2 tháng 5, 2013

Bài thơ tình của Nguyễn Công Trứ Đại quan tài tử


PGSTS Nguyễn Trường Lịch

Đánh ba chén rượu, khoanh tay giấc,
Ngâm một bài thơ vỗ bụng cười


     Dường như trong thơ ca cổ điển Việt Nam từ thế kỷ XIX trở về trước, thật khó tìm được tiếng cười vui vẻ thanh thản, mà dồi dào niềm yêu đời như thơ ca của Nguyễn Công Trứ (1778-1858). Vốn là một thanh niên tràn đầy khát vọng chiếm lĩnh cuộc sống trên mọi phương diện, mà trước hết là khát vọng lập thân: 


Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông!


ĐỀN THỜ CỤ NGUYỄN CÔNG TRỨ
 Ở NGHI XUÂN HÀ TĨNH

     Về mặt sự nghiệp, Nguyễn tiên sinh thật sự đã đạt tới tầm cao của một thời đại lịch sử quá khứ. Từ một chàng học trò nghèo, lớn lên trong gia đình quan lại bị mất chức giữa lúc đại binh Tây Sơn đánh tan 29 vạn quân Thanh vào xâm lược nước ta và triều đình phong kiến nhà Lê sụp đổ. Biến động dữ dội đó khiến ông Nguyễn Công Tấn-thân phụ- đang làm tri huyện ở Thái Bình phải mất chức, rồi lui về quê tại Uy Viễn- Nghi Xuân –Hà Tĩnh lánh nạn và dạy học kiếm sống. Cậu Nguyễn đang tuổi ăn, tuổi lớn phải cam chịu cảnh thiếu đói của gia đình:


   - Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,
   -Đêm năm canh ngon giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ…
…            - Đến bữa chưa sẵn bữa, con trẻ khóc dường ong,
              Qua  kỳ  lại  hẹn kỳ, nhà  nợ  kêu  như  ó…
                                                                                 (Hàn nho phong vị phú)  

       Gia cảnh là vậy, song với đầu óc thông minh, Nguyễn đã nỗ lực hoc tập và thi đỗ giải nguyên, rồi trở thành một viên quan đại thần văn võ kiêm toàn với hàm Tổng đôc - Thượng thư (Bộ trưởng),vừa là một Uy Viễn tướng công tài ba đánh đông dẹp bắc, thậm chí ngay cả lúc về già ở tuổi tám mươi đang lâm trọng bệnh, mà nghe tin quân Pháp nổ súng xâm lược tại Đà Nẵng, Nguyễn tiên sinh vẫn còn đề nghị nhà vua cho mang quân đi đánh bọn giặc cướp nước. Mặt khác, ông vừa là một vị Dinh điền sứ vĩ đại có công lao to lớn trong công cuộc khẩn hoang giúp nông dân hai tỉnh Thái Bình và Ninh Bình thoát dần khỏi cảnh nghèo đói. Đền đáp lại công ơn to lớn ấy, nhân dân Thái Bình đã lập đền thờ Ông (gọi là Sinh từ) lúc còn sống, rồi cử đoàn người về quê Hà Tĩnh rước Ông ra huyện Tiền Hải làm lễ khánh thành. Trong hệ thống quan lại Việt Nam xưa nay, từ cổ đến kim thật hiếm có viên quan đầy trách nhiệm và tốt đức đến vậy. Đúng như thời trai trẻ, ông đã tự xác định cho mình phải  trở thành một đấng trượng phu:  
                                              -  Vũ trụ chức phận nội,
                                        Đấng trượng phu một túi kinh luân 
                                        Thượng vị đức(=vua), hạ vị dân,
                                         Nên nổi phải xuất thân mà gánh vác…  
                                         Có sự nghiệp đứng cùng trời đất,
                                         Không công danh, nát với cỏ cây!...  

    Chớ nghĩ rằng, mọi quan lại chế độ phong kiến xưa đều là xấu cả. Chẳng phải  ngày nay, vẫn còn không ít người giữa mùa xuân đi hái lộc đang giành giật tranh cướp nhau “lá ấn đời Trần” để mong thăng quan kiếm lộc, đâu phải lộc Trời cho, mà là mong kiếm lộc từ nhân dân đó sao?!

   Nói về vai trò trượng phu của Nguyễn tiên sinh, chắc nhiều người đã rõ và đều tỏ niềm khâm phục, nay đầu xuân, chỉ xin nêu một vài nét về con người tài hoa phong phú này.
   Thời trai trẻ chàng trai họ Nguyễn đã có một bài thơ vui khá phổ biến, mà vùng Hà Tĩnh- quê tôi- nhiều người thuộc lòng thường đem ra ngâm nga cho nhau nghe giữa những bữa rượu sau lũy tre làng, tạo nên tiếng cười vô tư thoải mái. Chẳng hiểu sao mà từ lúc còn bé đang học tiểu học ở làng quê trước năm 1945, tôi đã nhẩm thuộc lòng. Thời đó bài thơ được phổ biến trong dân gian như vô đề; về sau đọc qua sách tôi mới biết là có cái tên vui vui theo ngôn ngữ xưa xưa của tiếng Bắc là Bỡn nhân tình; (có lẽ là của Nhà xuất bản-tiếng HàTĩnh rất hiếm khi dùng từ Bỡn) Hay chính đó lại là nỗi lòng tương tư cháy bỏng của chàng trai đa tình họ Nguyễn? Theo tôi, có lẽ nên đặt nhan đề khác phù hợp với nếp sống nghịch ngợm cuả chàng Nguyễn thời trai trẻ theo lối nói dân gian xứ Nghệ. Thời đó, lễ giáo khắt khe, nhất là các gia đình trọng văn hóa Khổng Mạnh luôn ràng buộc không cho phép thanh niên sống tự do, vượt rào kiểu họ Nguyễn phát triển ở thời làm quan tung hoành bốn phương đông tây nam bắc sau này. Nỗi tương tư đè nặng lòng chàng tạo thành nguồn thơ vui để khuây khỏa nỗi nhớ tình nhân: 

                                    -  Tau ở  nhà tau, tau nhớ mi,
                                   Nhớ mi nên phải bước chân đi.
                                   Không đi mi nói, răng(sao) không đến?
                                   Đến thì, mi nói đến mần (làm) chi?
                                   Mần chi, tau đã mần chi được?
                                   Mần được, tau đã mần chán (nhiều)mi…  

          Bài thơ chỉ có 6 câu, mà lại nhiều dị bản. Song theo tôi, không nên chuyển tiếng Nghệ thành văn tự tiếng Bắc theo kiểu ông Kiều Văn ở nhà xuất bản Đồng Nai, khi in lại tập thơ Nguyễn Công Trứ, ông đã sửa các bài thơ theo ý chủ quan,làm giảm hẳn giá trị tu từ của thơ Nguyễn Công Trứ! Thật đáng trách! 
    Bài thơ này phải được đọc hoàn toàn theo giọng xứ Nghệ mới tạo nên tiếng cười vừa thanh, vừa vui, vừa tục thể hiện nếp sống dân gian hồn nhiên. Bà con già trẻ chốn quê Nghệ -Tĩnh sau lũy tre làng làm sao có thể nhịn được cười, mỗi khi đọc cho nhau nghe giữa đông đảo bạn bè, đủ mặt con trai - con gái trẻ trung, nghịch ngợm. Chính vì thế nên bài thơ được phổ biến khá rộng rãi. Ở Nguyễn Công Trứ,  quan niệm sống được bộc lộ rõ nét, ngay từ lúc còn trẻ:  
                                 

                                         - Mặt tài tình đang độ thiếu niên,                       
                                           Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí…

     Bởi ông nghĩ cuộc đời trôi đi như một vị khách qua đường đến rồi đi:

                                           Cõi trần thế nhân sinh là khách cả.
                                           Nợ phong lưu kẻ giả có người vay.
                                      … Chơi xuân kẻo hết xuân đi…               
                                     …  Chữ tình là chữ chi chi?
                                     …  Đem ngàn vàng mua lấy tiếng cười
                                     …  Phong lưu cho bõ kiếp người…  

     Thời xưa nói đến thơ phú, các nhà thơ thường lấy đề tài là Cầm, kỳ, thi, tửu…, song tửu lượng chẳng phải túy lúy say khướt quên cả đường về và gây tai nạn trên đường như một số bạn trẻ thời nay! Bởi lẽ rất rõ ràng là quá trình làm quan Dinh điền sứ ở Thái Bình - Nam Định, Nguyễn Tiên sinh bộc lộ rõ chính sách kinh bang tế thế sáng suốt của một nhà chiến lược tài năng đích thực trên nhiều phương diện. Không chỉ dừng lại ở định hướng chiêu tập nông dân phiêu dạt thất nghiệp thoát nghèo bằng cách khai hoang sản xuất lấn biển, mà ông còn xây dựng kế hoạch văn hóa giáo dục, từ việc làm hương ước, mở trường dạy học đến làm thủy lợi, thiết kế nhà cửa nơi thôn xóm. Vì thế mà chốn làng quê, quần chúng được sống yên vui, giảm hẳn trộm cướp, đêm đêm có tiếng đàn tiếng hát thanh bình. Và cũng chính vì thế mà nhân dân Tiền Hải - Thái Bình lập đền thờ Nguyễn Công Trứ ngay khi ông mới về hưu, khiến cho không ít kẻ quan lại xấu bụng ganh tị tố cáo ông với triều đình Huế..Thật đáng xấu hổ!    

.   Ngày nay, tuy nhà thơ đã khuất hơn 150 năm, song mỗi lần nói đến Nguyễn Công Trứ, mọi người đều nghĩ rằng ông không chỉ là một nhà thơ tài tử, mà còn là một viên đại quan có công lớn với dân với nước./. 
                                                               
                                                                                    ***                                                                                   



Không có nhận xét nào:

Trang