Phóng viên Tuổi Trẻ trò
chuyện với ông Lê Nam - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa - xung
quanh câu chuyện lấy phiếu tín nhiệm.
Ông Lê Nam
* Ông đã sẵn sàng cho việc bỏ phiếu tín
nhiệm chưa?
- Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Toàn bộ các bản báo cáo tự kiểm
của 49 vị được lấy phiếu tín nhiệm lần này tôi đều đọc kỹ và có ghi chú bên lề.
* Ông phải tìm kiếm thông tin từ những nguồn nào để đảm bảo độ
chính xác khi điền tên của họ vào lá phiếu?
- Rất nhiều nguồn. Trước hết là từ sự quan sát, đánh giá của
cá nhân tôi về những lĩnh vực các vị phụ trách, chịu trách nhiệm và những vấn
đề mà các vị giải quyết, cũng như phong cách, lối sống, mối quan hệ của các vị
ấy. Quan sát của tôi thông qua các hoạt động ở nghị trường, trong quan hệ với
địa phương, với các ngành, các cấp. Kênh thông tin hết sức quan trọng với tôi
nữa là báo chí, dư luận. Đọc trên báo chí thì thấy vấn đề gì đang nóng, lĩnh
vực nào đang nổi cộm và năng lực xử lý, giải quyết của vị đứng đầu ngành, lĩnh
vực ấy ra sao.
Với các nguồn thông tin như vậy thì ai làm hay, làm dở cũng
tương đối rõ cả rồi. Có những bộ trưởng làm người dân tương đối hài lòng thì
cũng có những bộ trưởng bị dân kêu ca, phàn nàn. Có bộ trưởng khi mới nhận
nhiệm vụ thì phát ngôn, lời nói chệch choạc, gây bức xúc cho dư luận, nhưng quá
trình làm việc thì ngày càng chín chắn hơn, hiệu quả hơn, điều hành tốt hơn và
lăn vào công việc. Lại có bộ trưởng dường như không thấy có phát ngôn gì, lãnh
đạo một ngành rất lớn nhưng đụng vào đâu cũng thấy có chuyện và cũng chưa thấy
ông ấy để lại dấu ấn, hành động thật sự thuyết phục. Tôi không muốn đề cập đến
tên nhân vật cụ thể, vì nói rõ ra lúc này cũng không hay.
Tất nhiên, không có thông tin tuyệt đối và không có đánh giá
nào chính xác tuyệt đối, nhưng với người được số đông đánh giá thì sẽ chính xác
hơn.
* Có ý kiến lo ngại xảy ra tình trạng người làm được việc, có tiếng
nói mạnh mẽ thì dễ gây đụng chạm, làm mếch lòng đại biểu Quốc hội, còn người
kín tiếng, dĩ hòa vi quý nhưng năng lực hạn chế lại được tín nhiệm cao, quan
điểm của ông thế nào?
- Như trên tôi nói là cá nhân tôi thấy có bộ trưởng nắm giữ
ngành rất lớn, rất quan trọng, cái ngành ấy đụng vào đâu cũng có chuyện. Nhưng
dường như không thấy ông bộ trưởng này phát ngôn, không thấy ông ấy có hành
động nào ấn tượng cả. Không khéo ông này lại được tín nhiệm cao đấy. Còn cái
ông hăng hái, năng nổ, không ngại đụng chạm có khi lại mất phiếu. Băn khoăn như
trên là có cơ sở, bởi không phải vị đại biểu nào cũng có tiếp cận giống nhau.
* Thưa ông, tình cảm và mối quan hệ lợi ích giữa các cá nhân với
nhau chi phối như thế nào đến lá phiếu?
- Đây là yếu tố tôi chưa thấy ai đề cập, nhưng tôi cho rằng
nó ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ, về mặt cá nhân thì tôi rất yêu, rất quý một số vị
bộ trưởng, một số vị lãnh đạo, nhưng cũng có những vị thì không được như thế.
Vì sao? Vì có những người nói năng không thuyết phục, không làm cho người khác
tin tưởng. Trong tình cảm thì cũng có lợi ích của địa phương, của ngành và
không loại trừ lợi ích của cá nhân. Với tôi, một đại biểu Quốc hội chuyên trách
thì không bị lợi ích cá nhân chi phối.
* Theo ông, kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm tới đây như thế nào
thì được coi là tốt đẹp?
- Nếu cả 49 vị đều đạt tín nhiệm rất cao thì chắc đây không
phải là kết quả tốt, bởi tình hình đất nước hiện tại, dư luận hiện tại, với
những vấn đề đang đặt ra cho thấy không phải mọi thứ đang tốt đẹp hết. Nếu kết
quả mà tất cả đều được tín nhiệm cao thì tôi nghĩ niềm tin của nhân dân sẽ thêm
sứt mẻ.
LÊ KIÊN thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét