Các cụ có câu: “Làm đầy tớ
thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại”, nhưng xem ra trong cuộc sống không phải
lúc nào chúng ta cũng may mắn chọn được sếp giỏi để tôn làm thầy, bởi lẽ : lính
thì đâu có quyền chọn sếp cũng như con cái đâu có quyền chọn cha mẹ.
Có hai loại sếp “dốt” mà khiến
nhân viên nào cũng phải ngán ngẩm khi gặp phải: một là các sếp “thời kỳ cũ”-
lạc hậu, chậm công nghệ nhưng không chịu chấp nhận sự kém hiểu biết của mình mà
còn bảo thủ và có tính đố kỵ. Hai chính là những thành phần “con ông cháu cha”-
những ông giời con ở công ty này cũng là nỗi quan ngại của bất cứ nhân viên
nào.
Khi “hệ điều hành lạc hậu”
Gọi các sếp này là các IT cũ
cũng chẳng sai. Khi mà xã hội ngày một phát triển hơn, công nghệ đổi mới từng
ngày, nhân tài trẻ lại ngày càng nhiều thì các “sếp già” với những tư duy và
kiến thức cũ quả thật là rào cản lớn đối với thế hệ trẻ. Nếu họ chịu tiếp thu
cái mới, biết trọng dụng người tài thì chẳng sao. Đằng này, các sếp đã “dốt”
lại còn có thói ghen tuông đố kỵ, thích hạnh họe và nhất là… rất thích khoe cái
dốt của mình ra, khiến cho các nhân viên chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Tình trạng này chủ yếu xảy ra
ở các cơ quan nhà nước,khi mà các sếp đã tạo được vây cánh vững chắc cho mình.
Các sếp trên có thể cũng một thời giỏi giang “kinh bang tế thế”, nhưng sức ỳ
của tuổi già không đọ lại được với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ. Cố chấp bảo thủ
về một thời huy hoàng đã qua, hoặc lo sợ bị vượt mặt mà các sếp này thường hay
“dìm hàng” quân của mình không thương tiếc. Dự án hay kế hoạch đưa ra thì phải
theo ý sếp, nếu không xác định sẽ bị loại bỏ ngay lập tức mà không có lời giải
thích hợp lý nào. Tiếc thay, ý của sếp đâu phải đã hay, nếu mà theo sếp thì chỉ
có nước thụt lùi. Đấy là còn chưa kể, lâu lâu, sếp lại hứng nên ra một công văn
hoặc một quyết định rất “dở hơi”, nhân viên nhận được chỉ còn nước méo mặt.
Anh Tùng (nhân viên cơ quan X)
ấm ức kể: “Làm việc dưới trướng một sếp dốt khổ lắm em ạ. Mình cũng có bằng
thạc sĩ hẳn hoi, thế mà chẳng được trọng dụng gì, toàn giao cho làm mấy việc vớ
vẩn như in ấn hay chạy công văn giấy tờ. Mấy bản kể hoạch anh đưa ra, chưa được
sếp thông qua lần nào, chắc tại mình không theo phe cánh của sếp. Cứ thế này
mãi, có khi anh phải nhảy việc, ra làm ngoài tư tưởng thoải mái hơn mà lương
lậu cũng khá hơn.”
Các nhân viên như anh Tùng,
hoặc là xác định nhảy việc để tìm hướng phát triển hơn, hoặc là sẽ chịu chấp
nhận nếu muốn được tiếp tục làm việc và ổn định lâu dài. Bởi lẽ, các sếp trên,
không chỉ dốt, bảo thủ mà còn có tính để bụng. Nếu nói lời gì không vừa ý sếp,
sếp sẽ im lặng để đấy và từ từ tìm mọi cách để bới móc khuyết điểm của bạn trong
công việc, khiến mỗi ngày đi làm của bạn sẽ thêm một áp lực và căng thẳng.
Các “ông giời” con ở công
ty
Người ta có câu: “Con vua thì
lại làm vua”. Các ông giời con ở công ty chính là những người may mắn có bố mẹ
làm to, tuy sức học chỉ làng nhàng nhưng vẫn được nhét vào những vị trí đáng mơ
ước như trưởng phòng, phó phòng hay thậm chí là giám đốc của một chi nhánh.
Mạnh Quân, 27 tuổi, thiếu gia
con nhà tài phiệt trong giới xây dựng. Sau 3, 4 năm du học ở nước ngoài về được
bố điều động về làm giám đốc một chi nhánh của tổng công ty. Người ngoài nhìn
vào tưởng anh chàng tuổi trẻ tài cao nhưng thực chất chỉ là dựa hơi bố. Quá
trình học tập ở phương trời Tây của anh ta thì vô cùng bi đát, có lẽ nếu hỏi tụ
điểm ăn chơi thì anh ta còn có thể kể vanh vách hơn. Nhưng dù sao, bây giờ anh
ta cũng là một giám đốc. Ngày ngày Mạnh Quân cũng nghe lời bố ngoan ngoãn đóng
bộ đến công ty và…ngồi chơi điện tử, lâu lâu thì ký một công văn nào đó gửi đến
cho có lệ. Mọi quyền quyết định hay điều hành đều ở phó giám đốc. Thế nên mới
có tình trạng, nhân viên thì è cổ làm không hết việc, sếp thì cứ nhởn nhơ chơi
rồi lĩnh lương, thưởng đều. Bao lời xì xào đàm tiếu sau lưng Quân, nhưng anh
chàng cũng chẳng quan tâm.
Dù sao, nói gì thì nói, Quân
cũng vẫn làm trong công ty của gia đình. Anh ta có mặc sức làm gì thì cũng
chẳng tổn hại đến ai. Nhưng có những trường hợp làm trong cơ quan Nhà Nước, nhờ
quan hệ, rồi chạy chọt mà được dấm dúi vào chỗ ngon, rồi lại cậy quen biết leo
lên được vị trí cao, vô cùng hống hách và dốt nát thì nhân viên cũng “bó tay
toàn tập”.
Kim Anh thuộc hàng “cậu ấm cô
chiêu”, ra trường được gửi gắm về một vị trí an nhàn ở một cơ quan Nhà Nước,
chẳng bao lâu sau cũng leo lên được chức phó phòng dù chẳng có tài cán gì ngoài
việc suốt ngày ăn diện và làm dáng. Khổ nỗi, cô nàng lại rất kênh kiêu, quát
nạt và chỉ đạo những nhân viên dưới quyền mình rất nhiều, kể cả những anh chị
hơn tuổi. Khiến cho cả cơ quan, từ nhân viên đến sếp ai cũng ngán ngẩm, nhưng
đều chỉ dám xì xào sau lưng chứ chẳng ai dám nói trước mặt, bởi lẽ cô có ông
bác làm to, rất to trên Bộ.
Khi mà vẫn còn cảnh bố trí
công việc nhờ mối quen biết ở chốn công sở hiện đại thì sẽ vẫn còn nhiều điều
đáng phải “cười ra nước mắt”. Nhân viên thì chẳng thể chọn sếp, muôn đời vẫn
thế. Công ty nếu chẳng may có những vị sếp kể trên thì cũng rất khó để phát
triển và đi lên. Đó là lý do nghỉ việc của rất nhiều nhân viên trẻ, giỏi và có
hoài bão trong công việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét