·
Dặm hay Giặm? Đây là vấn đề
hoàn toàn không mới. Từ lâu nay đã có nhiều người bàn, trao đổi để minh định
chuyện này nhưng chưa đi đên thống nhất. Một cuộc hội thảo với khá đông người
không hoặc ít am hiểu về đối tượng nghiên cứu là dân ca Nghệ Tĩnh thì khó có
thể có được kết luận chính xác. Bởi vậy, chúng tôi vẫn xem đây là vấn đề đang
bỏ ngỏ. Và vì vậy, thiết nghĩ rất cần các ý kiến trao đổi để có thể đi đến một
nhận thức chung, nhất là khi chúng ta đang trình hồ sơ dân ca ví, dặm/giặm lên
UNESCO để hy vọng được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chữ “dặm” nói ở đây là để chỉ tên gọi:Hát dân ca
ví, dặm- một điệu hát ngọt ngào, sâu lắng, đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ, tồn
tại và phát triển đã hàng trăm năm nay.
Trong những năm gần đây,
chúng ta nói, viết nhiều về đề tài Dân ca ví, dặm. Điều đáng băn khoăn là cách
viết lại không thống nhất, thường được thể hiện hai dạng là: “dặm” hay “giặm”. Thậm
chí gần đây, trong sách vở, trên báo chí có những trường hợp trong cùng một bài
viết mà chữ “dặm”có nơi viết (d), lại có nơi viết (gi). Người đọc
thực sự băn khoăn và dễ nhận thấy các tác giả viết từ cảm tính tùy tiện, mà
không quan tâm đến tính Việt ngữ sâu xa của tên chữ.
Từ lâu ta thường thấy sách
vở, báo chí đều viết chữ “dặm” bằng
chữ (d). Những năm gần đây có nhiều người (phần lớn ở Nghệ - Tĩnh) chuyển sang
viết chữ “giặm” bằng
chữ (gi). Người viết (dùng chữ d hay chữ gi) do xuất phát từ nhận thức cụ thể
của mình đó là chữ “dặm” ở
thể danh từ hay là động từ:
Nếu “dặm” là danh từ như: dặm trường, dặm phẳng (chỉ độ
dài, quảng đường). Nhiều người cho rằng: ngày xưa hát dặm có không gian diễn
xướng rộng như cày cấy, gặt hái, kéo sợi, hát giao duyên ở làng quê... thường
phải đi cách xa nhà, thậm chí cách sông, đò hàng dặm đường, nên người ta vẫn
gọi là “đi hát dặm”, rồi
lâu dần gọi tắt là “hát dặm”. Nếu
đúng như vậy thì chữ “dặm” viết
(d) là chính xác.
Nếu“giặm” có
nguồn gốc từ động từ như: cấy giặm (trồng thêm vào chỗ thưa); ăn giặm (ăn thêm
vào giữa buổi), hay giặm là “giẫm chân” và hát giặm chính là lối hát có đánh
nhịp bằng chân. Có người lại cho rằng: “giặm” tức
là“giắm vào”- người
này hát một đoạn, một ý; người khác lại hát nối lời tiếp vào để thể hiện, hoàn
thiện một tình ý, hay một khúc hát. Nếu đúng như vậy thì chữ “giặm” viết
(gi) là chính xác. (Xem bài: Ví “dặm” hay ví “giặm” của tác giả Trần Lam Thủy, báo CA.NA
ngày 16/4/2012). Cũng theo tác giả Trần Lam Thủy: “Tại hội
thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ” tổ
chức vào tháng 3/2012 ở Thành phố Vinh, vấn đề gọi các thể hát cũng được
đặt ra trao đổi và lựa chọn. Sau khi nghe ý kiến các nhà nghiên cứu ngôn ngữ,
văn hóa, hội thảo đã thống nhất tên gọi với cách viết là “giặm” – Ví, giặm xứ
Nghệ”.
Mặc dù đã có sự thống nhất
như thế, nhưng xem ra vẫn chưa có tính thuyết phục, vậy nên lâu nay trên băng
rôn, trên báo chí, tham luận... chữ “dặm” vẫn
thể hiện hai cách viết khác nhau (dùng chữ d hay chữ gi). Báo Vietnamnet
23/6/2012 trong chuyên mục Văn hóa - giới thiệu khai mạc liên hoan Dân ca ví,
dặm của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhằm tôn vinh di sản tinh thần vô giá của
đời sống người dân xứ Nghệ,đây cũng là bước quảng bá,lập hồ sơ để tiến tới trình
UNESCO công nhận Dân ca ví,dặm xứ Nghệ là Di sản văn hóa phi vật
thể của nhân loại.Bài được đăng tải có hình ảnh khá đẹp với băng rôn trên sân khấu
và tiêu đề giới thiệu đều chạy những tít lớn: “Ví dặm lung linh hồn quê xứ Nghệ”; “Liên hoan Dân ca ví, giặm xứ
Nghệ...” với hai
chữ“dặm” viết
(d và gi). Rõ ràng là việc nhận thức về cách viết chữ “dặm” vẫn chưa được quan tâm phổ biến sâu
rộng, thiếu sức thuyết phục công chúng, nên chưa có sự thống nhất. Người đọc,
người xem thực sự băn khoăn: đâu là sự chính xác của ngôn ngữ, của văn hóa
viết, văn hóa đọc!?
Thiết nghĩ đã đến lúc các
cơ quan quản lý văn hóa,giới học thuật - những người thực sự quan tâm, có trách
nhiệm đến ngôn ngữ- Văn hóa xứ Nghệ cần có được một lời giải chính xác về cách
viết chữ “dặm” cho
tên gọi Dân ca ví, dặm xứ Nghệ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét