30 tháng 8, 2013

Không chống được tham nhũng thì 'giải tán cấp bộ Đảng, chính quyền...'

Bài viết dưới đây của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ tháng 9 – 2005, nay đã đúng 8 năm mà vẫn nguyên giá trị, bởi tham nhũng không những “nằm nguyên” như dạo đó mà hiện nay còn nặng nề, phức tạp hơn. Bài đã đăng báo Nhân dân ngày 23-9-2005 và nhiều báo khác. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu lại bài viết này ... Trong hệ thống quản lý nhà nước, không nhất thiết có Ban chuyên trách phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cứ thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm từng cấp và các Bộ, ngành chức năng của Chính phủ như Thủ tướng, Bộ trưởng...
Thậm chí ở một cấp hay ngành nào, cấp ủy, ban chấp hành đoàn thể hay cấp chính quyền làm ngơ để tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài, sẽ không ngần ngại nếu thấy cần thiết áp dụng đến hình thức giải tán cả cấp bộ đảng, chính quyền đoàn thể ở đó…
Ðể thực hiện chức năng quyền lực của dân,… rất cần có một tổ chức giám sát chuyên trách đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đủ quyền lực và chức năng, đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố…
* VÕ VĂN KIỆT
Chọn hình thức pháp lý cao nhất là một đạo luật cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là điều rất cần thiết. Nó thể hiện ý chí của chế độ chính trị của chúng ta quyết tâm bài trừ loại tệ nạn nhức nhối và nghiêm trọng này.
Tuy vậy, tôi không nghĩ Luật về phòng và chống tham nhũng ra đời tự nó có hiệu lực như một phép mầu. Chúng ta đã từng có Pháp lệnh về chống tham nhũng, có Ban chỉ đạo chống tham nhũng, Ðảng thì có "Ban chỉ đạo trung ương 6-2"... nhưng diễn biến tình hình tham nhũng trong cả nước xem ra chưa suy giảm, mà có phần còn nghiêm trọng hơn. Diễn biến cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong nhiều năm qua cũng như nhiều tuyên bố kêu gọi từ cấp cao về chống tham nhũng, chống lãng phí chưa được như lòng dân mong đợi đúng là có phần thiếu luật, nhưng cũng chưa phải đó là nguyên nhân chủ yếu. Chắc không ai nghĩ rằng khi có luật thì nạn tham nhũng, quan liêu được đẩy lùi ngay. Vấn đề chủ yếu là các biện pháp còn khập khiễng, chưa đồng bộ, không triệt để, còn né tránh, nể nang và đáng ngại hơn, trong chừng mực nào đó, ở một số nơi, có sự thỏa hiệp trong lãnh đạo, điều hành ở các cấp.Cần nhớ rằng, đối với cán bộ, đảng viên, trước khi có Pháp lệnh, có Luật thì Ðảng đã có Ðiều lệ như một thứ luật của Ðảng mà mỗi đảng viên đã tuyên thệ tự giác chấp hành khi tự nguyện đứng trong Ðảng. Ðiều lệ Ðảng ta xưa nay không có điều nào dung túng cho đảng viên tham ô, lãng phí của công. Rồi còn biết bao nhiêu Nghị quyết, Chỉ thị của Ðảng, đặc biệt là Bác Hồ thường xuyên căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải "cần, kiệm, liêm, chính". Phải nói rằng, trong các lãnh tụ của Ðảng ta khi đã nắm được chính quyền, trở thành đảng cầm quyền (ngay cầm quyền đất nước trong chiến tranh) Bác Hồ là người đặc biệt chăm lo đến việc giáo dục cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm cách, đạo đức xem đó là cái gốc của người cách mạng.
Trong hệ thống công quyền, cũng đã có quy định về kỷ luật hành chính đủ nghiêm không khác mấy với kỷ luật trong Ðảng. Thế nhưng, nhiều cấp có thẩm quyền đã không nghiêm chỉnh thực hiện và thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện những quy định nghiêm ngặt đó. Vấn đề có liên quan đến cơ chế quản lý cán bộ, nếu không mạnh dạn đổi mới, nhất là trong hệ thống công quyền, Ðảng không giao hẳn thẩm  quyền cho tập thể và cá nhân đứng đầu có quyền quyết định và chịu trách nhiệm theo pháp luật cho phép (trong phạm vi xử lý hành chính)... hậu quả thế nào thì chúng ta đều biết.
Trong hệ thống quản lý nhà nước, không nhất thiết có Ban chuyên trách phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cứ thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm từng cấp và các Bộ, ngành chức năng của Chính phủ như Thủ tướng, Bộ trưởng... Cùng với hệ thống công quyền, các tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị của chúng ta cũng phải xử lý nghiêm tương ứng theo điều lệ của đoàn thể mình về trách nhiệm. Nhưng, trong thực tế, các quy định này mang nặng tính hình thức, không trở thành điểm tựa cho việc xem xét, nhận định về tư cách của thành viên đứng trong tổ chức chính trị xã hội đó, không tạo ra được sức mạnh cho hệ thống chính trị.
Không đợi có luật, nếu mỗi hệ thống tổ chức, từ Ðảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội xử lý thật nghiêm và kịp thời theo thẩm quyền các vi phạm kỷ luật trong nội bộ tổ chức, cơ quan, đơn vị mình, thì đã có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế không nhỏ, không để tham nhũng, lãng phí đến mức lan tràn và nghiêm trọng như hiện nay. Một lần nữa, vấn đề đặt ra là nhìn nhận lại một cách nghiêm chỉnh trách nhiệm sử dụng hết thẩm quyền đã được luật pháp, điều lệ Ðảng, điều lệ của các đoàn thể chính trị xã hội đã quy định rõ được thực hiện như thế nào.
Ðiều đáng nhấn mạnh ở đây là, toàn bộ hệ thống chính trị của chế độ chúng ta bao gồm từ Ðảng, các tổ chức chính trị - xã hội cho đến Nhà nước, chưa bao giờ có số lượng thành viên đông đảo như hiện nay. Ở cấp cơ sở xã, phường, nếu tính từ tuổi thành niên đến 60 tuổi, thì có 80 - 90% số người tham gia các tổ chức thuộc hệ thống chính trị của chúng ta. Trong các cơ quan và các ngành thuộc hệ thống nhà nước thì tỷ lệ đó là 100%. Nhưng, lại có một thực trạng là phần lớn các vụ tham nhũng lãng phí được xử lý đều do dân chúng và báo chí phát hiện. Ðã như thế, sau khi vụ việc được xử lý, gần như chưa có các tổ chức đảng, đoàn thể ngang cấp nào bị xử lý trách nhiệm đủ nghiêm về kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, kỷ luật của các đoàn thể. Chính vì thế, chẳng những trách nhiệm các tổ chức này không được nâng cao mà còn bị hạ thấp dần đến mức coi như đứng ngoài vụ việc, "né" đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
Tình trạng thiếu vắng trách nhiệm trước các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong mỗi ngành, mỗi cấp như vậy cần phải được chấn chỉnh bằng cách thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể đứng đầu trong mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan.Người đứng đầu, tập thể đứng đầu, phải có trách nhiệm kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nảy sinh trong cơ quan, ngành, cấp của mình. Nếu lãnh đạo quản lý sâu sát, có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời, thì chắc đã hạn chế được những vụ việc không để đến mức nghiêm trọng như đã xảy ra trong các cơ quan nhà nước (chưa nói đến ngoài xã hội). Thí dụ, một thứ trưởng tham nhũng, suy thoái đạo đức, phẩm chất kéo dài, lẽ ra bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, nhưng rồi chính người có trách nhiệm cao nhất trong bộ lại coi như không biết. Câu hỏi cần đặt ra: Vậy bộ trưởng hằng ngày trực tiếp làm việc với ai? Rồi cấp ủy đảng ở đó, ban chấp hành công đoàn, đoàn thanh niên có trách nhiệm đến đâu và cụ thể như thế nào khi không phát hiện, đấu tranh, để tham nhũng, lãng phí tiêu cực tác oai tác quái trong cơ quan, đơn vị mình?
Rõ ràng là, không có một cá nhân đứng đầu, tập thể đứng đầu nào không phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra trong cơ quan, ngành, cấp của mình. Vì thế, không chỉ trị tội bằng hết những kẻ tham nhũng, mà cùng với việc đó, phải nghiêm khắc xử lý rốt ráo trách nhiệm của những người, những cấp ủy đảng và đoàn thể trong hệ thống chính trị có liên quan. Trong lĩnh vực này, không nên e dè phải xử lý bao nhiêu, cũng không né tránh mức độ xử lý nào, cứ đúng theo Ðiều lệ, kỷ luật hành chính và đúng luật pháp. Thậm chí ở một cấp hay ngành nào, cấp ủy, ban chấp hành đoàn thể hay cấp chính quyền làm ngơ để tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài, sẽ không ngần ngại nếu thấy cần thiết áp dụng đến hình thức giải tán cả cấp bộ đảng, chính quyền đoàn thể ở đó.
Trong kháng chiến đã từng có huyện ủy bị giải tán, trong hoạt động bí mật của Ðảng ở đô thị cũng có trường hợp giải tán chi bộ. Hiện Ðảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động công khai, nhưng chúng ta chưa đủ kiên quyết, nghiêm khắc so với những điều kiện nghiệt ngã của thời kỳ kháng chiến và hoạt động bí mật trong vòng vây trùng điệp của kẻ thù, nhưng để bảo đảm tính chiến đấu của Ðảng, chúng ta đã kiên quyết làm như vậy. Áp dụng biện pháp mạnh, rồi dựa vào dân, dựa vào quần chúng mà tổ chức lại. Làm như thế, hệ thống chính trị của chúng ta ở mỗi cấp mỗi ngành chắc chắn không hề yếu đi mà càng nâng cao thêm lòng tin, càng được nhân dân tín nhiệm. Gần đây nhất, vụ việc ở Ðồ Sơn, Hải Phòng là minh chứng. Sau sóng gió, cấp ủy, tổ chức của ngành ấy sẽ giành lại được lòng tin yêu của nhân dân để trưởng thành, vững mạnh.
Ðặt vấn đề và thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể đứng đầu cũng là biện pháp khắc phục bệnh quan liêu, thiếu sâu sát, thiếu kiểm tra đang là một tác phong phổ biến trong công tác quản lý hiện nay. Làm được như thế, không những hạn chế được mức độ thiệt hại do tham nhũng, lãng phí gây ra, mà còn làm tăng hiệu lực của luật pháp, hiệu lực kỷ luật của Ðảng, hiệu lực kỷ luật của các đoàn thể. Theo tôi, đó là mấu chốt quan trọng nhất để quyết định "trận sau cùng" trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là thua hay thắng.
Cuối cùng tôi muốn góp một vài ý kiến về việc tổ chức cuộc đấu tranh chống tham nhũng này như thế nào.
Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy đã đặt ra vấn đề có nên tổ chức một tổ chức riêng chuyên trách công tác chống tham nhũng lãng phí ở các cấp không. Theo tôi, nếu không thực hiện tới nơi tới chốn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và tập thể đứng đầu thì tổ chức chuyên trách ấy nếu có, cũng chỉ có thể báo cáo trước Quốc hội, đã phá được bao nhiêu vụ tham nhũng, lãng phí lớn chứ không thể nào xác định nổi đã bài trừ, hạn chế tới đâu quốc nạn này. Không có bất cứ tổ chức nào có thể làm thay cho cá nhân, tập thể đứng đầu và cấp trên về trách nhiệm lãnh đạo và quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong khi đó, đã có sẵn một tổ chức đúng với vai trò, chức năng này, đó là "Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6-2" của Bộ Chính trị, do một Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trực tiếp điều hành, có các ban chức năng của Ðảng và Bí thư các Ban cán sự Ðảng có chức năng bảo vệ pháp luật giúp sức. Nếu "Ban chỉ đạo..." này tiến hành triệt để theo đúng kỷ luật Ðảng, đúng luật pháp, không khoan nhượng né tránh, thì cơ cấu hiện có đã đủ thẩm quyền, đúng chức năng kiểm tra và đề xuất, xử lý cán bộ, thực hiện tốt yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Ðể thực hiện chức năng quyền lực của dân, cùng với "Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6-2", lại rất cần có một tổ chức giám sát chuyên trách đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đủ quyền lực và chức năng, đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố. Tổ chức giám sát này chịu trách nhiệm giám sát quá trình giải quyết, xử lý các vụ việc lớn mà dân chúng, báo chí và các tổ chức chính trị xã hội phát hiện. Giám sát nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật (bảo đảm an toàn cho cá nhân và tập thể tố giác) bảo đảm nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật, bất kể ở cương vị nào. Ðặc biệt là giám sát việc xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, tập thể đứng đầu trong các vụ việc nổi cộm đó.
Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ đó, nên chăng Quốc hội có một ủy ban hoặc bộ phận chuyên trách công tác giám sát như vậy? Cơ quan giám sát chuyên trách này trước những vụ việc nghiêm trọng như vụ rút ruột sắt thép trong xây dựng ở các chung cư cao tầng, vụ thầu và xây dựng công trình Mỹ Ðình, vụ hối lộ liên quan đến Thứ trưởng Bộ Thương mại, vụ lừa đảo lớn ở Khánh Hòa... có quyền yêu cầu cung cấp mọi thông tin liên quan đến quá trình giải quyết, xử lý vụ việc và thực thi quyền hạn của mình theo luật định. Một ủy ban chuyên trách như vậy có thể do Chủ tịch hay một Phó Chủ tịch Quốc hội đứng đầu.
Nêu lên những ý kiến trên, tôi hoàn toàn chia sẻ yêu cầu bức xúc của đại đa số cử tri mà Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm. Vấn đề chỉ còn là Ðảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng của Trung ương có dám làm triệt để đối với tham nhũng, lãng phí của công và kịp thời ngăn chặn như những biện pháp đã nêu ở trên, "quyết tâm đánh thắng tham nhũng, lãng phí".
Luật về phòng, chống tham nhũng là hình thức thể hiện cao nhất quyết tâm đó, đồng thời nó cũng đề ra các biện pháp thiết yếu để đương đầu và phải thắng thứ giặc hiểm ác ấy. Nhưng Luật, ban hành luật kịp thời và hoàn chỉnh chưa đủ là một phương thuốc đặc hiệu. Nếu như chỉ "nâng cấp" pháp lệnh lên thành luật mà đồng thời không có những biện pháp tích cực nhất, không thiết lập kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng, trong hệ thống công quyền, thì cũng chỉ là đổi chiếc áo.
                                                                                                                                       V.V.K
Tham khảo TL liện quan:
Một số phát biểu ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 
* "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay." (Lễ nhậm chức Thủ Tướng).
* "Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng - có lẽ làm thủ tướng lâu nhất - có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng.". Vì nội dung câu nói này bị nhiều người hiểu nhầm, nên trong phần trả lời chất vấn đại biểu tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Bạch Mai tại Quốc hội vào ngày 24 tháng 11 năm 2010, , ông Nguyễn Tấn Dũng đã giải thích như sau: "Tôi trình bày chất vấn tại kỳ họp sáu là như vậy, nhưng có lẽ diễn đạt chưa đầy đủ. Khi phát hiện sai phạm thì lãnh đạo phải có kiểm tra. Không có kiểm tra không có quản lý. Mà khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý. Nhưng không thể xử lý theo ý muốn cá nhân được mà phải theo quy định của pháp luật, của Đảng, có lý có tình và đúng bản chất sự việc."; "Xin trình bày là không thể, với một vụ việc mà mới nghe một thông tin mà Thủ tướng đã ra quyết định kỷ luật được. Luật không cho phép làm như thế.".
* "Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở.".
* "Tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường.".
* "Là người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm về Vinashin!".
"Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai." Trả lời về trách nhiệm với vụ Vinashin.
* "Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa từ năm 1974.".
* "Còn 3 ngày nữa là tôi tròn 51 năm theo Đảng. Suốt thời gian qua tôi không đề nghị nhận chức này chức khác và cũng không thoái thác trọng trách gì được giao. Tôi đã báo cáo với Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị, Ban chấp hành đã hiểu rõ ưu khuyết điểm, tâm tư và cả thương tật của tôi. Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng và Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm. Gần suốt cuộc đời tôi theo Đảng, tôi không chạy, xin hay thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì Đảng giao".

Không có nhận xét nào:

Trang