Vì sao Việt Nam và một số nước châu Á nuôi
chó để thịt, trong khi nhiều nước châu Âu coi chó là “người bạn gần gũi của con
người”? Dưới đây là lý giải thú vị của một vị tiến sĩ Việt kiều.
Dù đã hơn 20 năm sống ở xứ
người và từ lâu tôi không còn ăn thịt chó nhưng
mỗi lần nhắc đến món ăn này là tôi nhớ ngay đến hai “câu hỏi khó”: 1/ Tại
sao người Việt Nam ăn thịt chó. Và 2/ Anh có ăn thịt chó
không?
Đó là hai câu hỏi GS Vlưchko Kultrev, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình
quốc gia Bungari, và là vị thầy hướng dẫn luận án của tôi, đặt ra với tôi. Cũng
phải nói rằng đây là hai câu hỏi “nhạy cảm” vượt qua nghi thức ngoại giao thông
thường giữa một người Âu vốn coi chó như bạn bè, và một người Việt với truyền
thống ăn thịt chó.
Thịt chó là món ăn giàu chất đạm, được
nhiều người Việt ưa thích
Trong bối cảnh khác
nhau giữa Á-Âu về văn hóa ứng xử với loài chó như vậy, lẽ tự nhiên là những câu
hỏi về món thịt chó của thầy tôi, phải nói thẳng là có ý kỳ thị người ăn thịt
chó. Điều đó như một thách thức đối với tôi lúc đó, buộc tôi phải tìm ra câu
trả lời thỏa đáng nhất có thể.
Chuyện đã lâu, tôi chỉ nhớ những ý đại khái về nội dung câu trả lời của tôi: .
. . Tôi từng ăn thịt chó. Cũng như đa số đồng bào tôi vẫn ăn thịt chó - một
thực đơn mang tính lịch sử.
Điều trước tiên tôi
muốn nói là giống chó nhà của người Việt là loại chó có thể trạng nhỏ bé, không
có sức vóc to lớn như các giống chó Tây. Đây chính là nguyên nhân của mọi
nguyên nhân mà chó ta, chó Tây, đều là chó, nhưng chúng được đối xử không giống
nhau: Một đằng là chó nuôi thịt, đằng kia chó là “người bạn gần gũi của con
người”. Vì sao vậy?
Cùng là loài vật nuôi được thuần dưỡng từ động vật hoang dã nhưng các giống chó
Tây vốn có thể tạng sức vóc rất to lớn, từ vài ba chục kg đến năm sáu chục kg,
thậm chí có loại còn to lớn hơn nữa. Với tầm vóc to lớn như vậy, các giống chó
Tây được sử dụng vào những công việc thích hợp trong quá trình phát triển của
đời sống của con người từ rất xa xưa đến nay.
Tuy trên thực tế ở châu Âu có rất nhiều giống chó khác nhau nhưng chúng vẫn được
gọi tên theo công việc mà chúng giúp đỡ con người, ví dụ: chó chăn cừu, chó
săn, chó kéo xe trượt tuyết, chó cứu hộ, chó bảo vệ, chó chiến đấu v. v. . .
Có thể thấy chó là con vật rất hữu dụng với con người, đặc biệt là đối với
người phương Tây. Từ chỗ là động vật hoang dã được con người thuần hóa, chó đã
trở thành trợ thủ giúp việc đắc lực cho con người từ thời rất xa xưa, dần dần
hình thành một quan hệ gắn bó, tình cảm giữa con người và vật nuôi. Đó cũng là
điều tất nhiên, dễ hiểu. Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy trong văn học
phương Tây (đặc biệt là truyện cổ tích), viết về thế giới động vật thì chuyện
về loài chó có vị trí đặc biệt vì tính hữu dụng và sự trung thành với chủ của
chúng. Có những chú chó đi vào lịch sử văn học, được mô tả như một đồ đệ sẵn
sàng hy sinh vì chủ, như làm hoa tiêu dẫn đường lúc tuyết phủ lấp mọi ngõ
ngách, cứu sống chủ bằng cách ủ ấm cho chủ trong một lần bị lạc giữa rừng sâu
băng giá v. v. . .
Về phương diện nào đó, quan hệ giữa người phương Tây với con chó cũng có nét
tương đồng với quan hệ của người Việt với con trâu - sức kéo, sức lao động rất
quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Người Việt vốn coi con trâu như bạn
bè: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy
cày vốn việc nông gia/ Ta đây, trâu đấy ai mà quản công”. . .
Từ đó có thể suy ra rằng, tính hữu dụng của chó là nguyên nhân căn bản đầu
tiên, bên cạnh những lý do khác, như sự trung thành, thông minh của giống vật
này để chúng không bị biến thành vật nuôi lấy thịt như giống chó ở Việt
Nam.
Trong khi đó, giống chó nhà của Việt Nam thường được gọi tên theo màu lông: Con
cún đen, con cún đốm, con cún vện, con cún vàng v. v. . . Đó là cách gọi có
chút âu yếm, và cũng chỉ có thế, vì ngoài chức năng nuôi lấy thịt thì chó nhà ở
Việt Nam may lắm là có thể dùng để trông nhà và đuổi gà cho chủ. “Gà
định vào vườn rau/ Chó bèn sủa gâu gâu/ Công lao người trồng trọt/ Vất vả đã
bao lâu. . .!” (Thơ trong sách bậc tiểu học của VN).
Sự “yếu kém” này của giống chó nhà Việt Nam là do chúng nhỏ bé hơn rất nhiều so
với giống chó Tây, trọng lượng trung bình của chúng chỉ độ vào khoảng mươi mười
lăm kg mà thôi. Kể cả giống chó săn của người Việt thì sức vóc cũng yếu, nên
sau này Việt Nam phải nhập từ châu Âu các loài chó phục vụ cho mục đích dân sự
hay an ninh-quốc phòng, như: chó săn, chó bảo vệ, chó cứu hộ, chó chiến đấu
(chủ yếu là giống chó Béc-giê của Đức).
Ngược với chó Tây,
loài chó đối với người Việt Nam nói riêng và với người châu Á nói chung, tuy
cũng là giống vật được thuần hóa nhưng tính hữu dụng của chúng không nhiều lắm,
ngoại trừ chức năng nuôi lấy thịt là chủ yếu. Vì sao vậy?
Trên đại thể mà xét, có thể nói khẩu phần thức ăn của người Việt có ít thịt hơn
khẩu phần ăn của người phương Tây. Nguyên nhân có thể là do Việt Nam nằm vào xứ
nóng, các loại động vật cung cấp nhiều thịt như dê, cừu không có nhiều, thậm
chí các loại động vật có khối lượng thịt nhiều như trâu bò chỉ được nuôi để
cung cấp sức cày kéo trong nông nghiệp là chính. Trong khi đó, các loại vật
cung cấp nhiều thịt này (cừu, dê, trâu, bò. . . ) lại rất phổ biến ở châu Âu.
Từ đó có thể suy ra việc người Việt nuôi chó thịt là đắc dụng, là đúng vì đây
là loại thịt cho nhiều đạm, bổ sung vào thực đơn vốn chủ yếu là cá và rau - một
thuộc tính của xứ nhiệt đới với thích hợp cho sự phát triển của các thảm thực
vật. Ngoài ra, chó là con vật dễ nuôi, không cần phải bỏ ra công sức chăm sóc
gì đáng kể. Trong tình huống như vậy, nếu người Việt không nuôi chó thịt mới là
lạ.
Như vậy, có thể nói “hiện tượng” người Việt ăn thịt chó âu cũng là chuyện tự
nhiên, có tính lịch sử lâu đời.
Về một phương diện khác, cũng không khó hiểu khi người đạo Hin-đu ở Ấn độ không
ăn thịt bò vì họ quan niệm bò là vật tổ (to tem giáo) của họ, hay như người Hồi
giáo không ăn thịt lợn vì theo quan niệm của bộ phận người này thì lợn là con
vật dơ bẩn, chứa nhiều tật bệnh. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà những người
không ăn thịt lợn hay thịt bò nói trên lại cho mình cái quyền được bài xích bộ
phận thế giới còn lại là đối xử man rợ, bất nhân với các loại động vật đó.
Tương tự, người Việt ăn thịt chó âu cũng không có gì đáng phải bàn, ngay cả
trong so sánh với người phương Tây là những người yêu quý giống vật này, vì mỗi
nơi có hoàn cảnh riêng biệt, cụ thể.
Trong giai đoạn hội nhập với thế giới bên ngoài, đặc biệt là với người phương
Tây, nơi coi chó là người bạn gần gũi của con người, người Việt đã và đang có
những thay đổi trong quan niệm về món thịt chó truyền thống. Biết đâu trong
tương lai sẽ không có món thịt chó trong thực đơn của người Việt.
Riêng cá nhân tôi, mỗi lần nhắc đến món thịt chó là tôi cứ phải nhớ lại những
“câu hỏi khó” của thầy tôi và câu trả lời của mình. Chuyện tuy nhỏ nhưng cũng
là một biểu hiện về ý thức ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân của một
người Việt sống ở nước ngoài như tôi.
TS. Phan Quốc
Linh (Bài gửi từ
CH Bungari)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét