19 tháng 11, 2013

Đất thiêng Vũng Chùa

Hai cơn bão 14 và 15 áp sát liên tiếp khiến mấy ngày này trời đất miền Trung xầm xì, khó chịu. “Mưa thế này ăn thua gì, mấy hôm bão Haiyan còn khủng khiếp hơn nhiều”, bác Toán chạy xe ôm đưa tôi theo Quốc lộ 1A từ ngã 3 Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) qua con đường cấp phối đi xuống biển. “Nhưng như thế lại hay, mưa nốt đi để mấy bữa nữa 49 ngày Đại tướng nắng lên cho đẹp…”.

Bí ẩn Vũng Chùa
Thấy tôi xách balô nhảy xuống từ chiếc xe đò Vinh - Đồng Hới, tay lăm lăm máy ảnh, đang ngơ ngác tìm xe ôm để đi vào mộ phần Đại tướng thì được một người tên là Toán chạy xe thời vụ, tức là khi nào rảnh mới đi và nhận đưa tôi vào mộ phần Đại tướng. Ông nói, ông không ủng hộ chị em chèo kéo người dân mua hoa khi viếng Đại tướng - vào viếng không nhất thiết phải có hoa vì hương hoa đã được bộ đội biên phòng chuẩn bị đầy đủ.
Đoạn đường cấp phối đá dăm từ cổng nhà điều hành Khu kinh tế Cảng Hòn La vào mộ phần Đại tướng dài chưa đến 2km, vậy mà xe ôm “bản địa” cỡ như ông Toán phải mất 15 phút mới đi qua. Mưa to đã cản mất tầm quan sát ổ gà của ông. Những cơn mưa lớn, dai dẳng đã biến con đường thành những hố nước xen kẽ. Không ai biết khi nào nó đẹp đẽ hơn, nhưng chắc chắn chỉ khi nào toàn bộ khu lăng mộ Đại tướng được xây dựng hoàn thiện, con đường này mới khang trang hơn, thuận tiện hơn cho người dân vào viếng Đại tướng.
Mộ phần Đại tướng đã được cách ly người viếng
Nghe nói gia đình Đại tướng đang chờ mùa mưa kết thúc để xây cho cán bộ, chiến sĩ Đội biên phòng bảo vệ lăng mộ Đại tướng - đơn vị mới toanh thuộc Đồn Biên phòng Roòn - một khu tập thể mới. Cũng đã 2 tháng kể từ ngày cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng Quảng Bình nhận trọng trách bảo vệ mộ phần Đại tướng. Trên dưới gần 40 con người vẫn chưa có nước ngọt và điện lưới để sử dụng. Trong khi nước được tiếp tế từ Trạm Biên phòng Hòn La bằng xe máy thì điện sinh hoạt, điện phục vụ mộ phần Đại tướng chạy từ máy nổ…
Trên con đường cấp phối đó, trừ một lối mòn nhỏ dẫn ra hướng Mũi Rồng, sau hơn 10 phút loay hoay tôi như vỡ òa khi khu đất Vũng Chùa hiện ra. Cảm giác đầu tiên đập vào mọi giác quan là khu vực này yên ắng quá, trang nghiêm quá. Mọi sự yên lành đến nỗi, ngay cả tiếng sóng mùa bão biển, dù là âm thanh ồn ào nhất trong mọi âm thanh hỗn độn vẫn không ăn nhằm gì so với chính nó ở những vùng khác. Còn lại tiếng loa hướng dẫn đồng bào làm thủ tục thăm viếng, tiếng động cơ ôtô khởi động, tiếng người… tất cả đều khe khẽ như có sự khống chế, sắp đặt vô hình nào đó.
Mộ phần Đại tướng ngự trên vùng đất bằng phẳng cao nhất. Thấp hơn một chút là tháp chuông trong khuôn viên theo phong cách thờ tự, mà sau đó tiếp cận tôi thấy tháp được gia đình Đại tướng dựng lên từ năm 2009. Trên đó in rõ tên của phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình cung tiến. Bốn chữ lớn đúc vào chuông: “Vũng Chùa Hồng Chung”, các bức khánh khắc thơ của nhiều sư tổ danh tiếng. Từ gác chuông này, nhìn về phía đông nam là một phần của Biển Đông, phóng tầm mắt ra xa hơn là Đảo Yến án ngữ, sau lưng là núi Mũi Rồng hùng vĩ. Bình độ ở đây được công bố là +2,5m, cao hơn 90m ở đỉnh. Theo thuật phong thủy, đó là địa thế lý tưởng, đắc địa. Dưới núi Rồng là thung lũng Rồng hết sức nên thơ, ở giữa núi Rồng cao sừng sững, hai bên chạy theo hướng vòng cung đông nam, địa hướng lý tưởng, không lệch bất cứ một phút, một giây nào khi đưa la bàn lên kiểm chứng.
Mộ phần Đại tướng và Tháp Chuông nhìn toàn cảnh từ khu vực đăng ký viếng
Lướt nhanh qua cảnh quan mới thấy Vũng Chùa - Đảo Yến cách Quốc lộ 1A chừng hơn 2km, cách chân đèo Ngang (biên giới tự nhiên Hà Tĩnh và Quảng Bình) khoảng 4km. Khu danh lam này nằm thế tựa lưng vào núi Rồng. Vũng Chùa là vùng đất thơ mộng với bãi biển hoang sơ, cát trắng mịn màng. Phía đông của vùng đất này là nơi giáp biển, có nhiều mũi đất chạy dọc dài hướng về phía nam như mũi Ông, mũi Rồng, Hòn Cỏ, Hòn La, Hòn Nồm (còn gọi là hòn Vũng Chùa). “Nghe đâu có vị chuyên gia về phong thủy, sau khi về thăm khu vực này có nói, thế đất này hiển thánh, không hề vinh thân hay phì gia cho con cháu, mà chỉ giúp quốc thái dân an”, ông Toán xe ôm nhanh nhảu giải thích khi tôi thắc mắc về địa thế đẹp như tranh này. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, bản thân bà Võ Hạnh Phúc, con gái của Đại tướng cũng đã khẳng định, chính Người đã chọn cho mình khu vực này khi trăm tuổi từ hơn 10 năm rồi. Thông tin đó đã lý giải vì sao là Vũng Chùa mà không phải An Xá, Lệ Thủy!?
Âm trạch là nơi mộ phần an táng người đã mất, từ xưa tới nay nó luôn được người Việt Nam coi trọng… Trước đây, quả là ít chi tiết đề cập đến vùng đất Vũng Chùa, Đảo Yến là linh địa cả. Các giai thoại, truyền thuyết trong vùng cũng chỉ nói nơi đây là đất tâm linh thánh thần ngự trị. Rộng ra một chút quanh đó thì có đền thờ bà Liễu Hạnh tọa ở thôn Vĩnh Sơn, cách nơi Đại tướng nằm 2km theo đường chim bay (cùng trục chính nam với mộ phần của Đại tướng).
Nhất tâm hướng về Đại tướng
Chính địa thế đẹp nên thơ, đất thiêng nên vùng đất này được đích thân Đại tướng cũng như gia đình và chính quyền chọn làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Tin thi hài của Anh Cả Quân đội Nhân dân Việt Nam được đưa về đây an táng khiến bà con thôn Thọ Sơn cảm thấy tự hào vô cùng.
Ông Chu Văn An, Bí thư thôn Thọ Sơn chia sẻ: “Nhận tin Đại tướng sẽ an nghỉ tại đây, tôi cũng như bà con trong thôn, trong xã cảm thấy phấn khởi. Tôi thực sự không ngăn được dòng nước mắt mỗi khi tưởng nhớ về Đại tướng. Cảm ơn Người, cảm ơn gia đình Người đã mang đến cho vùng đất quê hương chúng tôi một đặc ân thiêng liêng nhất, một niềm tự hào mà các vùng khác không sao có được”.
Ông An cho hay, cả thôn Thọ Sơn có 267 hộ với gần 1.000 khẩu, nghề nghiệp chính là làm nông. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, khi thành lập Khu kinh tế Hòn La thì đất nông nghiệp không còn nữa. Thay vào đó, có khoảng 70% người trong độ tuổi lao động của địa phương đã có công ăn việc làm ổn định trong khu kinh tế, sau một thời gian ngắn bôn ba vào Nam ra Bắc kiếm ăn. Chính sự thay đổi này cũng làm cho đời sống bà con được cải thiện phần nào, dù còn khó khăn hơn nhiều nơi khác nhưng đã có thay đổi hơn xưa.
Lực lượng bộ đội Biên phòng Quảng Bình luôn làm nhiệm vụ với trách nhiệm cao, nghiêm trang, cẩn trọng

Cùng chung cảm xúc, cụ Hồ Văn Toán (76 tuổi), người đã lặn lội hơn 500km từ Phù Ninh, Phú Thọ hành hương vào Vũng Chùa cho biết, khi Đại tướng lâm chung, cụ không thể xuống Hà Nội khóc Người. Nay sức khỏe khá hơn, lại được con cháu thu xếp một chuyến vào Quảng Bình, cụ phấn khởi lắm. “Cả đời tôi chưa từng được gặp Đại tướng bao giờ. Vậy mà không ngờ nay lại được đến nơi Đại tướng chọn làm nơi yên nghỉ”. Anh Lợi, con cụ Toán, vốn là cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường biên giới là người cổ vũ cụ nhiều nhất trên đường vào miền Trung viếng Đại tướng.
Ông Tuấn chạy xe ôm năm nay đã 64 tuổi, là một trong những hội viên Hội Người cao tuổi xã Quảng Đông. Ông bảo: “Quê hương chúng tôi rất vinh dự được đón Đại tướng về đây an nghỉ. Người là vị Đại tướng đáng kính không chỉ của người dân Việt Nam mà là vị tướng lừng danh trên khắp thế giới. Dù Đại tướng an táng ở Lệ Thủy hay Quảng Trạch thì Đại tướng vẫn là người con xuất sắc của quê hương Quảng Bình chúng tôi”.
Tiếp xúc với bà con thôn Thọ Sơn, chúng tôi càng hiểu hơn tấm lòng của họ với Đại tướng sâu sắc đến nhường nào, dù nhiều người không nói ra nhưng trong tâm khảm họ đang trào dâng một cảm xúc đặc biệt khi biết quê hương mình được vinh dự đón Đại tướng về an nghỉ. Tất cả bà con nơi đây đều cho biết họ đã, đang và sẽ tiếp tục tìm mua ảnh Đại tướng về đóng khung trang trọng, rồi lập bàn thờ thắp nhang bái vọng Người. “Trước đây Bác Hồ ra đi, người dân cả vùng này đều lập bàn thờ hằng ngày hương khói cho Người. Nay Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an nghỉ tại đây, chúng tôi lại thêm một bàn thờ, bát hương để tưởng nhớ Người - vị Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam - Thiên tài quân sự thế kỷ XX”, cụ Lê Thị Hồng, trú thôn Thọ Sơn tâm sự.
Bộ đội Roòn bảo vệ người Anh Cả
Những chiến sĩ Đồn Roòn thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình được Bộ Tư lệnh tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ, hướng dẫn nhân dân vào viếng Đại tướng. Vả lại, không ai bảo vệ mộ phần Đại tướng trách nhiệm hơn những người lính; và thứ hai, chỉ những người lính mới đủ quyền năng để đảm trách nhiệm vụ cao cả này. Nhân dân rất có ý thức, trật tự từ lúc đăng ký cho tới khi hoàn tất việc viếng Đại tướng.
Ngoài việc nhắc nhở trang phục lịch sự, gọn gàng, để đảm bảo an ninh tuyệt đối, các chiến sĩ biên phòng còn yêu cầu nhân dân để túi xách, balô trên phương tiện, đồng thời yêu cầu các trưởng đoàn trình giấy tờ tùy thân và thông báo chi tiết số lượng người đến viếng. Với mật độ trung bình 3.000-3.500 người cho ngày thường và gấp đôi số đó vào mỗi cuối tuần thì không hiểu hương, hoa sẽ chất đến đâu nếu nhân dân không được hướng dẫn kỹ càng.
Thiếu tá Bùi Thanh Liêm giải thích thắc mắc của người dân về những hạng mục bên ngoài mộ phần Đại tướng
Theo Trung tá Trần Tiến Hóa, Phó đồn trưởng Đồn Roòn, sĩ quan chỉ huy trực tiếp công tác đón tiếp, vì vừa theo dõi dòng người đến viếng vừa sắp xếp lại từng khâu phục vụ nên công tác đón tiếp vẫn tiếp tục được bổ sung những hạng mục cần thiết. Mộ phần Đại tướng nằm ở lưng chừng núi Thọ Sơn, vì vậy lối lên viếng cũng khá hẹp. Khu vực tập trung cạnh Tháp chuông đã được mở rộng chừng 30m2, tuy nhiên với lượng nhân dân viếng lên tới 4.000-5.000 lượt, nơi đây thật sự quá tải. Bản thân người viết cũng không được phép dừng lại trước mộ phần Đại tướng quá 3 phút, dù đã trình thẻ và xin phép tác nghiệp. Từ mộ phần nhìn vút tầm mắt, mới thấy địa thế Vũng Chùa thật tuyệt.
Phút chốc, mỗi người dân trở nên quá nhỏ bé trước Đại tướng và trước Biển Đông rộng lớn. Nhìn từ bãi đỗ xe, khu mộ phần của Đại tướng nằm trên lưng chừng quả đồi quay mặt ra Đảo Yến. Dọc hai bên đường lối lên - xuống nơi đặt mộ phần Đại tướng, vòng hoa được xếp ken đặc. Sau khi leo lên một đoạn dốc khoảng 100m, với gần 20 bậc thang sẽ đến được nơi đặt khu mộ phần của Đại tướng. Trên khu đất rộng khoảng 50m2 lưng chừng đồi, khu mộ phần của Đại tướng nằm hướng ra Đảo Yến, nơi có Vũng Chùa nước trong xanh suốt bốn mùa. Tại đây, nơi mộ phần Đại tướng yên nghỉ, đang có gần 10 chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đứng gác và làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân đến thắp nhang từ biệt Đại tướng.
Cũng theo Trung tá Hóa, để bảo vệ mộ phần của Đại tướng được chu đáo, hiện tại mỗi ngày có khoảng hơn 10 cán bộ và bội đội biên phòng được cắt cử để bảo vệ trước phần mộ của Đại tướng và hướng dẫn người dân đến thắp hương bái biệt Người. Được biết, Đồn Biên phòng Roòn đã dựng nhà che toàn bộ phần mộ Đại tướng, đóng khung gỗ đề phòng gió bão hoặc mưa lớn làm sập tấm bạt. Đơn vị cũng đào rãnh thoát nước xung quanh khu mộ, tránh tình trạng mưa lớn gây lở đất.
Dãy bán hoa tươi trên đường vào khu mộ Đại tướng
Trong 5 giờ ngồi trực cùng Thiếu tá Bùi Thanh Liêm dưới trời mưa, chúng tôi thu thập được một câu chuyện vui này. Dưới chân núi Thọ Sơn có 1 ngôi miếu và 2 ngôi mộ của người dân, cộng thêm cuối khu di tích có khu nhà thờ của tư gia Đại tướng. Thiếu tá Liêm cho hay, chỉ riêng việc giải thích những thắc mắc “nhỏ” trên, đồng thời chỉ dẫn nơi chờ, nơi nghỉ chân, nơi nào được nơi nào không được tham quan đã khiến anh thở không ra hơi. Tuy nhiên, cũng như anh, bất cứ sĩ quan biên phòng nào làm nhiệm vụ ở khu đất thiêng vẫn nở những nụ cười cho dù phải trả lời cho cùng 1 câu hỏi khoảng 100 lần/giờ đồng hồ hoặc nhiều hơn thế nữa. Mỗi ca trực như vậy, từng tốp chiến sĩ lại thay phiên nhau thắp hương trước phần mộ Đại tướng. Khi thay hoa bên mộ Đại tướng, lính biên phòng cũng thắp hương xin phép. Trung tá Hóa, người đã có hàng chục đêm túc trực bên phần mộ Đại tướng tâm sự rằng, anh đã không kìm nén được cảm xúc lòng mình khi chứng kiến từng dòng người về viếng Đại tướng.
Trong suốt một tháng rưỡi qua, Thiếu tá Liêm không thể quên bà cụ Yên từ Vĩnh Phúc, một mình vượt quãng đường gần 600km vào Vũng Chùa. “Đi tàu hỏa vào ga Hoàn Lão (Bố Trạch, Quảng Bình), cụ Yên đón xe đò về xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch rồi đi bộ thêm 4km vào nơi an táng Đại tướng. Cụ đến lúc trời đã nhá nhem tối. Cụ lạy mãi cho đến lúc các anh bộ đội lo cho sức khỏe của cụ nên dìu ra vòng ngoài”, Thiếu tá Liêm nhớ lại. “Nhưng chưa hết, cụ lần mò xung quanh khu mộ nhặt cho bằng sạch rác và chỉ chịu rời khỏi Vũng Chùa khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm hôm đó”.
Suốt thời gian qua, hàng chục cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng nỗ lực hết mình, ngày đêm khắc phục khó khăn về thời tiết và địa hình để hoàn thành nhiệm vụ. Hơn 200 người ở khu vực, gần 100 người cắm chốt tại các điểm cao trên núi, 3 canô, hai tàu cao tốc ngày đêm để bảo vệ khu vực, vùng biển. Trong 3 cơn bão lớn vào dải đất miền Trung gần đây, may mắn không xảy ra mưa gió, mặc dù vào gần bờ. “Chúng tôi rất vinh dự vì được cấp trên giao nhiệm vụ, được gia đình Đại tướng tin tưởng và rất mừng vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn tuyệt đối ở khu vực, góp phần bảo vệ sự an toàn cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong lễ an táng. Sau đó, gia đình vẫn còn một số thủ tục cần thiết cho Đại tướng, đồng thời Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Bộ đội biên phòng Quảng Bình tiếp tục triển khai phương án, kế hoạch bảo vệ phần mộ Đại tướng tại đây. Chúng tôi tiếp tục đảm bảo lực lượng và phương tiện 24/24 giờ để đảm bảo an ninh, hướng dẫn cho người dân đến viếng mộ Đại tướng” - xin được mượn lời Đồn phó Trần Tiến Hóa thay cho lời kết.

                                                                                                                          Lê Tùng

Không có nhận xét nào:

Trang