nền kinh tế không biết phải đi về đâu?”.
Tổng bí thư cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
“Kiên quyết đấu tranh loại bỏ khỏi bộ máy những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
“Thực hiện tốt những việc nêu trên sẽ không hề làm chùn sự chỉ đạo hay làm chậm lại sự phát triển, mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

(VnN)

Thủ tướng: Các vụ án liên quan cán bộ cấp cao là một kỷ lục

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận trong năm qua, đất nước đạt nhiều kỷ lục, trong đó có các vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao cũng là 1 kỷ lục.
Phát biểu bế mạc hội nghị trực tuyến CP với các địa phương sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Cải cách, đổi mới của chúng ta phải cả hệ thống. Tôi lo nhất mà các đồng chí hay tổng kết là cấp vụ trưởng, Tổng cục trưởng; cấp sở, huyện có chịu đổi mới cải cách không? Có áp dụng công nghệ tốt không?...
Đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả
Thủ tướng cho rằng, các vụ trưởng, Tổng cục trưởng, GĐ sở, Chủ tịch huyện không chịu đổi mới, thay đổi tư duy thì khó khăn cho đất nước. Trên nóng, dưới lạnh cũng là từ yếu tố này.
''Đề nghị Bí thư, các Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng yêu cầu tinh thần trách nhiệm, trình độ của anh em nâng cao lên'' - Thủ tướng nói.
Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội nghị, đặc biệt là bài phát biểu của Tổng bí thư. Ông yêu cầu các bộ ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến phát biểu của Tổng bí thư nêu ra.Theo người đứng đầu Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không chỉ đóng vai trò quan trọng trong GDP mà còn có vai trò quan trọng trong KHCN 4.0. Ông cho rằng, phải chuyển biến cả hệ thống thì mới thành công, còn chỉ một bộ phận chuyển biến nhận thức thì cuộc cách mạng khó thành công, nhất là cấp cơ sở gần dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH- ĐT, VPCP tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết để chậm nhất đầu tháng tới trình Thủ tướng kèm theo 242 công việc cụ thể để các cấp, ngành, địa phương bám vào triển khai ngay ngày đầu tháng 1/2018.
“Đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh, chủ trương 1, biện pháp 10 chứ không phải nói trong ngày rồi thôi mà phải ban hành ngay.
Không để “sáng cắp ô đi tối cắp về”
Thủ tướng ghi nhận năm 2017 cả nước đã hoàn thành các chỉ tiêu vượt mức, trong điều hành kịp thời, nhịp nhàng, giữ vững ổn định vĩ mô…
“Đây không những là kết quả mà còn là kinh nghiệm tốt cho năm tới. Chính kết quả này cùng kỷ lục mới đạt được trong năm nay là niềm tin trong thị trường, xã hội và vị trí của Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ liệt kê hàng loạt kỷ lục như tổng vốn đầu tư FDI, kim ngạch xuất khẩu, thành lập DN…
“Chính chúng ta cũng không nghĩ kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều lên 425 tỷ USD”, ông dẫn chứng.
Hay chúng ta đứng vào nhóm 50 nền kinh tế thế giới, đạt con số 5 triệu tỉ GDP là một cố gắng. Khách du lịch cũng là một kỷ lục, giảm nợ công, tái cơ cấu nợ công cũng là 1 kỷ lục.
“Đấy không phải thành tích nhưng chúng ta nêu ra để phân tích nguyên nhân vì sao đạt kết quả đó mới quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, có nhiều kỷ lục khác như kỷ lục về thiên tai, các vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao cũng là 1 kỷ lục và có nhiều kỷ lục khác không nêu hết được.
Thủ tướng ghi nhận thành công trong năm qua có đóng góp của nhiều Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, cơ quan báo chí, của cả hệ thống chính trị quyết liệt, đồng bộ từ TƯ đến địa phương và các DN.
“Nhiều đồng chí làm ngày làm đêm lăn lộn, nhiều địa phương lăn lộn tìm lối đi mới, vì dân, vì địa phương, vì ngành đóng góp cho phát triển. Nhiều đồng chí cứ thứ 7, chủ nhật đi cơ sở ở nông thôn, ngồi uống cà phê để lắng nghe, tìm giải pháp chứ không phải “sáng cắp ô đi tối cắp về”, chỉ làm công việc trên giấy tờ rồi hoàn thành 100%”, Thủ tướng ghi nhận.
Tuy nhiên Thủ tướng cũng lưu ý “phải khiêm tốn”, “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như Tổng bí thư đã nói.
Tránh phát triển theo phong trào dẫn đến khủng hoảng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, DN tiếp tục hoàn thiện các đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, sản phẩm của ngành, địa phương, DN mình trên cơ sở đánh giá nhu cầu của thị trường và tiềm năng lợi thế của mỗi vùng, ngành, lĩnh vực và địa phương.
“Tránh tình trạng coi tái cấu trúc xong rồi là thôi, cần thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp. Tránh tình trạng tái cấu trúc theo phong trào, phát triển theo phong trào, dẫn đến khủng hoảng” - Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tổ chức rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm, các quy hoạch vùng, địa phương. Từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch trong đó xác định rõ lộ trình thực hiện... 
Về phát triển sản xuất, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018 khoảng 6,7%, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, đặc biệt là các bộ quản lý kinh tế cùng các địa phương theo dõi sát diễn biến sản xuất, thị trường của từng sản phẩm, để có giải pháp điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Thu Hằng - Hương Quỳnh/VnN

Làm sao chống tham nhũng trong cơ chế đẻ ra tham nhũng?

Nhớ lại lời khuyên chân thành của ông Lý Quang Diệu, rằng muốn chống tham nhũng
trước hết phải có luật nghiêm, công bằng, bình đẳng.
Cuối 2017, đầu 2018, công cuộc chống tham nhũng lại nổi lên, sôi nổi, ly kỳ. Đinh La thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ nhôm, Phan Đình Đức, Út Trọc Đinh Ngọc Hệ… kẻ sa lưới, người bỏ trốn, đầy kịch tính.
Sau một thời gian lình xình, như đánh trống bỏ dùi, gần như nguội lạnh, Tổng chỉ huy chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng lại lên gân, vung tay bảo kiếm, đề ra hành động « cho tất cả củi khô lẫn củi tươi vào lò đã nóng cho thiêu cháy hết », với phương châm "tích cực, khẩn trương, triệt để, theo đúng pháp luật ".
Hơn 20 vụ đại án tham nhũng được nêu lên, hơn 30 nhân vật cao cấp bị khởi tố, tạm giam chờ ngày ra trước vành móng ngựa. Án tử hình được tuyên bố và dự kiến, án tù 20 năm, 10 năm đã được kết luận và dự trù cho không ít trường hợp.
Có nhà bình luận trong ngoài nước so sánh phen này ông Tổng Trọng cùng trưởng Ban Kiểm Tra Trần Quốc Vượng sẽ ra tay, như cặp Tập Cận Bình – Vương Kỳ Sơn đã trừng trị hơn 1 triệu tội phạm, trong đó có hàng trăm cán bộ cấp cao, tướng lĩnh, ủy viên Ban chấp hành TƯ, Ủy viên Bộ Chính trị và cả Ủy viên thường vụ bộ Chính trị xưa nay bất khả xâm phạm.
Thế nhưng ở trong đảng Cộng Sản và ngoài xã hội, có một luồng dư luận ngày càng lan rộng, ăn sâu khi tổng kết 2 năm chỉnh đốn đảng do ông Trọng khởi xướng, rằng « đảng càng chỉnh đốn lại càng đổ đốn, tha hóa hơn, tham nhũng ngày càng phổ biến rộng hơn, nặng nề hơn, phức tạp hơn ».
Đó là vì cái cơ chế hiện nay không những hoàn toàn bất lực chống giặc nội xâm rất ngoan cố này, mà trái lại chính cái cơ chế độc đảng, không phân chia 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp kiềm chế, kiểm soát lẫn nhau, không có tự do ngôn luận của công dân và báo chí tư nhân thì chống tham nhũng chỉ là hình thức vô hiệu, như phủi bụi, càng chống càng sinh sôi nảy nở thêm.
Chính cái cơ chế độc đoán, đạo đức giả đã tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển, không tạo nên sức răn đe đủ mức, dưới nhìn lên trên, noi gương trên, cho rằng không tham nhũng là dại, tham gia phe nhóm để ăn chia, bảo vệ che chở cho nhau, làm cho tham nhũng như bệnh dịch không có thuốc chữa, lan tràn tàn phá ngân sách, tàn phá lối sống buông thả, ăn chơi, hưởng lạc, đua nhau có « bồ nhí », có biệt thự, biệt phủ hàng vài tỷ đồng.
Nhớ lại lời khuyên chân thành của ông Lý Quang Diệu, rằng muốn chống tham nhũng trước hết phải có luật nghiêm, công bằng, bình đẳng, một Nhà nước pháp quyền, nền tư pháp độc lập, hệ thống tòa án công khai minh bạch, lại cần một dư luận xã hội mọi người coi khinh, chê trách, coi bọn tham nhũng là kẻ cướp bóc tài sản xã hội, đáng khinh, đáng nghiêm trị, để cho mọi công dân, nhất là cán bộ viên chức phải sợ bị trị tội, vào tù, phải biết sợ bị nhục, bị xã hội lên án coi khinh, để không dám, không nỡ tham lam 1 đồng bạc của công, của người khác.
Chính cái cơ chế không giống ai, 1 đảng ôm đồm cả 3 mảng quyền lực, vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa làm luật, vừa lãnh đạo, vừa quản lý lại vừa xử án mà ông Trọng một mực kiên trì giữ vững, một cơ chế lạc thời đại, mang tính mác-xít giáo điều mù quáng, bảo thủ cực đoan, không có sức răn đe, khuyên giải ngăn chặn, cảnh báo những kẻ có lòng tham vô độ.
Đây là một điều phi lý, phi pháp thành cố tật, kéo dài thành một nếp cai trị lạc hậu, hủ lậu, bị cả thế giới tiến bộ chê trách mà vẫn trơ trơ cho là lẽ phải, chân lý, mẫu mực! Một tư lệnh chống tham nhũng được suy tôn là rất kiên quyết, triệt để, nghiêm minh, nói là làm, sẽ làm đến cùng… nhưng thật ra lại kiên định duy trì một cơ chế hủ bại đẻ ra tham nhũng, khuyến khích tham nhũng lan tràn ở mọi cấp, càng ở cấp trên càng nghiêm trọng, làm thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng, khi xét xử không thu hồi nổi vài phần trăm .
Dù cho có tử hình Trịnh Xuân Thanh, có tuyên án 20 năm tù Đinh La Thăng, có xử tội cả hơn 40 kẻ liên quan các vụ án này mà không thay đổi cơ chế như đông đảo cán bộ, đảng viên và toàn dân đòi hỏi thì rồi sẽ có hàng chục, hàng trăm ngàn Thăng và Thanh mới xuất hiện, tài sản đất nước sẽ còn bị thất thoát như trong thùng không đáy.
Và cuối cùng, trước thế giới và trước toàn xã hội, ngài Tư lệnh chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng hiện nguyên hình là kẻ tòng phạm nguy hiểm nhất, khi kiên trì một mô hình cai trị cực kỳ lỗi thời, một mô hình đang thai nghén và đẻ ra lúc nhức vô vàn con sâu tham nhũng mới.
Đây chính là một điều trái khoáy, một trò cười ra nước mắt, một bi kịch xã hội đau đớn nhất, kéo dài mãi mà người dân Việt hết chịu nổi.
Cả Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ, các đại biểu Quốc hội, các nhà lý luận của Học viện Chính trị vừa họp tổng kết cuối năm có dám mở mắt nhận ra bi kịch quốc gia và đại bi kịch của đảng Cộng Sản này hay không?

Bùi Tín

27 tháng 12, 2017

Vũ nhôm đã mang theo rất nhiều thông tin tuyệt mật khi rời Việt Nam

Trung Tá. Hải - Ngoại tuyến EU V
Với một tình báo viên, thông tin thu thập được luôn có giá trị, bởi tin tức đó có thể “giết” chết một hay nhiều người cũng như sự nghiệp chính trị của họ. Phan Văn Anh Vũ cũng hiểu mình cần thu thập gì để “cứu” chính bản thân mình khi tình huống xấu nhất xảy ra.

Phan Văn Anh Vũ (42 tuổi, tên thường gọi là Vũ “nhôm”), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 là cái tên đang được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng ở Việt Nam tại thời điểm này.
Hiện ông Vũ đang bị truy nã toàn quốc vì có hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”. Được biết trước đó Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã thi hành lệnh khởi tố và khám xét nơi ở của ông Vũ tại địa chỉ 82 Trần Quôc Toản, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng nhưng đối tượng chính vắng mặt.
Ông Vũ bị truy nã về tội danh “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” là điều rất bất ngờ với nhiều người. Bởi không ai không biết tên tuổi Vũ “nhôm” gắn liền với hoạt động thâu tóm nhiều khu đất vàng ở Đà Nẵng được hình thành từ nhà đất công để sau đó biến hoá mua bán qua lại nhằm hưởng chênh lệch giá.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trong lúc này, vậy ông Vũ hiện đang ở đâu? Nếu xuất cảnh thì đến nước nào trú ẩn? Xuất cảnh trước hay sau khi sự việc đổ bể? Có “ông anh” nào ở Bộ Công An bắn tin mật báo cho ông Vũ biết tình trạng cấp bách hay không? Đặc biệt là ông Vũ đã làm lộ tài liệu bí mật nhà nước nội dung gì?
Nhiều nguồn tin cho rằng ông Vũ là cán bộ sĩ quan cấp Thượng tá của đơn vị tình báo (Tổng cục 5 – Bộ Công An). Nếu đúng như vậy thì nhiều khả năng hành vi phạm tội cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước là có cơ sở và Vũ Nhôm đang bị ráo riết truy lùng ở đâu?
Với một tình báo viên, thông tin thu thập được luôn có một giá trị nhất định, bởi tin tức đó có thể “giết” chết một hay nhiều mạng người, hay sự nghiệp chính trị của họ. Vũ thừa hiểu mình cần thu thập gì để “cứu” chính bản thân mình khi tình huống xấu nhất xảy ra.
Đức hay một nước ở châu Âu là lựa chọn an toàn để trú ẩn trong lúc này. Khi mà các nước sở tại tăng cường nâng cao cảnh giác đối với bất cứ hành động gì của mật vụ Việt Nam sau khi xảy ra vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh. Vũ có điều kiện thuận lợi hơn Thanh để dễ dàng nhận ra đồng nghiệp nếu họ đến gần cũng như sẽ thận trọng để không vướng vào " mỹ nhân kế " để rồi bị đánh thuốc mê vì không muốn về nước đầu thú.
Với nghiệp vụ tình báo, Vũ không khó làm sẵn cho mình một tấm hộ chiếu với cái tên hoàn toàn xa lạ. Cuộc sống sắp tới của Vũ không phải lo âu, thấp thỏm bởi sự chuẩn bị chu toàn cũng như đã từng được đào tạo bài bản qua trường lớp an ninh Việt Nam.
Điều quan trọng nhất. Vũ tự tin vì đơn vị cũ không thể cử người đi bắt, bởi cán bộ từ trên xuống dưới ngoài tiền lương “cứng” nhận được từ ngân sách, Vũ (công ty bình phong) là nơi chi trả thêm phần lương “mềm” cho họ suốt một thời gian dài.
Vậy nên Vũ đi đâu hay về đâu thì những người cùng ngành sẽ không truy xét, vì họ không muốn Vũ về Việt Nam "tự thú" như Trịnh Xuân Thanh để cho tình hình thêm nóng như cái lò đang rực lửa.
Những khi có dịp gặp lãnh đạo tại phòng làm việc, bằng con mắt nghiệp vụ tình báo, cộng với cái đầu lanh lợi, Vũ dễ dàng tận dụng phút lơ đễnh của thủ trưởng để ghi lại hình ảnh tài liệu, hồ sơ trình ký đặt trên bàn do các đơn vị báo cáo. Đối với Vũ, nó là cẩm nang đồng thời là món hàng đổi chác trong làm ăn.
Điều đặc biệt. Vũ có trong tay danh sách màng lưới tình báo viên cùng danh sách các công ty bình phong và công ty sân sau của ngành công an đang hoạt động ở trong và ngoài nước, điều mà rất nhiều quốc gia sẽ chấp nhận cho Vũ được hưởng quy chế tị nạn chính trị nhằm khai thác lợi thế này.
Theo nguyên tắc nghiệp vụ, để bảo vệ an toàn cho các cơ sở, khi một tình báo viên hay một nhánh bị lộ hoặc bị phản. Lệnh "huỷ" nhiệm vụ đã được triển khai ngay, một số tình báo viên "thân" với Vũ sẽ bị rút về, một số cơ sở kinh doanh của ngành sẽ tạm thời ngừng các hoạt động nghiệp vụ.
Trường hợp bắt giữ Vũ "nhôm" lần này, nhiều khả năng nhiệm vụ sẽ được giao cho TC2 tình báo quân đội thực hiện.
Trung Tá. Hải - Ngoại tuyến EU V
(Bài viết theo quan điểm riêng của Sĩ quan TC5, người trong nghành với Vũ "nhôm" gửi đến thoibao.de )








- Vũ "nhôm" đã dùng sim điện thoại đánh lừa an ninh Việt Nam để trốn thoát ra sao?
http://thoibao.de/nguoi-viet-nam-chau/11592/vu-%C2%B4-nhom-%C2%B4-da-dung-sim-dien-thoai-danh-lua-an-ninh-viet-nam-de-tron-thoat-ra-sao%3F.htm
- Trung tướng Đường Minh Hưng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an đã sang Berlin hôm 16.7 - trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
http://thoibao.de/thong-bao-%26-nhan-tin/11570/trung-tuong-duong-minh-hung---pho-tong-cuc-truong-tong-cuc-an-ninh%252c-bo-cong-an-da-sang-berlin-hom-16.7---truc-tiep-chi-huy-vu-bat-coc-ong-trinh-xuan-thanh..htm
- Người ra lệnh bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã tàn phá khả năng phòng thủ của Việt Nam
http://thoibao.de/tin-nuoc-duc/11582/nguoi-ra-lenh-bat-coc-trinh-xuan-thanh-da-tan-pha-kha-nang-phong-thu-cua-viet-nam-.htm
- Bộ Quốc phòng Đức đình chỉ hợp tác với Việt Nam sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh

Trang