22 tháng 11, 2013

Văn hiến Nghi Xuân qua cái nhìn tổng thể.

Dùng chữ Văn hiến Nghi Xuân có thể là hơi lạm. Nhưng quả thực Nghi Xuân đúng là một miền đất văn hiến. Không chỉ là văn chương, văn hoá, mà là văn hiến thực sự có lẽ bản thân những con người sống trên mảnh đất ấy cũng không ngờ, dù sao thì ta cũng có thể điểm qua, trên cơ sở một cái nhìn tổng quan, để khi có điều kiện sẽ đi sâu vào khảo sát:
 

1. Theo quan niệm người xưa.
Ở nơi nào có truyền thống học hành chữ nghĩa, nơi đó mới đáng trân trọng để làm biểu trưng cho đất nước quê hương. Truyền thống học hành phải được thể hiện bằng thực tế: những người đi học phải có năng lực có thể tranh lèo giật giải, so với các nơi. Được như vậy, ngày xưa gọi là vùng khoa bảng. Nghi Xuân quả thực là đất khoa bảng, có một thành tích khoa bảng đáng ngạc nhiên:
Đất khoa bảng ở nước ta có nhiều. Có nơi có dòng học kế truyền: "họ Ngô một bồ tiến sĩ". Có nơi: Một làng có đến gần 30 ông tiến sĩ, cả nước không thể nào theo kịp như làng Mộ Trạch (Hải Dương). Nhưng huyện Nghi Xuân lại có một thành tựu cũng khá độc đáo:
+ Cả huyện có đủ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Bảng nhãn là ông Trần Bảo Tín (thế kỷ XV) ở làng Xuân Hải. Thám hoa là ông Ngụy Khắc Đản (thế kỷ XIX) ở làng Xuân Viên. Còn Trạng nguyên? Có cả hai cha con ông Hồ Đốn vốn ở Nghệ An di cư sang làng Khải Mông từ thế kỷ XIII. Nguyên gốc họ Hồ ở làng Quỳnh Lưu, nhưng Hồ Đốn, Hồ Thành cư ngụ lâu đời ở Nghi Xuân. Trước đây, mỗi khi làm lễ ở Văn thánh hàng huyện, các cụ đọc văn vẫn phải nhắc đến hai ông Trạng này.
+ Còn điều này thì ít có ở nhiều huyện trong cả nước ta. Ấy là thành tích khoa bảng này được phân bố đều cho cả huyện Nghi Xuân. Trước cách mạng tháng tám, Nghi Xuân có 36 xã, trang, sau 1945 còn lại 13 xã, thì lạ một điều là xã nào cũng có người đỗ tiến sĩ. Dọc đường hữu ngạn sông Lam, trên cùng là làng Quả Phẩm có tiến sĩ Thái Danh Nho, dưới cùng là xã Hội Thống có tiến sĩ Vũ Thời Mẫn. Phía trong giáp biển, Phan Xá có tiến sĩ Phan Chính Nghị; Xuân Viên giáp núi có tiến sĩ Ngụy Khắc Tuần. Còn các xã khác, xã nào cũng có cử nhân, tú tài. Các huyện ở nhiều nơi, thường chỉ thấy tập trung ở một vài điểm chứ không rải ra như vậy. Gọi Nghi Xuân là đất khoa bảng, quả là không gượng ép, là sự thực chứ không phải đề cao. Người Nghi Xuân - và nhất là ngành giáo dục, nhớ đến truyền thống ấy, chắc chắn thầy trò phải cố gắng dạy tốt, học tốt hơn nữa.
Là đất khoa bảng, Nghi Xuân còn có thể xem là đất văn hào, đất học giả. Có thể cho ý kiến này là sự quá lời chăng? Đã văn hào, lại còn học giả! Hình như tham lam quá! Nhưng sự thật là thế.
- Đây là đất của những văn hào! Văn hào chứ không phải chỉ là văn gia hạng văn nhân. Muốn nói gì thì Nguyễn Du vẫn là nhà thơ số 1, vô tiền khoáng hậu của Việt Nam. Văn chương ả đào (ca trù) vẫn phải nhường Nguyễn Công Trứ ngồi trên chiếu nhất. Chỉ cần như vậy là đủ vinh dự cho Nghi Xuân rồi. Thơ văn chữ Hán là điều rất khó đánh giá, nhất là với chúng ta, nho học còn đang lỗ mỗ. Âu là cứ theo dư luận ngày xưa: Nước Nam có năm nhà thơ trác tuyệt (An nam ngũ tuyệt) trong đó có hai chú cháu: Nguyễn Du và Nguyễn Đạm.
- Còn học giả: Những người quen với lối học xưa đều phải công nhận là trong số Ngũ Kinh Tứ Thư thì Kinh Dịch là khó vô cùng. Nước ta có nhiều người giỏi Kinh Dịch (như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn). Nhưng họ đều viết sách chữ Hán, chứ ít người (trong các thế kỷ trước) dám đem Kinh Dịch diễn giải ra tiếng Việt để phổ biến dịch học cho quần chúng. Vậy mà ở Nghi Xuân đã có Đặng Thái Phương (cũng là Đặng Thái Bàng, ở làng Uy Viễn) dám soạn cuốn sách Chu Dịch quốc âm ca quyết! Như vậy mà không phải học giả sao? Đồng thời với ông, Nguyễn Nghiễm (thân sinh của Nguyễn Du) là một nhà sử học có tài. Cuốn Việt sử bị lãm của ông rất được các sử gia trân trọng. Nối tiếp con đường này, đến đầu thế kỷ XX có Trần Trọng Kim (người làng Đan Phổ), cuối thế kỷ XX có Hà Văn Tấn (người làng Tiên Điền). Không biết có thể cắt nghĩa bằng một quy luật nào không, chứ thực tế thì đã là như vậy.
2. Nghi Xuân còn có thể gọi là một vùng nối đời dòng họ phục vụ cho văn hiến quê hương.
Nối đời là vì dòng họ nào cũng có truyền thống học hành, khoa cử, hoạt động chính sự, kế tiếp nhau, có khi cách quãng đi một thời gian, nhưng sau đó lại vẫn xuất hiện ở nơi này hay nơi khác. Những trường hợp này phải tra cứu theo gia phả mới biết được những tên tuổi lẫy lừng chứ kể ra đây thì không tránh được những ngỡ ngàng, hoặc những câu hỏi chờ giải đáp. Các họ Trần, họ Hà, họ Lê, họ Phan, họ Đinh .v.v… đều có những người tiêu biểu qua từng thế kỷ, mà sau đây ta sẽ nhắc đến một vài tên tuổi. Nhưng có những dòng họ thì đã đường hoàng đi vào lịch sử đất nước. Trường hợp họ Nguyễn Tiên Điền là một thí dụ rõ ràng nhất. Trước Nguyễn Nghiễm đã có Lĩnh Nam Công, đồng lứa với ông là tiến sĩ Nguyễn Huê, Nguyễn Trọng. Con ông là tiến sĩ Nguyễn Khản, là nhà thơ Nguyễn Du, cháu ông là Nguyễn Hành, Nguyễn Thiện, Nguyễn Cảnh (và nhiều nữa) đều có tên tuổi trong sử sách. Cho đến đầu thế kỷ XX dòng họ này còn có tiến sĩ Nguyễn Mai (đồng khoa với cụ Huỳnh Thúc Kháng) làm vinh dự cho đất Nghi Xuân. Họ Ngụy ở Xuân Viên cũng không kém: Khi vào xứ Nghệ chấm thi, Phạm Quý Thích đã chỉ vào bài văn của Ngụy Khắc Tuần mà nói: "Khí tốt của núi Hồng đều dồn cả vào họ Ngụy này"! (theo sách Thối thực ký văn). Thám hoa Ngụy Khắc Đản vừa là học giả, vừa ở trong phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp như ta đã biết. Và chưa rõ sự điều tra chính xác đến mức độ nào, mà vào khoảng năm 1948, người viết bài này còn được nhà thơ Ngụy Mộng Hiền (tác phẩm có trích trong sách Thi nhân Việt Nam) đến nhà cụ cử nhân Ngụy Hiếu Tính để nhận họ! Còn họ Đặng ở làng Uy Viễn lại có nhà học giả Đặng Thái Phương (ta đã kể trên), có Đặng Sỹ Vinh là bố vợ của Nguyễn Nghiễm, có Đặng Uyên Túc là bố vợ Nguyễn Công Trứ v.v….Họ Vũ (làng Hội Thống) có tiến sĩ Vũ Thời Mẫn, cử nhân Vũ Văn Huề đều nổi tiếng một thời (thế kỷ XIX). Có thể viết dưới kinh nghiệm giáo dục kế truyền của các dòng họ này, nhưng sẽ là vào một dịp khác.
3. Đất của những kỳ nhân, giai sự:
Đúng là ở đất Nghi Xuân, nhìn chung trong phạm vi văn hiến, là có nhiều người lạ (kỳ nhân) chuyện hay (giai sự). Đây là nhìn chung tổng thể, chứ không nhìn riêng vào thành tích riêng của một dòng họ, một danh nhân nào. Đối với nhiều địa phương, ta gặp ở Nghi Xuân khá nhiều hiện tượng (hay sự kiện) văn hoá khá độc đáo mà lại rất dân dã. Những người, những việc ở đây, đều là sự thực, đã tham gia vào đời sống văn hoá Nghi Xuân suốt bao đời nay và được người dân dành nhiều thiện cảm (tất nhiên là đôi khi giai thoại được nâng lên thành huyền thoại nhưng vẫn không đi quá đà, theo đúng phong cách Nghi Xuân). Có thể điểm qua vài hiện tượng:
- Tả Ao: Ông là con người thực, có tên là Vũ Đức Huyền, ở làng Tả Ao, nay là xã Xuân Giang. Ông được xem là vị thánh địa lý của nước Nam ta. Chuyện của ông dàn trải khắp các tỉnh thành miền Bắc, đều là những chuyện để mồ để mả có linh nghiệm một cách lạ lùng. Người ta có thể còn băn khoăn phong thuỷ là khoa học hay là mê tín dị đoan. Nhưng hầu hết chuyện để đất của Tả Ao lại là những chuyện phê phán những thói hiếu danh, những trò trục lợi hoặc những chuyện trân trọng sự tu nhân tích đức của người dân bình thường. Rất tiếc là giờ đây, dòng họ Tả Ao không còn, mà đền thờ Tả Ao cũng không có (không rõ có liên quan gì đến họ Vũ ở nhiều nơi không). Sách Tả Ao truyền lại được ghi là nhiều, song không rõ có đúng là do ông viết?
- Đinh Lễ: Cũng là người thực, ở làng Cổ Đạm. Ông được tôn là vị tổ của ngành ca công (các tỉnh từ Thanh Nghệ trở ra đều công nhận xuất xứ này). Những chuyện của ông lại bị gắn nhiều với huyền thoại. Ông gặp tiên cho cây đàn, dạy điệu hát, rồi trở thành Thanh Xà đại vương, với vợ là Mãn đào hoa công chúa. Chuyện thực hư không rõ, nhưng làng Cổ Đạm với truyền thống hát ả đào do ông khơi mối thì là sự thực hoàn toàn. 
- Cố Ghép: Ông chỉ là một lực điền ở làng Động Gián, nay là xã Cương Gián, có tên là Cổ Đương. Thấy con đường núi khó đi, vất vả cheo leo, ông đã tự mình ra phá núi, nhất định làm thành con đường bằng cách gánh đá ghép cho thành bậc, nối được giao thông giữa hai huyện Nghi Xuân - Can Lộc. Người đời chê ông là ngu dại (như ông Ngu công dời núi bên Trung Quốc). Họ hàng lo ông già yếu, ông vẫn kiên trì làm theo ý mình để phục vụ nhân dân. Con đường qua truông được hoàn thành có tên là Truông Ghép, và ông cũng được tôn là Cố Ghép người đời sau thấy đây là tấm gương nghị lực thần kỳ.
- Xích Thanh cuồng sĩ: Ông chính tên là Đinh Văn Thụ, người làng Đan Hải. Làm nghề thầy đồng, những khi cúng lễ thường hò hét nói toàn những câu chống Pháp và vua quan. Địch bắt giam ở Huế 7 năm. Lúc trở về ông vẫn có phong cách "cuồng" như thế. Lập bàn thờ ở nhà tự xung là vua. Viết thư bắt người nhà đưa vào cho vua Khải Định bảo phải nhường ngôi. Ra lệnh chém những người làm tay sai cho Pháp (cố nhiên là gia đình phải giữ, không cho ông giao thiệp với ai). Ông cũng làm thơ. Sách Thơ văn trào phúng Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh (văn học H. 1974. tr. 158) có trích bài của ông.
- Nguyễn Lưu: Là ông Quận Vui, người làng Mỹ Dương, có tài trị được voi trong rừng, làm cho làng xóm yên ổn. Nhà vua phải phong ông chức quận công, dân chúng gọi là Quận Voi. Hàng năm trước đây làng Mỹ Dương tổ chức lễ tế săn (hiệp tế) phải cúng ông trước, rồi mới cho các nậu tiến quân vào rừng.
- Đậu Vinh Trường: Tráng sĩ giết thuồng luồng - là chuyện người thực, không phải chuyện hư cấu. Ông người làng Xuân Viên, gân sức cứng cáp, giết được mãng xà trong núi. Do nhảy xuống sông giết thuồng luồng cứu được ngựa cho nhà vua, nên đời Lê Vĩnh Trị (1679) được phong chức Tham đốc.
- Nguyễn Trí: Nghệ sĩ đá cầu là người làng Uy Viễn. Chính ông đã đứng trên thuyền chòng chành mà đá cầu chúc thọ vua Lê được đến hàng trăm quả; lại có sức khoẻ đánh ngã cả voi, được phong  tước Trí dũng hầu.
- Phan Trương Thanh: Nhà danh bút, cũng là người làng Xuân Viên, có trình độ xuất sắc về nghệ thuật viết chữ và tạo hình. Ông có làm quan đến tri huyện, nhưng đặc sắc nhất là đã soạn nhiều sách về phép vẽ, phép viết chữ (thư hoạ). Ông Võ Hồng Huy đã trực tiếp xem những bản thảo của ông cách đây ngót 200 năm (lưu tại gia đình) và mượn lời Kiều để đánh giá:
Bút pháp đã tinh
So vào với thiếp Lan đình nào thua.
- Nghệ sĩ hài Phan Phú Giai: Giờ đây ta mới có thuật ngữ "nghệ sĩ hài" để khẳng định sự trân trọng. Chứ trước đây, người biết nghệ thuật hài, cứ được gọi là "làm hề". Ở Hà Tĩnh có thành ngữ :"hề trong Cổ Đạm". Có nghĩa là ông làng Cổ Đạm, vai đóng hề trong các vở tuồng chèo là đặc sắc vô cùng. Người đóng hề là Phan Phú Giai, sống vào thời Gia Long. Cả nhà ông đều giỏi về trào lộng: con ông là Phan Phú Truyền cũng làm chức cai ty giáo phường. Cần nói thêm là họ Phan làng Phú Lạp, tổng Cổ Đạm có nhiều người đàn hát nổi danh.
- Hà Thiềm: Thợ khắc, quê làng Tiên Điền, sống đồng thời với Nguyễn Du. Ông có tài khắc chữ lên bia đá, mỗi ngày có thể khắc hàng chục chữ, lại có tài làm thợ mộc khéo léo và tinh xảo. Tể tướng Nguyễn Nghiễm cho ông thi tài với thợ đá, thợ mộc ở Thanh Hoá, họ đều phải nhường ông. Con cháu ông cũng đều tiềp tục làm thợ cả ở trong làng và trong huyện.
- Nguyễn Trọng: Vị thánh y, cũng là người trong họ Nguyễn Tiên Điền, là chú Nguyễn Du, em Nguyễn Nghiễm. Cùng với cháu là Nguyễn Nghi, ông nổi tiếng về nghề thuốc, nhân dân xem ông là vị thánh chữa bệnh. Nguyễn Hành gọi ông là bậc tướng trong các lương y.
Còn có thể kể thêm nhiều nhân vật nữa, nhưng phải chăng như vậy cũng đủ cho ta thấy vùng đất này quả có nhiều người lạ, chuyện hay làm sáng tỏ thêm cái chất văn hiến của một vùng. Mà hình như ở đây, sự việc đều có tính cách giai sự, giai thoại nhiều hơn huyền thoại, nghĩa là tỷ lệ về cái thực đậm hơn cái hư.
Cũng trong kho "kỳ nhân, giai sự" này ta còn có thể điểm qua một vài nét nữa. Thí dụ như những mẩu chuyện về các ông thầy. Từ thế kỷ XVI, Nghi Xuân đã nổi tiếng về một ngôi trường. Đó là trường quan bảng - Hiệu trưởng đồng thời là giáo viên duy nhất ở đây là ông Trần Bảo Tín. Ông không phục nhà Mạc, quay về ẩn dật, mở trường dạy học trò chỉ có một chữ “nghĩa” mà thôi. Vì vậy ông còn được tôn là Nghĩa sư. Ông không dạy ở trong làng, mà đem học trò lên núi, giảng sách làm văn ở đó, nên núi Đôn Lân (rú Lần) cũng được gọi là rú quan bảng. Trần Bảo Tín lại có một bà vợ, đã chú ý đến ông từ lúc thiếu thời. Ngày ngày cô đi chợ, gặp cậu học trò nghèo, nhưng chăm chỉ, tốt nết, cô đã ngầm yêu, và đã tìm cách lén bỏ vào cái tráp của anh vài ba đồng tiền giúp anh mua củ khoai, cái bút. Cứ như thế cho đến khi biết rõ sự thực, Trần Bảo Tín rất cảm kích, xin được cưới cô để làm lễ tiểu đăng khoa sau khi đã đại đăng khoa. Gia phả không chép được tên bà vợ này, nhưng dân gian Nghi Xuân vẫn truyền tụng chuyện cô gái Kẻ Lách như một câu chuyện đẹp.
Nhưng Nghi Xuân đâu chỉ có thầy Trần Bảo Tín. Ngày xưa, ông nhà nho nào cũng làm nghề thầy học, cả khi đã đỗ đại khoa, hoặc đã làm quan to. Nghi Xuân cũng vậy. Rất tiếc là sách lịch sử giáo dục Việt Nam chưa viết, mới có vài tài liệu cũng chỉ đề cập sơ sài. Hy vọng một ngày nào đó, ta có thể nhắc đến những ông như:
- Đào Doãn Cung (người làng Đan Hải) là thầy dạy của ông tiến sĩ Vũ Thời Mẫn, Ngụy Khắc Tuần. Vị thầy này có phong thái rất nghiêm túc, rất tự trọng, rất ngay thẳng để làm gương cho học trò.
- Lê Hoằng Chu: (người làng Tiên Bào) không rõ ông có phương pháp dạy như thế nào mà học trò của ông phần lớn đều trở thành nhân tài của đất nước. Hồi đó là vào thế kỷ XVIII, dư luận đồn rằng ở Nghệ An có bốn người giỏi (Nghệ An tứ hổ), thì làng Tiên Bào chiếm mất hai người. Đó là Đậu Minh Dương và Lê Đăng Truyền. Hai người này đều là học trò của ông.
Các vị thầy ấy nhiều không kể hết được. Lại còn có các nhà sư tu hành nữa. Nghi Xuân có nhiều chùa, mà ngôi chùa nổi tiếng nhất là chùa Uyên Trừng (tục gọi là chùa Giăng) được xem là một trong tám cảnh đẹp của Nghi Xuân. (Nghi Xuân bát cảnh phải nhắc đến Uyên Phương cổ tự). Chùa này có vị sư đạo hạnh rất cao, tinh thông giáo lý và là bạn của nhà thơ Nguyễn Du. Ông có hiệu là Huyền Hư Tử, Nguyễn Du đã nhắc đến ông qua một số bài thơ. Nghi Xuân còn có cả sư bà, cũng đã có tên trong sử sách. Đó là bà Diệu cổ thiền sư… Nhiều nhà sư khác chắc cũng có bản lĩnh nhất định, song đã bị quên đi.
Có thể nghĩ rằng khi điểm qua những nét văn hóa trên đây, mà không nhắc đến giới phụ nữ, là một điều thiếu sót. Phụ nữ Nghi Xuân trong truyền thống không thấy ghi được những tấm gương nữ tướng như bà Trưng, bà Triệu, song vẫn có những tên tuổi khá tiêu biểu. Vai trò bà mẹ như bà Phan Thị Minh, sinh ra tể tướng Nguyễn Nghiễm. Người Trung Quốc sang ta đã tỏ ra kính phục bà mẹ này, vừa là mẹ, vừa là bà nội của rất nhiều danh nhân (Nguyễn Du, Nguyễn Nễ...). Vai trò người vợ thì có bà Đặng Thị Minh, vợ của Nguyễn Công Trứ, suốt một thời tần tảo, lo cho chồng ăn học. Đến khi ông Trứ bay nhảy nhiều nơi, bà vẫn chịu sống bình thường lặng lẽ, mặc cho ông chồng “lão phu do phiếu ngũ hồ chu”. Cũng phải kể đến một nhà thơ nữ. Bà Nguyễn Thị Quyên là con gái út của Nguyễn Công Trứ, là vợ tú tài Trần Văn Ý, một văn thân chống Pháp, ở xã Đan Phổ. Thơ của bà đã làm cho nhiều ông cử phải kinh sợ, thẹn thùng. Tư tưởng của bà lại rất vững vàng, giữ vững lòng trung với nước, với chồng.
Thật ra những nét văn hiến trên đây của vùng quê Nghi Xuân là chưa đầy đủ, còn có thể tìm tòi và phát hiện thêm nhiều. Và đây cũng là điều mà người dân Nghi Xuân những thế kỷ xa xưa vẫn tự ý thức được, không phải là do chúng ta suy luận để tưởng tượng nên. Những câu phương ngôn ở Nghi Xuân vẫn được lưu hành cho thấy người Nghi Xuân luôn luôn khẳng định quê hương mình là một vùng quê văn hóa. Họ nhìn nhận rất toàn diện cả về thiên nhiên, đất nước, sản vật, truyền thống và phong cách từng làng. Chẳng hạn:
- Lúa Xuân Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống, trống Đan Tràng, đục chàng Đan Phổ.
Như vậy là đủ cả: Làng Xuân Viên nhiều ruộng lắm lúa, làng Hội Thống giàu vì buôn xa, làng Phúc Châu nhiều thuyền bè, làng Tiên Điền nhiều quan lại, làng Đan Tràng thường mở hội, trống đánh rộn ràng, làng Đan Phổ quen nghề thợ mộc. Vài nét về văn hóa Nghi Xuân, dù chưa đủ, song cũng gợi nên một diện mạo đáng tự hào của di sản văn hóa một vùng quê địa linh nhân kiệt. Nối dòng truyền thống, phát huy tinh hoa, hạn chế những điều bất cập là vấn đề mà người dân nơi này không thể không nghĩ đến.
                                        Trang thông tin điện tử NGHI XUÂN HÀ TĨNH

Không có nhận xét nào:

Trang