19 tháng 5, 2013

Dự án lọc dầu 27 tỷ USD: Cần cẩn trọng, tránh “kết thúc không có hậu"


Dự án lọc dầu của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan có quy mô đầu tư tới 27 tỷ USD đem lại nhiều hi vọng cho người dân tỉnh Bình Định, tuy nhiên, cần phải xem xét kỹ, tránh “kết thúc không có hậu” giống như hàng loạt dự án FDI “khủng” trong thời gian qua ở VN.
Tầm vóc lớn lao của Dự án mang lại nhiều hy vọng, cũng như đòi hỏi những sự thận trọng cần có từ các bên và các khía cạnh có liên quan. 
Dự án 27 tỷ USD: Khả thi hay không?
Có thể nói, đây là một trong các sự kiện mới và quan trọng trong số các động thái thu hút FDI nói chung và FDI vào ngành dầu khí nói riêng của Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo đánh giá sơ bộ, Dự án có quy mô đầu tư tới 27 tỷ USD, thuộc “Top khủng” nhất trong số các dự án FDI từng đăng ký ở Việt Nam và sẽ là một trong sáu tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất trên thế giới, với công suất 30 triệu tấn dầu thô/năm, gấp gần 5 lần công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay. 
Hơn nữa, Dự án dễ tính tới mức có thể “xài” đa dạng dầu thô nhập từ các nguồn cung khác nhau trên thế giới, chứ không “kén cá chọn canh” chỉ với một loại dầu thô chất lượng cao cấp nào.

Bình Định tin tưởng dự án "siêu lọc, hóa dầu" 27 tỷ USD sẽ triển khai tại Khu kinh tế Nhơn Hội trong tương lai gần.

Nếu mọi việc "xuôi chèo mát mái", hoạt động và tác động lan tỏa của Dự án sẽ góp phần giảm bớt đầu tư công trong ngành hóa dầu, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, trong đó có đầu tư công, theo đúng hướng trên phạm vi quốc gia, ngành, cũng như trên địa bàn tỉnh Bình Định và vùng xung quanh; đặc biệt, góp phần định hình một vùng công nghiệp hiện đại, tổ hợp mới các nhà máy lọc hóa dầu và các ngành công nghiệp phụ trợ hóa dầu có tầm quan trọng quốc gia và khu vực.
Bên cạnh đó, Dự án sẽ như một minh chứng tiêu biểu củng cố và làm khởi sắc lòng tin về môi trường đầu tư của Việt Nam. 
 Hy vọng vào tính khả thi của Dự án được bảo đảm bởi vị thế và danh tiếng chuyên nghiệp, cũng như sự khảo sát thực tế kỹ trước khi quyết định đầu tư của PTT-Tập đoàn hàng đầu Thái Lan, được tạp chí Fortune xếp hạng lớn thứ 95/500 tập đoàn, công ty lớn nhất thế giới năm 2012, với tổng doanh thu ngót 80 tỷ USD và lợi nhuận đạt hơn 3,4 tỷ USD, vượt xa so với vị trí 128 năm 2011. Đồng thời, dược củng cố bởi một số cam kết tài trợ vốn cho Dự án từ ngân hàng, cụ thể là HSBC. 
Ngoài ra, tỉnh Bình Định đã sẵn sàng cung cấp cho Dự án mặt bằng rộng hơn 2.000 ha “đất sạch”, giá thuê chỉ 15-20 USD/m2 /năm và đã có cơ sở hạ tầng dùng chung cần thiết, với cảng biển Quy Nhơn có thể tiếp nhận tầu tới tải trong 5 vạn tấn và PTT đã tính tới khả năng xây dựng cảng biển chuyên dùng bán đảo Phương Mai.

Nếu thủ tục đầu tư thuận lợi, việc PTT dự định sẽ tiến hành khởi công xây dựng Dự án vào quý 1/2016 sẽ là sự bổ sung tốt cho triển khai quy hoạch ngành hóa dầu trong thực tiễn, tạo xung lực mới phát triển chung cho đất nước và địa phương trong giai đoạn tới. 
 Vì vậy, theo Bộ Tài chính, trước thực tế trì trệ, chậm và mãi chưa triển khai của nhiều “dự án treo” đã có trong quy hoạch, cần đánh giá lại tổng thể tiến độ, tính khả thi của các dự án lọc hóa dầu đã phê duyệt/cấp phép. Nếu Dự án chứng minh được tính khả thi, tiến độ hoàn thành sớm hơn các dự án khác đã được cấp phép, phê duyệt, có lợi thế cạnh tranh hơn, thì nên xem xét, phê duyệt… 

Cần cẩn trọng, tránh “kết thúc không có hậu”
 Tuy nhiên, sự thận trọng luôn là không thừa trong bối cảnh nhiều áp lực và khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới hiện nay, cũng như trước những bài học còn nóng hổi về sự trì trệ và “kết thúc không có hậu” của hàng loạt dự án FDI “khủng” trong thời gian qua ở Việt Nam.
 Trước hết, các bên liên quan cần có sự giải trình, thẩm định và làm rõ nhiều nội dung cần thiết, như: Năng lực tài chính của nhà đầu tư, tổng mức đầu tư và tiến độ thực tế dự án; cơ cấu  nguồn vốn và nguồn cung cấp dầu thô dài hạn, cam kết tham gia của đối tác Việt Nam, của đối tác cung cấp dầu thô; sự đa dạng và cân đối cung-cầu sản phẩm lọc - hóa dầu và phương án tiêu thụ các sản phẩm trong nước và xuất khẩu để bảo đảm hài hòa lợi ích, tránh làm tổn hại lợi ích chung kinh tế-an ninh cho đất nước và gây rủi ro chính sách cho các dự án đã và đang triển khai theo quy hoạch; các hạng mục công trình hạ tầng liên quan cần thiết, như đê, kè chắn sóng biển; các thông số về nguồn, trình độ công nghệ và nhân lực có liên quan…
 Hơn nữa, sự phù hợp quy hoạch ngành (kể cả ảnh hưởng mức độ khoảng cách cũng như mức độ an toàn đến các dự án công nghiệp cận kề), cơ chế đại diện và quản lý hoạt động của chủ đầu tư và các bên liên quan trong Dự án cũng cần được luận chứng bảo đảm cơ sở khoa học, phù hợp thực tế và yêu cầu pháp lý cao nhất.
 Ngoài ra, còn cần đánh giá đầy đủ và khoa học các hiệu quả kinh tế-xã hội và tác động môi trường tổng hợp của Dự án, cũng như đánh giá cả tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động lâu dài và yêu cầu phát triển bền vững của Dự án. 
 Đặc biệt, nếu như phương án nhập khẩu dầu thô (45% từ Trung Đông, 25% từ châu Phi, còn lại từ châu Mỹ) và xuất khẩu phần lớn sản phẩm, chủ yếu sang Trung Quốc và Nhật Bản, dường như được coi là điểm hấp dẫn mạnh nhất của Dự án; thì ngược lại, phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư, mà theo đó chủ đầu tư PTT chỉ chiếm 1/3, còn 1/3 từ các nhà cung cấp dầu thô chiến lược và phải vay tới khoảng 50-60 % tổng mức đầu tư lại là điểm yếu nhất của Dự án, vì làm tăng sự băn khoăn và nghi ngại về năng lực tài chính thực sự của chủ đầu tư và độ rủi ro tài chính, cũng như tạo áp lực tăng nợ công có thể của Dự án; nhất là khi đối tác Việt Nam được mời tham gia đóng góp tới 1/3 tổng mức đầu tư của Dự án lại không hào hứng và cũng gặp áp lực riêng về vốn…. 
Về nguyên tắc, cân nhắc kỹ và xử lý hài hòa các lợi ích, nhất là vấn đề năng lực tài chính và cơ cấu vốn, cơ chế quản lý và thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó ưu tiên cao nhất lợi ích quốc gia theo yêu cầu phát triển kinh tế bền vững và cam kết hội nhập quốc tế, sẽ là một trong những điểm mấu chốt nhất để Dự án được thông qua và có tính khả thi cao trên thực tế.

Minh Phong - Quỳnh Chi



Không có nhận xét nào:

Trang