1 tháng 10, 2013

Phụ huynh nổi giận vì lương tâm nhà giáo ‘cạn đáy’

Nhiều phụ huynh đã bật khóc, thảng thốt lo lắng cho lương tâm, đạo đức của các nhà giáo đang bị cạn đáy sau khi đọc bài viết "Cần quái gì cái công bằng gớm ghiếc ấy" được đăng tải trên báo Đất Việt.


 Trong khi Bộ GD&ĐT đang rốt ráo, quyết tâm bước vào trận đánh lớn, trận đánh này theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chính là "Đề án đổi mới toàn diện giáo dục". Ngành giáo dục đã rất tâm huyết, coi đó như một công trình trí tuệ tập thể và khẳng định khi bước vào trận đánh này phải cần sự quyết tâm của cả tướng lĩnh và binh lính, dù có phải chấp nhận hi sinh.

Nhưng điều mà dư luận chờ đợi, chính là sự quyết tâm và mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đã đặt ra. Như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói, ông không nghiêng về câu chữ mà ông lựa chọn việc đào tạo giáo viên. Bởi theo ông, đó mới chính là "máy cái" tạo ra những sản phẩm con người mới cho xã hội. Khó khăn là thế, quyết tâm là thế nhưng con người mới mà giáo dục sẽ cho ra lò không chỉ đạt chuẩn về tri thức, khả năng sáng tạo, ứng dụng kiến thức vào thực tế...mà phải có lương tri, lương tâm tốt đẹp.
Công bằng là phải có tiền?
Bộ trưởng nói đúng, người thầy chính là "máy cái" tạo ra những sản phẩm khai sáng, hình thành nhân cách của một con người. Vậy mà, đâu đó còn có những câu chuyện về sự "công bằng gớm ghiếc", "mua phiếu vào chơi trung thu..." đã sớm dạy cho những đứa trẻ nhận thức rõ về giá trị của đồng tiền, sự công bằng xã hội là phải có tiền còn tình người chả là cái gì.
Câu chuyện tại trường mầm non T.M – A (Hà Nội) tổ chức cho các con xem xiếc tại sân trường nhân kỷ niệm 2/9, nhưng chỉ có các con đóng tiền mới được ra xem còn những con không đóng tiền thì phải ngồi im trong lớp.
Tiếng loa phóng thanh phát ra từ phòng giám hiệu "Để công bằng cho các em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi nguyên trong lớp học không được ra sân".
Chao ôi, các vị giám hiệu có nghe tiếng con trẻ sụt sịt, tiếng xì mũi, tiếng nấc của những đứa trẻ mà bản thân chúng không hiểu sao bố mẹ lại không đóng nổi 40.000 đồng để chúng cũng được ra xem.
Nhiều phụ huynh khi đọc được thông tin này đã phải thảng thốt lo lắng cho lương tâm, đạo đức của các nhà giáo đang bị cạn đáy. Họ mong mỏi câu chuyện này đến được với ngành giáo dục, họ mong muốn coi đó là bài học đau lòng để ngành không bao giờ mắc phải nữa.
Nhưng từ câu chuyện "Trường công chất lượng cao, thu học phí cao" hình thành ngay giữa thủ đô đã dạy cho học sinh cách phân biệt đẳng cấp giàu nghèo, là đẳng cấp phải phụ thuộc vào túi tiền của phụ huynh thì sự mong mỏi này liệu có thay đổi được gì không?
"Nếu quả đúng như vậy thì đạo đức lương tâm nhà giáo ở đây đã cạn đáy rồi!
Mong rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội hãy nêu trường hợp này ra tại các buổi tổng kết về giáo dục để nhắc nhở và coi đây là một bài học đau lòng mà các nhà giáo dục không bao giờ mắc phải", phụ huynh Phạm Xuân Phụng trăn trở.
Phụ huynh Cường tỏ ra lo lắng một khi cái định kiến, suy nghĩ kia của những thầy cô giáo được reo rắc vào đầu những đứa trẻ thì hậu quả thật khôn lường.
"Đồng ý rằng các phụ huynh vì nhiều lí do mà không đóng tiền, nghĩa là xác định con họ không cần xem. Nhưng vấn đề ở đây là ảnh hưởng tâm lý của trẻ, không lẽ cả nhà trường từ hiệu trưởng đến giáo viên không ai ý thức được hậu quả của tình huống kia? Có ra chợ hỏi bà bán rau bán thịt người ta cũng biết rằng làm thế là không hợp lý, là tạo nên sự phân hóa, là gieo vào đầu trẻ con cái mầm mống rằng tiền là tất cả còn tình người chẳng là cái gì.
Chính vì cái tầm hạn hẹp của đầu óc những người được gọi là giáo viên kia đã gây ra tình huống như thế, vì chắc chắn rằng không bao giờ có đủ 100% học sinh đóng tiền để xem xiếc cả, thế nên tình huống trên sẽ xảy ra. Nếu tiên liệu được và có phương án xử lý trước thì chuyện đáng xấu hổ trên cũng đã không xảy ra. Buồn thay cho cái mác giáo viên được gắn lên những con người đầu óc ngắn mà tình người thì thiếu thốn".
Xã hội phải giành giật, dẫm đạp lên nhau mới có niềm vui?
Trong khi các nước trên thế giới họ coi bậc học mẫu giáo, mầm non là cấp học được ưu tiên đặc biệt. Ngay từ 2-3 tuổi trẻ con Nhật Bản đã được rèn luyện tính tự lập và học nhiều lễ nghĩa. Học sinh được học rất kỹ trong nhà trường về sự chia sẻ với cộng đồng, tình yêu thương con người từ chính những hành động cụ thể thì câu chuyện của phụ huynh Võ Chí Trung lại đang chứng minh điều ngược lại.
"Một câu chuyện tương tự: ngày tết trung thu P.27 Q.Bình Thạnh có thông báo cho các cháu thiếu nhi trong phường tổ chức chơi trung thu do phường tổ chức. Tôi chuẩn bị lồng đèn cho 2 cháu trong sự vui mừng hí hửng của tuổi thơ, nhưng khi ra đến nơi thì được thông báo chỉ có các cháu có phiếu mới được vào, cả 1 phường phát được hơn 20 phiếu và cũng chẳng được thông báo nhận phiếu...? Phải dẫn các cháu về trong tiếng trống rộn ràng rước đèn trung thu hôm ấy tôi thấy sao cái xã hội này lại tạo ra những điều vô cảm như thế, vô hình chung cái xã hội này dạy cho các cháu sau này phải giành giật đạp lên nhau thì mới có niềm vui...".
Câu chuyện về "sự công bằng gớm ghiếc" và câu chuyện "phiếu chơi trung thu" đã khiến độc giả Nguyễn Long thốt lên đầy xót xa.
"Những đứa bé ấy, lớn lên sẽ nghĩ gì, sẽ học được gì từ bài học đắt giá mà các giáo viên đã dạy cho chúng, rằng trong cuộc đời này, chỉ có đồng tiền là tối thượng, còn lại tất cả đều vô nghĩa mà thôi"..."Sự vô cảm chưa lúc nào lại tràn ngập khắp nơi trong xã hội này, đến mức có cảm giác, nhiệt độ dòng máu nóng ấm chảy trong cơ thể chúng ta, cứ mỗi ngày, mỗi ngày lại nguội đi một chút"...Chúng ta đã để cho hệ thống giáo dục con người của chúng ta tụt dốc thảm hại... Lần đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện này, theo tôi phải chấn hưng giáo dục tự việc giáo dục nhân cách con người, chứ không phải chỉ chăm chăm vào những chuyện tiểu tiết trên ngọn cây như "có thi hay không thi...?", "dạy học theo công nghệ nào...?"
Lo lắng, hoài nghi độc giả Hải Bằng chia sẻ: "Đây là kết quả của chương trình cải cách giáo dục toàn diện của Bộ GD&ĐT đó sao? Chỉ chạy theo tiền, tôi thấy càng ngày nó càng làm cho học sinh thêm chán nản, mệt mỏi, căng thẳng thêm thôi, rồi sau này chúng ta sẽ có những con người tương lai của đất nước như thế nào? Trở nên vô cảm và quên đi truyền thống văn hóa mà chỉ lo kiếm tiền thôi sao?
Lỗi của giáo dục?
Không phải ngẫu nhiên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng bày tỏ sự lo ngại và nhấn mạnh “việc đào tạo giáo dục đạo đức cho học sinh đang không được coi trọng”.
Giáo sư Hoàng Xuân Sính, một trong những chuyên gia hàng đầu về giáo dục cũng khá lo ngại về vấn đề đạo đức trong học đường hiện nay. Bà cho rằng, trong 12 năm học từ tiểu học đến hết THPT, các trường chỉ làm được việc trang bị kiến thức cho học sinh. Còn trang bị những đức tính con người hầu như bị bỏ ngỏ.
Đừng hỏi tại sao, giờ ra đường con trẻ không biết chào hỏi, ông bà, người lớn tuổi, ăn cơm không biết mời, sống ích kỷ, nói tục...
Dạy trẻ thẳng thắn, tự lập, không dựa dẫm là đúng nhưng không phải cách dẫm đạp để có được niềm vui, coi đồng tiền là thượng tôn, có tiền là có tất cả. Dạy trẻ phải xuất phát từ tình thương yêu, từ trái tim, tâm hồn trong sáng chứ không phải chỉ là những cỗ máy không có trái tim, giả tạo.
Chắc hẳn kết quả này không phải là mong muốn của ngành giáo dục cũng như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đề án cải cách giáo dục chắc cũng không hướng tới một mục đích là đào tạo ra những cỗ máy chỉ biết kiếm tiền.
Nhưng trước những câu chuyện vẫn hàng ngày hiện hữu, việc người ta đổ lỗi cho ngành giáo dục là điều dễ hiểu.
Độc giả Đoàn Ngọc Tuấn cho rằng "Đây chính là sản phẩm của ngành giáo dục". Còn độc giả Hồ Quốc Lập thì gay gắt hơn:
"Đây là hậu quả của cải cách giáo dục mà Bộ Giáo dục khởi xướng. Bộ giáo dục quá kém vì không làm tròn trách nhiệm, đặc biệt là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó "lá lành đùm lá rách", " tương thân tương ái" ... mà chúng ta đang cố gắng giữ gìn trước mặt trái của nền kinh tế thị trường. Thế mà ngành giáo dục đang cố gắng tạo những con người cho thế hệ mai sau trở thành những chiếc máy kiếm tiền giống như những thầy cô giáo nêu trên".
                                                                       Xã luận.com

Không có nhận xét nào:

Trang