15 tháng 5, 2013

Người Việt vô cảm, hèn nhát?



Những nhận định sâu sắc của GS-NGND Nguyễn Lân Dũng qua bài viết “Rất nhiều người Việt Nam ham tiền, vô cảm, hèn nhát” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về 5 tính xấu của không ít người Việt Nam bất ngờ nhận được sự đồng tình, cũng như thái độ hưởng ứng tích cực của rất nhiều độc giả.
Đúng quá rồi, bác Dũng ơi!
Độc giả Sonkim hồ hởi: “Đúng quá rồi bác Dũng ơi. Muốn con người Việt Nam ta bỏ bớt tính xấu đi thì việc đầu tiên là phải loại bỏ ngay “những con sâu” trong bộ máy quản lý nhà nước. Điều này là điều khó trong điều kiện xã hội hiện nay. Nhưng vẫn phải kiên quyết làm”.
“Rất hay! Lâu rồi tôi mới đọc được bài viết ý nghĩa và sâu sắc đến như vậy. Nội dung của bài viết rất thực, nó giống như bài thống kê về những diễn biến, những cái xấu của một số bộ phận người Việt. Qua đây, bài viết còn có ý nghĩa cảnh tỉnh với những người đang lao theo tiền tài, danh vọng, bỏ quên đạo đức cuộc sống",độc giả Trần Văn Tần ủng hộ. 



Độc giả Nhân Nghĩa cho rằng: “Ngài Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dũng cảm nói lên đúng hiện thực ở xã hội Việt Nam ngày nay. Đạo đức xã hội đang diễn biến, xuống cấp rất trầm trọng và đi xa hơn với chiều hướng tồi tệ; làm mất uy tín, giảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân. 
Là người dân Việt Nam, tôi nghĩ Đảng lãnh đạo đất nước đến lúc này phải mạnh mẽ dùng "cây gậy pháp luật" vụt mạnh vào tham nhũng - lợi ích nhóm... thì mới cứu được tình thế và cũng là cách duy nhất trong lúc này".
Đồng tình với quan điểm trên, độc giả Lê Minh cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với đánh giá của giáo sư GS. Nguyễn Lân Dũng! Điều đáng buồn và trăn trở không chỉ riêng ông và phải nói một cách đầy đủ là cả dân tộc Việt hiện đại. 
Cổ nhân có dạy “Thượng bất chính hạ tặc loạn”. Khi mà người lớn không làm gương cho con trẻ, cấp trên thiếu mô phạm, thì cấp dưới sao đồng lòng để xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh? Nhìn vào những điều ông nêu đâu có khó để nhận biết những điều ngang trái bày ra hàng ngày như hiện nay. Mặc dầu, xã hội chúng ta đâu có thiếu trách nhiệm, bằng nhiều hình thức để phê phán chống lại nó nhưng rồi đâu lại hoàn đó? Thật đáng buồn với căn bệnh trầm kha”.

Bên cạnh đó, độc giả Phạm Văn Diện chỉ ra quy luật: “Qua bài viết của bác cháu thấy chẳng chỗ nào sai cả và chỉ có mình bác dám nói như vậy. Nhưng có một điều là bây giờ đâu cũng như vậy hết bác ạ! Không tìm mọi cách để có tiền thì chỉ còn một con đường đó là phó mặc tất cả. Có lẽ kẻ làm to thì kiếm nhiều, kẻ làm nhỏ thì kiếm ít, cứ theo quy luật bất thành văn đó. Nhưng suy cho cùng là quy luật cuộc sống thôi...”.

Trách ai?

Độc giả Lâm Anh cũng lý giải nguyên nhân khiến bản tính của người Việt trở nên “vô cảm, hèn nhát, ham tiền” bởi “môi trường, hoàn cảnh họ đang sống”: Cảm ơn Giáo sư đã dám nói. Trong xã hội ngày nay, không thiếu những người tốt, những nghĩa cử, hành động đẹp nhưng bao trùm lên suy nghĩ của tất cả mọi người lại là sự nghi kỵ, nghi ngờ lẫn nhau. Điều đó thật nguy hiểm. Một điều dễ dàng nhìn thấy đó là: Bản chất mỗi con người đều tốt nhưng vì sao họ phải "biến chất" đi? Dễ hiểu thôi, để phù hợp với môi trường, hoàn cảnh họ đang sống.

“Tôi nghĩ không riêng gì người Việt mà người nước nào cũng vậy. Trừ một thiểu số rất ít những người tu hành đắc đạo không màng danh lợi. Đa số con người còn lại đều nằm trong cái vòng lẩn quẩn lợi danh. Không nên trách con người hám lợi danh, vì có ham lợi danh thì mới thúc đẩy xã hội tiến bộ. Anh ra sức học tập, làm việc để làm gì? Không phải để kiếm chút lợi danh hay sao? 

Ta nên trách lối tổ chức xã hội nhiễu nhương để tạo ra những lợi danh bất chính. Như: nạn bằng cấp giả, CSGT nhũng nhiễu người đi đường, công chức gây khó khăn cho công dân khi đến cơ quan công quyền... Những tệ nạn này các nước văn minh rất ít xảy ra. Trong khi ở Việt Nam khá phổ biến. Có lẽ ta nên học tập nước ngoài để xây dựng xã hội tốt hơn, chứ không nên trách người Việt Nam hám danh lợi, độc giả Nguyễn Kỳ Nghĩa cho rằng nguyên nhân bởi “lối tổ chức xã hội nhiễu nhương”.
Độc giả Lương Bắc chỉ ra hai nguyên nhân chính: “Nếu sang Lào, Campuchia, ta thấy thiếu niên được gửi lên chùa để học lễ và đạo. Vì thế người Lào, Miên cư xử với nhau không dữ dằn như người Việt. Tại Việt Nam, dường như giáo dục đã “chỉ có duy vật”, dạy điều cao xa nhưng thiếu phần cuộc sống cộng đồng. Nhờ đó, lối sống “lợi mình trước đã” phát triển. Ở mức cực đoan có thể nảy sinh các “sát thủ máu lạnh” tuổi ngày càng trẻ, không sợ “quả báo cho kiếp sau”.
“Tôi tin nếu các quan chức, cán bộ, Đảng viên gương mẫu sẽ kéo theo một xã hội tốt đẹp, đạo đức... hơn rất nhiều. Rất mong mọi cán bộ, đặc biệt là Đảng viên thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, để loại hết mọi con sâu… để Xã hội ta tốt đẹp hơn”, độc giả Vũ Chúc đặt niềm tin.

Thùy Liễu 



Không có nhận xét nào:

Trang