17 tháng 5, 2013

Lời cầu xin của vợ cảnh sát giao thông


Lời cầu xin ấy được viết ra giữa những ngày cả miền Bắc như bị luộc chín nhừ trong cái chảo thời tiết nóng bỏng. 

Cái chảo vô tình ấy đã khiến chồng chị “chỉ sau hai ngày, chỗ nào không có vải che, đều đen như một hòn than. Ngỡ ngàng kinh khủng!”.

Người vợ ấy viết: “Thời tiết ác ôn này không biết có chú CSGT nào bị ngất không mà không thấy báo nào đưa tin… 

…Đẩy thuyền cũng là dân. Lật thuyền cũng là dân. Nhưng mà nhân dân ơi, các nhà báo ơi, trước khi quyết định đẩy hay lật, tô đen hay bôi hồng, hãy cảm thông những ngày nắng như đổ lửa hay những đêm đông giá buốt, xin hãy nếm trải những vất vả này, để tôn trọng Luật giao thông, đừng chống lại người thi hành công vụ, đừng cố tình vi phạm, đừng phải xin, để rồi không cho, lại ức chế, lại chửi rủa nhau, gây thương tích cho nhau, tổn thương nhau và làm vấy bẩn hình ảnh người chiến sĩ công an chẳng quản đêm ngày gìn giữ trật tự, an ninh cho xã hội.

Xin đừng làm đau lòng những người vợ, người mẹ, vốn đã và đang xót xa cho những người chồng, người con, người anh em của mình đang dầm mưa, dãi nắng”.
Lời tâm sự ấy có thể bị ném đá bởi những người đã trót ghét cảnh sát giao thông, nhưng tôi tin, đó là những tâm sự từ đáy lòng. 

Nó cũng giống tâm sự của những người vợ, người mẹ cảnh sát giao thông khác, khi thấy con mình bị tài xế xe điên đâm thẳng, bị hất lên nắp capo, bị kéo lê trên đường hoặc bị rượt đuổi bằng một vỏ chai nhọn hoắt. Những lúc ấy, người ta sẵn sàng đánh đổi tất cả để giữ được tính mạng.

So với chiếc ghế nóng của “Ai là triệu phú” thì chiếc ghế “Ai là cảnh sát giao thông” nóng hơn nhiều, đặc biệt là trong những ngày nóng theo nghĩa đen – nóng đến nỗi chỉ cần đứng trên đường 15 phút, đế giày cảnh sát giao thông đã chảy dính xuống mặt đường.

Nhưng xét cho cùng, cái nóng nghĩa đen, dù có lên tới 43 độ C như hôm nay, vẫn chẳng thấm tháp gì cái nóng nghĩa bóng.

Nóng vì cái phù hiệu ấy, tên gọi ấy, vị trí ấy của cảnh sát giao thông luôn được soi rọi dưới rất nhiều “ngọn đèn công suất lớn” – nhiều sự giám sát ngặt nghèo: Người dân, nhà báo, chỉ huy, đồng đội, đặc biệt là người vi phạm giao thông. “Nhiều giám sát thế, hèn chi chẳng lôi ra được nhiều "con sâu" – người vợ khẳng định. 

Xót chồng, người vợ cảnh sát giao thông gọi điện “quát chồng”: Ra đường, có biết tìm chỗ râm mát mà đứng hay không? Người chồng chỉ biết cười: Chỗ râm thì có, nhưng cứ chui vào chỗ râm, dân lại chửi là “anh hùng núp”. 

Một cô bé lớp 3 ở Hà Nội, khi được cô giáo giao đề văn tả về người bố, đã nộp bài văn dang dở. Khi được hỏi tại sao, cô bé khóc nấc: “Em thấy bạn nào cũng tả bố trắng trẻo, đẹp trai, thứ bảy chủ nhật đưa con đi chơi, còn bố em thì đen thui và thứ bảy chủ nhật toàn đi trực. Cô ơi, em xin cô, em không biết viết thế nào…”.

Lời cầu xin của nữ nhà báo và lời cầu xin của một cô bé lớp 3 có thể làm lay động cư dân mạng, khi mà những hình ảnh về người sát giao thông lội giữa phố ngập giúp dân chuyển đồ, xả thân cứu 6 người bị nạn trong một chiếc ô tô lật, hay oằn lưng đẩy xe máy cho dân trong vùng lũ.. đang được lan tỏa rộng rãi trên Internet.

Nhưng để hình ảnh cảnh sát giao thông “không bị vấy bẩn” và để giảm thiểu những “con sâu” như mong ước của người vợ nhà báo kia, thì còn cần có rất nhiều lời cầu xin khác được thốt ra.

Theo một điều tra xã hội học mới đây do Thanh tra Chính phủ chủ trì, cảnh sát giao thông là một trong bốn nghề được cho là tham nhũng phổ biến nhất (3 nghề kia là quản lý đất đai, hải quan, xây dựng).

Có bao nhiêu người vợ, người con cảnh sát giao thông dám cầu xin chồng mình, cha mình đừng “làm luật” nữa, để lực lượng mang quân phục màu lúa chín không còn bị bêu trong top đầu những ngành nghề tham nhũng?

Có bao nhiêu cảnh sát giao thông dám “cầu xin” đồng đội mình đừng bóp hầu bóp cổ tài xế, đừng gọi doanh nghiệp ra trả tiền cho hóa đơn ăn nhậu phè phỡn của mình?



Không có nhận xét nào:

Trang