11 tháng 5, 2013

79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương


Chưa có nghiên cứu nào cụ thể về thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhưng qua nghiên cứu, nhận thấy 79% CBCC có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương.


79% CBCC có thu nhập ngoài lương
Năm 2012, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới khảo sát gần 2.000 cán bộ, công chức (CBCC) ở 10 địa phương và 5 bộ, ngành.
Kết quả cho thấy, 79% CBCC trả lời có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, 20% không có và 1% không trả lời.

Trong số người có thu nhập ngoài lương, hơn 50% trả lời đó là tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp; hơn 60% có nguồn thu do tiết kiệm được các khoản chi theo định mức khoán; hơn 5% được chia từ các khoản hoa hồng hoặc quỹ riêng của đơn vị; gần 5% có nguồn thu ngoài lương từ khoản biếu, tặng; 40% có nguồn thu khác.

Về mức thu nhập ngoài lương, kết quả khảo sát cho thấy, 82,7% số người có khoản thu nhập ngoài thấp hơn 50% lương; 11,1% số người có thu nhập ngoài bằng khoảng 50% đến 100% tiền lương; 2,1% người có thu nhập ngoài cao hơn lương nhưng tối đa không quá 5 lần tiền lương; 0,2% số người thu nhập ngoài bằng 5 - 10 lần tiền lương. Số người có thu nhập ngoài cao hơn 10 lần tiền lương chiếm 0,2%. Có 3,6% số người không trả lời khi được hỏi về mức thu nhập ngoài lương.

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào cụ thể về thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhưng qua nghiên cứu, nhận thấy thu nhập ngoài lương của người có chức vụ, quyền hạn tăng và đến từ nhiều nguồn. Có cả những khoản thu nhập nhạy cảm, dễ liên quan đến tham nhũng...

Theo nhóm nghiên cứu, việc kiểm soát thu nhập của CBCC hiện còn nhiều bất cập, các biện pháp đang thực hiện thiếu sự gắn kết, thiếu tính đồng bộ. Mặc dù Nhà nước đã có một số quy định cấm sử dụng công quỹ để biếu xén, quy định về chi tiêu hội nghị, tiếp khách, mua xe ô tô, đấu thầu, công khai tài chính... nhưng còn thiếu biện pháp kiểm tra xử lý; nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc...

Nhóm nghiên cứu cho rằng, cùng với sự gia tăng tiền lương, thu nhập, nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát thích hợp đối với thu nhập của xã hội nói chung, đối với người có chức vụ, quyền hạn nói riêng. Cơ chế kiểm soát thu nhập phải được thể chế hóa bằng pháp luật và có chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 10 phương thức để kiểm soát.

50% công chức vô dụng

Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa những nhận định của một số người có uy tín về chất lượng công chức. Đặc biệt từ sau ý kiến "chạy công chức 100 triệu" của ông Trương Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.Hà Nội - Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Sở Nội vụ Hà Nội lại cho biết “chưa tìm ra dấu hiệu dùng tiền chạy thi công chức”, dù có phát hiện những sai phạm nhưng chỉ do “nhờ vả” trong quá trình thi cử.

Tiếp theo đó, đánh giá về năng lực công chức của đơn vị mình, ông Trương Trọng Dực cũng cho biết, có khoảng 30% số công chức làm việc tốt, 35% số công chức viên chức khá và trung bình; số còn lại chưa yên tâm khi giao công việc. Ông Dực cũng cho rằng, đây là “tồn tại lịch sử” khi có đến 20 - 30% số công chức đang hưởng lương nhà nước nhưng không đáp ứng được công việc nhà nước giao.

Không chỉ công bố của riêng đơn vị trên, tại phiên họp thứ sáu của UBTVQH khóa XIII diễn ra ngày 26/3, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), dẫn ra kết quả điều tra tại một số tỉnh phía nam, phát hiện hơn 200 cán bộ ở cơ sở thuê người học hộ, thi hộ và kết quả của một khảo sát chưa đầy đủ cho thấy chỉ có khoảng 30% số cán bộ sau tuyển dụng làm được việc, 30% phải “cầm tay chỉ việc”, hơn 30% còn lại “cầm tay chỉ việc” vẫn không biết cách làm. Trước những con số như vậy, cho thấy bộ phận không nhỏ này chiếm đến hơn 30%. Nhà nước phải bỏ tiền ra nuôi 30% trên tổng số 22 triệu người hưởng lương ngân sách. Tương đương 6.600.000 người.

Phó trưởng ban Dân vận TƯ Nguyễn Thế Trung đánh giá, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước thì đến nay vẫn chưa ai thống kê được tỷ lệ bao nhiêu người làm việc thực sự, có hiệu quả, bao nhiêu nằm ở bộ phận “chỉ giữ chỗ ăn lương”, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”.

Ông Trung cho biết, có người lạc quan đánh giá tỷ lệ cán bộ làm việc thực sự khoảng 70-80% nhưng người bi quan hơn cho rằng tỷ lệ người làm “gánh” cả phần người ngồi chơi là 50-50.

Ngay sau đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều tra hiện tượng trong bộ máy có tới 30% số công chức làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi tối cắp về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào.

Sau đó, ngày 26/3/2011, tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội, thông tin này đã được đưa ra chất vấn về vấn đề tuyển dụng công chức đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Ông  Hoàng Quốc Long, Phó vụ trưởng công chức viên chức (Bộ Nội vụ) cho rằng, con số này cần phải bàn thêm chứ không nên "võ đoán". Theo ông Long, "một cơ quan cũng như một cỗ xe, có những bộ phận các đồng chí tưởng không quan trọng nhưng nó là cấu thành của một cỗ máy. Nếu cắt 30% thì cỗ máy không hoạt động được”.

Như vậy, cho đến giờ phút này, chuyện “chạy công chức không dưới 100 triệu” hay “30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vẫn chỉ là thông tin võ đoán và cảm tính, bởi chưa có ai bị “vạch mặt chỉ tên”.

10 năm cải cách hành chính thất bại

Tại hội nghị giao ban giữa lãnh đạo Hà Nội với các sở ngành, quận huyện tuần qua về công tác cải cách hành chính và mổ xẻ chuyện Hà Nội tụt 15 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh câu chuyện mà chính ông Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị kể lại đã chứng minh một thực tế đau lòng: chất lượng đội ngũ công chức đang đi xuống thê thảm hay họ đang vô trách nhiệm quá mức.

Ông Phạm Quang Nghị kể câu chuyện điển hình của sự ì ạch, thiếu trách nhiệm với công việc, đó là để thảo một lá thư cảm ơn nước bạn Lào nhưng hai cơ quan là Văn phòng UBND TP và Sở Ngoại vụ phải làm suốt... 29 ngày mới xong!

Trao đổi với báo Đất Việt,  PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho biết, nếu chỉ để soạn một bức thư cảm ơn mà mất tới 29 ngày thì cần phải xem lại ở tất cả các khâu. Tuy nhiên, điều này một mặt cũng thể hiện vấn đề năng lực kỹ năng giải quyết quá yếu. Nếu không nâng cao chất lượng sẽ không đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính.

TS Tri còn nêu một thực tế, tình trạng bộ máy của chúng ta cứ thấp dần đều. Lý do là vì tâm lý một ông trưởng phòng sẽ không bao giờ chọn một ông phó giỏi hơn mình. Tương tự, ông phó phòng lại chọn người dưới quyền kém hơn mình nữa. Như vậy nếu lên sơ đồ thì sẽ thấy chất lượng cứ giảm dần. ‘Cứ tình trạng này thì chỉ số năng lực cạnh tranh tụt còn là nhẹ’, TS Tri thẳng thắn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhận định: ‘Chúng ta đang nỗ lực cải cách hành chính nhưng kết quả của 10 năm qua coi như thất bại và công cuộc đào tạo, cải cách chất lượng công chức đang bị lệch mục tiêu’.

Xuân Tùng (Tổng hợp)
  



Không có nhận xét nào:

Trang