Sau khi Báo Lao Động có bài viết về tình trạng nhiều đơn tố cáo
tiêu cực cắt xén phim tại BV Chấn thương-Chỉnh hình TPHCM “móc túi” hàng tỉ
đồng của người bệnh, chiều ngày 14.5, BS Bùi Minh Trạng - Chánh Thanh tra Sở Y
tế TPHCM - cho biết, trong tuần này, Ban giám đốc sở sẽ có quyết định thanh tra
các vấn đề mà báo chí nêu.
Liên kết bên ngoài đặt máy móc bỏ túi riêng!
Không chỉ tại BV Chấn thương-Chỉnh hình, mới đây, Sở Y tế TPHCM đã ký quyết
định thành lập đoàn thanh tra gồm 16 người để tiến hành thanh tra toàn diện các
hoạt động tại BV Bình Dân, TPHCM với thời gian 30 ngày. Theo đó, đoàn thanh tra
do Phó Chánh thanh tra Phan Kim Bình làm trưởng đoàn sẽ thanh tra xung quanh
công tác tổ chức cán bộ, công tác tài chính kế toán, liên doanh liên kết với tư
nhân đặt máy móc thiết bị để hưởng lợi, thu nhập của cán bộ, viên chức và “nhóm
lợi ích”, công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, đấu thầu thuốc, cung ứng
thuốc cho bệnh nhân... trong thời gian từ 1.1.2009 đến 31.12.2012.
Đoàn thanh tra được thành lập trước việc hàng loạt đơn tố cáo của cán bộ, BS
gửi lên Thành uỷ, UBND TP “tố” nguyên giám đốc của BV là BS Nguyễn Chí Hùng khi
còn đương chức đã liên kết với tư nhân, Cty bên ngoài để đặt máy CT scanner,
máy MSCT, máy tán sỏi, máy siêu âm màu tại BV... với nhiều khuất tất, không
minh bạch và có dấu hiệu “lợi ích nhóm”.
Theo phản ánh của tập thể BV, lãnh đạo BV Bình Dân lâu nay lợi dụng danh tiếng
là BV công hàng đầu về lĩnh vực ngoại khoa đã câu kết với tư nhân bên ngoài để
tư lợi. Từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2012, Giám đốc của BV lúc này là ông
Nguyễn Chí Hùng đã chỉ đạo cho hợp tác với tư nhân, Cty bên ngoài để đặt máy
móc, thiết bị tại BV. Việc hợp tác có vẻ “bí mật” khi đối tác được lựa chọn
không được công khai cho nhiều người biết. “Việc hợp tác với đối tác như thế
nào, ăn chia tỉ lệ ra sao không ai được biết. Chỉ riêng máy tán sỏi được hợp
tác với bên ngoài, nhiều người đã lên tiếng về việc thoả thuận ăn chia rất cao
giữa “nhóm lợi ích” và đối tác. Điều đáng nói, để vận hành máy móc, điện, mặt
bằng, nhân lực... đều tận dụng của Nhà nước, nhưng ăn chia lại bỏ túi riêng.
Tỉ lệ máy không dừng lại ở số ít. Sau khi thấy dễ có ăn, nhiều máy khác nhanh
chóng được hợp tác khai thác triệt để” – một BS cho biết.
Sau khi đơn phản ánh được đưa lên, BV cũng tiến hành thành lập đoàn kiểm tra…để
làm rõ vụ việc. Không lâu sau đó, Sở Y tế TPHCM nhận được thông báo từ ông
Nguyễn Chí Hùng với nội dung: Một trưởng phòng có liên quan trong việc mua sắm
máy móc mắc bệnh tâm thần!
BS câu kết rút ruột thuốc bảo hiểm!
Không chỉ móc túi bệnh nhân, một vụ việc cũng khiến dư luận quan tâm gần đây đó
chính là nhiều BS tại BV quận Gò Vấp, thông đồng với người ngoài để rút thuốc
bảo hiểm y tế. Nhiều người không ốm đau có thẻ bảo hiểm được BS khám và chỉ
định cho thuốc để tuồn ra ngoài bán trong một thời gian dài, nhưng không bị
phát hiện.
Được biết, BV quận Gò Vấp hiện có 11 phòng khám bệnh ngoại trú, trung bình mỗi
ngày tiếp nhận 1.000 lượt bệnh nhân diện BHYT đến khám bệnh. Ba BS “đạo diễn”
việc kê toa khống đó là Lê Hữu C, Nguyễn Hữu T, Tô Năng T trong một thời gian
dài, thậm chí kê toa không cần xác minh giấy tờ để đối chiếu người bệnh thực.
Qua tìm hiểu, BS Lê Hữu C đã thực hiện việc kê toa thuốc khống đã lâu và đã
từng bị phát hiện. Ban giám đốc BV Gò Vấp đã họp hai lần trong tháng 12.2012 và
tháng 1.2013 và lập biên bản nhắc nhở về hành vi trên.
Chỉ trong tháng 1.2013, BS C đã thực hiện kê hơn 150 toa thuốc khống. Thậm chí,
kê toa cho người bệnh nhưng đối tượng nhận thuốc thì lại khác. Một người có khi
nhận thuốc giúp cho 4 – 5 người. Được biết, mỗi ngày nhóm 3 BS này kê 5-10 toa
thuốc, toa thuốc cao nhất có giá trị khoảng 135.000 đồng, tổng số tiền thất
thoát là 50-70 triệu đồng. Sau khi bị phát hiện, các BS trên đã thừa nhận và
xin tự nguyện khắc phục hậu quả. BS Phạm Hữu C xin trả lại số tiền làm thất
thoát trong thời gian khám bệnh; BS Nguyễn Hữu T xin bồi thường những toa đã kê
sai và khẳng định không tái phạm; BS Tô Năng T thừa nhận kê đơn thuốc khi không
có mặt bệnh nhân” và khẳng định “đây là việc làm sai vì nể nang chứ hoàn toàn
không tư lợi cá nhân”.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao không có bệnh nhân nhưng vẫn kê
toa? Có hay không việc thông đồng khi một người lấy thuốc giúp cho nhiều người
tại bộ phận cấp phát thuốc?
Chiều ngày 14.5, BS Phạm Hữu Quốc - tân Giám đốc BV - khi trao đổi với
phóng viên Báo Lao Động, đã khẳng định: Ban giám đốc của BV đã ký quyết định điều
chuyển 3 BS C, T, T từ khoa khám bệnh về các khoa khác với lý do 3 BS này có
dấu hiệu thông đồng với người ngoài để rút ruột thuốc BHYT tuồn ra ngoài. Sau
sự việc trên, BV đã ban hành quy trình khám-chữa bệnh. Theo đó, người bệnh khi
đến khám phải có thẻ và giấy tờ chứng minh (ngoại trừ trẻ em dưới 6 tuổi). Việc
cấp phát thuốc phải đúng người được khám, kê toa chứ không cho nhận thuốc giùm,
khám từ xa…Đối với trường hợp người bệnh không thể đến BV khám, lĩnh thuốc, BV
sẽ đề xuất xin BHXH TP và UBND quận Gò Vấp cho phép thành lập đội khám bệnh lưu
động đến nhà khám cho bệnh nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét