Vụ việc ông Nguyễn Văn Hùng điều khiển ôtô
vi phạm luật giao thông ở Đồng Nai và khi bị ngăn chặn, mời vào văn phòng công
an làm việc đã dùng lời nói thô tục và đe dọa lực lượng công an là một trong
những điển hình của lối hành xử theo kiểu “biết tao là ai không?”.
Lối ứng xử hồ đồ, bất chấp luật pháp, bất chấp lực lượng thi
hành công vụ theo kiểu “biết tao là ai không?” hình như đã trở thành một thói
quen trong lối suy nghĩ và ứng xử của không ít người trong xã hội. Cách đây
không lâu hiện tượng “cháu chú Nhanh” (nguyên giám đốc Công an Hà Nội) cũng
xuất hiện khá thường xuyên nơi miệng lưỡi của những người vi phạm giao thông
tại Hà Nội, đó cũng là một phiên bản của lối suy nghĩ “biết tao là ai không?”.
Khi người ta dám nói “biết tao là ai không?” có nghĩa họ
đang suy nghĩ rằng mình là kẻ mạnh, kẻ có quyền lực. Lối suy nghĩ kẻ mạnh là kẻ
thắng, kẻ mạnh là kẻ mà người khác phải khiếp sợ chỉ có thể tồn tại trong một
bối cảnh xã hội mà ở đó luật pháp không tồn tại hoặc nếu có cũng không có hiệu
lực trên thực tế để điều chỉnh hành vi, ứng xử của các thành viên trong xã hội.
Nói trắng ra đó là xã hội thiếu văn minh vì chỉ trong xã hội chưa văn minh mới
vận hành theo quy luật mạnh được yếu thua chứ không phải “đúng thắng, sai
thua”.
Việt Nam là một xã hội đã có nhà nước và hệ thống luật pháp.
Nhưng hiện tượng “biết tao là ai không?” hoặc “cháu chú Nhanh” còn tồn tại thì
rõ ràng trên thực tế, luật pháp có lúc có nơi đã không thể hiện được sự khách
quan theo kiểu “bất vị thân” như vốn nó phải có.
Chính vì thấy có lúc, có nơi người thi hành luật pháp còn nể
nang nên người ta sẵn sàng tự xưng là ai đó hoặc có quan hệ với ai đó có quyền
lực để được luật pháp đối xử “vị thân”. Như vậy nếu xã hội vẫn còn để cho quyền
lực điều khiển được luật pháp, dù là trong một số trường hợp hạn chế, cũng đều
làm cho luật pháp suy yếu và từ đó nảy sinh hiện tượng xem thường luật pháp
theo kiểu “biết tao là ai không?”.
Ngoài chuyện người thi hành luật pháp có lúc, có nơi bị khống
chế bởi quyền lực, đôi khi họ còn bị khống chế bởi tiền bạc nữa. Những người tự
xưng con cháu ông này bà nọ, tự xưng “biết tao là ai không?” khi vi phạm giao
thông hình như đều là những người có tiền bạc. Theo thông tin trên báo, ông
Hùng từng quậy như vậy đối với Công an Q.9 (TP.HCM) nhưng không hề hấn gì,
chứng tỏ ông ta đã có “kinh nghiệm” đối đầu với người thi hành công vụ.
Nghiên cứu trong lĩnh vực tội phạm cho thấy những người từng
có tiền án, tiền sự luôn có số lượng hành vi tội phạm cao hơn những người chưa
có tiền án, tiền sự. Câu trả lời là vì những người có tiền án, tiền sự đã biết
cách đối phó với luật pháp và do đó họ không còn sợ sự trừng phạt của luật pháp
nữa. Sự đối phó đó có thể bằng vật chất, bằng quyền lực, bằng các mối quan hệ
xã hội.
Như vậy để hành vi “biết tao là ai không?” không còn tồn tại
thì không có cách gì khác hơn là chính những người thực thi luật pháp phải hành
xử hoàn toàn theo luật. Nếu vẫn còn nể nang người có quyền lực, vẫn còn nể nang
vật chất, vẫn còn nể nang các mối quan hệ xã hội thì chính họ đã nuôi dưỡng
hành vi, ứng xử xem thường luật pháp nơi người dân. Cũng có nghĩa là phải để
luật pháp thể hiện đúng vai trò của nó trong đời sống xã hội.
LÊ MINH TIẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét