6 tháng 6, 2013

NÓI CHUYỆN VỚI LÍNH GIÀ ĐẶNG VĂN VIỆT

Trần Bình Nam 

         Chuyện tôi sắp hầu quý độc giả liên quan đến chương 36 trong “Hồi kí người lính già” của ông Đặng Văn Việt viết từ Hà Nội ngày 7 tháng 12 năm 2004 sau khi ông Việt đi thăm nước Mỹ về. Tài liệu này do Câu Lạc Bộ Dân Chủ Việt Nam chuyển.
Câu Lạc Bộ Dân Chủ Việt Nam là một nhóm anh em trong nước hoạt động cho dân chủ với nhận định “sự đàn áp thô bạo của cơ chế độc tài sẽ không làm chùn bước và bịt miệng được các tiếng nói tranh đấu dũng cảm cho nền dân chủ Việt Nam”. Mỗi tháng Câu Lạc Bộ Dân Chủ Việt Nam chuyển ra hải ngoại một điện thư (điện thư mới nhất là điện thư số 37 cho tháng 1 năm 2005). Các điện thư này giúp những người đấu tranh cho dân chủ trong và ngoài nước hiểu biết nhau qua những thông tin hai chiều để cùng nhau thực hiện một mặt trận chung đấu tranh cho dân chủ trong nước.
         Các Điện thư của Câu Lạc Bộ Dân Chủ, trong tinh thần đó, là những tài liệu giá trị và cần thiết. Nó mang lại sự đoàn kết nhất trí của tất cả những người Việt Nam không phân biệt quá khứ chính trị nhưng đồng một lòng trên nhận định là đất nước Việt Nam chỉ có thể vươn lên với cộng đồng thế giới nếu tại Việt Nam có một chế độ dân chủ. Đảng phái chính trị nào ngăn cản tiến trình đi tới dân chủ là có tội với đất nước.
         Tuy nhiên thỉnh thoảng Điện thư cũng chuyên chở những thông tin tạo nên sự hiểu lầm giữa những người Việt trong và ngoài nước. Bài trích chương 36 của tập “Hồi ký người lính già” của ông Đặng Văn Việt của Điện thư số 37 là một thí dụ (xin đọc Hồi kí Người Lính Già, chương 36 đính kèm)
         Ông Đặng Văn Việt, một sĩ quan quân đội Bắc Việt đã về hưu, sau một chuyến đi du lịch Hoa kỳ về Hà Nội đã ghi những cảm nghĩ của ông về chuyến đi nơi chương 36 của một tập Hồi kí của ông.
         Bằng một lối văn dí dỏm, điêu luyện ông Đặng Văn Việt nêu ra 4 chuyện lạ ông nhận thấy qua chuyến đi Mỹ.
         Chuyện lạ thứ nhất: Nước Mỹ có một hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Điều này ai cũng đồng ý với ông.
         Chuyện lạ thứ hai: Nước Mỹ vệ sinh và sạch sẽ ở bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào. Cũng đồng ý với ông Việt thôi. Nước Mỹ sạch hơn Việt Nam, sạch hơn Trung quốc, sạch hơn Pháp, hơn Anh, nếu có thua thì thua Nhật một chút thôi.
         Chuyện lạ thứ ba: Nước Mỹ và dân Mỹ đã giàu, lại càng giàu thêm lên, tại sao nước Việt Nam và dân Việt Nam đã nghèo lại không giàu lên được. Hiện tượng «Mỹ giàu lại giàu thêm, Việt Nam nghèo mà không làm giàu nổi» làm ông Đặng Văn Việt lạ lùng là một hiện tượng có thật. Và ông Đặng Văn Việt lý giải đó «là con đẻ của các chính sách hiện hành, của cách tổ chức, cách quản lý đồng tiền của chúng ta.  Có thể những người khó tính một chút không đồng ý với ông Đặng Văn Việt về cách lý giải nguyên nhân của sự lạ lùng trên. Nhưng đó là chuyện sẽ bàn sau. Nói chung thì ai cũng đồng ý với nhận xét của ông Đặng Văn Việt về hiện tượng.
            Chuyện lạ thứ tư : Ông Đặng Văn Việt viết : «Tại sao một số người Việt ở đất Mỹ lại quay lưng lại với đất nước Việt Nam. Tại sao cả thế giới đều công nhận nước Việt Nam mà một số người Việt Nam lại không công nhận nước họ.
         Đi hàng ngàn cây số, giáp hàng trăm người Mỹ không một ai nói “Tôi ghét Việt Nam” trái lại, khi họ biết là người Việt Nam, thì có thái độ tôn trọng, kính nể.
         Thế mà một số người Việt Nam đang ở đất nước Mỹ ở bờ bên kia Thái bình dương, hằng ngày quay đầu về nước chửi bới, họ moi móc một số chuyện cũ, chuyện mới rêu rao cho mọi người biết, mồm thì hô hào: lật đổ, lật đổ.
         Tôi được mục kích thấy 2 cột cờ, trên ấy một cột treo cờ Mỹ, một cột treo cờ “ba que”, hiện tượng trên chứng tỏ một số người còn luyến tiếc chính quyền cũ đã sụp đổ.
         Chúng ta tôn trọng quyền tự do của mọi người, nhưng là con người có dòng máu Việt nam, thì ai cũng phải tự hào là sau gần 100 năm bị đô hộ Việt Nam ngày nay là một nước độc lập, được toàn thế giới công nhận, và tôn trọng kính nể và biết ơn. Chế độ hiện hành là cộng sản, hay không cộng sản, ai cũng có quyền thích chế độ này hay chế độ khác, nhưng không thể không tự hào về nơi gốc rễ của mình; quay lại làm nhục đất nước là một tội lỗi, những con người Việt Nam ấy đã bỏ quên một nền tự hào, mà hàng triệu con người đã đổ xuống để đổi lấy nó…. »
            Đến chuyện lạ thứ 4 này tôi thấy ông Đặng Văn Việt đã để cho trí tưởng tượng của mình đi qua xa, giả vờ thấy cây mà không thấy rừng, và ngụy biện. Trước hết không có chuyện «người Việt Nam đang ở đất nước Mỹ ở bờ bên kia Thái bình dương, hằng ngày quay đầu về nước chửi bới, họ moi móc một số chuyện cũ, chuyện mới rêu rao cho mọi người biết,». Người Việt ở Hoa kỳ (cũng như mọi người Việt ở hải ngoại) lúc nào cũng dành tình cảm lai láng cho quê hương đất nước và đồng bào ruột thịt trong nước. Nhưng họ đau lòng khi (cũng như ông Việt) thấy cái điều lạ lùng thứ 3 ông Việt nêu trên là đất nước Việt Nam sao vẫn nghèo nàn, không ngóc đầu lên được, và bị thế giới coi thường. Nhưng khác ông ở chỗ họ thấy được nguồn gốc của sự suy đồi đó là do cái chế độ độc tài đảng trị của đảng Cộng sản Việt Nam. Chính sự độc tài đảng trị của đảng Cộng sản Việt Nam nắm trong tay cả 3 quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp là nguyên nhân của «các chính sách hiện hành (chính sách bất nhất, lệnh này chửi lại lệnh kia, của cách tổ chức (cái gì cũng nằm trong tay đảng, đảng làm luật, đảng thi hành, đảng xử án), cách quản lý đồng tiền của chúng ta (quản lý thế nào để tiền thi nhau lọt vào túi các đảng viên cao cấp)». Nếu người Việt ở hải ngoại có lên tiếng là lên tiếng tố cáo đảng Cộng sản Việt Nam trước nhân dân trong nước và dư luận quốc tế. Người Việt ở hải ngoại biết phân biệt người cầm quyền đàn áp với nhân dân bị đàn áp.
         Ông Đặng Văn Việt viết : «Tôi được mục kích thấy 2 cột cờ, trên ấy một cột treo cờ Mỹ, một cột treo cờ “ba que”, hiện tượng trên chứng tỏ một số người còn luyến tiếc chính quyền cũ đã sụp đổ » Trước hết cách dùng chữ lá cờ ba que của ông, một người biết mình viết gì nói gì không thể ngăn cản tôi phải nói rằng ông viết với tinh thần bôi nhọ, có ác ý, gây chia rẽ. Người Việt hải ngoại treo cờ vàng ba sọc đỏ của miền Nam Việt Nam trước kia như là một biểu tượng của cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của 81 triệu dân Việt từ ải Nam quan đến mũi Cà Mâu chứ không phải để biểu tỏ sự luyến tiếc chính quyền miền Nam cũ. Lá cờ của một nước Việt Nam dân chủ trong tương lai sẽ do nhân dân toàn quốc chọn qua một quốc hội của dân (chứ không phải của đảng). Và với một nguời còn khả năng suy nghĩ cũng thấy rằng lá cờ đó sẽ không thể là cờ đỏ sao vàng hay cờ vàng ba sọc đỏ.
         Khi ông Việt viết : «Chúng ta tôn trọng quyền tự do của mọi người, nhưng là con người có dòng máu Việt nam, thì ai cũng phải tự hào là sau gần 100 năm bị đô hộ Việt Nam ngày nay là một nước độc lập, được toàn thế giới công nhận, và tôn trọng kính nể và biết ơn. Chế độ hiện hành là cộng sản, hay không cộng sản, ai cũng có quyền thích chế độ này hay chế độ khác, nhưng không thể không tự hào về nơi gốc rễ của mình; quay lại làm nhục đất nước là một tội lỗi, những con người Việt Nam ấy đã bỏ quên một nền tự hào, mà hàng triệu con người đã đổ xuống để đổi lấy nó…. » tôi có cảm tưởng ông Đặng Văn Việt nhắm mắt trước sự thật. Người trong nước có quyền chọn lựa giữa chế độ cộng sản với một chế độ khác không ? Ông Đặng Văn Việt thừa biết có bao nhiêu người trong nước đang bị tù đày chỉ vì họ bày tỏ ý không chấp nhận chế độ cộng sản. Ông Việt còn có ác ý cho rằng người Việt hải ngoại khi phê bình, chỉ trích và tố cáo đảng Cộng sản Việt Nam là «không tự hào về gốc rễ của mình, quay lại làm nhục đất nước» Ngày nay nước Việt Nam là một nước độc lập nhưng không được thế giới kính nể. Ông Đặng Văn Việt không thấy thế giới đang khinh bỉ đất nước Việt Nam chúng ta. Tại sao ? Sự thật nói ra đau lòng : Vì đảng Cộng sản Việt Nam đã làm đổ máu của hàng triệu con người tưởng là cho độc lập tự do của tổ quốc nhưng sau khi thành công đất nước càng ngày càng nghèo, càng băng hoại về xã hội, đạo đức, giáo dục, và tham nhũng trở thành một lối sống của đảng cầm quyền.
         Ông Đặng Văn Việt viết : «Được tin tôi đến Cali ông Nguyễn Cao Kỳ điện hỏi thăm, ngỏ ý muốn gặp, vào lúc tôi sắp lên máy bay trở về Chicago ông xin tôi cuốn sách, tôi gửi tặng ông Kỳ sách của tôi, ông Kỳ hẹn khi nào về Hà Nội sẽ tìm gặp nhau, với danh nghĩa người lính già Cali gặp lính già Hà Nội» Tính hài hước của ông Đặng Văn Việt đã đến độ siêu đẳng, hết cười nổi. Ông Việt và ông Kỳ gặp nhau như hai người lính già thật là xứng đôi. Ông Kỳ về nước nếu vì nhớ quê hương đất nước thì đáng quý, nhưng về đó để muối mặt ca ngợi độc tài là cần là tốt để đổi lấy tiền hoa hồng khi đảng Cộng sản Việt Nam cho phép ông Kỳ làm trung gian giới thiệu ba chương trình đầu tư của một công ty liên doanh Mỹ-Việt trong tháng 12/2004 vừa qua thì người lính già đó không còn gì nữa để tự hào.
         Sau khi dùng tiểu mục « Cái lạ thứ 4 » để nói xấu người Việt hải ngoại một cách đầy ác ý, đề cao đảng Cộng sản Việt Nam, gián tiếp ngợi khen sự phản bội của ông Nguyễn Cao Kỳ, ông Đặng Văn Việt còn viết thêm 8 trang nữa để đưa ra những kế hoạch cải tổ viễn vông để chấn hưng đất nước, mục đích để đánh lạc hướng sự phán đoán của người đọc.
         Điều cần làm nhất để hòa giải dân tộc, tạo điều kiện xây dựng dân chủ và huy động khả năng hiếm có của dân tộc xây dựng đất nước phú cường là đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ quyền độc tôn chính trị (trước tiên là bỏ điều 4 quái ác trong bản Hiến Pháp hiện hành) thì không thấy ông Đặng Văn Việt nói đến.
         Để kết thúc câu chuyện với người lính già Đặng Văn Việt, tôi tự hỏi không biết khi anh em trong Câu Lạc Bộ Dân Chủ Việt Nam cho lên bài của ông Đặng Văn Việt anh em có thấy cái giá trị xiển dương (hay phá hoại) cho cuộc đấu tranh cho dân chủ mà anh em theo đuổi không ? Trong cái thế giới ma quỷ đang được điều khiển bởi những tay phù thủy đang ngồi tại Hà Nội sự thận trọng là cần thiết.

Trần Bình Nam


Đính kèm :

Hồi kí người lính già (của Đặng Văn Việt, Điện thư số 37, tháng 1/2005 của Câu Lạc Bộ Dân Chủ Việt Nam )
Chương 36
Những mới lạ của nước Mỹ đối với tôi

Sau một thời gian nghỉ hưu (1980 – 2004) và mày mò viết vài cuốn sách, tôi có ý nghĩ muốn nghỉ ngơi; chưa bao giờ tôi giám tự cho là nhà văn, nhà sử, nên nếu cứ lao vào lĩnh vực thần bí của người khác, e sợ rằng “đa ngôn-đa quá”
Tôi nảy ra ý nghĩ, hay tạm xếp bút nghiên, chu du thiên hạ một chuyến- vòng quanh trái đất xem nó tròn hay méo.
Tôi tìm đến GS, Trần Văn Hà, một học giả mà tôi từng yêu quý “Làm thế nào, trong túi không có đồng xu, mà đi được vòng quanh trái đất này hở thầy”.
GS. điềm đạm góp ý. Chỉ có phát huy nội lực cao độ, cộng với huy động tận cùng ngoại lực”.
Nhìn vào bản thân vốn liếng, tôi chỉ có căn buồng 15m2 ở gác, cái tủ sách nhỏ, và đồng lương cục trưởng khiêm tốn. Tôi suy ngẫm đến một tiềm năng mà tôi cần khai thác, đó là cái đầu….
Tôi nghĩ ngay đến những cuốn sách của tôi:
bullet
Cuốn Đường số 4 rực lửa, “được in ra 4 thứ tiếng, tái bản 6 lần, được 2 giải thưởng về văn học nghệ thuật”.
- Giải nhất toàn quốc năm 1999
- Giải đặc biệt Lạng Sơn năm 2000
bullet
Cuốn Lịch sử quân sự Việt Nam: nặng gần 4 cân
bullet
Cuốn Người lính già hàng vạn người xem, chưa một lời chê, được đài BBC (tháng 6/2004) bình luận xếp hàng đầu trong những hồi ký của năm 2004.
Tôi tập trung sức, thời gian và khả năng chăm lo cho mấy cuốn sách; trong 4 tháng “Người lính già” được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh.
Tất cả 3 cuộn đều được đánh máy sạch đẹp và cho vào đĩa CĐ. Cái gia tài tí hon ấy nằm lọt trong lòng bàn tay, và với cái vốn nay tôi có thể lên đường đi đến khắp các chân trời góc biển.
Xong phần nội lực, tôi nghĩ đến huy động ngoại lực.
Như trên đã nói, trong cải cách ruộng đất, hai gia đình họ Đặng Văn và Cao Xuân tan tác đi khắp nơi, cắm chốt và lập chi nhánh ở mọi nơi trên thế giới; đâu cũng có, một số làm ăn khá.
Tôi nghĩ đến em gái: bà Tâm, giáo sư Đại học Illinois (Chicago). Tôi điện
“Anh muốn qua thăm em một chuyến, nghĩ sao” ?
Hôm sau tôi được trả lời:
“OK, mời anh qua chơi với chúng em thủ tục cần gì cho biết, xe tàu em lo?
Tôi đến toà lãnh sự Mỹ xin những hướng dẫn, và sau 2 tuần, tôi có đầy đủ hồ sơ để nộp.

Tôi nghĩ đến chú em: Đặng Văn Kỳ, Giáo sư trường Đại học Polytechnique (Pháp)
“Anh muốn qua chơi với chú - nghĩ sao ?
Hôm sau, từ Paris, chú Ký đã trả lời:
“OK mời anh qua chơi với chúng em- cho biết thủ tục – tàu xe em lo.
Và cũng hai tuần sau, tôi đã có dầy đủ hồ sơ nộp cho Lãnh sứ quán Pháp ở Hà Nội.

Ngày 4/9/2004, tôi phải lên đường qua Mỹ, thế mà theo hẹn thì đến 6/9/2004 tôi mới có Visa đi Pháp. Tôi điện cho ông bạn tuỳ viên văn hoá. Lập tức từ Đại sứ quán Pháp có lệnh “Cấp cho ông Việt Visa trước 4 ngày (2/9/2004). Thế là tôi đã có đày đủ giấy tờ đi Mỹ và đi Pháp.
Tôi nghĩ đến chị ruột, chị Phan Huy Quát đang ở với các con ở Sydney (Úc) tôi điện. “Sau chuyến đi Mỹ và Pháp em muốn qua thăm chị –chị nghĩ sao”.
Qua Interphone chị Quát trả lời
“Mời chú qua chơi với chị mọi việc các cháu lo”.

Tôi đã thực hiện được lời vấn kế của bác Hà, cuộc hành trình chu du thiên hạ của tôi coi như đã sắp xếp xong tôi sẽ qua Mỹ trở về Hà Nội, rồi qua Pháp – Qua Úc
Lên đường thăm nước Mỹ:
Hành trang đã sẵn sàng, cái vali nặng kịt chỉ vì mấy chục cuốn sách làm quà. Qua cổng vào buồng đợi, phải nộp mãi lộ (200.000VNĐ), xem lại ví, tôi chỉ còn 34.000VNĐ (2đô) quay lại tôi bảo cháu Hải cùng đi: “Nộp cả cho cậu”.
Tôi đi Air Korean nên dừng chân 3 tiếng ở Seoul, vòng lên bắc cực, qua Béring Alaska, cuối cùng hạ cánh xuống sân bay Chicago.
Em Tâm và chồng là chú Wei lên tận sân bay đón
Từ Hà Nội, xa xăm, sau 32 tiếng, tôi đã rơi vào giữa nước Mỹ.
Tôi có cảm tưởng như đến với một hành tinh mới lạ; nếu ông Christophe Colombus đến Châu Mỹ còn hoang vu của người da đỏ, cách đây hơn 2 trăm năm, tôi đến Châu Mỹ đã khai phá, đã trở thành nước giàu nhất, văn minh nhất và mạnh nhất thế giới. Đúng vậy nước Mỹ đối với tôi có nhiều cái mới, cái lạ.
Tôi chỉ xin lượm lặt một vài điểm kể lại để bà con xem cho vui:
Sự bỡ ngỡ đầu tiên tiếp xúc với cuộc sống Mỹ:
Xe phóng như bay trên đại lộ (Chicago Illinois), đâm thẳng vào sân nhà, cổng gara vụt mở, xe lao vào và phanh đứng sững. Lập tức cánh cửa đằng sau lại xập xuống mau lẹ. Tôi có cảm giác như có ai đó, ở nhà, gác cổng, nên mới mở nhanh và đóng nhanh như vậy. Thực ra chỉ là việc bấm nút điện của chú Wei… Tôi bước vào nhà không khí ấm áp, cộng thêm mùi hương thoang thoảng của các loại hoa.
Tâm bảo Wei: “Anh tắt máy sưởi ấm và hút bụi, máy báo động. Em vào xem tin tức”.
Thế là chú Wei bấm công tắc, tắt hệ thống báo động để báo cho công an đến khi có người đột nhập. Hệ thống máy sưởi ấm, máy hút bụi đã làm việc xong và tự động tắt.
Căn nhà 8 buồng của 2 vợ chồng Tâm Wei lộng lẫy như một động tiên. Tôi tò mò ngắm cái này qua cái khác. Mọi thứ trong nhà đều máy móc hoá và điện tử hoá cao độ.
Bước vào nhà vệ sinh: Máy hút mùi hoạt động ngay. Nước hố tiểu, hố đại đều tự động mở và ngắt; buồng bếp được trang bị hết sức đầy đủ: đủ các thứ dụng cụ tiện nghi cho người nội trợ. Đủ các thứ lò và bếp, để nấu, nướng, hấp, sấy; đủ các thứ máy móc để xay thịt, xay hoa quả, máy lạnh, máy Freezer.
Ngoài hè thì máy giặt máy sấy, tưới cây, cắt cành, cắt cỏ.
Trong 10 tiếng vắng nhà hệ thống điện thoại và Internet ghi lại những lời nhắn, những điện tín của bạn bè. Tâm phải mất đến hơn nửa tiếng mới đọc hết tin
Nền nhà được lót toàn đệm lông, ngoài vườn trừ các gốc cây, mặt đất phẳng lì, bọc bởi một lớp đệm cỏ (cỏ của sân gôn) hàng ngày được tưới rửa bằng vòi nước, trong nhà đâu đâu cũng có sọt rắc: sọt ở salông, ở bếp, buồng tắm, ở nơi làm việc, buồng ngủ, ngoai vườn, trong ô tô ở mỗi tay nắm đều có một túi ni lông đựng rác của người trong xe.
Mải quen với lối sống hoang dã, bước vào một cuộc sống văn minh hiện đại đủ các máy móc và tiện nghi, tôi phải để ý từng li, từng tí và phải mất một thời gian mới làm quen được. Sau một chuyến đi dài hàng vạn cây số trên máy bay Wei và Tâm bảo tôi nghỉ ba bốn ngày để lấy lại sức và trong thời gian ấy chúng tôi bàn lập một chương trình cho chuyến đi thăm nước Mỹ.
Sau ba ngày nghỉ ngơi chúng tôi, cả nhà lên xe đi Wasinghinton thăm một số bà con trong thành phố Pittbourg, thăm bảo tàng Space, bảo tàng khoa học, bảo tàng sinh vật, bảo tàng lịch sử, mộ gia đình Tổng Thống Kennedy, thăm toà Bạch Ốc (từ xa)
Sau năm ngày, chúng tôi trở lại Chicago, thăm trường đại học Illinois, trường tiểu học Champaigne ở lại Illinois 3 ngày, cả gia đình lại mua vé may bay đi Los Angéles thăm bạn bè và một số bà con họ Cao Xuân, thăm khu phố Việt kiều, thăm một chùa nổi tiếng, thăm một bến câu cá biển.
Trở lại Chicago, chúng tôi đã đi thăm tàu Queen Mary , tàu ngầm, bảo tàng Thuỷ sản
Tôi đi Dallas 5 ngày, thăm bà con họ Đặng Văn
Trở lại Illinois thăm Wisconsin một vùng trồng Strawberry, một đặc sản, thăm nhà máy giấy lớn nhất thế giới của Mỹ, nhà máy làm Beurre, fromage
Cuối cùng sau gần 2 tháng, chúng tôi trở lại Việt nam, qua Canada qua Bắc cực về Hà Nội; tôi qua Bắc cực vào lúc 10h đêm, thế mà trời vẫn sáng vì đúng vào lúc 6 tháng ngày
1. Chuyện lạ thứ nhất với tôi: Một hệ giao thông hoàn chỉnh
Nếu ở Việt Nam ta phương tiện giao thông cho cá nhân và gia đình là xe đạp, xe máy, thì ở Mỹ là ôtô. Với trẻ em học sinh ở xa trường trên một Mile 1/2 thì có xe ô tô School bus ” đón tận nhà, nếu lớn 15 – 17 tuổi trở lên, các cháu có xe riêng và tự lái đi học, mỗi gia đình có 2-3 xe có khi nhiều hơn (với gia đình nông dân, gia đình người kinh doanh) vì vậy nước Mỹ có 280 triệu dân, chắc chắn số xe lưu hành có trên 280 triệu chiếc.
Nước Mỹ đầu tư rất lớn cho hệ thống giao thông, đường cao tốc thẳng như sợi chỉ băng, xe đi nhanh đi vào giữa, xe đi chậm đi ra rìa,cứ thế hàng vạn xe lao trên đường với vận tốc 100km/giờ đèn, xanh là xe chạy, có đèn đỏ là xe đứng, dù là nửa đêm, không có một bóng người, chứng tỏ luật giao thông được tôn trọng nghiêm túc
Qua hàng ngàn cây số trên đại lộ, có mấy điều lạ làm tôi ngạc nhiên.
1.     Tôi nhìn mãi, không tìm ra một bóng người đi bộ ven đường, mọi người đều ở trong xe.
2.     Không thấy một bóng anh công an nào gác đường, mà chỉ có những xe công an chạy trên đường có trang bị nhiều đèn nháy, hay đổ ở một điểm ở vệ đường.
3.     Tôi không được nghe một tiếng còi, dù là nhỏ.
4.     Tôi cũng không nhìn thấy một tai nạn máy bay hay xe hơi nào, có người chết hay bị thương (máy bay ở Dallas, ở LosAngêles: cứ 30 giây 1 chuyến).
5.     Qua các nơi gặp xe hoả, tôi không thấy một cổng chắn nào, hay có người gác đường; các nơi gặp đường sắt, đều có biển để “Rail-Way”, lập tức các xe đều dừng lại, nhìn qua trái phải, nếu không có bóng xe hoả, xe hơi mới tiến lên vượt qua đường.
6.     Có nhiều chỗ, nhất là trong thành phố ở các ngã tư, thường có biển để chữ đỏ Stop; lập tức, tất cả các xe đều dừng lại; lệnh “Stop”, tức là đứng, xe trở lại số 0 và đứng hẳn.
Nếu vì lý do gì mà xe cứ đi, thì lập tức, camera chụp ảnh và chủ xe nhận 1 giấy báo tin đến nộp phạt (300 đô)

7.     Hai bên đường đại lộ, hầu hết đều không có nhà cửa, không có hàng quán, cứ khoảng từng chặng đường chừng 50 cây số, có tổ chức một trạm dừng chân (Rest area) các xe cộ rẽ vào, hành khách đi vệ sinh, giải lao, uống nước… ở Mỹ, không có xu hướng tìm mặt đường…
Đi hàng ngàn cây số, tôi có cảm tưởng rất yên tâm, mặc dù xe đi với tốc độ cao, ai cũng theo đúng vệt đường của mình, tuân thủ triệt để các chỉ dẫn trên đường, các đường cắt ngang đại lộ đều qua đường vượt.
Nước Mỹ có một hệ thống giao thông tuyệt vời và khoa học.
Về đến nước nhà, không ngày nào mà tôi không nghe tin về những vụ tai nạn, số người chết bị thương chẳng khác gì hồi có chiến tranh.
Chúng ta phải nghiên cứu rút kinh nghiệm vận dụng cho hệ thống giao thông Việt Nam.
2. Điểm lạ thứ 2 với tôi: vấn đề giữ vệ sinh, giữ sạch đẹp khắp mọi nơi mọi lúc.
Tôi còn nhớ hồi ở trường trung học thầy cô dạy một châm ngôn:
Sạch sẽ là dấu hiệu đầu tiên, biểu hiện của trình độ văn minh”. (La propreté est le premier signe de la civilisation).
Điều lạ thứ 2: với tôi là cả nước Mỹ đâu đâu cũng rất sạch đẹp.
Nền đường là nơi tung ra nhiều bụi bặm, thế mà đường xá ở Mỹ là rất sạch sẽ, không có bụi, không có rác, không có đất, không cát sỏi: tôi có cảm giác nếu bị ngã bò lăn vài vòng trên mặt đường , áo quần của tôi vẫn không bị lấm bẩn. Quan sát tìm nguyên nhân, tôi tìm ra một bí quyết: ở Mỹ, đệm cỏ ven đường nằm sát với mép đường: mép đường và đệm cỏ ven đường sát nhau. Bởi vậy 2 bên đường không có đất và cát sỏi tung vào đường. Sau một trận mưa, đường được rửa sạch, mép cỏ xanh tươi, và cũng được rửa sạch không làm tung đất đá vào đường.
Đúng là một biện pháp thông minh và rẻ tiền
Các xe tải đều kín mít, không được tung ra bất cứ thứ gì xuống đường
Ở Việt Nam ta, các xe tải chở đất cát cho xây dựng, làm tung toé ra đường, đúng là nguồn bụi làm ô nhiễm bầu không khí, môi trường...
Ý thức giữ vệ sinh ở các nhà ở mà tôi được qua đều rất cao.
Bước qua cửa vào nền nhà lót bằng đệm lông, máy hút bụi thường xuyên được dùng đến, trong nhà mọi buồng đều có thùng rác riêng, không một mụn giấy, một vật rác nào mà không được nhặt cho vào thùng rác.
Ngoài cổng mỗi nhà có một một thùng rác lớn.
- Ở Mỹ, rác được phân loại từ các gia đình, đựng trong các túi màu sắc khác nhau.
bullet
Túi màu xanh, đựng rác phế phẩm, thức ăn
bullet
Túi màu trắng, giấy tờ bị loại
bullet
Túi màu đỏ; là túi nylon, vật liệu Polyé thylène
Nhờ sự phân loại như trên, nên các công nhân làm việc rất thuận lợi. Các nhà máy chế biến rác cũng được thuận lợi. ở các nhà ăn, nơi công cộng, nhà vệ sinh, đâu đâu cũng có thùng rác, và người dân Mỹ luôn tôn trọng giữ vệ sinh chung, không bao giờ vứt giấy rác, tàn thuốc lá, que diêm, xuống đường, hay sân nhà.
Tôi đã thăm qua một khu rừng, (Park Allerton) tôi không thấy rác vứt bừa bãi trong rừng, và trên đường đi giữa rừng, thỉnh thoảng tôi lại thấy một số thùng rác và nhà vệ sinh cho người đi lại chơi rừng.
Nhìn vào các dòng sông; dòng suối chy qua rừng hay qua thành phố, không có hiện tượng rác rưởi, túi nilon nổi lềnh bềnh hay bám vào bờ, nước sống suối vẫn trong veo. Cảnh tượng trên làm tôi nhớ đến sông Hồng, sông Lô, Sông Tô Lịch, tôi rùng mình, rờn rợn vì ghê tởm.
Ở Mỹ ở những nơi bẩn nhất cũng là nơi sạch nhất. Như các nơi dừng chân nghỉ ngơi.
Ở các nơi dừng chân nghỉ ngơi của các xe. Các dụng cụ vệ tinh đều được sử dụng loại hạng một, như ở các sân bay, hay ở khách sạn 5 sao. Các buồng đều có nóng lạnh, xà phòng kem, giấy lau tay và ổ điện sưởi tay, tất cả mọi thứ rác đều được vứt vào sọt, tuyệt đối không có giấy vệ sinh vứt xuống sàn nhà. Các buồng đều có điều hoà nhiệt độ và máy hút mùi hôi. trên thảm cỏ ngoài vườn ta có thể đi lại, tất trắng vẫn sạch, và có thể nghỉ ngơi như trên mặt chiếu.
Cái gì đã làm cho nước Mỹ sạch sẽ như vậy, đó là nhờ ý thức của từng con người , cộng với cách tổ chức thực hiện: đâu cũng có thùng rác, đâu cũng có nhà vệ sinh, lại thêm luật pháp nghiêm khắc và chặt chẽ, (một hiện tượng đái đường bị phạt 200 đô).
Trở lại với Hà Nội, nơi ngàn năm văn hiến: các đường phố đầy giấy vụn, túi nilôn. Qua chợ Hàng Gia, nơi bán rau, thịt, cá, nước bẩn đen ngầu, đọng hai bên đường, bốc lên một mùi hôi nồng đặc. Trước mỗi nhà, đều có một đống túi nilon đựng đủ các thứ tập trung ở ven đường, để đợi đêm có người mang đi. Từ chủ nhà đến người qua đường không ai thèm nhặt giấy rác trước mặt mình, ai cũng coi đó là vấn đề của xã hội, không ai chịu trách nhiệm. Người Hà Nội văn minh coi mặt đường là túi rác của mình một cách tự nhiên.
Hà Nội dân só đông, người đi lại dày đặc, thế mà tìm cho được một nhà vệ sinh thật là khó. Cả Hồ Hoàn Kiếm rộng mênh mông mà chỉ có một nhà vệ sinh công cộng, ai ra ai vào đều phải trả tiền. Vì vậy mà ở khắp thành phố, ở các gốc cây, nơi khuất, đều thành nhà vệ sinh, Việc phóng uế bừa bãi trở thành một thói quen, một chấp nhận của cả xã hội. Các chú Công an có thấy cũng làm ngơ, và ngay cả anh Công an suốt ngày trên đường cũng phải làm cái việc bừa bãi, để tự giải phóng cho mình một cách vui vẻ.
Cuộc sống của toàn dân không được sự quan tâm của các cấp, nhà lãnh đạo chú ý nhiều đến tô vẻ cho thành phố về mặt đẹp: như trồng cây, chậu hoa, cờ, quạt đèn đóm, nhưng lại quên cái sạch. Đẹp mà không sạch, vẻ đẹp sẽ mất đi 1/2; sạch và đẹp, là hai nội dung hỗ trợ lẫn nhau. Trong lễ hội Seagames, Hà Nội được trang hoàng làm tăng vẻ đẹp, đồng thời việc động viên cả thành phố giữ vệ sinh tốt, nên Hà Nội được trở nên lộng lẫy được mấy ngày, ai cũng tự hào về thủ đô Hà Nội của mình sau đâu lại vào đấy; sự mất vệ sinh , làm ô nhiễm môi trường, gây ra bao bệnh tật (dịch hạch, dịch tả…. kiết lị). Tình trạng mất vệ sinh của Hà Nội, của cả nước đang ở tình trạng báo động, mong sao các nhà lãnh đạo mở rộng tầm mắt, nhìn vào thực tế, và có biện pháp tốt giải quyết một vấn đề không chỉ thuộc về sinh hoạt, mà còn là vấn đề văn hoá, một tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá trình độ văn minh của dân tộc.
Nếu là Việt Kiều lưu vong, chúng ta cảm thấy họ sống sạch đẹp, gương mẫu trong việc giữ vệ sinh cho mình và cho người khác, như mọi người Mỹ.
Nếu là người ở trong nước thì chấp nhận một cách vô tư, tự nhiên, nếp sống lạc hậu, bẩn thỉu, sống giữa mùi hôi thối, giữa đống rác. Mà không cảm thấy hổ thẹn.
3. Chuyện lạ thứ 3 với tôi.
Vì sao Nhà nước và nhân dân Mỹ đã giàu, lại càng giàu thêm lên vì sao nhà nước và nhân dân Việt Nam đã nghèo lại không làm giàu lên được.
Nước Mỹ có diện tích 10T km2, dân số 280T là nước thứ 4 lớn nhất thế giới ngoài phần lục địa, nước Mỹ có vùng Alaska sát với Bắc Cực, nơi đây mỗi năm có 6 tháng ngày, 6 tháng đêm; có quần đảo Tahiti ở giữa Thái Bình Dương, quanh năm sóng vỗ, và là cái túi đựng các bão tố. Nước Mỹ rộng đến nỗi, tính từ đông qua tây, từ bờ Thái Bình dương qua bờ Đại tây dương, cùng một thời gian nhưng lại có 4 giờ khác nhau. Nên ở L.A là 12 giờ trưa thì ở Elpas là 1 giờ, Dallas là 2 giờ, NewYork là 3 giờ chiều.
Tài nguyên lại đa dạng và phong phú; đất rộng mênh mông bát ngát đến nay vẫn chưa khai phá hết. Tôi có vào thăm một nhà nông dân ở Illinois. Tôi hỏi ông bà chủ có bao nhiều thước đất: ông trả lời: Ruộng của tôi bề ngang là 1 Mile 1/2 (là gần 3 cây số) bề dài là 3 Miles (tương đương 6 cây số) tất c tương đương 18 km2). Ông bà chủ mời tôi lên chiếc xe gặt ngô (to như cái nhà) xe có điều hoà nhiệt độ, có đủ các thứ bánh ngọt, thức ăn… rượu, bia chẳng khác gì ở nhà).
Hầm mỏ đủ các thứ phong phú, bờ biển bao bọc bởi hai Đại dương: Thái bình dương, Đại tây dương. Đất rộng, người thưa, tài nguyên dồi dào, làm cho nước Mỹ tự nhiên nó đã trở nên giàu có, cộng thêm với trí tuệ, sự thông minh, với các chính sách chế độ thực tế hợp lý, đúng với quy luật, làm cho nước Mỹ trở nên là một nước giàu mạnh nhất, và văn minh nhất thế giới.
Tôi xin nói đến một vấn đề cốt lõi quan trọng đó là cách quản lý và sử dụng đồng tiền ở Mỹ.
Ở Mỹ, mọi người dân, mỗi gia đình đều không giữ tiền mặt, mà đồng tiền đồng vốn đều ở ngân hàng, trong tay họ chỉ có, một số Cheques số Tickets và một số ít tiền mặt cho tiêu dùng hằng ngày.
Vì vậy mà ở Mỹ người dân ít bị trộm, cướp, trấn lột. Nếu để ăn cắp ti vi, tủ lạnh, thì nhà nào cũng giống nhau.
Tôi theo bà em vào mua bán ở một cái chợ: qua cổng, là một nhà mái bằng rộng mênh mông, trong ấy có đầy đủ các thứ hàng cho người tiêu dùng. Chúng tôi nhặt từng thứ cần mua cho vào sọt xách tay, khi ra cổng, nơi thanh toán, cô bán hàng lấy từng thứ hàng dí vào máy điện tử, cuối cùng bấm một nút, hiện ra tổng số tiền của hàng hoá; cô bấm nút lần 2, xuất hiện số tiền thuế (1/10) của tổng số hàng, cô bấm nút thứ 3; cô có tiền hàng cộng với tiền thuế; cô xé hoá đơn cho chúng tôi thanh toán. Xong mọi việc chỉ trong vài phút, chúng tôi mang hàng ra khỏi chợ.
Ví dụ như: tổng số hàng giá là 10 đô, cộng 1 đô thuế (1/10) tổng cộng là 11 đô để trả.
Cách lằm ăn như trên, tôi đều thấy ở khắp nơi trên đất nước Mỹ: từ ga sân bay, tàu điện ngầm, nhà ăn, nhà hát, trạm mua xăng….. bao giờ cũng có tiền gốc cộng với tiền thuế (người mua nộp thuế…)
Đồng tiền chạy theo dòng điện qua máy điện tử, chạy vào các két của các ngân hàng; tiền thuế vào két của nhà nước, tiền hàng vào két của ông chủ.
Như vậy là trên đất Mỹ, từ nông thôn đến thành thị, từ vùng đồng bằng đến vùng rừng núi, hải đảo, bắc cực… Hàng trăm triệu con người trên nước Mỹ, từ chú bé sơ sanh đến cụ già 100 tuổi, 24/24 giờ, 365/365 ngày đều đóng góp phần hoạt động của mình cho nhà nước, (1/10). Hàng trăm ngàn tỷ đô la hàng ngày, hằng giờ rót như một dòng thác chạy vào quỹ của quốc gia không một chút tốn công tốn sức. Bởi lẽ ấy, Nhà nước Mỹ rất khuyến khích mọi người dân làm ăn phát đạt; trái lại mọi người ở trên nước Mỹ đều đóng góp một cách sòng phẳng, tự nguyện, vui vẻ cho quỹ nhà nước, để quay trở lại nhà nước phục vụ cho toàn dân qua những phúc lợi công cộng; quyền lợi của nhà nước, quyền lợi của nhân dân. gắn liền thành một. Vì vậy người dân, tuân thủ mọi pháp luật đã ban hành.
Cách quản lý khoa học, hiện đại cũng giúp cho bộ máy quản lý hết sức gọn nhẹ: một cái chợ to lớn hơn cái chợ Đồng Xuân mà không có bóng một người bán hàng, chỉ có 1 vài người bảo vệ, 2 người gác cổng, 5 cô thanh toán tiền, nếu là chợ Đồng Xuân thì phải có hàng ngàn người. ở các cây xăng thường có 5-6 vòi đều không có người bán, chỉ có 1-2 người, ngồi trong nhà theo dõi. Máy bán xăng đều tự động; cách quản lý đồng tiền qua máy điện tử, qua dòng điện, tạo nên điều kiện không ai có thể trốn thuế được,không có kẽ hở cho bọn tham nhũng, muốn tham nhũng cũng không tài nào tham nhũng được.
Và vì vậy mà nhà nước Mỹ đã giàu, lại càng giàu hơn lên, nhân dân Mỹ được sự khích lệ và giúp đỡ của nhà nước, đã giàu lại càng giàu hơn lên
Nhà nước chỉ quản lý những công việc, những xí nghiệp mà nhân dân không làm được, còn tất cả đều giao cho tư nhân làm, nhà nước vừa được nhàn, vừa được tiếng, vừa được miếng….
Nhìn vào cách quả lý kinh tế của nước ta:
Khởi đầu quốc doanh là chính, kinh tế tư doanh bị hạn chế, bị lên án; dần dần các quốc doanh làm ăn thua lỗ (8-90%) nhà nước phải nới tay cho tư doanh phát triển, và nay đang tìm cách cổ phần hoá các quốc doanh, con đường lên cổ phần hoá không phải dễ dàng.
Sau 20 năm về hưu, tôi trở lại thăm các cơ sở của bộ thuỷ sản, hầu hết đều thua lỗ.
Chính sách với tư doanh thì một mặt nới tay, một mặt thì hạn chế để tỏ lòng luyến tiếc các con để quốc doanh: thuế má, phép tắc, bao phiền toái cửa quyền làm cho kinh tế tư doanh sống ngoi ngóp, khó phát triển được.
Hàng ngàn tỷ thua lỗ của các quốc doanh, đổ lên đầu nhân dân; người dân nếu làm đầy đủ nghĩa vụ thuế má, thì thu nhập chỉ đủ nuôi Nhà nước với bộ máy cồng kềnh nặng nề, không còn đâu để nuôi bản thân và gia đình. Con đường dẫn đến là mọi người đều tìm cách trốn thuế; giữa dân nhân và nhà nước là hai đối đầu, một bên trốn, một bên bắt; có một số gia đình nhờ trốn lậu thuế trở nên giàu có trái lại một số bị bắt, bị tịch thu vài ba chuyến hàng, trở nên phá sản, cơ cực.
Nhà nước không nắm được đồng tiền nằm trong tay nhân dân, dân có bao nhiều nhà nước hoàn toàn không biết. Đồng tiền tham nhũng lại càng không nắm được, yêu cầu kê khai tài sản mãi vẫn không làm được: trên thị trường đồng tiền chạy từ tay người này sang tay người khác, tệ tham nhũng lan tràn ở mọi nơi, mọi lúc. Nhìn vào cách quản lý đồng tiền của 2 chế độ chúng ta có thể thấy về phía Mỹ là 3 không:
1.     Không giám tham nhũng, vì lẽ luật phạt rất nặng tôi trốn thuế, tôi tham nhũng.
2.     Không thể tham nhũng mọi thứ lưu thông đồng tiền trong mua bán, tiêu dùng, đều dùng đến qua máy điện tử, qua dòng điện, đến các ngân hàng, không có tiền mặt trao tay, cho nên không có kẽ hở và không thể tham nhũng được.
3.     Không cần phải tham nhũng.
Một nhà nước giàu có, nên nhân dân được hưởng nhiều phúc lợi; đường xá, điện, nước, những công trình công cộng, người già từ 60 tuổi trở lên, người thất nghiệp, dù là da trắng da đen, da vàng, da đỏ; những người ốm yếu, đều được nhà nước cung cấp một số tiền tối thiểu 720 đô la/ (tháng) vì vậy không có người nghèo, người đói rách. Những người có công ăn việc làm đều có lương cao do người chủ cấp theo giá trị sức lao động; do đồng lương cao, và trợ cấp cao nên cuộc sống ai cũng đầy đủ, không cần phải xoay sở, không cần phải tham nhũng . Nhìn lại về phía Việt Nam ta.
Nếu Mỹ là 3 không, thì ta lại 3 có
1. Có gan phạm pháp
Do luật pháp của ta không nghiêm, bên cạnh luật của nhà nước, còn có luật của tổ chức, luật rừng; có những người nắm pháp luật lại nằm ngoài pháp luật, trên không nghiêm dưới làm loạn, bởi vậy việc chấp hành pháp luật bị lỏng lẻo, kẻ gian có gan phạm pháp.
2. Có thể tham nhũng.
Đồng tiền theo đường dây qua tay qua túi, bị thất bát. ở đâu cũng có kẻ hở. Giấy tờ thủ tục, có khi chỉ là cái cớ để dối trên, lừa dưới; nhà nước không tài nào và có cách nào chống đỡ một khi đã trao quyền, trao chìa khoá cho những kẻ bán rẻ lương trị cho đồng tiền:
3. Cần thiết phải tham nhũng.
Đồng lương thấp so với yêu cầu của cuộc sống, nhu cầu bình thường cho cuộc sống của mỗi người là trên dưới 1 triệu thế mà lương của một sinh viên tốt nghiệp mới ra trường chỉ có 3 – 400.000 VNĐ/tháng, lưng một công nhân thường là 5 – 600.000 VNĐ/tháng. Do đồng lương không cân xứng với nhu cầu, cho nên đâu đâu cũng có hiện tượng phải xoay xở để bổ xung cho thiếu hụt, sự xoay sở diễn ra dưới nhiều hình thức.
Làm thêm giờ, buôn bán thêm, dạy thêm, viết báo, có những người không có tài xoay sở ngoài xã hội, phải xoay sở vào bản thân nhà nước, tức là phạm vào tham những, với họ tham nhũng, trở nên là nhu cầu cần thiết. Cũng là người Việt Nam ta nhưng nếu là Việt Kiều ở Mỹ, thì họ sẽ thực hiện 3 không.
Nếu là người ở trong nước, thì họ thực hiện 3 có.
Chúng ta thấy rất rõ là bệnh tham nhũng là con đẻ của các chính sách hiện hành, của cách tổ chức, cách quản lý đồng tiền của chúng ta, nếu cứ giữ nguyên cách quản lý đất nước theo kiểu này thì tham nhũng chỉ có tăng, không bao giờ chấm dứt được, một nhà nước nghèo, như một con bò sữa, bị vắt cạn kiệt thì lấy đâu hơi để làm những phúc lợi lớn cho xã hội. Tuy vậy trong xã hội Việt Nam có một số người quyết không tham nhũng:
bullet
Đó là những người chịu khó chịu khổ, dù hoàn cảnh nào cũng giữ được phẩm chất, theo gưng Bac Hồ, quyết không tham nhũng.
bullet
Đó là những người có công ăn việc làm với những cơ quan ngoại quốc, có đồng lương cao nên không cần phải tham nhũng.
bullet
Đó là những người có gia đình nước ngoài viện trợ
4. Chuyện lạ thứ 4 với tôi
Tại sao một số người Việt ở đất Mỹ lại quay lưng lại với đất nước Việt Nam tại sao cả thế giới đều công nhận nước Việt Nam mà một số người Việt Nam lại không công nhận nước họ.
Đi hàng ngàn cây số, giáp hàng trăm người Mỹ không một ai nói “Tôi ghét Việt Nam” trái lại, khi họ biết là người Việt Nam, thì có thái độ tôn trọng, kính nể
Thế mà một số người Việt Nam đang ở đất nước Mỹ ở bờ bên kia Thái bình dương, hằng ngày quay đầu về nước chửi bới, họ moi móc một số chuyện cũ, chuyện mới rêu rao cho mọi người biết, mồm thì hô hào: lật đổ, lật đổ.
Tôi được mục kích thấy 2 cột cờ, trên ây một cột treo cờ Mỹ, một cột treo cờ “ba que”, hiện tượng trên chứng tỏ một số người còn luyến tiếc chính quyền cũ đã sụp đổ.
Chúng ta tôn trọng quyền tự do của mọi người, nhưng là con người có dòng máu Việt nam, thì ai cũng phải tự hào là sau gần 100 năm bị đô hộ Việt Nam ngày nay là một nước độc lập, được toàn thế giới công nhận, và tôn trọng kính nể và biết ơn. Chế độ hiện hành là cộng sản, hay không cộng sản, ai cũng có quyền thích chế độ này hay chế độ khác, nhưng không thể không tự hào về nơi gốc rễ của mình; quay lại làm nhục đất nước là một tội lỗi, những con người Việt Nam ấy đã bỏ quên một nền tự hào, mà hàng triệu con người đã đổ xuống để đổi lấy nó…. 
Nếu có câu: Quan nhất thời, dân vạn đại thì ta có thể nói: chế độ là nhất thời.
Nhưng tổ quốc mới là vạn đại… Tôi không được gặp nhiều người, nhưng may mắn được gặp một số nhỏ, tôi góp ý giải thích một số thắc mắc của họ.
Lịch sử đã sang trang, việc hơn thua, đúng sai, hãy để cho các sử gia phán xét còn những người Việt Nam chúng ta, những người còn sống sót sau những sự biến động lớn của đất nước, chúng ta hãy gác sang một bên những chuyện cũ đã qua hãy ngồi lại dù là Bắc, Nam, dù là trong nước, là ngoài nước, hãy dịch lại gần nhau, động viên con cháu chung sức, góp phần xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương của chiến tranh. ở Mỹ tôi được gặp nhiều bà con họ hàng, ai cũng có nhà ở đàng hoàng, có công ăn việc làm. Cuộc sống ổn định, một số được lương khá 50.000 – 100.000 đô la/năm có cháu (200 – 250.000 đô la/năm, cháu lương 300.000 đô/năm gấp 300 lần lương ông trẻ); có những bà em, răng đen, nếu còn ở quê Nho Lâm, thì nay đang đưa võng ru cháu, miệng ăn trầu nhoe nhoét, thế mà nay lại thành những bà Mỹ, nói tiếng Mỹ như gió, lái xe trên đường cao tốc cũng trên 100 km/giờ như ai; các cháu nhỏ đều nói tiếng Mỹ líu lít làm ông không hiểu gì cả.
Mọi người đều hướng về tổ quốc, theo dõi tình hình, mong sao có dịp về quê nhà, có cháu muốn về giúp nước; là bác sĩ mổ não, là kỹ sư cấp thoát nước, là chuyên gia ở trung tâm nguyên tử, là chuyên viên ở ngân hàng…
Bên cạnh một số người có xu hướng tốt, thì có một số quá khích, hầu hết, thuộc người trong bộ máy chính quyền cũ, là những người bị mất mát nhiều hay ít, sau cuộc giải phóng Miền Nam hay cao trào di tản sau 1975. Đã trên 30 năm, mà hận thù vẫn dai dẳng giày vò tâm hồn họ. Họ luôn mồn trút những căm thù hướng về nơi chôn rau cắt rốn để nguyền rủa. Còn viết báo tung đi khắp nơi để kích động sự thù hằn, gây chia rẽ, phá sự đoàn kết của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Kẻ phải căm thù dân tộc Việt Nam phải là Pháp và Mỹ, họ đã mất hàng chục vạn sinh mệnh, hàng trăm tỷ đô la cho chiến tranh, thế mà nay họ trở lại nối giao hảo với dân Việt Nam, giúp xây dựng kinh tế văn hoá.
Tôi đã nói với họ nhiều vấn đề, rất thực tế và chân thành. Anh Cao Xuân Vĩ một người có trọng trách trong chế độ cũ thời ông Ngô Đình Diệm, cũng là người không thích Cộng sản, phát biểu. “Nghe anh Việt nói, tôi thích và phấn khởi. Nếu ai cũng nói như anh Việt thì tôi không ghét cộng sản”.
Cuối câu chuyện gặp gỡ, anh Vĩ nói:
Chúng tôi chỉ ghét những cái sai của Cộng sản, chứ không ghét người cộng sản. Tôi sẽ động viên Việt kiều nhất là ở Cali này, hướng về tổ quốc, về thăm quê hương, động viên con cháu về giúp đất nước”.
Tôi hoan nghênh ý của anh Vĩ. Được tin tôi đến Cali ông Nguyễn Cao Kỳ điện hỏi thăm, ngỏ ý muốn gặp, vào lúc tôi sắp lên máy bay trở về Chicago. ông xin tôi cuốn sách, tôi gửi tặng ông Kỳ sách của tôi, ông Kỳ hẹn khi nào về Hà Nội sẽ tìm gặp nhau, với danh nghĩa người lính già Cali gặp lính già Hà Nội.
Qua đất Mỹ chỉ một thời gian ngắn, đi chưa nhiều, sự tiếp xúc cũng bị hạn chế, tôi tự nghĩ, sự hiểu biết của tôi với nước Mỹ chỉ bề mặt, chỉ mới về không được 1/1000 tôi có thể thấy được một số mặt phải và có nhiều điều mặt trái, tôi chưa có điều kiện hiểu hiết, tôi cũng muốn giành phần cho ai muốn nói xấu nhiều về nước Mỹ. Tôi mạnh dạn ghi lại một số nét. Không ngoài mục đích góp những ý kiến có tác dụng cho xây dựng đất nước ta.
Phần kết:
Mọi việc đều phải đi đến kết thúc. Nhưng mới lạ của nước Mỹ đối với tôi có thể không có gì là mới lạ với bao nhiêu người khác.
Trước khi đi vào những vấn đề cụ thể, chúng ta lượt qua hai vấn đề:
1. So sánh sự tiến bộ của nước Mỹ.
2. Cách nhìn nước Mỹ thế nào cho đúng.

Nhận thức về nước Mỹ của tôi trước khi đi thăm và sau khi đi thăm có nhiều điều rất khác nhau:
Hằng ngày qua báo chí, qua phim ảnh tôi cứ tưởng tượng nước Mỹ như con ngáo ộp: chỉ là một cuộc sống hỗn loạn, toàn chuyện đâm chém nhau, giết nhau nhân dân Mỹ sống nơm nớp dưới sự đe doạ của trùm khủng bố Biladen.
Mỹ theo đường lối bành trướng, bá quyền; quân đội Mỹ tung đi khắp nơi, gây chiến tranh, tàn sát dân lành, một cách tàn bạo; nền giáo dục thì đồi truỵ, hư hỏng: mại dâm, ma tuý tràn lan…
Một số sự kiện đơn lẻ, nghe ra tưởng như là chuyện phổ biến: “học sinh điên dại, dùng súng bắn vào các bạn”. Chuyện trên chỉ xảy ra có một lần.
Vụ 11/9/2001, chỉ xảy ra có một lần, cho đến nay chưa có một vụ nào nối tiếp trên đất Mỹ. Cả nước Mỹ vẫn sống bình yên không có tí gì là hoảng hốt, hoang mang, và cũng nhờ vậy mà ông Bush mới tái cử.
Vào giữa nước Mỹ mới thấy cảnh sống thanh bình, hài hoà, dân chủ, bình đẳng, không phân biệt chủng tộc, phân biệt giàu nghèo, không phân biệt màu da, học sinh, sinh viên da trắng, da đen trong các trường đều cùng chung học, chung chi, rất nhiều cảnh sát là da đen. Chính quyền ông Bush dùng ông Powel là người da đen làm bộ trưởng ngoại giao. Bà mới thay ông Powel cũng là một phụ nữ da đen.
- Đi trên nước Mỹ trên các đường phố ít khi gặp bóng công an, và gần như ở Mỹ không có ngành công an hộ khẩu.
Nếp sống văn minh của người Mỹ biểu hiện ở thái độ lễ phép, lịch sự tôn trọng nhau, tôn trọng người già, làm việc đúng giờ, giữ đúng lời hẹn, tôn trọng pháp luật; suốt gần 2 tháng trên đất Mỹ tôi chưa nghe họ nói với nhau một lời to tiếng; ý thức giữ vệ sinh sạch đẹp rất cao. Không một ai khạc nhổ, vứt giấy, tàn thuốc lá xuống đất, nếu thấy một mảnh giấy vụn, họ nhặt cho vào túi nilon rồi bỏ vào nơi nào đó có thùng rác.
Về phúc lợi xã hội: ai cũng phải công nhận chế độ phúc lợi xã hội rất cao, cao như đã nói ở trên.
Ở Mỹ ai cũng béo tốt hồng hào, tìm một người gầy ở Mỹ là rất khó. Trái lại có nhiều người béo, một số béo quá sức tưởng tượng thành những người khổng lồ (2-300 cân). Người già ở Mỹ, thường không ở với con, mà vào nhà an dưỡng người già (hầu hết là tư nhân). Tôi có 1 bà chị, đã 11 năm nay bị bất động, nằm như cục thịt hồng hào trong một túi bông, ăn bằng hai ống cao su, cứ mỗi tháng, quỹ xã hội của nhà nước cho bà 4000 đô để trả cho nhà an dưỡng.
Nhà nước Mỹ có chính sách cho mọi người vay để làm nhà, mùa nhà (trả dài hạn 20 – 30 năm) có chính sách cho vay tiền để đi học, sau đỗ đạt, có bằng cấp, xin được việc làm, lúc ấy mới trả nợ dần.
Nền kinh tế Mỹ phát trển vào loại cao nhất thế giới này: 13.000 Tỷ dollas (GĐP).
Nền khoa học kỹ thuật phát triển cao trên mọi lĩnh vực.
Nền giáo dục, đào tạo nhân tài đã có nề nếp hàng trăm năm, vì vậy nước Mỹ không công nhận bằng cấp ở một số nước. Ví dụ như những kỹ sư, bác sỹ tốt nghiệp ở Việt nam, sang đến Mỹ, không được công nhận phải học lại, thi lại, có đỗ mới được công nhận và tiếp thu vào các cơ quan nhà máy.
Nước Mỹ là nước được nhiều giải Nobel nhất thế giới. Người Mỹ sống hài hoà với nhau. Còn rất hài hoà với thiên nhiên.
Ở giữa thành phố Chicago hay Washington thỉnh thoảng thấy có một đám rừng, được bảo vệ, và không ai chặt phá, các loại cầm thú chim muông sống chung với người.
Hàng ngàn chim bồ câu bay lượn ở vườn hoa, chim sẻ, chim gáy, chích choè, chim yến ở đâu cũng có, trong thành phố ở những vùng nước ao, hồ tôi thấy một số lele vịt nước, ngỗng trời bơi lội tìm mồi.
Trong vườn, rất nhiều sóc nhảy từ cành này sang cành khác, thỉnh thoảng có 1 – 2 chú hươu lạc vào vườn nhà bà em.
Ngoài bờ biển, chim hải âu đậu cạnh người tắm, đậu ở mái nhà, cột buồm, tôi đã mục kích mấy con hải âu đến sát các chú bé nhỏ đang câu cá. Chúng nhặt mồi trong sọt để ăn, bị xua, chốc chúng lại quay lại; tôi thầm nghĩ có lẽ ở Mỹ có một số luật cấm săn bắn, cấm ăn thịt cầm thú và chim muông. Ở Việt Nam ta, con người thiếu ý thức bảo vệ rừng chim và thú không được bảo vệ cho nên liên tục có hiện tượng phá rừng hay bắn giết các loại chim, nhiều loài có nguy cơ bị diệt chủng.
So với nhiều nước trên thế giới này, nhân dân Mỹ, nhà nước Mỹ, đã tạo cho mình một cuộc sống thiên đường, trên mnh đất mà họ đang sống, họ không đi tìm đâu xa vì họ đã bay lên đến mặt trăng, sao hoả, mà không đâu họ tìm thấy niết bàn, hay thiên đường (tôi xin nói lại không phải vì tôi qua Mỹ , mà khen nước Mỹ, tôi chỉ mới nói một phần là sự thật).
Chúng ta cần phải phân biệt chính phủ Mỹ và nhân dân Mỹ.
Đảng dân chủ, đảng cộng hoà, là 2 đảng đang nhau lãnh đạo đất nước Mỹ. Dù là ông Bush hay ông Kerry hai đảng này là đại diện cho những tập đoàn tư bản lớn trong những tập đoàn này có nhiều công ty chuyên sản xuất vũ khí các loại, vì vậy đường lối chính trị ngoại giao lệ thuộc vào quyền lợi của các tập đoàn tư bản. Bọn lái súng muốn làm giàu phải tạo nên một bầu không khí căng thẳng, chạy đua vũ trang, gây những đốm lửa chiến tranh nơi này hay nơi khác.
Còn nhân dân Mỹ, họ đang sống một cuộc sống đầy đủ phong phú, họ cần gì mà căm với ghét, oán với thù các dân tộc khác, vì vậy tôi tin là người dân Mỹ, không có ác cảm với nhân dân Việt Nam, mà còn trái lại.
Ngay cả trong giới cầm quyền, không phải tất cả đều có thái độ thù địch với Việt Nam, mà chỉ có một số mà thôi.
Mở rộng tấm bản đồ thế giới nước Việt Nam so với nước Mỹ chỉ như chiếc đũa bên cạnh cái cột nhà.
Giới cầm quyền Mỹ, một thời đã sai lầm, đánh giá thấp sức chịu đựng, lòng dũng cảm, giám hy sinh của dân tộc Việt Nam, nên đã nhảy vào cuộc chiến tranh Đông Dương thay cho Pháp, sau một thời gian dài (24 năm) hao người tốn của, khi nhận thấy Việt Nam không thể bị đánh bại (68) họ phải thu quân (1973).
Sau chiến tranh, tháng 6/1975, nước Mỹ đã từng gửi cho DSQ/ VN ở Paris một thông điệp.
Về nguyên tắc, Mỹ không thù hằn với Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trên cơ sở đó có thể tiến hành bất cứ quan hệ nào giữa đôi bên, một nước Việt Nam mạnh và độc lập là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Đúng vậy, một nước Việt Nam nhỏ bé, dù có giàu mạnh ở góc trời Đông Nam Á không có gì là một đe doạ cho nước Mỹ to lớn; thêm nửa nước Việt Nam muốn nhanh chóng đạt được những mục tiêu của mình, cũng rất cần đến nước Mỹ.
Nếu những nhà lãnh đạo Việt Nam mà thông thạo lịch sử truyền thống dân tộc, thông thạo về đường lối Tâm Công của Nguyễn Trãi, Lê Lợi, đường lối binh địch vận của chủ tịch Hồ Chí Minh, thì ngay sau 1975 đã bắt tay ngay với Pháp, với Mỹ kẻ xâm lược đã rút hết quân ra khỏi biên thuỳ. Ta coi như bạn, lập quan hệ bình đẳng tôn trọng lẫn nhau và giúp nhau xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Nếu từ 1975 ta đã làm được việc trên, thì nay (sau 30 năm năm) đất nước Việt Nam đã khác hẳn.
Chúng ta cũng khong quên lời dạy của ông cha “bán anh em xa, mua láng giềng gần, nước xa không cứu được lửa gần” không phải đi tìm những đồng minh xa mà quên sự giao hảo với người bạn gần gũi Trung Hoa (người bạn mà vừa phải hữu nghị, vừa phải cảnh giác).
Tôi có lần nghe đài báo của một quan chức ta: phải xây dựng đất nước nhanh, và đề phòng có khả năng tụt hậu.
Theo tôi thì không phải có khả năng tụt hậu, mà thực sự, ta đang bị tụt hậu. Những tiến bộ 30 qua, chỉ là những bước tiến chậm chạp của con rùa, bên cạnh nước đại của con ngựa thành Troie
Có giám nói, giám nhìn vào thực tế, thì mới thấy cái trạng thái đất nước bị tụt hậu, để có quyết tâm cao trong việc cứu nguy dân tộc.
Trên cơ sở những đánh giá, nhận định trên, tôi không giám như mọi người làm kiến nghị này đến kiến nghị khác, góp ý cho Đại nội này hay Đại hội khác, tôi chỉ muốn phát biểu số ý kiến cá nhân để các bạn đọc tham khảo, nếu có tác dụng thì nghiên cứu vận dụng nếu không có gì hay ho thì xin đừng luyến tiếc.
Về mục tiêu phấn đầu tôi đề nghị.
Xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh (dân giàu nước mạnh), công bằng văn minh, dân chủ và đoàn kết.
Việc xây dựng một xã hội với chủ đề tư tưởng là: đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản) công nông liên minh, tất cả là quốc doanh, cái gì cũng là tập thể hoá, hợp tác hoá, đường lối cán bộ theo chủ nghĩa thành phần, quản lý con người theo chủ nghĩa lý lịch, thiểu số phục tùng đa số, tiến lên thế giới đại đồng chống người bóc lột người …
Có nhiều điểm đã trở nên lạc hậu xa lạ với nền văn minh của thế kỷ 21. Và nền văn hoá truyền thống Việt Nam.
Xã hội loài người đang tiến lên như vũ bão là nhờ vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự phát triển của trí tuệ con người, sức mạnh của sự hợp tác đoàn kết của cộng đồng các giai cấp, các dân tộc. Thời của Mac-Lênin đâu có máy điện tử, một phút giải hàng triệu con số, đầu có robot làm việc suốt năm tháng thay cho hàng triệu sức lao động, đâu có người lên mặt trăng, sao ho, đâu có bom nguyên tử, bom khinh khí. ở thế giới văn minh robot đã trở thành kẻ thù số 1 của giai cấp công nhân vì robot cướp hết công ăn việc làm đẩy công nhân ra đường. Giai cấp tư sản trở thành đối tượng bóc lột tàn tệ các robot… Robot trở thành giai cấp vô sản hiện đại… Sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật đang làm đảo ngược nhiều lý luận về đạo giáo và về chính trị.
Luận điệu đấu tranh giai cấp là sợi chỉ xuyên suốt đưa xã hội tiến lên, đã trở nên quá lỗi thời, đã trở thành một sức cản cho sự tiến hoá của loài người. Thời gian để chạy theo những ảo tưởng đã qua rồi. Nhờ có đường lối đổi mới, nên Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa cách mạng vượt qua được chặng đường đầy thử thách khó khăn, không dẫm theo bước chân xụp đổ của Liên Xô và các nước Đông âu. Vì vậy Đảng ta ngày nay cần xem xét cái gì còn phù hợp thì sử dụng, cái gì đã quá lỗi thời thì loại bỏ không thương tiếc, có vậy Đảng mới tiếp tục phát huy được vai trò và vị trí tiền phong, phát huy sức mạnh của thời đại đưa đất nước tiến lên.
Nước Nhật sau thất bại của đại chiến lần 2, đáng lẽ phải hết sức căm thù đê quốc Mỹ về hai quả bom nguyên tử, nhưng người Nhật chịu gác sang một bên những đau thương của lịch sử, họ giữ giao hảo với Mỹ, nên mặc dù bị tàn phá, thất bại nặng nề, nhân dân Nhật đã phục hưng nhanh chóng trong vòng 20 – 30 năm và đưa nước Nhật đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.
Các nước Nam Triều Tiên, Phi luật tân hay Inđonisia, Malai, Singapo, Đài Loan, đã áp dụng đường lối kinh tế theo kiểu Mỹ và không đối đầu với Mỹ nên trước năm 1945, họ là những nước lạc hậu sau Việt Nam, thì nay là những nước hơn hẳn Việt Nam về nhiều mặt.
Rút những bài học trên, nước ta phải có những thay đổi mạnh dạn cho phù hợp với tình thế
Ta không học những cái không hay của nước Mỹ như chủ nghĩa bá quyền bành trướng, đường lối xâm lược, can thiệp vào nội bộ các nước khác, đem quân đi đánh phá các dân tộc bất cứ dưới danh nghĩa gì, rải bom B52- rải chất độc hoá học, gây tội ác với nhân loại, nhưng ta học những cái hay của Mỹ.
Đó là: đường lối xây dựng, phát triển kinh tế.
Đường lối phát triển khoa học, kỹ thuật, giáo dục.

Chúng ta đang bị tụt hậu, nên phải tiến lên theo kịp sự tiến bộ của thế giới bằng con đường ngắn nhất, nhanh nhất.
Biện pháp và thời gian.
Phải túm lấy thắt lưng của kẻ mạnh nhất giàu nhất, văn minh nhất để đuổi theo. Đó là nước Mỹ. Để trong vòng 15 – 20 năm trên một số lĩnh vực, Việt Nam ta sẽ không kém gì Mỹ.
Dân tộc Việt Nam cần cù, chịu khó, thông minh, ham học, chăm làm, chỉ cần áp dụng những cái hay nhất của Mỹ, chọn lọc thêm những cái hay nhất của thế giới văn minh, cộng với những điều kiện đất đai, tài nguyên, khí hậu, tiềm năng về truyền thống lịch sử, nhất định sẽ làm được; tại sao dân tộc Việt Nam có một truyền thống quân sự tuyệt vời như vậy (20 bị xâm lược 20 lần đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi với những kẻ thù mạnh nhất nhì của thời đại) lại không xây dựng nên một truyền thống văn hoá, kinh tế ngang hàng với các nước tiên tiến của thế giới.
Có một số người nêu lên cái thuyết nước Mỹ là kẻ thù số một đối với nhân dân Việt nam, nếu là người hiểu biết, thì sẽ tự hỏi. “Nước Việt Nam có cái gì để xứng đáng trở thành kẻ thù của nước Mỹ; thật là điên rồ, trong khi nói đến cần vun đắp cho cái quan hệ Việt Mỹ ngày càng tốt đẹp hơn lên, vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam, thì lại xếp Mỹ vào loại kẻ thù số một; đã là kẻ thù số một thì làm thế nào mà là cái gương để học tập. Những con người ấy đang đặt quyền lợi của đất nước xuống dưới bàn chân bẩn thỉư của họ, để mưu đồ một lợi ích cá nhân họ, hay tập đoàn của họ.
Nếu ta biết xử trí tốt, thì khả năng trở thành đối địch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là rất ít.
Ta thường hay chú ý đến chủ trương nghị quyết hay mà không chú ý có những biện pháp tốt, kịp thời sát với thực tế nên nhiều chủ trương, nghị quyết đã trở thành mộng mị.
Nếu tôi là ứng cử viên tổng thống, hay ứng cử viên làm chủ tịch một xã, tôi sẽ nói.
1. Hãy bắt chước Minh trị thiên hoàng làm cách đây hơn 100 năm: cách đây hơn 100 năm, để phục hưng nước Nhật từ một nước phong kiến lạc hậu thành một nước phát triển kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật tiên tiến, Minh trị tiên hoàng đã tổ chức cho hàng trăm, hàng ngàn cán bộ, thanh niên ra nước ngoài học tập, trong hàng cán bộ có một số là cán bộ cao cấp, chủ chốt.
Với Việt Nam hiện nay, ta cần tổ chức liên tục những đoàn cán bộ cao cấp, chọn lọc trong những người có năng lực, trình độ ( từ phó thủ tướng, đến bộ trưởng, tổng cục trưởng, tổng giám đốc , cục trưởng…. ) cho lên tàu, bay sang Mỹ, tham quan học tập, từng đợt 5-6 tháng, ăn ở dựa vào đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ tổ chức mời một số người giỏi lên lớp, giới thiệu.
Sau từng đợt học tập, sẽ phân công về nhận trách nhiệm thực thi những điều đã học, nếu làm dược, có hiệu quả, thì Nhà nước có chế độ khen thưởng bổ dụng, nếu bất lực bất tài thì cho rút lui về vườn, cho xuống cấp.
Song song với lớp trẻ, cho nhiều học sinh, sinh viên có năng khiếu, (không chỉ vì con ông cháu cha) đi học tập, vào các ngành kinh tế, văn hoá, kỹ thuật để về làm việc trong nước phi có chế độ đồng lương, cải tiến cho phù hợp. Chỉ có lớp trẻ đi, mà lớp già cứ ôm lấy cái đầu óc hủ bại, không biết sử dụng con người, không tôn trọng tài năng, thì lớp trẻ đi và sẽ không về (8-90%) kể cả con cái của các ông lớn.
2. Thực hiện cho kỳ được sự đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, các tầng lớp, đặt biệt đoàn kết trong nước và ngoài nước ta có hơn 3 triệu việt kiều ở nước ngoài. Trong đó có chừng 1 triệu 500 người đang ở Mỹ; số người ở Mỹ được Mỹ đào tạo, nuôi dưỡng, mà ta không phải tốn một xu; nếu có những chính sách, hay thay đổi về đường lối hợp với lòng người, ta có thể vận động một số về giúp nước. Chỉ cần họ làm đúng như họ đang làm ở Mỹ, thì bộ mặt của xã hội và đất nước Việt Nam sẽ khác hẳn, sau một thời gian ngắn.
Rõ ràng là nước Trung Hoa cộng sản làm ra được bom nguyên tử, không phải nhờ ở những kỹ thuật gia, bác học, đào từ các lò đại học Bắc Kinh, mà là nhờ ở những bác học Hoa kiều, đã làm việc ở các trung tâm nguyên tử Mỹ về giúp. Đó là các con cháu dòng họ Tiền.
Nếu con cháu họ Đặng Văn Cao, Xuân và một số dòng họ khác, về giúp nước thì ta có thể có nhà máy điện nguyên tử, tên lửa vượt đại dương, nhà máy lắp ráp sửa chữa boing hiện đại, có những chuyên gia mổ não giỏi trong những bệnh viện hiện đại, chuyên gia làm sạch nước Hồ Tây để mọi người uống.
Dưới thời Minh Mạng, Tự Đức ta chỉ có một Nguyễn Trường Tộ, ngày nay ta có hàng triệu Nguyễn Trường Tộ.
Ta mê tín ông Lý Quang Diệu, muốn mời ông làm cố vấn, ta có thể có hàng ngàn Lý Quang Diệu Việt Nam mà ta chưa dùng đến.
Phải có một cuộc cách mạng trong tư duy, trong lề lối làm việc. Theo gương Bác Hồ. Trong những giờ phút gay go nhất, bác vẫn giữ được sự sáng suất có những chủ trương táo bạo đưa con thuyền cách mạng chuyển bại thành thắng. Ông Đặng Tiểu Bình, ông Giang Trạch Dân hiện nay đang đưa nước Trung Hoa bước vào một giai đoạn lịch sử mới, trước sự ngạc nhiên của cả thế giới, là nhờ ở đầu óc sáng tạo, giám bỏ cái lỗi thời , theo cái mới của thời đại.
3. Phải nhanh chóng, thay đổi đường lối phát triển kinh tế, ứng dụng cách quản lý kinh tế, quản lý đồng tiền, tổ chức mạng lưới ngân hàng theo kiểu Mỹ.
Đường lối phát triển kinh tế: lên XHCN không qua tư bản chủ nghĩa đã thất bại.
Cái mô hình một mặt cho một số tư doanh làm ăn, một mặt còn duy trì hàng vạn quốc doanh mà 80 – 90% thua lỗ. Gây nên hàng vạn tỷ đồng thâm hụt, vào ngân sách của nhà nước, tạo thành gánh nặng cho toàn dân, làm tăng thêm mâu thuẫn giữa quyền lợi của nhân dân và quyền lợi của nhà nước.
Tôi nghĩ nhà nước chỉ nên làm những việc gì mà dân không làm được, còn thì để nhân dân làm, nhà nước đứng vai trò trung gian, chỉ đạo, cân đối, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn, nhà nước nắm quyền thu thuế, trong nhân dân, trong cả nước. Qua hệ thống ngân hàng, quản lý đồng tiền và thu thuế theo kiểu Mỹ như trên đã nói.
Nhân dân được khuyến khích, được tạo điều kiện, làm ăn sẽ phát đạt, sẽ càng gắn bó với nhà nước, vui vẻ đóng thuế một cách tự giác, thi hành mọi pháp luật đã ban hành.
Nhà nước được nhân dân ủng hộ, không còn ai trốn thuế, hiện tượng tham nhũng sẽ bị ngăn chặn. Thực hiện kê khai tài sản trước khi nhận chức và kê khai tài sản sau khi thôi nhậm chức và . 24/24 giờ, 356/356 ngày, hàng ngàn tỷ đồng sẽ chạy vào ngân hàng nhà nước như một dòng thác lớn. Nhà nước càng ngày càng giàu lên. Phúc lợi làm cho nhân dân sẽ tăng. Những công trình dù lớn đến mấy, một nhà nước giàu mạnh vẫn có khả năng làm được.
Từ 3 có (có gan, có thể, cần có tham nhũng) sẽ trở thành 3 không (không giám, không thể, không cần)
Hiện nay nước Việt Nam ta được xếp đứng trong hàng ngũ những nước bị tham nhũng hoành hành vào loại nhất thế giới (Tangania, Soudan, Côngô, Lybie, Irac) nếu ta biết thay đổi cách quản lý, Việt Nam sẽ trở nên nước ngang hàng với những nước ít tham nhũng nhất thế giới (Na Uy, Thuỷ Điện, Đan Mạch, Úc.)
Càng độc quyền càng chuyên chế càng thiếu dân chủ, tham nhũng càng tăng,
Dân càng nghèo, nước càng yếu, lòng tin sa sút tham nhũng càng tăng. Vì vậy phải nhanh chóng xây dựng một nước Việt Nam: Phồn vinh (dân giàu nước mạnh.) công bằng, văn minh, đoàn kết.
Tôi xin nêu thêm hai vấn đề có tính chất thời sự:
4. Tích cực cải tiến hệ thống giao thông và luật lệ giao thông. Hạn chế tối đa các tai nạn và thiết hại về người và của.
Trong khi ở Việt Nam ngày nào cũng có những thông báo về tai nạn giao thông. Những thiệt hại về người và của (ví dụ tháng 11/2004: cả nước có 980 người chết vì giao thông, hơn cả chiến tranh Irac). Thì ở Hoa Kỳ nơi mà nhịp độ giao thông còn mạnh gấp trăm nghìn lần so với ở Việt Nam, lại rất hiếm có những tin về tai nạn giao thông. Nguyên nhân chính là ở Mỹ đã tổ chức được một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, khoa học cộng với ý thức chấp hành luật lệ giao thông của mọi người, ở mọi nơi mọi lúc. Việc rút kinh nghiệm của nước Mỹ, vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam có những điểm khác như: không có vốn lớn, địa hình chật hẹp… nhiều chia cắt. Tuy vậy trong điều kiện có thể ta có thể làm nhiều cầu vượt để tránh sự cắt ngang đường trên các hệ thống giao thông chính: cần bố trí hệ thống đèn xanh đèn đỏ khoa học, hợp lý. Vận dụng một số ký hiệu như “Stop-Rail Way” đang được áp dụng ở Mỹ để hạn chế, tại nạn hạn chế tốn phí về công trình bảo vệ…
Tổ chức những trạm dừng chân trên những đường dài để hành khách có chỗ nghỉ ngơi. Có những nghiêm phạt với những vi phạm luật lệ giao thông. Dùng camera theo dõi giám sát ở một số nơi cần thiết.
5. Xây dựng nếp sống văn minh, trong ấy việc đầu tiên là bảo đảm gây ý thức giữ sạch đẹp trong cả nước từ nhà ở cho đến nơi công cộng.
Với vấn đề này chỉ giải quyết tư tưởng chưa đủ, đi đôi ta phải tăng cường nhiều biện pháp tổ chức và phải có đầu tư vốn cần thiết.
Phải gây cho mọi người dân có ý thức sạch đẹp là thuộc về nếp sống của một xã hội, của những con người văn minh, có văn hoá, là một vấn đề quốc thể. Phải là vấn đề thuộc ý thức của tất cả mọi người dân, mọi lứa tuổi, ở mọi nơi, mọi lúc, trong cả nước. Vấn đề vệ sinh sạch đẹp không chỉ là của các công nhân môi trường hay của một tổ chức nhà nước nào.
Bên cạnh việc lãnh đạo tư tưởng, việc lãnh đạo tổ chức, phải rất cụ thể và thực tế ví dụ ở Mỹ mỗi nhà trước cổng có một thùng rác lớn, thì ở ta tuỳ hoàn cnh mà đề ra yêu cầu (có thể 2 – 3 nhà để một thùng rác cho chung) ở các phố xá nơi hai bên có nhà hay chỉ có nhà ở một bên, phải quy định cho các gia đình cụ thể số thùng rác hay phạm vi chịu trách nhiệm về giữ vệ sinh.
Phải có đầu tư thùng rác ở khắp nơi không phải như hiện nay ở Hà Nội bố trí các thùng rác theo kiểu làm cảnh. Các chủ tịch thành phố. nghiên cứu bố trí nhiều nhà vệ sinh sạch đẹp ở nhiều nơi trong thành phố có vậy mới đáp ứng được một yêu cầu không thể thiếu về sinh hoạt của nhân dân thành phố (mỗi ngày ta chỉ ăn ba lần nhưng đi vệ sinh đến hn 10 lần) hãy ứng dụng lấy tiêu chuẩn một nhà vệ sinh của Mỹ ở trung tâm Hà Nội làm mẫu mực cho mọi nơi. Có người trông nom quản lý chu đáo tận tình; việc thu tiền hay không thu tiền nên nghiên cứu. Chỉ có một phúc lợi nhỏ là vệ sinh mà nhà nước không giải quyết nổi một điều đáng thẹn, ở Mỹ không có nới nào thu tiền những người đi vệ sinh vì đây là một phúc lợi mà nhà nước phục vụ lại nhân dân.
Lấy Hà Nội, Sài Gòn làm trung tâm gương mẫu về sạch đẹp, để rồi từ Hà Nội , Sài Gòn phát triển rộng ra các thành phố khác, và tiếp theo cho cả nước.
Tôi có một bạn già (HĐ) ở vùng Đuôi Cá (Nam Hà Nội) có bệnh đái dắt muốn vào thăm ba mươi sáu phố phường, nơi Văn Miếu cổ kính nhưng đã mấy năm dài ông không giám đi, chỉ vì lẽ không biết tìm đâu ra nơi vệ sinh. Tôi gợi ý với ông bạn, là nên mang theo một túi nilông để dùng khi hữu sự. Ông khen và bảo tôi nên phổ biến sáng kiến này cho tất cả người Hà Nội…
Cần nghiên cứu ứng dụng 3 loại túi nilông màu cho 3 loại rác. Nếu làm được sẽ tạo điều kiện hoạt động dễ dàng cho các nhà máy chế biến rác. Về luật pháp tôi nghĩ Quốc hội nên ban hành những pháp luật về vệ sinh sạch đẹp cho cả nước có chế độ nghiêm phạt những vi phạm về vệ sinh, chế độ kiểm tra và phạt việc giữ vệ sinh của từng nhà, từng cửa hàng, từng nơi công cộng, nơi ao hồ, sông ngòi.
Chúng ta mới nói đến vấn đề sạch đẹp trong sinh hoạt, nếu nói đến vấn đề nếp sống văn minh thì còn phải nói thêm đến nhiều vấn đề. Tôi chỉ xin nói đến nếp sống văn minh hạn chế trong phạm vi vấn đề sạch đẹp trong sinh hoạt. Đối với vấn đề bảo vệ đường, giữ vệ sinh cho đường sá, tôi nghĩ ta rất có thể áp dụng việc trồng thảm cỏ sát với các mép đường để ngăn chặn đất đá cát bụi lăn vào đường….
Là một cán bộ lão thành cách mạng, là một đảng viên lâu năm, suốt đời đã dành tất cả cho đất nước, không chút vụ lợi cá nhân, sau một chuyến may mắn được ra nước ngoài thăm bà con, bạn bè, được tận mắt xem một số vấn đề, tôi tự nghĩ có trách nhiệm ghi lại, giới thiệu cho ai quan tâm đến vận mệnh của đất nước.
Mong những ý kiến chân thành của tôi có tác dụng giúp một phần bổ ích. Tôi tin chắc là có nhiều sai sót, mong được rộng lòng tha thứ.
- Để kết thúc tôi xin ghi lại mấy vần thơ cổ của các bậc tiền bối:
- Quan nhất thời dân vạn đại
- Ghế quan ai ngồi xin chớ thờ
- Thương dân dân lập đền thờ
Hại dân dân đái ngập mồ thối xương

- Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ

- Cụ Nguyễn Khắc Niêm, thân sinh ra cố bác sỹ Nguyễn Khắc Viện khi thi đỗ Hoàng Giáp được nhà vua hỏi: Hoàng Giáp có ý gì giúp vua trong trị nước ?
Cụ điềm đạm dâng lên vua bốn câu thơ.
Tôn tộc đại quy
Tôn lộc đại nguy
Tôn tài đại thịnh
Tôn nịnh đại suy
Lời thơ mộc mạc nhưng bao gồm nhiều chân lý sâu sắc

Bác Hồ đã hết lòng yêu dân, vì dân, vì nước, nên cả nước cũng hết lòng yêu quý Bác Hồ. Đảng cộng sản Việt Nam đã đi tiên phong trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã có công lớn với lịch sử. Nhân dân Việt Nam không quên công lao ấy. Sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay đang đứng trước một thử thách đòi hỏi phải có một cuộc cách mạng trong tư duy, cũng như trong tổ chức cần có sự mạnh dạn cải cách, lướt qua những sức cản làm cho đất nước tụt hậu, có vậy thì đảng ta mới duy trì được vị trí và vai trò lãnh đạo của minh trước sứ mệnh với đất nước.
Nhân đây tôi không thể không cảm ơn chú Wei, em Tâm đã tạo cho anh những điều kiện vừa được đi chơi, vừa được nhìn vào cách sống, cách làm ăn của nước Mỹ, một chuyến đi vừa lí thú, vừa bổ ích.
Tôi cũng xin cảm ơn các bạn bè của Tâm Wei (bạn Mỹ và bạn Việt Nam) Các bà con nội ngoại đã dành cho tôi những chăm sóc, những tình cảm trìu mến trong thời gian ở Mỹ. Tôi cũng xin cám ơn lãnh sự quán Mỹ đã cấp giấy tờ tạo thuận lợi cho chuyến đi.
Bà đại diện lãnh sự quán hỏi tôi:
Cụ có đầy đủ các điều kiện để ở lại Mỹ cụ có ở lại không ?
Thưa không, tôi sinh ra, lớn lên ở Việt Nam và tôi cũng thích chết ở Việt Nam.
Hà Nội, ngày 7 tháng 12 năm 2004
Đặng Văn Việt

Không có nhận xét nào:

Trang