27 tháng 3, 2017

Chấm dứt 'chống lưng' nợ doanh nghiệp nhà nước?

Vinashin là doanh nghiệp được nhà nước "chống lưng" 
nhưng đã làm thất thoát 4.5 tỷ đô la.
Chính phủ Việt Nam vừa quyết định sẽ ngừng chống lưng các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước để giảm nợ công và tiệm cận hơn với quy luật của nền kinh tế thị trường.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói với các đại biểu quốc hội Việt Nam điều lệ này được đưa vào trong dự thảo luật sửa đổi về quản lý nợ công đã được trình lên Ủy ban thường vụ quốc hội xem xét hôm 21/3. Truyền thông trong nước dẫn lời bộ trưởng Dũng nói rằng chính phủ sẽ không bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ và chỉ những khoản nợ do chính phủ bảo lãnh mới được coi là nợ công.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, những khoản nợ này đã làm cho nợ công của Việt Nam tăng cao. Bộ tài chính ước tính nợ công của Việt Nam chiếm 64.73% GDP vào cuối năm ngoái – gần chạm ngưỡng cho phép 65%. Nhưng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 1 thừa nhận nợ công của Việt Nam đã vượt trần và cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền của tài khóa quốc gia nếu tình trạng này không được chấm dứt.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định việc sửa đổi trong luật về nợ công sẽ giúp chính phủ minh bạch hóa và tạo ra cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp. ​"Chính phủ Việt Nam đang có những thay đổi về mặt quản lý nhà nước để nó tiệp cận với những thỏa thuận mà chính phủ Việt Nam đã thỏa thuận với các tổ chức quốc tế. Ví dụ như xem trong hiệp định TPP mà chính phủ Việt Nam đã ký với 11 đối tác trong đó thì Việt Nam cam kết minh bạch hóa quá trình quản trị doanh nghiệp nhà nước và không có những ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước thì việc chính phủ không bảo lãnh doanh nghiệp nhà nước đã nằm trong lộ trình cam kết của Việt Nam."
Bộ trưởng Dũng nói nếu các công ty nhà nước không trả được nợ của chính họ thì phải tuyên bố phá sản. TuoiTreNews trích lời bộ trưởng nói “sẽ không có cái gọi là nợ của các công ty nhà nước trở thành nợ quốc gia”.
Trước đây Tập đoàn Công nghiệp Vinashin đã trở thành doanh nghiệp nhà nước có khoản nợ lớn nhất không trả được, 4.5 tỷ đô la và việc kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước này đã làm các nhà đầu tư vào Việt Nam lo lắng.
Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Khiêm được báo Doanh Nhân trích lời nói rằng thường có 3 cơ quan là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hoặc Chính phủ trực tiếp bảo lãnh nợ doanh nghiệp và trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì những cơ quan đó phải có trách nhiệm trả nợ. Điều đó lý giải tại sao nợ bảo lãnh chính phủ hiện đang ở mức 10.2% GDP.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết ​"Trước đây vì ViệtNam quan niệm doanh nghiệp nhà nước là theo chủ sở hữu thì khi doanh nghiệp nhà nước đi vay vốn mà không trả được thì nhà nước – chủ sở hữu – phải trả khoản nợ đấy."
Một chuyên gia kinh tế của trường đại học Texas không muốn được nêu tên đồng ý với nhận định đó. ​"Nhà nước đã ký vào trong hợp đồng cho vay đấy là tôi đứng ra bảo lãnh thì khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ thì nhà nước sẽ trở thành bên liên đới phải đứng ra trả nợ thì khoản nợ đấy sẽ chuyển thành nợ của nhà nước."
Theo các chuyên gia kinh tế này, việc không có chính phủ chống lưng sẽ buộc các doanh nghiệp nhà nước phải thận trọng hơn trong việc tiếp cận vốn vay.
Tiến sĩ kinh tế của trường Đại học Texas cho VOA Việt Ngữ biết các doanh nghiệp nhà nước phải có hồ sơ vay và kế hoạch kinh doanh tốt mới có cơ hội. "​Người đi cho vay sẽ thận trọng hơn và vì thế khi cho vay họ sẽ phải tìm dự án chất lượng hơn để cho vay. Câu chuyện thẩm định các khoản vay sẽ diễn ra chặt chẽ hơn và ít doanh nghiệp nhà nước được vay hơn. Thế còn không bảo lãnh nữa hoặc có bảo lãnh thì có làm cho cá chuyện những người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước họ có trách nhiệm hơn hay không thì tôi nghĩ là vẫn thế."
Chuyên gia kinh tế này nói rằng các doanh nghiệp nhà nước dù có được chính phủ bảo lãnh hay không thì nhiều những người đứng đầu các doanh nghiệp vẫn gặp những bê bối tham nhũng vì hệ thống pháp luật và cơ chế giám sát còn chưa dẫn đến doanh nghiệp sẽ thua lỗ và phá sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cảnh báo việc doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ nước ngoài khi không có nhà nước chống lưng sẽ làm cho xếp hạng tín nhiệm và độ tin cậy về tài chính của Việt Nam với các đối tác nước ngoài xuống thấp. Nhưng ông Kiên nói điều đó không phải là một mối lo vì việc đánh giá của các cơ quan nhà nước đi vay sẽ thực chất hơn trước đây khi các công ty này phải nỗ lực để được đánh giá cao về khả năng hoàn trả nợ và xếp hạng tài chính.
Người đứng đầu ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội đề xuất tại buổi họp hôm 21/3 tại Hà Nội, theo ghi nhận của báo chí trong nước, rằng chính phủ cần thắt chặt hơn việc giám sát đối với việc vay vốn của các doanh nghiệp nhà nước để giảm rủi ro các doanh nghiệp này mất khả năng trả nợ và đi đến phá sản.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết dự thảo luật quản lý nợ công đang được quốc hội thảo luận và nếu được thông qua sẽ có hiệu lực vào 1/7/2018.
(VOA)

Không có nhận xét nào:

Trang