12 tháng 5, 2013

Đám cưới rước dâu bằng... 20 con voi


Lần thứ hai tại huyện Lắk tỉnh Đắk Lắk, lễ cưới độc đáo với đoàn rước dâu di chuyển bằng 20 con voi diễn ra trước sự chứng kiến và cổ vũ nồng nhiệt của đồng bào các dân tộc bản địa.


Cô dâu của lễ cưới này là em ruột của cô dâu từng được về nhà chồng trên lưng voi lần thứ nhất.Nhân vật chính của buổi lễ là cô dâu Trà My (con gái ông Đàng Năng Long – người sở hữu nhiều voi nhất nước) và chú rể Trọng Bảo. Hiện tại, cả hai đều công tác tại TP HCM, Trà My làm kế toán ở công ty điện lực, còn Trọng Bảo là nhân viên ngân hàng.



Theo đó, nhà trai sẽ rước dâu từ huyện Lắk về TP Buôn Ma Thuột của Đắk Lắk với "đội ngũ" ô tô lộng lẫy. Còn tại huyện Lắk quê hương của nhà gái, đoàn rước dâu trên lưng voi sẽ diễu hành suốt quãng đường xuyên qua thị trấn.
Trưa 11/5, đám cưới được tổ chức trang trọng tại Buôn Lê (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) theo nghi lễ truyền thống người bản địa với 700 khách mời. Mở màn cho đám cưới là những âm thanh náo nhiệt của cồng chiêng thay cho tiếng pháo.


Đám cưới độc với 20 voi nhà rước dâu

Và giây phút được chờ đợi nhiều nhất có lẽ là màn rước dâu bằng voi dạo quanh thị trấn Liên Sơn. Cô dâu, chú rể mặc trang phục thổ cẩm đơn giản mà đẹp và lạ mắt, hạnh phúc vẫy chào công chúng đông đúc bên đường.
Trong lễ trao dâu tiễn con về nhà chồng, bà Nguyễn Thị Thu Ba (mẹ cô dâu) đã bện bộ vòng tay làm từ lông đuôi voi, đeo tặng con gái và con rể (mỗi người một chiếc), với mong muốn “trong cuộc sống luôn gặp may mắn, có sức khỏe và vợ chồng yêu thương son sắt trọn đời”.

Nghi thức đánh cồng chiêng trước lễ cưới


"Tôn vinh bản sắc"
Ông Đàng Năng Long chia sẻ: Trước đây, đám cưới được người dân nơi đây tổ chức rất đơn sơ ngay tại sân nhà, bà con đến dự mang con gà, bình rượu là xong. Nay, theo xu hướng hiện đại nên mình cũng thay đổi, cùng với các lễ cúng truyền thống, phải dựng rạp, dọn tiệc cho long trọng.
Rước dâu bằng voi còn để tôn vinh bản sắc văn hóa và nghề nuôi voi truyền thống của đồng bào bản địa Tây Nguyên. Mặt khác, voi cũng là thành viên trong gia đình nên việc cưới hỏi không thể thiếu voi được.
Trước ngày diễn ra tiệc cưới, gia đình đã tổ chức lễ cúng voi, báo cho voi biết tin vui con gái đi lấy chồng. Việc rước dâu bằng voi vừa thể hiện truyền thống, vừa là tâm nguyện của con gái được một lần ngồi trên lưng voi về nhà chồng. Nhiều hộ có voi cũng tự nguyện mang voi đến để chia sẻ niềm vui chung với gia đình.
Gia đình họ Đàng trên đất Tây Nguyên đã trải qua 3 đời nuôi voi. Từ đời ông nội Đàng Nhảy là đại gia voi trên đại ngàn, ông có 3 vợ, 11 người con. Trong 3 bà vợ thì bà ba tên Sao Thong Chăn – người Lào nổi tiếng hơn cả với nghệ danh “mỹ nhân buôn voi”.
Không chỉ buôn bán voi, ông Nhảy cũng thường tặng voi, mua voi làm quà ngoại giao.
Đến đời ông Đàng Năng Long, ông vẫn duy trì hoạt động nuôi voi kết hợp với du lịch sinh thái. Hiện nay, ông Long quản lý 9 con voi và mở Chi nhánh du lịch sinh thái Hồ Lắk do ông làm giám đốc.
Năm 2010, con gái đầu lòng của ông Long cũng về nhà chồng với lễ đưa dâu hoành tráng trên lưng 20 con voi.
Theo Quyền Nga – Kiến Hường 



Không có nhận xét nào:

Trang