Cắt ghép, tráo, đổi phim với những thủ thuật gian lận nhằm móc túi
người bệnh, để mỗi tháng thu lợi riêng hàng trăm triệu đồng. Vụ việc diễn
ra từ năm 2007 kéo dài đến nay tại khoa Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) BV Chấn
thương-chỉnh hình TPHCM.
Một bệnh nhân chụp cổ bàn chân ở 4 tư thế
đã bị cắt ghép phim.
PV Báo Lao Động đã tiến hành điều tra theo đơn tố cáo của bạn đọc và phát hiện việc tố cáo hoàn toàn có căn cứ...
Xén phim bỏ túi riêng!
Việc phát hiện “ăn phim” trên bệnh nhân rất tình cờ, khi một BS làm việc tại BV
về thăm người bạn ở Bến Tre. Mẹ của người bạn bị đau vùng vai và cổ đã được
người nhà đưa lên BV Chấn thương-chỉnh hình điều trị. Bác sĩ (BS) chỉ định chụp
cột sống cổ ở bốn tư thế (thẳng, nghiêng, chếch 3/4 bên trái và bên phải). Bệnh
nhân phải nộp 240.000 đồng để mua hai phim chụp X-quang. Tuy nhiên, sau khi xem
hồ sơ, vị BS phát hiện phiếu thu tiền chụp phim X-quang cho người bệnh là loại
lớn, trong khi hai tấm phim chụp thực tế thì nhỏ, nhìn không rõ. Thay vì phải
chụp trên hai phim thì kỹ thuật viên đã ghép cả bốn tư thế chụp trên một phim
rồi cắt làm hai, khiến tấm phim bị teo tóp phân nửa (kích thước chỉ còn 35cm x
21,5cm). Từ sự việc trên, nhiều BS của BV tìm hiểu và phát hiện hàng trăm vụ
“ăn phim” đã diễn ra tại BV này kéo dài trong nhiều năm.
Theo tố cáo của các BS, khoa CĐHA, BV Chấn thương-chỉnh hình: “Các BS Hồ Văn
Thạnh - Trưởng khoa CĐHA, ông Phạm Thanh Hải - Phó khoa và kỹ thuật viên trưởng
Bùi Bảo Vinh có hành vi tham ô tài sản. Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, nhóm ba
người của khoa CĐHA đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền ghép phim, cắt phim,
đổi phim, gian lận phim trong việc nhập và xuất phim cho bệnh nhân. Mỗi tháng,
khoa này ăn gian của người bệnh gần 250 triệu đồng. Việc gian lận được
thực hiện bằng hai cách: Đánh tráo phim X-quang (thu tiền của bệnh nhân với giá
phim loại A, nhưng lại chụp bằng phim loại B rẻ hơn) và lắp ghép phim (người
bệnh đóng tiền chụp cho 2 phim, nhưng khoa chụp ghép nhiều bộ phận cơ thể cần
chụp trên 1 phim, rồi cắt nhỏ phim ra đưa cho bệnh nhân)”.
Chẳng hạn, bệnh nhân được chỉ định chụp cột sống cổ bốn tư thế: Thẳng, nghiêng,
chếch 3/4 hai bên và BV sẽ thu tiền bệnh nhân là chụp 2 phim. Tuy nhiên, khi
chụp, kỹ thuật viên thực hiện việc ghép chụp 2 hoặc 4 phần cơ thể trên một
phim. Bệnh nhân hoàn toàn không biết kích thước chuẩn của phim là bao nhiêu,
chỉ thấy kết quả chụp X-quang cho ra hình ảnh chụp của bốn tư thế trên cùng một
phim của bệnh nhân và giao cho họ nhận 2 tờ phim đã cắt. Bệnh nhân nghĩ là đúng
theo phiếu thu tiền 2 phim của BV.
Chuyển hồ sơ sang Thanh tra Sở Y tế
Qua điều tra của phóng viên Báo Lao Động, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2011, số
lượng phim dư là 10.860 tờ (khoảng 3.620 tấm phim/tháng và giá thành 42.000
đồng/tấm, tổng cộng hơn 152 triệu đồng/tháng). Đó là chưa kể việc thay vì đóng
tiền chụp phim A thì lại bị tráo chụp phim B, để lấy tiền chênh lệch 19.000
đồng/tấm phim.
Mỗi tháng, BV sử dụng từ 28.000 đến 30.000 tờ phim, trong đó số phim B thực sử
dụng là ba phần, phim A là hai phần, nhưng báo cáo BV thì ghi ngược lại là phim
A sử dụng ba phần, phim B hai phần. Như vậy, số phim được hoán đổi mỗi tháng là
từ 5.000 đến 6.000 tờ. Riêng phần đổi phim, nhóm này hưởng chênh lệch khoảng 90
triệu đồng/tháng (5.000 tờ x 19.000 đồng).
Theo phản ánh của các BS, số tiền mà nhóm “ăn phim” hưởng lợi mỗi năm là gần 3
tỉ đồng, nếu tính từ năm 2007 đến nay thì số tiền bỏ túi vào nhóm này rất
lớn.
Thông tin mới nhất mà chúng tôi nắm được, sau đơn tố cáo của tập thể các BS tại
BV, Công an TPHCM đã có văn bản trả lời: “Sau khi xác minh những nội dung tố
cáo, nhận thấy có một số phim A được chụp ghép hai bộ phận và một số chứng từ
BS chỉ định chụp phim B, nhưng khi in ghép vào phim A. Để có cơ sở xác định
chụp ghép các bộ phận cơ thể bệnh nhân trong phim, đổi phim hay không cần phải
có trình độ chuyên môn kỹ thuật về phim ảnh của ngành y tế. Vì vậy, cơ quan
điều tra chuyển đơn và tài liệu đến Thanh tra Sở Y tế giải quyết theo thẩm
quyền…”. Báo Lao Động sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc trên và phản ánh đến bạn đọc
khi có thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng
Quang Tèo
Ở bài "Vô cảm trong
công tác quản lý y tế " tác giả NV đã đề cập tới vai trò trách nhiệm của
người lãnh đạo từ Bộ Y tế đến các cơ sở y tế công lập đã cho chúng ta thấy rõ
bản chất của các cơ quan quản lý Nhà nước từ gián tiếp đến trực tiếp đã vô
trách nhiệm trước dân. Nhưng tôi thấy việc bạn đọc đề cập tới tệ nạn trong các
ngành nghề là việc của xã hội, còn người đứng đầu các ngành đều bỏ ngoài tai,
Chính phủ chắc còn lo nhiều "việc vĩ mô" vài ba chuyện tèm nhem Ông
không thèm để ý. Bởi vậy, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng nói ra 5 tính nổi bật của
người Việt thời hiện đại có phải là tính của các quan chức: Ham tiền, Hám danh,
Coi thường danh dự, Vô cảm và Hèn nhát!
Nguyễn Đức - 14/05/2013 16:48
Ăn thua gì. Nhiều người nhà
bệnh nhân "khóc dở mếu dở" về chuyện: Mua dao mổ để BS mổ cho bệnh
nhân "đỡ đau" và "an toàn" vì dao của Viện "cùn",
"dễ lây nhiễm các bệnh khác"... Thế là, người nhà bệnh nhân tá hỏa và
bình thường, con dao mổ "ngoại" phải 10-12 triệu đồng thì nay Viện
"linh động" 3-4 bệnh nhân chung nhau một con dao nên cũng... đỡ. Và
không bao giờ bệnh nhân nhận được 1 hóa đơn hay biên lai thu tiền. Và 100%
không dám "hỏi" lại Bệnh viện vì người bệnh ở vào thế "ngàn cân
treo sợi tóc". Lớ ngớ, BS mổ quên cái nọ, cắt nhầm cái kia thì
"tử" - nếu nặng, còn không thì cũng "thành tật"...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét