13 tháng 5, 2013

Những công chức “đeo ba lô ngược” vì nhậu


Ăn nhậu nhiều, có ngày nhậu liên miên vài bữa liền, không ít công chức đã “đeo ba lô ngược” vì bụng quá phệ. Đi kèm đó là vô số bệnh chuyển hóa mà những người làm công chức mắc phải do ngồi nhiều, ít vận động, nhậu nhẹt triền miên, ...

Không nhậu không được?

Một bệnh nhân (công tác trong một cơ quan nhà nước) vào khám tại BV Hữu nghị Hà Nội trong tình trạng bị đau, viêm loét dạ dày nặng. Người đàn ông này năm nay 52 tuổi, có tiền sử bị đau dạ dày, nhưng do sử dụng rượu bia nhiều nên dù có uống thuốc thì bệnh dạ dày cũng không thể đỡ được.
Do đặc thù là bệnh viện khám chữa bệnh cho các cán bộ nên các bác sỹ ở bệnh viện Hữu nghị gặp khá nhiều các trường hợp tương tự.

Công chức Hà Nội và TP HCM bị thừa cân, béo bụng nhiều nhất  
Bệnh nhân trên thừa nhận với bác sỹ là có sử dụng rượu bia trong khi đang điều trị bệnh đau dạ dày. Nhưng khi được bác sỹ hỏi tại sao không ngừng uống bia, người bệnh cho biết: “Không nhậu thì không được, làm nghề này không đi ăn uống tiếp khách thì không thể làm việc được” (!?)
Bệnh nhân này hầu như ngày nào cũng đi uống bia sau giờ làm việc, trước đây thì buổi trưa cũng không ngoại lệ. Kể từ khi có quy định cấm uống rượu, bia buổi trưa, các cuộc nhậu hầu như toàn diễn ra vào cuối ngày, có lúc ông còn phải “chạy sô” vì có nhiều cuộc diễn ra cùng lúc, cuộc nào cũng “khó từ chối” vì “từ chối thì mất hết quan hệ”!
Một bác sỹ công tác tại bệnh viện này cho biết việc hỏi han về nhân thân, thói quen của những bệnh nhân “cán bộ” này rất tế nhị. Nhưng quá trình làm việc ông đã tiếp xúc với rất nhiều người làm tại các cơ quan Nhà nước, thậm chí ở vị trí “trụ cột” trong cơ quan. Và ông kết luận: “Thuốc lá họ cũng hút nhiều, nhưng chưa nhiều bằng việc uống rượu bia”.
Có những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, chống chỉ định của bệnh tim mạch là hút thuốc, uống rượu nhưng bệnh nhân không chịu nghe, thuốc lá cũng có dùng nhưng rượu bia là chính.
Để “giải rượu” và giữ sức cho những cuộc nhậu lâu dài về sau, nhiều bệnh nhân còn tự ý tìm và sử dụng các loại thực phẩm chức năng để giải độc cho gan đang được quảng cáo rầm rộ trên các kênh truyền hình và báo chí, mạng internet.
Chỉ đến khi có vấn đề về sức khỏe, không thể chịu đựng được thì họ mới tìm đến các bệnh viện để giải quyết hậu quả. Tuy nhiên, rất ít người có thể “cai” rượu để điều trị bệnh, lý do mà bệnh nhân đưa ra là công việc “yêu cầu” phải như vậy!
Công chức Hà Nội và TP.HCM thừa cân nhiều nhất
Quá cân là tình trạng phổ biến nhất của các công chức vào khám ở bệnh viện này. Do ăn uống quá đà, nhậu nhẹt triền miên, những công chức này rơi vào tình trạng béo phì, thừa cân, sức khỏe giảm sút rõ rệt, ...
Tại hội thảo về bổ sung chất xơ trong sản phẩm dinh dưỡng cho người thừa cân, béo phì diễn ra ngày 5/10/2011 tại Hà Nội, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm cho biết tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc cho thấy tỉ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm 45-49 tuổi khu vực thành thị là 9,9%.
Theo điều tra này thì Hà Nội và TP.HCM là những địa phương có tỉ lệ người thừa cân, béo phì cao nhất, đặc biệt ở nhóm cán bộ công chức có tới 15% thừa cân, béo phì.
So với các nhóm đối tượng khác, cán bộ công chức là nhóm có tỉ lệ thừa cân, béo phì cao do thời gian ngồi tại văn phòng nhiều, không có nhiều thời gian dành cho các hoạt động thể lực.
Ở lứa tuổi 45-54, khi đã thành đạt, có sự nghiệp, có vị trí nhất định trong xã hội thì tỷ lệ người mắc bệnh chuyển hóa rất cao (20%) do tình trạng thừa cân, béo phì mang lại.
Tại bệnh viện Nội tiết Trung ương, tuy không có thống kê sàng lọc nào liên quan đến việc có bao nhiêu bệnh nhân bị tiểu đường, gút là cán bộ công chức Nhà nước.Nhưng có một thực tế:Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 (có nguyên nhân do chế độ ăn uống không khoa học, lối sống kém lành mạnh, thiếu vận động) phần nhiều là những người có điều kiện kinh tế tốt, có địa vị trong xã hội.




Không có nhận xét nào:

Trang