5 tháng 2, 2015

Bí ẩn về con gái và con rể Tưởng Giới Thạch

Trên một khe đá cao chót vót tại đỉnh núi Dương Minh ở Đài Bắc, năm 1973, mọc lên một công trình kiến trúc bê tông mái bằng. Tưởng Giới Thạch đặt tên cho ngôi nhà đó là “Thu phòng Dương Minh”. Đó là tòa hành cung thứ 47 và cũng là tòa hành cung cuối cùng của Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan.
Vào những năm cuối đời, mỗi khi đến đây, Tưởng Giới Thạch đều khó nén được nỗi nhớ nhung những bạn bè, người thân ở Đại Lục, nhất là nỗi nhớ con gái và con rể.
Có thể bạn đọc sẽ hỏi rằng: “Tưởng Giới Thạch không có con gái, vậy làm sao mà có con rể chứ?”.
Những người sống ở Chuẩn Hải, thành phố Thượng Hải còn nhớ: Năm 1966, sau khi cuộc Cách mạng văn hóa bắt đầu nổ ra, mọi ngõ ngách trên đường Chuẩn Hải đều dán dày đặc những tờ báo chữ to, tưởng chừng như kín trời chật đất. Có một bài báo chữ to vẽ một con chó, với tiêu đề lớn là “Đả đảo Lục Cửu Chi, con chó phò mã của Tưởng Giới Thạch!”.
Từ ấy, một ông già vóc người tầm thước, mái tóc điểm sương, bị khoác lên tấm biển “Ma trâu, thần rắn”, “Chó đặc vụ”, nhiều lần bị dẫn giải trên đường phố đấu tố. Cả gia đình ông bị buộc dọn đến một căn phòng nhỏ ở đường Đạm Thủy. Hằng ngày, phái tạo phản dẫn giải ông ta đến những cống rãnh mới đào bới trên đường phố, quét rác rưởi, khuân gạch vỡ, làm lao công khổ sai. Mọi người chỉ trỏ xỉa xói, nói: “Ái chà! Mi chính là Lục Cửu Chi, con rể của Tưởng Giới Thạch!”. Có người còn tỏ ra khó hiểu, nghi ngờ, hỏi: “Tại sao, mi lại không đi ra Đài Loan mà làm quan to, mà lại cam chịu ở Đại Lục chứ?”. Có người lại kinh ngạc nói: “Lâu nay, chúng ta có nghe nói hắn là con rể của Tưởng Giới Thạch đâu! Hoạt động đặc vụ của hắn cao tay thật đấy!”. Có người phụ họa, rằng: “Tên này chui thật sâu, đáng nghi ngờ lắm!”.
Đúng là, Lục Cửu Chi rất ít nói đến thân thế của mình. Đầu năm 1989, có một nhà báo Thượng Hải tìm ra manh mối đến nhà thăm hỏi, đề nghị ông ta kể lại chuyện kết hôn với Tưởng Dao Quang, con gái của Tưởng Giới Thạch. Lục Cửu Chi nói rằng: “Nếu muốn tôi nói đến chuyện con rể của Tưởng Giới Thạch thì tôi không thể nói được!”. Tuy nhiên, nhà báo đó vẫn tìm hiểu được rõ ràng câu chuyện mang màu sắc “Truyền kỳ mạn lục” này.
Số là, ngoài hai người là Tưởng Kinh Quốc, Tưởng Vĩ Quốc ra, Tưởng Giới Thạch đúng là còn có một người con gái, tên là Tưởng Dao Quang.
Kết hôn với Tưởng Giới Thạch không lâu, Trần Khiết Như phát hiện ra trên cơ thể mình mọc lên nhiều vết mẩn. Bà dùng thử kem dưỡng da, nhưng không kiến hiệu, buộc phải tìm đến thầy thuốc. Kết quả chẩn đoán cho thấy bà mắc một chứng bệnh nan y do Tưởng Giới Thạch lây sang. Sau đấy, tuy được chữa khỏi, nhưng cả hai người đều để lại di chứng vô sinh suốt đời. Để tỏ ra hối hận, Tưởng Giới Thạch thề bỏ tất cả rượu mạnh, rượu nhẹ, thậm chí cả cà phê và trà. Từ đó về sau, ông ta chỉ uống nước lã đun sôi.
Tưởng Giới Thạch và người vợ Trần Khiết Như (mẹ đẻ của Tưởng Dao Quang)
Một lần, bà Hà Hương Nghi, phu nhân của ông Liệu Trọng Khải, đi thăm Bệnh viện bình dân Quảng Châu, biết được có một gia đình Hoa Kiều, sau khi liên tiếp sinh mấy lần con gái, muốn sinh một mụn con trai, kết quả lại đẻ ra con gái. Bà ta đề nghị với bệnh viện cho người khác nuôi dưỡng bé gái đó. Bà Hà Hương Nghi thấy bé gái có đôi mắt đẹp, thông minh, khuôn mặt trái xoan, thật đáng yêu, bèn nhận bé gái về. Vừa về đến nhà, bà Trần Khiết Như đến chơi, biết Trần Khiết Như rất muốn có con, bà Hà Hương Nghi đành dằn lòng nhường bé gái cho bà. Biết chuyện, Tưởng Giới Thạch cũng rất vui mừng và đặt tên cho bé gái là “Bôi Bôi” (Nụ hoa), tên khai sinh là Tưởng Dao Quang.
Năm 1927, Tưởng Giới Thạch say mê Tống Mỹ Linh, bèn dùng kế “điệu hổ li sơn” đưa Trần Khiết Như, người vợ đã cùng nhau ân ái trên sáu năm trời, sang nước Mỹ. Lúc ấy Tưởng Giới Thạch đăng báo cắt đứt quan hệ với Trần Khiết Như. Năm 1928, Tưởng Giới Thạch lại phái đại diện đến nước Mỹ, thương lượng điều kiện ly hôn với Trần Khiết Như. Thấy Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch ván đã đóng thuyền, Trần Khiết Như đành buộc lòng chia tay với Tưởng Giới Thạch.
Năm 1933, Trần Khiết Như rời Mỹ trở về nước, ngụ cư tại “làng mới Pari” thuộc tô giới Pháp ở Thượng Hải (nay là ngõ 169, đường Nam Trùng Khánh, gần công viên Phục Hưng). Trần Khiết Như đón con gái là Tưởng Dao Quang lâu nay gửi ở nhà bà ngoại, về sống bên mình, đổi họ Dao Quang theo họ của mẹ. Từ đó, hai mẹ con sống một cuộc đời ẩn dật, chỉ có rất ít người biết khi ấy “phu nhân Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch cùng ái nữ” ngụ cư tại “làng mới Pari”. Trong thời gian ấy, Tưởng Giới Thạch vẫn chăm lo đến đời sống của Trần Khiết Như. Có một lần ông đã tặng bà vợ cũ 5 vạn đồng.
Tưởng Dao Quang càng lớn càng đẹp. Năm 1946 đã kết hôn với Lục Cửu Chi, qua sự giới thiệu mai mối của Chu An Kỳ.
Lục Cửu Chi xuất thân trong một gia đình quan lại lớn. Phụ thân là Lục Hàn, từng là thuộc hạ của tướng Lư Vĩnh Tường, quân phiệt Chiết Giang. Sau đó, lại nhận chức giám đốc sở quân pháp liên quân năm tỉnh của Tôn Tuyền Phương, là một nhân vật hiển hách nắm quyền sinh sát. Chịu ảnh hưởng của phong trào “Ngũ Tứ”, Lục Cửu Chi lại được báo chí tiến bộ, như Tạp chí “Thanh niên mới” khích lệ. Thời trai trẻ, Lục Cửu Chi đã ôm ấp lý tưởng tìm đường đi mới cho cuộc đời mình. Ông không muốn dựa vào gia đình giàu sang phú quý để sống kiểu công tử con nhà giàu, nhàn cư làm điều xấu. Năm mười tám tuổi, Cửu Chi vào làm thợ ở nhà máy sợi Bảo Thành - Thượng Hải. Sau đó, Lục lại xin vào học khoa cơ giới, Trường Công nghiệp nặng Hàng Châu. Khi ấy, dòng thác lũ Bắc phạt mãnh liệt cuốn chàng trở về Thượng Hải, quen biết nhiều người cộng sản như Chu Ân Lai, Triệu Thế Viêm, Uông Thọ Hoa, Thái Thúc Hậu,… Từ ấy chàng đi ngược với con đường của gia đình mình, một lòng đi theo Đảng Cộng sản.
Lục Cửu Chi đã từng là nhân viên điệp báo của Trạm tình báo Viễn Đông của Quốc tế Cộng sản tại Nhật Bản. Chiến tranh kháng Nhật bùng nổ, Quốc - Cộng hợp tác kháng Nhật, Lục Cửu Chi trở về Vũ Hán, gia nhập “Sở nghiên cứu vấn đề quốc tế” của Quốc dân Đảng, được cử đến Thượng Hải làm tình báo.
Là người phụ trách văn phòng của Bát Lộ quân khi ấy, ông Diệp Kiếm Anh đã bí mật bố trí Lục Cửu Chi đến Thượng Hải công tác để chàng bắt liên lạc với những đảng viên Cộng sản hoạt động bí mật… Sau khi tới Thượng Hải, Lục Cửu Chi thâm nhập vào Bộ Hải quân Nhật, sử dụng kinh phí của người Nhật Bản, ra làm chủ nhiệm cơ quan “Báo Hoa Mỹ buổi sáng”. Dưới tư cách ấy, Lục Cửu Chi bí mật thu thập tình hình của phía Nhật và ngụy quyền Uông Tinh Vệ, kịp thời báo cáo cho Trùng Khánh và truyền cho tổ chức bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau đó, Lục Cửu Chi còn hợp tác với một số sĩ quan cao cấp trong Bộ Hải quan Nhật Bản, thành lập Công ty ủy thác Hải An, lợi dụng “giấy ủy nhiệm” do Hải quân Nhật cấp, đưa ca nô, xà lan vận chuyển những vật tư thiết yếu cho tiền tuyến và hậu phương kháng Nhật, vượt ra khỏi phong tỏa Ngô Tùng khẩu, mạo hiểm đưa tới Tô Bắc. Việc đó sau khi bị Bộ Tư lệnh hiến binh Nhật Bản phát giác, Lục Cửu Chi bị bắt giam, bị tra tấn cực kỳ dã man.
Chiến tranh kháng Nhật thắng lợi, Thang Ân Bá ủy nhiệm Lục Cửu Chi làm “Thiếu tướng tham nghị” của Phương diện quân số 3, làm sĩ quan dưới quyền ông ta. Lục Cửu Chi là “thân tại Tào doanh, tâm tại Hán”, một mặt tiếp tục hoạt động kinh doanh ở Công ty Ủy thác Hải An; một mặt mở các phòng nhảy, vũ trường “Hoàn cung”, “Vân Đường”, làm nơi bắt liên lạc cho tổ bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thủ tướng Chu Ân Lai đã từng nói: “Lục Cửu Chi không tham gia Đảng Cộng sản, tác dụng càng tốt hơn!”, ông luôn luôn là một nhân sĩ dân chủ ngoài Đảng.
Khi ấy, Trần Khiết Như chỉ biết Lục Cửu Chi là một lưu học sinh của Trường đại học Zao Dien Tien, Nhật Bản và là một người có danh vọng lớn trong giới thương nghiệp Thượng Hải, đặc biệt là sau khi gặp mặt Lục Cửu Chi , bà cảm thấy anh ta đứng đắn, lịch thiệp, thì đồng ý gả ái nữ Dao Quang.
Lục Cửu Chi gắn bó với Tưởng Dao Quang, không phải vì Tưởng Dao Quang là con gái của Tưởng Giới Thạch, mà vì tính cách nhu mì đôn hậu kiên cường rắn rỏi, vóc dáng tú lệ mà đoan trang, chân thành chính trực sâu nặng tình cảm.
Năm 1946, Lục Cửu Chi kết hôn với Tưởng Dao Quang tại thành phố Thượng Hải. Không lâu sau, Trần Khiết Như mới nói cho chàng rể biết tường tận về đoạn trường nhân duyên của mình với Tưởng Giới Thạch. Bà nói rằng, được giáo sư Đường Đức Cường và Lý Thời Mẫn, giáo viên Anh văn của Tưởng Giới Thạch, tận tình giúp đỡ, Trần Khiết Như đã viết tự truyện. Một nhà xuất bản ở New York đã chuẩn bị xuất bản. Sau vì Tưởng Giới Thạch, nên cuốn sách mới không ra đời. Lục Cửu Chi thông cảm sâu sắc màn bị kịch đó của nhạc mẫu.
Năm Tưởng Kinh Quốc từ Liên Xô trở về nước và khi đến Thượng Hải sau khi cuộc chiến tranh kháng Nhật thắng lợi, Tưởng Kinh Quốc đã nhiều lần đến “Làng mới Pari” thăm hỏi “Bà mẹ Thượng Hải” mà anh rất nhớ nhung kính trọng (Tưởng Kinh Quốc gọi Trần Khiết Như là “Bà mẹ Thượng Hải”, gọi Diêu Di Cẩm là “Bà mẹ Tô Châu”). Vì thế, một số nhân vật cao cấp trong giới chính trị quân sự của Quốc dân Đảng, cũng đã biết “đệ tam phu nhân” của Ủy viên trưởng ở ẩn tại Thượng Hải. Thế là, sau khi hay tin Lục Cửu Chi là “ngài phò mã của Tưởng ủy viên trưởng”, Tưởng Kinh Quốc rất tôn trọng, kính nể ông.
Nghe nói, Lục Cửu Chi có thể dựa vào cuộc nhân duyên ấy, mà tới nhận “ông già” đang làm Ủy viên trưởng và đại Tổng Thống, ỷ vào quyền thế hiển hách để mưu cầu quan cao lộc hậu cho mình, nhưng tuyệt nhiên Lục Cửu Chi không làm vậy. Khi Quốc dân Đảng còn đang thống trị quá nửa giang sơn Trung Hoa, Lục Cửu Chi cũng không tự khoe khoang mình là “con rể của Tưởng Giới Thạch”. Tháng 5 năm 1949, trước khi rút lui khỏi Thượng Hải, với tư cách cá nhân, Thang Ân Bá nhiều lần khuyên bảo Lục Cửu Chi rời bỏ Đại Lục, cùng ông bay sang Đài Loan, cuối cùng bị Lục Cửu Chi từ chối khéo léo.
Năm 1955, Phan Hán Niên - nguyên là Phó thị trưởng thành phố Thượng Hải kiêm Phó ban Mặt trận thống nhất, Cục Hoa Đông và Dương Phàn - Cục trưởng cục Công an thành phố Thượng Hải, bị bắt vì ở trong “tập đoàn phản cách mạng”. Lục Cửu Chi cũng bị liên lụy trong “Sự kiện Phan – Dương”, bị tống giam vì “tội phản cách mạng”. Trần Khiết Như cho rằng con của mình vô tội, không thể vì coi Lục Cửu Chi là “con rể Tưởng Giới Thạch” mà lấy cớ bắt anh ta. Nhằm cứu cho Lục Cửu Chi, bà Trần Khiết Như đã trực tiếp đến Bắc Kinh tìm gặp Thủ tướng Chu Ân Lai. Được Chu Ân Lai can thiệp, năm 1960 Lục Cửu Chi ra khỏi nhà tù, nhưng cái mũ “phản cách mạng” vẫn không được gỡ bỏ. Đến khi Lục Cửu Chi được mời ra làm Ủy viên đặc biệt Ủy ban Chính trị hiệp thương thành phố Thượng Hải, khóa thứ sáu, ông vẫn còn “đội” trên đầu cái mũ “phản cách mạng”. Cho mãi đến đầu năm 1985 Nhà nước mới chính thức tuyên bố sửa sai triệt để: Lục Cửu Chi hoàn toàn vô tội. Lục Cửu Chi đã từng bị gió dập sóng vùi trong nhiều cơn “bể dâu chính trị”, đến nay đã gần 90 tuổi, công tích hiển hách của ông mới được mọi người biết đến.
Sau khi nhà đương cục Đài Loan thực thi chính sánh về thăm thân nhân ở Đại Lục, có người nói với Lục Cửu Chi rằng: “Đến nay, ông có thể làm rõ thân phận là con rể của Tưởng Giới Thạch rồi! Ông thừa nhận cũng được, mà không thừa nhận cũng được, nhưng về khách quan mà nói, ông chính là con rể của Tưởng Giới Thạch!”.
Nghe nói vậy, ông Lục Cửu Chi chỉ cười nhạt, nói: “Trước đây, tôi đã không muốn núp bóng, ỷ quyền của Tưởng Giới Thạch. Ngày nay, cũng không cần thiết phải dựa vào luồng gió mới giữa đôi bờ eo biển mà theo đóm ăn tàn làm gì nữa!”
Bà Trần Khiết Như mất tại Hồng Kông năm 1971. Tưởng Dao Quan sang Hồng Kông lo liệu tang sự cho mẫu thân. Sau đó, bà cùng con cái định cư tại đấy. Khu nhà ở đường Lão Đá, khu Cửu Long mà Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc tặng cho bà Trần Khiết Như rất khang trang và rộng rãi. Năm 1983, khi ông Lục Cửu Chi sang thăm gia đình, vợ con ông đều khuyên ông định cư ở Hồng Kông, cùng chung vui hưởng lộc trời, nhưng ông Lục Cửu Chi không muốn ở Hồng Kông làm “ông già ngụ cư”, lại trở về thành phố Thượng Hải.
Lục Cửu Chi sống một mình ở ngay tại ngôi nhà thanh tịnh ở đường Đạm Thủy. Mỗi tháng, ông nhận được trên 180 đồng Nhân dân tệ do Viện Văn sử Thượng Hải cấp cho.
Hiện nay, ông được mời làm Cố vấn cho Công ty Công thương nghiệp Tam Phố, khu Dương Phố, thành phố Thượng Hải, Chủ tịch danh dự của Công ty Thương vụ Lam Thiên.
Ông Lục Cửu Chi nói: “Tịch dương vô hạn hảo, minh triều khán hiểu hà”. Ông ước mong: trong những năm còn sống sớm nhìn thấy cảnh tượng đẹp đẽ là bắc được cây “cầu vàng” nối liền hai bờ eo biển!
V.H

Không có nhận xét nào:

Trang