Lê Thủy Lệ
Mỗi tháng
tôi đều đến UBND xã để nhận tiền trợ cấp xã hội cho người thân trong gia đình.
Ở một xã vùng sâu dân cư thưa thớt mà có đến vài trăm người thuộc diện được
hưởng chính sách trợ cấp xã hội như bệnh tật, tâm thần, già yếu (trên 80 tuổi)…
Số tiền nhận
được chỉ có 180.000 đồng/người/tháng nhưng với rất nhiều người, đó là khoản
tiền nhiều ý nghĩa về mặt vật chất lẫn tinh thần. Sáu nghìn đồng cho một ngày
trong thời bão giá này không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của một
con người, nói chi đến các khoản đau ốm, tai nạn… Thế nhưng số tiền ít ỏi ấy
với họ cũng phần nào giải quyết một số khó khăn trong đời sống. Quan trọng hơn,
nó thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, của toàn xã hội đối với những người kém
may mắn.
Phải tận mắt
chứng kiến cảnh người ta đi lĩnh tiền mới thấy hết ý nghĩa của số tiền trợ cấp
ấy. Có người phải thức dậy từ tờ mờ sáng, chèo xuồng, đi bộ năm, mười cây số
trong rất nhiều khó khăn vì thân thể tật nguyền để đến nơi phát tiền. Số khác
phải lê những bước chân khó nhọc đến UBND xã để trực tiếp ký nhận tiền… Chỉ một
số ít không thể đi được phải nhờ người khác lĩnh thay nhưng phải có giấy ủy
quyền…
Đêm 25-3 vừa
qua, xem thời sự trên VTV, tôi thật sự bị sốc. Đó là chuyện một số cán bộ xã
thuộc tỉnh Nghệ An đã phù phép, chặn chẹt, dùng một số thủ đoạn… để chiếm số
tiền trợ cấp xã hội này bỏ túi xài riêng! Hình ảnh một thanh niên trẻ tuổi bị
bệnh tâm thần nằm trên giường trong một góc nhà tối tăm, cổ chân bị khóa, vẻ
mặt vô hồn nhìn vào máy quay khiến tôi chết lặng vì đau xót.
Đối tượng
trên lẽ ra phải nhận hai suất trợ cấp, một cho bản thân, một dành cho người
nuôi dưỡng vì không thể tự chăm sóc. Vậy mà thay vì lĩnh 240.000 đồng/tháng,
gia đình ấy chỉ nhận được 120.000 đồng/tháng và chỉ nhận được từ hơn một năm
trở lại đây (những năm trước chỉ là 60.000 đồng/tháng).
Cũng ở địa
phương trên, có những người còn sống, còn xuất hiện trước ống kính phóng viên
truyền hình mà đã bị cán bộ xã “khai tử” từ nhiều năm trước. Ngược lại, có
những người đã chết nhưng trong danh sách nhận trợ cấp xã hội vẫn còn tên, còn
ký nhận tiền trợ cấp đầy đủ hằng tháng.
Bao nhiêu
tiền của mà xã hội đóng góp để chăm sóc cho các đối tượng già yếu, bệnh tật đã
chui vào túi riêng của một số ít cán bộ thoái hóa. Những kẽ hở trong quy định
của Nhà nước, cộng với sự thiếu kiểm tra, giám sát đã tạo điều kiện cho một số
ít người lợi dụng bòn rút tiền của nhân dân, sống sung sướng trên xương máu và
nỗi đau của đồng loại.
Lỗ hổng
trong những văn bản pháp luật có thể sửa đổi, bổ sung. Thế còn lỗ hổng trong
lương tâm con người thì bao giờ mới được lấp đầy?
Theo TTO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét