12 tháng 5, 2013

Cổ đạm: Xã “vẽ đường” cho thôn thu tiền trái luật


Thời gian qua, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân tiến hành chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2. Đây là chủ trương đúng của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, xã Cổ Đạm đã vẽ ra một đề án nhằm “bật đèn xanh” cho thôn thu tiền trái luật.

Ông Hoàng Thanh và nhiều hộ dân ở thôn 11 bất bình phản ánh việc xã “bật đèn xanh” cho thôn thu tiền trái luật.

Muốn có ruộng phải nộp 300.000 đồng

Nhận được phản ánh của người dân xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, phóng viên NTNN đã về địa phương tìm hiểu. Ông Hoàng Thanh ở thôn 11 xã Cổ Đạm bức xúc: “Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi ruộng đất, xây dựng nông thôn mới, nhân dân xã Cổ Đạm chúng tôi rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, xã đã lợi dụng chủ trương này lập ra một đề án khiến người dân rất bất bình.
Cụ thể: Lấy ruộng của người đã chết bán cho những nhân khẩu sinh ngoài kế hoạch (nghĩa là trong gia đình sinh con thứ 3 trở lên). Muốn có 1 suất ruộng sản xuất, các nhân khẩu này phải đóng cho thôn 300.000 đồng. Con em đi làm ăn xa cũng bị cắt đất, trong khi đó con dâu từ nơi khác lấy chồng về xã Cổ Đạm đã nhập hộ khẩu tại địa phương và sinh sống hàng chục năm trời, nhưng nay không nằm trong danh sách được cấp ruộng sản xuất và cũng phải đóng cho thôn 300.000 đồng mới được cấp 1 suất ruộng”.
Ông Hoàng Trung Thông ở thôn 12 cho biết thêm: Ngoài việc tự đưa ra nhiều chính sách cắt ruộng rồi bán lại thu tiền bất hợp lý trên thì chính quyền xã còn nghiên cứu ra nhiều chiêu cắt đất khiến người dân điêu đứng, như việc hai vợ chồng có một người là công chức nhà nước thì 1 đứa con không được chia đất sản xuất. Ông Thông đưa ra trường hợp cụ thể từ con trai của ông là anh Hoàng Văn Quyết ở thôn 12. Vợ chồng anh Quyết sinh được 2 đứa con, nhưng anh Quyết là giáo viên ăn lương Nhà nước nên lần chuyển đổi ruộng đất này, một đứa con của vợ chồng anh không được chia đất sản xuất”…
Xã sửa đổi... nghị định
Trao đổi với ông Nguyễn Thái Tứ- Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm về những bất bình của người dân xung quanh việc chuyển đổi ruộng đất, ông Tứ cho biết: Thực hiện Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp, năm 2012 xã Cổ Đạm tiến hành thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi ruộng đất lần 2 từ cấp xã đến các tiểu ban ở các thôn.
Để triển khai, ban chỉ đạo xã đã xây dựng đề án chuyển đổi và tiến hành giao đất từ 15.9.2012, trong đó xã thay đổi một vài điểm trong...Nghị định 64/CP. Cụ thể: Người đã chết, những người đi sinh sống nơi khác ổn định thì không được cấp đất. Các đối tượng con thứ 3 trở lên, con của cán bộ công chức, hưu trí đã trên 18 tuổi nhưng chưa có việc làm, các khẩu chuyển đến phát sinh sau năm 1994 đến nay nếu muốn nhận đất sản xuất cần phải đóng nộp 300.000 đồng gọi là phí xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi. Số tiền này giao cho các thôn thu.
Theo lý giải của ông Tứ, số tiền này được bàn bạc ở các thôn, vì vậy xã giao cho trưởng thôn tự thu, tự chi và có sự giám sát của Ban Mặt trận thôn nên xã không liên quan. Phóng viên hỏi: Toàn xã có 12 thôn thì đến nay đã có 9 thôn tiến hành giao đất và thu tiền của dân, xã có nắm được các thôn đã thu bao nhiêu tiền của các đối tượng này không?
Ông Tứ thừa nhận: “Tiền này xã không quản lý nên xã không nắm được bao nhiêu hộ nộp, bao nhiêu hộ không. Cái này theo lệ làng, thôn tự thu không theo pháp luật, vì vậy không có hóa đơn. Thôn nào thu thì thu không thu thì thôi”.
Hữu Anh(Dân Việt)


Không có nhận xét nào:

Trang