Tinh thần của hai câu chuyện dưới đây về quan hệ giữa doanh nghiệp
và chính quyền, một diễn ra cách đây năm năm, và một diễn ra 15 năm trước vẫn
đang nối dài đến tận ngày nay, và thậm chí có xu hướng trầm trọng hơn.
Ở tuổi ngũ tuần, vị doanh
nhân tên T. vẫn ám ảnh bởi ngày 31-7-2008. Tám giờ tối hôm đó, ông lấy được chữ
ký, và một giờ sau thì lấy được con dấu cho giấy phép xây dựng một dự án bất
động sản ở huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc. Giấy phép được giới chức tỉnh cấp nhanh
“thần kỳ” vì chỉ vài giờ sau đó, Mê Linh đã thuộc về thủ đô Hà Nội mở rộng,
theo quyết định của Quốc hội. Ông T. nhớ lại, cầm giấy phép trong tay đêm đó,
ông nghĩ mình đã“trúng quả”, nhất là khi cơn cuồng nộ của thị trường bất động sản
đang lên cao trào.
Nhưng cuộc đời không như mong đợi. Dự án của ông nay
đã bị ách lại như phần lớn các dự án được cấp phép ồ ạt trước khi Hà Nội mở
rộng. Trong 744 dự án bất động sản được cấp phép, có tới 500 dự án bị đình chỉ
thi công. Chính quyền Hà Nội và Bộ Xây dựng đã nhận định, việc cấp phép cho hầu hết các dự án này của giới chức Hòa Bình và Vĩnh Phúc đều “quá gấp
gáp” hay “siêu tốc”. “Tưởng may mà hóa ra lại là họa”, ông than thở.
Câu chuyện của vị doanh nhân trên, cũng như của các chủ đầu tư 744
dự án bất động sản đặt ra vấn đề về quan hệ giữa họ với những quan chức liên
quan. Họ đã bỏ ra bao nhiêu để thuyết phục được các quan chức cấp phép cho các
dự án đó với thời gian “siêu tốc”, trong khi một dự án bất động sản bình thường
khác phải mất tới ba năm mới có giấy phép, theo Bộ Xây dựng. Dĩ nhiên là vị
doanh nhân không thể tiết lộ câu trả lời.
Rất nhiều địa phương đã ban hành tới 50 thủ
tục “nhánh”, mà để hoàn thành nó các nhà đầu tư cần phải vượt qua từ 250-300
thủ tục “cành”, thủ tục “lá”, thủ tục “chồi” khác.
Liên quan câu chuyện đất đai, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng, Giáo sư Trần Phương, cũng có nhiều kinh nghiệm khi thành lập trường Đại
học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Ông kể lại, khi ông và các vị giáo sư xin 1 héc ta đất để xây
trường sau khi đã trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, họ đã phải
mất bảy năm, lấy hơn 100 con dấu và chữ ký mới nhận được giấy phép. Hơn nữa,
ông phải mất ba năm, qua rất nhiều “cửa” mới xin được cái giấy phép thành lập
trường.
Ông Phương nhận xét trong một bài viết gần đây, người “cho” chỉ cho
một chữ “đồng ý”, ngoài ra không có một thứ gì khác để cho cả. Còn người “xin”
thì mất rất nhiều thứ, từ công sức, thời gian, cơ hội và cả tiền bôi trơn nữa.
Tinh thần của hai câu chuyện trên về quan hệ giữa doanh nghiệp và
chính quyền, một diễn ra cách đây năm năm, và một diễn ra 15 năm trước vẫn đang
nối dài đến tận ngày nay, và thậm chí có xu hướng trầm trọng hơn. “Hà Nội bôi
cũng không trơn”, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị đã phải thốt lên khi chủ trì
cuộc họp gần đây về cải cách hành chính ở thủ đô. Ông khẳng định, các doanh
nghiệp khi triển khai dự án ở đâu cũng có chi phí tiêu cực nhiều hay ít, và ở các
địa phương khác “có bôi thì trơn”, không như thủ đô.
Song, tình hình ở nhiều địa phương khác cũng không sáng sủa hơn.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gần đây chỉ ra rằng,
rất nhiều địa phương đã ban hành tới 50 thủ tục “nhánh”, mà để hoàn thành nó
các nhà đầu tư cần phải vượt qua từ 250-300 thủ tục “cành”, thủ tục “lá”, thủ
tục “chồi” khác. Một dự án đầu tư xây dựng liên quan đến đất đai phải đi qua 10
cửa kiểm tra, phê duyệt, thẩm định, mất tới 400 ngày mới có hy vọng thành công.
“Người ta đã cài cắm rất nhiều giấy phép con vào trong các quy định pháp luật”,
Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói. Bản
thân ông và các đồng sự nay đã không còn lửa để thống kê về giấy phép con được
mô tả như “Phạm Nhan”, bị chặt đầu này thì mọc đầu khác.
Quản lý đất đai là một
trong bốn ngành tham nhũng phổ biến nhất, bên cạnh cảnh sát giao thông, hải
quan và xây dựng. Ảnh: Tuệ Doanh.
Quản lý đất đai chỉ là một trong bốn ngành tham nhũng phổ biến nhất, bên cạnh cảnh sát giao thông, hải quan và xây dựng, theo một khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện, được công bố hồi tháng 11 năm ngoái. Đại bộ phận (hơn 82%) người dân được điều tra cho rằng, tham nhũng rất phổ biến ở phạm vi cả nước. 45% cán bộ công chức chứng kiến hành vi tham nhũng, 44% doanh nghiệp và 28% người dân trả chi phí không chính thức. Gần 63% doanh nghiệp cho rằng, chi phí không chính thức tạo ra cơ chế ngầm giải quyết được công việc một cách nhanh chóng, và 53% cho rằng nó khiến cán bộ tích cực thực hiện công việc.
Khảo sát nhận định: “Nhìn chung mọi người đều nhất trí rằng, ít
trường hợp tham nhũng bị phát hiện hơn chỉ có nghĩa là tham nhũng đang trở nên
phức tạp và tinh vi hơn, chứ không phải tình hình tham nhũng đã thuyên giảm”.
“Tại sao tham nhũng lại phổ biến như vậy? Tại sao lại khó loại trừ tham nhũng
đến như vậy?”, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria
Kwakwa đặt hàng loạt câu hỏi tại buổi lễ công bố báo cáo.
Là một trong những người cọ xát thực tế nhiều nhất trong quan hệ
giữa chính quyền và doanh nghiệp suốt tám năm qua khi thực hiện báo cáo Chỉ số
cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ông Đậu Anh Tuấn, Phó ban Pháp chế Phòng Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam, biết rõ thực trạng này. Ông nói: “Quy mô và phạm vi
hối lộ để giành hợp đồng làm ăn với cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà
nước đang trên đà gia tăng”. Báo cáo PCI vừa công bố cho biết, có tới 41% doanh
nghiệp đưa hối lộ để giành hợp đồng với cơ quan nhà nước trong năm 2012, tăng
rất nhiều so với mức 23% của năm 2011.
Ở góc độ toàn cầu, mức độ tham nhũng ở Việt Nam ngày càng đáng quan
ngại. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt
Nam năm 2012 xếp thứ 123, tụt 11 hạng so với 2011, thấp hơn cả Philippines
(105) và Đông Timor (113).
Chứng kiến xu thế này, và môi trường kinh doanh ngày càng xấu đi,
theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh không
khỏi buồn lòng. Ông viết trong bài tham luận cho Diễn đàn Kinh tế mùa xuân được
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ở Nha Trang gần đây: “Trong xã hội đã xuất
hiện những động lực làm giàu nhanh bằng các thủ đoạn bất chính, thông qua các
mối quan hệ với một số người có chức, có quyền. Các giá trị đạo đức của xã hội
bị thách thức hay đảo lộn. Xã hội ngày càng phân hóa, khoảng cách giữa người
dân và giới cầm quyền ngày càng xa cách”.
Đến nay thì doanh nhân T. đã không “trúng quả” như kỳ vọng do thị
trường bất động sản đang trên đà đổ dốc. Ông cũng sẽ không nằm trong số các
doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho thị trường bất động
sản, như Bộ Xây dựng đang đề nghị Chính phủ. Ông bị gạt ra bên lề, trong khi
cuộc chơi lại bắt đầu tiếp tục với người khác.
Tư Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét