22 tháng 5, 2013

"4 giải pháp cấp bách chặn đứng mưu đồ chiếm lĩnh Biển Đông của TQ"


“Trước đây họ chỉ ra đánh cá để khẳng định cái gọi là “chủ quyền” của họ tại Biển Đông cũng như yêu sách “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, họ đã tiến thêm bước nữa bằng cách là cử phóng viên của họ đi cùng để rồi qua phóng viên sẽ nói lên ý đồ muốn “bá chiếm” Biển Đông của họ. Bước đi này của họ rất ghê gớm với ý đồ rất xảo quyệt...".


Việc Trung Quốc huy động 32 tàu cá xuống đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa, cùng các thông tin liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc; hoạt động của các tàu hải giám Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, kể cả việc tàu hải giám sử dụng vòi rồng để xua đuổi tàu cá của các nước khác… đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH các khóa VIII, IX, X đánh giá: “Trước đây họ chỉ ra đánh cá để khẳng định cái gọi là “chủ quyền” của họ tại Biển Đông cũng như yêu sách “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, họ đã tiến thêm bước nữa bằng cách là cử phóng viên của họ đi cùng để rồi qua phóng viên sẽ nói lên ý đồ muốn “bá chiếm” Biển Đông của họ. Bước đi này của họ rất ghê gớm với ý đồ rất xảo quyệt.

Việc công bố toạ độ của các đoàn thuyền đánh cá của mình, Trung Quốc muốn chứng mình họ đang “làm chủ đường lưỡi bò” trên thực tế bằng cách công bố các toạ độ mà thuyền đánh cá của họ tới nơi. Chúng ta kiên quyết phản đối vấn đề lưỡi bò và thế giới cũng kiên quyết phản đối vấn đề “lưỡi bò”. “Đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học nào cả”.


Tướng Thước nói thêm: “Với những việc như thành lập cái gọi là “Tam Sa”, rồi xây dựng một cách phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa, đưa tàu đánh cá xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam… thì TQ đã không chỉ nói mà họ đã từng bước từng bước thể hiện mưu đồ và quyết tâm độc chiếm biển Đông của mình.


Và hành động đưa tàu cá ra Trường Sa để đánh cá và cử phóng viên đi theo là một bước lấn tới nữa của TQ”.


Liên quan đến những sự việc này trên Biển Đông, ngày 2/5, trong chuyến công du vòng quanh Đông Nam Á, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bất ngờ đưa ra đề xuất đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc trên Biển Đông. 


Theo đó, Ngoại trưởng Trung Quốc tái khẳng định lập trường “muốn giải quyết tranh chấp với một số nước ASEAN thông qua thương lượng và hợp tác cùng có lợi”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, hi vọng ASEAN có thể tập trung thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược này lên một tầm cao mới…


Tuy nhiên, những hành động trên thực tế sau đó đã trái ngược hoàn toàn so với những phát biểu này của Ngoại trưởng TQ trước đó. Về việc này, tướng Thước nhận xét: “Không chỉ bây giờ mà trước đây, nhiều người cũng đã từng nói lãnh đạo TQ nói một đằng, làm một nẻo. 


Đàm phán COC để cho ra được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông là một bước đi mới nhằm tăng cường tính pháp lý và tính ràng buộc. Nếu Trung Quốc làm sai thì các nước có liên quan có cơ sở pháp lý để đấu tranh với TQ”.


Theo tướng Thước: “Trước những hành động của TQ xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao phản đối là rất cần thiết. Tuy nhiên , đây là vấn đề lâu dài, phải kiên trì và không được nóng vội. Chúng ta phải đấu tranh về pháp lý, về lịch sử, về ngoại giao để chặn đứng ý đồ độc chiếm Biển Đông của TQ. 


Đảng, Nhà nước, Chính phủ mà cụ thể là các vị lãnh đạo cao nhất cũng nên có những thông điệp cao hơn của Bộ Ngoại giao Việt Nam tới lãnh đạo TQ rằng: “Các đồng chí đã có những thoả thuận cấp cao với Việt Nam nhưng lại nói một đằng, làm một nẻo gây bức xúc trong nhân dân Việt Nam. Và khi bức xúc này đến một mức nào đó thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước”. 


Thứ hai là phải làm cho nhân dân hiểu rằng ý đồ của TQ thâm độc như vậy cho nên phải có tiếng nói của nhân dân. Chúng ta phải tổ chức cho nhân dân có tiếng nói hợp pháp chứ không phải là biểu tình mà cụ thể ở đây là nhân dân ở các tỉnh có liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, các cơ quan pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam cũng phải đồng loạt lên tiếng để nói rằng: “Không phải nhân dân Việt Nam không hiểu gì về vấn đề Biển Đông mà nhân dân Việt Nam kiên trì vấn đề đấu tranh hoà bình nhưng kiên quyết phản đối. Đây là vấn đề của 88 triệu dân Việt Nam chứ không phải của riêng Chính phủ nữa”.


Thứ ba là qua thông điệp này, chúng ta phải gửi tới được nhân dân TQ để cho dân của họ hiểu rằng lãnh đạo của TQ đang nói một đằng, làm một nẻo. Tôi tin rằng nhân dân TQ không bao giờ muốn lãnh đạo mình đi xâm phạm chủ quyền và gây hấn với các nước khác ở Biển Đông. 1,3 tỷ dân TQ không được gì khi lãnh đạo TQ liên tục chỉ đạo cho cấp dưới đi gây hấn ở Biển Đông như vậy.


Thứ tư là qua các hội nghị quốc tế mà lâu nay chúng ta vẫn làm để gửi thông điệp tới TQ và các nước khác trên thế giới về những việc làm sai trái của TQ trên Biển Đông. Từ đó tạo ra áp lực để kìm hãm lại mưu đồ bá chiếm Biển Đông của TQ”.


“Việt Nam không bao giờ ủng hộ việc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp nhưng khi có những hành động vũ lực xâm phạm để chủ quyền của Việt Nam thì Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.

Hồng Chính Quang



Không có nhận xét nào:

Trang