21 tháng 6, 2013

Nhà báo “tham nhũng” như thế nào?

Người ta gọi “báo chí là quyền lực thứ tư” trong xã hội sau Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp. Vì là quyền lực nên bao giờ cũng có sự lạm quyền. Lâu nay ta chỉ nói đến lãnh đạo có chức có quyền tham nhũng. Vậy nhà báo có tham nhũng không? Có! Một số nhà báo và cơ quan báo chí đang tham nhũng rất tinh vi. Báo mà đăng bài để “chạy án” cho Năm Cam cách đây mấy năm là báo hại đích thị rồi. Điển hình năm 2010, Hà Phan (Phan Hà Bình) phó tổng thư ký tòa soạn của một tờ báo lớn bị bắt khi nhận hối lộ 220 triệu đồng (11.000 đô la) để không viết bài tố các thương gia. Đó là những chuyện tham nhũng, hối lộ cụ thể. Từ nhiều năm qua báo chí ta cũng có “mẹo làm tiền” các doanh nghiệp không kém những vụ việc trên. Không ít tờ báo đang trở thành báo hại. Hại đến mức hễ nghe nhà báo tới là giám đốc “sợ” tái mặt , phải tìm cách “chạy trốn”, nhưng lại ít người nói tới.
Tòa soạn báo thành… cơ quan đánh quả !
Từ ngày đổi mới đến nay, báo chí đã thực sự trở thành “món ăn” không thể thiếu đối với người dân hàng ngày. Báo chí đang tham gia tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới, mở cửa, chống tiêu cực, tham nhũng. Nhiều tờ báo do hấp dẫn người đọc, phát hành số lượng lớn, nên người ta sống chủ yếu bằng lợi nhuận báo. Những tờ báo đó có các doanh nghiệp hàng ngày tìm đến xin đăng quảng cáo rất đông. Nhưng cũng có rất nhiều tờ báo chỉ phát hành được vài ngàn bản một kỳ. Tiền bán báo không đủ bù tiền in, tiền nhuận bút, nên cả tòa soạn sống chủ yếu bằng “nghề chạy quảng cáo” ở các doanh nghiệp Nhà nước, thậm chí “chạy” quảng cáo tận các trường tiểu học, trạm xá, bệnh viên… thậm chí trại phục hồi nhân phẩm cũng phải “mần” quảng cáo !


Hiện nay có rất nhiều tờ báo, tạp chí, cũng gọi là cơ quan báo chí với đủ ban bệ, nhưng không bao giờ làm báo cả! Thế họ sống bằng gì?
Nhiều tờ báo ở Hà Nội, vào Đà Nẵng lập ra một “Đại diện Miền Trung” hẳn hoi, nhưng tòa soạn không trả lương, mà anh em phải đi chạy quảng cáo để nuôi nhau! Cứ đến kỳ Tết Nguyên Đán, ngày 30-4, ngày nhà báo Việt Nam 21-6, ngày Quốc Khánh 2-9 v.v… cả tòa soạn không viết báo mà đổ xô đi… làm quảng cáo!
Làm quảng cáo mà có thư của thứ trưởng, vụ trưởng mang theo. Có báo một cái Tết “đọc lệnh” được vài ba tỷ đồng tiền quảng cáo! Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước phải tiếp mỗi ngày hàng mấy chục “nhà báo quảng cáo” như vậy nên phát sợ. Nhiều nhà báo đi “đọc lệnh” quảng cáo mà có tiền xây nhà lầu, mua xe hơi xịn. Chứ nếu sống bằng nhuận bút thì không bao giờ có những thứ như vậy. Một nhà báo viết nhiều, in nhiều như bác Nguyễn Xuyến ở cạnh nhà tôi, mỗi tháng nhuận bút về 7,8 triệu đồng cũng không đủ tiền mua xe hơi xịn như vậy. Các nhà báo hãy sờ tay lên trán mình mà ngẫm nghĩ để sống cho ra con người.
Dù doanh nghiệp không có nhu cầu quảng cáo, nhưng phải bấm bụng mà làm, vì không làm “lỡ có sai sót gì” trong kinh doanh, “nhà báo nói thêm” một thành mười thì nguy to! Một cái quảng cáo nửa trang (27x 40cm) 20 triệu bạc, in bìa thì 50 triệu . Một cái Tết “chiều” cho hết hàng mấy chục tờ báo, coi như mất toi hai ba bốn trăm triệu, vì thế mà giá hàng hóa dịch vụ bị đội lên, khó mà cạnh tranh. Doanh nghiệp Nhà nước thì ngày càng thua lỗ, thế mà phải “nuôi” thêm các anh “báo hại”! Bởi thế mà anh Lê Hữu Thăng, hiện là phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị, hồi làm giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu tỉnh, anh đã nghĩ ra được “mẹo” để tránh sự “tấn công” của các nhà báo quảng cáo. Anh làm một văn bản, bộ tứ công ty ký vào, quy định một năm chỉ làm quảng cáo trên 2 tờ báo vào dịp Tết hay lễ ở báo tỉnh, báo ngành. Anh dán tờ “ yết thị” đó lên. Nhà báo tới đành im lặng rút lui!
Có nhiều chiêu làm quảng cáo lắm. Viết một bài ca ngợi thành tích công ty, gọi là “ viết cho”, rồi bắt doanh nghiệp “trả ơn” bằng cái quảng cáo. Kiếm mấy em thật tươi mát, nhận làm hợp đồng, các em sẽ “ngồi lỳ” ở phòng giám đốc suốt buổi, giám đốc ngán quá phải ký, hoặc các em sẽ “chiều chuộng, liếc mắt đưa tình” giám đốc để được cái quảng cáo. Tiền chùa mà, mất gì! Đã có thư tố cáo ông giám đốc M. chi cho cô bồ nhí là ”phóng viên quảng cáo” của tờ báo nọ trong mấy tháng hơn 400 triệu đồng quảng cáo. Ở tỉnh nọ, các nhà báo tỉnh gọi đi làm quảng cáo là “đi đọc lệnh”. Có nghĩa là cứ đến doanh nghiệp bắt giám đốc ký, vì giám đốc nào cũng có “gót chân A-Sin” mà nếu tiết lộ lên báo là gay! Hoa hồng cho người làm quảng cáo từ 30% có báo chi trả 40, 45%, nên có nhà báo từ xe đạp “chân co chân duỗi”, vào nghề chỉ mấy năm làm quảng cáo đã xây được nhà bốn lầu, mua xe hơi… Thế là Tòa soạn báo thành cơ quan đi… đánh quả quảng cáo! Đó là tham nhũng chứ gì nữa !
Chuyên đề… “lừa”?!
Hiện nay có rất nhiều tờ báo, tạp chí, cũng gọi là cơ quan báo chí với đủ ban bệ, nhưng không bao giờ làm báo cả! Thế họ sống bằng gì? Xin thưa: bằng việc xuất bản các “chuyên đề… lừa”. Qua tìm hiểu nhiều báo, tôi biết cách làm của họ như sau: Chạy xin giấy phép, đặt tên thật oách, kiểu “Tiềm năng đầu tư của tỉnh…”, hay ”Tỉnh…rải thảm đỏ mời các nhà đầu tư”… Phóng viên trang bị máy ảnh kỹ thuật số xịn, đeo hai ba cái trước ngực, tay xách laptop kè kè, để lòe thiên hạ. Rồi ông Tổng biên tập lên xin ông Thứ trưởng, Bộ trưởng cái thư gửi cho Bí thư, chủ tịch các tỉnh, đề nghị phối hợp làm chuyên đề “giới thiệu tiềm năng đầu tư của địa phương” hay Lễ hội, Festival v.v… Các tỉnh nghe nói “đầu tư nước ngoài” mừng lắm , vì đây là mốt mà ! Ông Tổng biên tập mới tán thêm là “tờ báo của mình in song ngữ, phát hành đi hơn trăm nước trên thế giới, in ra hai triệu bản”. Thế là hợp đồng làm “Chuyên đề về tiềm năng kinh tế, mời gọi đầu tư của tỉnh X” được ký. Ngoài việc tỉnh chi số tiền in ấn lên tới hàng trăm triệu đồng, Chủ tịch tỉnh còn ký công văn “bắt“ hàng trăm doanh nghiệp mạnh trong tỉnh tham gia quảng cáo, mỗi doanh nghiệp 15 – 20 triệu đồng. Sau đó họ thuê người viết bài, chụp ảnh, dịch, cộng thêm trích đoạn nghị quyết tỉnh, bài phỏng vấn kèm ảnh ông bí thư, chủ tịch in trang đầu, thế là được cuốn “chuyên đề” dày khoảng 100 trang, in song ngữ Việt- Anh. Người viết bài này cũng đã từng được thuê viết bài “tiềm năng…” như vậy. Họ chỉ in 700 bản, nộp lưu chiểu, báo biếu 200 bản, còn 500 bản mang về bán lại cho tỉnh với 150 ngàn/1 cuốn (đã bỏ tiền ra in rồi lại phải bỏ tiền ra mua!). Chỉ một “chuyên đề .. lừa” như vậy, tòa báo đã kiếm được vài tỷ đồng ngon ơ! Có tòa soạn đã lần lượt làm được 61 chuyên đề tỉnh, hàng chục chuyên đề ngành, nhưng chẳng mang lại cho xã hội ích lợi nào! Những tờ báo như vậy không bao giờ xuất hiện trên thị trường, cũng không ai đặt mua qua bưu điện ! Đó là tham nhũng chứ gì nữa !
Có một loại sách… để trên bàn cho vui!
Người viết bài này thường thấy trên bàn làm việc của ông bạn giám đốc doanh nghiệp một chồng sách lớn, cuốn nào cũng dày cộm. Đó chỉ là “ sách… quảng cáo” do đủ loại nhà xuất bản và cơ quan báo chí ấn hành! Cuốn nào cũng có tên gọi thật kêu. Ví dụ như: “Từ điển doanh nghiệp Việt Nam; Cẩm nang doanh nghiệp Việt Nam; Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam; Hàng Việt Nam chất lượng cao; Doanh nhân vàng thời mở cửa v.v…” Tôi hỏi ông bạn: Sách này để làm gì? Ông trả lời : Để trên bàn cho… vui! Cứ một doanh nghiệp một trang giới thiệu rất đơn giản: tên doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại , Fax, ảnh trụ sở cơ quan, ảnh giám đốc v.v… cuốn gọi là “Cẩm nang doanh nghiêp” chỉ có 500 trang, nghĩa là chỉ 500 doanh nghiệp, trong lúc đó ở nước ta có gần 500.000 doanh nghiệp? Thế thì “từ điển, cẩm nang” cái nỗi gì? Nhưng mà làm được 500 trang quảng cáo đóng thành “sách” ấy, tòa soạn báo đã thu được 2,5 tỷ đồng doanh thu (5 triệu đồng/trang, chưa tính 3 trang bìa 4,3,2, mỗi trang từ 20 – 50 triệu đồng), trừ chi phí hoa hồng, tiền chế bản màu, in ấn, còn lãi ròng cả tỷ đồng! Bởi thế mà rất nhiều báo, nhà xuất bản năm nào cũng làm “Sách… quảng cáo” với nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng tất cả cuốn sách ấy đều không giúp ích được gì cho doanh nghiệp trong kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường. Đó là tham nhũng chứ gì nữa!
Vĩ thanh
Tôi không bao giờ phản đối việc quảng cáo trên báo chí. Vì quảng cáo càng nhiều chứng tỏ nền kinh tế càng phát triển. Nhưng quảng cáo theo kiểu “ đi xin, đi đọc lệnh”, hay “làm chuyên đề, sách… quảng cáo”… theo hình thức “lừa đảo” đã kể ở trên là làm khổ doanh nghiệp, là báo hại nền kinh tế đất nước. Các tòa soạn báo ơi, nhà báo ơi, tiền báo thu được từ quảng cáo đó là tiền thua lỗ của các doanh nghiệp cả đấy. Đây là một hiện tượng không lành mạnh nhưng rất phổ biến của báo chí hiện nay. Đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp giúp các báo nâng cao chất lượng bài vở sống được bằng nghề làm báo của mình!
(Blog Ngô Minh)

Không có nhận xét nào:

Trang