Sau khi bắt được con cá sủ vàng, ông Đậu Nghi Lới bỗng chốc đổi
đời. Bỏ thuyền, bỏ nước vì tuổi già nhưng trong lòng kình ngư sông Lam vẫn canh
cánh một nỗi lo, rằng loài cá cực kỳ quý hiếm này sẽ tuyệt chủng trong nay mai.
Đổi đời nhờ một con cá
Sự việc xảy ra đã hơn chục năm nhưng các ngư dân dọc sông Lam của
huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn nhắc tới ông Lới với sự cảm phục và một chút ghen
tỵ. Ông Lới là người đã bắt được con cá sú vàng nặng tới 67kg ngay trên khúc
sông Lam này. Vào thời điểm năm 1998, con cá sủ Vàng của ông Lới đã xác lập một
kỷ lục về giá khi được bán với số tiền 170 triệu đồng.
12 tuổi, ông Lới đã theo cha đi đánh cá trên sông Lam rồi lênh đênh
hết cửa biển đến tận Hòn Mắt, Hòn Ngư (Nghệ An). 18 tuổi, gác mái chèo, ông Lới
tham gia quân ngũ. Năm 1982, trở về, lại tiếp tục cái nghiệp cầm dầm, lênh đênh
trên nước. Ông lấy vợ, sinh con, rồi cả 5 đứa con đều lớn lên nhờ những mớ cá
đánh bắt trên sông Lam.
Phải mất
4 ngày ròng rã "mai phục", thuyền ông Lới mới bắt được con cá sủ vàng
này (ảnh gia đình cung cấp)
“Hết thời bao cấp, Hợp tác xã ngư nghiệp giải thể, tôi đánh liều
vay mượn ngân hàng đóng được chiếc thuyền tải trọng 10 tấn đánh bắt cá. Ngư
trường chủ yếu là khúc sông Lam, đoạn từ cầu Bến Thủy ra tận biển. Có khi cũng
làm vài chuyến ngoài khơi nhưng không ăn thua, chủ yếu vẫn là đánh bắt cá nước
ngọt, nước lợ trên sông Lam thôi”, ông Lới kể.
Lênh đênh trên sông nước nhưng cuộc sống của 7 con người trong gia
đình ông Lới cũng chỉ chật vật, nếu không muốn nói là thiếu thốn. “Hồi đó cá sủ
vàng trên sông Lam cũng nhiều lắm nhưng không ai biết được giá trị của nó. Có
khi bắt được con cá nặng hơn nửa tạ, vợ tôi cũng xẻ thịt mang ra chợ bán với
giá của cá thường. Bán không hết thì chia cho anh em mỗi nhà vài ký. Còn cái
bóng cá thì luộc lên, mấy anh em nhâm nhi với rượu chứ có biết nó quý đến cỡ
nào đâu”, ông Lới nhớ lại.
Đến khi người ta bắt đầu biết được giá trị của cá sủ vàng thì loài
cá này bắt đầu hiếm. Họa hoằn lắm mới có ngư dân bắt được. Cá càng lớn thì giá
trị càng cao. Lão kình ngư sông Lam chép miệng: “Hồi những năm 90 của thế kỷ
trước, mỗi chỉ vàng có 500 nghìn nhưng một kg cá sủ có giá tới cả mấy triệu
đồng”.
Cá đắt gấp mấy lần vàng nên mỗi khi phát hiện ra loài cá này, các
ngư dân thường vây bắt cho kỳ được. Nhưng không phải ai cũng may mắn phát hiện
được nó. Thỉnh thoảng người ta cũng tóm được một chú nhưng chỉ cỡ vài kg đến
1-2 yến là cùng. “Loài cá này có đặc tính rất lạ là nó chỉ sống và kiếm ăn theo
lạch nước cố định nhưng thường nằm rất sâu. Thỉnh thoảng nó mới phát ra tiếng
kêu như tiếng bò rống. Anh nào may mắn nghe được tiếng rống của con cá thì mới
có thể xác định được vị trí của nó. Lúc đó chỉ có việc giăng lưới và… chờ
thôi”, ông Lới kể tiếp.
Và thường thì khi một người phát hiện vị trí của cá sủ vàng và
buông lưới thì ngay lập tức các ngư dân khác cũng kéo thuyền, thả lưới xung
quanh. Ai may mắn hơn sẽ bắt được cá sủ. “Năm 1998, tôi phải giăng lưới 4 ngày
ròng rã mới bắt được con cá sủ vàng nặng tới 67kg. Đó là con cá to nhất từ
trước tới nay mà người dân hạ nguồn sông Lam bắt được”.
Chỉ sau 15 phút, thương lái đã ùn ùn kéo tới mua cá sủ vàng. Với
con cá nặng tới gần 7 yến này, ông Lới đã bán được với giá 170 triệu đồng - một
khối gia tài đối với gia đình ông thời điểm đó. Từ một ngư dân chật vật lo từng
bữa ăn, chỉ trong chốc lát, ông Lới trở nên giàu có. “Nói thật, hồi đó bắt được
con cá sủ nhưng phải bán dấm bán dúi như bán đồ ăn trộm ấy. Bọn nghiện kéo đến
ngăn cản không cho bán. Khi tôi có được số tiền lớn từ việc bán cá sủ vàng thì
bọn chúng cứ ngang nhiên tới “xin tý lộc”.
Một “tý lộc” nhưng mình muốn yên ổn cũng phải mất cho mấy triệu
bạc”. Con cá của tôi bán với giá 170 triệu nhưng chỉ qua vài ba “sếp” đã tăng
lên đến 300 triệu đồng, Với trọng lượng đó, nếu vào thời điểm này con cá sủ
vàng phải bán được tiền tỷ chứ chẳng ít”.
Canh cánh nỗi lo tuyệt chủng loài cá quý
Bỗng chốc thành người giàu có, ông Lới có tiền làm nhà, đầu tư cho
con trai đi xuất khẩu lao động. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng ông bắt được cá
sủ vàng. Cố gắng cầm dầm, buông lưới được 5 năm nữa, đến năm 2003, ông quyết
định bỏ nghề. Phần vì nhà neo người, phần vì tuổi già sức kém, một phần nữa là
do nghề đánh cá ngày càng khó làm ăn, khi các loài cá trên sông Lam bị đánh bắt
theo kiểu tận diệt.
Sau ông Lới, một ngư dân xã Xuân Phổ cũng bắt được một con cá sủ
vàng, bán được 200 triệu đồng. Từ đó, tuyệt nhiên không nghe nói đến chuyện ngư
dân hạ nguồn sông Lam bắt được loài cá quý này nữa. “Bây giờ ở sông Lam, đoạn cuối
nguồn này may lắm cũng chỉ còn sót lại vài ba con cá sủ vàng nữa thôi. Lâu lắm
rồi cũng không thấy ai bắt được nữa. Phần vì môi trường sống thay đổi, rồi ô
nhiễm, phần vì người ta cũng đã quần nát cả khúc sông này rồi nên cá cũng không
có chỗ mà sống”, lão Lới chép miệng.
Rồi dựa hẳn vào chiếc cột tre mục ngoài vườn, cứ như thể đang tựa
vào cái sào cắm thuyền hồi còn lênh đênh trên sông, lão Tới buông một tiếng thở
dài nghe đến não ruột: “Nếu không có phương án bảo vệ, nhân giống thì loài cá
quý hiếm này cũng sẽ tuyệt chủng mất thôi”.
Hỏi, cá sủ vàng quý như thế nào, ông Tới bảo, nó phải quý mới có
cái giá bạc tỷ như thế. Nghe nói cái bóng cá được dùng để chế tạo chỉ tự hủy
trong y học, sử dụng trong các vi phẫu thuật về tim, mạch… Cũng có ý kiến cho
rằng, nó đắt bởi ăn bóng cá sủ vàng có thể chữa được ung thư. Chẳng biết lời
lão Tới đúng bao nhiêu phần trăm nhưng cứ nhìn cái giá đắt hơn cả vàng miếng
của cá sủ vàng, tôi cũng mường tượng phần nào cái sự “quý hiếm” của nó.
Nói về phương án bảo vệ loài cá này, ông hướng đôi mắt xa xăm ra
phía biển, tuôn một tràng cứ như thể những điều ấp ủ đã nằm sâu trong đầu từ
mấy mươi năm nay: “Tức là phải gây giống loài cá này. Trước nay, nếu bắt được
con cá sủ vàng, điều duy nhất người ta nghĩ tới là bán nó, có ai nghĩ tới
chuyện gây giống, nuôi cho nó sinh sản đâu.
Loài cá này có thể nuôi được trong môi trường nước lợ, với điều
kiện là phải đầu tư lớn. Nếu ngành thủy sản có kế hoạch cụ thể, dài hơi thì có
thể gây giống được. Còn nếu cứ để như thế này thì loài cá này sẽ hoàn toàn biến
mất trên sông Lam”.
Tôi chợt thấy chạnh lòng, không rõ ngành chức năng đã nghĩ tới
những điều mà lão ngư này ấp ủ hay chưa?
Theo Hoàng Lam (Dân trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét