24 tháng 1, 2020

NHÀN ĐÀM VỀ NỊNH

Trần Trung Hải
Trong giao tiếp hàng ngày, chúc tụng, ca ngợi, động viên cổ vũ, khen nhau khiến cho nhau phấn khởi vui vẻ trong cuộc sống là chuyện thường tình. Thế nhưng nịnh hót, nịnh nọt để thành kẻ nịnh bợ thì cũng không phải là chuyện hiếm. Các kiểu nịnh xưa nay rất đa dạng, nhưng đều có chung một bản sắc, đó là tự hạ mình ca tụng, khen ngợi bề trên một cách quá mức để tranh thủ cảm tình, cầu lợi cho bản thân.
Xưa nay nịnh chỉ có một chiều: dưới nịnh trên, không hề có chuyện người trên nịnh kẻ dưới, ngoại trừ trường hợp dỗ dành trẻ con. Và lúc này nịnh đã biến thành nựng.
Theo sử sách đông tây kim cổ, kẻ thành đạt, giàu có quyền thế bậc nhất nhờ nịnh hót thì chưa ai vượt qua được Hòa Thân thời vua Càn Long nhà Thanh Trung Quốc. Khi Càn Long hứng chí làm thơ, Hòa Thân ca tụng hết lời: "Thơ của Hoàng thượng hay tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta mấy nghìn năm chưa có ai làm thơ hayvà viết chữ đẹp như thế! ". Hễ có dịp là Hòa Thân ca tụng "Công ơn của Hoàng thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Nghiêu, Thuấn!". Với những lời phỉnh nịnh ngọt ngào như thế, Hòa Thân từ một tên quan lại hạng quèn đã leo lên đến Tể tướng và giàu có tột đỉnh. Tài sản nhà họ Hòa còn lớn hơn ngân khố quốc gia. Chẳng cứ gì Hòa Thân, xưa nay những kẻ xu nịnh vẫn thường a dua theo đuổi kẻ có quyền thế, phủ nhận và xuyên tạc sự thật bất chấp lẽ phải. Sử Trung Quốc vẫn còn ghi chuyện Triệu Cao, Tể tướng nước Tần, rất được lòng Tần Nhị Thế áp mưu giết hại Thừa tướng Lý Tư, Triệu Cao đem dâng vua một con hươu và bảo nhà vua rằng đó là con ngựa. Tần Nhị Thế hỏi quần thần "Con vật này là hươu hay ngựa. Bọn quan lại xu nịnh Triệu Cao đều tâu là ngựa!"
Đấy là chuyện bên Tàu. Ở Việt Nam ta cũng có khối chuyện vui lý thú. Như chuyện tên đầy tớ nịnh chủ trong chuyện cười Việt Nam. Tên đầy tớ có thói quen phỉnh nịnh, chủ nói gì hắn đều nói theo và phóng đại tô màu! Đi chơi, ông chủ khen. "Lúa đồng làng này tốt quá?".Tên đầy tớ ca theo "Lúa đồng làng ta tốt gấp mười lần ! " . Chủ khen cô thôn nữ xinh gái. Tên đầy tớ ca theo "Cô nương nhà ta xinh gấp mười lần". Khi gặp một bà già, chủ nhận xét bà xấu xí. Tên đầy tớ quen mồm buột miệng "Bà nhà ta xấu gấp mười lần ! " . Thì ra nịnh hót đã thành quán tính!
Nghệ thuật nịnh bao giờ cũng dùng lời lẽ rất văn vẻ để người trên vừa lòng như chuyện tên lính hầu phát hiện trên chòm râu quan huyện có dính hạt cơm. Hắn đã quỳ tâu: “ Bẩm quan lớn, có hạt minh châu vương trên long tu ngài”. Quan hiểu ý nhặt bỏ hạt cơm, rất hài lòng khen tên hầu bẻm lép thông minh.
Tuy vậy, trong kho tàng chuyện nịnh trên thế gian này có lẽ chưa có chuyện nịnh nào vượt qua được tầm nịnh trong chuyện "Nịnh rắm" của nước ta. Chuyện kể rằng trong một buổi thăng đường, huyện quan vô tình tương ra một cái rắm. Quan đang bối rối thì viên thơ lại đã đến bên xun xoe: "Bẩm quan lớn, con nghe như có tiếng đàn, tiếng sáo!". Một viên thơ là khác lại thốt lên: "Bẩm quan lớn con thấy thoang thoảng hương quế, hương lan ! " . Huyện quan tỏ vẻ buồn rầu: “Ta nghe nói, trung tiện mà thơm thì ta e chẳng còn sống được bao lâu nữa !” . Hai viên thơ lại cuống quít đính chính. "Bẩm quan lớn, dạ, bây giờ mới có mùi ạ!","Dạ, bẩm quan lớn, bây giờ thì thối lắm, thối lắm ạ!"
Suy cho cùng, nịnh là để chiếm cảm tình của cấp trên để mưu cầu lợi ích riêng. Nịnh là phép xử thế của những kẻ bất tài, kém sức nhưng lại muốn vươn lên bằng thủ thuật nịnh bợ. Xã hội càng phát triển, thủ thuật nịnh càng tinh vi, đa dạng. Từ những ngôn từ đẹp đẽ tâng bốc đón ý cấp trên, tranh thủ cảm tình đến hạ mình phục vụ hầu hạ, biếu xén quà cáp, hối lộ đất đai, tiền bạc. Vì vậy các nhà xã hội học đều cho rằng nịnh là có hại cho sự phát triển xã hội. Ngay từ thời Tam quốc, Tào Tháo đã viết xuống chiếu cầu hiền: "Trị vì đất nước, thiết tập trăm quan, phải thực sự phòng người xu ninh . . . " . Cho nên, nhận ra được bộ mặt thật của kẻ xu nịnh không phải là khó nhưng để tránh được sự tâng bốc, phỉnh phờ, đường mật rồi vô tình lạc vào mê cung thì thật không dễ. Phát hiện kẻ nịnh rồi tìm cách tránh, xưa nay không phải là không có. Chuyện cũ kể rằng quan đại phu nước Tề là Trâu Ký rất khôi ngô, tuấn tú. Qua việc ba bà vợ đều khen ông đẹp trai hơn Từ Công. Ông hiểu là người đời thường xu nịnh nên tâu với Tề Uy Vương tìm biện pháp lắng nghe trực tiếp ý kiến của thần dân Tề Uy Vương ra lệnh: "Ai vạch chỉ ra lỗi lầm của nhà vua trước mặt triều đình thì được thưởng loại 1 . Ai dâng biểu hạch tội nhà vua được thưởng loại 2. Ai có lời chỉ trích nhà vua được thưởng loại 3".
Lệnh vua vừa ban ra, dân chúng kéo đến cổng thành đông như họp chợ. Tề Uy Vương mới bừng tỉnh, biết mình trước đây toàn nghe theo lời của bọn nịnh thần nham hiểm... Trong sử sách cũng còn ghi chuyện Sở Trang Vương lúc nào cũng lo lắng việc nước luôn hỏi han quần thần nhưng lũ nịnh thần lúc nào cũng ca tụng Sở Trang Vương sáng suốt, tài ba. Sở Trang Vương rất buồn, ông than: "Ta đây đã ngu mà đình thần lại ngu hơn ta nữa thì nước ta có lẽ khó mà giữ được Yên". Sau đó Sở Trang Vương loại bỏ hết bọn nịnh thần, trọng dụng người tài khiến nước Sở ngày càng hùng mạnh. Tề Uy Vương, Sở Trang Vương không nghe lời xu nịnh nhưng trên thế gian này vẫn còn vô số những người thích nghe những lời tâng bốc đến nỗi tan tành sự nghiệp, mất cả mạng sống của mình.
Danh tướng Quan Vũ (Quan Vân Trường) một trong ngũ hổ thời Tam quốc, oai phong lẫy lừng là thế nhưng lại mất cảnh giác trước lời tâng bốc, phỉnh nịnh của Lục Tốn - đại tướng Đông Ngô, để rồi bị Lục Tốn đánh úp chiếm đóng Kinh Châu và chặt đầu Quan Vũ! Nói công bằng, có người ưa nịnh thì cũng có người khẳng khái không ưa nịnh, luôn giữ bản chất trong sạch của mình trước kẻ cường quyền dù đó là vua của một nước. Nhan Súc, học giả nổi danh của nước Tề không chịu xu nịnh. Tề Tuyên Vương là một ví dụ . Chuyện kể rằng khi vua đến chơi nhà Nhan Súc, vua gọi: "Nhan Súc, lại đây!", y như kiểu gọi một đứa trẻ. Nhan Súc điềm tĩnh đắp lại: "Hoàng thượng! Lại đây!". Các quan theo hầu hạch tội. Nhan Súc giải thích: "Vua gọi mà Nhan Súc lại để xun xoe thì Súc là người xu nịnh ham muốn quyền lực. Súc gọi mà nhà vua lại thì vua là người quý trọng hiền sĩ. Nếu để Súc này mang tiếng hâm mộ, xu nịnh quyền thề thì sao bằng để nhà vua được tiếng quý trọng hiền tài!". Thật là một lập luận biện hộ hết sức tài tình.
Trong cuộc sống ngày nay, xu nịnh vẫn luôn tồn tại ở đâu đó, dưới nhiều hình thức, nhiều kiểu cách, mức độ khác nhau. Phân biệt được khen ngợi chân tình, thực lòng hay tâng bốc nịnh nọt thực ra không khó lắm. Nhưng khổ một nỗi, loại bỏ thói xu nịnh lại chẳng dễ dùng vì con đường tiến thân bằng xu nịnh lại thường bằng phẳng, ít chông gai và vì xu nịnh đều dùng lời đường mật dễ thấm vào lòng người. Chẳng thế mà thời nay đã hình thành câu cửa miệng: “Bằng lòng hơn bằng cấp”, song hành cùng câu tục ngữ thời xưa "Mật ngọt chết ruồi".
Nguồn: chúng ta.com

PHIẾM CHUỘT PHÚ

Cao Bồi Già
Tết đà đến, gửi câu chúc an khang;
Xuân đã sang, đuổi tiết đông giá buốt.
Tiện ngày xuân, tiễn họ Trư cuốn gói, bàn lếu láo sự đời;
Nhân dịp tết, mừng anh Tý lên ngôi, tán tào lao chuyện Chuột.
To đùng to đoạch Trâu chậm chạp, đám mười hai chịu yên phận đứng sau;
Bé tẻo bé teo Tý ranh ma, hàng thập nhị giành ngay phần xếp trước.
Ấy nhà thử lắm loài, lắm giống:
Chỉ tẹo teo mà luôn thoăn thoắt, Chuột Nhà đó xục xạo cùng phòng khách - nhà ăn;
Trông kinh dị nhưng rất bặm lì, chuột cống kia dọc ngang khắp hố ga - rãnh nước.
Lão Chuột Đất chui luồn đào bới nhà vô địch, đúng Thổ Thần hốc hang ;
Gã Chuột Chù ăn bẩn lợm lì đệ nhất danh, đích Chí Phèo nhà chuột.
Loài Chuột Nước, rễ cây rễ cỏ cả sơn lâm ra sức ủi phăng;
Đám Chuột Đồng, hạt thóc hạt ngô khắp ruộng nương múa nanh đớp tuốt.
toàn họ toàn hàng;
Cả gia cả tộc.
Thân bốc hương phát xạ, thật hôi hám hơn đống tro phân;
Mắt đảo dọc lia ngang, rõ giảo gian y phường trộm cướp.
Tài gặm nhấm, cả nhà cửa kho lẫm tan hoang;
Giỏi sinh sôi, bầy cháu con họ hàng nhung nhúc.
Nghe câu chó sủa, run sợ ẩn kỹ mười phương;
Thấy bóng mèo qua, thất đảm giông mau một nước.
Nhét bả mồm chó, ấy tính toan trăm kế phường gian;
Đeo chuông cổ mèo, là khát vọng nghìn năm nhà chuột.
Mắt nhắm hé rình mồi, chân vun vút vồ chuột, chị em mèo phải diệu kế cao mưu;
Đứa nằm ngửa ôm trứng, thằng hì hục kéo đuôi, đầu óc chuột rõ gian chiêu xảo chước.
Hỗn láo tận cùng:
Thịt cá - cơm canh chả nhịn, thọc mõm phăm phăm ;
Dép giầy - áo nón nào tha, mài răng tuốt luốt.
Chuyên lây truyền chứng bệnh sốt vàng, hại con trẻ khác chi rắc họa, làm kinh sợ bao miền;
Lại phát tán vi trùng dịch hạch, đoạt mạng người như thể hái sung, gây hãi hùng trăm nước.(1)
Thế nên:
Toàn nhân thế chung dạ ghét bay;
Cả trần gian góp tay diệt chuột.
Để canh vườn canh ruộng, cậu nuôi dăm gã mực gã vàng;
Hòng giữ lẫm giữ kho, mợ dưỡng vài ả mun ả mướp.
Mày nhay nát giày anh, ghét khôn cùng sôi lộn tiết, anh nện thẳng mấy cây;
Bay cắn bươm váy chị, căm quá thể giận cành hông, chị chọi ngay một guốc. Đám chuột chú chuột cha quậy quá, ông đặt bẫy điện bẫy thùng ;
Bầy thử con thử mẹ phá hung, lão cho mồi diêm mồi thuốc.
Cùng chốn cùng nơi, nức lời ới: Đây có bẫy không mồi;
Khắp phường khắp phố, vang tiếng rao: ai tậu keo dính chuột.
Vì vậy mà chuột đồng :
Đành chuộc tội, thân thế tổ tông
Phải đoái công thịt phơi mâm thớt
Người tứ xứ qua Đồng Tháp, vẫn nhớ hoài đặc sản miền tây;
Khách thập phương ghé Cửu Long, sao quên được vị hương thịt chuột.
Chiêu lưỡi bình dân vào quán xá, bếp đang chờ thổi lửa đỏ hồng
Đãi mồm quý khách đến nhà hàng, Chuột đà sẵn lột Da trắng muốt
Chuột xào xả ớt, ôi tuyệt vô cùng;
Tý luộc lá chanh, rõ ngon hết thuốc.
Bỏ dăm chú quay lu, béo ngầy béo ngậy, khoái làm sao nếm chả thể ngừng;
Đem mấy nàng áp chảo, thơm nức thơm lừng, mê đến độ ăn không kịp nuốt
Thử rang muối, hảo tận cùng cạn mấy vại bia hơi;
Chuột nướng than, ngọt hết biết bay vài chai rượu thuốc.
Coi kìa:
Chiêu nửa ly cay, chàng xuýt xoa liếm mép, nghe sướng sùng sục buồng gan;
Gắp một xâu béo, thiếp gật gù quăn môi, thấy đã đừ đư khúc ruột.
“Thìa nước dừa” quéo lưỡi luôn, nói thêm nữa, e bụng bạn ruột sôi;
“Xào lá cách” tê môi lắm, kể thế thôi, kẻo mồm ai rãi …ướt.
May mà còn:
Có cô chuột Mickey, lên màn ảnh đóng nhiều phim khiến chị thích em mê;
Thêm chú nhắt Jerry, khuấy truyền hình diễn bao cảnh chuột khiêu mèo rượt.(2)
Thương mấy thương chú nhóc “Hamster”,tác phong thoăn thoắt ,năng lộn mình nhằm giải trí trẻ con;
Tội là tội cô nàng “Bạch Thử”,dáng vẻ hiền lành, luôn hiến thân vì phát triển y học.(3)
Hi hi, cũng đừng quên:
Chuột bắp tay, lúc phồng lúc xẹp, giúp công việc lao động nhẹ nhàng;
Chuột máy tính, khi dọc khi ngang, khiến phần mềm hoạt động thông suốt.
Tục ngữ đủ đầy lời lẽ khen chê;
Ca dao, chả thiếu ngôn từ cáo buộc.
Lúc quan tham mất ghế, ôi phơi bụng rõ phường gian;
Khi kẻ xấu lòi đuôi, ấy “cháy nhà ra mặt chuột”.
“Chuột sa chĩnh gạo”, thỏa mồm đớp xơi;
Quan quản kho tiền, sướng tay xoáy hốt.
Việc tốt rành rành, ông bày bà vẽ, thành “mõm chuột tai dơi”;
Tội to tổ bố, lão xử thím xoa, hóa “đầu voi đuôi chuột”.
Hãy nghĩ nghĩ suy suy, bởi “Múa dao lòi ruột, kẻo oan mạng khó lường;
Phải cân cân nhắc nhắc, vì “Ném chuột vỡ bình”, rồi mang lỗi khôn chuộc.
Như “cờ đi hết nước”, đã lắm người mạt vận trắng tay ;
Tựa “chuột chạy cùng sào”, , cũng bao kẻ bí đường bạc phước.
“Mèo giỗ ma chuột”, đời vẫn bày bao chuyện mỉa mai;
“Chuột gặm chân mèo”, đời cũng diễn lắm điều tai ngược .
Tán chuyện chuột, buột miệng sang sự đời
Thử tộc thì bốn chân;
Nhân sinh chỉ nhị túc.
Tý tư cẳng, hủy trắng mùa màng;
Chuột hai chân, phá tan đất nước.
Ngần ngừ thử sánh, thấy nhiều người tật tánh y chang ;
Đánh bạo đem so, sao lắm kẻ mõm mồm như đúc.
Sâu mọt to mồm kể cán, ngửi ngôn từ hôi tợ hương chù;
Quan tham cao giọng dạy răn, nhìn môi mỏ gớm hơn mõm chuột.
Như “chuột sa cũi mèo”, quan ra tòa xộ khám, mới lòi tội đốt tiền phá bạc Nhân Dân;
Hệt “chuột sa hũ nếp”, quan canh khố quản ngân, bạo thò tay phá két thụt kho Nhà Nước.
Quân nhập nha chôm xe móc ví, có khác chi bầy lũ Chuột Nhà;
Bọn lục lâm bạt núi san rừng, rõ y hệt giống loài Thử Nước.
Đám cò cốt bày dự án bán đất ma,lũng đoạn thị trường thổi phồng giá cả, nhà Chuột Đất đành vái trăm đường;
Lũ gian thương bán thuốc sâu làm phân giả, phá cằn nương rẫy lừa đảo nông gia , họ Chuột Đồng phải thua vạn chước.
“Chuột Cống sa hầm”,dáng hình run rẩy, mắt cụp lom dom;
Quan tham đáo ngục, lời lẽ nhược hèn, lệ sa sướt mướt.
Luận mà hổ, chuột ơi chuột đừng có cười …người;
Ngẫm mà buồn, người hỡi người sống đừng như chuột.
Năm mới năm me:
Mai vàng nụ xinh khoe ;
Nêu thẳng mình cao ngước.
Đám cưới chuột lên lịch xênh xang;
Cô nương Tý lên bìa mã mượt .
Giã Kỷ Hợi niên, tiễn Trư Vương thoái vị, thời son hết hãy cuốn rủi cuốn xui ;
Đón Canh Tý kỷ, mừng Thử Đế đăng quang, ghế cao ngồi đừng hại dân hại nước.
Đã ghế kê đít, múa phải cho hay;
mà cờ vào tay, phất sao coi được.
Kẻ kẻ mong tống vô ngục, bầy lại nhũng mọt sâu ;
Người ngườig ước ném vào lò, lũ quan tham bọ chuột.
Để quê hương giàu mạnh phú cường;
Cho dân nước ấm no sung túc.
Cầu quốc thái dân an,, để dân giàu nước mạnh, hầu bá tánh yên vui ;Nguyện mưa hòa gió thuận, cho mùa bội trái sai, hòng vạn gia hạnh phước
Vui ngày tết, nở miệng cười mong thế đóa hoa tươi;
Mừng hội xuân , giơ tay bốp để thay tràng pháo chuột.
Mừng xuân luận thử luận mèo;
Vui Tết phiếm dơi phiếm chuột.
Hay xin rộng thưởng vỗ tay;
Dở thì thương đừng ném…guốc..
CAO BỒI GIÀ
17-01-2020 (23 tháng chạp kỷ hợi)
Ghi chú:
(1): Giống chuột lây truyền đến 35 chứng bệnh, nhưng nguy hiểm nhất là chứng dịch hạch và bệnh sốt vàng da do chuột cắn có thể gây chết người hàng loạt.
(2): Cô chuột hoạt hình Mickey và chú chuột Jerry trong phim hoạt hình Tom n Jerry.(3): Chuột Hamster được dùng làm thí nghiệm và nuôi làm thú cưng. Chuột bạch cũng thường được dùng làm thí nghiệm y học.

Đồng Tâm, đừng để oan oan tương báo

Tác giả: FB Nguyễn Ngọc Chu
“Đất đai là mâu thuẫn phức tạp nhất trong xã hội mà nông nghiệp, nông thôn, nông dân quan trọng như ở Việt Nam. Người lãnh đạo khi đụng đến đất đai, nông dân bao giờ cũng phải cân nhắc, phải tình nghĩa, đừng đòi hỏi người nông dân học hành ít phải giỏi luật, hiểu tất cả. Xử lý người ta cứ kiểu ngồi cửa quyền là không được mà phải dùng điều hay, lẽ phải thuyết phục. Nông dân đã thù là thù rất lâu, rất dai, hết đời này qua đời khác. Tôi ở làng tôi biết chuyện nếu mày đánh tao đến đời con tao cũng còn ghi tội. Khổ thế!” (Nguyễn Công Tạn)
KD: Đây là câu nói thấm thía, bản chất nhất, hiểu sâu sắc nhất tâm lý cố chấp, và máu tư hữu của người nông dân trong mâu thuẫn đất đai của một quan chức cấp cao thời đó. Nhờ vậy mà vụ Thái Bình đã không đổ máu
Còn vụ Đồng Tâm, hình như chính quyền hiểu rất sâu sắc “quyền lực vũ lực của mình”. Máu đổ, và lòng dân đau đớn, phân ly tơi bời
Nhưng họ có khâm phục, khẩu phục thực sự không? Trời biết. Và Đất biết
————


Mấy lần ngồi xuống để viết về Đồng Tâm mà không thể. Nghẹn ngào trào lên. Đau xót. Phải để lắng đi một tuần mới lấy lại được chút tĩnh tâm.
Tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là tranh chấp kinh tế, dân sự. Nhưng nó lại được giải quyết bằng súng đạn. Vào đầu thế kỷ 21 rồi mà một tranh chấp kinh tế dân sự lại phải mở cuộc hành quân cả ngàn cảnh sát cơ động với vũ khí làm phương tiện giải quyết, dẫn đến 4 người thiệt mạng (một người dân, ba CSCĐ), thì thật là đau xót. Trong khi cuộc tấn công 22 quả tên lửa của Iran không làm cho một người lính Mỹ nào bị thiệt mạng. Mới thấy mạng người trong bi kịch Đồng Tâm không được quý trọng. Quyền được sống trong câu mở đầu Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ – “ Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc” – sau 74 năm vẫn còn là điều không đạt được với nhiều người.
Viết đến đây, nghĩ đến cách chết của 4 người ở thôn Hoành trong đêm mồng 9/01/2020 mà nước mắt trào ra. Lẽ ra họ đã không phải chết. Và càng không phải chết thảm thương như vậy.
Nhiều người đợi chờ sự lý giải phải trái đúng sai ở Đồng Tâm vào lúc này. Phải trái đúng sai là để mà giải quyết tranh chấp. Nhưng tranh chấp đã được giải quyết bằng súng đạn, thì ý nghĩa phải trái đúng sai lúc này tuy quan trọng, vẫn không quan trọng bằng giải quyết hậu quả. Bài viết này không bàn về đúng sai của 59 héc ta đất Đồng Sênh giữa hai bên tranh chấp. Vấn đề này sẽ được đề cập trong một bài viết khác. Về Đồng Tâm dù có nhiều bài viết nữa cũng không bao quát hết sự việc. Bài viết hôm nay chỉ nói về một phần hậu quả của bi kịch đêm 09/01/2020 ở thôn Hoành.
I. NHỮNG HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG
1. CHIA RẼ SỰ ĐOÀN KẾT LÀM GIẢM SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC
Việc đưa cả ngàn cảnh sát cơ động đến thôn Hoành đêm 09/01/2020 dẫn đến 4 người bị thiệt mạng, đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với chính quyền. Đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với nhân dân. Và đó còn là sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền. Hãy lướt qua mạng xã hội để thấy sự chia sẽ này rộng lớn đến mức độ nào.
Trong lúc Trung Quốc đang mang tàu đến uy hiếp ở vùng biển Việt Nam thì nội bộ Việt Nam bị chia rẽ. Sức mạnh của Việt Nam bị giảm sút. Tinh lực và đồng lòng của Việt Nam bị phân tán. Tác hại của việc tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh thật nguy hiểm.
Phải nhìn nhận cho sáng, rằng sự chia rẽ này còn kéo dài lâu nữa, dẫu trên bề mặt sắp tới đây sẽ lắng xuống. Hơn nữa, sự chia rẽ sẽ còn tiếp tục lan rộng – chừng nào không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Những phát đạn không phải là kết thúc.
2. VẾT THƯƠNG LƯƠNG TÂM
Hãy nhìn vào biểu hiện của cộng đồng mạng để đánh giá cho đúng tình hình. Bi kịch Đồng Tâm là vết thương lòng của nhiều người. Đã có nhiều người khóc khi biết những mất mát ở thôn Hoành đêm 09/01/2020. Họ không trúng đạn mà cũng như bị trúng đạn.
Họ khóc vì thương xót. Họ khóc vì day dứt. Ở bình diện nào đó, trong cái chết của đồng bào ở thôn Hoành đêm 09/01/2020 có lỗi của họ. Những người đã khóc đều cố gắng tìm hiểu lỗi của mình ở đâu.
Vết thương lương tâm ở Đồng Tâm không thể xóa bỏ bằng tuyên truyền. Vết thương lương tâm ở Đồng Tâm phải chữa trị bằng cách khác.
3. MẤT NIỀM TIN VÀ SỢ BẠO LỰC
Thanh tra không phải là tòa án. Thanh tra là của chính quyền. Khi chính quyền tranh chấp với chính quyền thì có thể dùng thanh tra. Nhưng khi chính quyền tranh chấp với người dân thì phải dùng tòa án. Trong vụ Đồng Tâm không có tòa án. Trong vụ Đồng Tâm, thanh tra của chính quyền giải quyết tranh chấp của chính quyền với người dân. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự mất niềm tin vào chính quyền vì sự không công bằng.
Rồi chính quyền dựa vào thanh tra của chính quyền để sử dụng vũ lực. Sau bi kịch Đồng Tâm đêm 09/01/2020, một nỗi sợ hãi nguy cơ bạo lực đang lảng vảng. Khi người dân mất niềm tin vào chính quyền, sợ bạo lực từ chính quyền, thì đó phải là nỗi lo của chính quyền.
4. HỆ LỤY QUỐC TẾ
Việt Nam đang hòa nhập cùng quốc tế. Trên con đường hòa nhập, Việt Nam phải thay đổi cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Bởi vậy, các tổ chức quốc tế, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ… trong các hiệp ước song phương và đa phương – đều yêu cầu tuân thủ theo những chuẩn mực mà họ đã đeo đuổi. Khi tham gia một trò chơi, phải tuân thủ theo luật của trò chơi đó.
Nhóm người khởi xướng “Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 đã không tiên lượng các hệ lụy quốc tế.
Bắt đầu từ tranh chấp 59 héc ta đất đồng Sênh có phải là đất quốc phòng hay không, cho đến việc chính quyền tuyên bố người dân Đồng Tâm “chống đối người thi hành công vụ” đã là một khoảng cách. Nhưng cho đến “Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 thì đó là một trời một vực những bức thành ngăn cách về pháp lý.
“Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 không phải là một cuộc cưỡng chế, cũng không phải bảo vệ xây tường rào ở cánh Đồng sênh.
Tập trung cả ngàn CSCĐ với súng đạn đến thôn Hoành vào ban đêm, đưa đến kết quả là Cụ già 84 tuổi Lê Đình Kình bị triệt hạ bằng nhiều phát đạn. Với thước đo của EU, sự vụ Đồng Tâm đêm 09/01/2020 sẽ lọt vào phạm trù khác.
Một điểm khác nữa ở bi kịch Đồng Tâm có thể ảnh hưởng tiêu cực lên vai trò quốc tế của Việt Nam – chính là sự hạn chế thông tin.
Việc không cho phép truyền thông đến Đồng Tâm đưa tin trực tiếp – không biện minh được cho sự minh bạch thông tin. Trong khi livestream là công nghệ truyền hình trực tiếp đơn giản mà ai cũng có thể phát được cho cộng đồng theo dõi, thì đã không được phép bất cứ dưới hình thức nào ở Đồng Tâm. Không cho bất cứ thông tin nào lọt ra ngoài, ngoại trừ thông tin của chính quyền, đã dẫn đến sự chia rẽ trong xã hội về đánh giá vụ việc Đồng Tâm. Chính quyền hành xử đúng luật pháp thì càng phải để tự do thông tin cho toàn dân được rõ. Lúc đó không ai có thể lợi dụng để xuyên tạc.
Có thể giải quyết vụ tranh chấp Đồng Sênh bằng cách khác, không để xảy ra án mạng, không để xảy ra ảnh hưởng uy tín của Việt Nam. Nhưng tiếc thay, thực tế đã xảy ra theo chiều hướng bất lợi.
Đồng Tâm là trường hợp ‘kẻ mạnh làm điều họ có thể làm, kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu đựng’. Ở Đồng Tâm không có chiến công. Ở Đồng Tâm chỉ có thất bại. Không có gì có thể biện minh cho sự mất mát con người ở Đồng Tâm.
Nếu muốn bắt những người có tội thì không khó. Càng không phải huy động đến cả ngàn cảnh sát. Chỉ “bảo vệ xây tường rào từ xa” mà làm mất đi 4 mạng sống! Trong khi lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ đánh chiếm nơi cứ trú được trang bị vũ khí bảo vệ nhiều lớp của Bin Laden, Abu Al-Baghdad mà không ai phải hy sinh. Chứng cứ nói lên rất nhiều.
Bị kịch Đồng Tâm sẽ còn được nhắc đến nhiều nữa. Bi kịch Đồng Tâm là một cột mốc đen. Không ai che dấu mãi mãi được sự thật. Sự thật Thủ Thiêm phải đến 20 năm mới tìm ra một phần. Sự thật Đồng Tâm chỉ có thể bạch hóa toàn diện sau vài chục năm nữa. Lịch sử sẽ có đánh giá công bằng về bi kịch Đồng Tâm.
ĐỀ XUẤT
Đoàn kết dân tộc là vô cùng quan trọng để đối phó với giặc ngoại xâm đang đe dọa toàn vẹn lãnh thổ nước ta. Bởi thế những vụ như Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng, Đồng Tâm – không thể tái diễn. Muốn vậy chính quyền phải có những thay đổi căn bản trong chính sách đất đai, là một trong những nguồn cơn của các xung đột vừa nêu.
1. Mọi sự việc khiếu kiện về đất đai cần được giải quyết qua con đường tòa án. Vai trò của tòa án phải được đặt đúng vị trí.
2. Mọi sự cưỡng chế đất đai phải thông qua quyết định và phương tiện của tòa án. Lực lượng công an vũ trang, quân đội – không tham gia bất cứ dưới hình thức nào vào các tranh chấp dân sự, kinh tế.
3. Nhất thiết phải sửa đổi luật đất đai, trong đó khẳng định quyền sở hữu tư nhân về đất đai.
4. Đối với vụ Đồng Tâm hiện nay, phải thực thi tư tưởng KHÔNG TRẢ THÙ. Tư tưởng này được Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thực hiện xuyên suốt trong các vụ tranh chấp đất đai mà ông được phân công phụ trách. Tiếc thay cho đồng bào Đồng Tâm đã không được gặp một người như Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.
‘Oan oan tương báo’ thì đến bao giờ mới có thể đoàn kết được dân tộc! Các bị cáo phải có luật sư bào chữa theo đúng quy định pháp luật. Những lời khai của các bị cáo phải được lấy trong chứng kiến của các luật sư và trong điều kiện bình thường. Thực tế đã chứng minh hàng ngàn phản cung do bị ép cung.
Đất nước đã đổ máu trong nhiều thập niên chiến tranh. Trong thời bình đất nước không thể đổ máu vì xung đột kinh tế nội bộ. Không ai dám chống chính quyền cả, ngoại trừ bị dồn vào tình thế bắt buộc. Còn lật đổ chính quyền – thì như ông Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng đã nói hôm 25/12/2019: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”.
Lời thẳng khó nghe. Làm cho kẻ yêu quyền lực bực tức. Chỉ những bậc minh trị mới chịu nghe lời chỉ trích.
P/S Để tham chiếu xin xem bài “VỀ VỚI DÂN, ĐỪNG MANG SÚNG” đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 12/02/2012.
Năm 1997, xảy ra “vụ Thái Bình”, ông Nguyễn Công Tạn được phân công làm Tổ phó tổ công tác của Bộ Chính trị về Thái Bình xử lý vụ việc. Những kinh nghiệm xử lý “điểm nóng” của ông rất đáng được học hỏi, lưu tâm.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn
Ông bình luận ra sao về vụ Tiên Lãng (Hải Phòng)?
Vụ này, tôi theo dõi ngay từ đầu qua đài, báo. Đáng lẽ vụ Tiên Lãng đã không xảy ra vì chúng ta có kinh nghiệm với nông dân rất nhiều, nhất là sau vụ biểu tình ở Thái Bình khi tôi là Tổ phó tổ công tác của Bộ Chính trị, ông Phạm Thế Duyệt làm tổ trưởng.
Nhà lãnh đạo mà biết rút kinh nghiệm thì không xảy ra vụ Tiên Lãng. Khi xảy ra rồi nếu giải quyết ngay lập tức và tốt thì không để phức tạp thêm. Để xảy ra như thế là không hay và để chậm thế là không tốt.
Xử lý vụ việc này theo tôi phải cân nhắc, phải phân tích đầy đủ các khía cạnh để đưa ra những giải pháp sao cho chuẩn xác, công bằng. Tất nhiên là rất phức tạp. Xảy ra rõ ràng do hai phía, một phía của dân, một phía của chính quyền. Cái gì đúng, cái gì sai? Nguyên nhân sai đúng thế nào? Biện pháp xử lý ra sao? Phải đầy đủ, nghiêm túc, có lý có tình để mọi bên chấp nhận được.
Không thấm nhuần điều đó sẽ không được lòng dân. Con người có quyền sở hữu tài sản bất khả xâm phạm trừ khi vì lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia mà lấy đi phải đền bù thỏa đáng đằng này nhà của người ta không liên quan gì cũng đập mất là sai quá. Phía cơ quan nhà nước phải tính từ xã, huyện, thành phố. Chỉ đạo lực lượng cưỡng chế, có cái của xã, có cái của huyện, có cái của thành phố, theo tôi đều phải có trách nhiệm cả.
Ông có thể đưa ra một mẫu số chung qua những vụ khiếu kiện kéo dài?
Những năm tôi làm Phó Thủ tướng đi xử lý khiếu kiện rất nhiều nơi, kéo dài, từ Bắc chí Nam ở nơi nào có vụ phức tạp tỉnh nghe huyện một chiều, huyện nghe xã một chiều, không nghe phía trái lại, đặc biệt không nghe ý kiến của dư luận đều là những vụ việc phức tạp, kéo dài. Có những vụ kéo dài hàng chục năm, có vụ đến giờ vẫn không xong, tôi về hưu lâu rồi mà vẫn đến nhờ giúp đỡ, giải quyết vì chính quyền cơ sở làm không đầy đủ, không nghiêm.
Nông dân ta chân lấm tay bùn, nhiều người nghèo, có mảnh đất kiếm sống, học vấn thấp, luật pháp cũng không phải ai cũng hiểu hết. Nông dân dễ manh động, tức lên là bất chấp, khi bộc phát lên khó mà tự kìm chế. Cho nên chúng ta là người lãnh đạo phải biết cách xử sự với họ bằng đạo lý, pháp luật, tình cảm. Khi nông dân nghe giải quyết có tình thì “tin sái cổ”, thậm chí thiệt mà không cần đền nhưng khi tức lên một đồng, một xu cũng đối đầu đến cùng.
Đi thực thi pháp luật với nông dân phải đi kiểu khác, vừa nói, vừa giảng giải cho họ, khi họ sai phải biết cảm hóa ấy thế mới là hiểu nông vận. Khi làm Nghị quyết 80 của Chính phủ về nông nghiệp (doanh nghiệp và nông dân ký kết hợp đồng), lúc anh em hỏi tại sao Chính phủ không đưa ra những quy định xử phạt nếu nông dân sai, tôi đã tránh điều ấy vì đưa vào ở thời điểm nông dân chưa cảm nhận được những chuyện như thế là rất khó.
Khiếu kiện của nông dân chủ yếu là đất đai. Khi tôi là Phó Chủ tịch Hà Nội giữa những năm 80 (TK XX) xảy ra vụ Song Phương (Hoài Đức), mâu thuẫn đến mức hai bên, phía nông dân và phía khác đã dàn trận chuẩn bị đánh nhau. Điều nguy hiểm là trong làng cất trữ nhiều vũ khí của dân quân. Tôi cho lực lượng đặc nhiệm đột nhập lấy vũ khí ra để khỏi đánh nhau nhưng do có canh gác kỹ quá, không lấy được.
Tình hình rất căng. Quân khu Thủ đô hồi ấy định đưa xe bọc thép bao vây làng, tôi bảo như thế chẳng khác đổ dầu vào lửa. Tôi cùng anh Phạm Chuyên, lúc đó là Phó giám đốc Công an Hà Nội, vào đối thoại với dân. Anh Chuyên hỏi: “Anh đi thế này có nguy hiểm không”. Tôi bảo: “Không, cứ vào đấy xem sao”. Anh Chuyên lại hỏi: “Em có mang súng theo không?”. Tôi bảo: “Bỏ súng, chúng ta tay không vào với dân”. “Nguy hiểm thì sao?”. Anh Chuyên vẫn băn khoăn. Tôi mới an ủi: “Dân thấy chúng ta vào tay không vì lợi ích của họ sẽ không nỡ lòng nào. Giả thiết họ đánh lại chúng ta đành chịu vậy vì ổn định xã hội”.
Sau khi nghe tôi giải thích dân rút hết. Lúc ấy anh Bí thư Đảng ủy xã dẫn đầu một phe, Thành ủy Hà Nội nói với tôi cho người bắt anh này. Tôi bảo không, chưa đủ chứng cớ để bắt. Vả lại anh ta đại diện cho một nhóm lợi ích của nông dân, đụng đến anh chưa chắc nông dân đã đồng tình. Tôi cho người đến gặp anh Bí thư này nói nên rút lui. Anh ta nghe ra và xin gặp tôi: “Em ở đây thì em chết, xin bác cho đi chỗ khác”. Tôi cho anh ta vào Lâm Đồng để lánh đi. Giải quyết tiếp dần dần sau đó Song Phương mới yên.
Vụ ở xã Thái Nguyên (Thái Thụy, Thái Bình) cách đây mười mấy năm cũng rất nóng bỏng. Khiếu kiện, biểu tình ngay ở huyện tôi. Lúc tôi về họ chuẩn bị dùng bạo lực. Cánh bên chính quyền bảo: “Chúng em chuẩn bị súng sẵn sàng rồi, chiến đấu thôi”. Tôi nói chúng ta mấy cuộc chiến tranh đổ máu rồi, các đồng chí có muốn đổ máu nữa không? Mối hận thù này bao giờ nguôi nếu đổ máu. Về bỏ hết súng ống đi. Nếu các anh em kia sai anh dùng súng ống với người ta thì anh cũng sai. Trước súng ống, người ta chống lại, lại sai tiếp. Đua nhau sai. Nghe xong họ mới thôi. Về sau điều tra, tìm hiểu mới biết phe chính quyền hồi đó sai, cậy quyền.
Ông có lời nhắn nhủ, cảnh tỉnh nào cho các cấp chính quyền sau khi xảy ra vụ Tiên Lãng?
Đất đai là mâu thuẫn phức tạp nhất trong xã hội mà nông nghiệp, nông thôn, nông dân quan trọng như ở Việt Nam. Người lãnh đạo khi đụng đến đất đai, nông dân bao giờ cũng phải cân nhắc, phải tình nghĩa, đừng đòi hỏi người nông dân học hành ít phải giỏi luật, hiểu tất cả. Xử lý người ta cứ kiểu ngồi cửa quyền là không được mà phải dùng điều hay, lẽ phải thuyết phục. Nông dân đã thù là thù rất lâu, rất dai, hết đời này qua đời khác. Tôi ở làng tôi biết chuyện nếu mày đánh tao đến đời con tao cũng còn ghi tội. Khổ thế!
Xin cảm ơn ông!
ĐÌNH TƯỜNG

Đâu là mục đích và mục tiêu trận tập kích vào Đồng Tâm rạng sáng 9/1/20120?

Tác giả: Nguyễn Đăng Quang-
Vậy nên, sự việc tang thương và đẫm máu phải xảy ra ở đây (thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội) vào 04 giờ sáng ngày 09/01/2020 khi mọi người đang còn chìm sâu trong giấc ngủ, và chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý! Bạo lực đã đến, máu đã đổ, đưa đến một kết cục khiến toàn xã hội phải ghê sợ. Tôi khẳng định ĐCSVN đã phạm sai lầm cực kỳ nghiêm trọng khi quyết định sử dụng bạo lực thay cho đối thoại ôn hòa hoặc tranh tụng pháp lý trước tòa, dẫn đến một kết cục đẫm máu cho cả 2 phía, gây chia rẽ trong xã hội và làm ly tán lòng dân! Thử hỏi, 93 triệu người dân Việt Nam, nhất là 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài, từ nay có ai tin vào “chính sách đại đoàn kết và hòa hợp, hòa giải dân tộc” của Đảng nữa hay không, khi Đảng đã ra tay sử dụng vũ lực để giết hại người dân ngay trong thời bình?
KD: Tác giả Nguyễn Đăng Quang nguyên là Đại tá An ninh. Đây là bài viết về Đồng Tâm của ông với những nhìn nhận đánh giá khá bản chất vụ việc. Chủ Blog xin đưa lên, coi như bài cuối cùng của vụ này (dù đã thề ko bao giờ đưa các bài về ĐT nữa, vì nỗi ám ảnh ghê sợ sự tàn bạo, phi lý, chà đạp lên pháp luật, và xót xa cho thân phận người nông dân).
XH có pháp luật. Nếu nhóm cụ Kình sai, cần khởi tố và xét xử đúng quy định của các điều luật. Chắc chắn ko ai hiểu biết mà phản đối. Tại sao lại dùng súng đạn nói chuyện với dân?
Mới đây ông TT Nguyễn Xuân Phúc phát biểu “ĐT là một chuyện đáng tiếc”, mình không hiểu nghĩa “đáng tiếc” ở đây là gì? Phải chăng các vị cũng ko nắm được bản chất vụ việc, để “cái xảy nảy cái ung”
Bài này dù rất được nhưng mình ko muốn đưa lên FB nữa. Quá nặng nề rồi. Trong khi Tết đã đến rất gần.
Tết này, nhà cụ Kình sẽ thế nào?
Sao thân phận người nông dân yêu quý Đất đai lại khốn khổ đến vậy?
——————

Như mọi người đều biết, một chiến dịch quy mô lớn với một lực lượng hùng hậu được chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết nhằm tập kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã xảy ra vào rạng sáng 09/01/2020 gây sự bất ngờ đến ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Kết quả đau lòng đã để lại cho cả hai bên: Cụ Lê Đình Kình bị sát hại bằng nhiều phát đạn ngay tại nhà riêng của mình, và 3 chiến sỹ CSCĐ hy sinh do “trượt chân ngã xuống giếng trời sâu 4 mét…”. Vậy đâu là lý do và nguyên nhân chủ yếu cho cuộc tập kích bất ngờ của chính quyền vào xã Đồng Tâm, hay nói một cách khác là, cuộc tập kích trên nhằm mục đích gì và để đạt mục tiêu gì là chính?
“Phải tiêu diệt bằng được Lê Đình Kình, tịch thu bằng hết hồ sơ, tài liệu, chứng cứ mà đương sự đang cất giữ, bắt bằng hết “nhóm Đồng thuận Đồng Tâm”, đồng thời phá hủy tan tành 3 ngôi nhà liền kề của đại gia đình Lê Đình Kình, để làm gương cho những kẻ khác!”. Đây có phải là mệnh lệnh của thượng cấp, đồng thời cũng là mục đích và mục tiêu chủ yếu của cuộc tập kích vào thôn Hoành xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 09/01/2020 không?
“Nhóm Đồng thuận” hình thành vào năm 2014, ban đầu chỉ gồm khoảng 10 thành viên, chủ yếu là đảng viên, trong đó có 3 đảng viên lão thành làm nòng cốt, do cụ Lê Đình Kình đứng đầu! Từ khi ra đời cho đến nay, nhất là sau biến cố Đồng Tâm (15-22/4/2017), nhóm này chủ trương đấu tranh ôn hòa thông qua các kiến nghị và các kêu cứu gửi đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp, từ địa phương đến Trung ương.
Sách lược đấu tranh của họ là tuyên bố ủng hộ công cuộc đấu tranh chống tham nhũng do TBT Nguyễn Phú Trọng phát động, đồng thời họ cũng giương cao các khẩu hiệu chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt coi tham nhũng là giặc nội xâm, để tập hợp và đoàn kết người dân. Nhóm này luôn khẳng định họ không chống Đảng và Nhà nước, họ chỉ chống bọn tham nhũng và các nhóm lợi ích trong ĐCSVN, mà họ gọi là giặc nội xâm trong Đảng!
Tôi đã nhiều lần về Đồng Tâm tiếp xúc với cụ Kình. Trao đổi và tâm sự với tôi về cách hóa giải mâu thuẫn trong xã hội, cụ thể là cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, cụ xác quyết 3 nguyên tắc sau:
– Một là: Dứt khoát phải loại bỏ sử dụng vũ lực. Cụ nói: “Vũ lực chỉ nên sử dụng với kẻ thù khi không còn con đường nào khác. Tuyệt đối không bao giờ dùng vũ lực để chống lại nhân dân. Bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực, đó là quy luật và hậu quả tất yếu”!
– Hai là: Con đường pháp lý (kiện ra Tòa án) bao giờ cũng tốt hơn bạo lực. Song chỉ nên dùng đến nó một khi phương thức đối thoại, hòa giải thất bại!
– Ba là: Phải đối thoại, hòa giải. Mọi mâu thuẫn và bất ổn trong xã hội đều có thể được hóa giải thông qua đối thoại, hòa giải. Nhưng đối thoại phải thực tâm, và phải nghiêm túc thực thi những điều đã thỏa thuận. Đây là nguyên tắc tối thượng.
Ba nguyên tắc xuyên suốt này được thể hiện rất rõ trong TÂM THƯ của người dân Đồng Tâm gửi Hội nghị 7 Trung ương ĐCSVN ngày 15/4/2018 và gửi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 28/5/2018. Dẫn lại ý kiến trên, tôi muốn nhấn mạnh cụ Lê Đình Kình luôn chủ trương con đường ôn hòa, phi bạo lực, đồng thời phủ định quan điểm và cách đưa tin một chiều của báo chí lề phải, vu oan cho nạn nhân là người cầm đầu nhóm chống đối, chủ trương bạo lực, bị bắn chết nhưng “trên tay Lê Đình Kình vẫn còn cầm một quả lựu đạn”(?!)
Cụ Lê Đình Kình đã nhiều lần tuyên bố trước báo giới: “Cho dù có bị chặt đầu, tôi vẫn khẳng định 59ha đất ở cánh đồng Sênh là đất nông nghiệp!”. Cụ nói trong tay cụ có đầy đủ hồ sơ, tài liệu, giấy tờ chứng minh cho lời khẳng định trên. Việc tranh chấp 59ha đất ở cánh đồng Sênh bắt đầu từ cuối 2016, nhưng cho đến nay BQP và Viettel chưa hề lên tiếng, chỉ có UBND Tp.Hà Nội tuyên bố đấy là “đất quốc phòng”! Đây là một uẩn khúc mà chỉ có Viettel và UBND Tp.Hà Nội biết rõ.
Việc tranh chấp này chắc hẳn phải liên quan đến “Văn bản hợp tác đầu tư” được ký kết giữa Tập đoàn Viettel và UBND Tp.Hà Nội ngày 4/6/2016, theo đó UBND Hà Nội “có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng tại huyện Mỹ Đức để xây dựng nhà máy sản xuất”. Theo tôi, nếu Tp. Hà Nội thực tâm, thì sao họ không ra quyết định thu hồi diên tích 59ha đất nông nghiệp nói trên, rồi giao cho Viettel sau khi đã thỏa thuận đền bù thỏa đáng cho người dân? Tôi nghĩ, người dân sẽ vui lòng chấp nhận trên cơ sở quyền lợi của họ được đảm bảo!
“Nhóm Đồng thuận” lấy tư gia cụ Kình làm địa điểm tổ chức những cuộc họp thường kỳ hàng tháng, có livestream (phát trực tiếp tại chỗ) với chủ đề chống tham nhũng. Các buổi sinh hoạt livestream này được lưu qua ứng dụng YouTube, do đó không chỉ người dân ở trong nước có thể xem trực tiếp mà đông đảo bà con Việt kiều trên thế giới ai không có điều kiện theo dõi trực tiếp thì có thể theo dõi qua YouTube!
Các buổi sinh hoạt thường kỳ này luôn được đông đảo bà con trong xã hưởng ứng, tìm đến tham dự. Buổi ít nhất cũng đến cả trăm, nhiều thì lên đến cả ngàn người có mặt. Và luôn có hàng chục ngàn người xem trực tiếp qua livestreams mỗi buổi, và hàng trăm ngàn lượt người xem qua ứng dụng của YouTube sau đó.
Dư luận cho rằng Đảng cầm quyền vô cùng căm tức và run sợ. Họ không thể chấp nhận sự tồn tại của nhóm này cũng như để cho nhóm tiếp tục tự do hội họp, tự do bày tỏ chính kiến. Họ nhận định đích thị đây là một tiền lệ rất nguy hiểm, là manh nha dẫn đến đa nguyên, đa đảng! Do vậy, phải bằng mọi cách tiêu diệt bằng được cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần và bộ óc của “nhóm Đồng thuận Đồng Tâm”, và bắt sống bằng hết các thành viên khác. Vậy cho nên mới có cuộc đánh úp, giết hại dã man một đảng viên là cụ Lê Đình Kình, và bắt đi trái pháp luật gần 30 công dân khác vào rạng sáng ngày 09/01/2020.
Còn nhớ, cách đây hơn 2 năm, sáng 15/4/2017, họ lừa cụ Kình ra cánh đồng Sênh, bảo cụ chỉ mốc giới. Trên đường ra về, bất ngờ một nhóm người từ trong xe phục sẵn, nhẩy xuống đạp cụ gẫy xương đùi, quẳng cụ lên xe như quẳng một con vật, khóa quặt 2 cánh tay cụ bằng còng số 8 rồi nhét dẻ vào mồm và cứ thế cho xe chạy thẳng 50km về số 7 Thiền Quang (HN), mặc cho cụ kêu la vì đau đớn, mãi 3 ngày sau họ mới đưa cụ lên bàn mổ cấp cứu! Một tháng sau, khi xuất viện về nhà, cụ đã công khai tố cáo đích danh 4 sỹ quan LLVT (có danh tính, cấp bậc đầy đủ) cố tình tìm cách thủ tiêu cụ nhằm diệt khẩu, bịt đầu mối, nhưng bất thành.
Kể từ đó, tên tuổi cụ cùng cuộc đấu tranh giữ đất của bà con Đồng Tâm trở nên nổi tiếng, được dư luận rộng rãi trong nước và cộng đồng quốc tế biết đến và kính phục. Cụ được coi là lãnh đạo tinh thần của bà con Đồng Tâm với câu nói bất hủ “Phải giữ đất, cho dù có hy sinh, đổ máu!”
Kể từ đó, “nhóm Đồng thuận” do cụ Kình lãnh đạo, đứng ra tổ chức các cuộc họp thường kỳ, tố cáo hiện trạng tham nhũng đất đai ở địa phương cùng đích danh các quan chức trùm xò và các nhóm lợi ích trong Đảng, hỏi làm sao đảng cầm quyền không căm tức và lo sợ? Thế là lệnh trên truyền xuống, bằng mọi giá phải tiêu diệt kẻ đứng đầu và bắt cho bằng hết các thành viên khác của cái gọi là “nhóm Đồng thuận” này, không để chúng tiếp tục tổ chức thêm một buổi họp nào nữa. Buổi họp hôm 23/12/2019 phải là buổi họp cuối cùng! Ngoài hình thức “tụ tập đông người không phép” đã là vi phạm luật pháp, chưa nói đến chuyện xúc phạm uy tín của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nên phải coi đây là điều cực kỳ nghiêm trọng. Đó chính là mầm họa hết sức nguy hiểm, phải diệt ngay từ trong trứng, nếu không, sẽ dẫn đến tiền lệ rất nguy hại, tiềm ẩn một nguy cơ hiện hữu là xã hội sẽ bùng phát “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để nhanh chóng trở thành một xã hội đa nguyên đa đảng, khởi sự từ làng quê có tên là Đồng Tâm này!
(Kính mời độc giả vào xem Video điển hình của Tổ Đồng Thuận Chống Tham Nhũng Đồng Tâm. (họp hôm 23/12/2019). Đây có thể là một trong các căn nguyên của cuộc tấn công đẫm máu vào rạng sáng 09/01/2020)
Vậy nên, sự việc tang thương và đẫm máu phải xảy ra ở đây (thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội) vào 04 giờ sáng ngày 09/01/2020 khi mọi người đang còn chìm sâu trong giấc ngủ, và chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý! Bạo lực đã đến, máu đã đổ, đưa đến một kết cục khiến toàn xã hội phải ghê sợ. Tôi khẳng định ĐCSVN đã phạm sai lầm cực kỳ nghiêm trọng khi quyết định sử dụng bạo lực thay cho đối thoại ôn hòa hoặc tranh tụng pháp lý trước tòa, dẫn đến một kết cục đẫm máu cho cả 2 phía, gây chia rẽ trong xã hội và làm ly tán lòng dân! Thử hỏi, 93 triệu người dân Việt Nam, nhất là 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài, từ nay có ai tin vào “chính sách đại đoàn kết và hòa hợp, hòa giải dân tộc” của Đảng nữa hay không, khi Đảng đã ra tay sử dụng vũ lực để giết hại người dân ngay trong thời bình? Qua vụ thảm sát Đồng Tâm này, có thể thấy rõ câu trả lời là: KHÔNG!
Họ có thể đã đạt được điều họ muốn: Đã tiêu diệt được kẻ chủ mưu, rắn đã bị đánh dập đầu, từ nay sẽ vĩnh viễn không còn những buổi họp thường kỳ của “nhóm Đồng thuận” được tổ chức trong ngôi nhà này nữa! Cũng với chính mục đích và mục tiêu như vậy nên họ mới ra tay hủy hoại tan hoang nhà riêng cụ Kình lẫn tư gia của 2 người con trai, cướp và mang đi mọi tài sản có giá trị trong 3 căn nhà này: như TV, tủ lạnh, máy vi tính .v.v… cho đến chiếc ô tô mới mua của cháu Lê Đình Uy (đăng ký xe mang tên vợ là Nguyễn Thị Duyên), đặc biệt là chiếc tủ gỗ mà bên trong “cất giữ một lượng lớn tiền mặt mà gia đình dành dụm được trong những năm qua cùng mọi hồ sơ, tài liệu, văn bản, chứng cứ của cụ Kình lưu giữ hàng chục năm nay”! Sự tàn ác, dã man đã đạt đến đỉnh điểm mà ngay chính các thành viên trong 3 ngôi nhà này, khi được thả về để lo hậu sự cho cụ Kình, không còn có thể nhận ra đây là 3 căn nhà mà chỉ vài hôm trước họ đã từng sinh sống!
Sao các người có thể tàn ác như vậy với đồng chí của mình, một đảng viên chưa hề bị kỷ luật đảng, một công dân chưa có tiền án, tiền sự, và chưa bị kết án là tội phạm trước bất cứ tòa án nào? Đây chính là sự tàn độc, dã man, thú tính, không còn tính người! Hà Nội, ngày 21/01/2020.

Mật mã hạnh phúc

Tác giả: Theo Soundofhope- Khải Phong biên dịch (theo FB Ivan Nhieukhekov và Fb Cẩm Tú Phan)
Hai tuần sau, Howard Dickinson viết một luận văn mới đăng trên tờ báo “The Post” với tiêu đề: “Mật mã hạnh phúc”. Trong luận văn của mình, Howard Dickinson đã trình bày chi tiết về quá trình và kết quả của hai cuộc khảo sát. Cuối cùng ông tổng kết: “Tất cả cảm giác hạnh phúc dựa trên vật chất đều không thể kéo dài, nó sẽ biến mất khi vật chất biến mất. Chỉ có sự yên bình và tĩnh lặng trong tâm hồn, niềm vui được sinh ra từ thân tâm mới thật sự là hạnh phúc”.
Vô số người sau khi xem xong phần luận văn này đều kinh ngạc thốt lên: “Howard Dickinson đã phá giải mật mã của hạnh phúc!”. Bài viết này thu hút sự chú ý rộng rãi, tờ báo “The Post” phải in sáu lần trong một ngày.
KD: Một bài viết rất hay, nghiêm túc dựa trên sự điều tra, khảo cứu của một nhà nghiên cứu Triết học. Nhưng phải hơn 20 năm sau, từ thực tiễn trải nghiệm của các số phận, ông mới có thể giải được “mật mã hạnh phúc”. Đó là “sự yên bình và tĩnh lặng trong tâm hồn, niềm vui được sinh ra từ thân tâm”.
Hoàn toàn đúng. Nhưng cũng xin ‘cãi” lại tác giả một chút, “sự bình an tâm hồn, và niềm vui được sinh ra từ thân tâm- Hạnh phúc” cũng cần dựa trên sự thanh thản không phải quá âu lo về vật chất. Nếu không, cũng khó có thể bình an tâm hồn. Và đồng tiền ấy đương nhiên được sinh nở từ mồ hôi lao động đích thực.
Không đủ sống, thật khó mà gọi là hạnh phúc. Nếu ko, vẫn chỉ là chủ nghĩa AQ
Đồng tiền bất chính, lo ngay ngáy, càng không có hạnh phúc
Xuân sắp về, xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ. Và mong mỗi chúng ta “giải mã được hạnh phúc” từ chính sự Gieo và Gặt của đời mình!
————–

Tiến sĩ Howard Dickinson tại khoa Triết học của trường đại học Columbia đã tiến hành khảo sát với 121 người tự xưng là hạnh phúc nhất thế giới. Cuối cùng đưa ra kết quả là trên thế giới này có hai loại người hạnh phúc nhất: Một là những người bình thường sống đạm bạc yên tĩnh, hai là những người nổi tiếng thành công. Hai mươi năm sau, ông lại một lần nữa phỏng vấn 121 người này, kết quả khiến cho ông rơi vào trầm tư suy nghĩ…
Hạnh phúc của một người phụ thuộc vào điều gì?
Tháng 4 năm 1988, Howard Dickinson 24 tuổi. Đề mục luận văn tốt nghiệp của ông có tên là “Hạnh phúc của con người phụ thuộc vào điều gì?”
Vì muốn hoàn thành đề mục này ông đã phân phát 10.000 bảng câu hỏi cho người dân trong thành phố, trên đó có ghi chi tiết dữ liệu định danh cá nhân, còn có năm hạng mục trắc nghiệm:
1. Vô cùng hạnh phúc
2. Hạnh phúc
3. Bình thường
4. Thống khổ
5. Vô cùng thống khổ
Trong hơn hai tháng, cuối cùng Howard Dickinson đã thu hồi được hơn 5.200 bảng câu hỏi hợp lệ. Sau khi thống kê, chỉ có 121 người nghĩ rằng họ vô cùng hạnh phúc. Howard Dickinson tiến hành một cuộc khảo sát và phân tích chi tiết về 121 người này. Ông thấy rằng 50 trong số 121 người này là những người thành công trong thành phố và hạnh phúc của họ chủ yếu là do thành công trong sự nghiệp mang đến. 71 người khác là bà nội trợ bình thường, nông dân bán rau, nhân viên nhỏ trong công ty, và thậm chí là những người vô gia cư đã nhận được trợ cấp. Những người có cuộc sống bình thường đạm bạc này làm thế nào có thể sở hữu hạnh phúc lớn lao đến thế?
Qua điều tra thực tế của tiến sĩ Howard Dickinson thì điều kiện sống của 121 người rất khác nhau, khiến ông cảm thấy rất thú vị.
Nhiều lần tiếp xúc và trao đổi với những người này, Howard Dickinson phát hiện rằng, mặc dù nghề nghiệp của họ đa dạng bất đồng nhưng bản thân họ lại có một điểm chung. Đó chính là họ không có yêu cầu quá cao hoặc quá nhiều đối với vật chất. Họ sống rất đơn giản và yên bình, vừa lòng với hiện tại. Kết quả của cuộc khảo sát này khiến Howard Dickinson rất hứng khởi, vì vậy ông đã viết ra tổng kết luận văn như thế này:
“Trên thế giới này có hai loại người hạnh phúc nhất:
Một là những người sống đạm bạc yên bình, hai là những người thành công nổi tiếng.
Nếu như bạn là một người bình thường, thì thông qua việc tu luyện nội tâm, giảm bớt dục vọng bạn cũng có thể đạt được hạnh phúc. Nếu như bạn là một người thành công nổi tiếng thì bạn có thể thông qua việc chăm chỉ, biết cách nắm bắt thời cơ mà đạt được thành công trong sự nghiệp và thứ hạnh phúc lớn lao nhất.”
Sau khi giáo sư nhìn thấy luận văn của Howard Dickinson đã vô cùng tán thưởng, phê một chữ “Xuất sắc” thật lớn. Sau khi tốt nghiệp, Howard Dickinson ở lại trường giảng dạy. Thoáng chốc đã hơn hai mươi năm trôi qua, hôm nay Howard Dickinson đã trở thành một giáo sư nổi tiếng ở Mỹ.
Vào tháng 6 năm 2009, nhân một cơ hội ngẫu nhiên, ông đã lật lại luận văn tốt nghiệp năm đó. Ông rất hiếu kỳ không biết điều gì đã xảy ra với những người cảm thấy mình “vô cùng hạnh phúc” năm đó? Có phải họ vẫn cảm thấy bản thân rất hạnh phúc hay không? Ông tìm lại địa chỉ liên lạc của những người đó, mất hơn ba tháng một lần nữa làm điều tra. Kết quả 71 người bình thường năm đó trừ hai người qua đời tổng cộng thu lại được 69 phần bảng câu hỏi.
Những năm gần đây, cuộc sống của 69 người này xảy ra nhiều biến hóa: Một số người trong số họ đã nằm trong hàng ngũ những người thành công, những người khác vẫn sống những ngày bình thường, và số còn lại đang sống trong khó khăn do bệnh tật và tai nạn. Tuy nhiên, đáp án của họ vẫn như ngày nào, cảm thấy bản thân “vô cùng hạnh phúc”.
Ngược lại, 50 người thành công nổi tiếng trước kia lại xảy ra biến hóa cực lớn. Trong đó chỉ có 9 người vẫn lựa chọn giống như lúc đầu, bởi vì sự nghiệp của họ vẫn thuận lợi. Có 23 người lựa chọn “bình thường”, 16 người sự nghiệp xuống dốc hoặc phá sản lựa chọn “thống khổ”, 2 người còn lại lựa chọn “vô cùng thống khổ”.
Lật lại cuộc điều tra sau 20 năm, kết quả đã có sự thay đổi đáng kể khiến tiến sĩ Howard Dickinson không khỏi trầm tư suy nghĩ…
Nhìn vào kết quả như vậy, Howard Dickinson rơi vào trầm tư vài ngày, hai tuần sau, Howard Dickinson viết một luận văn mới đăng trên tờ báo “The Post” với tiêu đề: “Mật mã hạnh phúc”. Trong luận văn của mình, Howard Dickinson đã trình bày chi tiết về quá trình và kết quả của hai cuộc khảo sát.
Cuối cùng ông tổng kết: “Tất cả cảm giác hạnh phúc dựa trên vật chất đều không thể kéo dài, nó sẽ biến mất khi vật chất biến mất. Chỉ có sự yên bình và tĩnh lặng trong tâm hồn, niềm vui được sinh ra từ thân tâm mới thật sự là hạnh phúc”.
Vô số người sau khi xem xong phần luận văn này đều kinh ngạc thốt lên: “Howard Dickinson đã phá giải mật mã của hạnh phúc!”. Bài viết này thu hút sự chú ý rộng rãi, tờ báo “The Post” phải in sáu lần trong một ngày.
Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Howard Dickinson tâm sự rằng: “Hơn hai mươi năm trước, tôi còn quá trẻ nên đã lý giải sai hàm nghĩa chân chính của “hạnh phúc”. Hơn nữa, tôi còn đem quan niệm “hạnh phúc” không chính xác này truyền đạt cho rất nhiều học sinh của tôi. Hôm nay ở đây, tôi xin chân thành gởi lời xin lỗi đến tất cả học sinh của tôi, cũng xin lỗi “hạnh phúc”. Tất cả cảm giác hạnh phúc dựa trên vật chất đều không thể kéo dài, nó sẽ biến mất khi vật chất biến mất. Chỉ có sự yên bình và tĩnh lặng trong tâm hồn, niềm vui được sinh ra từ thân tâm mới thật sự là hạnh phúc”.
Tất cả những chuyện bi thảm đều có liên quan đến tiền bạc, tất cả những chuyện hạnh phúc đều không liên quan gì đến bạc tiền.
Theo: Soundofhope
Khải Phong biên dịch

19 tháng 1, 2020

Phẩm cách Việt Nam và vụ việc Đồng Tâm, nhìn từ Singapore

Tác giả: Tiến sĩ Vũ Minh Khương (Tác giả hiện làm việc ở Singapore)- theo BBC Tiếng Việt
Đối chứng với bộ tiêu chí VIETNAM trình bày ở trên, với sự thành tâm tự đáy lòng của một trí thức bình thường, tôi thấy quyết sách về vụ việc Đồng Tâm của chính quyền đạt chuẩn rất thấp. Vì mỗi quyết sách quan trọng đều có tác động đến công cuộc phát triển không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn.
Đối chiếu với bộ phẩm cách Việt Nam này, mỗi người có thể tự đánh giá xem môt quyết sách quan trọng đưa đất nước đi lên hay đi xuống; đi lên bao xa và đi xuống đến mức nào.
Để đất nước vươn tới tầm nhìn khát vọng mà ngàn đời hằng mong đợi, đất nước cần hơn bao giờ hết những quyết sách có phẩm cách Việt Nam rất cao và không chấp nhận sự lặp lại của những quyết sách tầm thấp như Đồng Tâm. (Vũ Minh Khương)
KD: Tác giả Vũ Minh Khương có thời công tác với Tuần VN, và ông từng có một bài viết rất hay, chấn động dư luận XH khi đó, nhan đề: “Chặt cầu để tiến lên”.
Nay, ông có một bài viết với cách phát hiện rắt hay, và cũng rất đáng nghĩ ngợi về bộ tiêu chí VIETNAM.
Xin đăng nguyên bài viết này để bạn đọc chia sẻ
——————
Bản quyền hình ảnhFB CONG LEImage captionNgười dân Đồng Tâm sau một cuộc họp thường kỳ năm ngoái
Dù đã ở trước thềm của năm mới Canh Tý, có lẽ mỗi chúng ta đều vẫn trăn trở với cảm xúc u uất khi nghĩ đến vụ việc Đồng Tâm xảy ra hôm 9/1/2020.
Sẽ là đường đột nếu vội phán định ai đúng, ai sai trong khi rất thiếu thông tin và sự minh bạch về một vấn đề phức tạp, đã kéo dài nhiều năm. Hơn thế nữa, việc dùng một tiêu chí nhị phân về đúng-sai không còn phù hợp trong bối cảnh vấn đề quyết định bởi nhiều thành tố mà mỗi bên có thể đúng ở thành tố này nhưng sai ở thành tố khác.
Với một ước vọng về một tương lai tốt đẹp cho đất nước, bài viết ngắn này đề nghị dùng một bộ tiêu chí đơn giản nhưng khách quan và hàm súc để đánh giá về một quyết sách hệ trọng có tác động tiềm tàng đến công cuộc phát triển của một quốc gia.
Thật may mắn, bộ tiêu chí này có thể gói gọn một cách dễ nhớ trong bảy từ tiếng Anh bắt đầu với V, I, E, T, N, A, M. Để ngắn gọn ta có thể gọi bộ tiêu chí này là bộ tiêu chí VIETNAM hay phẩm cách Việt Nam.
Đồng Tâm: Con ông Lê Đình Kình bị khởi tố
Đồng Tâm: Bộ Công an nói ‘không có lệnh bắt giữ’ khi ‘lực lượng vào thôn Hoành’
Chữ V chỉ Vision – Tầm nhìn. Tầm nhìn này không chỉ là mục tiêu Việt Nam muốn vươn tới mà cả động lực nền tảng để Việt Nam đi lên, đó là là lòng dân. Với Việt Nam, một dân tộc đã chịu muôn vàn đau thương trong suốt chiều dài lịch sử của mình, lòng tin không chỉ là tài sản vô giá mà còn là bảo bối thiêng liêng dân tộc này phải giữ lấy bằng mọi giá vì sự tồn vong của giống nòi.
Chữ I chỉ Integrity – Sự Chính trực. Một quyết sách chỉ có sự chính trực cao khi nó cao quí về mục đích và quang minh chính đại trong cân nhắc phương cách hành động. Sự chính trực không để cho người dân, dù là họ sai, bị tước đoạt những quyền cơ bản được bảo vệ chính kiến của mình.
Chữ E chỉ Enlightenment – Sự khai sáng. Sự khai sáng đòi hỏi người ra quyết sách không chỉ căng mắt tìm kiếm, học hỏi tri thức nhân loại và chuẩn mực quốc tế mà cả lắng nghe thấu đáo ý kiến của người dân. Không cầm được nước mắt trước nỗi đau của dân, trăn trở đêm ngày với với ước vọng của dân, một lòng một dạ vì tương lai của dân là những phẩm chất căn bản về tầm khai sáng của một người cán bộ.
Chữ T chỉ Trustworthiness – Sự đáng tin cậy. Đây là tiêu chuẩn có tính sống còn. Nếu quyết sách bị nghi ngờ là vụ lợi hoặc không công bằng, nó sẽ tự mất đi toàn bộ hiệu lực của nó.
Chữ N chỉ Nation-first, nghĩa là đất nước trên hết. Lịch sử dân tộc cho thấy, một quyết sách nếu thực sự thiêng liêng vì nước, chắc chắn người dân, dù là ai, cũng sẵn sàng sẻ cửa sẻ nhà để đóng góp.
Chữ A chỉ Aspiration – Khát vọng. Người Việt Nam có khát vọng rất lớn cho tương lai đất nước. Nó là nguồn năng lượng vô song không chỉ giúp đất nước vững vàng trước hiểm họa mà còn là động lực tiềm tàng đưa đất nước đi lên. Quyết sách tốt là quyết sách dấy lên được khát vọng về tương lai đất nước của người dân.
Cuối cùng, chữ M chỉ Motherland – Đất Mẹ/Tổ Quốc. Tình đồng bào là kết tinh của phẩm chất này. Quyết sách tốt không bao giờ làm tổn thương đến tình cảm của người dân. Một khi đã sai thì tìm cách làm giảm đi nỗi đau tê tái này.
Đối chứng với bộ tiêu chí VIETNAM trình bày ở trên, với sự thành tâm tự đáy lòng của một trí thức bình thường, tôi thấy quyết sách về vụ việc Đồng Tâm của chính quyền đạt chuẩn rất thấp. Vì mỗi quyết sách quan trọng đều có tác động đến công cuộc phát triển không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn.
Đối chiếu với bộ phẩm cách Việt Nam này, mỗi người có thể tự đánh giá xem môt quyết sách quan trọng đưa đất nước đi lên hay đi xuống; đi lên bao xa và đi xuống đến mức nào.
Để đất nước vươn tới tầm nhìn khát vọng mà ngàn đời hằng mong đợi, đất nước cần hơn bao giờ hết những quyết sách có phẩm cách Việt Nam rất cao và không chấp nhận sự lặp lại của những quyết sách tầm thấp như Đồng Tâm.

Trang