25 tháng 3, 2013

Đừng vội phản ứng nếu bị cử tri coi như 'tội đồ'


Nguyên ủy viên Thường vụ QH Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ lý do vì sao nhiều đại biểu QH chưa làm tròn trách nhiệm với cử tri.

'Luyện cơ thể' thích nghi với việc gặp cử tri

Hầu hết ý kiến đánh giá, việc tiếp xúc cử tri giữa hai kỳ họp QH là rất quan trọng để nghe cử tri phản ánh và gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến nghị trường nhưng hiện nay, nhiều đại biểu QH chưa làm tròn trách nhiệm với cử tri. Thậm chí, trách nhiệm xem xét, đôn đốc và theo dõi việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân là trách nhiệm của đại biểu QH đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật nhưng nhiều đại biểu QH còn thờ ơ.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên ủy viên UB Thường vụ QH phụ trách công tác dân nguyện khóa X cho rằng, do 75% đại biểu hoạt động không chuyên trách nên thường “nóng” khi tiếp xúc cử tri và “nguội dần” khi trở về với công việc chuyên môn.

Hơn nữa, theo bà Thu, chưa có cơ chế để đại biểu chuyển gửi trực tiếp ý kiến, kiến nghị của cử tri. “Có đại biểu còn tâm sự với tôi rằng, muốn phát biểu ý kiến tại hội trường, nhất là những vấn đề ‘nhạy cảm’ liên quan đến địa phương thì phải có ý kiến đồng ý của Trưởng đoàn vì sợ bị ‘trù’, mà thực tế đã bị ‘trù’, bị ‘trả đũa’ nên đại biểu QH thường ‘biết nhưng vẫn để trong bụng’, giữ im lặng là vàng. Tôi có thể chứng minh được vấn đề gì, ở địa phương nào bị ‘trù’ ra sao”, bà Thu nói.

Một nguyên nhân nữa, bà Thu nói tiếp, chất vấn cũng là hình thức phản ánh ý kiến cử tri, tuy nhiên quỹ thời gian dành cho chương trình này không nhiều (thường từ 2-2,5 ngày mỗi kỳ họp) nên nhiều đại biểu không thực hiện được trách nhiệm của mình.

Rút kinh nghiệm từ 31 năm làm đại biểu QH, bà Thu nhìn nhận, đã là đại biểu QH thì phải coi việc tiếp xúc cử tri không còn là nghĩa vụ, trách nhiệm nữa mà là nguyện vọng, sở thích, là tình cảm không thể thiếu. “Có thể ví như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Tôi hoàn toàn không nói cường điệu. Muốn làm được như thế thì phải luyện, luyện cho đến khi nào cơ thể mình thích nghi với việc gặp cử tri, bởi vì cử tri luôn luôn đem nguồn lợi đến cho đại biểu”, bà nói.

Tiếp nữa, thái độ của đại biểu dân cử khi đến gặp cử tri cần phải thân thiện, gần gũi, cảm thông, sẻ chia và đặt mình vào vị trí của cử tri. “Đừng vội phản ứng trước những ý kiến cáu gắt của cử tri bởi cử tri bức xúc dồn nén từ lâu nên gặp đại biểu là cơ hội để họ ‘trút’ hết, thậm chí có cử tri coi đại biểu như là tội phạm, tội đồ, như kẻ tham nhũng vậy”, bà Thu chia sẻ.

Theo bà, tiếp xúc cử tri không chỉ nghe mà còn phải đối thoại, giúp cử tri thực hiện quyền của mình. Khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân, đại biểu QH là một “kênh” hướng dẫn họ thực hiện quyền đó. “Dân thường hay tự cho mình là ‘thấp cổ bé miệng’ cho nên họ mới nhờ, mới cần đại biểu QH, vì vậy đại biểu không nên từ chối họ”, bà Thu đề nghị.

“Bất kỳ ai không tôn trọng ý kiến của nhân dân, làm người đại biểu cao nhất cho dân, thực hiện quyền do dân ủy thác mà thờ ơ, thiếu trách nhiệm với dân là người vô cảm, không còn xứng với sự tin cậy của dân, sớm muộn cũng bị nhân dân bất tín nhiệm”, bà Thu nói tiếp.

Cũng khẳng định trách nhiệm của đại biểu QH với cử tri còn quá nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu, chưa làm tròn nhiệm vụ, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH đánh giá, những kiến nghị, đề đạt, bức xúc và nguyện vọng của cử tri phản ánh đến đại biểu QH thì đại biểu mới chỉ giải quyết được 10 - 30%, còn lại từ 70-90% không làm được việc.


Ông cũng nói, dùng hình tượng đại biểu QH như “chim đưa thư” của cử tri tới các cơ quan là một ví von đúng. Nhưng theo ông, thực chất điều kiện hoạt động của đại biểu QH còn quá ít ỏi, thiếu thốn và đặc biệt việc tạo điều kiện cho đại biểu QH làm tròn trách nhiệm với cử tri là quá yếu và quá ít.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH đề xuất, mỗi đại biểu QH cần có một thư ký riêng giúp việc tiếp xúc cử tri. “Ông bộ trưởng là đại biểu QH, ông có thư ký chuyên môn của ông nhưng chỉ khoảng 10% giúp việc công tác đại biểu. Theo tôi, nếu là Thủ tướng, Phó thủ tướng, Chủ tịch nước, bộ trưởng… ngoài thư ký giúp việc chuyên môn hàng ngày, cần thiết phải có một thư ký chuyên về gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của cử tri, tập hợp lại và theo đến cùng kiến nghị cử tri”, ông Mão nói.

Tại hội thảo này, nhiều đại biểu cũng đề xuất, các đại biểu QH hãy dùng tiếng nói của mình đề nghị QH thành lập Ủy ban Dân nguyện của QH ngang hàng với các ủy ban khác, thay thế Ban Dân nguyện hiện nay để nâng cao hiệu quả tiếp công dân.

Tá Lâm




Không có nhận xét nào:

Trang