27 tháng 3, 2013

TẠI SAO PHẢI SỢ Ý KIẾN TRÁI CHIỀU ?


BÙI VĂN BỒNG

          Xã hội ta từ khi có Tuyên ngôn Độc lâp 2-9-1945, Đảng Lao động Việt Nam  (Cộng sản) thực thi quyền lãnh đạo (Đảng cầm quyền) đã 68 năm. Đúc kết lại, hầu như từ bấy đến nay các nhà lãnh đạo vẫn sợ ý kiến trái chiều. Trong đó có né tránh phản biện. Đó là điểm yếu chí tử,  tư duy bảo thủ và là nguyên nhân tạo sức ì, gây ra những  lực cản  lớn kìm hãm sự phát triển.


Cái nếp quen ấy nghiễm nhiên tự tại, trở thành, một nguyên tắc bất thành văn thật là tai hại: Trên nói sao, dưới phải nói vậy. Lãnh đạo, chính quyền nói sao, dân phải nói theo vậy. Thậm chí còn  dạy (và bắt) dân phải nói câu cửa miệng : “Nhờ ơn Đảng, ơn Chính phủ, nhà em no đủ!”. Vô hình trung, đó là những cái mầm gai góc của sự nói dối. Riết rồi, ai cũng tập thói quen sống thiếu trung thực, giả dối, đánh lừa nhau. Báo, đài cũng vậy: Tìm cái tốt, cái có thể coi là được qua đó thổi phồng lên, khen một chiều, dựng lên những “điển hình”, “mẫu mực” sớm bị chết yểu.Bệnh thành tích do đó ngày càng nặng. Mở tờ báo ra đọc, xem, nghe-nhìn một chương trình của các loại đài, chỉ thấy rặt một kiểu săn tin lãnh đạo để hiếu hỷ, xu nịnh, hoặc đưa thành tích một bề. Đó là chưa nói đến những “làn sóng” thổi phồng theo các phong trào, các “chiến dịch” làm cho dân gian phải đúc kết: Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm.
Hội chứng sợ ý kiến trái chiều, lảng tránh hoặc thậm chí ngăn chặn, chụp mũ những phản biện,phản bác được nghiễm nhiên coi là một thứ quyền hành. Nó cũng trở thành định kiến tai quái. Ý kiến trái chiều, những phản biện dù là rất xây dựng, nhưng cũng khó tránh khỏi bị quy kết là chống lại Đảng, chống lại Nhà nước,  là  phản ứng đường lối chính sách, là ăn phải bã của bọn phản động, xem chừng “thế lực thù địch”…
Cái tưởng như là duy trì kỷ cương, giữ vững ổn định ấy thật là tai hại. Nó triệt tiêu  các chính kiến gía trị, chiều sâu tư duy,  chặt mất quyền tự do tư tưởng, bóp nghẹt tư duy mở, triệt tiêu sáng tạo. Nghĩa là, một sức mạnh trí tuệ và kinh nghiệm của toàn dân, của cả dân tộc bị cho vào chậu cá cảnh. Nói cái gì, viết cái gì cũng phải theo định hướng, theo nghị quyết, không được quyền tự chủ. Người ta còn đưa ra ngụy lý “kỷ luật là tự do”, hoặc: Tự do trong khuôn khổ. Mọi người sống trong xã hội, kể cả đảng viên, cán bộ viên chức Nhà nước bị biến thành một thứ cây cảnh (bonsai), rễ có mạnh đến mấy cũng chỉ được mọc vòng quanh trong chậụ, cho ăn, cho uống bao nhiêu đều tùy thợ làm vườn, tùy tâm ông  chủ. Cành lá mọc quá lên,liền bị xén, bị cắt tỉa ngay.
Thời sự nhất hiện nay là góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992. Dù Đảng, Nhà nước, Quốc hội kêu gọi, phát động có vẻ dân chủ rộng rãi như thế, nhưng lãnh đạo các cấp đều ngán ngại, thậm chí ngăn chặn, có cả đe nẹt, “đối phó thường trực với những ý kiến trái chiều. .Cho nên, dân Nam bộ thường nói : “Mấy ổng nói dzậy mà hổng phải dzậy”. Thế mà bà Phó Doan có lần đã phát ra câu nói xanh rờn: “Chế độ XHCN của ta dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản”. Con số “vạn lần” rất đại cồ Việt như vậy, chắc phải nhờ GS. Ngô Bảo Chầu chứng minh bằng phương pháp “bổ đề”! Trước hiện trạng ấy, ai có tâm huyết muốn đòng góp xây dựng đất nước, muốn vươn tới một xã hội hoàn hảo, tốt đẹp đều phải chịu “co vòi”. Nó sinh ra và phổ biến lối sống cá nhân, co lại, ngại va đụng, chuộng sự an nhiên tự tại, coi "im lặng là vàng”, và nguy hơn nữa là “im lặng đáng sợ”! Than ôi, nhân quyền, dân chủ và tự do tư tưởng sao mà trầm luân đến vậy?

 

 


Không có nhận xét nào:

Trang