GS.NGND Nguyễn Lân Dũng chỉ ra 5 tính xấu
của không ít người Việt Nam đó là: Ham tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô
cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào".
GS Nguyễn Lân Dũng thẳng
thắn chỉ ra những thói hư tật xấu của người Việt.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm
Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: Người Việt hiện đại xấu
nhất là thói hám danh, chuộng lạ, sính ngoại, sính hình thức,... còn với GS
Nguyễn Lân Dũng thì: "Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục,
làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội (cái gọi là chủ
nghĩa mackeno) - Tôi cho đó là cái xấu nhất đang kìm hãm sự phát triển của xã
hội ta, cản trở việc phát huy các thành tựu của sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta
khởi xướng.
GS.Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn trao đổi xung
quanh vấn đề này.
Tự biến mình thành hèn hạ
- Là một Giáo sư - Tiến sỹ, Nhà
giáo Nhân dân rất gần gũi với người Việt Nam, theo ông, người Việt có tính xấu
nào cần phải thay đổi trong thế giới hiện đại?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Không có tính xấu
nào là của mọi người Việt, nhưng có thể có những tính xấu của một bộ phận không
nhỏ người Việt. Trong thế giới hiện đại mọi người đều tiếp nhận được không ít
những nét đẹp văn hóa do cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đem lại. Chẳng
hạn như thói quen thường xuyên theo dõi tin tức trong và ngoài nước thông qua
các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là truyền thanh, truyền hình. Với
giới trẻ là thông qua internet, điện thoại trực tuyến...
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường bên cạnh
các ưu việt rõ rệt so với nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, nhưng do tính tự
phát vốn có, kinh tế thị trường có thể mang lại không chỉ có tiến bộ mà còn cả
suy thoái, khủng hoảng và xung đột xã hội. Cái chính là việc chạy theo đồng
tiền bằng mọi giá.
"Tham lam còn dẫn đến mất uy tín quốc
tế. Nào là tôm bị trả lại vì có đinh đóng vào đầu tôm cho tăng cân (!), nào cà
phê thì hái lẫn lộn cả quả xanh (vì nếu để chín hết sẽ mất trộm!), nào giầy vải
lẫn cả loại vải có lẫn formalin (do nhập ẩu nguyên liệu rẻ), nào phạt gây ô
nhiễm chỉ nắm "anh có tóc" trong khi hàng chục cơ sở cùng gây ô nhiễm
tại cùng chỗ đó..." - GS. Nguyễn Lân Dũng nói về tính xấu của người Việt.
Trước đây trong các cuộc kháng chiến, mọi
người sống giản dị, thân thiện với nhau, khoảng cách giàu nghèo thu hẹp, cán bộ
gần gũi với dân và tôn trọng dân. Ngày nay, bộ phận nhẽ ra phải là ưu tú nhất
trong xã hội là cán bộ, đảng viên nhưng như nhận xét của Đảng trong Nghị quyết
Trung ương 4 thì "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có
những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về
sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy
theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy
tiện, vô nguyên tắc”.
Chúng ta từng có khẩu hiệu Đảng viên đi
trước, làng nước theo sau. Nay một bộ phận không nhỏ Đảng viên suy thoái, biến
chất thì tránh sao khỏi sự suy thoái, biến chất của quần chúng? Người ta coi
chuyện chạy chọt bằng phong bì là chuyện bình thường và thường được gọi là văn
hóa phong bì. Từ vị trí chủ nhân ông của đất nước người dân mặc nhiên hạ thấp
vị trí của mình xuống, việc gì cũng phải xin xỏ, cầu cạnh, không dám công khái
tố cáo các hành động sai trái của những người có chức có quyền (một phần do
pháp luật quy định người đưa hối lộ cũng có tội). Tự nhiên biến mình thành hèn hạ,
chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội
(cái gọi là chủ nghĩa mackeno).
Tôi cho đó là cái xấu nhất đang kìm hãm sự
phát triển của xã hội ta, cản trở việc phát huy các thành tựu của sự nghiệp Đổi
mới do Đảng ta khởi xướng.
- GS Văn hóa nổi tiếng Trần Lâm Biền đã
từng ví: Lòng tham như một chất ma túy, phá hoại nhân cách con người và có sức
cám dỗ ghê ghớm. Theo ông, lòng tham khiến người Việt xấu xí và suy yếu thế nào
trong quan hệ cộng đồng và thế giới?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Lòng tham đẩy lùi
nhân cách sống giản dị, vị tha, thương người như thể thương thân, lá lành đùm
lá rách... những đức tính quý giá vốn là truyền thống của nhân dân ta. Lòng
tham khiến mất đi sự quý trọng vốn có của nhân dân với những người cán bộ, nhẽ
ra phải là công bộc của dân như lời dạy của Bác Hồ.
Lòng tham khiến mất đi sự chung thủy của
không ít vợ chồng, kể cả những cặp vợ chồng trẻ biểu hiện qua tỷ lệ ly hôn ngày
càng tăng. Lòng tham khiến làng quê vốn yên lành nay trở nên náo loạn vì chuyện
tịch thu bờ xôi ruộng mật một cách bừa bãi, thiếu cơ sở khoa học và pháp lý,
còn vì cắt tóc thư giãn, karaoke, nhà nghỉ, game online... đã len lỏi tới tận
các vùng quê.
Lòng tham khiến bố mẹ nhắm mắt chạy theo
đồng tiền để các quý tử tự do phá phách, bỏ học, trở thành những anh hùng xa lộ
hoặc những tên Đông Gioăng (Don Juan) chuyên hại đời các cô gái mới lớn...
Đạo lý đang bị thách thức, đơn từ khiếu
nại, tố cáo xếp đầy các tủ hồ sơ mà không kịp giải quyết thỏa đáng...
"Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật
là vô kể"
- Thói tham danh, bệnh sùng bái
danh hiệu, chức vụ... trong giới trí thức đã được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc xem như
một quốc nạn. Còn Giáo sư Cao Xuân Hạo trong một bài viết ở cuốn Tâm lý người
Việt nhìn từ nhiều góc độ gọi là bệnh vĩ cuồng (me’ganomanie). Nhà phê bình văn
học Vương Trí Nhàn bảo đó là căn bệnh nan y khó chữa. Theo ông, thói háo danh
của người Việt hiện nay đã ở mức báo động ra sao?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Danh lợi có nghĩa
là cái danh hiện nay đi liền với cái lợi. Không ít người có chút quyền hành gì
đều cố hết sức tận dụng cái uy quyền ấy để làm giàu một cách bất chính. Vì vậy
dân gian mới có câu "Nhà mặt phố, bố làm quan". Tuy vậy, cũng vẫn còn
có những ông quan thanh liêm.
Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật là vô
kể. Chuyện mãi lộ của Cảnh sát giao thông ai cũng biết mà có lẽ không có cách
gì khắc phục nổi. Một lái xe taxi nói với tôi đưa bệnh nhân đến cổng bệnh viện,
vì không được đỗ (?) nên đã cẩn thận hỏi anh CSGT là phải đỗ chỗ nào? Anh ấy
trả lời là lên quá chỗ cầu vượt kia. Làm đúng như vậy thì lại đã có anh CSGT
khác xông ra đòi phạt với số tiền cao ngất ngưởng. Đành phải đưa một nửa số
tiền ấy mà không lấy biên bản (!).
Chuyện này tôi đã nói ở Diễn đàn Quốc hội
nhiều lần mà hầu như chưa có chuyển biến gì. Sao ta không học hỏi cảnh sát nước
ngoài - Xe đỗ sai quy định họ gài giấy phạt lên cái gạt nước mưa, lái xe cứ
việc nhanh chóng chuyển tiền qua ngân hàng, càng chậm số tiền phạt càng tăng.
Đấy chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ.
Một nữ doanh nhân rất thành đạt đã trả lời
khi tôi hỏi sao không thấy xuất hiện trên TV trong các lần được lãnh đạo đeo
cho vòng hoa và cổ: "Chú tưởng ngon lành thế à? Nộp nhiều tiền lắm đấy chú
ạ!". Thật ngoài trí tưởng tượng của tôi!
Ai cũng có thể kể ra hàng trăm ví dụ về
việc lạm dụng chức quyền để gây tác hại cho xã hội. Học hàm, học vị là chuyện
nghiêm túc với các quy định hết sức chặt chẽ. Vậy mà vẫn có những người có bằng
Tiến sĩ nước ngoài trong khi tiếng Anh chỉ đủ ở mức biết vài câu chào hỏi (!),
May mà báo chí chưa sờ đến hay không dám sờ đến đấy. Học hàm Giáo sư, Phó giáo
sư trên toàn thế giới là chuyện chỉ dành riêng cho các trường Đại học và thường
chỉ cần do Hiệu trưởng Đại học quyết định. Hơn nữa cần ghi rõ là Giáo sư của
trường nào? Làm gì có chuyện dành cho vô số vụ trưởng, thứ trưởng, sĩ quan quân
đội, công an... như ở nước ta?
Chuyện xưng danh Viện sĩ Viện hàn lâm khoa
học New York cũng thực nực cười. Chữ Academy còn có nghĩa là Học viện, Trường
phái, Hội đoàn... Member chỉ có nghĩa là Thành viên, còn Academician mới là
Viện sĩ!
Chuyện háo danh còn ở mức Nhà nước. Quốc
hội đã từng thảo luận về việc đã nên thành lập Viện Hàn lâm chưa, ý kiến chung
là "chưa". Vậy mà bỗng nhiên xuất hiện hai Viện hàn lâm trong khi
không có Viện sĩ nào (?). Ai tham mưu làm chuyện này, phải chăng xuất phát từ
việc có ba Viện từ lâu đã tự tiện đặt tên nước ngoài là Academy (?). Có lẽ ai
cũng nên tìm xem trên You Tube sự hùng biện tài hoa và khá có lý trong trên 1
giờ liền của một học sinh lớp 12 với nhan đề "Sự trăn trở của một kẻ lười
biếng".
Tôi cảm thấy nó có tính thuyết phục hơn
nhiều tham luận của không ít học giả về những tồn tạo kéo dài của nền giáo dục
nước nhà. Nên chăng cần viết lại bài độc diễn này dưới dạng văn bản để nhiều
người, nhất là những người chịu trách nhiệm, có điều kiện tham khảo. Trong các
tồn tại được cậu học sinh này thẳng thắn nêu lên thì chính là bệnh thành tích
và một chương trình học tập vừa nặng, vừa thấp (!) so với thế giới, hơn nữa khá
xa lạ với nhu cầu của đời sống (!).
Coi nặng tiền tài hơn giáo dục
- Trong cuộc sống, nếu phải kể tên
ra 5 tính xấu đáng sợ nhất của người Việt thì ông "dị ứng" nhất với
những loại tham nào? Muốn thay đổi nó, người Việt phải làm gì?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ không nên
nói của người Việt Nam mà nên nói của không ít người Việt Nam: Nếu cần chọn ra
5 điều thì tôi chọn là:
- Ham tiền
- Hiếu danh
- Coi thường danh dự
- Vô cảm và hèn nhát
- Coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào"
- Theo ông, căn nguyên của những tính xấu
mà ông kể trên là gì?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Thứ nhất, tôi cho
là do chưa hiểu đúng mặt tích cực của kinh tế thị trường, nhưng lại chịu những
ảnh hưởng xấu của kinh tế thị trường. Thứ hai là tính thiếu dân chủ trong đời
sống xã hội, nhất là trên phương tiện truyền thông, khiến cái xấu không được
chỉ đích danh, kể cả trong lĩnh vực khoa học như anh Dương Trung Quốc đã phải
thốt lên là: một kiểu Lịch sử học vô nhân xưng.
Chính vì vậy mà không ít người đọc đã quay
lưng lại với báo viết mà quay sang báo mạng (bên cạnh nhiều trang tốt còn có cả
những trang xấu của một số ít người có ác ý).
Thứ ba là do thiếu duy trì truyền thống gia
giáo, coi nặng tiền tài hơn giáo dục, chăm sóc con cái.
Thứ tư là sự thiếu gương mẫu của các quan
chức các cấp, không ít người trong họ coi chức vụ là cần câu cơm (đúng hơn là
cần câu vàng bạc, ngoại tệ).
Và thứ năm là tình trạng thiếu tin tưởng và
ít trọng dụng người tài, không có lý do gì mọi chức vụ từ cấp thôn xóm trở lên
đều phải là đảng viên (trong khi tỷ lệ đảng viên chỉ là 3 triệu trong 90 triệu
dân số).
- Nhà văn Vương Trí Nhàn đã từng viết rất
nhiều sách về tính xấu của người Việt, và trao đổi với báo GDVN, vị này cũng
nói: Người Việt chẳng có tính tốt nào. Với GS.Nguyễn Lân Dũng thì sao? Người
Việt có thể tự hào về điều gì?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ chẳng có
ai muốn "vơ đũa cả nắm" như vậy! Chúng ta cần tự hào về những truyền
thống tốt đẹp của nhân dân ta. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp ấy thì
làm sao giữ vững được nền độc lập quốc gia, làm sao có được những tiến bộ trông
thấy trong đời sống kinh tế-xã hội, làm sao có được những bước bứt phá về Tổng
thu nhập quốc nội (GDP) mà quốc tế cũng phải thừa nhận, làm sao có vị trí ngày
càng được tôn trọng trên thế giới....
Hãy tiếp xúc với các cựu chiến binh, với
lớp người cao tuổi, với đa số bà con ở nông thôn, ở vùng cao, vùng sâu, vùng
xa... Ta sẽ gặp biết bao những tấm gương tuy còn nghèo khổ nhưng vẫn nêu cao sự
trong sáng về đạo đức, về lòng nhân ái và sự hy sinh hết mình dành cho việc học
hành của con cái cũng như cho sự đóng góp theo quy định của Nhà nước (kể cả
những quy định tuy tôi đã chất vấn nhiều lần tại Quốc hội mà đến nay tôi và rất
nhiều người vẫn chưa thông được- chẳng hạn như chuyện phải bắt buộc trích đóng
góp từ quỹ lương cho Công đoàn , chứ không phải cho Hội Nông dân, trong khi
chưa chắc nơi nào cần hơn?).
Bản thân người Việt chúng ta có sẵn một
truyền thống đạo đức tốt đẹp. Chỉ cần khắc phục những bất cập trong quản lý Nhà
nước, trước hết hãy thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4
Khóa XI, để loại hết mọi con sâu, dù là một đàn sâu như lời Chủ tịch nước, thì
xã hội sẽ sớm ổn định , điều tốt đẹp sẽ nảy nở và các tính xấu chắc chắn sẽ bị
đẩy lùi. Tôi vững tin là như vậy.
Theo Giáo dục Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét