28 tháng 5, 2013

Choáng với dự án chi 48 tỉ để tháo… 17km dải phân cách

Sở GTVT tỉnh Hải Dương vừa công bố đã dành trên 48 tỷ đồng để tháo dỡ dải phân cách giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ trên tuyến QL5, từ Km 43+900 đến Km60+100 (thuộc địa bàn TP Hải Dương). Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý các dự án giao thông Hải Dương (Sở GTVT tỉnh Hải Dương) và đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Thiên Khai (Hà Nội). Thời gian thi công dự kiến thực hiện từ nay đến cuối tháng 6/2013.


Dự án đốt tiền kỳ lạ!
Tuyến đường được tháo dỡ dải phân cách có địa hình hai bên là khu công nghiệp và khu dân cư với quy mô mặt đường 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ). Trên tuyến có hệ thống đường gom phục vụ dân sinh và các khu công nghiệp đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Một số vị trí làn xe thô sơ được mở rộng, người dân và công nhân trong các khu công nghiệp cũng như khu dân cư thường xuyên đi lại ngược chiều trên làn này khiến mặt quốc lộ 5 trở nên chật hẹp bởi sự gia tăng đột biến của người cũng như phương tiện. Sở GTVT Hải Dương cho rằng, việc tồn tại phân làn bằng tôn lượn sóng với hộ lan di động giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên đoạn tuyến này. Theo thiết kế, tuyến đường sẽ giữ nguyên quy mô đường hiện tại, chỉ tiến hành tháo dỡ và vuốt nối cho êm thuận giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ; tháo dỡ toàn bộ biển báo nằm giữa phân làn xe cơ giới và làn xe thô sơ. Tại những vị trí trạm xe bus, ở hai đầu trạm giữ nguyên hộ lan di động với chiều dài 20m; tiến hành trồng mới bổ sung tôn lượn sóng tại một số vị trí (đầu cầu, các vị trí ao, hồ, nền đắp cao, đầu cống…).
Cần làm rõ nguồn tiền 48 tỉ tháo dỡ 17km dải phân cách tôn lượn sóng trên quốc lộ 5.
Việc tháo dỡ dải phân cách giữa làn xe cơ giới và thô sơ trên quốc lộ 5 là cần thiết, nếu không nói đến bây giờ mới tháo là quá muộn. Tuyến đường này mật độ phương tiện lưu thông lớn, việc đặt dải phân cách ngăn làn xe cơ giới và thô sơ ban đầu được nói “để đảm bảo an toàn” nhưng hiện đang tác dụng ngược do hai làn xe cơ giới quá hẹp. Tại nhiều đoạn trên tuyến hiện cũng đã được tháo dỡ, đảm bảo mỗi chiều lưu thông thông thoáng hơn với 3 làn xe. Từ thực tế tai nạn giao thông trên tuyến, UBND tỉnh Hải Dương đã có Văn bản số 1093/UBND-VP đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét tổ chức lại giao thông trên tuyến QL5. Văn bản của UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, hiện các đoạn có dải phân cách giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ thường gây ra tai nạn nhiều hơn, nguyên nhân là do khi các phương tiện vận tải lớn, xe container chạy tạo luồng không khí hút xe môtô gây va chạm vào dải phân cách dẫn đến TNGT, do vậy nên dỡ bỏ hệ thống dải phân cách tôn lượn sóng này để bảo đảm ATGT. Cùng chung quan điểm, tại văn bản đề nghị Bộ GTVT tháo dỡ toàn bộ dải phân cách trên tuyến QL5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng phải thay bằng vạch sơn vàng trên toàn tuyến, đồng thời, thảm vuốt phần chênh cao giữa mặt đường phần làn xe ôtô và xe thô sơ.
48 tỉ đồng là số tiền lớn đối với địa phương. Với số tiền đó đã có thể xây dựng hàng chục kilomet đường giao thông nông thôn, còn với đường đô thị cũng làm được nhiều việc có ý nghĩa, tu bổ, sửa sang được rất nhiều công trình. 48 tỉ cũng bằng khoảng 10-20% nguồn thu ngân sách ở tỉnh nghèo, xây được hơn 1.000 nhà tình nghĩa, một con số rất đáng suy ngẫm, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Thế nhưng, số tiền lớn ấy lại chỉ đủ để làm cái việc ngỡ không có gì tốn kém: tháo dải phân cách, nói nôm na là nhổ mấy cái cọc ở đường bộ.
Nhổ một cọc nhỏ gọn bằng hai tháng lương công nhân
Theo quan sát của chúng tôi, đoạn đường này thiết kế mỗi chiều hai làn xe cơ giới, một làn thô sơ. Dải phân cách được ngăn giữa làn xe thô sơ và cơ giới, gồm hai loại: dải phân cách cứng (dùng tôn lượn sóng, có cọc cắm vào nền đường) và phân cách mềm (không có cọc cắm, chỉ là bê tông đặt ở giữa). Với chưa đầy 17km, việc tháo dỡ dải phân cách là việc làm không có gì khó khăn. Đối với dải phân cách mềm, do không có cọc cắm nên chỉ cần bê đi chỗ khác là xong, việc này thanh niên tình nguyện hay bất kỳ nhân công nào đều làm quá đơn giản. Quan sát của chúng tôi, trước đây nhiều đoạn dải phân cách mềm đã được công nhân dùng tay không bê ra khỏi làn đường một cách dễ dàng. Còn dải phân cách cứng có tôn lượn sóng, tuy mất công hơn một chút nhưng cũng không khó khăn gì để nhổ cọc cắm vốn chôn gọn và nông. Tất cả những việc này, các công ty phá dỡ công trình đều dễ dàng làm được với chi phí phù hợp, thời gian nhanh chóng. Tính ra, để tháo dỡ mỗi mét dải phân cách mất tới gần 3 triệu đồng. Giả sử cứ hai mét có một cọc cắm thì chỉ cần nhổ một cọc là có 6 triệu đồng – một hành động rất đơn giản và một người trong một buổi có thể dễ dàng nhổ được rất nhiều cọc như vậy nhưng tiêu tốn số tiền tương đương 2 tháng lương công nhân.
Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến việc lãng phí trong xây dựng công trình. Theo các chuyên gia cầu đường, suất đầu tư cho các dự án đường cao tốc ở Việt Nam bình quân cao hơn 1,5-2 lần so với các nước lân cận như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cao hơn cả Mỹ. Nhưng dù sao, lãng phí trong xây dựng công trình còn có cơ sở do phải chi nhiều khoản, nhiều cửa, còn lãng phí trong nhổ mấy cái cọc đơn giản như vậy là điều khó thể chấp nhận. Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Sở GTVT Hải Dương làm rõ sự việc. Cần tổ chức đấu thầu đơn vị phá dỡ công trình, việc này rất đơn giản chứ không thể chỉ định rồi giao khoản kinh phí lớn như vậy.
(CAND)

Không có nhận xét nào:

Trang