10 tháng 10, 2013

Võ Nguyên Giáp – người chiến thắng

Võ Nguyên Giáp – người chiến thắng
Khuôn mặt ngời sáng tinh anh, đôi mắt lá trúc quân tử tuyệt đẹp, phong thái ung dung, tự tại cộng với tài năng quá thể đã tạo nên một Võ Nguyên Giáp – người chiến thắng – đối với bất cứ địch thủ nào, dù là công khai hay âm thầm trong bóng tối.Lẽ dĩ nhiên, giữa địch thủ công khai và kẻ thù dấu mặt thì kẻ thù dấu mặt bao giờ cũng nguy hiểm hơn. Đừng tưởng: “Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không còn ai xấu nữa. Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ yêu thương”.Song trước hết, hãy nói về địch thủ công khai của ông Giáp. Lịch sử VN đã đặt lên vai ông sứ mệnh thành lập, chỉ huy một đội quân chân đất, từ chỗ không có gì, đã vụt lớn lên, rồi đánh thắng hai đạo quân hùng mạnh nhất trên thế giới. Ngay từ hai trận đầu tiên – Phai Khắt và Nà Ngần, ông Giáp đã tỏ rõ tài thao lược của mình và ông là người giành chiến thắng. Một tài năng thiên bẩm của ông là khả năng chọn cách đánh thích hợp. Với cách đánh “kỳ tập”, quân Pháp tại hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần đành chịu bó tay. Dẫu sao, người Pháp bấy giờ chưa chịu thừa nhận tài năng của ông và họ vẫn còn nhiều thời gian để đối đấu với ông. Cuộc chiến còn lâu mới kết thúc.Ngày 19.12.1946, cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất bùng nổ. Người Pháp muốn tốc chiến, tốc thắng. Họ nghi ngờ khả năng quân sự của ông cựu Giáo sư sử học trường Thăng Long. Ông ta chưa có gì trong tay, làm sao đương đầu nổi với máy bay, xe tăng và bộ binh Pháp? Chỉ cần chụp bắt được cơ quan đầu não Việt Minh, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, đánh quỵ quân chủ lực là có thể kết thúc chiến tranh. Người Pháp thực lòng nghĩ vậy và không phải họ không có lý. Với hai vạn quân, Pháp bất thần tung ra cuộc tấn công lên Việt Bắc, “đánh thẳng vào tim kẻ thù”, mở đầu bằng việc cho quân nhảy dù xuống Bắc Cạn, nơi mà họ nghĩ là thủ đô kháng chiến. Tác giả của cuộc hành binh này là Valuy. Ông Giáp đối phó lại bằng “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, ra lệnh tích cực đánh địch cả trước mặt và sau lưng địch; đồng thời mở ba mặt trận: Mặt trận Đường số 3, Mặt trận Đường số 4 và Mặt trận Sông Lô. Tin chiến thắng tới tấp bay về. Cuộc tấn công lớn, đầy tham vọng của quân Pháp, mặc dù phá hủy được một số kho tàng, thu được 10 triệu bạc VN nhưng rốt cuộc đã phải chịu thất bại cay đắng.Và Võ Nguyên Giáp thực sự là người chiến thắng!Người Pháp đành quay về chính sách thực dân, lập đồn bốt ở khắp khu vực tạm chiếm. Chiến lược này dường như có hiệu quả. Trong khi đó, ông Giáp tiếp tục âm thầm xây dựng lực lượng. Đến năm 1949, ông đã có khoảng 300 ngàn quân và sẵn sàng tiến công. Trước hết, ông Giáp chọn những đồn cô lập, tập trung quân số, hạ từng đồn, buộc người Pháp lâm vào thế phòng ngự. Ông Giáp đã phân tích rất sâu sắc mâu thuẫn giữa việc tập trung quân và việc chiếm đóng đất đai của Pháp. Cái gọi là “cuộc chiến tranh đồn bốt” đã làm quân Pháp thiệt hại đáng kể.
Người chiến thắng vẫn là Võ Nguyên Giáp!
Cả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đều nhận thấy, không thể chiến thắng quân Pháp chỉ bằng những trận đánh nhỏ. Những trận đánh lớn, điều tất yếu phải đến đã đến – chiến dịch Biên giới năm 1950. Trong chiến dịch này, Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Chỉ huy trưởng (Tư lệnh) và Hồ Chí Minh cũng ra trận vì tầm quan trọng của nó. Tài năng quân sự xuất chúng của ông Giáp, từ việc thay đổi điểm đột phá từ Cao Bằng chuyển sang Đông Khê, đến việc phán đoán ý đồ quân Pháp, đi những nước cờ táo bạo mà chính xác vây hãm và tiến công quân Pháp được thể hiện thật rực rỡ. Chiến dịch Biên giới đại thắng và tác giả của nó – không ai khác hơn chính là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp!
Cecil B. Curey, trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá cho rằng, với tâm trạng lạc quan, đầu năm 1951, có phần chịu ảnh hưởng của cố vấn TQ, Võ Nguyên Giáp tưởng rằng con đường về Hà Nội đã rộng mở. Trận Vĩnh Yên cách Hà Nội 48 km về phía Tây Bắc nhằm kéo quân Pháp ra khỏi các vị trí kiên cố, mở đường cho quân Việt Minh về Hà Nội đã diễn ra. Tuy nhiên, De Lattre tập trung lực lượng đối phó rất kiên quyết. Bom na-pan là tác nhân chính gây thiệt hại khá lớn cho quân VN. Bốn năm qua, đây là thất bại đầu tiên của ông Giáp. Ông nhận thấy đây là một sai lầm, sự quá tin tưởng vào cố vấn TQ đã đưa ông vào một chiến dịch bất lợi.Không nản lòng, ông hạ lệnh cho ba sư đoàn tiến về Hải Phòng bẻ gẫy hệ thống phòng thủ phía Đông. Sau đó, ông nhanh chóng và kiên quyết đưa cuộc tấn công sang rìa phía Tây đồng bằng Bắc Bộ nhằm buộc quân Pháp ra khỏi khu vực phía Nam đồng bằng. Ông đã chứng tỏ được tài năng chỉ huy đánh vận động chiến và giải quyết hậu cần. Đến chiến dịch Hòa Bình năm 1952, quân Pháp bị tổn thất nặng nề – gần bằng tổn thất tại Điện Biên Phủ sau này, tinh thần quân sỹ lung lay, buộc phải rút lui khỏi Hòa Bình, về thiết lập các vị trí phòng thủ dọc sông Hồng. Các tướng lĩnh Pháp kinh ngạc trước sự tiến bộ vượt bậc của quân VN do Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đến trận Điện Biên Phủ, không còn nghi ngờ gì nữa, các tướng lĩnh Pháp và các nhà phân tích quân sự phương Tây càng thán phục tầm vóc của Võ Nguyên Giáp.
Một nét bút đã chia đôi VN tại vỹ tuyến 17. Sau người Pháp, đến lượt người Mỹ cũng phải ra đi. Họ buộc phải chấp nhận thua trận khi đối đầu với Võ Nguyên Giáp – vị Tổng tư lệnh quân đội nhân dân VN đầu tiên và duy nhất. Cho đến 30.4.1975, nước VN mới hoàn toàn thống nhất.Hào quang tỏa ra từ những chiến công của ông, từ con người và nhân cách của ông quá lớn khiến “ai đó” cảm thấy bị lu mờ. Cuộc chiến mới của ông bây giờ mới thật sự khó khăn, vì “đối thủ” của ông hoàn toàn khác. Nó ở những chỗ bất ngờ nhất. Nó từ trên cao. Nó ở phía sau, trong bóng tối. Và nó không từ bất cứ một thủ đoạn nào. Nhưng thời gian và lịch sử đã đứng về phía ông. Lịch sử đã chứng tỏ, Võ Nguyên Giáp – người chiến thắng vĩnh cửu.

Không có nhận xét nào:

Trang