8 tháng 10, 2013

Những cảnh tượng cảm động và lạ lùng của Tướng Giáp

Đại tướng đứng nghiêm chào một binh nhì trước giờ xuất trận, tự xuống cầu ao rửa chân, khóc ướt gối khi trận đấu thắng lợi nhưng có đông chiến sĩ tử trận hay bữa cơm trưa với cơm trắng và quả trứng luộc … là những câu chuyện, cảnh tượng cảm động và lạ lùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng đứng nghiêm chào một binh nhì trước giờ xuất trận
Trong tập hồi ức Theo vết xích xe tăng họa sĩ Lê Trí Dũng kể: “Hôm ấy, Sư đoàn bộ đã dựng một khán đài cao, Đại tướng đứng trên đó nói chuyện, toàn Sư hàng ngũ chỉnh tề trải dài xuống ven đồi. Nhiều đơn vị ở quá xa chỉ cử đại diện. Đại tướng lên nói chừng 15 phút, chúc Tết và động viên binh sĩ, tiếng “u ra” vang rền. 
Kết thúc, đơn vị chỗ nào lại về chỗ nấy. Chúng tôi còn nán lại để “xem mặt” ông. Ra đến ngoài cánh rừng bạch đàn, thấy rất nhiều binh sĩ đứng dọc hai bên đường, từ trên xe, ông nhảy xuống đi bộ giữa hai hàng quân, tay vẫy vẫy... Đột nhiên, ông dừng lại trước một người lính trẻ, rất trẻ, chỉ chừng 17 tuổi và rất “hạt tiêu”, lùng thùng trong bộ quân phục số 2.
Đối diện với người binh nhì, ông ôn tồn hỏi: “Đồng chí đi bộ đội bao lâu rồi?” “Báo cáo Đại tướng - gần một tháng ạ” “Đã học chào chưa?” Người lính trẻ lúng túng, vì cảm động hơn là vì câu hỏi, và bất ngờ, Đại tướng dập gót, đứng nghiêm, giơ tay chào. Người lính cũng đứng thẳng người, chào đáp lại, hai mắt anh rực sáng, suốt đời tôi không bao giờ quên ánh mắt của người binh nhì hôm ấy. 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và họa sĩ Lê Trí Dũng trong lần vẽ tranh tại tư gia Đại tướng
Trong ánh mắt ấy nửa như có sự hàm ơn, nửa như mang một lời hứa. Trong giây lát, không gian như nén lại, rồi vỡ tung ra trong tiếng “u ra” vang dội. Lần đầu tiên, tôi chứng kiến một cảnh tượng cảm động và lạ lùng: Một Đại tướng đứng nghiêm chào một binh nhì trước giờ xuất trận.
Trong tập Lính Trường Sơn, Khổng Yến Phương cũng kể những câu chuyện cảm động về tình “phụ tử chi binh” của vị tướng huyền thoại: Khi tướng Giáp vào một lán tạm nghỉ bên đường, công vụ bưng một thau nước tới cho ông rửa mặt nhưng ông nói: “Đồng chí để tôi xuống cầu phao được chứ? Anh chiến sĩ lúng túng đỏ mặt. Tôi đứng lên vội đỡ lời: Thưa được ạ nhưng để đồng chí ấy xuống trước xem lại đã (tôi muốn làm động tác chứng minh sự an toàn để người cán bộ bảo vệ đi theo khỏi ngại). Tổng tư lệnh cười, nhẹ nhàng nói: anh em vẫn dùng hàng ngày mà”.
 Có những trận thắng vang dội, nhưng ông vẫn khóc
Trao đổi với Tiền Phong, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không cho phép đánh đổi chiến thắng bằng bất cứ giá nào, chỉ khi nắm chắc địa hình, tìm được cách đánh ít thương vong nhất, ông mới ra lệnh tấn công. Dù có những trận thắng vang dội, nhưng Đại tướng vẫn lặng khóc ở sở chỉ huy.
Theo Trung tướng Hồng Cư, nếu phải nói về nghệ thuật quân sự tiêu biểu nhất của Đại tướng, có thể nhắc đến hai thời điểm quyết định, đó là việc thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ năm 1954 và tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
“Với trận Điện Biên Phủ năm 1954, nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” thế hệ chúng tôi, đã có nhiều hơn những người đã nằm lại cánh đồng Mường Thanh. Quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của Đại tướng là câu chuyện quyết định “kéo pháo vào kéo pháo ra”. Đại tướng đã phải suy nghĩ suốt 11 ngày đêm, có lúc đầu nóng bừng, y sĩ phải buộc dải băng ngải cứu lên đầu ông.
Đại tướng xúc động khi nhắc đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. 
Đại tướng nhận thấy giải pháp “đánh nhanh thắng nhanh” không phù hợp vì quân đội chúng ta chưa có đủ năng lực và thời gian chuẩn bị. Đại tướng đã thuyết phục cố vấn Trung Quốc và Đảng ủy mặt trận, đưa ra quyết định phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Dù rất khó khăn, nhưng Đại tướng kiên trì thuyết phục Đảng ủy để thay đổi cách đánh, ông cũng chia sẻ lời căn dặn của Hồ Chủ tịch “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”, Trung tướng Hồng Cư chia sẻ.Cũng theo Trung tướng Hồng Cư, Đại tướng luôn khẳng định quan điểm đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh, như kim chỉ nam của quân đội Việt Nam. Ông không cho phép đánh đổi chiến thắng bằng bất cứ giá nào, chỉ khi nào nắm chắc địa hình, tìm được cách đánh ít thương vong ở mức cao nhất ông mới ra lệnh tấn công. Thế nên dù có  những trận thắng vang dội, nhưng Đại tướng vẫn lặng khóc ở sở chỉ huy.
“Đầu năm 1952, ta mở màn chiến dịch Hòa Bình bằng trận Tu Vũ (Thanh Thủy, Phú Thọ). Trận đánh diễn ra trong hoàn cảnh pháo binh Pháp bắn phá mãnh liệt vào đội hình hành quân của các đơn vị. Nhưng với quyết tâm chiến đấu cao, cán bộ chiến sĩ toàn trung đoàn đã khắc phục khó khăn, dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Tu Vũ. Tuy nhiên do hỏa lực địch quá mạnh, gây thương vong lớn cho ta. Đêm hôm đó, ít người biết Đại tướng trằn trọc không ngủ và khóc ướt đầm cả gối”, ông Cư xúc động kể lại.
Bữa cơm trưa với cơm trắng và quả trứng luộc
 Đại tá Trần Hồng đã chụp và trân trọng lưu giữ hàng ngàn bức chân dung Đại tướng, trong đó có nhiều bức toát lên vẻ bình dị thường ngày của một thiên tài quân sự. Đau buồn trước sự ra đi của Đại tướng, Đại tá Trần Hồng tâm sự trên Người lao động: Tôi luôn bị day dứt và ám ảnh bởi những khoảnh khắc trong cuộc sống đời thường của Đại tướng. Là vị tướng lừng danh, được cả thế giới biết đến, được nhân dân cả nước tôn kính nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống giản dị, trong bữa ăn cũng như sinh hoạt. Ông dân dã trong từng bữa ăn tới mức thời tôi là trung tá cũng nghèo lắm mà thấy bữa ăn của mình còn sang hơn bữa cơm của Đại tướng.
Ông Hồng cũng nhớ lại lần về thăm Nghệ An, lãnh đạo tỉnh bố trí Đại tướng nghỉ ở khách sạn Phương Đông lớn và sang trọng bậc nhất thành phố Vinh. Khách sạn này phục vụ các bữa ăn kiểu buffet với nhiều sơn hào hải vị nhưng trong khẩu phần ăn của mình Đại tướng thường chỉ chọn các món khoai, sắn.
Nhiều người chắc chắn sẽ ngỡ ngàng, xúc động trước chia sẻ của Đại tá Trần Hồng về bữa trưa của Đại tướng và phu nhân chỉ với chút cơm trắng và 2 quả trứng luộc. Ông nhường bà và bà lại nhường ông, họ cứ đẩy qua đẩy lại như vậy suốt bữa ăn.
“Trong sinh hoạt thường ngày ông tiết kiệm từng hạt gạo cũng như trong chiến tranh ông quý từng giọt máu của người chiến sĩ. Ông là vị tướng từ nhân dân mà ra và chiến đấu cả đời vì nhân dân nên ông sống như bao người dân bình thường nhất”, ông Hồng chia sẻ. 
                                                                                                     H.Minh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Trang