Tạ Hữu Đỉnh
Tạp bút
Đọc bài “Tin thêm về chiếc quách cổ cho là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm”, của PGS TS Nguyễn Lân Cường, đăng trên trang mạng Trần Nhương com, tôi thấy có nhiều điều thật khó tin, hay nói cho đúng là không thể tin được. Và để trình bày quan điểm của một người đọc, tôi xin trích bài viết đó như sau:
“Ngày mùng 8 tháng 3 âm năm 2014, người ta tìm thấy một quách gỗ trong vườn nhà cô Bùi thị Hiền ở thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo Hải Phòng. Từ năm 2012 đến 2014 nhà ngoại cảm Bùi Thị Hiền đã tìm được khoảng 600 hài cốt liệt sĩ. Bộ xương trong quách đã được cô Hiền đưa vào tiểu và mai táng tại nghĩa trang xã. Ngay từ lúc đó, hai nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm và Phan Thị Bích Hằng đã khẳng định đây là quách chứa hài cốt của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm…”.
Chỉ một câu mở đầu với 15 âm tiết: ‘người ta đã tìm thấy một quách gỗ ở trong vườn nhà cô Bùi Thị Hiền”, đã thấy nhiều điều vô lý, khó tin. Trong đời sống xã hội, người ta chỉ đi tìm trong những trường hợp như: đi tìm công ăn việc làm, tìm người hoặc của cải bị thất lạc, rơi vãi. Vậy ông hay bà mà tác giả bài báo gọi là “người ta” kia là ai? Ở đâu? Đi tìm cái gì? Mà tại sao lại tìm ở vường nhà cô Hiền là một nhà ngoại cảm? Nhất là cái vật họ tìm thấy lại là chiếc quách. Đã là quách thì không phải là vật để ở mặt đất, mà là vật chôn ở dưới đất. Vậy “người ta” tìm thấy bằng cách nào?...
Lại một điều vô lý nữa là cô hiền là nhà ngoại cảm, ở trong vườn nhà mình, có chiếc quách sao cô không biết mà “người ta” lại biết? Phải chăng nếu để cô Hiền tìm thấy quách thì dễ bị nghi ngờ. Cho nên các nhà sáng chế ra chiếc quách để cho người ngoài tìm thấy? Cũng như tác giả bài báo không xác định danh tính người tìm thấy quách là để cho vấn đề có vẻ tự nhiên hơn, ngẫu nhiên hơn và do đó mà có vẻ chân thật hơn.
Cả việc cô Hiền đem hài cốt trong quách (nếu có) đi mai táng, trước khi hai nhà ngoại cảm Hoàng thị Thiêm và Phan Thị Bích Hằng khẳng định là hài cốt của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là nhằm mục đích nói trên.
Song, có một điều rắt khó là chiếc quách không thể để ở đâu được, cho nên tác giả đành phải để ở vườn nhà cô Hiền. Mà để ở đây thì lại nẩy sinh ra điều vô lý là tại sao “người ta” lại đi tìm ở vườn nhà cô Hiền?
Có lẽ các nhà phát minh ra vụ “Quách cổ” đã hơi vụng tay, cho nên “giấu đầu lại hở đuôi”. Vậy cái đuôi đó hở ở chỗ nào? Người viết bài này xin đề cập ở phần sau. Còn bây giờ xin bạn đọc trở lại với bài viết của PGS TS Nguyễn Lân Cường:
“Ngày 7 tháng 1 năm 2017, các cán bộ của hai cơ quan: Viện Nghiên cữu và Ứng dụng Tiềm năng Con người do Thiếu tướng PGS TS Ngô Tiến Quý - Viện trưởng, Trưởng đoàn, Hội Khảo cổ học Việt Nam do PGS TS Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội, Phó đoàn và Nhóm nghiên cứu ở Vĩnh Bảo, phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng cùng Đài Truyền hình VTV2 đã nghiên cứu chiếc quách cổ…”.
Từ điển tiếng Việt định nghĩa nghiên cứu là: “Xem xét, tìm hiểu kỹ lưỡng để nắm vững vấn đề, giải quyết vấn đề hay để rút ra những hiểu biết mới. Nghiên cứu tình hình. Nghiên cứu chính sách. Nghiên cứu khoa học”.
Nhưng thật đáng tiếc là rất đông đảo các nhà khoa học, các vị chức sắc cùng nghiên cứu chiếc quách mà chẳng thấy phát hiện được điều gì. Chẳng rút ra được hiểu biết gì chung qnanh chiếc quách?...
PGS TS Nguyễn Lân Cường viết tiếp:
“Theo lời một vài nhà ngoại cảm, trong quách cổ có giấu một chiếc thẻ tre, nhưng trứơc khi tìm thẻ phải ngâm quách vào nứơc mưa trong ba ngày. Tôi và hoạ sĩ Đào Ngọc Hân theo sự hướng dẫn bằng điện thoại di động của nhà ngoại cảm Trần Lệ Giang (lúc đó đang điều trị tại Bệnh viện Phụ khoa Hà Nội). Nhà ngoại cảm cho biết phải vớt quách ra (Chẳng hiểu vì sao mà người bảo phải ngâm quách vào nước mưa là một vài nhà ngoại cảm không rõ tên? Rồi người bảo vớt quách ra thì lại là nhà ngoại cảm Trần Lệ Giang?... - THĐ), cạo lớp sơn ta ở đầu tấm ván địa mới tìm thấy thẻ tre. Sau gần hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới tìm thấy chiếc thẻ tre dài 26,5cm, nằm chìm trong một rãnh sâu 1,3cm, trên thẻ có khắc chữ. Ngay lúc đó nhà thư pháp Lê Thiên Lý (Hải Phòng) đã đọc được chữ Dạt (tên huý của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm) qua tấm ảnh chụp của tôi được phóng to. Sau đó chiếc thẻ được đưa về Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định là có chữ, nhưng rất khó đọc vì nhiều chữ mất nét, lại quá mờ.
“…tôi mời nhà nghiên cứu Hán học, TS Cung Khắc Lược – nguyên là cán bộ Viện Hán Nôm, trực thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN tới xem xét các ảnh tấm thẻ tre. Sau gần nửa giờ cụ Cung Khắc Lược đã lần lượt đọc được các chữ: MẠC TRIỀU TRẠNG NGUYÊN MỘ TẠI AO DƯƠNG. Đến chữ Ao cụ thấy không phải là chữ Hán như bầy chữ kia mà có lẽ là chữ Nôm. Thấy cụ Lược phân vân, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm gọi di động cho cô Hiền, thì được cô cho biết: “Cụ bảo ao đây là chữ Nôm, chữ ao này mặc dù có ba chấm của bộ thuỷ ở bên trái, nhưng không phải là “ao nước” mà là “ao ước”. Chữ “dương” ở đây có nghĩa là dương thế, trần gian”. TS Cung Khắc Lược gật đầu lia lịa tán thưởng lời giải thích của “Cụ Trạng” qua lời cô Hiền…”.
Cụ Lược không trực tiếp nghe điện thoại, mà chỉ nghe Thiếu tướng Lâm truyền đạt lời cô Hiền. Vậy vì sao cụ Lược lại biết ngay đó là “Cụ Trạng” giải thích qua lời cô Hiền? Hay vì cụ Lược hiểu cô Hiền không biết chữ nho, cho nên lời giải thích đó tất nhiên phải là lời của Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Và như vậy cũng có nghĩa là cụ Lược biết nhà ngoại cảm Bùi Thị Hiền có khả năng giao tiếp với vong linh người đã chết.
Ô…hoá ra cụ Lược ở Hà Nội cũng quen biết cô Hiền ở Hải Phòng. Mà không chỉ quen thôi đâu, cụ còn hiểu cô không biết chữ nho, nhưng là nhà ngoại cảm, cô đã giao tiếp với vong linh cụ Trạng Trình, người đã mất hơn 500 năm trước, và nhận lời giảng giải ý nghĩa chữ Nôm trong thẻ tre cho cụ Lược hiểu. Vậy hay, hay là…chính cụ Lược cũng là đồng tác giả của vụ “Quách cổ”?...
Và đến đây thì cái đuôi nói trên kia đã “hở” ra. Tức là nhà ngoại cảm Bùi Thị Hiền đã biết tất cả về chiếc quách được gọi là “cổ”. Y như chính cô là tác giả hoặc đồng tác giả đã chế tạo ra vụ “Quách cổ” vậy.
Nếu đúng là thế, thì cô Hiền và những ai đó đã tạo ra vụ việc này để làm gì? Liệu có phải là để cấp một “cái giấy” chứng thực cho 600 bộ hài cốt liệt sĩ mà cô đã tìm thấy là hoàn toàn đúng sự thật? Đồng thời “tờ giấy” này cũng có khả năng chứng thực cho tất cả những ngôi mộ liệt sĩ do các nhà ngoại cảm đồng nghiệp của cô đã tìm thấy và đang tiếp tục tìm cũng đều là sự thật cả.
Tán thưởng lời giải thích của “Cụ Trạng” qua lời cô Hiền xong, TS Cung Khắc Lược giải thích:
“ - Mộ đây không có nghĩa là cái mộ, mà cụ Trạng dùng theo nghĩa đen là cất giấu hay giấu kín. Như vậy “mộ tại ao dương” có nghĩa là giấu kín tấm lòng ao ước ở dương thế. (Theo truyền thuyết, trước khi mất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có để lại di huấn viết vào bàn tay người con cả “Ba Ra trông sang, Ba Đồng ngoảnh lại, táng tại ao dương”)”.
Cũng về truyền thuyết này trên trang mạng “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”, nhà sử học Ngô Đăng Lợi Hải Phòng đã kể lại rằng: Khi về thăm đền thờ Trạng Trình, nói chuyện với những người họ Nguyễn, ông Lợi được nghe câu chuyện lưu truyền rằng: Vào lúc lâm chung, Trạng Trình gọi con cả đến và viết lên lòng bàn tay bốn chữ “Táng tại Ao Dương”.
Khi Trạng mất, theo di huấn, gia đình và học trò mang thi thể xuống thuyền đưa đi chôn cất tại địa điểm Trạng đã dặn. Ngày hôm sau tại Trung Am có tổ chức lễ viếng Trạng linh đình và quan tài giả được khiêng đi chôn cất công khai.
Truyền thuyết này ứng với câu đồng dao cổ ngày xưa trẻ làng Trung Am hay hát: "Ba Rá trông sang/ Ba Đồng ngoảnh lại/ Táng tại Ao Dương”.
Ông Lợi và các chuyên gia đã khảo sát toàn bộ con sông Hàn, thì đúng là phía nam có một đoạn sông mang tên Ba Rá, thuộc địa phận tỉnh Thái Bình, phía đông có đoạn sông mang tên Ba Đồng trên địa phận Hải Phòng.
Về ngôi mộ thật của Trạng Trình, theo các cụ họ Nguyễn ở làng Trung Am, thì thời gian mưa nắng bào mòn xoá mất dấu tích, chẳng biết ở đâu?
Còn cái tin: “Tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sau 529 năm mất tại Hải Phòng”, là những gì các nhà khoa học đưa ra trong cuộc Hội thảo mới đây, song người dân còn nhiều nghi vấn” (Hết trích trang mạng “Bách khoa toàn thư”).
Như vậy thì rõ ràng TS Cung Khắc Lược đã tự ý bỏ âm “táng” nghĩa là mai táng chôn cất người chết đi (táng tại Ao Dương) và thay âm “mộ” vào đó thành (mộ tại ao dương). Rồi giải thích là “giấu kín tấm lòng ao ước ở dương thế”.
Cuối cùng, PGS TS Nguyễn Lân Cường viết:
“Việc tìm thấy chiếc thẻ tre được giấu kín trong tấm địa của quách cổ là một bằng chứng không thể chối cãi được sự phối hợp giữa các nhà ngoại cảm và khảo cổ học để tìm ra sự thật lịch sử hàng trăm năm trước.
“Tiếc rằng, chúng tôi vừa được biết tin, Phòng Văn hoá huyện Vĩnh Bảo đã có những quyết định sai trái với nhà ngoại cảm Bùi Thị Hiền…Rõ ràng ở đây phải phân biệt những kẻ cố tình dùng mê tín dị đoan để trục lợi và những nhà ngoại cảm chân chính đang ngày đêm giúp ích cho Dân, cho Nước”
Thưa ông Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, PGS TS Nguyễn Lân Cường,
Theo tôi hiểu thì tất cả người dân nước ta, ai có công với dân với nước, đều được Nhà nước đã và đang tiếp tục tặng thưởng công lao cho họ. Nhưng thật bất công, chỉ riêng các nhà ngoại cảm, tuy công lao của họ rất to lớn, nhưng chưa thấy ai được khen thưởng. Vậy, với chức danh của mình, thiển nghĩ quý ông nên đề nghị Nhà nước tặng thưởng huân huy chương cho họ.
Và để tránh những trường hợp đáng tiếc như quyết định sai trái của Phòng Văn hoá huyện Vĩnh Bảo, quý ông cũng nên đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh cho các nhà ngoại cảm. Hoặc đề nghị Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cấp thẻ như thẻ nhà báo cho các nhà ngoại cảm, để họ được tự do hành nghề giúp ích cho Dân, cho Nước.
Và là một nhà khoa học có học hàm học vị cao, xin quý ông vui lòng cho bạn đọc, là đồng bào, là người đóng thuế để Nhà nước trả lương cho quý ông được biết: Trong nền văn minh nhân loại, có quốc gia dân tộc nào có người đang sống mà có khả năng giao tiếp với vong linh người đã chết trước đây 529 năm, như quý ông đã viết về nhà ngoại cảm Bùi Thị Hiền? Và điều đó có đúng là sự thật không, thưa quý ông?./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét