27 tháng 3, 2017

Một đại biểu Quốc Hội ‘cáo quan, về quê’ bất thường

Một đại biểu Quốc hội (QH) chuyên trách của Việt Nam vừa bất ngờ xin “cáo quan, về quê” vào giữa nhiệm kỳ. Đây là một sự kiện được cho là rất bất thường trong lịch sử Quốc hội Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 14 vừa xin thôi việc với lý do “gia đình làm kinh doanh, bố mẹ đã già yếu nên muốn nghỉ chuyên trách, có thời gian lo việc gia đình”, VnExpress dẫn lời Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hôm 10/3.
Ông Nguyễn Văn Cảnh sinh năm 1977, quê Phù Cát, Bình Định. Ông Cảnh có bằng thạc sĩ kinh tế, được bầu vào Quốc hội từ khóa 13 và tiếp tục trúng cử khóa 14.
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một chuyên gia về chính sách công thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cho biết thêm về ông Nguyễn Văn Cảnh: “Đại biểu Quốc hội này là một trong những gương mặt trẻ của Quốc hội. Thế nhưng ông này có một cái đặc biệt là ông ấy không phải là Đảng viên. Thứ hai nữa là ông ấy lại là chủ một doanh nghiệp tư nhân. Thế nên việc ông ấy được tiếp tục bầu vào khóa 14 (đương nhiệm) cũng là một cái có vẻ như là đương nhiên, bởi vì có trong diện được gọi là tương đối đổi mới so với Quốc hội truyền thống của Việt Nam”.
Chiều 10/3, Quốc hội Việt Nam ban hành nghị quyết phê chuẩn đơn xin thôi việc của Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.
Sự kiện một đại biểu Quốc hội chuyên trách xin thôi việc giữa nhiệm kỳ được cho là chưa từng xảy ra trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Theo TS. Thọ: “Quốc hội Việt Nam chưa có những trường hợp như thế này. Hoặc nếu có thì là do những lý do rất hy hữu, thí dụ như bị chết hoặc bị gì đấy. Còn rõ ràng với đại biểu Quốc hội này thì không có một lý do cụ thể”.
Lương tương đương thứ trưởng
Không như những đại biểu Quốc hội khác, đại biểu “chuyên trách” trong Quốc hội có một chế độ đãi ngộ khá đặc biệt, với việc nhận phụ cấp 1,25. TS. Phạm Quý Thọ giải thích thêm: “Với vai trò chuyên trách Ủy ban Khoa học kỹ thuật, ông ấy có lương rất cao, thậm chí tương đương với một thứ trưởng. Thứ hai nữa là ông ấy có chế độ xe đưa, xe đón, thậm chí có những tiêu chuẩn khác khi ông ấy làm trong Quốc hội”.
Báo chí cho hay sau khi trúng cử vào đại biểu Quốc hội, ông Cảnh có một quá trình thăng tiến rất nhanh. Theo báo Tuổi Trẻ, ông Cảnh được kết nạp vào Đảng năm 2012, làm chuyên viên rồi lãnh đạo Văn phòng Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định trước khi được phê chuẩn làm Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Trong một diễn tiến có liên quan, các bài báo viết về việc ông Nguyễn Văn Cảnh xin thôi việc tại Quốc hội đã được đồng loạt đổi tựa đề vào cuối ngày 10/3, thay cụm từ “cáo quan, về quê” thành “được cho thôi nhiệm vụ”.
Bị kỷ luật?
Lý do “gia đình” mà ông Nguyễn Văn Cảnh nêu ra trong đơn xin thôi việc cũng có vẻ không thuyết phục đối với công chúng. Một số tin đồn đoán nói thực chất ông Cảnh bị kỷ luật.
TS. Phạm Quý Thọ cũng nêu lên một sự kiện xảy ra gần đây với ủy ban mà ông Nguyễn Văn Cảnh phụ trách: “Vừa rồi cũng có một thông tin là sau khi thủ tướng nhắc sự chậm trễ của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành các văn bản quy phạm như các thông tư, hướng dẫn… rất chậm. Khi thủ tướng nhắc nhở như thế thì ủy ban này báo cáo rằng vừa rồi đã khắc phục được những vấn đề đấy. Không biết là nó có liên quan không, nhưng một bên là lập pháp, một bên là hành pháp nên nó cũng có thể có những mối liên hệ nhất định”.
Khi được nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ liên lạc để hỏi lý do xin về quê, đặc biệt là về tin đồn bị kỷ luật, ông Nguyễn Văn Cảnh trả lời: “Mọi chuyện cứ hỏi lãnh đạo Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, còn tôi khi tiếp xúc cử tri nếu được cử tri yêu cầu, tôi có trách nhiệm trả lời”.
Xung đột lợi ích
Theo TS. Thọ, ngay cả lý do xin thôi việc của ông Cảnh cũng là một điểm rất đáng lưu ý và cân nhắc về “xung đột lợt ích” khi bầu chọn đại biểu Quốc hội cho các nhiệm kỳ sắp tới.
Ông nói: “Xung đột lợi ích là không tránh khỏi khi nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Cái này cần phải được cân nhắc là khi các đại biểu vào thì có xung đột lợi ích không, thí dụ như lợi ích vùng miền, lợi ích về phân phối tài sản… Đó là những lợi ích mà người ta thấy rõ nhất. Còn các lợi ích chính trị thì chắc chắn người ta cân nhất rất là kỹ. Trong thể chế này, người ta đã lường trước, phần lớn là xét đến vấn đề chính trị. Nhưng các lợi ích khác cũng cần phải được tính đến”.
Trong Quốc hội Việt Nam, tỷ lệ người ngoài Đảng được trúng cử làm đại biểu Quốc hội từ trước tới nay rất thấp. Thậm chí theo TS. Thọ, trước khi diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14, đã có những vòng sơ loại rất “khắt khe” để xem “ai vào, ai không”. Có khá nhiều người ngoài Đảng đã tự ra ứng cử làm đại biểu QH, nhưng hầu hết đều bị loại ngay từ vòng hiệp thương.
Khánh An/VOA

Không có nhận xét nào:

Trang