Ngày … tháng … năm …Hôm nay là ngày cưới
của mình, cái ngày mà cánh đàn ông vẫn lén lút than thở với nhau là ngày “vơ
lấy tội”.
Nhật ký của một ông bố
Nhân ngày của cha 20/6, một ông bố trẻ đã
gửi đến những trang nhật ký kể về những trải nghiệm trong lần đầu làm cha của
mình.
Ngày...
Cô ấy có bầu. Tôi hầu như không có cảm giác
lâng lâng cho dù hơn 1 tháng nữa chúng tôi đã làmđám
cưới. Không biết cô ấy nghĩ gì khi quyết định đi phá thai, còn
tôi đồng ý vì thực sự không muốn cô ấy yếu thế khi bước về nhà tôi.
Hai đứa như mộng du vào bệnh viện Phụ sản.
Nhưng tôi không thể chịu nổi khi từ trong nhà xe bước ra nhìn thấy cô ấy thật
mong manh dưới tán cây phượng vĩ. Tôi cầm tay cô ấy “Anh xin lỗi em! Nhưng em
có thể vì anh mà giữ con không?”.
Và cô ấy, không cần biết mọi người đang
nhìn chúng tôi đã ôm chặt lấy tôi và nói “Cám ơn anh! Nếu em bước ra khỏi phòng
ấy thì không bao giờ còn yêu anh nữa”.
Hai đứa chở nhau đi ăn phở gà. Cô ấy thèm
ăn trứng vịt lộn nên ăn thêm 2 quả trứng nữa. Tôi thực sự thấy đã cưới cô ấy từ
lúc ấy.
Tôi thực sự thấy đã cưới cô ấy từ lúc ấy...
Ngày...
Hơn 1 tháng trước ngày cưới, sáng nào chúng
tôi cũng gọi điện cho nhau lúc 3 giờ sáng. Đó là lúc cô ấy bị nôn. Cô ấy bật
máy cho tôi nghe trọn 10- 15 phút ruột gan cô ấy như lộn hết cả lên vì nghén.
Nhưng ngay sau đó chúng tôi có thể nói chuyện với nhau như không hề có chuyện
gì xảy ra. Tôi thực sự thấy hai con người ấy quan trọng bậc nhất với tôi.
Cô ấy có bầu trông đẹp rực rỡ
Ngày...
Cô ấy có bầu 2 tháng trông đẹp rực rỡ. Ai
cũng khen cô dâu xinh đẹp và tràn đầy sức sống. Nhưng tôi cảm thấy đám cưới của
mình đặc biệt hơn vì có sự tham gia của nhóc con. Ánh mắt tôi luôn nhìn xuống
bụng cô ấy. Thỉnh thoảng tôi không thể ghìm được ghé xuống tai cô ấy hỏi nhỏ
“Con có làm em mệt không?”. Đối với tôi giờ đây, hai mẹ con cô ấy là máu thịt.
Ngày...
Kể cả khi tôi bị ngã cành ổi gãy tay, vô
cùng đau đớn, kể cả khi tôi bị cắt amiđan “sống” tại bệnh viện thì cũng không
thấy thời gian trôi chậm như lúc cô ấy vào phòng sinh.
Cô ấy bị cạn ối nên phải mổ. Chỉ mất có 30
phút. Vậy mà không gian gần như ngưng lại xung quanh tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn
nghẹn ngào khi nhớ về lúc được một y tá dắt tay vào phòng mổ ôm
con và nắm tay cô ấy. Chúng tôi không chụp được bức ảnh ghi lại khoảnh
khắc ấy nhưng nó ở trong tim tôi.
Con tôi thơm một cách kỳ lạ
Ngày...
Con tôi thơm một cách kỳ lạ. Lúc mới chào
đời nó nhăn nheo và đen lắm, vậy mà về nhà, nó trắng trẻo và rất hay cười. Tôi
thấy nó giống cô ấy ở cái điểm rất chiều mọi người. Giữa đêm, bạn tôi đến chơi,
có dựng nó dậy thơm hít nó cũng cười khanh khách rồi lại lăn ra ngủ tiếp. Tôi
không hề thấy lóng ngóng khi ôm con bé bỏng vào lòng. Hình như tôi sinh ra để
làm bố.
“Thuốc tiên”
Khi nghe mọi người nói “nhớ con hơn nhớ vợ”
tôi đã không tin. Tôi cho rằng đó là cách nói đùa, nói khác đi điều mình nhớ.
Nhưng đến giờ tôi thấy rằng đó là điều hoàn toàn đúng.
Quả tình khi đi công tác, tôi thấy nhớ con
hơn. Có nhiều lúc tôi tự lý giải một cách khôn khéo rằng: Đứa con là cơ sở để
tôi lưu tâm thường xuyên tới vợ. Vợ và con trong mối liên hệ tình cảm của tôi
luôn gắn với nhau.
Tôi nhớ con để nhớ vợ và nhớ vợ vì nhớ con
Tôi nhớ con để nhớ vợ và nhớ vợ vì nhớ con.
Tuy nhiên dù lý giải thế nào đi nữa thì với tôi, tôi vẫn cảm thấy nhớ con nhiều
hơn.
Tôi nhớ năm con trai được 2 tuổi, tôi được
cơ quan cử đi học ở nước ngoài. Nhớ vợ nhớ con lắm nhưng chỉ có cách viết thư
gửi về vì ngày đó việc liên lạc bằng điện thoại không dễ như bây giờ và cũng
chưa có sự phát triển của internet. Thời gian đầu buồn lắm, tôi viết thư về
liên tục và chỉ mong nhận được hồi âm từ vợ con, nhưng thường phải chờ khá lâu.
Một lần tôi ốm, mệt mỏi vô cùng. Không ngờ,
tôi nhận được một bức thư của vợ, kèm theo đó là một bức tranh con trai vẽ. Con
vẽ cảnh cả gia đình quây quần cùng nhau bên một ngôi nhà gần biển. Con vẽ tôi
đang chơi đùa cùng cháu với nụ cười hạnh phúc trên môi với những nét chữ nguệch
ngoạc “con yêu bố”.
Con đã nhìn tấm ảnh của tôi gửi về để vẽ
bố. Phải công nhận rằng rất giống tôi. Và tôi hiểu được mình luôn ở trong lòng
con dù chúng tôi không ở gần nhau. Niềm hạnh phúc, bình yên dâng lên trong lòng
tôi. Tôi đã vượt qua trận ốm đó thật nhanh chóng...
Nhật kí của một chàng trai mới lên chức
chồng
Ngày … tháng … năm …
Hôm nay là ngày cưới của mình, cái ngày mà
cánh đàn ông vẫn lén lút than thở với nhau là ngày “vơ lấy tội”.
Nhìn nụ cười rạng rỡ trên môi vợ sao mình
lại thấy rờn rợn trong người. Ánh mắt vợ nhìn mình như nhìn con cá nằm trên
thớt chỉ biết giãy giụa trong vô vọng. Bàn tay cô ấy mọi ngày mềm mại là thế,
hôm nay sao cứng như gọng kìm? Cảm giác bị còng số 8 còng vào tay chắc cũng chỉ
đến thế này mà thôi.
Ngày … tháng … năm …
Buổi sáng của ngày đầu tiên mình lên chức
chồng, vợ đánh thức mình bằng một nụ hôn ngọt như mật. Mình vừa hát vừa nhảy
chân sáo vào nhà tắm.
Từ nhà tắm ra đã thấy vợ bưng bát bún đang
bốc hơi nghi ngút. Mình chạy vội ra đỡ giúp. Hạnh phúc quá, trái tim mình rung
rinh suýt nữa thì sóng cả nước bún ra ngoài.
Nhìn vào bát mà vợ gọi là bún mọc, mình chỉ
thấy ít thịt băm mà có lẽ vợ đã cố bắt chúng dính lại với nhau thành hình tròn
nhưng chúng nhất định không chịu nghe lời.
Buối tối, vợ lại tiếp tục đãi mình món thịt
kho tàu màu đen hơn mực, món cá rán khét mù cả nhà. Mình mà không chạy vào
nhanh cứu sống cái cháo cá rán của vợ thì nó đến cháy thành than mất.
Trước đây, mình đã có lần hỏi vợ có biết
nấu ăn không. Một thằng đàn ông đang bị tình yêu làm mờ mắt nghe thấy vợ ngượng
ngùng nói “Có” cũng chẳng chút nghi ngờ.
Bây giờ thì hệ tiêu hóa của mình, từ răng,
lưỡi cho đến dạ dày đều lĩnh đủ. Chắc đến phải nhắc khéo vợ về học phụ mẫu đại
nhân một lớp nấu ăn thôi. Chỉ dám nhắc khéo thôi đấy, không thì lại ăn đủ hơn
với trận mưa nước mắt.
Ngày … tháng … năm …
Sau mỗi bữa ăn thảm họa đó, vợ mình lại
cười đầy tình tứ bảo mình: “Chồng rửa bát giúp vợ nhé! Vợ đi tắm đây!”. Mình
chả kịp nghe thấy vế trước, trong tai chỉ đọng lại vế sau với từ “tắm” vợ cố ý
nhấn mạnh.
Trong lòng mình vui hơn hớn ngóng theo bước
chân vợ vào nhà tắm, nghe tiếng vợ xả nước rồi để đầu óc tưởng tượng ra đủ thứ
linh tinh...
Khi nhìn lại mâm bát ngổn ngang mới ngã
ngửa: “Ôi thôi, mắc mưu rồi!”. Thế là từ đó, mình nghiễm nhiên trở thành chân
rửa bát trong nhà.
Ngày … tháng … năm …
Dạo này đi đâu ai cũng vỗ vai mình bảo:
“Lấy vợ xong sướng nhé! Có người phục vụ rồi!”.
Nhưng chuyện đó đâu có ai ngờ! Sáng nào
mình cũng xung phong dắt xe ra cho vợ vì sợ đôi giày cao gót làm vợ ngã thì
khổ. Vợ lau nhà, mình phải xách nước cho vợ rồi loanh quanh cổ vũ để vợ khỏi
tủi thân.
Vợ giặt quần áo xong, mình liền bê lên sân
thượng giúp vợ chẳng để vợ phải mở miệng nhờ. Đôi khi vợ làm thêm giờ, vợ gửi
mail cho mình những thứ cần mua để mình đi chợ thay vợ. Thế mà mình vẫn phải
vui vẻ đồng ý đấy, có trốn được đâu!
Chả bù cho ngày xửa ngày xưa, lần nào đến
chơi nhà mình vợ cũng phăm phăm đi dọn nhà. Mình lớ rớ vào là vợ đẩy ra ngay:
“Anh cứ để đấy cho em!”. Hỡi ôi nhân tình thế thái!. Lòng dạ đàn bà sao thay
đổi nhanh quá vậy?
Ngày … tháng … năm …
Hôm nay mình mới phát hiện ra, vợ mình đích
thị là chuyên gia lừa đảo.
Hồi còn yêu nhau, mình đi nhậu với bạn say
bí tỉ, vợ phi ngay đến chăm sóc mình, pha nước chanh cho mình uống, lấy khăn
mặt lau mồ hôi cho mình, còn dịu dàng tỉ tê: “Anh uống nhiều quá rồi đấy!”.
Hôm sau tỉnh rượu, mình xin lỗi, hứa hẹn sẽ
bỏ nhậu nhẹt. Lúc ấy nàng còn nhìn mình với ánh mắt đầy yêu thương, cất giọng
ngọt ngào: “Đàn ông thì phải có bạn bè và các mối quan hệ xã hội, cho nên
chuyện nhậu nhẹt là không thể tránh khỏi. Em không cấm cản chuyện đó đâu, em
hiểu mà. Chỉ hy vọng anh uống có chừng mực để giữ gìn sức khỏe thôi!”.
Khỏi phải nói lúc ấy mình cảm động đến thế
nào. Đốt đuốc đi đâu tìm được một người phụ nữ biết thông cảm và sẻ chia như
thế chứ? Giây phút ấy, mình đã quyết định vợ mình là đây chứ không phải là bất
kì ai khác.
Nhưng, lấy nhau rồi, lần đầu tiên mình say
rượu về nhà, vợ đã cấu cho mình tím hết 2 cánh tay. Vợ vừa dọn bãi chiến trường
của mình vừa ra tối hậu thư: “Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất đấy chồng
nhé!”.
Lần thứ 2 mình xin
phép vợ đi nhậu, cứ 10 phút vợ lại nháy máy một lần làm mình
ngồi cũng nóng mông không yên, đành phải cáo lỗi về sớm. Về nhà, thấy vợ nước
mắt đầm đìa bên mâm cơm dọn sẵn, nhất quyết nhịn đói chờ chồng về. Thế này thì
ai còn dám đi nhậu nữa hả vợ?
Ngày … tháng … năm …
Giờ mình phát hiện ra từ khi lấy vợ, mình
là người đàn ông đa-zi-năng thật. Mình vừa là chân sai vặt cho vợ, vừa là khăn
bông thấm nước mắt (và cả nước mũi) mỗi khi vợ khóc vì xem... phim Hàn Quốc.
Mình còn là xe ôm không công cho vợ khi vợ
muốn đi thăm mấy cô bạn thân. Mình là cửu vạn miễn phí khi cuối tuần phải tay
xách nách mang một lô một lốc đồ vợ mua ở siêu thị.
Không những thế, đêm nằm ngủ mình sẽ trở
thành cái gối ôm cho vợ, cánh tay mình mỏi nhừ vì cả đêm vợ đòi gối đầu ngủ. Có
khi mình còn thành cái gối gác chân nữa. Có đêm nằm mơ bị cây gỗ đè lên người,
vùng vẫy tỉnh dậy mới tá hỏa khi cặp đùi của vợ đang ngự trên bụng mình.
Soi vào gương, mình không còn nhận ra anh
chàng đẹp trai, lãng tử, thu hút bao sự ngưỡng mộ của các cô gái thuở nào nữa
rồi!
Ôi cuộc đời, đây mới là kiếp "chồng
son" thôi đấy, khi hết son thì sẽ thế nào đây???
Nhật ký của một ông chồng
Những ngày mới cưới:
.... Ngày... tháng... năm... Quả thực mình
là người có con mắt tinh tế, biết chọn vợ. Em “iu” của mình lúc nào cũng dịu
dàng,
nấu ăn tuy không chuyên nghiệp nhưng cũng
khá đảm đang hơn nhỏ ôsin nhà chị Tám. Vợ “iu” cũng ngoan ra trò, biết nghe
lời, lại ít khi gây sự với mẹ chồng.
.... Ngày... tháng... năm... Lấy nhau rồi
mà tính khách sáo của vợ yêu vẫn chẳng thay đổi. Mình mua cho chiếc áo hay đôi
giày mà vợ cứ từ chối nhận, kêu tốn tiền, cảm ơn, nghe cứ như người xa lạ. Mình
mắng yêu thôi mà mắt cũng rơm rớm, thiệt đáng yêu!
Cưới được vài năm:
.... Ngày... tháng... năm... Từ ngày có
nhóc Bi, vợ càng ngày càng khó tính. Hình như nhóc Bi lấy hết sự dịu dàng và nữ
tính vốn có của vợ rồi thì phải. Ta nghi nhóc Bi sau này sẽ bị “gay” quá.
Hic...
.... Ngày... tháng... năm... Ta nói với vợ
nghi ngờ của ta về nhóc Bi thì bị đốp chát “Có ông bị gay thì có! Lắm mồm. Im
ngay cho tui nhờ!”. Ta đành ngậm miệng lại rồi lủi thủi xuống nhà đi làm nhiệm
vụ của một thằng chồng ôsin. Hết lăn lộn dưới sàn nhà lau lau, chùi chùi, rồi
nấu ăn, giặt giũ... Tất cả những việc mà trước kia ta chưa từng động tới.
... Hơn chục năm sau:
.... Ngày... tháng... năm... Mụ già đáng
ghét đi sì-pa, sốp-ping với mấy bà trong xóm giờ này vẫn chưa chịu về ăn cơm,
làm ta đói muốn chết! Nhìn mâm cơm nguội dần, ta chỉ muốn đi
ăn “phở” cho rồi. Thằng Bi càng lớn, tính nết càng giống mẹ. Đúng là mẹ nào con
nấy!
.... Ngày... tháng... năm... Ta nghe lời mẹ
đưa đơn ly dị. Mụ la sát không thèm đếm xỉa, mụ bảo thích thì dọn ra ngoài mà
ở, rồi xé tờ đơn ly dị cái “roẹt”. Làm ta tức anh ách mà cũng đành bó tay. Mấy
lần đi qua kênh Nhiêu Lộc, ta tính đứng đó ngửi mùi thúi để mau chóng về với
ông bà ông vải cho nhẹ nhàng, nhưng thúi quá, ngửi không đặng! Đúng là ta đã
lầm khi đã trót cưới vợ. Ta thề kiếp sau ở giá cho mấy nhỏ... thèm chơi!
Nhật ký một ông chồng công chức
"7 giờ sáng: Mình mở mắt tỉnh giấc vì
những tiếng léo nhéo vọng qua cửa sổ. Tiếng gì ấy nhỉ? À, trẻ con đi học. Ôi,
tại sao đi học sớm thế mà bao nhiêu năm qua chúng nó không chết? “Thuở còn thơ
sáu giờ sáng đến trường”. Nghĩ lại thấy khiếp thật. Rõ ràng mình chỉ là công
chức quèn, không thể thành kẻ đánh thức toàn nhân loại vì muốn vậy phải dậy
trước họ. Ngủ thêm chút nữa. Mặc kệ. Đời đằng nào cũng có quá nhiều đau khổ
rồi. Nằm trên giường suy nghĩ: thế nào là tình yêu? Thế nào là cuộc sống? Thế
nào là đồng lương?
7 giờ 30: Uể oải xỏ dép xuống giường. Lảo
đảo đi xuống bếp. Cái gì trên bàn thế kia? Mì xào? Đúng, lại mì xào. Mình rên
lên, ngã vật xuống ghế. Mình đọc báo mạng, thấy gần đây có những bà vợ giết
chồng bằng cách đốt. Vợ mình dã man hơn, giết chồng bằng mì xào. Chả lẽ cuộc
đời không còn gì để xào nữa hay sao? Ngồi xuống ăn, nước mắt cứ chực tuôn ra.
Nhai sợi mì như nhai cơm. “Ai bảo chăn trâu là khổ?”, làm công chức khổ hơn
nhiều. Đang nhai thì thằng con vào, nhắc sắp đến ngày đóng học phí. Khỏi phải
nhắc, ta đang điên lên đây. Phải đập phá một cái gì, phải bóp nát cái gì. A,
quả chuối đây rồi. Bóp ngay!
8 giờ: Thắng bộ đi làm. Cũng comple, cũng
cà vạt như ai. Chỉ có cái bụng toàn mì xào rau là bí mật. Trời, hình như sắp
mưa. Nhưng mình không mang ô. Chớ đứa nào dám nói sáng vác ô đi tối vác về.
Dắt xe ra khỏi cửa, phóng từ từ đến công
ty. Đi đâu mà vội. Dù trời đất đổi thay thì công ty vẫn muôn đời còn đó. Ơ,
đằng trước có một em áo hồng. Mình lao lên, huýt sáo. Đời vẫn có niềm vui. Em
liếc sang cười. Mặt xinh nhưng răng to quá.
8 giờ 30: Đến cơ quan. Leo lên phòng, mở
cửa ra chả thấy ma nào. Biết ngay. Đành bưng bộ ấm chén hôm qua đi rửa. Pha trà
uống. Nhăn mặt. Trà công cộng có bao giờ ngon.
Anh em lục tục kéo vào. Hỏi nhau ầm ĩ. Đêm
qua “Bát xa” và “Rê an” ai thắng? Phải tìm cho ra kẻ thắng để trưa nay bắt nó
khao.
Có tiếng chuông reo. Mở điện thoại ra. Anh
đấy à? Cà phê không? Quán đầu đường. Cà phê thì cà phê. Việt Nam nằm trong top
đầu sản xuất cà phê thế giới, không uống thì dẫn đầu làm gì?
9 giờ: Ra quán ngồi. Thấy toàn “gương mặt
thân quen”. Không phải Mỹ Linh, không phải Phương Thanh mà toàn trưởng, phó
phòng. Tươi cười thông báo cho nhau: hôm nay sếp đi họp. Thế thì chúng ta cũng
họp. Sợ gì.
Anh em khoái cái quán này vì nó gần cơ
quan, khỏi phải gửi xe. Đời công chức ít vận động nên cần đi bộ nhiều. Thêm em
bưng nước rất xinh, này em, có muốn làm nhân viên tạp vụ không? Cũng bưng nước
thôi mà.
Bà con trò chuyện râm ran. Tình hình Trung
Đông. Tình hình Ấn Độ. Tình hình Triều Tiên. Tình hình cơ quan chả ai đả động
vì ai cũng hiểu quá rõ. Buồn và êm đềm. Nghèo và nhẹ nhõm. Chậm chạp mà thanh
thản.
10 giờ: Kéo nhau về cơ quan. Ai nấy ngồi
vào bàn, xem lại công việc hôm qua. Hôm qua thì xem lại công việc hôm kia. Lúc
nào chả bận.
Chợt một cậu chạy ào vào thông báo: hôm nay
thứ sáu, có quán mới khai trương giảm một nửa. Cả phòng kéo nhau đi giảm 1
nửa...
1 giờ chiều: Về công ty. Pha trà uống. Kẻ
khen rượu ngon. Kẻ chê thịt mèo nhạt. Riêng mình thấy rẻ là ok rồi...
1 giờ 30: Uống trà xong. Đóng các cửa
phòng. Nằm trên bàn. Lại suy nghĩ về tình yêu và cuộc sống. Thiếp đi...
2 giờ 30: Choàng tỉnh dậy. Lại ngồi vào
bàn. Xem lại những thứ đã làm buổi sáng. Lại pha trà uống cho tỉnh ngủ.
4 giờ: Chuẩn bị ra về. Thêm một ngày lao
động bền bỉ. Chuông điện thoại reo. Anh em gọi ra quán Bảy Mập. Dê ở đó khá
lắm. Nào đi. Dân chơi nào sợ mưa rơi".
Phương Đông (T.H)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét