26 tháng 4, 2014

“Chúng ta phải tái cơ cấu lại cơ quan quản lý nhà nước”

Đây là nhận định của TS Nguyễn Đức Thành trong cuộc phỏng vấn bên lề Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam 2014, về việc cần phải làm của Việt Nam trước sự thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Như ông phát biểu trong bài tham luận, nền kinh tế của chúng ta đang tồn tại một thực tế là thể chế chưa theo kịp hội nhập, môi trường kinh doanh đang yếu đi. Vậy chúng ta đang kỳ vọng gì ở lần hội nhập tiếp theo này, ở sự kiện AEC vào cuối năm 2015?
Bài học là chúng ta đã hội nhập. Chúng ta có mấy đợt hội nhập. Một là hội nhập ASEAN, trở thành thành viên của ASEAN, sau đó là BTA Mỹ năm 1995. Đó là lần hội nhập rất lớn của Việt Nam. Có thể nói Việt Nam đã có một sự cất cánh rất tốt đẹp từ năm 1995 đến những năm 2000.
Một đợt hội nhập tiếp theo là vào năm 2007, với sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đến bây giờ, tôi thấy có một làn sóng mới, cuối năm 2015, có thể gọi là đầu năm 2016, với sự kiện thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mà Việt Nam gia nhập như một trong các nước thành viên. Tiếp sau đó có thể là TPP, như một đợt hội nhập mới.
Tuy nhiên, chỉ qua sau hai đợt hội nhập vừa rồi, chúng ta đã thấy có một số bài học kinh nghiệm rút ra cho đợt hội nhập thứ ba này. Nếu chúng ta thực sự cầu thị, muốn cải cách nền kinh tế theo hướng phát triển khu vực tư nhân, trở thành nền tảng cốt lõi của thị trường, phát triển một nền kinh tế thị trường đầy đủ ở Việt Nam một cách dứt khoát thì chúng ta sẽ đạt được nhiều thành công hơn.
Vì sao cần phải thu hẹp khu vực DNNN?
Bởi vì chỉ khi khu vực tư nhân được cởi mở, được phát huy, đồng thời là sự thu hẹp tương đối của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để lấy sân cho khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) cũng như khu vực đa sở hữu và phát triển thì nền tảng sản xuất, nền tảng về cấu trúc thị trường của Việt Nam sẽ mạnh mẽ lên theo thời gian. Chúng ta không làm được điều này càng sớm thì chúng ta càng bị trễ trên đoàn tàu hội nhập.
TS Nguyễn Đức Thành tham gia Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam 2014 trên tư cách diễn giả
Những hiệu quả của đầu tư kinh tế từ năm 2007 đến nay cho thấy, thay vì làm điều đó, chúng ta lại củng cố các đại tập đoàn doanh nghiệp nhà nước, với mục đích, cũng là tốt đẹp thôi, đón bắt những cơ hội của WTO. Chúng ta đã không thành công. Đó là không đúng hướng. Như vậy, chúng ta nên chuyển hướng. Tôi tin rằng việc chúng ta xây dựng được nền kinh tế thị trường thực thụ, đầy đủ ở Việt Nam, với khu vực tư nhân làm nền tảng vững chắc và rộng khắp, đó sẽ là con đường cho tương lai của Việt Nam trong bất kỳ hội nhập kinh tế nào.
Ông nói, Việt Nam cần phải đổi mới cơ cấu thị trường. Hiện nay, nhà nước tập trung rất nhiều vào DNNN, và DNNN cũng được hưởng rất nhiều nguồn lực…
Tôi cho rằng việc chúng ta có một chế tài đối với một ngành cụ thể, ví dụ, ngành ô tô, đấy không phải là một phương pháp phù hợp với quá trình hội nhập.

“…Cứ để người ta phát triển, miễn sao bây giờ người ta có cái gì, mình không nhũng nhiễu người ta, không đánh thuế quá cao, không chèn ép người ta, bắt người ta phải chịu đựng những thủ tục hành chính hay hạn chế nào đó. Họ muốn xuất khẩu sang thị trường nào đó, chúng ta mở đường cho họ. Như vậy rất là quý rồi” - TS Nguyễn Đức Thành.

Quá trình hội nhập đòi hỏi một sự tự do rất lớn trong việc lựa chọn các ngành nghề sản xuất, để nó tự phát triển, tự khai thác những lợi thế. Thế thì, chúng ta cố gắng cưỡng bức, cưỡng ép xây dựng ngành theo những ý chí mà chúng ta cho là tốt đẹp, cuối cùng nó không đúng với mong muốn bởi thị trường có những câu trả lời khác. Như vậy, chúng ta sẽ rất thiệt thòi. Chúng ta mất đi cơ hội bởi vì chúng ta tập trung quá nhiều nguồn lực vào một khu vực, kể cả chỉ là việc khuyến khích thôi, bởi vì việc khuyến khích cũng chỉ nên khuyến khích có hạn thôi.
Khi tập trung khuyến khích, mặc dù ngành này toàn là các DNTN và các doanh nghiệp đa sở hữu thôi, không có DNNN, điều này cũng có nghĩa đã mất rất nhiều nguồn lực cho ngành đó. Vậy chúng ta sẽ không khuyến khích được các ngành khác. Ngành khác chúng ta lại không phát hiện ra được rằng đó là một ngành tốt.
Nhưng trên thực tế có những ngành chúng ta đã khuyến khích đầu tư, nhưng trong 10 năm qua cũng không đạt được hiệu quả như kỳ vọng…
Tôi cho rằng, việc chọn khuyến khích ngành nào chỉ là thứ yếu. Việc đầu tiên của nhà nước là phải tạo ra một môi trường kinh doanh tốt với chi phí hữu hạn, nhũng nhiễu, tham nhũng giảm, chèn ép doanh nghiệp hay các khu vực công quyền từ trung ương tới địa phương tạo điều kiện, giảm xuống. Tôi nghĩ đó là những điều hữu ích nhất hơn bất kỳ cái gọi là khuyến khích, động viên hay là hỗ trợ nào. Đó là mảng thứ nhất.
Mảng thứ hai, trên cơ sở môi trường kinh doanh được cải thiện, nhà nước nên tạo nên một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là điều nhà nước làm được và chỉ nhà nước mới làm được thôi. Tức là tạo lập một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, với lạm phát vừa phải và các cân bằng trong nền kinh tế được tạo lập, ví dụ như cân bằng ngân sách, cân bằng cán cân thương mại, điều chỉnh chế độ tỷ giá. Đó là những mảng nhà nước có thể làm, để làm những điều đó cũng rất là mất công, nhưng hiệu quả thì rất lớn.
Ngoài ra còn liên quan tới chính sách ngành, như bạn nói ban đầu, định hướng hỗ trợ ngành nào, cái đó không còn phù hợp với thời kỳ hội nhập lớn như hiện nay nữa. Một chính sách ngành lớn nhất tôi cho rằng hiện nay là chính sách thu hẹp khu vực DNNN ở trên tất cả các lĩnh vực lại. Đây là chính sách ngành tốt nhất, bởi vì khu vực DNTN sẽ lớn mạnh lên, qua đó, họ sẽ tự tìm được con đường đi, cách thức và lựa chọn công nghệ nào để cải thiện chính những sản phẩm của mình.
Thế nhưng, vẫn cần xác định mũi nhọn của nền kinh tế để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để tránh tình trạng bị tụt hậu?
Như tôi đã nói, việc nhà nước cố gắng tìm một ngành mũi nhọn hay chúng ta, những nghiên cứu, những nhà bình luận xã hội không phải là phương pháp phù hợp. Bởi vì, bạn đã thấy, các ngành thép, công nghệ…. được xác định là mũi nhọn, bởi vì nó đã trở thành các ngành đỉnh cao trên nền kinh tế thế giới rồi. Nhưng rõ ràng sau 10-20 năm, thế giới đã chọn con đường khác. Chúng ta hiện vẫn tiếp tục đi con đường đó bởi chúng ta đã gắn vào nó rồi, vẫn cố làm như vậy. Cách lựa chọn con đường như thế là không phù hợp.

"Theo đuổi lý tưởng về một nền kinh tế cạnh tranh là cái “nghiệp” cả đời tôi..." - TS Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cách đầu tiên là cởi mở và mở rộng năng lực sản xuất. Ví dụ như gốm Minh Long, chẳng ai lựa chọn ông ấy cả, chẳng ai định hướng ông ấy cả. Nhưng ông ấy thích nghề ấy, thích ngành ấy, ông ấy cứ làm thôi. Tự nhiên bây giờ trở thành lợi thế của ngành doanh nghiệp Việt Nam. Mà không ai đưa nó vào lựa chọn ban đầu cả. Ngoài ra còn nhiều ngành, nghề khác mà chúng ta không biết, bởi vì chỉ những doanh nhân, nhà đầu tư doanh nghiệp mới biết.
Như vậy thì quan trọng nhất là để họ quyền tự do làm, chúng ta chỉ đóng vai trò hỗ trợ thôi. Ví dụ, ông gốm Minh Long đang làm tốt rồi, mình thấy hay quá lại tập trung vào phát triển thì có khi lại hỏng. Cứ để người ta phát triển, miễn sao bây giờ người ta có cái gì, mình không nhũng nhiễu người ta, không đánh thuế quá cao, không chèn ép người ta, bắt người ta phải chịu đựng những thủ tục hành chính hay hạn chế nào đó. Họ muốn xuất khẩu sang thị trường nào đó, chúng ta mở đường cho họ. Như vậy rất là quý rồi.
Hiện nay, hàng rào kỹ thuật tại các nước rất tốt. Tuy nhiên, điều này chưa được thực hiện tốt tại Việt Nam. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp VN kém lợi khi hàng hóa tràn vào thị trường Việt Nam.
Đúng! Đây cũng chính là một trong những vấn đề cần cơ cấu lại, cần điều chỉnh hướng nguồn lực của các cơ quan quản lý Việt Nam. Lấy ví dụ về cơ quan Hải quan. Sau khi chuyển hướng về thuế quan, cơ quan Hải quan sẽ thực sự trở nên rất khổng lồ. Chúng ta sẽ phải đầu tư rất nhiều nguồn lực về người, kỹ thuật…
Đặc biệt cơ quan kỹ thuật sẽ phải gánh rất nhiều việc. Việc thẩm định trở nên đặc biệt phức tạp, bởi vì hàng rào thuế quan đã được gỡ bỏ. Như phản ánh của ngành thép trong buổi diễn đàn, khi các đối tác lách luật kỹ thuật thì trước hết mình cần phải nắm được điều đó. Nếu mình không biết, thì nó cứ vào thôi.
Theo ông, các cơ quan nhà nước đã có chính sách gì về vấn đề này?
Chúng ta phải tái cơ cấu lại cơ quan quản lý nhà nước theo hướng đội ngũ kỹ thuật nhiều hơn, trình độ cao hơn, chất xám nhiều hơn và bám sát doanh nghiệp hơn để tạo ra được các tư vấn, chính sách, quy chế mang tính hàm kỹ thuật và phù hợp. Phù hợp thôi nhé, chứ không phải là làm cực đoan, ngăn chặn hết lại. Nhưng phải có nhóm đó. Đây phải là một cách làm hoàn toàn mới, một là về đội ngũ nhân lực, hai là phải gắn rất chặt với doanh nghiệp. Tức, giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp phải rất gần nhau.
Điều này chúng ta vẫn chưa quen, đang dần dần cải thiện thôi. Bằng cách qua những buổi diễn đàn như này hay qua những cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Yêu cầu là cần phải thực sự cầu thị, là vì lợi ích thật sự của doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước chỉ là đại diện cho những quyền lợi đó của Việt Nam trên thế giới, đối với các nước khác. Lắng nghe họ và triển khai được, đó mới là điều mới, một cách dịch chuyển.
Xin cảm ơn ông.

Tăng cường xúc tiến xuất khẩu, tiến tới hội nhập sâu vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN là chủ đề được Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam 2014 chọn được thực hiện. Diễn đàn do Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (Bộ Công thương) tổ chức tại Hà Nội, ngày 17/4/2014.

Diễn đàn được thực hiện nhằm nhìn nhận về ý nghĩa kinh tế và các tác động đa chiều của sự ra đời của AEC vào cuối năm 2015 đối với nền kinh tế Việt Nam, cũng như những phân tích và một số gợi ý cụ thể về chính sách nhằm vận dụng hiệu quả cơ hội AEC để thúc đẩy lĩnh vực xuất nhập khẩu tại một số ngành, hàng cụ thể.


Không có nhận xét nào:

Trang